Đêm hành quân, Qua sông Thương, Gửi các anh, Ngã ba thị xã (Lưu Quang Vũ); Tiếng gà trưa, Chiến hào (Xuân Quỳnh); Tình yêu và báo động, Trở về trái tim mình (Bằng Việt); Âm thanh im lặng, Chiều (Vũ Quần Phương),… là những bài thơ có chất giọng tươi tắn, hồn nhiên của thơ trẻ chặng đầu ra trận: “Mùa xuân đậm lá ngụy trang
/ Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai / Ba lô nặng, súng cầm tay / Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương…” (Rừng xuân - Lê Anh Xuân).
Tuy dứt khoát, lạc quan nhưng chất lãng mạn trong hồn thơ thì vẫn đong đầy, nhớ thương là điều không thể che dấu: “Nào đâu phải người đi không lưu luyến / Mắt người trong như nước giếng ban đầu / Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ nhau” (Đêm hành quân - Lưu Quang Vũ). Trong những năm cuối của chặng thứ hai, đội ngũ nhà thơ trẻ ra trận ngày càng đông. Nhưng nhập trận mới là cảm hứng chính. Đây cũng là ưu thế nổi trội của thơ trẻ thời chống Mỹ. Các thế hệ nhà thơ lớp trước không thể hơn họ về vốn sống chiến trường. Đồng thời, chiến sự ngày càng ác liệt, tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ rất đáng sợ, B.52 không thể coi thường, thơ người lính tăng dần hiện thực nóng bỏng, nghiệt ngã nơi trận mạc. Chất giọng hào sảng trong thơ họ hầu hết đều thấm máu xương đồng đội: “Và anh chết trong khi đang đứng bắn / Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân); “Chết - Hy sinh cho Tổ quốc Hùng ơi / Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất” (Nấm mộ và cây trầm - Nguyễn Đức Mậu).
Cũng cần nói thêm, ở chặng thứ hai này, Tuần báo Văn nghệ tổ chức hai cuộc thi thơ, tạo cơ hội để những cây bút trẻ bộc lộ tài năng, tích cực sáng tác. Cuộc thi thơ năm 1966 có thể coi như cuộc thi mở đầu giai đoạn cả nước chống Mỹ. Chắc rằng đã có “ưu tiên” cho những sáng tác phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu chống không lực Hoa Kỳ đánh phá miền Bắc, bảo vệ cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, nhất là mạch máu giao thông, nên bài thơ Vào đêm của Thái Giang được trao giải nhì (không có giải nhất). Đồng giải nhì còn có bài Đường lên bản Muốn của Văn Thảo Nguyên, Chuyện một tổ trồng cây của Mai Thành Chương. Nhìn chung, cả ba bài đạt giải, về chất lượng đã không hơn những thi phẩm đồng giải nhì ở đợt thi của Tạp chí Văn nghệ 1961 (Nhớ mưa quê hương - Ca Lê Hiến, Lửa sáng rừng - Thái Giang); nếu không muốn nói là đã “thụt lùi” về nghệ thuật.
Phải đến cuộc thi thơ 1969 thì những bài đạt giải mới xứng tầm của nó. Lọc trong hơn 13.000 bài thơ của 2.500 tác giả gửi về dự thi, Ban giám khảo chọn ra chùm thơ bốn bài của Phạm Tiến Duật để trao giải nhất. Trong số đó, Lửa đèn là bài nổi trội hơn cả. Tác giả đã khéo sử dụng lối kết cấu điệp khúc để dẫn dắt mạch suy tưởng, nối kết các hình ảnh theo một trật tự nghệ thuật hoàn hảo. Bài thơ giàu sức ám gợi, góp phần làm nên “thương hiệu” Phạm Tiến Duật, được đông đảo bạn đọc mến mộ. Có thể nói, không riêng gì dòng thơ trẻ mà cả nền thơ chống Mỹ, cho đến thời điểm đó, Phạm Tiến Duật là người xây dựng thành công nhất biểu trưng “lửa” trong trạng huống chiến tranh; mạch thơ trôi chảy tự nhiên, không câu nệ vần điệu, hơi thơ khỏe khoắn, dồn dập, lời thơ bình dị nhưng ý thơ lấp lánh trí tuệ: “Bóng tối che rồi không nhìn thấy gì đâu / Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi / Cô gái làm duyên phải nhờ giọng nói / Bông hoa làm duyên phải lụy hương bay”.
Sau giải nhất của Phạm Tiến Duật, cuộc thi 1969 còn có ba giải nhì cho Vững Anh, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn. Tiếp đến là sáu giải ba, mười giải khuyến khích. Những tác giả đạt giải đã góp phần khẳng định chất giọng riêng của một thế hệ mới - thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ; tạo đà cho dòng thơ này tiếp tục vận động và khởi sắc ở chặng sau.
● Chặng thứ ba: Từ 1970
Đây là chặng cuối của thơ trẻ thời chống Mỹ. Đội ngũ sáng tác đã đông đảo vào những năm cuối chặng thứ hai, nay được bổ sung thêm nhiều cây bút mới, trong đó xuất hiện không ít tài năng: Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Hoàng Nhuận Cầm, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Huy Nhuận, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Định, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Lý Phương Liên, Anh Ngọc, Cảnh Trà, Thúy Bắc, Thanh Tùng, Thái Thăng Long, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Bá,... Thực ra, trong số những nhà thơ trẻ này, nhiều người đã có thơ đăng báo từ trước (Nguyễn Duy Nhuệ, Vũ Đình Văn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Cảnh Trà,...) nhưng phải đến đầu những năm 70 họ mới thành danh và nổi danh trên thi đàn. Nét đáng chú ý là, phần đa những nhà thơ trẻ bổ sung ở chặng cuối đều là những nhà thơ - chiến sĩ. Họ là những người cầm súng và cầm bút, nếm trải cuộc đời chinh chiến nơi tuyến đầu chứ không quan sát từ xa như lớp nhà thơ trước. Do vậy trong thơ trẻ thời chống Mỹ ở
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 7
- Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ: Khái Niệm, Diễn Trình Vận Động
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 9
- Những Dạng Thức Cảm Hứng Trong Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 12
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 13
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
chặng cuối, hiện thực được khám phá và khái quát hóa với tất cả những gì bề bộn, nóng bỏng nhất. Nguyễn Bá Thành khẳng định: “Bắt đầu từ những năm 70, thế hệ trẻ chống Mỹ đã viết một cách tự tin hơn, đều tay hơn. Thơ họ là tiếng nói của những người trực tiếp xung kích trên mọi mặt trận, là tiếng nói của một thế hệ sinh ra và lớn lên trong lòng nôi cách mạng” [161, tr.42]. Như chúng tôi nghĩ, bước sang những năm đầu thập niên 70, thơ trẻ thực sự vạm vỡ, cường tráng, có xu hướng áp đảo trên thi đàn. Qua độ giãn thời gian, số lượng thi phẩm thời đất nước chiến tranh, nay còn sống được, phần đa đều thuộc dòng thơ này.
Ý kiến trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành là có cơ sở. Từ những năm đầu thập niên 70, thơ trẻ thời chống Mỹ đã có bước chuyển về nhiều mặt: đội ngũ sáng tác, điểm nhìn nghệ thuật, thi pháp, giọng điệu,... Trong đó có một số trường hợp “xé rào”, vượt ra ngoài “khung tư tưởng” thời đó (Vòng trắng - Phạm Tiến Duật, Sẹo đất - Ngô Văn Phú, Trò chuyện với Thúy Kiều - Lý Phương Liên). Những chuyển biến này như sự vận động tất yếu của mọi hiện tượng nghệ thuật, điều mà xưa nay vẫn thường diễn ra.
Nhưng trước hết phải nhận thấy sự dội vào của những sự kiện lớn trong đời sống xã hội, sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử đối với thơ trẻ ở chặng cuối.
Nhìn chung, chúng tôi thấy một nổi lên một số đặc điểm chính sau đây:
- Thứ nhất, sau sự kiện Mậu Thân 1968 cho đến hết 1969 hầu như không có trận đánh nào làm rung chuyển thế cuộc. Sang đầu thập niên 70, chiến trường khốc liệt trở lại, mở rộng trên toàn cõi Đông Dương, nhiều trận đánh lớn diễn ra, mức độ còn dữ dội hơn trước. Như chiến dịch Đông - Xuân 1971 - 1972, trong đó mặt trận Đường Chín - Nam Lào, mặt trận Quảng Trị 81 ngày đêm, có thể nói “thây chất thành núi, máu chảy thành sông”. Cuối 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng bằng “pháo đài bay” B.52 gây thảm cảnh chết chóc chưa từng thấy: “Khâm Thiên trắng vành khăn tang đằm nước mắt” (Khâm Thiên - Lê Huy Quang). Đó là sự thực của chiến tranh, sự thực của lòng người mà thơ trẻ biểu đạt (Tố Hữu thì khác: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu / Hỡi em gái mất cha mất mẹ” - Việt Nam máu và hoa). Có lẽ cũng chỉ sáng tác của những nhà thơ trẻ, nhất là những cây bút trực diện trên chiến trường mới mô tả chiến tranh như là chiến tranh. Và cũng phải đến
chặng cuối, khi cuộc chiến đã đi qua nhiều năm tháng gian khổ, khi nhiều nhà thơ trẻ đã nếm đủ các cung bậc đau thương, mất mát nơi chiến trường thì mới đưa vào thơ cái khốc liệt đến tàn nhẫn như vậy.
- Thứ hai, Hiệp định Paris được kí kết, Hoa Kỳ chấp nhận rút quân nhưng vẫn không từ bỏ học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh”. Nghĩa là, cuộc chiến vẫn tiếp diễn, người vẫn ra chiến trường, miền Nam vẫn đầu rơi máu đổ. Thế nhưng trong thơ lại cất lên tiếng reo vui: “Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ / Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ /... / Song mùa vui đã mang xuân tới / Đã tắt hôm nay lửa chiến trường” (Việt Nam máu và hoa - Tố Hữu). Chiến thắng thì vui nhưng vui khi chiến trường chưa im tiếng súng, theo chúng tôi là hơi sớm và khập khiễng. Thơ trẻ nơi chiến trận hầu như không có tiếng reo vui nào sớm như vậy. Đưa ra so sánh để thấy rằng, nếu ví thơ chống Mỹ là “bảo tàng thơ chiến tranh”, thì phải nói rõ thêm: bảo tàng ấy trước hết thuộc về dòng thơ trẻ, gần hơn nữa là thơ trẻ ở chặng cuối, khi cuộc chiến sắp bước vào hồi kết. Bởi, tuy chưa tái hiện thật đầy đủ cuộc chiến nhưng thơ họ sát thực, sinh động. Và ở một chừng mực nào đó, chiến tranh trong thơ trẻ thời chống Mỹ được mô tả nhiều chiều: có chiến thắng có mất mát hi sinh, có niềm vui có nỗi buồn, có tự hào có đắng cay,... Còn ý kiến cho thơ trẻ ở chặng cuối đã gia tăng chất trí tuệ, giàu tính chính luận, coi đó như thành tựu đáng ghi nhận; điều này không phải bàn cãi và đó cũng là sự tiếp nối thơ của thế hệ trước, chưa thể vượt qua thế hệ trước, nhất là “đỉnh” Chế Lan Viên. Chỗ mạnh của thơ trẻ thời chống Mỹ, theo chúng tôi là ở mô tả chiến tranh chứ không phải ở bình luận chiến tranh. Đến chặng cuối, thơ trẻ nghiêng về tái hiện sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, tái hiện chân dung thế hệ, hơn là tập trung cổ vũ toàn quân toàn dân chiến đấu: “Thơ trẻ ở chặng cuối nói tới cái chết như là sự hi sinh mất mát to lớn trong chiến tranh, phản ánh tính chất ác liệt, dữ dội của nó” [79, tr.107].
- Thứ ba, cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân 1975 với trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Mê Thuột và trận đánh vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã nhuốm máu không biết bao nhiêu chiến sĩ mới có Ngày vĩ đại (bài thơ của Chế Lan Viên), Toàn thắng về ta, Vui thế hôm nay (thơ Tố Hữu). Mà ngẫm lại, thấy có bao điều xót xa khó nói: những trận đánh đẫm máu xuân 1975 đã không một bóng ngoại xâm nào trên chiến
trường. Gọi đó là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” thì không đúng. Nhưng người Việt bắn giết người Việt (hậu quả của “Việt Nam hóa chiến tranh” do người Mỹ để lại), thì không thể không đau lòng. Dẫu chưa thể nói hết tâm trạng của “triệu người vui và triệu người buồn” sau đại thắng 30 tháng 4; nhưng những gì mà Hữu Thỉnh thể hiện trong Đường tới thành phố, Nguyễn Duy trong Phóng sự 30 - 4 - 75 là rất đáng ghi nhận. Điều ghi nhận đầu tiên là niềm vui hội tụ nhân dân, không bận tâm đến “bên này - bên kia”, “địch - ta” khi chiến tranh kết thúc: “ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng / một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt / nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng
/ lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Trong cách nhìn của người hôm nay, những câu thơ của Hữu Thỉnh đã thấp thoáng tinh thần hòa giải - hòa hợp dân tộc; không biết khi sáng tác, nhà thơ có dụng ý đó không ?
Góp phần thúc đẩy sự khởi sắc của thơ trẻ thời chống Mỹ ở chặng cuối, không thể không nói đến hai cuộc thi của Tuần báo Văn nghệ: “Những cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ đã luôn luôn phát hiện thêm những tài năng mới” [195, tr.125]. Cuộc thi thơ 1972 - 1973 có hơn 28.000 bài thơ của ngót ba nghìn tác giả tham dự [195, tr.119]. Điều đó chứng tỏ bom đạn Mỹ đã không hủy diệt được thơ ca ở đất nước này. Bốn giải nhất được trao cho bốn nhà thơ nơi tuyến lửa: Hoàng Nhuận Cầm (Anh bộ đội và tiếng nhạc la, Thư mùa thu, Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, Nhật ký); Nguyễn Duy (Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm, Tre Việt Nam); Nguyễn Đức Mậu (Ghi ở chiến trường, Nằm hầm, Đất, Đôi mắt); Lâm Thị Mỹ Dạ (Khoảng trời và hố bom). Ba giải nhì thuộc về Anh Ngọc, Lâm Huy Nhuận, Cảnh Trà. Nét nổi bật của những bài thơ đạt giải đợt thi này là chất trẻ trung, tươi mới, hồn nhiên của những tâm hồn đang độ tuổi đôi mươi; đặc biệt là sự giàu có về chất sống trực tiếp của người lính nơi chiến trường; chất suy nghĩ, tính khái quát thể hiện khá đậm, sức hấp dẫn cao.
Cuộc thi thơ 1975 - 1976 thu hút 1.600 tác giả với 14.000 bài thơ gửi về tham dự. So với đợt thi trước thì đợt này số lượng giảm rõ rệt. Những bài thơ đạt giải được xếp theo thứ tự A - B - C - khuyến khích. Giải A trao cho ba tác giả: Hữu Thỉnh (Sức bền của đất, Chuyến đò đêm giáp ranh); Văn Lê (Tiếng gọi bò); Anh Ngọc (Sóng Côn Đảo). Nhìn chung, chất lượng những bài đạt giải đợt thi thơ lần này không hơn đợt thi 1972 - 1973. Nhưng điều đáng chú ý là sự xuất hiện hai sáng tác dài hơi như hai
trường ca (Sức bền của đất - Hữu Thỉnh; Sóng Côn Đảo - Anh Ngọc). Có thể coi đây là sự “trở mình” của thơ trẻ thời chống Mỹ vào chặng cuối, để không lâu sau đó cho ra đời những trường ca bề thế hơn: Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Đất nước hình tia chớp (Trần Mạnh Hảo), Trường ca sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu).
Các cuộc thi thơ do Tuần báo Văn nghệ tổ chức trong những năm chống Mỹ đã góp phần nâng cao chất lượng thơ, tạo điều kiện để thử thách những cây bút trẻ, phát hiện nhân tố mới, khẳng định vị trí của thơ trẻ thời chống Mỹ trên thi đàn.
● Tiểu kết
Thơ chống Mỹ đồng hành với cuộc kháng chiến chống Mỹ hơn hai mươi năm ròng rã (1955 - 1975). Đó là nền thơ đánh giặc giữ nước, thực hiện sứ mệnh cao cả trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Chuẩn giá trị cao nhất của nền thơ này là đóng góp của nó vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu coi thơ chống Mỹ là dàn đồng ca thì trước hết, dàn đồng ca ấy hội tụ và giao nhau ở tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, ở tình cảm cộng đồng mà không làm “nhòe lẫn” sắc điệu riêng của những nhà thơ tài năng, giàu sáng tạo.
Tiếp thu thành tựu hiện đại hóa thơ ca từ phong trào Thơ mới và thành tựu nghệ thuật của thơ chống Pháp (1946 - 1954), thơ chống Mỹ đã tạo được bước cách tân đáng kể về ngôn ngữ, thể thơ, tạo nên những đặc điểm thi pháp mới, trong đó phải nói đến đóng góp của đội ngũ nhà thơ trẻ. Qua ba chặng vận động, có thể khẳng định, thơ trẻ thời chống Mỹ như đường bay của viên đạn thẳng đầu, đủ sức trường tồn trong lịch sử thơ ca dân tộc.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, trong hoàn cảnh phải “ứng chiến” kịp thời, thơ chống Mỹ nói chung, dòng thơ trẻ nói riêng cũng có mặt hạn chế của nó, không ít bài “non yếu, sơ lược, công thức, minh họa dễ dãi” [110, tr. 2]. Có khi do quá lệch về nội dung tư tưởng, nặng mục đích tuyên truyền, chưa quan tâm đúng mức, thậm chí coi nhẹ hình thức nghệ thuật, nên một số sáng tác rơi vào tình trạng “khẩu hiệu bắt thành vần”, sống sượng, khô khan. Đó là sự thực không thể né tránh. Nhưng nhìn đại cục, mặt hạn chế đã không làm “giảm giá” thơ chống Mỹ. Mà suy cho cùng, thơ hay thì thời nào cũng hiếm. Ấy là chưa nói đến trạng huống chiến tranh: “Chiến
tranh ra bài thi nhập môn cũng là nơi thử sức lâu dài của mỗi người. Sự gắn bó tự thân với cuộc chiến đấu, sống hết mình trong thử thách hi sinh là cử chỉ đầu tiên của một người cầm bút trung thực” [172, tr.4]. Rõ rằng, thời nào thơ ấy, không thể lấy “chuẩn” Thơ mới hay thơ thời hội nhập để “đo” thơ chống Mỹ. Hiển nhiên, không ai làm như vậy. Chế Lan Viên đã thuyết phục khi ông viết:
Trái tim sinh thời nào thì méo tròn theo thời ấy
Chắc hẳn người thời sau sẽ chê tròn, chê méo trái tim ta Đừng quên những tiếng gầm bom bảy tấn làm tim ta nứt rạn Và những nỗi buồn không gầm nhưng gặm nhấm trái tim ta
(Tròn và méo)
CHƯƠNG 2
CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
2.1. Cảm hứng nghệ thuật: Khái niệm, hướng phân loại
2.1.1. Khái niệm:
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, khó tính hết có bao nhiêu học giả bàn về cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói, chưa ai đi đến đến tận cùng của sự lí giải;
G.W. Hegel (1770 - 1831) thừa nhận: “Ở đây, trước hết cảm hứng xuất hiện như thế nào, về mặt này có những quan điểm rất khác nhau” [36, tr.298]. Và rõ ràng, con người đã tiếp cận nó theo quá trình nhận thức về nghệ thuật. Khi thơ ca thoát ra khỏi nghi lễ, từ “Hỡi thi thần hãy hát lên” (Homère) đến “Tôi hát ngợi ca” (Lucrèce) thì cảm hứng cũng chuyển dịch dần về phía con người, cái mà các nhà mỹ học về sau xếp vào tình cảm thẩm mỹ - một phạm trù của chủ thể. Tuy nhiên, dẫu đã thoát ra khỏi thế giới thần linh, nhưng tính chất “thiêng” của nó vẫn còn “rơi lại” cho đến ngày nay. Chẳng thế mà thi thoảng người ta vẫn nói đến “thần hứng”, “thần nhập” trong sáng tạo nghệ thuật như một thừa nhận sự hiện hữu của nó.
Trong triết học tinh thần, Hegel có lí khi xếp nghệ thuật (cùng tôn giáo, triết học) vào nhóm “tinh thần tuyệt đối”, phân biệt với nhóm “tinh thần khách quan” (pháp luật, đạo đức, thể chế…). Do quan niệm cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp cao nhất nên Hegel khẳng định thơ ca là sản phẩm của thiên tài, nghệ sĩ đích thực phải là những thiên tài. Mà thiên tài ở lĩnh vực này, theo ông, trước hết phải nhìn vào cảm hứng: “Bởi vì thiên tài có những liên hệ chặt chẽ nhất với yếu tố tinh thần cũng như với yếu tố tự nhiên, cho nên người ta giả thiết rằng có thể gây nên trạng thái cảm hứng bằng một biện pháp có tính chất cảm quan” [36, tr.298]. Ở Việt Nam, các nhà theo học thuyết Mác xít trước đây rất ít dùng chữ “thiên tài” (cho là duy tâm) nhưng không bác bỏ tài năng, năng khiếu trong hoạt động nghệ thuật: “Tôi nghĩ, chúng ta hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt này, lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà không có tài, có khiếu, thì khó khăn lắm…” [95, tr.401]. Thừa nhận lao động nghệ thuật cần có “khiếu” có “tài” (kể cả thiên tài), tức thừa nhận cảm hứng đối với nghệ sĩ như là một