giờ tốt để tiến hành đám cưới. Sau khi cưới, cô dâu ở lại bên nhà mẹ đẻ, đến khi sắp sinh con đầu lòng thì mới về bên nhà chồng. Sau khi sinh được 3 ngày thì cúng tẩy vía và lập bàn thờ mẹ Hoa. Khi đầy tháng tổ chức lễ ăn mừng và đặt tên cho trẻ.
Trong quan niệm từ xa xưa của người Tày, trời đất được phân chia thành ba cõi: cõi trời là nơi ở của Ngọc hoàng, tiên, then, pụt; cõi trần là nơi ở của người và muôn loài; cõi nước là cõi âm. Nếu có người chết đi thì phải làm lễ tiễn linh hồn về trời hưởng vinh hoa phú quý. Vì thế những nghi lễ tang ma của đồng bào Tày đều xuất phát từ quan niệm cho rằng linh hồn cha mẹ sau khi về thế giới bên kia vẫn có những nhu cầu như người đang sống. Đám ma của người Tày cũng trải qua các lễ như: lễ rửa mặt cho người chết, lễ khâm liệm, lễ thụ tang, lễ dâng cơm, lễ đưa ma. Sau đám ma, con cháu phải làm lễ chuộc hồn cho người chết ba lần, sau 30 ngày, 1 năm và 3 năm. Lễ chuộc hồn cuối cùng cũng là lễ mãn tang sau khi chôn cất được 3 năm. Trong lễ chuộc hồn, ma người chết sẽ nhập vào bà Then để báo tin về cuộc sống ở thế giới hồn ma cho người ở dương thế biết. Từ đó, hàng năm con cháu sẽ tổ chức cúng giỗ vào một ngày nhất định.
Xã hội người Tày đa giáo, trong đó Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian. Họ “khai thác triệt để củng cố ý thức hệ tôn giáo chính thống của mình được thể hiện trên ba thang bậc của tổ chức xã hội: cộng đồng tộc người hay địa phương, cộng đồng bản mường và cộng đồng gia tộc” [100, tr.991]. Người Tày chia ma thành hai loại: ma lành và ma dữ. Ma lành gồm: ma tổ tiên, ma bếp, ma thổ công, ma bà mụ… bảo vệ che chở cho con cháu và gia súc. Ma dữ gồm: ma sông, ma núi, ma cây to, ma người chết vì tai nạn, ma gà… Người Tày sợ nhất là ma gà vì đây là ma chuyên đi hại người. Vì thế vai trò của các nghi lễ trong đời sống của người Tày rất quan trọng, thầy cúng được coi là cầu nối giữa con người với thế giới của các đấng thần linh ngự trị, những người làm nghề thầy cúng rất được mọi người kính trọng.
Hình thức thờ cúng quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Tày là thờ cúng tổ tiên. Vì vậy gia đình nào cũng có một bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ các vị thần che chở bảo vệ cho gia đình, làng bản: mẹ Hoa (bà Mụ - vị thần cai quản và bảo hộ cho trẻ em), thờ vua bếp (đặt ngay trong bếp), thờ thần tài, thờ thổ công...
Để cầu mong sự bảo vệ, che chở và phù hộ của thần linh, hàng năm người Tày tổ chức rất nhiều nghi lễ cúng. Vào dịp đầu xuân, họ tổ chức lễ hội Lồng tồng nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, một năm mùa màng bội thu, gia đình yên ấm, no đủ. Trong hội Lồng tồng, người Tày tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, chọi gà... Trong các nghi lễ độc đáo của người Tày thì lễ mừng thọ cho cha mẹ được đặc biệt coi trọng với tục đổ thêm gạo vào bồ thể hiện mong muốn người già có thêm lương thực ăn để trường thọ... Điều cần nhấn mạnh là, những lễ hội ấy phản ánh lịch sử nhân văn của con người, cộng đồng Tày. Họ có khá nhiều lễ và hội trong một năm. Tháng giêng có lễ Tết Nguyên đán và Hội xuống đồng; tháng hai hội núi; tháng ba có lễ tảo mộ (thanh minh); tháng tư có lễ và hội hát đình; tháng năm, tháng sáu có lễ cúng thần nông, giết sâu bọ; tháng bảy có lễ Tết Rằm tháng bảy (Bươn chiêng xo ất, bươn chất líp slí - Tháng Giêng ngày mùng một, tháng Bảy ngày mười bốn); tháng chín và tháng mười có lễ mừng cơm mới, làm cốm… Đặc biệt, người Tày có lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng) được tổ chức sau Tết Đắp Nọi kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch để cầu mùa của người Tày Cao Bằng. Trong các ngày tết, ngày lễ, người Tày thường làm nhiều loại bánh trái như bánh chưng, bánh giày, bánh gai, bánh dợm, bánh gio, bánh rán, bánh trôi, bánh khảo... Theo Đoàn Văn Chúc thì chính những dịp tổ chức lễ - tết - hội sẽ làm sống lại thuở cội nguồn của hiện tượng bằng những hệ thống biểu tượng của nó, giải phóng những xúc cảm bị kìm hãm trong đời sống đơn điệu hàng ngày.
1.2.3.3. Văn học dân gian
Dân tộc Tày mang đậm đặc trưng của nền văn hóa thung lũng, chân núi. Vùng Việt Bắc giàu có những huyền thoại và truyền thuyết lịch sử. Gắn liền với mỗi địa danh là các tập tục, lễ nghi, các công trình kiến trúc, các sinh hoạt lễ hội vừa cổ xưa vừa độc đáo; các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ phong phú…
Văn học dân tộc Tày nằm trong 8 nhóm dân tộc nói ngôn ngữ Tày - Thái: Tày, Nùng, Thái, Sán Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y. Dân tộc Tày có hệ thống văn học dân gian rất phong phú, thể hiện ở các truyện cổ, truyện thơ, nội dung thường phản ánh tư tưởng chủ đạo là đề cao người lao động, đề cao những người khỏe mạnh, tài giỏi, hay giúp dân lành trừ quỷ diệt tà, cứu dân, giúp dân lành chống lại kẻ ác, thể hiện thái độ căm ghét kẻ gian ác hại người (Viên ngọc cóc, Nàng tiên lấy anh chàng mồ
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 1
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 2
- Những Công Trình Về Các Tác Giả, Tác Phẩm Cụ Thể
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 5
- Hai Giai Đoạn Phát Triển Của Thơ Dân Tộc Tày Sau 1945
- Đời Sống Và Tâm Thế Con Người Dân Tộc Tày
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
côi, Bể Bà Góa, Hai anh em mồ côi, Truyện bà Giả Gỉn...). Nội dung của các câu chuyện kể dân gian của đồng bào Tày thường phản ánh những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Đó là các truyền thuyết giải thích nguồn gốc của vũ trụ, sự ra đời của loài người, sự tích các loài vật, các hiện tượng thiên nhiên, các vị thần linh (Chín chúa tranh vua, Truyện Nùng Trí Cao, Phó tướng quân Nông Đắc Thái...). Những câu chuyện đều mang giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục lối sống, đạo đức, hướng con người tới những điều chân, thiện, mỹ của cuộc sống.
Điểm đặc biệt đáng chú ý trong văn học dân gian Tày là kho tàng truyện thơ Nôm truyền miệng, với nội dung rất phong phú. Người Tày có nhiều truyện thơ sáng tác bằng chữ Nôm Tày khuyết danh như: Nam Kim Thị Đan, Quảng Tân Ngọc Lương, Thạch Sanh, Tần Châu... Người Tày nổi tiếng với truyện thơ Khảm hải (Vượt biển), được lưu truyền rộng rãi ở vùng xung quanh hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Các thầy cúng thường đọc Khảm hải trong những buổi lễ cầu cúng. Nhà sưu tầm văn học dân gian Tày đã quá cố Lục Văn Pảo thống kê có đến 114 truyện Nôm Tày ở huyện Chợ Rã (cũ) nay tách thành hai huyện Ba Bể và Pác Nặm, nhưng cho đến nay chúng vẫn chưa được phiên âm sang tiếng latinh.
Trong kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Tày, loại hình ca dao, tục ngữ, câu đố hết sức phong phú phản ánh tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Người Tày nổi tiếng với những bài lượn, then được hát trong các cuộc vui, lễ hội, đám cưới hỏi, chúc thọ, mừng tân gia, cầu mùa và hát giao duyên trong các lễ hội, chợ phiên. Một loại hình đặc biệt của người Tày là thơ ca đám cưới (gọi là hát Quan làng). Hát Quan làng rất phong phú, đa dạng nhưng chủ yếu nhằm đề cao người phụ nữ, giáo dục con người ý thức về sự sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, đề cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, thắt chặt tình cảm giữa hai họ nhà trai và nhà gái... Hầu hết trong các lễ cúng của người Tày đều có hát then. Hát then không chỉ đơn thuần là một loại hình âm nhạc hay diễn xướng dân gian mà có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng. Người Tày bất kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe hát then. Một vài tộc khác như H’mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đời sống tinh thần của mình.
Dân tộc học chia văn hóa thành ba loại: văn hóa vật chất (bao gồm công cụ sản xuất, phương tiện đi lại, làng mạc, nhà cửa, quần áo, giày dép, đồ trang sức, các thức ăn, thức uống…); văn hóa xã hội (bao gồm các thiết chế xã hội: hôn nhân, gia đình, dòng họ, làng bản và mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng); văn hóa tinh thần (bao gồm các tri thức khoa học, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, văn học nghệ thuật dân gian…). Chính từ đặc trưng văn hóa, các thuộc tính của văn hóa, văn học, có thể xem xét mối quan hệ giữa chúng ảnh hưởng và tác động qua lại với nhau như thế nào. Văn học là một bộ phận của văn hóa, nằm trong văn hóa vì thế chịu sự chi phối của văn hóa. Những nhân tố như: ngôn ngữ, hoạt động kinh tế, lao động sản xuất, ăn, mặc, ở, đi lại, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… đều là điều kiện quan trọng trong môi trường nảy sinh, hình thành những tác phẩm văn học. M. Bakhtin cho rằng, văn học là một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa, không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội, kinh tế vượt qua đầu văn hóa. Văn hóa có khả năng quyết định sự phát triển của văn học trong một giới hạn, một mức độ nhất định. Ngược lại, sự tác động ảnh hưởng trở lại với văn hóa của văn học cũng không nhỏ.
Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học gắn bó mật thiết ở cả hai phương diện đồng đại và lịch đại, do vậy nghiên cứu một hiện tượng văn học trong quan hệ đồng đại với văn hóa sẽ thấy được vai trò sáng tạo văn hóa, thấy được cấu trúc, chức năng văn hóa của văn học. Tuy nhiên, văn học không chỉ là sản phẩm của văn hóa một thời, mang trong mình giá trị của văn hóa một giai đoạn cụ thể mà là sản phẩm của cả một quá trình văn hóa. Nhà phê bình văn học Nga kiệt xuất thế kỷ XIX Belinsky đã từng nói “Muốn làm cho thiên tài của anh được khắp mọi nơi và mọi người công nhận” thì phải: “Làm cho tính dân tộc trong các tác phẩm của anh trở thành hình hài, cơ thể, thịt xương, diện mạo, nhân cách của thế giới tinh thần là vô hình của những tư tưởng toàn nhân loại” [31, tr.77]. Văn hóa dân tộc Tày tuy cũng ảnh hưởng từ Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo nhưng trong quá trình sinh sống và phát triển đã khẳng định những nét độc đáo riêng của một nền văn hóa thung lũng, chân núi. Nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn khi nói về bản sắc văn hóa cũng
có những diễn tả cụ thể: “Bản sắc văn hóa Việt Nam bao gồm nhiều nét đặc trưng. Có những nét chung trong văn hóa người Việt (còn gọi là người Kinh) có những nét riêng trong văn hóa các dân tộc thiểu số. Những nét ấy biểu hiện trong cách lao động, cách sống, cách kiến trúc nhà cửa, cách ứng xử giữa người với người... Những nét riêng ấy không mâu thuẫn với nét chung; nó đa dạng có sự hài hoà” [16, tr.52]. Chính bởi dân tộc Tày sinh sống lâu đời ở Việt Nam, với sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, có sự đa dạng mà độc đáo về văn hóa; đặc biệt là vốn văn hóa dân gian giàu có, phong phú các thể loại, sự hình thành tầng lớp trí thức sớm... tất cả những điều đó góp phần hình thành nên đội ngũ những tác giả văn học viết sung sức, đông đảo trong thời kỳ hiện đại.
1.3. Đội ngũ nhà thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay
1.3.1. Trước 1945
Nhìn lại quá trình vận động và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số, có thể thấy rằng, sự xuất hiện của mỗi thế hệ cầm bút, mỗi tác giả đều gắn với những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử xã hội cụ thể nhất định, trong đó không thể phủ nhận vai trò góp sức của rất nhiều yếu tố khác trong xã hội. Trải qua quá trình hình thành và phát triển tương đối dài, dân tộc Tày có một nền văn học nghệ thuật vô cùng phong phú và đa dạng. Sở dĩ, lịch sử văn học là một dòng chảy liên tục, không gián đoạn mặc dù nó có sự thay đổi, diễn tiến qua thời gian, thậm chí qua không gian cho nên nghiên cứu, phác họa tiến trình phát triển và thay đổi của một nền văn học không phải là sự tập hợp rời rạc, ngẫu nhiên những tác giả, tác phẩm riêng lẻ, cho dù đó là những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Những sự kiện văn học sử mà trung tâm là những tác giả, tác phẩm văn học phải được xâu chuỗi theo một hệ thống nhất định, theo logic, theo một phương pháp hữu hiệu nào đó để người đọc cảm thấy có một tiến trình lịch sử thật sự đã diễn ra và có một quy luật thực tế chi phối phổ biến đối với diễn tiến ấy. Trong sự diễn biến phức tạp tưởng như khó nắm bắt được của các sự kiện văn học, tiến trình văn học Tày vẫn diễn ra theo một trình tự, một quy luật nhất định mà các giai đoạn văn học cụ thể chỉ là sự tiếp nối lẫn nhau một cách logic.
Trong quá trình phát triển của văn học cũng như thơ ca Tày, một điểm thuận lợi đáng chú ý là tầng lớp trí thức Tày - Nùng hình thành từ rất sớm. Đầu tiên là các trí thức dân gian dưới lớp vỏ nghề nghiệp như thầy mo, then, tào, pụt. Trong thời kỳ
tự chủ, triều đình có quan tâm đến việc học hành của cư dân Việt Bắc. Nhà Mạc khi chạy lên đóng đô ở Cao Bằng ra sức đào tạo tầng lớp nho sĩ, quan lại người Việt chạy lên đây bị Tày hóa. Do vậy tầng lớp trí thức nho học hình thành, có một số đạt tới trình độ học vấn cao như Bế Văn Phụng (1567-1637), Nông Quỳnh Văn (1566- 1640). Bế Văn Phụng giữ chức Tư thiên quản nhạc trong triều một thời gian rồi lui về ở ẩn tại Hòa An, Cao Bằng. Nông Quỳnh Văn có tài nhưng không ra làm quan. Hai ông đều là tác giả của những bài lượn được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian, sáng tác tiêu biểu có thể kể đến Lượn Tam nguyên (760 câu) của Bế Văn Phụng và Lượn Tứ quý (742 câu) của Nông Quỳnh Văn, hai tác phẩm đều viết bằng chữ Nôm Tày. Tiếp đó là một số tác giả như Bế Hữu Cung (1757-1820), Hoàng Ích Ngọ (1766-1828), Hoàng Ích Thặng (1783-1853). Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thơ Tày đánh dấu một thời kỳ phát triển mới với một số tên tuổi: Hà Vũ Bằng, Bế Ích Bồng, Nông Đình Cấp, Bế Đức Cốm... Tiêu biểu nhất là Hoàng Đức Hậu (1890 - 1945) với một số lượng tác phẩm đồ sộ bằng cả tiếng Tày, tiếng Việt và tiếng Hán (theo nhà phê bình văn học Lâm Tiến, có khoảng 150 bài đã được khảo cứu và công bố), bao gồm những đề tài và bút pháp đa dạng phong phú được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian, ông được coi là người đặt nền móng cho thơ Tày hiện đại. Điều đặc biệt là Hoàng Đức Hậu được xem như người sáng tác thơ bằng tiếng Tày hay, độc đáo và điêu luyện bậc nhất trong đội ngũ những nhà thơ dân tộc thiểu số. Nếu đánh giá đúng vai trò của Hoàng Đức Hậu thì chúng ta sẽ có được sự lý giải cho việc phát vượt bậc của văn học hiện đại Tày so với những dân tộc thiểu số khác. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến cũng có một bài viết khá công phu trong cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đánh giá lại vị thế của Hoàng Đức Hậu như một nhà thơ lớn không chỉ của dân tộc Tày mà còn là “nhà thơ hiện đại độc đáo của văn học Việt Nam” [92, tr.58].
Ngoài Hoàng Đức Hậu, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX phải kể đến những nhà thơ có lòng yêu nước, được người dân kính trọng, về sau đã đi theo ánh sáng của Đảng như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi...
1.3.2. Từ 1945 đến nay
1.3.2.1. Bốn thế hệ nhà thơ sau 1945
Từ 1945 đến nay, thơ dân tộc Tày xuất hiện khá nhiều tác giả với những thành tựu đáng ghi nhận. Đặt nền móng cho văn học các dân tộc thiểu số nói chung cũng
như văn học hiện đại dân tộc Tày nói riêng phải kể đến những tác giả thành danh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thế hệ đầu tiên có thể kể đến Nông Quốc Chấn (1923-2002), Nông Minh Châu (1924-1979), Bế Sĩ Uông (1923-2007), Nông Viết Toại (sinh năm 1926), Hà Phan (sinh năm 1929), Hoàng Hóa (dịch thơ Tày sang tiếng Việt, sinh năm 1930)... giác ngộ cách mạng đi kháng chiến, được các văn nghệ sĩ người Kinh giúp đỡ trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nếu bài thơ Nhắn bạn của Hoàng Văn Thụ là bài thơ Tày hiện đại đầu tiên được nhiều người biết tới, thì sau đó chưa đầy mười năm, bài thơ Dọn về làng của Nông Quốc Chấn chính là sự kế tiếp mới về tinh thần và nghệ thuật của các nhà thơ dân tộc Tày trong thời đại mới. Tuy thời kỳ này đội ngũ vẫn còn mỏng, cách viết phần nhiều vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn học dân gian nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu của đời sống, của cuộc đấu tranh kháng chiến chống Pháp.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc có một sự kiện văn hóa quan trọng là việc tổ chức Hội nghị sáng tác văn học các dân tộc thiểu số ở miền Bắc lần thứ nhất (Thái Nguyên, năm 1964). Những vấn đề của sáng tác văn học của các dân tộc thiểu số như: vấn đề về cuộc sống, con người miền núi mới; vấn đề phát triển các thể loại văn học, vấn đề song ngữ trong sáng tác văn học, vấn đề xây dựng đội ngũ nhà văn là con em các dân tộc thiểu số… được đặt ra và gợi mở nhiều cách giải quyết. Đội ngũ các nhà thơ dân tộc Tày thời kỳ này được bổ sung đông đảo hơn, xuất hiện một số tác giả mới với bút pháp vững vàng, vừa dân tộc vừa hiện đại. Các tác giả thời kỳ này đa phần đã được trang bị phần nào về kiến thức và tỏ ra có nghề trong sáng tác văn chương. Thế hệ thứ hai của thơ dân tộc Tày với một lực lượng hùng hậu: Nông Văn Bút, Hoàng Hạc, Hoàng Trung Thu, Triều Ân, Hoàng Định, Bế Thành Long, Bế Dôn, Ma Đình Thu, Hoàng An, Hoàng Luận, Vân Hồng, Triệu Lam Châu, Y Phương, Mai Liễu, Nguyễn Thị Đua, Ma Trường Nguyên, Triệu Sinh, Trần Thị Thu Nhiễu, Vi Thị Kim Bình, Triệu Đức Xuân...
Thế hệ thứ ba, thơ Tày có một đội ngũ nhà thơ dân tộc thiểu số vững về tay nghề và có những đóng góp tích cực cho văn học nghệ thuật nước nhà: thứ nhất là nhóm những nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến và còn sung sức cho đến hiện tại, thứ hai là những nhà thơ xuất hiện sau khi hòa bình lập lại, tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có những dấu ấn đáng ghi nhận trong dòng chảy chung của thơ ca dân tộc như: Triệu
Thị Mai, Hoàng Thị Diệu Tuyết, Ma Phương Tân, Lương Định, Nông Thị Ngọc Hòa, Đoàn Lư, Đoàn Ngọc Minh, Hữu Tiến, Dương Thuấn, Tạ Thu Huyền, Hoàng Minh Thông, Dương Khâu Luông, Ma Kim Ly, Hà Thị Hải Yến, Vi Thị Thu Đạm...
Thế hệ thứ tư là những nhà thơ tuổi đời còn rất trẻ, tuy vậy cũng đã có một số tác giả thành danh từ khá lâu và một số mới bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình, có thể kể đến: Bế Phương Mai (1972), Nông Thị Tô Hường (1978), Nông Văn Lập, Đinh Thị Mai Lan (1979), Vi Thùy Linh (1980), Hoàng Chiến Thắng (1980), Phạm Văn Vũ (1982), Ngô Bá Hòa (1985)...
1.3.2.2. Ba xu hướng biến đổi của thơ Tày từ 1945 đến nay
Nhìn vào chặng đường phát triển của thơ dân tộc thiểu số với bốn thế hệ tiếp nối nhau, có thể thấy đội ngũ sung sức, số lượng tác phẩm xuất bản nhiều nhất vẫn thuộc về những dân tộc vốn có truyền thống và bề dày thơ ca. Đội ngũ các nhà thơ dân tộc Tày vẫn chiếm số lượng đông đảo nhất, có nhiều thành tựu nhất. Khảo sát qua một loạt những gương mặt thơ ca dân tộc Tày xuất hiện từ 1945 đến nay, tức là qua bốn thế hệ, chúng tôi tạm phân chia thành ba xu hướng biến đổi rõ rệt: xu hướng truyền thống, xu hướng dân tộc và hiện đại và xu hướng hiện đại hóa.
Xu hướng truyền thống
Trước 1975, văn học dân tộc thiểu số nói chung và văn học dân tộc Tày nói riêng rất gần với dân gian. Cả thơ và văn xuôi đều chủ yếu dùng ngôn ngữ dân gian, hình thức diễn đạt cũng mang tính dân gian. Ở xu hướng truyền thống đơn thuần, đầu tiên cần chú ý đặc biệt tới các nhà thơ thuộc thế hệ thứ nhất. Những tác giả này có sự gần gũi với những người cách mạng, những văn nghệ sĩ cách mạng và được họ dìu dắt cả trên con đường đấu tranh lẫn con đường sáng tạo nghệ thuật buổi đầu. Những sáng tác thời kỳ này mang nét hồn nhiên, chân thành, thô mộc của những người miền núi lần đầu tiên được tiếp xúc với những điều mới mẻ của miền xuôi. Ta thấy được cái phong cách truyền thống đậm nét trong những sáng tác của Hoàng Văn Thụ, Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại.... Nhà thơ Bế Dôn viết bài thơ mừng quân dân Việt Bắc bắn rơi nhiều máy bay Mỹ (năm 1965) với giọng thơ hồn nhiên và những xúc cảm mộc mạc: Pháo gầm đạn nổ khói bay mù/ Đất nước rung lên tiếng diệt thù/ Mừng anh bộ đội dân quân bắn/ Quạ Mỹ tan thây