các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc (Nxb. Việt Bắc, 1976), Hoàng Như Mai viết về thơ Nông Quốc Chấn. Có thể thấy, trước 1986 chỉ có Nông Quốc Chấn viết nhiều và được biết đến nhiều trong cả công việc sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình. Ông viết về Quê ta anh biết chăng năm 1962, Đọc “Tung còn và suối đàn” năm 1968 và tập trung nhất là ba công trình phê bình tiểu luận: Đường ta đi (1970), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1977), Chặng đường mới (1985).
Các tác giả người Kinh có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu văn học dân tộc Tày như Tô Hoài, Phạm Quang Trung, Nguyễn Trọng Hoàn, Trinh Đường... với nhiều bài viết có giá trị. Năm 2008, Viện Văn học đã nghiệm thu đề tài khoa học Thơ dân tộc ít người giai đoạn 10 năm cuối thế kỷ XX - truyền thống và hiện đại của nhóm tác giả Hà Công Tài, Nguyễn Thị Thanh Lưu, Đỗ Thị Thu Huyền, trong đó số tác giả người dân tộc Tày được nghiên cứu có Y Phương, Dương Thuấn, Vi Thùy Linh.
Liên quan trực tiếp đến luận án là những công trình đánh giá về diện mạo chung của thơ Tày có Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - Khu vực phía Bắc Việt Nam (Nxb. Đại học Thái Nguyên, 2010). Các tác giả dành một chương để khái quát về tính chất “dòng riêng giữa nguồn chung” của thơ Tày hiện đại và một số gương mặt tiêu biểu. Tuy nhiên một số nhận định vẫn còn sơ lược và thiên về thế hệ thứ nhất và thứ hai của thơ Tày hiện đại, chưa bao quát được những chuyển động mạnh mẽ của thơ Tày giai đoạn sau. Bên cạnh đó là một số bài viết như Dương Thuấn, Nhìn lại văn học dân tộc Tày trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9-2006; Đỗ Thị Thu Huyền, Thơ ca Tày hiện đại qua một số gương mặt tiêu biểu trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5-2008...
1.1.2.2. Những công trình về các tác giả, tác phẩm cụ thể
Ngoài số lượng lớn các bài phê bình trên các báo, tạp chí về những tác phẩm tiêu biểu cụ thể của thơ dân tộc Tày, số lượng bài viết về thơ của từng tác giả cũng chiếm số lượng đáng kể (tập trung vào những tác giả có phong cách độc đáo). Tuy nhiên, những bài viết này cũng phần nào làm hiện lên diện mạo chung của thơ dân tộc Tày hiện đại. Tên tuổi nhiều nhà thơ dân tộc Tày đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn học Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua như Nông Quốc Chấn, Ma Trường Nguyên, Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn... và gần đây một lớp thế hệ trẻ như Dương Khâu Luông, Nông Thị Tô Hường, Vi Thùy Linh, Hoàng Chiến
Thắng, Phạm Văn Vũ... thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, tuy thế sự tìm hiểu một cách cặn kẽ về đội ngũ này tập trung hơn vào một số nhà thơ lớp trước, đến thế hệ đương đại thì hầu như còn nhiều bỏ ngỏ.
Các công trình nghiên cứu về thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay hầu hết tập trung vào một số tác giả tiêu biểu. Hướng tiếp cận này nổi bật với: Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại giới thiệu về 7 tác Triều Ân, Vi Thị Kim Bình, Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Hoàng Hạc, Vi Hồng và Nông Viết Toại; Tuyển tập văn học dân tộc miền núi của Nxb. Giáo dục gồm 8 tập, 3 tập đầu là những bài phê bình về thơ dân tộc thiểu số (tập 1 và 2 xuất bản năm 1998, tập 3 xuất bản năm 1999). Trong tập 2 có 7 tác giả dân tộc Tày được giới thiệu: Triều Ân, Mai Liễu, Bế Thành Long, Ma Trường Nguyên, Từ Ngàn Phố, Y Phương và Dương Thuấn. Tập 3 có 12 tác giả dân tộc Tày được giới thiệu: Hoàng An, Vân Hồng (Vi Hồng Nhân), Lương Định, Hà Lâm Kỳ, Đoàn Lư, Triệu Thị Mai, Đoàn Ngọc Minh, Trần Thị Thu Nhiễu, Hoàng Hữu Sang, Hoàng Trung Thu, Ma Đình Thu, Triệu Lam Châu; Nhà văn dân tộc thiểu số - Đời và văn có 32 tác giả dân tộc Tày trong tổng số 87 tác giả
- một con số ấn tượng, vượt xa các dân tộc thiểu số khác có mặt trong tuyển tập...
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 1
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 2
- Ba Xu Hướng Biến Đổi Của Thơ Tày Từ 1945 Đến Nay
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 5
- Hai Giai Đoạn Phát Triển Của Thơ Dân Tộc Tày Sau 1945
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
Thế hệ đầu tiên của thơ dân tộc Tày thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều tác giả. Có thể kể đến một số đánh giá tiêu biểu: trong bài Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc thay cho lời đề tựa nhà văn Tô Hoài viết “Ở Nông Quốc Chấn, những từng trải rộng lớn của anh và cả cuộc đời anh và từng ngày từng đêm, đất chôn rau cắt rốn đã vào thơ anh, đất quê anh là ngọn suối thơ anh” [12, tr.28]; tác giả Tôn Phương Lan đã khẳng định những đóng góp của Nông Viết Toại: “Đóng góp của Nông Viết Toại trong đời sống văn hóa của vùng đất này chắc chắn là không nhỏ. Bên cạnh đó, các sáng tác văn học của anh với những ưu điểm nổi bật - đã góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của đồng bào miền núi” [38, tr.673]; theo Lâm Tiến, Nông Minh Châu “là con đẻ của dân tộc Tày, sống trong lòng dân tộc, được tắm mình trong những lời ru tha thiết ân tình của người mẹ, say sưa với những truyện cổ (...) gắn với những câu chuyện cổ tích, những bài “phuối pác” “phong slư” thuộc làu những câu tục ngữ, thành ngữ phong phú của dân tộc. Đó chính là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tư tưởng tình cảm của Nông Minh Châu” [36, tr.29-30]...
Những tác giả thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba của thơ dân tộc Tày là những gương mặt quan trọng đưa thơ Tày lên vị thế mới, với sự chuyển biến không chỉ đa dạng về cảm hứng sáng tạo mà còn nhiều khám phá và tìm tòi trong hình thức thể hiện. Đánh giá về những đóng góp ấy, có thể kể đến tác giả Mai Hương khi nhận xét về Triều Ân với tư cách nhà thơ: “Triều Ân đến với bạn đọc trước hết bằng những trang thơ, và trong tình cảm của độc giả, anh trước hết là một nhà thơ miền núi ít nhiều có phong cách riêng (...). Triều Ân đã khẳng định được vị trí của mình trong nền thơ chung của dân tộc” [80, tr.44]; Phạm Quang Trung phát hiện về thơ Mai Liễu: “Đọc thơ Mai Liễu, tôi không thể không lưu tâm tới lối cấu tứ của thơ anh (...) cấu tứ theo trục thời gian” [97, tr.92]... Đa phần những nhà thơ có được sự độc đáo về phong cách sáng tạo đều chú ý đến bản sắc dân tộc trong từng trang viết. Nguyễn Hữu Tiến nhận định về thơ Y Phương “vừa hiện đại vừa dân tộc là bởi vì anh đã biết kết hợp truyền thống văn hóa của quê mình với mọi miền quê của đất nước” [71, tr.272]; Dương Thuấn được nhà thơ Nông Quốc Chấn đánh giá trong cuốn Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam đời và văn: “Thơ anh mang lại hơi thở của thời đại mới và không thóat ly cái gốc của người Tày của quê hương Việt Bắc” [38, tr.558]; nhận xét về đặc điểm thơ của Dương Khâu Luông, Hoàng Quảng Uyên viết: “Đọc Dương Khâu Luông ta cảm được vị ngọt của niềm vui trong khoé mắt vị đắng nước mắt ở đầu môi. Đó là kết quả của sự quan sát chắt lọc, chiêm nghiệm và cao cả hơn là sự hoà đồng của một tấm lòng trong vạn tấm lòng. Đây là mặt mạnh trong thơ Dương Khâu Luông: Nói ít, gợi nhiều” [38, tr.435]...
Về thơ hiện đại dân tộc Tày chưa có luận văn, luận án riêng, chỉ có một số liên quan như: Văn học Bắc Kạn từ năm 1945 đến nay của Hoàng Thị Dung phác họa diện mạo chủ yếu của thơ dân tộc Tày, Dao với những đại diện tiêu biểu là Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu và Triệu Kim Văn (dân tộc Dao). Riêng về từng tác giả dân tộc Tày có thể kể đến Bản sắc Tày trong thơ Nông Quốc Chấn (Phạm Thế Thành, 2005), Hình ảnh con người miền núi trong thơ Dương Thuấn (Nguyễn Thị Hằng, 2006), Bản sắc văn hóa Tày trong thơ Dương Thuấn (Hà Thị Duyên, 2007)... Theo nhà thơ Dương Thuấn: “Hiện nay đã có một vài tác giả người dân tộc thiểu số làm công việc phê bình nghiên cứu nhưng còn yếu và lẻ tẻ. Nên nghiên cứu theo hướng đi sâu vào từng tác giả, từng dân tộc hơn là nghiên cứu chung chung
như hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu từng tác giả, từng dân tộc sẽ đánh giá một cách hệ thống từng tác giả hoặc từng vùng văn học” [47]. Bởi vậy, nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay là công việc thực sự quan trọng và cần thiết góp phần nhìn nhận rõ đặc điểm cũng như khẳng định sự phong phú, mạnh mẽ của thơ dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Có thể thấy, cũng như thơ dân tộc thiểu số nói chung, hiện chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và kĩ lưỡng về thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là một thách thức khi chúng tôi triển khai đề tài. Thành tựu của những nghiên cứu đã có sẽ là sự gợi mở cần thiết, bổ ích cho chúng tôi khi triển khai luận án. Chúng tôi sẽ phác họa một cách hệ thống về những thành tựu của thơ dân tộc Tày trong hơn nửa thế kỷ, bốn thế hệ nối tiếp nhau, những chuyển biến về đề tài, những đặc trưng thể loại, ngôn ngữ và những phong cách độc đáo. Những công trình nghiên cứu đã có về thơ văn dân tộc thiểu số sẽ là những chỉ dẫn quý báu cho chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Cùng với tình hình nghiên cứu nói trên, một trong những đặc điểm quan trọng của thơ dân tộc thiểu số nói chung, thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay nói riêng là sự bám sát và phát huy truyền thông văn hóa văn học của dân tộc. Cho nên, để có thể nhận thức một cách sâu sắc đặc điểm thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, không thể không nói đến truyền thống văn hóa Tày.
1.2. Văn hóa dân tộc Tày
1.2.1. Đặc điểm tộc người và điều kiện tự nhiên
Dân tộc Tày chủ yếu sống ở Việt Bắc - một vùng trung du rừng núi trùng điệp trong những năm kháng chiến chống Pháp, với những trận đánh oanh liệt đã đi vào lịch sử đấu tranh nước nhà, miền đất anh hùng đóng góp sức người, sức của lớn lao trong kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc cũng là một địa danh cùng với con người tạo nên một bề dày lịch sử đáng kể, nơi mà Tố Hữu viết: Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền. Lịch sử đời sống của cư dân Việt Bắc phản ánh chính sách và tư tưởng của chính quyền nhà nước từ thời tự chủ cho đến ngày nay. Việt Bắc và cư dân là một phần tạo thành con người và đất nước Việt Nam, tầm quan trọng của vùng cũng tương tự như đất tổ Hùng Vương và Kinh Bắc về phương diện tâm linh và văn hóa. Cư dân ở đây chủ yếu là người Tày và Nùng. Qua nhiều
thời kỳ lịch sử, cũng có rất nhiều người Việt lên vùng núi sống, hoà nhập và đã hoàn toàn trở thành “Tày hóa” qua vài thế hệ. Sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Tày - Việt đã để lại nhiều nét sâu đậm trong văn hóa Tày ở Việt Bắc. Có nhiều điểm tương đồng về nguồn gốc và khía cạnh giao lưu văn hóa Việt - Tày - Nùng.
Người Tày xuất hiện rất sớm, có ý kiến cho rằng người Tày có mặt ở Việt Nam từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên [106, tr.149]. Người Tày còn có tên gọi là Thổ ở Việt Bắc, hoặc Phén (tức là Phiên) ở Hải Ninh nhưng tên dân tộc Tày đúng hơn cả và được nhân dân Tày xác nhận. Tày gồm các nhóm Ngạn, Phén, Pa Dí, Thu Lao; sinh sống chủ yếu ở các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.
Người Tày là dân tộc thiểu số đông nhất ở miền Bắc, sinh sống rải rác hầu hết khắp các tỉnh thượng du và trung du Bắc bộ, từ tả ngạn sông Hồng đến vịnh Bắc Bộ. Theo Tổng hợp số dân và phân bố các dân tộc của cả nước và theo tỉnh [102], dân tộc Tày có 1.626.392 người, trong đó có những nơi tập trung đông hơn cả là Lạng Sơn: 259.532 người, Cao Bằng: 207.805 người, Tuyên Quang: 185.464 người, Hà Giang: 168.719 người, Bắc Kạn: 155.510 người...
Vùng đồng bào Tày giàu đẹp, có nhiều khả năng để phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, có nhiều lâm thổ sản quý giá và những nguồn lợi vô tận về khóang sản. Ở vùng này có rất nhiều sông ngòi như sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Bằng Giang… Ngoài việc làm ruộng, nguồn sống của người Tày còn phụ thuộc vào việc chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà), trồng hoa màu và khai thác lâm thổ sản.
1.2.2. Văn hóa vật chất
Người Tày cũng như nhiều dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc và Tây Bắc có tập quán cư trú thành làng bản. Trong mỗi bản làng của người Tày thì quan hệ huyết thống là mật thiết nhất. Bên cạnh đó là quan hệ láng giềng đồng tộc hay khác tộc cũng là yếu tố quan trọng để giúp nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cơm gạo tẻ là thành phần chủ yếu trong những bữa ăn hàng ngày của người Tày. Lúa nếp không được trồng cấy nhiều nên gạo nếp chỉ dùng vào những dịp đặc biệt như chế biến các loại bánh, đồ xôi… khi lễ tết, hội hè. Người Tày còn có riêng một ngày tết cốm, ngoài ra còn có món xôi ngũ sắc rất hấp dẫn (Tết Thanh minh có xôi nhuộm lá cẩm màu tím hoặc màu xanh, đỏ, Tết Trung thu có xôi trám đen...).
Nhưng phong phú đa dạng hơn vẫn là các thứ bánh chế biến từ gạo nếp và bột gạo nếp (Tết Tháng giêng là tết lớn nhất có bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng, chè lam, Tết Đoan Ngọ có bánh tro…).
Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột, phổ biến là kiểu nhà 3 gian 2 chái. Các bộ phận chính gồm có mái nhà, bộ cột kèo và xuyên, sàn nhà, phên vách; bộ phận phụ gồm có máng đựng nước rửa chân, cầu thang, cửa ra vào, sàn nước, gác và gác bếp, sàn phơi. Khi làm nhà, người Tày có một số kiêng kị như: kiêng sử dụng các loại cây cụt ngọn, cây sâu gốc; khi dựng nhà kiêng quay ngọn cây xuống đất, kiêng hướng ngọn cây về phía mặt trời mọc... Sinh hoạt hàng ngày trên nhà sàn của người Tày có sự phân chia khu vực dành riêng cho từng đối tượng. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà của người Tày (có nhiều điểm tương đồng với nhà của người Nùng) chủ yếu trên mặt sàn, chia làm hai phần: một dành cho sinh hoạt của nữ, một dành cho sinh hoạt của nam. Các phòng và nơi ngủ của mọi thành viên trong nhà đều giáp vách tiền và hậu. Nói đến nhà của người Tày có lẽ không nên bỏ qua một loại hình nhà khá đặc biệt, đó là “nhà phòng thủ”, thường có sự kết hợp giữa nhà đất và nhà sàn. Tường xây gạch hoặc trình rất dày (40-60cm) để chống đạn, trên tường còn được đục nhiều lỗ châu mai; có nhà còn có lô cốt chiến đấu. Loại nhà này chủ yếu ở Lạng Sơn gần biên giới phía bắc để phòng chống trộm cướp. Có thể nói, nhà sàn của người Tày mang bản sắc văn hóa tộc người đậm nét. Đó là “tổ ấm, là nơi trú ngụ hàng ngày của các thành viên trong gia đình sau thời gian làm việc vất vả, mệt nhọc. Đây còn là nơi hội tụ nguồn tình cảm ruột thịt máu mủ, là nơi nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ không những cho gia đình, dòng họ mà còn cho cả xã hội” [26, tr.85].
Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ sợi vải bông tự dệt, nhuộm chàm. Bộ y phục của nam giới Tày gồm có áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân (mặc trong dịp lễ tết, hội hè, đám cưới), khăn đội đầu và giày vải. Chiếc áo cánh 4 thân mặc hàng ngày được may theo kiểu xẻ ngực, cổ áo tròn, cao, không có cầu vai, có hàng cúc vải (7 cái) ở trước ngực và hai túi nhỏ không nắp ở phía dưới hai vạt trước. Quần của nam giới Tày được may bằng vải sợi bông, màu chàm may kiểu chân què hoặc bổ đũng, dài tới mắt cá chân. Phần cạp may rộng và không có đường luồn dải rút. Khi mặc, vấn mối về phía trước, buộc dây vải bên trong.
Trang phục của nữ giới phong phú và đa dạng hơn. Y phục của nữ giới gồm áo ngắn 4 thân, áo dài 5 thân, quần, thắt lưng, khăn đội đầu. Áo ngắn của phụ nữ Tày cổ tròn, xẻ ngực, cài cúc, có hai túi nhỏ ở hai vạt trước. Áo may hẹp, hơi thắt eo, ống tay áo nhỏ gần như bó sát với tay. Áo ngắn dùng mặc thường ngày hoặc mặc lót trong áo dài khi đi chợ hoặc tham dự các lễ hội. Chiếc áo dài của nữ giới cơ bản giống áo dài nam giới, cũng thuộc loại áo 5 thân, có 5 cúc cài bên nách phải, nhưng cổ tròn, ống tay hẹp, thân hẹp và hơi thắt eo. Chiếc thắt lưng của phụ nữ Tày dài khoảng 3mét, rộng khoảng 30cm, dùng để thắt ngoài áo dài, vắt mối phía sau. Phụ nữ Tày thường đội khăn vuông, gập đôi theo đường chéo rồi chít lên đầu, thắt mối phía sau như khăn mỏ quạ của người Việt.
Theo Ngô Đức Thịnh: “trong văn hóa dân tộc, trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ, là cái mà ở đó bản sắc dân tộc biểu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất” [86, tr.12]. Nhìn chung, trang phục của cả nam và nữ giới dân tộc Tày tương đối giản dị chân phương về màu sắc, cách tạo hình, kiểu cách và hầu như không có hoa văn trang trí nhưng ở đó có cái tinh tế, sang trọng trong phong cách; cái bền bỉ, đậm đà của màu chàm... điều này làm nên phần nào cái nét riêng cho bản sắc dân tộc Tày - một dân tộc không chỉ phong phú về đời sống vật chất mà còn nhiều nét độc đáo về đời sống tinh thần.
1.2.3. Văn hóa tinh thần
1.2.3.1. Tiếng nói, chữ viết
Tiếng Tày thuộc cùng một hệ ngôn ngữ với các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam như: Thái, Sán Chay, Lào, Lự, Giáy, Bố Y, và một số dân tộc khác sống ngoài biên giới Việt Nam như: các dân tộc Choang - Đồng, dân tộc Thái (Trung Quốc), dân tộc Lào, dân tộc Lự (Lào), dân tộc Thái (Thái Lan), dân tộc Thái (Myanma và Ấn Độ). Tiếng nói của dân tộc Tày cũng như những dân tộc thuộc cùng nhóm ngôn ngữ đã phát triển khá cao, hệ thống từ vựng của các thứ tiếng này rất phong phú, đủ sức phản ánh những nội dung liên quan đến các vấn đề về kinh tế
- văn hóa - xã hội.
Đối với người Tày, chữ Hán trước Cách mạng tháng Tám 1945 dùng trong việc làm văn tự mua bán ruộng đất và ngày nay ở nhiều địa phương dùng trong việc cúng bái. Chữ Nôm Tày xây dựng trên mẫu tự tượng hình, gần giống chữ Nôm Việt
ra đời khoảng thế kỷ XV được dùng để ghi chép các thi ca và truyện, các bài hát, bài cúng của người Tày. Chữ Tày - Nùng dựa trên cơ sở chữ cái Latinh ra đời năm 1960 và tồn tại đến giữa những năm 80 được dùng trong các trường phổ thông cấp I vùng có người Tày, Nùng cư trú. Nhưng chữ Nôm Tày không được thông dụng, vì chỉ những người biết chữ Hán mới đọc được nó. Hiện nay, trong dân gian còn tản mát một số tài liệu về thơ ca, truyện viết bằng chữ Nôm Tày. Những tài liệu đó có thể giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa và văn học dân tộc Tày.
Theo Hà Văn Thư thì chữ viết Latinh của dân tộc Tày hiện đang sử dụng có từ đầu thế kỷ XX, trước những năm 20 thì chữ Tày Latinh đã được dạy ở trường Ba Xã (Lạng Sơn). Cuốn sách giáo khoa Langue Thổ do Hoàng Khánh Thiện (người Tày ở Đông Khê, Cao Bằng) biên soạn đã được dạy ở các vùng Tày, Nùng từ những năm 20 [92, tr.63]. Sau Cách mạng tháng Tám, dân tộc Tày cũng như các dân tộc thiểu số khác đã dùng chữ quốc ngữ (từ chữ cái latinh) ghi âm tiếng nói dân tộc mình, nhiều nhà thơ, nhà văn cũng dùng chữ này để sáng tác. Năm 1960 bộ chữ Tày Nùng chính thức ra đời (không khác nhiều so với bộ chữ những năm 20). Hiện nay, do tiếng Tày có nhiều vùng địa phương khác nhau nên có 1 bộ chữ cũng như cách phát âm chuẩn là khó thực hiện (điều này cũng tương tự các dân tộc Dao, H’mông, Thái...).
1.2.3.2. Tín ngưỡng, lễ hội
Người Tày quan niệm tất cả vạn vật như động vật, thực vật, đất, đá, nước đều có hồn, có ma, có thần. Trong cuộc sống đời thường, ảnh hưởng của Phật giáo thể hiện ở quan niệm “ở hiền gặp lành”, con người sống yêu thương nhau, làm điều thiện, hầu như không đánh mắng con cái trong gia đình, không làm điều thất đức, làm phúc cho thiên hạ thì không nghĩ đến sự trả ơn… Ảnh hưởng của Nho giáo thể hiện ở quan niệm về tôn ty trật tự trong gia đình, về vai trò người con trai, người bố trong gia đình, tục ứng xử trong gia đình, dòng họ… Ảnh hưởng của Đạo giáo thể hiện ở các tục lệ cúng bái, chữa bệnh, ở việc bói toán, xem tướng số, và việc hành nghề của một số thầy cúng…
Về cưới xin, nam nữ được tự do tìm hiểu và yêu đương nhưng hôn nhân lại do cha mẹ quyết định và tùy thuộc vào việc xin lá số có hợp nhau hay không. Nam nữ được tự do yêu đương và chọn người phù hợp với mình. Tuy nhiên, vai trò của bố mẹ trong việc cưới xin vẫn đặc biệt quan trọng. Người Tày còn chú ý đến việc chọn ngày