Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 2


3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu


3.1. Đối tượng nghiên cứu


- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát (gồm 1212 bài được dịch ra tiếng Việt, in trong Cao Bá Quát toàn tập).

- Thơ chữ Hán của một số tác giả tiêu biểu trong văn học Việt Nam trung đại (Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Phan Thúc Trực, Nguyễn Miên Thẩm…)

3.2. Phạm vi nghiên cứu


- Phạm vi nội dung: Những đổi mới về nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Cao Bá Quát so với các tác giả trước và cùng thời với ông trong văn học Việt Nam trung đại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

- Phạm vi tư liệu:


Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 2

+ Tài liệu chính mà chúng tôi sử dụng trong luận án là Cao Bá Quát toàn tập (Mai Quốc Liên chủ biên), hai tập, Nxb.Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2004, 2012. Bên cạnh đó, chúng tôi có tham khảo cuốn Thơ văn Cao Bá Quát, Vũ Khiêu (Chủ trì), Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010 và các văn bản dịch thơ Cao Bá Quát từ nhiều nguồn khác nhau để đối chiếu, tham khảo.

+ Để phục vụ cho việc so sánh, chúng tôi sử dụng thêm các tài liệu thơ chữ Hán của các tác giả văn học Việt Nam trung đại: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Phan Thúc Trực, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Miên Thẩm…

4. Phương pháp nghiên cứu


4.1. Phương pháp so sánh đối chiếu

Đây là phương pháp quan trọng nhất được sử dụng trong nghiên cứu đề tài của chúng tôi.

Chúng tôi chủ yếu so sánh nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Cao Bá Quát với các tác giả tiêu biểu trước Cao Bá Quát (đặc biệt là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du) để thấy sự kế thừa và đổi mới của Cao Bá Quát so với thi ca thời trước ông.

Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp so sánh thơ chữ Hán Cao Bá Quát các tác giả cùng thời với ông (nửa đầu thế kỉ XIX, trọng tâm là các tác giả Nguyễn Văn Siêu, Phan Thúc Trực, Nguyễn Miên Thẩm) để tìm ra sự khác biệt, mới mẻ của Cao Bá Quát so với các tác giả đương thời.


Chúng tôi cũng đặt thơ chữ Hán Cao Bá Quát trong mối tương quan với đặc điểm thi pháp của văn học trung đại và văn học hiện đại Việt Nam để thấy được những đóng góp của tác giả đối với văn học dân tộc, nhất là ở việc bước đầu đặt nền móng cho sự hiện đại hoá văn học dân tộc.

4.2. Phương pháp hệ thống


Phương pháp hệ thống cung cấp cho người viết cái nhìn bao quát khi nghiên cứu những điểm mới về nội dung, nghệ thuật thơ chữ Hán Cao Bá Quát, thấy được sự kế thừa và sáng tạo của Cao Bá Quát.

Với phương pháp hệ thống, chúng tôi sử dụng các thao tác khảo sát, thống kê, phân loại…

4.3. Phương pháp lịch sử - cụ thể


Phương pháp lịch sử nhằm nghiên cứu Cao Bá Quát trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để làm cơ sở cho những phân tích, nhận định, đánh giá về tác giả.

4.4. Phương pháp tiếp cận liên ngành


Bằng phương pháp tiếp cận liên ngành, chúng tôi vận dụng các thành tựu nghiên cứu của các bộ môn khoa học xã hội như: văn bản học, sử học, văn hoá học, triết học, lịch sử tư tưởng, tâm lí học, xã hội học… nhằm nghiên cứu Cao Bá Quát trong mối quan hệ với văn hoá, hoàn cảnh lịch sử cụ thể… để làm cơ sở cho những nhận định, đánh giá mang ý nghĩa lí luận.

4.5. Phương pháp loại hình học tác giả


Với phương pháp loại hình học tác giả, chúng tôi đặt Cao Bá Quát trong hệ thống các nhà nho tài tử, các tác giả “chủ tình”, “quý chân”… trong văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX để tìm những điểm mới của thơ chữ Hán Cao Bá Quát trong xu hướng của giai đoạn văn học nói chung, của Cao Bá Quát nói riêng.

Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng kết hợp các phương pháp khác: phương pháp đọc sâu, phương pháp phân tích - tổng hợp… để thực hiện đề tài.


5. Đóng góp của luận án


- Luận án là công trình đầu tiên khảo sát, thống kê toàn bộ thơ chữ Hán Cao Bá Quát - 1212 bài thơ - trên nhiều phương diện khác nhau để đánh giá một cách hệ thống và toàn diện cả về nội dung, nghệ thuật.

- Luận án bổ sung những lí giải mới, chỉ ra được sự độc đáo của thơ chữ Hán Cao Bá Quát về nội dung và nghệ thuật.

- Luận án góp thêm một tiếng nói và sự nhìn nhận đánh giá thơ chữ Hán Cao Bá Quát - một nhân vật lịch sử đặc biệt và một hiện tượng thơ văn mới mẻ. Kết quả nghiên cứu của luận án nêu bật những đóng góp của Cao Bá Quát trong tiến trình văn học dân tộc, góp phần nhận diện sự vận động và phát triển của văn học dân tộc. Qua đó, luận án góp phần tìm hiểu thời đại Cao Bá Quát và các tác gia văn học trung đại khác đồng thời góp phần nhận diện sự vận động và phát triển của văn học dân tộc.

- Luận án góp phần khẳng định tài năng Cao Bá Quát một cách có cơ sở, giúp cho việc nghiên cứu toàn diện về nhà thơ này có hệ thống hơn.

- Luận án góp phần giảng dạy tác giả, tác phẩm Cao Bá Quát ở các cấp đào tạo được tốt hơn.

6. Cấu trúc của luận án


Ngoài những phần quy định chung (Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình nghiên cứu của tác giả có liên quan đến đề tài luận án, Tài liệu tham khảo), luận án được trình bày thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan


Chương 2: Những tiền đề tạo nên điểm mới trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát Chương 3: Những điểm mới về nội dung

Chương 4: Những điểm mới về nghệ thuật


Ngoài ra, luận án còn có phần Phụ lục - bao gồm các bảng thống kê tư liệu sử dụng trong luận án.


Chương 1


TỔNG QUAN

1.1. Lịch sử vấn đề


Việc nghiên cứu, tìm hiểu về Cao Bá Quát đã được bắt đầu ngay từ trước cách mạng tháng Tám 1945. Khảo sát các công trình nghiên cứu, chúng tôi thấy những vấn đề liên quan đến đề tài đã được đề cập trên các phương diện sau:

1.1.1. Lịch sử văn bản thơ chữ Hán Cao Bá Quát


Lịch sử văn bản thơ chữ Hán Cao Bá Quát đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận tìm tòi, xác định công phu, chi tiết trong các bài: Vài nhận xét về tập Thơ văn Cao Bá Quát [128], Văn bản tác phẩm Cao Bá Quát [129], Vấn đề văn bản tác phẩm Cao Bá Quát [131]. Trên cơ sở các công bố khoa học của nhà nghiên cứu, chúng tôi xin tóm lược như sau:

- Năm 1970, Công trình tập thể Thơ chữ Hán Cao Bá Quát do nhóm Vũ Khiêu tuyển dịch và biên soạn có 161 bài tính theo lần in thứ nhất (1970). Bấy giờ, số bài thơ chữ Hán được xác định của Cao Bá Quát là 1353 bài.

- Năm 1984, nhân lần in thứ 3, tập sách đổi tên thành Thơ văn Cao Bá Quát. Cuốn sách này đăng 156 bài, rút bỏ 5 bài do nhóm biên soạn phát hiện các bài thơ ấy là của tác giả khác. Tuy nhiên, cuốn sách “vẫn còn khoảng 5 bài nữa không phải của Cao Bá Quát” [128,15].

- Theo kết luận của nhà nghiên cứu, số lượng thơ chữ Hán của Cao Bá Quát là 1335 bài. Tuy nhiên, tác giả cũng nói rõ, trong 1335 bài ấy, “có 8 bài không thấy chép trong toàn bộ tư liệu thơ chữ Hán” mà tác giả thu thập được, “46 bài chỉ tìm thấy trong bản D (Cao Bá Quát thi tập, ký hiệu A.210) là bản có nhiều ghi chép rối rắm”, “không thấy chép trong các sách nào khác nên cũng cần được chú ý khảo sát thêm về mặt văn bản học” [131].

Trên cơ sở sưu tầm và khảo cứu văn bản tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận, Trung tâm Nghiên cứu quốc học đã kế thừa công trình của nhóm Vũ Khiêu, đồng thời tổ chức dịch thuật toàn bộ thơ văn Cao Bá Quát. Năm 2004 và năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, nhà xuất bản Văn học đã xuất bản Cao Bá Quát toàn tập, trong đó công bố 1212 bài thơ chữ Hán. Như vậy, so với kết luận của nhà nghiên


cứu, còn 123 bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát vẫn chưa được công bố trong bộ toàn tập này.

Do đó, vấn đề văn bản thơ chữ Hán Cao Bá Quát tuy đã có kết quả to lớn, song vẫn cần được khảo sát, nghiên cứu thêm để hoàn thiện.

1.1.2. Lịch sử nghiên cứu quan niệm nghệ thuật của Cao Bá Quát


Quan niệm nghệ thuật của Cao Bá Quát đã được bàn đến qua những bài viết của các tác giả: Trúc Khê, Lê Trí Viễn, Phương Lựu, Nguyễn Lộc, Vũ Khiêu…, trong đó, có cả những công trình nghiên cứu chuyên biệt của Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Ngọc Quận, Phạm Quang Trung…

Viết về vấn đề này, trước khi có sự đính chính của Nguyễn Ngọc Quận năm 2004, nhiều tác giả đã trích dẫn bài bạt Thư Tiêu Lâm thi tập hậu để khẳng định quan niệm sáng tác của Cao Bá Quát. Trong khi đó, "…bài Thư Tiêu Lâm thi tập hậu chép trong Cao Chu Thần thi tập - ký hiệu A. 299, là một bài hậu tự viết cho tập thơ Tiêu Lâm của tác giả Phạm Kế Chi được nhiều nhà nghiên cứu coi là của Cao Bá Quát…", “Bài tự Thư Tiêu Lâm thi tập hậu chưa đủ cơ sở để xác định tác giả của nó là Cao Bá Quát hay một tác giả cụ thể nào khác cho đến thời điểm này” [129,1135-1136].

Rất may, tư tưởng trong bài Thư Tiêu Lâm thi tập hậu trùng với quan niệm của Cao Bá Quát thể hiện trong nhiều tác phẩm, vậy nên sai lầm trên không làm thay đổi kết quả đánh giá về quan niệm sáng tác của Cao Bá Quát.

Trong các công trình nghiên cứu, các ý kiến sau có vai trò góp phần định hướng cho chúng tôi khi nghiên cứu đề tài:

Thứ nhất là các ý kiến về quan niệm sáng tác của Cao Bá Quát.


Trước hết là ý thức về vai trò của nghệ sĩ. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương khẳng định: Trong lịch sử văn học Việt Nam, “chỉ đến thế kỉ XVIII mới có hiện tượng có những nhà nho coi văn chương (hiểu theo nghĩa sáng tác văn học) là sự nghiệp chính của đời mình” và nhà nghiên cứu đã xếp Cao Bá Quát vào số 11 nhà thơ tài tử tiêu biểu “đã lấy văn chương, coi tài năng văn học là thước đo quan trọng” [199,124]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận đánh giá: “Trong ý thức về người làm thơ, Cao Bá Quát thuộc số rất hiếm tác gia văn học Việt Nam trung đại tự nhận mình là nhà thơ, tự xác định tư cách nhà thơ của mình [130,131]. Điều này có ý nghĩa đặc biệt. Vì lẽ, “Khẳng


định và tự hào về tư cách của người làm thơ, của chính mình là biểu hiện của ý thức cá tính, về vai trò của văn chương” [130,132].

Về sự coi trọng “chân” và “tình” của thơ, các tác giả Nguyễn Lộc, Nguyễn Ngọc Quận,… từ bài thơ Vị mính tiểu kệ đồng Phan Sinh dạ toạ (Bài tiểu kệ “Uống chè” làm trong khi ngồi khuya với Phan Sinh) đã nhận ra sự liên hệ của Cao Bá Quát giữa việc uống trà với làm thơ: Uống chè cốt nhất là giữ được chân vị chè, nghệ thuật làm thơ cũng vậy, cái hay không phải ở sự diêm dúa, hào nhoáng. Các tác giả Nguyễn Lộc, Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Ngọc Quận, Phạm Quang Trung… cùng chú ý tới phát biểu của Cao Bá Quát: “Bàn về thơ, tuy phải chú trọng về quy cách, song làm thơ thì phải gốc ở tính tình”. Nguyễn Tài Thư viết: “Xem “tính tình” là gốc của thơ, Cao Bá Quát đã đề cập một vấn đề cơ bản của sáng tác nghệ thuật, đó là sự rung cảm của nghệ sĩ; nghệ sĩ có rung cảm thật sự thì tác phẩm mới có hồn, mới có khả năng truyền tải và có tính độc đáo” [181,324]. Nguyễn Ngọc Quận khẳng định: “Ông đã hướng đến vấn đề nội dung và hình thức của thơ ca”. “Xác định phải chú trọng về quy cách” là Cao Bá Quát muốn nói đến những luật lệ thi pháp và câu chữ, vần điệu. Và xác định: “làm thơ phải gốc ở tính tình” tức là xác định cái căn cốt nhất của thơ” [96,32], “Chú trọng đến cảm xúc riêng của chủ thể sáng tạo, rõ ràng Cao Bá Quát đã nhấn mạnh đến cá tính, đến sắc thái riêng của chủ thể trữ tình” [130,133]…

Về quan niệm văn chương phải có sự sáng tạo của Cao Bá Quát, Nguyễn Tài Thư viết: “Cao Bá Quát luôn quan niệm thơ ca phải có hình thức đẹp (…). Nhưng ông phản đối chủ nghĩa hình thức trong sáng tác, phản đối lối sáng tác cầu kì, kiểu cách, chỉ biết chạy theo câu chữ mới lạ và âm điệu khác thường” [181,324]; “Là một nhà thơ lớn, Cao Bá Quát thấy cần thiết phải học tập vốn nghệ thuật cũ của dân tộc (…) . Song học tập của Cao Bá Quát không đồng nhất với lối giáo điều, rập khuôn, mô phỏng, bắt chước. (…). “Ông chủ trương học tập song phải tiêu hoá được, phải biết biến những cái học được ở người thành cái của mình, phải biết biến hoá trong quá trình sáng tác” [181,325- 326]. Đây cũng là ý kiến thống nhất với các tác giả khác khi tìm hiểu quan niệm văn chương của Cao Bá Quát.

Các tác giả Trần Nho Thìn, Nguyễn Ngọc Quận, Phạm Ngọc Hiền, Nguyễn Thanh Tùng còn chú ý đến sự ảnh hưởng thuyết “tính linh” của Cao Bá Quát. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định, Cao Bá Quát là người đi tiên phong trong việc ảnh hưởng và đưa tư tưởng thuyết “tính linh” thời Minh Thanh, quan niệm “tính linh” của Viên Mai vào sáng


tác. Theo nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, “chỉ thấy Cao Bá Quát trong thế kỉ XIX đề cập đến khái niệm “tính linh”, còn trước đó, Lê Quý Đôn và các nhà thơ thế kỉ XVIII chỉ nói đến tình” [174,139]. Tác giả Nguyễn Ngọc Quận viết: “Cao Bá Quát còn nhấn mạnh đến tính linh. Có thể ông đã kế thừa nhà lí luận Trung Quốc nổi tiếng Viên Mai (1715 - 1797) về thuyết “tính linh” - tức tình cảm chủ quan của người làm thơ” [130,134]. Tác giả Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: quan niệm nghệ thuật cơ bản của Cao Bá Quát là theo thuyết “tính linh” thời Minh Thanh. Với tư tưởng chủ đạo này, Cao Bá Quát “ngầm ý tranh luận với Miên Thẩm và các thành viên trong thi xã Tùng Vân”, “phê phán lối thơ bắt chước, mô phỏng, không chân thực về tình cảm; cũng là sự phê phán khuynh hướng tư tưởng “phục cổ”, “cách điệu” thịnh hành đương thời” [194,54-55]. Tác giả Phạm Ngọc Hiền đánh giá: “Sang giữa thế kỉ XIX, Cao Bá Quát đề cao thuyết tính linh trong sáng tác văn học và được nhiều nhà nho có tư tưởng cởi mở thời đó ủng hộ. Điều này cho thấy văn chương lúc bấy giờ đang có sự bứt phá khỏi thi pháp cổ điển để chuẩn bị chuyển sang thi pháp hiện đại” [40].

Về người sáng tác, tác giả Nguyễn Ngọc Quận viết: “Cao Bá Quát quan niệm người làm thơ phải từng trải”, “người làm thơ phải có kiến văn phong phú mà sự thực học cần phải trải qua công tôi luyện, hiểu biết không thể lờ mờ, nửa vời” [130,137-138]. Tác giả Phạm Quang Trung nhận xét: Cao Bá Quát nói tới các điều kiện: “Một là, đi nhiều, vết chân đã in khắp trên non sông muôn dặm. Cũng có nghĩa là trải đời nhiều để kim cổ sự đa tu thức định (việc kim cổ có nhiều, cần phải nhận định vững chắc). Hai là, đọc nhiều, trong bụng chứa đầy sách vở. Cũng có nghĩa là biết thâu thái, chắt lọc để giúp cho sức nghĩ của bản thân: khán thư song nhãn vạn niên đăng (xem sách, đôi mắt như ngọn đèn muôn năm - Bài Bệnh trung). Ba là, biết sáng tạo theo đặc trưng của nghệ thuật, lời nói bi tráng, văn viết thì trầm hùng, những cái đó khác nào như bụi bặm, cám bã mà đã đem hun đúc thành gạch ngói. Và bốn là (điểm này thật là sáng suốt) rất cần sự cảm thông, chia sẻ của người sáng tạo” [188,54-55]. Nhiều tác giả nữa cũng có chung sự đánh giá trên.

Không chỉ quan tâm đến nội dung quan niệm sáng tác, các tác giả còn có ý kiến đánh giá về quan niệm sáng tác của Cao Bá Quát trong tiến trình văn hoá dân tộc. Nguyễn Tài Thư khẳng định: “Nhờ có tinh thần như thế, nên thơ ca ông từ trước đến sau, từ đầu đến cuối đều tỏ ra nhất quán, và hình thành một phong cách riêng biệt, gây chấn động trong làng thơ đương thời” [181;326]. Nguyễn Ngọc Quận đánh giá: “Đặt vấn đề


như vậy trong bối cảnh Cao Bá Quát đang sống, thời kì mà văn chương hướng vào việc ca ngợi thiết chế phong kiến, công đức của các bậc đế vương, ca ngợi sự linh thiêng, thần thánh, đất trời… thì mới thấy hết quan niệm của Cao Bá Quát” [119,32]…

Ngoài các nội dung chính trên, nhiều tác giả còn đề cập đến những ý kiến của Cao Bá Quát về truyền thống và kế thừa, vai trò của văn chương và việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác…

Như vậy, việc bàn tới quan niệm sáng tác của Cao Bá Quát đã khá toàn diện. Các tác giả cho thấy Cao Bá Quát có quan niệm khá hệ thống về văn học từ bản chất, đặc trưng, chức năng của văn chương cho đến vai trò của người sáng tác. Nói chung, các nhà nghiên cứu đều khẳng định quan niệm nghệ thuật của Cao Bá Quát là mới mẻ và ảnh hưởng rõ rệt đến sáng tác của ông.

1.1.3. Lịch sử nghiên cứu những điểm mới của thơ chữ Hán Cao Bá Quát


1.1.3.1. Nghiên cứu những điểm mới về nội dung


Ở phương diện nội dung thơ chữ Hán Cao Bá Quát, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: “Đối với nhà Nho, dù là nhà Nho có phần chính thống như Cao Bá Quát, tư tưởng trung quân vẫn không dễ gì thay đổi”, “niềm hi vọng về một vị vua hiền và tư tưởng trung quân của Cao Bá Quát vẫn rất sâu đậm” [130,121]. Đây là một nhận định đúng. Tuy nhiên, có lẽ do tâm lí ngưỡng mộ về một người anh hùng chống lại chế độ phong kiến, cho nên phần nhiều các nhà nghiên cứu hướng đến dòng ý thức thứ hai trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát: sự li tâm tư tưởng Nho giáo, phản kháng chế độ, khát vọng đổi thay xã hội. Quan tâm tới dòng ý thức thứ hai này, các nhà nghiên cứu đã đề cập tới nội dung thơ chữ Hán Cao Bá Quát.

Việc phản ánh hiện thực xã hội của Cao Bá Quát được các nhà nghiên cứu chỉ ra ở các mặt sau: phê phán tình hình suy thoái, lạc hậu của chế độ phong kiến; phản ánh nỗi thống khổ của dân; thể hiện tầm nhìn xa trông rộng trước hiểm hoạ đất nước rơi vào tay thực dân. Từ phương diện này, các tác giả khẳng định con người khẳng khái, khí phách của Cao Bá Quát. Vũ Khiêu viết: “Những cảnh túng thiếu, đói rét, phải đi ăn xin, bị bắt phu, bắt lính đã khiến ông rất đau xót” [57,26]. Nguyễn Đổng Chi cho rằng: “Mặc dầu văn chương Cao Bá Quát còn lại không mấy nhưng số còn lại đã nêu lên được cái đẹp rất hiếm có trong văn học phong kiến. Đó là lòng khinh ghét cuộc sống chật hẹp, ti tiện. Đó là sự trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận chính quyền đương thời, đó cũng chính là phủ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023