Mối Quan Hệ Giữa Thủ Tục Thanh Lý Tài Sản Với Các Thủ Tục Khác Trong Thủ Tục Giải Quyết Phá Sản

như đã từ bỏ quyền đòi nợ của mình. Việc xử lý tài sản phá sản cũng theo một thủ tục tư pháp nhất định. Kể từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án, các chủ nợ không được đơn lẻ đi đòi nợ mà cùng hợp nhất lại thành một thiết chế, đó là Hội nghị chủ nợ. Việc thanh lý tài sản phá sản để thanh toán cho các chủ nợ phải được tiến hành tập thể để bảo đảm quyền lợi công bằng cho các chủ nợ. Công bằng thể hiện ở một thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ. Đảm bảo thông tin đến được với chủ nợ là như nhau; các chủ nợ trong những điều kiện như nhau thì được hưởng quyền lợi như nhau. Một chủ nợ có bảo đảm phải được giải quyết quyền lợi như những chủ nợ có bảo đảm khác. Một chủ nợ không có bảo đảm cũng phải được giải quyết quyền lợi như các chủ nợ không có bảo đảm khác [24, tr.6].

1.2.3. Thanh toán cho các chủ nợ

Đây là bước cuối cùng của thủ tục thanh lý tài sản phá sản. Thực chất của việc giải quyết phá sản là việc xử lý mối quan hệ về lợi ích tài sản giữa các chủ nợ với con nợ. Khi con nợ lâm vào tình trạng phá sản đồng nghĩa với việc món nợ phải trả nhiều hơn khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh như vậy, việc chủ nợ nào được ưu tiên thanh toán trước, chủ nợ nào phải xếp hàng sau là vấn đề mà pháp luật phá sản nước nào cũng phải quan tâm giải quyết. Các chủ nợ luôn luôn có mối quan tâm đặc biệt về vấn đề này vì thứ tự đó ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích chính đáng của họ. Về cơ bản, thứ tự thanh toán từ tài sản phá sản của con nợ được quy định như sau:

- Các chủ nợ được ưu tiên trên hết. Nhóm này gồm có chủ nợ có bảo đảm là quan trọng nhất và do đó, được ưu tiên nhất trong quá trình phân chia tài sản. Theo thông lệ, các chủ nợ có bảo đảm được thanh toán đầy đủ khoản tiền mà doanh nghiệp phá sản còn thiếu. Trong trường hợp giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ để chi trả hết các khoản nợ của các chủ nợ có bảo đảm thì số tài sản này sẽ được chia cho các chủ nợ có đảm bảo theo tỷ lệ

giữa khoản nợ của họ và tổng số tiền mà doanh nghiệp phá sản nợ các chủ nợ có đảm bảo;

- Các chủ nợ được ưu tiên khác bao gồm tổ chức và cá nhân được hưởng các chi phí giải quyết phá sản; thuế, tiền công, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác;

- Các chủ nợ được thanh toán theo tỷ lệ. Thông thường, nhóm chủ nợ này bao gồm các chủ nợ không có đảm bảo của doanh nghiệp phá sản;

- Các chủ nợ được trả chậm, bao gồm người cho vay có thứ tự thanh toán sau cùng trong một hợp đồng vay hợp vốn (syndicated loan);

- Cổ đông của công ty cổ phần bị phá sản;

Luật phá sản ở một số nước, trong đó có Việt Nam có xu hướng ưu tiên bảo vệ chủ nợ là người lao động. Thể hiện ở chỗ pháp luật phá sản đã xếp người lao động vào hàng ưu tiên đứng trên các loại chủ nợ thông thường khác, kể cả chủ nợ là Nhà nước. Đối với pháp luật ở các nước này, thứ tự về việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp bị phá sản như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 73 trang tài liệu này.

- Các khoản lệ phí, các chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết phá sản;

- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam - 3

- Các khoản nợ thuế;

- Các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ.

Dù có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thanh toán khác nhau nhưng việc thanh toán ở các nước luôn được thực hiện theo nguyên tắc thanh toán hết cho đối tượng này, nếu còn thừa thì mới thanh toán cho đối tượng kế tiếp. Nếu trong cùng loại đối tượng mà tài sản của doanh nghiệp phá sản không đủ thanh toán thì thực hiện việc chi trả theo tỷ lệ tương ứng [19, tr.58-60].

1.3. MỐI QUAN HỆ GIỮA THỦ TỤC THANH LÝ TÀI SẢN VỚI CÁC THỦ TỤC KHÁC TRONG THỦ TỤC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN

Pháp luật phá sản đã có sự đa dạng hóa các loại thủ tục áp dụng đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, bao gồm: thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; thủ tục thanh lý tài sản; thủ tục tuyên bố phá sản. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu và ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét, phân tích tình trạng tài chính và khả năng phục hồi hoạt động của doanh nghiệp để quyết định áp dụng thủ tục nào cho phù hợp với tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bị thua lỗ đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì Tòa án ra quyết định áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản mà không cần phải triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét áp dụng thủ tục phục hồi (Điều 78 Luật Phá sản năm 2004). Trong trường hợp đặc biệt, sau khi mở thủ tục phá sản mà Tòa án xác định được rằng, doanh nghiệp không còn tài sản để nộp tiền tạm ứng phí phá sản hoặc tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ để thanh toán phí phá sản thì Tòa án có thể tuyên bố phá sản ngay mà không cần phải tiến hành bất cứ một thủ tục nào khác (Điều 87 Luật Phá sản năm 2004). Căn cứ để Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục phục hồi là nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về việc Hội nghị chủ nợ đã đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ mà doanh nghiệp đề xuất (khoản 1 Điều 68 Luật Phá sản năm 2004). Thủ tục phục hồi chính thức được thực hiện nếu Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp hoặc bất kỳ chủ nợ, người nhận nghĩa vụ phục hồi đệ trình và phương án này đã được Thẩm phán ra quyết định công nhận (Điều 71 và Điều 72 Luật Phá sản năm 2004). Trong quá trình áp dụng thủ tục phục hồi, nếu doanh nghiệp thực hiện không

đúng hoặc không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì Tòa án cũng có thể quyết định chuyển từ thủ tục phục hồi sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản (khoản 3 Điều 80 Luật Phá sản năm 2004). Ngoài ra, thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp có thể được áp dụng trong trường hợp Hội nghị chủ nợ không thành (Điều 79 Luật Phá sản năm 2004); hoặc doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh (khoản 1 Điều 80 Luật Phá sản năm 2004); hoặc trong trường hợp Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 80 Luật Phá sản năm 2004). Theo truyền thống, tuyên bố doanh nghiệp phá sản là tiền đề pháp lý cho việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Có nghĩa là phải tuyên bố phá sản với doanh nghiệp sau đó mới có lý do để thanh lý tài sản của doanh nghiệp – chuyển hóa khối tài sản thành tiền và thực hiện việc phân chia số tiền thu được theo thứ tự do luật định để bảo đảm sự công bằng. Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã đi theo truyền thống đó. Còn Luật Phá sản năm 2004 lại thừa nhận thủ tục thanh lý tài sản là thủ tục độc lập với thủ tục tuyên bố phá sản. Thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trước sau đó mới tuyên bố doanh nghiệp đó bị phá sản. Thẩm phán ra quyết định tuyên bố con nợ bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản (Điều 86 Luật Phá sản năm 2004). Như vậy, việc thanh lý tài sản của con nợ mà thực chất là việc định đoạt tài sản trái với ý chí của con nợ dựa trên cơ sở pháp lý nào? Trong quyết định mở thủ tục thanh lý quy định tại Điều 81 Luật Phá sản năm 2004 chỉ nói về căn cứ của việc áp dụng thủ tục thanh lý - nghĩa là khi nào Thẩm phán có thể áp dụng thủ tục này chứ không nói đến lý do, cơ sở của việc Tòa án có thể định đoạt tài sản của một doanh nghiệp đang tồn tại hợp pháp trái với ý muốn của nó. Điều này có thể hình dung như trong lĩnh vực dân sự, người ta có thể tiến hành bán tài sản của bị

đơn trước rồi sau đó mới tuyên bản án xác định nghĩa vụ trả nợ của bị đơn hay trong thủ tục giải thể doanh nghiệp thì người ta chỉ tiến hành thủ tục thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp sau khi có quyết định giải thể. Với trình tự như quy định trong Luật Phá sản năm 2004, dễ bị lầm tưởng việc thanh lý tài sản của con nợ là nội dung quan trọng hơn việc tuyên bố phá sản. Nhưng về mặt lý luận thì tuyên bố phá sản đối với con nợ là một cách thức pháp lý thu hồi nợ của các chủ nợ. Các chủ nợ thu hồi nợ bằng yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản với con nợ. Tuyên bố con nợ phá sản phải là cái có trước. Với trình tự như vậy thì thủ tục giải quyết phá sản trở nên rườm rà và bị kéo dài bởi vì có hai quyết định của Tòa án: quyết định mở thủ tục thanh lý và quyết định tuyên bố phá sản. Cả hai quyết định này đều có thể bị khiếu nại, kháng nghị và đòi hỏi thời gian giải quyết. Nếu coi thanh lý tài sản phá sản chỉ là một nội dung của thủ tục tuyên bố phá sản, dựa trên quyết định tuyên bố phá sản thì thủ tục phá sản sẽ gọn nhẹ và hợp logic hơn. Thanh lý tài sản có thể có hoặc có thể không nhưng tuyên bố phá sản là một trong những mục tiêu chính của thủ tục phá sản (khi doanh nghiệp không thể phục hồi).

1.4. LƯỢC SỬ PHÁT TRIỂN CỦA QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC THANH LÝ TÀI SẢN PHÁ SẢN

Trước hết phải khẳng định rằng, phá sản ra đời và tồn tại trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Chỉ khi phá sản trở thành hiện tượng bình thường, phổ biến thì pháp luật mới điều chỉnh tới. Và chính điều kiện của một nền kinh tế thị trường với những đặc trưng của nó đã tạo ra tính phổ biến của phá sản. Nền kinh tế thị trường công nhận quyền tự do kinh doanh của mỗi công dân và coi đó là một trong số các quyền cơ bản của công dân. Nội dung cơ bản nhất của quyền này là quyền tự do cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh (trong khuôn khổ pháp luật) nhằm giành dật thị trường, khách hàng hướng tới lợi nhuận cho bản thân trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Ở châu Âu, khi nói đến phá sản doanh nghiệp là người ta thường dùng từ “Bankrupcy” hoặc “Banqueroute”. Hai danh từ này bắt nguồn từ chữ “Banca Rotta” của La Mã có nghĩa là “chiếc ghế bị gãy”. Thời đó, các thương gia của một thành phố thường họp nhau lại và người nào không trả được nợ thường bị bắt làm nô lệ và mất luôn quyền tham gia đại hội thương gia và do đó, chiếc ghế ngồi của người đó bị đem ra khỏi hội trường. Do đó, ở La Mã thời đó có nhiều con nợ thấy rằng nếu không trả được nợ thì “chuồn là hơn”, nên họ thường bỏ trốn. Để ổn định trật tự xã hội, Nhà nước La Mã phải đứng ra cưỡng chế tài sản của con nợ để trả cho chủ nợ. Cách làm này cũng thích hợp đối với trường hợp con nợ chỉ mắc nợ một người. Nhưng khi cùng một lúc con nợ phải trả cho nhiều chủ nợ thì rất dễ xảy ra tranh chấp. Bởi thế, người ta thấy rằng, nếu để các chủ nợ đều được đảm bảo trả nợ một cách công bằng, hợp lý, tốt nhất là tòa án địa phương (nơi con nợ cư trú) đứng ra quản lý số tài sản, rồi phân chia tài sản này cho các chủ nợ tùy theo vốn và lãi của mỗi người.

Sau đó, vào thời kỳ Trung cổ, các quốc gia châu Âu cũng ban hành Luật Phá sản. Luật Phá sản đầu tiên của Anh do vua Henry VIII ký vào năm 1542. Đây là đạo luật chống lại cá nhân gây ra phá sản. Trong nhiều thế kỷ, Luật Phá sản của Anh đã đưa nhiều con nợ vào tù, thậm chí “treo cổ”. Còn châu Âu lục địa có một thời kỳ dài chịu ảnh hưởng của Luật Phá sản Pháp (Luật Napoleon). Năm 1905, Nam Tư ban hành “Luật cưỡng chế hòa giải phá sản”. Theo luật này, giữa các chủ nợ và con nợ không đạt được sự hòa giải thì được giải quyết bằng cách cưỡng chế. Đến năm 1980 lại ban hành Luật “chỉnh đốn và đóng cửa tổ chức lao động liên kết” và đây là Luật Phá sản hiện hành. Trong Luật Tố tụng dân sự của Liên Xô ban hành năm 1923 có điều nói về chế độ phá sản. Năm 1925, các quốc gia châu Âu cũng đã ban hành nguyên tắc chung về luật không có khả năng thanh toán nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì tiến bộ. Các câu lạc bộ kinh tế của EC hoặc giữa Mỹ và

Canada cũng chưa có khả năng đi đến dự thảo một luật phá sản chung. Do đó, ngày nay, mỗi quốc gia đều ban hành một luật phá sản riêng để phù hợp hơn với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của nước mình, như Luật phá sản của Thụy Điển hiện nay là luật được ban hành năm 1972, của Mỹ là từ năm 1978, của Ba Lan là từ năm 1983, của Singapore là từ năm 1985, của Hungary và Trung Quốc từ năm 1986. Đặc biệt là Anh đã ban hành 02 đạo luật liên quan đến phá sản: Luật không có khả năng thanh toán và Luật treo giò Giám đốc Công ty.

Ở Việt Nam, trước giải phóng đã có hai đạo luật điều chỉnh phá sản được ban hành đó là, Luật phá sản trong Luật thương mại Trung phần tại miền Trung ngày 02/6/1942 và Luật phá sản trong Luật thương mại miền Nam Việt Nam năm 1972. Từ sau giải phóng miền Nam, Việt Nam đi theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không khuyến khích cạnh tranh nên khái niệm phá sản hầu như không có. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, do kiểm soát và định đoạt mọi nguồn lực sản xuất, Nhà nước trở thành một xí nghiệp khổng lồ. Các đơn vị kinh doanh không có động lực để cạnh tranh, sự tồn tại của chúng được duy trì theo ý chí của Nhà nước. Kinh tế bao cấp không cần tới luật phá sản. Khi chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường thì vấn đề phá sản và giải quyết phá sản mới được đặt ra. Cùng với sự gia nhập của đầu tư nước ngoài, sự nới lỏng tự do kinh doanh cho tư nhân, môi trường cạnh tranh tái xuất hiện và trở nên găy gắt nhanh chóng ngay trên thị trường nội địa. Vai trò của nhà nước với tư cách là một chủ đầu tư chịu trách nhiệm hữu hạn trong các doanh nghiệp nhà nước mới dần hiện rõ. Khi tự do kinh doanh và cạnh tranh tái xuất hiện, nhu cầu điều tiết vỡ nợ các đơn vị kinh doanh vốn thuộc quyền quản lý nhà nước mới trở nên cấp bách. Đáng chú ý là nhu cầu điều chỉnh cấp bách bậc nhất của pháp luật phá sản trong các quốc gia chuyển đổi chính là các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hàng loạt khi bước vào cạnh tranh với một tư thế thiếu năng động so với khu vực kinh tế tư nhân và tư bản nước ngoài. Ngày 30/12/1993, Quốc hội đã thông qua Luật

Phá sản doanh nghiệp. Vào thời điểm ban hành đạo luật đầu tiên về phá sản của Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là đối tượng được đặc biệt quan tâm trong chính sách đổi mới. Bởi vậy, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 được thiết kế với trọng tâm đặt vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Triết lý cơ bản của Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 phản ánh tư tưởng và chính sách kinh tế được du nhập từ kinh nghiệm của những nền kinh tế chuyển đổi chứ chưa phải từ những nền kinh tế thị trường lâu đời. Hậu quả của việc còn quá nhiều điểm bất hợp lý, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã không phát huy được tác dụng. Sự thay đổi và phát triển của kinh tế - xã hội đòi hỏi phải sửa đổi hoặc ban hành một luật mới. Do vậy, ngày 15/6/2004, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Phá sản thay thế Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 và có hiệu lực cho đến hiện nay.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/11/2023