Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 8


HLPL du nhập vào Hoa Kỳ từ năm 1789 và được quy định bởi một đạo luật tư pháp nhưng rất hạn chế. Vào năm 1867, lần đầu tiên có quy định chính thức về thẩm quyền của Toà án tối cao Liên bang có quyền xét lại các bản án của Toà án các bang khi có vi phạm nếu có vi phạm Hiến pháp và pháp luật Liên bang [103, tr. 1292-1293]. Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng với các nước theo hệ thống án lệ như Hoa Kỳ thì “việc bãi bỏ các án lệ đã được chấp nhận như là một phần trong thực tiễn xét xử của Toà án tối cao Liên bang” từ năm 1808 mặc dù trong thực tiễn xét xử không có quy định cụ thể nào hoặc là hệ thống những quan điểm học thuyết cho việc bãi bỏ các án lệ (quyết định) của Toà án tối cao Hoa Kỳ [30, tr. 187-191].

Thời kì đầu, các thẩm phán Hoa Kỳ thận trọng khi áp dụng chế định phiên toà mới, đặc biệt đối với căn cứ chứng cứ mới phát hiện (newly discovered evidence). Các Toà án Hoa Kỳ sau đó đưa ra một điều kiện nghiêm ngặt để xem xét các đề nghị này [96, tr. 1117]. Các Toà án Liên bang và Toà án Bang ở Hoa Kỳ đã ban hành điều kiện gần như thống nhất để xem xét đề nghị phiên toà mới dựa trên căn cứ có chứng cứ mới. Các Toà án thường nhắc đến các điều kiện này với tên gọi “Berry rule” hay “Berry test”. Các tên gọi này xuất phát từ bản án của vụ án giữa Berry và Nhà nước Bang Georgia năm 1851. Khi đó, Toà án tối cao Bang Georgia đã xây dựng các điều kiện và sử dụng để không chấp nhận đề nghị phiên toà mới của bị cáo Berry. Toà án xét xử vụ án Berry đã liệt kê các điều kiện để áp dụng thủ tục phiên toà mới dựa trên căn cứ chứng cứ mới phát hiện: i) Chứng cứ mới được biết đến bởi Toà án từ phiên toà; ii) Chứng cứ không được biết đến không phải do sự thiếu mẫn cán của Toà án; iii) Chứng cứ mới quan trọng và có thể đưa đến một bản án khác, nếu phiên toà mới được áp dụng; iv) Chứng cứ mới không chỉ đơn thuần là sự tích lũy các sự kiện, thông tin; v) Lời khai của người làm chứng nên được ghi nhận hoặc sự thiếu vắng lời khai đó phải được ghi nhận; vi) Phiên toà mới được áp dụng không vì bản ghi lời khai mới chỉ hướng đến nghi ngờ nhân cách hay uy tín của người làm chứng [96, tr. 1139-1141]. Ngày nay, các Toà án vẫn áp dụng các điều kiện trên để xem xét đề nghị cho phiên toà mới, tuy nhiên đã lược bỏ điều kiện thứ 5 và thay vào đó là điều kiện về việc chứng cứ có thể làm thay đổi kết quả vụ án [96, tr. 1141].


Tương tự như ở Vương quốc Anh, các Toà án Hoa Kỳ quy định một cơ chế mà theo đó thẩm phán có thể áp dụng thủ tục phiên toà mới khi họ nhận thấy bồi thẩm đoàn đã ra bản án không đúng đắn. Hệ thống tư pháp ở Hoa Kỳ trao thẩm quyền xem xét cho thẩm phán, những người sẽ có quyền quyết định vượt trên các phiên toà gốc [107, tr. 355]. William Renwick Riddel đã phân tích các tính chất này của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ: “Thẩm phán xét xử (ít nhất trong hầu hết các vụ án) là chủ tọa tại phiên toà, không chỉ là những ủy viên hội đồng; và chính họ là chủ thể có quyền áp dụng phiên toà mới” [107, tr. 359].

* Tái thẩm trong TTHS Vương quốc Anh

Sự phát triển của pháp luật về thủ tục phiên toà mới, trước hết ở Vương quốc Anh và sau là ở Hoa Kỳ, cho thấy sự mâu thuẫn tiếp diễn giữa sự khiên cưỡng đối với việc thay đổi bản án của bồi thẩm đoàn và mong muốn bảo đảm sự công bằng đối với các vụ án đã được giải quyết. Thời kì ban đầu, các Toà án ở Vương quốc Anh miễn cưỡng áp dụng chế định phiên toà mới dựa trên căn cứ khác ngoài căn cứ về hành vi vi phạm của bồi thẩm viên [100, tr. 2]. Sự do dự này bắt nguồn từ vấn đề rằng thẩm phán có thể tùy tiện bỏ qua các bản án của bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, các thẩm phán sau cùng cũng bắt đầu thực hiện quyền xem xét chấp nhận đề nghị phiên toà mới đối với một số bản án sai lầm của bồi thẩm đoàn trong một số vụ án.

Trước khi thực hiện quyền xem xét đối với đề nghị phiên toà mới, các thẩm phán Vương quốc Anh kiểm soát các bản án của bồi thẩm đoàn bằng phương tiện khác [104, tr. 560]. Những năm đầu của thế kỉ 14, Toà án Vương quốc Anh áp dụng thủ tục với tên gọi “venire de novo”, qua đó bồi thẩm đoàn mới được triệu tập và xem xét lại vụ án, nhưng chỉ với các vụ án có sự vi phạm của bồi thẩm viên hoặc có sự mua chuộc bồi thẩm đoàn [100, tr. 2]. Thủ tục này có tính chất tương tự như giám đốc thẩm trong TTHS Việt Nam, xem xét lại bản án, quyết định có HLPL khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.

Hiện nay, tại Vương quốc Anh việc xét lại bản án, quyết định của Toà án có HLPL được đặt ra trong trường hợp mới hoàn toàn khác. Thuật ngữ “miscarriage of justice” được sử dụng để chỉ các bản án, quyết định có hiệu lực nhưng oan sai. Một


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

trong những trường hợp được coi là oan sai và phải xem xét lại bản án chính là “new or newly discovered fact” nghĩa là có tình tiết mới hoặc mới phát hiện. Khác với pháp luật TTHS Việt Nam, TTHS Vương quốc Anh không phân biệt tái thẩm và giám đốc thẩm. Thủ tục xem xét lại bản án có HLPL về cơ bản giống như thủ tục phúc thẩm. Khi phát hiện tình tiết mới, Toà án xem xét lại bản án hoặc đưa vụ án ra xét xử lại và có quyền tuyên bản án, quyết định vô hiệu. Có một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ tên là Criminal Cases Review Commission nhiệm vụ điều tra những án oan sai của Toà án và yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có HLPL (Bộ phận phúc thẩm của Toà đại hình, Toà phúc thẩm) vào bất kỳ lúc nào (không có thời hiệu). Điều 133 Đạo luật Tư pháp hình sự 1988 quy định: “nếu một người bị kết tội và sau đó bản án bị tuyên vô hiệu hoặc đã được ân xá căn cứ vào một tình tiết mới hoặc mới được phát hiện chỉ ra một cách không nghi ngờ rằng đã có sai lầm trong bản án thì Bộ trưởng phải bồi thường cho sai lầm đó cho người phải chịu hình phạt từ sự kết tội đó...”

* Tái thẩm trong TTHS Cộng hoà Pháp

Tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn - 8

Tại Cộng hoà Pháp, tái thẩm có lợi cho người bị kết án là truyền thống pháp lí nhân đạo, bắt nguồn từ luật La Mã. So với việc ân xá, tái thẩm thừa nhận một cách công khai sai lầm tư pháp [117, tr. 171-172]. Cơ sở của việc xây dựng thủ tục tái thẩm là sửa chữa những sai lầm trong việc xử lý vụ án, về phương diện vật chất cũng như tinh thần và tiến hành xử lý cá nhân người thực sự thực hiện tội phạm [115].

Về sự phát triển của luật pháp, tái thẩm trong TTHS Pháp tồn tại từ thế kỷ 16 [113, tr. 868]. Trong thời gian dài, thủ tục tái thẩm được quy định từ Điều 443 đến 447 của Luật Công tố hình sự. Hiện nay, thủ tục tái thẩm được quy định từ Điều 622 đến 626 của BLTTHS [31, tr. 260-263]. Những thay đổi quan trọng liên quan đến thủ tục này xuất phát từ Luật số 89-431 ngày 23/6/1989 “Về việc xem xét lại các bản án hình sự”. Có hiệu lực từ ngày 01/10/1989, đạo luật này đã giảm nhẹ các điều kiện thực hiện thủ tục tái thẩm và có những thay đổi về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của những sai phạm trong quá trình tố tụng. Quy định trên đã được sửa đổi hai lần liên tiếp bởi Điều 25 của Luật số 99-515 ngày 23/6/1999


và Điều 6 của Luật số 2000-1354 ngày 30/12/2000, liên quan đến phương thức bồi thường bằng vật chất cho người bị kết án được xác định là vô tội [115]. Gần đây nhất là những thay đổi trong các Luật được Nghị viện Cộng hoà Pháp thông qua như Luật số 2014-535 ngày 27/5/2014 về quyền tiếp cận thông tin trong TTHS; Luật số 2014-640 ngày 20/6/2014 về đổi mới thủ tục xem xét lại bản án, quyết định đã có HLPL [119, tr. 288].

TTHS Cộng hoà Pháp ghi nhận bản án, quyết định đã có HLPL có thể bị yêu cầu xem xét lại theo thủ tục tái thẩm vì lợi ích của người bị kết án về trọng tội hoặc khinh tội. Bản án, quyết định kết tội trọng tội, khinh tội bị tái thẩm, không tái thẩm với bản án kết tội vi cảnh. Tuy nhiên, tái thẩm được chấp nhận trong trường hợp bản án, quyết định kết tội bị cáo về tội vi cảnh và khinh tội mà hai tội này không thể tách được. Việc không thể tách tội vi cảnh và khinh tội phải được nhận thấy một cách rò ràng. Trường hợp bản án tuyên người bị kết án về khinh tội nhưng được miễn hình phạt theo Điều 469-1 BLTTHS Cộng hoà Pháp cũng là đối tượng của tái thẩm. Các quyết định tuyên bố bị cáo vô tội hay được thả tự do không thể là đối tượng của thủ tục tái thẩm.

Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với tất cả các bản án, quyết định của Toà án xét xử về nội dung vụ án, dù đó là Toà án theo luật chung hay theo luật chuyên biệt. Các bản án, quyết định của Toà án về người chưa thành niên, Toà quân sự đều có thể bị tái thẩm. Trường hợp không có các văn bản chuyên biệt quy định khác, thủ tục tái thẩm cũng được áp dụng đối với các bản án, quyết định của Tối cao pháp viện hoặc Toà án tư pháp Cộng hoà. Ngược lại, kháng cáo, kháng nghị tái thẩm đối với quyết định của Toà hình sự Toà án tối cao không được chấp nhận vì cơ quan này không xét xử về nội dung vụ án và không ra quyết định kết tội.

Điểm quan trọng trong TTHS Cộng hoà Pháp là việc đặc xá không cản trở việc thực hiện tái thẩm. Ngược lại, ân xá xoá bỏ tính chất tội phạm của hành vi đã thực hiện nên bản án, quyết định kết tội được huỷ bỏ do ân xá về nguyên tắc không phải là đối tượng của tái thẩm vốn cũng có mục đích huỷ bỏ sự kết tội. Tuy nhiên, vì lợi ích tinh thần của người được ân xá và vì hiệu lực hồi tố của việc hủy bản án,


quyết định kết tội trong trường hợp tái thẩm rộng hơn trường hợp ân xá nên luật ân xá thừa nhận quyền kháng cáo tái thẩm cho người được ân xá.

Thủ tục tái thẩm cũng không được áp dụng nếu còn biện pháp khác cho phép sửa chữa sai lầm trong quá trình xét xử. Vì vậy, trong trường hợp bị cáo sử dụng trái phép các thông tin về nhân thân khiến người khác bị ghi vào lí lịch tư pháp là đã bị kết án thì người bị hại này không có quyền kháng cáo tái thẩm bởi vì họ có quyền yêu cầu cải chính thông tin trong lí lịch tư pháp theo quy định tại Điều 778 BLTTHS Cộng hoà Pháp. Thực tế tái thẩm Việt Nam cho thấy trong trường hợp tương tự trên, bản án kết tội tuyên người bị sử dụng thông tin trái phép vẫn cần xét lại theo thủ tục tái thẩm. Giải quyết theo quy định của pháp luật TTHS Cộng hoà Pháp có ưu điểm nhanh chóng và hiệu quả tuy nhiên nếu không tái thẩm với bản án thì vẫn tồn tại bản án sai lầm. Yêu cầu tái thẩm không được chấp nhận trong trường hợp người bị kết án chết trước khi bản án kết tội có HLPL. Các quyết định về dân sự (bồi thường thiệt hại, chi phí tư pháp, hoàn lại hoặc khôi phục nguyên trạng) của Toà án hình sự không phải là đối tượng của tái thẩm.

Kháng cáo, kháng nghị tái thẩm đối với bản án, quyết định chỉ được thực hiện trong bốn trường hợp quy định tại Điều 622 BLTTHS Cộng hoà Pháp; những trường hợp này cũng từng được quy định tại Điều 443 Bộ luật Thẩm cứu hình sự. Theo quy định tại Điều 622 BLTTHS Cộng hoà Pháp, thủ tục tái thẩm có thể được thực hiện trong các trường hợp sau: 1) Sau khi ra bản án kết tội giết người thì có chứng cứ cho phép kết luận người được xác định là nạn nhân của vụ giết người vẫn còn sống; 2) Trong trường hợp sau khi có bản án kết án bị cáo về trọng tội hoặc khinh tội thì có bản án mới kết tội bị cáo khác về cùng hành vi phạm tội nhưng sự kết tội của hai bản án mâu thuẫn nhau; sự mâu thuẫn này là cơ sở khẳng định sự vô tội của một trong hai bị cáo; 3) Người làm chứng sau khi xét xử thì bị truy tố và kết án về hành vi làm chứng không đúng sự thật chống lại bị cáo; 4) Sau khi có bản án kết tội thì có tình tiết mới hoặc phát hiện tình tiết mới hoặc tình tiết mà Toà án không biết được khi xét xử gây nghi ngờ về tội phạm của người bị kết án.


Giống như TTHS Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Việt Nam, việc bồi thường được đặt ra đối với người bị kết an oan. Đoạn 6 Khoản 6 Điều 626 BLTTHS Cộng hoà Pháp ghi nhận các hình thức giải quyết thiệt hại về tinh thần: niêm yết, đăng trên công báo hoặc báo chí.

* Tái thẩm trong TTHS Liên bang Nga

Hệ thống pháp luật Liên bang Nga là hệ thống pháp luật dân sự dựa trên những bộ luật thành văn. Trong thời kỳ cận đại trở lại đây, có ba sự thay đổi có thể coi là phát triển lớn trong TTHS Liên bang Nga: Cải cách Alexander II trong những năm 1860; Cách mạng Bolshevik 1917; Cách mạng Nga lần thứ hai năm 1989 - 1990. Hiện tại BLTTHS Liên bang Nga ban hành ngày 18/12/2001 đã được sửa đổi, bổ sung mới nhất ngày 05/5/2014 và có hiệu lực từ ngày 16/5/2014. Khi nghiên cứu TTHS Liên bang Nga, điểm lưu ý là “mặc dù theo hệ thống luật dân sự nhưng phán quyết của Toà án vẫn coi là nguồn của pháp luật mặc dù không phát triển toàn diện như ở các nước theo hệ thống luật chung Anh – Mỹ” [4, tr. 139].

TTHS Liên bang Nga đề cập đến xét lại bản án, quyết định của Toà án có HLPL. Thủ tục có tính chất tương tự như tái thẩm trong TTHS Việt Nam quy định tại Mục 49 BLTTHS Liên bang Nga được gọi là “bắt đầu lại vụ án hình sự trong trường hợp phát sinh tình tiết mới hoặc tình tiết mới được phát hiện” (возобновление производства по уголовному делy ввиду новых или вновь открывшихся обстоятельств) [121]. Các nhà nghiên cứu khoa học Liên bang Nga thừa nhận đây là một giai đoạn độc lập trong TTHS [120, tr. 239].

TTHS Liên bang Nga xác định căn cứ bắt đầu lại vụ án hình sự do có tình tiết mới phát hiện hoặc tình tiết mới. Có sự phân biệt tương đối rò trong quy định về hai căn cứ này. Những tình tiết mới được phát hiện tồn tại ở thời điểm ra bản án, quyết định có HLPL mà Toà án không biết và được chỉ rò tại khoản 3 Điều 413 bao gồm:

1) Việc khai báo gian dối của người bị hại hoặc người làm chứng, kết luận giám định gian dối, những vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động xét xử và những tài liệu khác bị giả mạo hoặc việc dịch gian dối dẫn đến việc ra bản án trái pháp luật, không có căn cứ hoặc không công bằng, ra quyết định trái pháp luật hoặc không có


căn cứ; 2) Sau khi bản án của Toà án có HLPL mới xác định được hành vi phạm tội của Điều tra viên, Dự thẩm viên hoặc Kiểm sát viên dẫn đến việc ra bản án trái pháp luật, không có căn cứ hoặc không công bằng, ra quyết định trái pháp luật hoặc không có căn cứ; 3) Sau khi bản án của Toà án có HLPL mới phát hiện hành vi phạm tội của Thẩm phán được thực hiện khi xét xử vụ án đó. Căn cứ tái thẩm trong BLTTHS Việt Nam có nhiều điểm giống với quy định của TTHS Liên bang Nga.

Tình tiết mới là những tình tiết loại trừ tội phạm và tính phải chịu hình phạt của hành vi mà Toà án không biết được ở thời điểm ra quyết định. BLTTHS Liên bang Nga sửa đổi, bổ sung năm 2014 so với BLTTHS năm 2001 mở rộng phạm vi hơn khi tại Điểm 2 Khoản 2 Điều 413 quy định những tình tiết mới này còn có thể theo hướng buộc tội bị cáo vào tội danh nặng hơn [121]. Những tình tiết này bao gồm: 1) Toà án Liên bang Nga xác định rằng luật được áp dụng trong vụ án đó không phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga; 2) Toà án châu Âu về quyền con người xác định rằng có vi phạm những quy định của Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khi Toà án Liên bang Nga xét xử vụ án hình sự liên quan tới việc áp dụng luật Liên bang không phù hợp với quy định của Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản hoặc liên quan tới những vi phạm khác vi phạm các quy định của Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản; 3) Những tình tiết mới khác. Quy định này trong BLTTHS Liên bang Nga khác với quy định về tình tiết là căn cứ kháng nghị tái thẩm trong TTHS Việt Nam, bởi Nga là tổ chức nhà nước Liên bang và quy định này đáp ứng yêu cầu hoà nhập với pháp luật Châu Âu.

Tái thẩm trong TTHS Liên bang Nga có giới hạn về thời gian và việc quyết định tái thẩm thuộc về kiểm sát viên. Tái thẩm được tiến hành tại nhiều cấp Toà án khác nhau tùy bản án, quyết định có HLPL là của Toà án cấp nào. Tuy nhiên, giống như TTHS Việt Nam, BLTTHS Liên bang Nga quy định căn cứ để Toà án lựa chọn thẩm quyền khi nào hủy bản án, quyết định của Toà án để tiến hành xét xử lại, đình chỉ vụ án hay không chấp nhận đề nghị tái thẩm của Kiểm sát viên.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 2


1. Bản chất của tái thẩm trong TTHS, cũng giống như các thủ tục khác thể hiện qua những dấu hiệu đặc trưng về đối tượng, mục đích, cơ sở pháp lý phát sinh, thẩm quyền và thủ tục. Việc phân tích các dấu hiệu đặc trưng khẳng định phải quy định thủ tục xét lại tính có căn cứ của bản án, quyết định bằng một thủ tục riêng biệt và đưa ra khái niệm tái thẩm như sau: Tái thẩm trong TTHS là thủ tục trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án, quyết định hình sự đã có HLPL khi có kháng nghị vì mới phát hiện tình tiết làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định mà Toà án không biết khi ra bản án, quyết định nhằm bảo đảm xác định lại sự thật của vụ án, bảo đảm người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Tái thẩm trong TTHS có ý nghĩa chính trị, xã hội bảo đảm sự tồn tại của nguyên tắc Nhà nước pháp quyền trong mỗi quốc gia mà nổi bật là yêu cầu về bảo đảm pháp chế và bảo đảm quyền con người. Về mặt xã hội, thủ tục tái thẩm được quy định và áp dụng góp phần loại bỏ việc kết án oan và bỏ lọt tội phạm; tạo lập, củng cố lòng tin của xã hội đối với Toà án nói riêng và cơ quan tư pháp nói chung. Tái thẩm có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý, là cơ sở để hủy bỏ hiệu lực của các bản án, quyết định của Toà án đã có HLPL nhằm xác định lại một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ sự thật vụ án hình sự, xử lý trách nhiệm hình sự đúng người có tội, phục hồi danh dự, quyền lợi vật chất đối với người bị kết án oan, bảo đảm các nguyên tắc tố tụng được tôn trọng và thực thi trên thực tế.

3. Việc xem xét lại bản án, quyết định có HLPL của Toà án được tìm thấy trong quy định về thủ tục giải quyết các vụ án hình sự tại Toà án hình sự quốc tế và pháp luật TTHS nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia quy định khác nhau, có quốc gia quy định giám đốc thẩm như một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại trên phương diện pháp luật và tái thẩm xét lại bản án khi mới phát hiện tình tiết cho thấy sai lầm trong nội dung phán quyết; có quốc gia quy định một thủ tục chung để xem xét trên cả hai phương diện. Tái thẩm có truyền thống lâu đời ở các nước theo hệ thống luật thành văn. Tuy nhiên, mỗi nước lại có các quy định khác nhau phụ thuộc vào truyền thống pháp luật, mô hình tố tụng của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phát triển.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022