Tài nguyên du lịch biển Việt Nam cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng - 5

Tính bất biến về mặt lãnh thổ của đa số các loại tài nguyên du lịch tạo nên lực hút cơ sở hạ tầng và dòng du khách tới nơi tập trung các loại tài nguyên. Trong du lịch, chỉ có dòng chuyển động một chiều từ khách đến điểm du lịch mà không có chuyển động ngược chiều như ở các hoạt động kinh doanh khác. Điều đó dẫn đến một hệ quả quan trọng, muốn khai thác tài nguyên du lịch điều đầu tiên cần quan tâm là phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như các phương tiện vận chuyển du khách.

- Tài nguyên du lịch có thời gian khai thác khác nhau


Trong số các tài nguyên du lịch, có những tài nguyên có khả năng khai thác quanh năm, lại có những tài nguyên mà việc khai thác ít nhiều lệ thuộc vào thời vụ. Sự lệ thuộc này chủ yếu theo quy luật diễn biến của thời tiết. Đặc tính này đã trực tiếp tạo nên tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch.

d) Vai trò của tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch được xem là tiền đề để phát triển du lịch. Chính sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch tạo nên sự phong phú và đa dạng của sản phẩm du lịch. Tài nguyên du lịch càng đặc sắc, độc đáo, có mức độ tập trung cao thì giá trị của sản phẩm du lịch và độ hấp dẫn khách du lịch càng tăng, hiệu quả kinh doanh du lịch càng cao. Thật khó khăn cho một địa phương muốn phát triển du lịch mà không có tài nguyên du lịch hoặc tài nguyên du lịch quá nghèo nàn.

Căn cứ theo đặc điểm phân bố của tài nguyên du lịch, trong tổ chức lãnh thổ du lịch đã hình thành nên các điểm du lịch, các cụm du lịch, các trung tâm du lịch và các tuyến du lịch. Từ các tuyến điểm du lịch này, trong quá trình khai thác sẽ lựa chọn, sắp xếp thành các chương trình du lịch tức là các sản phẩm du lịch cụ thể cung cấp cho du khách.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú ngày càng cao của khách du lịch, các doanh nghiệp, các địa phương, các quốc gia cần phát triển nhiều loại hình du lịch. Mỗi loại hình du lịch thường được phát triển dựa vào những đặc điểm, tính chất riêng của các loại tài nguyên du lịch. Không có những hang động ngầm bí ẩn, những đỉnh núi cao hiểm trở, những cánh rừng nguyên sinh âm u, hoang vắng thì không thể xuất hiện loại hình du lịch thám hiểm. Hay không có những bãi san hô và thế giới sinh vật thuỷ sinh muôn màu muôn vẻ chìm ngập trong làn nước trong xanh thì không thể có loại hình du lịch ngầm dưới biển. Tài nguyên du lịch để phát triển loại hình du lịch tâm linh là hệ thống các di tích tôn giáo có giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc như chùa, đình, đền, nhà thờ và các tổ chức tôn giáo cùng với hệ thống các giáo lý.

Giá trị, quy mô, sức chứa, thời gian khai thác... của tài nguyên quyết định mức độ thuận lợi và mức độ hấp dẫn của địa phương nào đó cho phát triển một loại hình du lịch cụ thể.

Mặt khác, chính sự xuất hiện của các loại hình du lịch đã làm cho nhiều yếu tố của điều kiện tự nhiên và xã hội trở thành tài nguyên du lịch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.

1.2.3. Tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng


Tài nguyên du lịch biển Việt Nam cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng - 5

Tài nguyên du lịch là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch. Các loại hình du lịch ra đời đều phải dựa trên cơ sở của tài nguyên. Loại hình du lịch khác nhau thì sử dụng các loại tài nguyên không giống nhau và có những tiêu chuẩn nhất định đối với tài nguyên. Hay nói cách khác tài nguyên đối với mỗi loại hình du lịch có đặc trưng riêng.

Đối tượng của loại hình du lịch tham quan thường là những danh lam thắng cảnh, lễ hội, trò chơi dân tộc, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống... Bề mặt nước ven các bãi biển, trên các hồ, các sông suối, kênh rạch có phong cảnh đẹp, nước không bị ô nhiễm nhiều là nơi có thể

triển khai các hoạt động tham quan trên nước. Đối tượng của du lịch sinh thái, săn bắn hay nghiên cứu khoa học thì là các hệ sinh thái tự nhiên.

Cùng khai thác các hệ sinh thái tự nhiên, song du lịch sinh thái, săn bắn, nghiên cứu khoa học lại khai thác chúng ở các khía cạnh hay các giá trị khác nhau. Với du lịch sinh thái, cần những loài động thực vật có màu sắc hấp dẫn, vui mắt, dễ quan sát bằng mắt thường, ống nhòm hoặc nghe tiếng hót, tiếng kêu và có thể chụp ảnh được. Với du lịch săn bắn, động vật được phép săn là loài phổ biến, không ảnh hưởng đến số lượng, quỹ gien và phải là loại động vật hoạt động nhanh nhẹn. Đối với du lịch nghiên cứu khoa học, tài nguyên bao gồm hệ động thực vật phong phú đa dạng, những loài đặc hữu, bảo tồn một số loại gien quý giá đặc trưng.

Ví dụ khác về khí hậu, Vũng Tàu không thể là một bãi biển nổi tiếng, thu hút hàng triệu khách mỗi năm nếu ở đó có khí hậu như ở Đà Lạt hay Sapa. Ngược lại Đà Lạt, Sapa sẽ không có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam với tư cách là các trung tâm nghỉ dưỡng núi nếu ở những vùng này lại có khí nóng như ở Vũng Tàu. Lại giả sử nước ta là nước thuộc khu vực ôn đới, quanh năm mát mẻ thì chắc chắn Sapa, Đà Lạt cũng khó có thể thu hút nhiều khách du lịch đến thế. Như vậy, không phải cứ khí hậu ôn hoà, mát mẻ là đã đủ điều kiện để được coi là tài nguyên du lịch, khí hậu có là tài nguyên du lịch hay không thì còn phải xét đến sự phù hợp với loại hình du lịch cụ thể.

Mỗi loại tài nguyên du lịch đều có thể mang lại cho du khách các giá trị về mặt tinh thần, tri giác, cảm giác nhất định, nhưng những giá trị đó chỉ có ý nghĩa khi chúng có thể đáp ứng những gì mà khách du lịch trông đợi.

Sự phù hợp của tài nguyên du lịch với loại hình du lịch suy cho cùng do mục đích chuyến đi quy định, bắt nguồn từ những yêu cầu của du khách. Đáp ứng những yêu cầu của du khách thì tài nguyên mới được xem là có giá trị phục vụ cho loại hình.

Khách đi du lịch với mục đích chữa bệnh thì tài nguyên cần là những nguồn nước khoáng, bùn, muối, khí hậu... có tác dụng chữa bệnh. Với du khách thích mạo hiểm tham gia du lịch thể thao thì dạng địa hình được coi là tài nguyên khi địa hình tồn tại các vật chướng ngại như ghềnh, thác, sông, suối... để thử thách lòng dũng cảm. Du khách lặn biển là để tận mắt chứng kiến thế giới kỳ ảo trong lòng đại dương nên tài nguyên của du lịch lặn biển trước tiên phải là khu vực biển có cảnh quan đáy biển hấp dẫn. Phù hợp với du lịch lướt sóng cần những vùng bờ có sóng lừng. Với du lịch thể thao nhảy dù, tàu lợn, thả diều, khinh khí cầu, thuyền buồm... cần trời quang mây, không có sương mù, tốc độ gió và hướng gió thích hợp.

Sống hàng ngày trong môi trường công nghiệp và đô thị hoá khiến người dân thành phố có nhu cầu nghỉ dưỡng lớn và họ mong muốn thoát ra khỏi cuộc sống tấp nập, bụi bặm đó bằng cách tận dụng những kỳ nghỉ để được trở về với tự nhiên, sống thoải mái trong môi trường thiên nhiên nguyên sơ. Tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng phần lớn là tài nguyên thiên nhiên. Mục đích chủ yếu của những chuyến đi nghỉ dưỡng là để phục hồi sức khoẻ, tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng là các thành phần của tự nhiên có khả năng bồi bổ sức khoẻ.

Các điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng ôxy, áp suất, độ trong lành của không khí tỏ ra có hiệu quả trong việc nhanh chóng làm phục hồi sức khoẻ của con người. Vùng biển và vùng núi là những nơi có khí hậu dễ chịu, trong lành, nhiều yếu tố có lợi cho sức khoẻ và đó chính là lý do đầu tiên du khách chọn biển, núi làm địa chỉ cho các chuyến nghỉ dưỡng.

Không khí ở vùng bờ biển trong lành do chứa một lượng khá lớn anion - một loại "vitamin không khí". Khi hít thở, các anion này vào cơ thể, cải thiện hoạt động của phổi, tăng thêm khả năng hấp thụ ôxy và thải khí cacbonic. Chúng là các ion mang điện nên có tác dụng hạn chế vi

khuẩn sinh sôi nảy nở. Môi trường nhiều anion sẽ làm tăng công năng thần kinh giao cảm của con người, khiến người ta cảm thấy sảng khoái vui vẻ. ánh nắng vùng biển làm tăng sự trao đổi chất, tạo ra vitamin D, tăng lượng hồng cầu, bồi bổ sức khoẻ, đem đến những giấc ngủ ngon lành.

Gradien nhiệt độ với vùng núi trung bình là 0,6oC/100m, tức là cứ

lên cao 100 m thì nhiệt độ không khí giảm 0,6o. Lên núi cao không còn cảm giác oi nồng như ở dưới đồng bằng. Không khí vùng núi mỏng hơn, nhẹ hơn, khí áp thấp hơn làm cho máu lưu thông dễ dàng, thành phần ôdôn trong không khí cao làm tăng số lượng hồng cầu, rất tốt cho những người thiếu máu hay suy nhược thần kinh.

Tại Việt Nam, điều kiện khí hậu dễ chịu nhất là nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 15 - 23oC và độ ẩm tuyệt đối từ 14 - 21 mb. Các điều kiện đó ứng với khu vực Đà Lạt, nơi quanh năm có nhiệt độ không khí trung bình hàng tháng dao động trong khoảng 16,4oC đến 19,7oC và độ ẩm tuyệt đối từ 13,8 mb - 19,5 mb. Ở Sa pa, có tới 7 tháng điều kiện khí hậu dễ chịu, từ tháng 4 đến tháng 10, ứng với nhiệt độ trung bình háng tháng từ 15,6oC - 19,8oC và độ ẩm tuyệt đối từ 15,7mb - 20,3 mb. Điều đó lý giải vì sao hai nơi này đã được lựa chọn và xây dựng để trở thành các điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở nước ta.

Đối với du lịch tham quan, dành cho đối tượng du khách hiếu kỳ, một số hiện tượng thiên nhiên đặc biệt như sự xuất hiện của sao Chổi, nhật thực, hiện tượng phun trào trở lại của núi lửa, mưa sao... có sức hấp dẫn lớn. Còn với du khách của du lịch nghỉ dưỡng, họ quan tâm đến tính chất của khí hậu cũng như sự ổn định của các điều kiện khí hậu.

Không gian nghỉ dưỡng rất cần sự yên tĩnh. Tiếng ồn từ các phương tiện vận tải, từ các máy móc sản xuất hay kể cả từ hoạt động giao tiếp, vui chơi giải trí của người dân bản địa... cũng khiến du khách có cảm giác bị làm phiền trong những giờ phút họ dành cho việc tĩnh dưỡng.

Như đã phân tích ở phần trên, nếu như chỉ với mục đích vì sức khoẻ, con người có thể tìm đến các trạm điều dưỡng hay bệnh viện có chuyên môn về y, nhưng đối tượng của du lịch nghỉ dưỡng là những người đi chơi, đi hưởng thụ, họ tìm đến những nơi vừa có thể nằm dài tắm nắng dưới hàng cọ ven biển, thăm thú các cảnh đẹp xung quanh vừa có thể an dưỡng. Khách nghỉ dưỡng có nhu cầu nghỉ ngơi trong khung cảnh thiên nhiên đẹp. Những gương nước mênh mông, núi non trùng điệp, sơn thuỷ hữu tình, những thảm thực vật xanh mướt rồi cảnh quan biển - đảo khoáng đạt ... làm thoả mãn kênh thị giác của họ, làm tăng hứng thú với thiên nhiên, với cuộc sống, chính là "liều thuốc tinh thần" đối với họ.

Như vậy, tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng bao gồm các điều kiện khí hậu, môi trường, phong cảnh thiên nhiên (địa hình, sinh vật) có khả năng tạo nên hiệu quả phục hồi sức khoẻ (thể lực và tinh thần) cho con người.

Loại hình du lịch nghỉ dưỡng thường được tổ chức tại những khu vực miền núi cao, có khí hậu mát mẻ, các bãi biển đẹp, có nhiều ánh nắng, những nơi có suối khoáng, có cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và nguồn lao động phù hợp.

Là các hợp phần của tự nhiên, tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng thuộc loại có khả năng tái tạo và sử dụng lâu dài. Các dạng tài nguyên có quan hệ gắn bó với nhau và chịu sự chi phối rất lớn của nhân tố khí hậu. Các điều kiện khí hậu thuận lợi với con người thì cũng là những điều kiện lý tưởng cho sinh vật sinh sôi, phát triển. Vì vậy, khu vực có khí hậu thuận lợi thì thường có phong cảnh thiên nhiên trù phú.

Chúng ta chủ yếu lợi dụng các tài nguyên sẵn có của tự nhiên để xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng. Chúng ta khó có thể tạo nên các tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng bởi vô cùng tốn kém và dù có mô phỏng lại thì cũng không lột tả hết được sức sáng tạo phi thường của tạo hoá và vì thế sẽ giảm đi rất nhiều giá trị và độ hấp dẫn. Để triển khai loại hình du lịch nghỉ

dưỡng, chi phí lớn nhất là việc đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng sang trọng tuy nhiên có thể đầu tư vốn theo giai đoạn khi đã được quy hoạch dài hạn.

Tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng không thể di dời. Để kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư phải lựa chọn khu vực hội đủ nhiều điều kiện tài nguyên thuận lợi cho xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở đó. Khu nghỉ dưỡng vừa đóng vai trò là cở sở lưu trú cho khách vừa là không gian để con người thụ hưởng tài nguyên tại chỗ. Vị trí của các khu nghỉ dưỡng vì vậy mà rất quan trọng. Ngoài lựa chọn vị trí, các chủ đầu tư còn cố gắng kiến trúc các khu nghỉ dưỡng hài hoà với tự nhiên, tạo ra các cảnh đẹp nhân tạo thu hút khách. Khu nghỉ dưỡng cũng có thể coi là một dạng tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng.


Tiểu kết chương 1

Tài nguyên du lịch là một dạng đặc biệt trong toàn bộ tài nguyên mà con người sử dụng. Tài nguyên chỉ được coi là tài nguyên du lịch khi và chỉ khi nó có sức hấp dẫn du khách, được sử dụng cho ngành Du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường. Tài nguyên du lịch nhân văn có tác dụng nhận thức trực tiếp và rõ ràng trong khi đó, tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị phục vụ cho nghỉ ngơi, an dưỡng, chữa bệnh cao hơn.

Tài nguyên du lịch là cơ sở hình thành các loại hình du lịch. Mỗi loại hình du lịch thường được phát triển dựa vào những đặc điểm, tính chất riêng của một số loại tài nguyên du lịch nhất định.

Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình du lịch mà mục đích chính của du khách là để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, phục hồi sức khoẻ. Tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng bao gồm các điều kiện khí hậu, môi trường, phong cảnh thiên nhiên có khả năng tạo nên hiệu quả phục hồi sức khoẻ (thể lực và tinh thần) cho con người.

Địa bàn triển khai du lịch nghỉ dưỡng thường là khu vực miền núi cao, có khí hậu mát mẻ, những nơi có suối khoáng hay các bãi biển đẹp, chan hoà ánh nắng, cộng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và nguồn lao động phù hợp. Tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng chủ yếu là tài nguyên tự nhiên, có khả năng tái tạo và sử dụng lâu dài. Các dạng tài nguyên có quan hệ gắn bó với nhau và chịu sự chi phối rất lớn của nhân tố khí hậu.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/05/2023