Những Khó Khăn Và Thách Thức Kinh Tế Trung Quốc Phải Đối Mặt Khi Gia Nhập Wto


Hàng hóa của ASEAN nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 4 lần trong vòng hai thập kỷ trở lại đây, làm tăng tỷ lệ nhập khẩu từ các nước này trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc lên 10%. Tổng lượng hàng hoá mà các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) (Singapore, Hàn Quốc, Hông Kông, Đài Loan) xuất khẩu sang Trung Quốc vượt lượng hàng hoá mà các nước này xuất khẩu sang Mỹ. Việc nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên tất yếu đã thúc đẩy xu hướng thương mại nội bộ trong khu vực Đông Á, từ đó thay đổi quan điểm cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc là một “thách thức” hơn là một “cơ hội”. Sở dĩ nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh như vậy là do: thứ nhất, nhu cầu của bản thân nền kinh tế tăng do tiêu thụ nội địa tăng; thứ hai, xuất khẩu tăng lên, tức là tăng nhập khẩu để tăng xuất khẩu.

Thực sự WTO đã và đang làm thay đổi sâu sắc mô hình tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc. Phó cục trưởng Cục Thống kê Nhà nước Khâu Hiểu Hoa cho rằng, nguyên nhân khiến cho tình hình ngoại thương của Trung Quốc phát triển tốt là do Chính phủ đã hoàn thiện một bước và thực hiện chế độ hoàn thuế xuất khẩu, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, và quan trọng hơn là yếu tố linh hoạt của thị trường cũng như sức bật mới của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO. Sau khi gia nhập WTO, cơ cấu xuất nhập khẩu ngoại thương đã được cải cách sâu rộng. Một loạt các xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp cổ phần không có quota xuất khẩu đã được quyền xuất khẩu. Hơn nữa, cùng với quá trình chuyển dịch ngành nghề theo mang tính toàn cầu và cải thiện môi trường đầu tư trong nước, Trung Quốc ngày càng được các công ty xuyên quốc gia chọn làm điểm đến, chủ yếu là cho ngành chế tạo. Số lượng các doanh nghiệp nước ngoài chen chân vào thị trường Trung Quốc đã đóng góp vào 1/2 khối lượng hàng hoá xuất khẩu của nước này.

Về đầu tư nước ngoài


Cùng với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngoại thương, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc cũng có những bước tiến nổi bật. Khối lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc liên tục đứng đầu trong số các nước đang phát triển. Nhờ những chính sách đầu tư thông thoáng và cởi mở, cùng với việc gia nhập WTO, sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng mạnh. Trong năm 2005, Trung Quốc thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ sau Mỹ (96 tỷ USD) và Anh (78 tỷ USD), đứng đầu các nước phát triền.

Hiện đang có khoảng trên 190 nước và khu vực tham gia đầu tư vào Trung Quốc, hơn 1800 công ty châu Âu có mặt và tiến hành đầu tư, xây dựng nhà xưởng ở Trung Quốc; các công ty châu Á như của Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… cũng đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào nước này. Trong hơn 500 công ty xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới thì đã có hơn 400 công ty đầu tư vào Trung Quốc.

Trong đầu tư nước ngoài đã xuất hiện một xu hướng mới, đó là sự gia tăng các liên kết, sáp nhập giữa các công ty lớn của Trung Quốc với các công ty nổi tiếng của nước ngoài. Với hình thức này, các công ty Trung Quốc đã ngay lập tức sở hữu tất cả các tài sản hữu hình và vô hình với các thương hiệu đã được thế giới công nhận, qua đó vai trò của Trung Quốc trong hệ thống sản xuất và phân phối toàn cầu đã được nâng cao. Hơn thế nữa, xu hướng này còn góp phần giúp đẩy mạnh quá trình sắp xếp, tổ chức lại một số ngành công nghiệp của Trung Quốc; từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành này. Việc mua lại hay sáp nhập này chính là một biện pháp mà qua đó Trung Quốc chủ động đón nhận thách thức.

b. Hiện đại hoá cơ cấu ngành nghề

Tỉ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến từ năm 2002 bắt đầu vượt qua công nghiệp nguyên liệu, năm 2002 tỉ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến là 20,3% cao hơn nhiều so với mức 15,6% của ngành công

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.


nghiệp nguyên liệu. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đã thực sự bước vào giai đoạn công nghiệp hoá toàn diện.

Tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO đến hoạt động xuất nhập khẩu - 4

Các ngành nghề kỹ thuật cao, mà tiêu biểu là công nghệ thông tin cũng đã chuyển dịch đến Trung Quốc. Trong số 100 công ty hàng đầu của thế giới về công nghệ thông tin thì có đến 90 công ty đã có mặt tại Trung Quốc, trong đó có các tên tuổi lớn như Intel, Compak…Năm 2004, tồng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật cao của Trung Quốc đạt 165,5 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu, và tăng 50,2% so với năm 2003; trong đó tăng trưởng nhanh nhất là các sản phẩm máy tính xách tay, điện thoại di động, màn hình tinh thể lỏng… Các ngành công nghiệp chế tạo cũng tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2004, tốc độ tăng trưởng của ngành chế tạo thiết bị thông dụng tăng 22,2%, thiết bị phát điện tăng 92,9%...

Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO đã thực sự trở thành công xưởng của thế giới, làm thay đổi rõ rệt cơ cấu ngành nghề theo hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến và nổi bật là có một số ngành công nghiệp hiện đại. Một trong những yếu tố quyết định đến việc hiện đại hoá cơ cấu ngành nghề là sự tham gia của các công ty nước ngoài mà đặc biệt là các công ty đến từ các nền kinh tế phát triển nhất của châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

3.1.2 Những khó khăn và thách thức kinh tế Trung Quốc phải đối mặt khi gia nhập WTO

a. Xung đột thương mại gia tăng

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước buôn bán lớn thứ 3 thế giới, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới, sau Mỹ và Đức. Chính việc kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ đã khiến cho nhiều đối tác lớn như Mỹ và EU phải dè chừng. Sau khi gia nhập WTO, quan hệ kinh tế quốc tế của Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ mới, cùng với sự mở rộng quy mô thương mại, những xung đột về thương mại mà Trung Quốc gặp phải cũng ngày một tăng lên.


Ngay trong năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã vấp phải nhiều hàng rào mậu dịch quốc tế, từ các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Bằng chứng là các vụ kiện chống bán phá giá đối với Trung Quốc ngày một tăng. Trong vòng 2 năm sau khi gia nhập WTO, số lượng các vụ kiện chống bán phá giá mà Trung Quốc gặp phải chiếm tới gần 1/2 tổng số vụ kiện chống bán phá giá toàn thế giới. Trong số 275 vụ kiện chống bán phá giá của các thành viên WTO trong năm 2002, có tới 47 vụ là liên quan đến Trung Quốc với số tiền phạt lên tới 450 triệu USD. Trước khi gia nhập WTO, không phải là không xảy ra những vụ xung đột thương mại với các đối tác, nhưng kể từ khi gia nhập WTO thì số lượng các vụ tranh chấp thương mại gia tăng mạnh, đặc biệt là đối với Mỹ và châu Âu. Từ khi nước này gia nhập WTO tới nay, Mỹ đã kiện chống bán phá giá Trung Quốc bình quân mỗi năm 7,2 vụ, EU bình quân kiện 2,4 vụ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã đạt thặng dư thương mại là 101,9 tỷ năm 2005 – năm thứ 12 liên tiếp xuất siêu (năm 2004 giá trị thặng dư là 32 tỷ USD). Tháng 8/2006, kim ngạch xuất khẩu nước này đạt tới 90,77 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 71,97 tỷ USD; thặng dư thương mại do đó đạt mức cao kỷ lục tháng là 18,8 tỷ, đưa thặng dư 8 tháng đầu năm lên 95,6 tỷ USD. Chính mức thặng dư khổng lồ và ngày càng tăng này đã làm bùng nổ những cuộc tranh cãi mậu dịch giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại.

Tuy nhiên, cũng không thể không kể dến những vi phạm từ phía Trung Quốc, đặc biệt là trong vân đề sở hữu trí tuệ - đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thiếu tin cậy trong quan hệ giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại.

b. Tăng trưởng quá nóng

Nếu tính bình quân tử năm 2001 đến năm 2005 thì GDP của Trung Quốc đã tăng 8,76%, cao hơn nhiều so với mục tiêu là 7% đề ra trong kế hoạch 5


năm 2001-2005. Hai lĩnh vực có mức tăng trưởng nổi bật là ngoài thương và đầu tư nước ngoài. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu từ năm 2002 luôn đạt trên dưới 30%, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm 2003 đã vượt Mỹ - nước luôn đứng ở vị trí thứ nhất thế giới.

Mức độ tăng trưởng như vậy của Trung Quốc được xem là tăng trường nóng bởi nó đã gây ra một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản quá mạnh, xuất siêu quá nhiều, gây ra những xung đột thương mại gay gắt.

Thứ hai, tăng đầu tư quá lớn vào lĩnh vực bất động sản có nhiều rủi ro, làm phức tạp thêm các vấn đề xã hội vốn đã bức xúc.

Thứ ba, tiêu hao năng lượng quá lớn, chẳng hạn như năm 2004, GDP Trung Quốc vào khoảng 4% GDP toàn thế giới nhưng nước này lại tiêu thụ đến 12% năng lượng, 40% xi măng , 30% quặng sắt…của toàn thế giới.

Từ năm 2004, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp như thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, giảm mức cung tiền, hạn chế tín dụng và đầu tư…do đó đã có một số dấu hiệu dịu xuống của nền kinh tế đang nóng của nước này.

c. Sức ép nâng giá đồng nhân dân tệ (NDT)

Cùng với những tranh chấp thương mại, sức ép nâng giá đồng nhân dân tệ cũng là một vấn đề nóng bỏng khác. Các nước, nhất là Mỹ, EU, và Nhật Bản căn cứ vào mức thặng dư thương mại lớn và kéo dài của Trung Quốc, những lợi thế do năng suất lao động của nước này, dự trữ ngoại tệ ngày một tăng, mức lạm phát thấp và đóng góp ngày càng tăng của nước này vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu, để rút ra kết luận là đồng NDT hiện đang được định giá quá thấp và đòi Trung Quốc phải nâng giá đồng NDT.

Chính phủ Trung Quốc đã kiên quyết không tăng giá đồng NDT cho tới khi Mỹ dự định áp đặt mức thuế 27,5% đánh vào hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 5/2005. Ngày 21/7/2005, Trung Quốc đã nâng giá


đồng NDT lên 2,1% và tỷ giá mới của đồng NDT lúc 19h ngày 21/7 được ấn định là 8,11 NDT/USD.

Trước mắt, việc nâng giá đồng NDT có thể làm giảm bớt đầu tư nước ngoài, xuất khẩu chậm lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế hạ thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng…Nhưng xét về tổng thể, nó sẽ góp phần thúc đẩy cân bằng thu chi quốc tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, có lợi cho việc xây dựng chính sách tiền tệ độc lập, tự chủ, phù hợp với điều kiện của Trung Quốc.

3.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

3.2.1 Điều chỉnh chính sách kinh tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng các lợi thế so sánh

Đẩy mạnh cải cách cơ cấu là giải pháp quan trọng nhất để có thể thực hiện một cách hiệu quả các cam kết với WTO. Trung Quốc cũng như Việt Nam đều có những vấn đề cơ bản giống nhau, đó là hệ thống tài chính, ngân hàng yếu kém, các doanh nghiệp nhà nước chiếm một tỷ trọng tương đối lớn nhưng lại hoạt động kém hiệu quả…Và Trung Quốc đã và đang tiến hành một cuộc điều chỉnh cơ cấu mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như hệ thống ngân hàng chuyển dần sang hoạt động theo cơ chế thị trường, cải cách các doanh nghiệp nhà nước… Với những tương đồng về cơ cấu, đây chính là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Sau khi gia nhập WTO, cơ cấu các ngành kinh tế cũng cần phải dựa trên cơ sở lợi thế so sánh của đất nước, cũng như cung -cầu thị trường để cân nhắc. trong quá trình phát triển kinh tế theo định hướng đã chọn, phải luôn theo dõi diễn biến của thị trường thế giới để có hướng bổ sung, điều chỉnh chính sách kinh tế nhằm tối ưu hoá các lợi ích kinh tế của đất nước.

3.2.2 Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với điều cầu của WTO


WTO có hệ thống các hiệp định, quy định… liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hoá, dịch vụ, kỹ thuật, thuế quan…và yêu cầu tất cả các thành viên phải tuân thủ triệt để. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy cần phải tập huấn nâng cao trình độ, trang bị kiến thức cần thiết về WTO, về các quy định, thể chế của tổ chức này cho các cán bộ làm luật và thi hành luật từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và xác định những quy định nào cần ban hành mới, quy định nào cần sửa đổi hoặc bãi bỏ. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy phải sớm ban hành các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp, về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá dịch vụ…Đối với các quy định mới mẻ, có thể thuê các công ty tư vấn nước ngoài giúp soạn thảo, còn các cơ quan của ta sẽ thẩm định và phê duyệt.

3.2.3 Vận dụng quy tắc và cơ chế của WTO để ứng phó có hiệu quả với các tranh chấp thương mại

Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, sẽ không thể tránh khỏi các tranh chấp thương mại. Do đó Việt Nam sẽ cần phải vận dụng linh hoạt các quy tắc của WTO để xử lý tốt các tranh chấp thương mại phát sinh, tránh rơi vào tình trạng tranh chấp thương mại triền miên như Trung Quốc. Muốn vậy, Việt Nam cần phải từng bước xây dựng và kiện toàn cơ chế ứng phó với tranh chấp thương mại, định ra chiến lược ứng phó thống nhất đối với các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay các biện pháp đặc biệt mà các thành viên WTO áp đặt cho Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng ta cần tăng cường công tác nghiên cứu các quy tắc của WTO, đồng thời đào tạo đội ngũ chuyên viên giải quyết các tranh chấp thương mại một cách hiệu quả. Bên cạnh việc ứng phó với các biện pháp bảo vệ từ bên ngoài, chúng ta cũng cần làm tốt công tác chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu, chống trợ cấp và tiến hành các biện pháp bảo hộ hợp lý cho các doanh nghiệp trong nước. Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống dự báo xuất


nhập khẩu và cơ chế dự báo tổn thất ngành nghề, cung cấp căn cứ khoa học và các biện pháp hữu hiệu bảo vệ thị trường trong nước và an ninh kinh tế quốc gia.

3.2.4 Nắm vững và linh hoạt trong việc thực hiện các cam kết và quy định của WTO

Mặc dù WTO có những quy định chặt chẽ điều tiết hoạt động thương mại những cũng có những ngoại lệ. Một trong những nguyên tắc của WTO là đối xử ưu đãi với các nước đang và chậm phát triển để giúp các nước này cải cách và phát triển kinh tế - thương mại. Quy định trong các hiệp định cho phép các nước này có thời gian chuyển đổi để phù hợp với các quy định của WTO, và để thực hiện các cam kết của WTO. Thực tế cho thấy Trung Quốc đã áp dụng rất linh hoạt các biện pháp thay thế mà không vi phạm các quy định của WTO và các cam kết. Do đó, chúng ta nên nắm vững các quy định của WTO, đặc biệt là các ngoại lệ đó để từ đó có những biện pháp thích hợp bảo vệ những ngành sản xuất non trẻ trong nước.

3.2.5 Đổi mới tư duy kinh tế

Đổi mới tư duy kinh tế phải được tiến hành từ cấp nhà nước đến các doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy nước này đã nhanh chóng thay đổi tư duy kinh tế để phù hợp với tình hình mới. Nước này thừa nhận mọi thành phần kinh tế đều là các bộ phận cấu thành của nền kinh tế XHCN, xem chế độ cổ phần là hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu, thay thế cho quan điểm truyền thống xem hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu là kinh tế quốc hữu và tập thể…Và kết quả là việc tạo điều kiện cho kinh tế phi công hữu và kinh tế có cổ phần đã tạo ra điểm tựa quan trọng cho vị thế cạnh tranh của Trung Quốc trên trường quốc tế như hiện nay. Do vậy, điều cần thiết đối với Việt Nam hiện nay là phải thay đổi ngay tư duy kinh tế nhất là đối với nền kinh tế thị trường nếu muốn thực hiện tốt các cam kết với WTO và tiến nhanh tới một nền kinh tế thị trường.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/09/2022