thúc đẩy tự do hóa thị trường trong những năm 1980 - 1990 (Rodrik, 2015). Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, tuyên truyền vận động về quyền đất đai chủ yếu tập trung vào khả năng tiếp cận an toàn đối với nguồn lực sản xuất chính của người nghèo (FAO, 2002). Quyền sử dụng đất bị đe dọa bắt nguồn từ việc thiếu các phương tiện đáng tin cậy để thực thi quyền tiếp cận đất đai của mỗi người. Nhằm mục đích trực tiếp cung cấp bằng chứng đáng tin cậy hơn về việc tiếp cận hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập bằng chứng về quyền tài sản, các nhà nước thường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất, nâng cao nhận thức, phân phối lại đất đai… Để cải thiện việc thực thi cung cấp quyền sử dụng đất các nhà nước tăng cường thể chế, vận động cải cách ruộng đất; để cải thiện chất lượng và tính rõ ràng của bằng chứng các bản đồ về phân giới đất đai được lập nên với mong muốn người sử dụng đất có bằng chứng cụ thể để tiếp cận tín dụng và tăng kết quả đầu tư góp phần vào các tác động dự kiến về tăng năng suất, thu nhập và an ninh lương thực.
An ninh đối với đất đai được kích hoạt bởi các yếu tố đầu vào của việc phân giới và lập bản đồ đất đai được cải thiện, phát hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập bằng chứng về quyền sử dụng, và từ việc tăng cường thể chế cũng dự kiến sẽ làm tăng giá thuê và bán đất. Điều này có thể chuyển đất sang mục đích sử dụng hiệu quả nhất và do đó tăng năng suất, thu nhập và an ninh lương thực cho những người có khả năng thuê và mua đất. Nếu được quản lý hợp lý, xung đột liên quan đến đất đai cũng dự kiến sẽ giảm, tạo ra sự gắn kết và hợp tác cộng đồng. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những cải cách về cấp giấy chứng nhận quyền đất đai đã tăng cường an ninh sở hữu, đầu tư, năng suất và hoạt động của thị trường cho thuê đất (Holden và cộng sự, 2009; Holden và cộng sự, 2011; Deininger và cộng sự, 2011; Khai và cộng sự, 2013; Ali và cộng sự, 2014). Nhưng cùng với đó, một số cải cách về QSDĐ đã dẫn đến việc “chiếm đoạt” của giới tinh hoa, gạt người nghèo và các nhóm thiểu số ra ngoài lề xã hội. Các bộ máy quan liêu kém hiệu quả và tham nhũng cũng như chi phí cao của việc phân chia đất đai thông thường cũng đã gây ra sự phân bổ thiếu công bằng cho các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương, đồng thời ủng hộ những người giàu có (Barrows và Roth, 1989, Platteau, 1996, Benjaminsen và cộng sự, 2009). Việc phân chia lại đất đai có sự hỗ trợ của thị trường đã được đề xuất và sử dụng như một cách tiếp cận hòa bình để có được sự phân bổ đất đai theo hướng bình đẳng hơn ở một số quốc gia.
1.2.2. Kênh tác động từ quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất
Quyền sử dụng đất là quyền về tài sản, do đó nó ảnh hưởng đến tâm lý và các quyết định trong việc áp dụng công nghệ để quản lý sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên. Về mặt phát triển nông thôn, đảm bảo về quyền sử dụng đất được coi là một
phần không thể thiếu nhằm thúc đẩy tăng năng suất nông nghiệp, đa dạng hóa sản xuất và thiết lập môi trường bền vững cần thiết cho các hộ gia đình nông thôn thích ứng và phát triển với thách thức ngày càng tăng đối với sinh kế của họ (IFAD, 2016). Vì quyền tài sản xác định các chuẩn mực hành vi cho việc chuyển nhượng và sử dụng tài nguyên, nên có thể dự đoán sự khác biệt về quyền tài sản ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế (Libecap, 1986). Có thể nói, mối quan hệ kinh tế quan trọng giữa quyền sử dụng đất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp thể hiện ở: (i) mức tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; (ii) tăng khả năng tiếp cận tín dụng và tích lũy vốn, (iii) tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi và tiếp cận đất đai, (iv) tăng khả năng chuyển đổi loại cây trồng.
Tác động của QSDĐ đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua đầu tư
Việc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định đầu tư của nông hộ lên ruộng đất của họ. Cũng như các hình thức sản xuất khác, kết quả của sản xuất nông nghiệp hàng năm phụ thuộc vào kết quả đầu tư, bao gồm đầu tư ngắn hạn và đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, đất đai là một trong những đầu vào quan trọng nhất của quá trình sản xuất nông nghiệp. Vì vậy đầu tư vào đất đai chính là đầu tư cho hiệu quả và quyết định đầu tư này thường bị chi phối bởi mức độ được đảm bảo an toàn về quyền sở hữu. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra, quyền sử dụng đất được bảo đảm có thể tăng đầu tư và thúc đẩy phân bổ tài nguyên đất hiệu quả (Galiani và cộng sự, 2010; Jin và Deininger, 2009).
Khi phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bên cạnh các nhóm nhân tố đầu vào điển hình như vốn, lao động, đất đai, giáo dục, thương mại, công nghệ và môi trường thì quyền sử dụng đất là một yếu tố quan trọng (Hayami, 1969; Antle, 1983; Wiebe, 2003). Đặc biệt với các nước đang phát triển, đất đai là tài sản chính của hầu hết mọi người và kinh tế nông nghiệp vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Có thể cho rằng, nếu thửa đất được đảm bảo quyền sử dụng dài hạn thì người chủ sẽ có những quyết định khác với trường hợp người chủ chỉ có quyền sử dụng ngắn hạn hoặc đi thuê tạm thời. Về lý thuyết kinh tế, đây là sự cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro, quyền sử dụng càng được xác lập thì rủi ro của đầu tư trên mảnh đất càng được giảm thiểu, người sử dụng đất sẽ có nhiều phương án đầu tư hơn, do đó sẽ có lựa chọn tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm!
- Tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam - Tiếp cận bằng các mô hình toán kinh tế - 1
- Tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam - Tiếp cận bằng các mô hình toán kinh tế - 2
- Cơ Sở Lý Thuyết Về Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp
- Tổng Quan Các Công Trình Nghiên Cứu Tại Việt Nam
- Phương Pháp Ước Lượng Hiệu Quả Kỹ Thuật, Hiệu Quả Phân Bổ Và Hiệu Quả Kinh Tế
- Phương Pháp Ước Lượng Tổng Quát Gee
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
Theo Farrell (1957), hiệu quả sản xuất là sự tổng hợp của hiệu quả kĩ thuật và hiệu quả phân bổ. Trong đó hiệu quả kĩ thuật thể hiệu ở khả năng áp dụng các công nghệ sản xuất tối ưu với các yếu tố đầu vào hiện có; bên cạnh đó, hiệu quả phân bổ thể hiệu ở khả năng kết hợp các yếu tố đầu vào với giá của chúng nhằm đạt được mức đầu
ra tối ưu. Do đó để đạt được hiệu quả kĩ thuật, nông dân cần đầu tư cải tạo về đất đai và các công nghệ sản xuất trong đó có cả đầu tư về chất lượng lao động. Điều này đòi hỏi một sự đảm bảo lâu dài về quyền canh tác mới có thể thúc đẩy nông dân đưa ra các quyết định đầu tư. Trong khi để thay đổi về hiệu quả phân bổ, nông dân cần có những kiến thức nhất định về phân tích kinh tế, kết hợp giữa các nguồn lực hiện có với phân bổ chi phí cho các nguồn lực nhằm đạt mục đích về sản lượng (Thabethe, 2013; Musa và cộng sự, 2015). Điều này cũng đòi hỏi một động lực để thay đổi từ quyền sở hữu tài sản cùng với khả năng tích lũy vốn. Như vậy, quyền sử dụng đất có thể tác động khác nhau lên các khía cạnh của hiệu quả sản xuất.
Các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chỉ ra sự quan trọng của quyền sử dụng đất đến quyết định đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (Galiani và cộng sự, 2010; Manjunatha và cộng sự, 2013; Ma và cộng sự, 2015; Koirala và cộng sự, 2016). Các nghiên cứu đều khẳng định, tác động rõ ràng nhất của sự bất an về quyền sử dụng đất đai là sự không chắc chắn có được lợi ích lâu dài từ đầu tư của nông dân trên đất canh tác của họ. Việc thay đổi quyền sử dụng đất có thể dẫn đến sự thay đổi về hiệu quả sử dụng đất (Barry và Roux, 2016). Nếu quyền sử dụng không được đảm bảo, nguy cơ bị thu hồi đất cao sẽ tác động trực tiếp đến vấn đề đầu tư cải thiện chất lượng đất và năng suất nông nghiệp (Feder và Feeny, 1991). Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến những lo ngại về việc đất đai bị thu hồi khiến nông dân do dự trong đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó nông nghiệp Việt Nam chịu tác động đáng kể từ thời tiết, nếu không có sự đầu tư dài hạn vào đất đai và các biện pháp phòng chống thiên tai như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh... thì không thể đạt được hiệu quả sản xuất lâu bền.
Tác động của QSDĐ đến hiệu quả sản xuất thông qua tiếp cận tín dụng và tích lũy vốn
Quyền sử dụng đất được sử dụng như là một kênh tiếp cận tín dụng. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một bằng chứng pháp lý để nông dân dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hoặc dài hạn, từ đó giúp tăng năng lực đầu tư sản xuất. De Soto (2000) đã lập luận rằng, rào cản lớn đối với sự thịnh vượng ở các nước đang phát triển là không có khả năng chuyển đổi đất đai thành tài sản có thể sử dụng được, vì thiếu các quyền được pháp luật công nhận rõ ràng. Tác giả khẳng định, các chủ hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có khả năng đầu tư lớn hơn, bởi khi đủ điều kiện để biến đất đai thành hàng hóa có thể chuyển nhượng cho phép nông dân sử dụng nó làm tài sản thế chấp để tiếp cận tín dụng cần thiết cho các khoản đầu tư nâng cao năng suất. Feder & Feeny (1991) cũng chỉ ra, quyền đất đai được bảo đảm sẽ dễ dàng hơn để đất
đai trở thành tài sản thế chấp cho các khoản vay đầu tư nông nghiệp, từ đó có thể kích thích đầu tư và tích lũy vốn. Ở Việt Nam đa số nông dân còn nghèo, kể cả những hộ có thu nhập khá hơn, thì sự tích lũy vốn dành cho sản xuất cũng rất nhỏ, được vay vốn sẽ góp cải thiện các đầu vào sản xuất. Việc đảm bảo về QSDĐ sẽ khiến nông dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, có điều kiện đầu tư sản xuất tốt hơn. Do đó, chính thức hóa quyền đất đai thông qua đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể giảm bớt những hạn chế về tính thanh khoản, cho phép nông dân cải thiện việc sử dụng đầu vào và do đó, tăng hiệu quả sản xuất ở cấp hộ. Các nghiên cứu gần đây từ Peru (Field và cộng sự, 2006), Nicaragua (Macours, 2013), Mexico (Dower và Pfutze, 2013), Rwanda (Ali và Deininger, 2015) đều khẳng định sự ảnh hưởng tích cực của QSDĐ nông nghiệp đối với khả năng tiếp cận tín dụng.
Tác động của QSDĐ đến hiệu quả sản xuất thông qua trao đổi, thuê và cho thuê đất nông nghiệp
Quyền sử dụng đất tác động đến năng suất sử dụng đất thông qua hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cụ thể, khi đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng, nông dân sẽ an tâm hơn khi thuê đất, chuyển nhượng hoặc mua bán. Điều này giúp việc sử dụng đất linh hoạt hơn và nông dân dễ dàng bán hoặc thuê đất hơn, từ đó sẽ có nhiều khả năng tốt cho đầu tư vào các biện pháp cải tạo đất. Khi không có bằng chứng chắc chắn về quyền sử dụng đất nông dân sẽ gặp khó khăn trong trao đổi, chuyển nhượng bởi người mong muốn có đất sẽ lo ngại đất đó bị thu hồi hoặc phân phối lại, và chủ đất sẽ bỏ hoang đất hoặc tự canh tác ngay cả khi năng suất trồng trọt sẽ tốt hơn nhiều dưới một người điều hành khác (người thuê tiềm năng) với kỹ năng tốt hơn và các đầu vào bổ sung tốt hơn cho canh tác. Do đó, về kinh tế vĩ mô, quyền sử dụng đất được đảm bảo có thể dẫn đến một thị trường thuê đất lớn hơn, những người có khả năng đầu tư vào mở rộng sản xuất theo hướng công nghiệp hóa và đa dạng cây trồng sẽ có nhiều cơ hội và động lực hơn trong đầu tư sản xuất. Ghebru và Holden (2015) khẳng định, việc chính thức hóa quyền đất đai có ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp thông qua hiệu ứng giao dịch bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch đất đai diễn ra suôn sẻ.
Thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay có thời gian phát triển ngắn, thể chế chưa hoàn thiện, các yếu tố cấu thành thị trường còn thiếu (Chung, 2018). Cụ thể: kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, tỷ lệ hộ cho thuê đất nông nghiệp chỉ ở mức 10,5% và tỷ lệ đất nông nghiệp cho thuê dưới mức 5%, thâm chí cá nhân hộ gia đình
cho thuê đất phần lớn chỉ giới hạn trong gia đình, họ hàng1. Quá trình đổi ruộng đã và đang diễn ra rải rác ở các tỉnh, nhưng thường chỉ dưới 10% số nông hộ đổi ruộng cho nhau để tạo điều kiện cho canh tác thuận lợi hơn hay tập trung phát triển trang trại. Một xã ở đồng bằng sông Hồng có khoảng 2 - 3 hộ thực hiện đổi ruộng cho các hộ khác để làm trang trại (Tổng cục Thống kê, 2017). Tuy nhiên, hoạt động này hoàn toàn tự phát, các cấp chính quyền ít nắm được và chưa hợp thức hóa hoạt động đổi ruộng này. Hình thức thuê đất của nông dân cũng trong hoàn cảnh tương tự vì những khó khăn trong các khâu thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất (Chung, 2018). Do đó, quyền sử dụng đất rõ ràng đối với đất đai có thể dẫn đến việc giảm chi phí và rủi ro của các giao dịch đất đai, cuối cùng là cải thiện các yếu tố phân bổ nguồn lực và là năng suất nông nghiệp. Các nghiên cứu về hiệu quả nông nghiệp bởi các tác động từ quyền sử dụng đất đã ủng hộ quan điểm trên. Tại Ethiopia (Deininger và cộng sự, 2006) và Mexico (Dower và Pfutze, 2013) cho thấy QSDĐ có tác động tích cực đến việc cho thuê và bán đất. Nghiên cứu ở Mexico đã đánh giá tác động cụ thể của QSDĐ đến việc bán đất và thấy rằng việc mua bán có kết quả tốt hơn nếu đất đã được cấp quyền sử dụng.
Tác động của QSDĐ đến hiệu quả sản xuất thông qua chuyển đổi cây trồng
Quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng có tác động trực tiếp đến lựa chọn sản xuất lương thực. Trong trường hợp tiếp cận đất đai không an toàn, việc đa dạng hóa cây trồng thường không được nông dân ủng hộ. Theo Vlassenroot (2005) các hộ gia đình tiếp cận đất đai không an toàn có xu hướng chọn các loại cây trồng ít rủi ro và theo mùa thay vì cây lâu năm. Những yếu tố này dẫn đến sự thay đổi về chất lượng sử dụng đất và đặt an ninh lương thực vào tình trạng căng thẳng. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn dựa khá lớn vào các yếu tố môi trường nên những thay đổi về môi trường dự kiến sẽ có những tác động khác nhau đến năng suất, an ninh lương thực và sinh kế nông nghiệp (Dixon và cộng sự, 2001; Dinar và cộng sự, 2008). Để duy trì sinh kế của mình nông dân cần thay đổi loại cây trồng, đa dạng mô hình sản xuất như: sử dụng các giống cây trồng mới, đa dạng cây trồng, thay đổi ngày gieo trồng, đa dạng hóa từ hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tăng cường sử dụng các kỹ thuật bảo tồn nước và đất, thay đổi việc sử dụng vốn và lao động, che nắng và làm mái che. Quyền sử dụng đất là một yếu tố quan trọng trong quyết định của nông hộ có đầu tư và thay đổi cây trồng hay không. Nông dân không sẵn sàng thực hiện các thay đổi - có thể đòi hỏi nhiều đầu tư đầu vào hơn - khi đất của họ không an toàn hoặc họ không có đầy đủ quyền đối với đất nói trên. Chúng bao gồm các chiến lược đa dạng hóa cây trồng,
1. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/47126/mot-so-van-de-xung-quanh-tich-tu%2C-tap-trung-ruong-dat.aspx
thực hành canh tác hoặc điều chỉnh lịch canh tác, chiến lược sử dụng đất (xem Maddison, 2006; Deressa và cộng sự, 2009; Hisali và cộng sự, 2011). Do đó, quyền sử dụng đất được đảm bảo làm điều kiện cần thiết để nông dân đưa ra các quyết định thay đổi của mình.
Ngoài các tác động chính được nêu ở trên thì QSDĐ còn có những tác động xã hội khác như: (i) giảm bất bình đẳng giới trong các hộ gia đình (hay chính xác hơn là trao quyền cho phụ nữ); (ii) giảm xung đột đất đai; và (iii) cải thiện an ninh lương thực. Một trong những phát hiện quan trọng liên quan đến tác động của QSDĐ là việc cải thiện quyền thừa kế đất đai giúp phụ nữ có cơ hội tham gia vào hoạt động tự kinh doanh, tăng khả năng tham gia ra quyết định trong gia đình (Brulé, 2010; Deininger và cộng sự, 2011). Mặt khác, sự gia tăng quyền thừa kế đất đai thực tế của phụ nữ cũng làm tăng tuổi kết hôn và trình độ học vấn.
Qua những lập luận được phân tích ở trên cho thấy, quyền sử dụng đất rõ ràng là chìa khóa để thúc đẩy đầu tư dài hạn và sử dụng đất hiệu quả. Ngược lại, quyền sử dụng mơ hồ là nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề đất đai như: sử dụng đất không hiệu quả và lãng phí, chuyển đổi và phát triển quá mức, cạnh tranh và tranh chấp về tiếp cận đất đai (Wang và cộng sự, 2015). Về mặt kinh tế, những người nông dân được đảm bảo về quyền đất đai được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ động lực đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp bởi niềm tin sẽ thu được đủ lợi nhuận (Meinzen-Dick và Mwangi, 2009). Nếu quyền sử dụng đất không được bảo đảm, nông dân không cảm thấy gắn bó với đất mà họ canh tác, không đầu tư vào phát triển đất và sẽ không sử dụng đầu vào một cách hiệu quả, bền vững. Như vậy có thể thấy, quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác động đáng kể đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều kênh tác động. Đây là cơ sở cho lập luận về mối quan hệ nhân quả giữa quyền sử dụng đất và hiệu quả sản xuất nông nghiêp, là tiền đề cho các nghiên cứu thực nghiệm về vai trò của quyền sử dụng đất lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
1.3. Tổng quan nghiên cứu
1.3.1. Tổng quan các nghiên cứu trên thế giới
Sản xuất nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia. Do đó đã có khá nhiều nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả sản xuất nông nghiệp, và có thể được chia thành hai mảng chính. Mảng thứ nhất quan tâm đến việc đo lường hiệu quả sản xuất từ các khía cạnh khác nhau, bao gồm: hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế, và mảng thứ hai là nghiên cứu các yếu tố tác động đến hiệu quả trong đó có vai trò của quyền sử dụng đất.
Các nghiên cứu về ước lượng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ, hiệu quả kinh tế
Có hai cách tiếp cận chính để đo lường hiệu quả kĩ thuật: tiếp cận tham số và tiếp cận phi tham số. Phương pháp tiếp cận tham số bao gồm việc xác định và ước lượng một hàm sản xuất (là hàm doanh thu hoặc chi phí hoặc lợi nhuận) dạng tham số đại diện cho công nghệ hiện có tốt nhất được giới thiệu bởi Aigner và cộng sự (1977) hoặc Meeusen và Van den Broeck (1977). Các hàm có thể được ước lượng theo phương pháp tất định hoặc ngẫu nhiên, trong đó phương pháp phân tích biên ngẫu nhiên (SFA) được giới thiệu bởi Coelli (1995) được xem là phổ biến nhất. Cách tiếp cận này có ưu điểm là có thể thực hiện kiểm định giả thuyết thống kê về kết quả ước lượng được, tuy nhiên, hạn chế của nó là ở chỗ nếu dạng hàm được chọn là không phù hợp thì các kết quả có thể không đáng tin cậy. Đã có nhiều nghiên cứu sử dụng phương pháp này trong đo lường hiệu quả kĩ thuật, điển hình là ở các nước đang phát triển (ví dụ, xem Dawson và Lingard, 1989; Battese và Coelli, 1992; Tiongco và Dawe, 2002; Abedullah và Mushtaq, 2007; Koirala và cộng sự, 2014).
Các nghiên cứu đo lường hiệu quả kĩ thuật sử dụng phương pháp SFA cho nhiều dạng dữ liệu khác nhau. Ali và Flinn (1989) đã sử dụng phương pháp SFA để tính hiệu quả xuất gạo Basmati cho các nông dân ở Pakistan. Tác giả sử dụng dữ liệu vụ lúa năm 1982 từ 120 nông dân được chọn ngẫu nhiên từ hai làng trồng lúa chính ở Pakistan. Hiệu quả kĩ thuật trung bình được ước tính là 72% và phân tán rộng (từ 5% - 87%). Nghiên cứu khẳng định kết quả này phụ thuộc vào trình độ học vấn, khả năng tiếp cận với các dịch vụ khuyến nông và thông tin nông nghiệp. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra hạn chế về tài chính là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả sản xuất. Các nghiên cứu tiếp theo của Abedullah và Mushtaq (2007) sử dụng dữ liệu được thu thập từ 200 nông dân trong năm 2005 của huyện Sheikhupura, một trong những huyện trồng lúa chính của tỉnh Punjab, Pakistan. Hàm sản xuất biên ngẫu nhiên (SPF) được sử dụng để đo lường hiệu quả kĩ thuật. Kết quả cho thấy, hiệu quả kĩ thuật trung bình là 91% và thuộc khoảng (53; 98)%. Các tác giả chỉ ra rằng tuổi của nông dân và quy mô trang trại có tác động tích cực đáng kể đến hiệu quả kỹ thuật; giáo dục và cơ giới hóa (sở hữu máy kéo) đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kỹ thuật của nông dân.
Battese và Coelli (1992), sử dụng dữ liệu mảng từ năm 1975-1985 đã nghiên cứu hiệu quả sản xuất của nông dân trồng lúa ở Ấn Độ. Từ hàm sản xuất biên ngẫu nhiên, điểm hiệu quả kỹ thuật được ước tính trong khoảng từ 0,55 đến 0,86 trong giai đoạn 1975 – 1976 và từ 0,84 đến 0,96 trong giai đoạn 1984 – 1985. Ngoài ra, tỷ lệ đất trồng trọt, diện tích trang trại và chi phí lao động có tác động tích cực đến sản xuất lúa
gạo. Abdulai và cộng sự (2001) lấy số liệu của 120 hộ gia đình ở Nicaragua từ tháng 4/ 1994 đến 3/1995 để ước tính hiệu quả kĩ thuật trong sản xuất ngô và đậu nành bằng phương pháp SFA. Hiệu quả kỹ thuật đối với sản xuất ngô từ 31,28% đến 93,27% với hiệu quả kỹ thuật trung bình ước tính là 69,76%. Đối với sản xuất đậu, hiệu quả kỹ thuật từ 33,86 đến 92,08%, và mức trung bình là 74,16%. Kết quả cũng cho thấy trình độ học vấn, kinh nghiệm canh tác, khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và quy mô gia đình là những biến số quan trọng để nâng cao hiệu quả kỹ thuật. Diagne và cộng sự (2013) đã điều tra năng suất lúa ở Thung lũng sông Senegal với số liệu từ năm 2002 đến 2006. Họ đo được điểm hiệu quả kỹ thuật nằm trong khoảng từ 55% đến 60%. Hơn nữa, các tác giả nhận thấy rằng phân bón, thuốc diệt cỏ, các nỗ lực đuổi chim và sử dụng các công nghệ sau thu hoạch như máy làm sạch đã cải thiện đáng kể hiệu quả kỹ thuật của các nhà sản xuất lúa.
Theo truyền thống, hàm công nghệ sản xuất thường được sử dụng phổ biến để đo lường các thành phần hiệu quả (Tzouvelekas và cộng sự, 2001; Wadud và White, 2000). Tuy nhiên theo Ali và Flinn (1989), cách tiếp cận theo hàm công nghệ sản xuất có thể không phù hợp khi ước tính hiệu quả kinh tế của các nông hộ riêng lẻ vì các hộ có thể phải chịu các mức giá khác nhau và có các yếu tố ưu đãi khác nhau. Do đó, các hộ khác nhau có hàm sản xuất “thực hành tốt nhất” khác nhau cũng như các mức tối ưu khác nhau. Bên cạnh đó, hiệu quả lợi nhuận được định nghĩa là khả năng một nông hộ đạt được lợi nhuận cao nhất có thể, dựa trên giá và lượng đầu vào của nông hộ đó, và bất kỳ sai sót nào trong quyết định sản xuất (về kĩ thuật và phân bổ) sẽ tác động trực tiếp đến lợi nhuận của nông hộ (Ali và cộng sự, 1994). Từ quan điểm này có khá nhiều các nghiên cứu đo lường hiệu quả kĩ thuật với hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên. Rahman.S và Rahman.R (2009) đo lường hiệu quả sản xuất của nông dân trồng lúa ở Bangladesh bằng cách sử dụng mô hình lợi nhuận biên ngẫu nhiên. Dữ liệu cho năm 1996, trải rộng trên 21 làng ở ba vùng nông nghiệp của Bangladesh. Kết quả cho thấy mức hiệu quả lợi nhuận trung bình là 77%. Sự khác biệt về hiệu quả giữa các hộ được giải thích phần lớn là do cơ sở hạ tầng, độ phì nhiêu của đất, kinh nghiệm, dịch vụ khuyến nông, thuê nhà và chia sẻ từ thu nhập phi nông nghiệp. Tương tự, Nganga (2010) sử dụng hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên cho thấy hiệu quả lợi nhuận của các nhà sản xuất sữa nhỏ ở Kenya dao động trong khoảng 26% đến 73%, trung bình là 60%. Quy mô của trang trại ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả lợi nhuận, trong khi hiệu quả lợi nhuận giảm theo tuổi của trang trại. Ogunniyi (2011) sử dụng hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên để đo lường hiệu quả lợi nhuận giữa các nhà sản xuất ngô ở Bang Oyo, Nigeria. Phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên nhiều giai đoạn đã được sử dụng để chọn 240 hộ sản xuất ngô. Kết quả cho