LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, đóng góp xấp xỉ 14% GDP (năm 2020), và là nguồn thu nhập chính của gần 10 triệu hộ nông dân. Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng đóng góp một phần không nhỏ cho xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên vùng nông thôn. Kể từ khi “Đổi mới” đến nay, nông nghiệp đã, đang và tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng với vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp đã góp phần tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước, do đó, ngành nông nghiệp luôn được chú trọng trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng liên quan đến chủ trương phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã khẳng định “Cần có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Phát huy vai trò chủ thể của hộ nông dân và kinh tế hộ..."; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chỉ rõ “Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa có chất lượng và hiệu quả; gắn sản xuất với thị trường trong nước và thị trường quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (đất đai, nước, rừng, lao động và nguồn vốn); nâng cao thu nhập; cải thiện đời sống của nông dân. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5-3%/năm”.
Tuy nhiên trong vài thập kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thấp. Tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP đã giảm mạnh từ năm 1990 là 40,5% đến năm 2016 xuống còn 16,3%. Trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế năm 2016 là 6,21% thì ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,36%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011 (GSO, 2016). Năng suất lao động trung bình của ngành nông nghiệp là 32,9 triệu đồng / lao động trong khi các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lần lượt đạt 112 triệu đồng / lao động và 103,5 triệu đồng / lao động (Mai và Yen, 2018). Một số nguyên nhân đã được các nghiên cứu chỉ ra bao gồm, thứ nhất là những yếu kém của một nền nông nghiệp phân mảnh, điều phối rời rạc, năng
suất và chất lượng thấp đang tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn trong tổ chức cánh đồng mẫu lớn cũng là một yếu tố gây cản trở đến việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và dẫn đến những e ngại trong đầu tư dài hạn đã làm giảm thiểu sức mạnh thị trường của người nông dân (Ayerst và cộng sự, 2020; Le, 2020). Năm 2016 vẫn còn hơn 50% hộ trồng trọt trên diện tích nhỏ hơn 0,5ha; số hộ có qui mô đất nông nghiệp từ 0,5 đến dưới 1 ha là 16,75%; chỉ có khoảng 5% hộ nông dân có qui mô ruộng đất trên 3 ha. Điều đó đã và đang tác động trực tiếp đến những hạn chế trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, khai thác lợi thế theo quy mô, cũng như việc triển khai ứng dụng các mô hình nông nghiệp tiên tiến (World bank, 2016). Thứ hai, công nghiệp hóa chuyển các tài nguyên nông nghiệp như lao động và đất đai sang khu vực công nghiệp và dịch vụ với năng suất và thu nhập cao hơn nên sức hút từ môi trường này đã khiến tỉ lệ lao động trong nông nghiệp giảm sút nhanh, cùng với tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp đạt ở mức rất thấp so với các lĩnh vực khác. Từ đó đất nông nghiệp bị bỏ hoang, canh tác cầm chừng hoặc cho người khác mượn đất để sản xuất đã khiến đất đai trở nên lãng phí, không được đầu tư, bảo tồn. Kết quả khảo sát từ năm 2006 - 2016, cho thấy số hộ không trực tiếp sử dụng đất tăng từ 18,23% lên 21,38% (Khôi và Thắng, 2019). Những yếu tố này chính là những tác nhân làm cho hiệu quả sản xuất nông nghiệp tụt xuống mức thấp như hiện nay, trong khi tăng trưởng dân số đang đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm từ nông nghiệp. Do đó để phát triển nông nghiệp ổn định cần đầu tư thay đổi kĩ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cần thiết phải có đầu tư lâu dài trên đất bởi sản xuất nông nghiệp chịu rất nhiều ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên như đất, nước và thời tiết.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng không kém, là sự đảm bảo pháp lý về quyền sử dụng đất nông nghiệp, thể hiện ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có thể nói, vấn đề quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được nhà nước chú ý, thể hiện qua sự thay đổi trong Luật đất đai năm 2013, trong đó có những đổi mới về quyền quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyền quyết định thu hồi, trưng dụng đất đai; quyền quyết định giá đất, nhưng những thay đổi này vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, hiện tượng tranh chấp về đất nông nghiệp còn xảy ra ở nhiều địa phương và khả năng bị thu hồi đất ngoài ý muốn của người dân vẫn chưa được giải quyết triệt để, do đó nông dân không thực sự gắn bó với ruộng đất và ngần ngại trong đầu tư dài hạn. Thứ hai, vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng khiến nông dân khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng chính thức và phi chính thức để đầu tư. Thứ ba, sự phức tạp trong thủ tục pháp lý đã khiến nông dân
Có thể bạn quan tâm!
- Tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam - Tiếp cận bằng các mô hình toán kinh tế - 1
- Cơ Sở Lý Thuyết Về Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp
- Kênh Tác Động Từ Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp Lên Hiệu Quả Sản Xuất
- Tổng Quan Các Công Trình Nghiên Cứu Tại Việt Nam
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
không dám mạnh dạn thuê, hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, khiến thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa thực sự được vận hành và hiệu quả.
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra tác động quan trọng của quyền sử dụng đất đối với hiệu quả sản xuất nông nghiệp (Feng, 2008; Zhang và cộng sự, 2011; Michler và Shively, 2015). Quyền sử dụng đất có thể thúc đẩy nông dân khuyến khích đầu tư vào những cải tiến nhằm nâng cao tính bền vững lâu dài của sản xuất nông nghiệp, do đó tăng sản lượng nông nghiệp. Cung cấp quyền sử dụng đất tạo điều kiện tiếp cận tín dụng chính thức hoặc các thỏa thuận tài sản thế chấp không chính thức cho nông dân (Ma và cộng sự, 2017). Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được kỳ vọng sẽ giảm chi phí và rủi ro chuyển nhượng đất, phân bổ lại đất cho những người sản xuất hiệu quả hơn (Holden và cộng sự, 2007; Deininger và cộng sự, 2011; Ghebru và Holden, 2015). Do đó, cung cấp quyền sử dụng đất tạo ra động lực cần thiết cho đầu tư, một yếu tố quan trọng làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững (Deininger, 2003).
Ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tác động của quyền sử dụng đất đến hiệu quả (Khai và cộng sự, 2008, 2011; Linh, 2012, Kompas, 2012; Nguyen và cộng sự, 2016), nhưng các nghiên cứu này chỉ đo lường một khía cạnh của hiệu quả và tại một vài khu vực nhỏ. Cụ thể, Khai và cộng sự (2008) đã đo lường các khía cạnh của hiệu quả sản xuất đậu tương ở Đồng bằng sông Cửu Long với 2 tỉnh đại diện là An Giang và Cần Thơ. Năm 2011, nhóm nghiên cứu ước tính hiệu quả kỹ thuật (TE) trong sản xuất lúa bằng phương pháp SFA từ số liệu VHLSS 2006; Hoang Linh (2012) sử dụng bộ dữ liệu VHLSS 2004 với các nông dân trồng lúa để đo lường hiệu quả kĩ thuật bằng cả hai phương pháp SFA và DEA; Nguyen và cộng sự (2016) nghiên cứu về ảnh hưởng của quyền sử dụng đất đến mức sử dụng phân bón của nông dân vùng cao phía bắc... Vì vậy nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam – Tiếp cận bằng các mô hình toán kinh tế” cho luận án tiến sĩ của mình. Luận án sẽ tập trung vào vai trò của quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các khía cạnh khác nhau của hiệu quả sản xuất, bao gồm hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ, hiệu quả kinh tế, và hiệu quả chung. Mỗi khía cạnh của hiệu quả có thể chịu tác động khác nhau bởi chính sách về quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thêm vào đó, luận án cũng sẽ sử dụng một số các mô hình kinh tế lượng khác nhau, bao gồm các mô hình tham số và phi tham số. Kết quả thu được từ phân tích có thể cung cấp thêm những bằng chứng mới đáng tin cậy, giúp cho việc đề xuất các chính sách về quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm hướng tới một nền nông nghiệp có hiệu quả cao hơn.
2. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Luận án tập trung vào hai mục tiêu chính:
(i). Nghiên cứu định lượng để đánh giá vai trò của QSDĐ nông nghiệp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam từ nhiều khía cạnh khác nhau của hiệu quả.
(ii). Góp thêm những bằng chứng khoa học về mối quan hệ giữa QSDĐ nông nghiệp với hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Từ đó đề xuất các khuyến nghị về quản lý đất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
2.2. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
Các câu hỏi nghiên cứu chính của luận án là:
(1). Quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác động như thế nào lên hiệu quả kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp của các nông hộ?
(2). Quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác động như thế nào lên hiệu quả phân bổ trong sản xuất nông nghiệp của các nông hộ?
(3). Quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác động như thế nào lên hiệu quả năng suất trong sản xuất nông nghiệp của các nông hộ?
(4). Quyền sử dụng đất có tác động như thế nào đến năng suất nhân tố tổng hợp trong nông nghiệp tại các phân vị khác nhau.
Các câu hỏi nghiên cứu trên được cụ thể hóa bằng các giả thuyết sau:
Giả thuyết 1: Các nông hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hiệu quả kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp cao hơn.
Giả thuyết 2: Các nông hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hiệu quả phân bổ trong sản xuất nông nghiệp cao hơn.
Giả thuyết 3: Các nông hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hiệu quả sản xuất nông nghiệp cao hơn.
Giả thuyết 4: Các nông hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có năng suất nhân tố trong sản xuất nông nghiệp lớn hơn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu về tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp
đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam, bao gồm: các khía cạnh khác nhau của hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các hộ trồng trọt trên đất trồng cây hàng năm.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung: Luận án nghiên cứu tác động của quyền sử dụng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đại diện bằng hiệu quả trồng trọt của các hộ trồng cây hàng năm, từ nhiều khía cạnh, bao gồm các thước đo:
(1) Hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế;
(2) Hiệu quả năng suất;
(3) Năng suất nhân tố tổng hợp;
Trong đó quyền sử dụng đất được đo bởi việc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Từ đó luận án xem xét mức độ khác biệt về hiệu quả sản xuất, năng suất nông nghiệp của các hộ có và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Phạm vi không gian: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân trong cả nước, trong đó số liệu tập trung ở 12 tỉnh thành được đưa vào nghiên cứu, bao gồm: Hà Nội (Hà Tây cũ), Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Long An theo kết quả báo cáo từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MIP), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) thuộc Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội (MoLISA) và nhóm nghiên cứu Kinh tế Phát triển (DERG) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen.
- Phạm vi thời gian: Phân tích tập trung vào thời gian từ 2012 - 2018.
4. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu bao gồm phương pháp thống kê mô tả, duy diễn thống kê và các phương pháp nghiên cứu định lượng.
- Phương pháp phân tích tại bàn: nhằm tìm hiểu sâu hơn các kiến thức nền tảng góp phần làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu. Thừa kế các kết quả nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước từ đó tìm ra khoảng trống nghiên cứu. Tiếp cận các phương pháp giải quyết vấn đề của các tác giả trước để xây dựng mô hình nghiên cứu sơ bộ.
- Phương pháp thống kê
Vận dụng phương pháp thống kê mô tả, suy diễn thống kê và phân tích mối tương quan giữa các đại lượng kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; đánh giá
thực trạng về tăng trưởng của ngành nông nghiệp, vai trò của kinh tế nông nghiệp và quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam.
Phương pháp ước lượng hiệu quả: vận dụng các mô hình kinh điển trong ước lượng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế. Trong đó có vận dụng mô hình của Yan và cộng sự (2019) để ước lượng hiệu quả phân bổ với điều kiện không có số liệu về giá các yếu tố đầu vào.
Sử dụng các mô hình kinh tế lượng trong việc đánh giá tác động của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên hiệu quả bao gồm:
Các phương pháp hồi quy tham số: Phương pháp ước lượng tổng quát với biến phụ thuộc nằm trong khoảng (0; 1), mô hình hồi quy dữ liệu mảng, mô hình hồi quy dữ liệu mảng phân vị.
Mô hình hồi quy phi tham số.
- Phần mềm hỗ trợ xử lý số liệu: STATA
- Nguồn dữ liệu: Luận án sử dụng bộ dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2012, 2016 và 2018 (Vietnam Access to Resources Household Survey - VARHS). Đây là cuộc khảo sát lớn được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MIP), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) thuộc Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội (MoLISA) và nhóm nghiên cứu Kinh tế Phát triển (DERG) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen. Bộ dữ liệu gồm các thông tin về tiếp cận thị trường đất đai, lao động, vốn và quá trình đầu tư tiếp cận các nguồi lực sản xuất như thủy lợi, chất lượng đất canh tác, điều kiện thời tiết. Bên cạnh bộ dữ liệu chính ở trên, luận án cũng sử dụng một số chỉ tiêu vĩ mô khác được tính từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê, và bộ số liệu điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
5. Những đóng góp mới của luận án
5.1. Những đóng góp mới
(1) Luận án đã ước lượng hiệu quả sản xuất của các nông hộ từ các thước đó khác nhau, bao gồm: (i) hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả phân bổ, hiệu quả kinh tế; (ii) năng suất nhân tố tổng hợp với số liệu mảng và trên phạm vi cả nước. Do đó cung cấp các thông tin toàn diện hơn về hiệu quả sản xuất nông nghiệp so với các nghiên cứu trước.
(2) Luận án đã nghiên cứu vai trò của các yếu tố lên các thước đo hiệu quả nêu trên, trong đó quan tâm chủ yếu đến quyền sử dụng đất. Kết quả cho thấy vai trò của
quyền sử dụng đất là rất quan trọng trong tất cả các thước đo này, tuy nhiên vai trò của quyền sử dụng đất đối với hiệu quả kỹ thuật là lớn hơn so với hiệu quả phân bổ. Điều này cho thấy quyền sử dụng đất có tác động rõ rệt đến đầu tư và công nghệ sản xuất của các hộ nông dân. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng, nông dân có thể thế chấp vay tín dụng cho các khoản đầu tư trồng trọt; có thể đưa ra các quyết định đầu tư cải tạo đất cho mục đích trồng trọt lâu dài; có thể đổi đất hoặc chia sẻ quyền sử dụng với những người có điều kiện canh tác tốt hơn... Kết quả này có thể được xem là bằng chứng khoa học góp phần cho việc thiết kế chính sách về quyền sử dụng đất cũng như việc xây dựng các cơ chế về trao đổi, chuyền nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.
(3) Luận án sử dụng đa dạng các phương pháp nghiên cứu định lượng trong đo lường và đánh giá tác động. Trong đó, với bài toán ước lượng hiệu quả, luận án đã sử dụng phương pháp ước lượng hiệu quả phân bổ trong trường hợp không có số liệu về giá đầu vào, được đề xuất bởi Yan và cộng sự (2019). Với bài toán đánh giá tác động, luận án đã sử dụng các mô hình hồi quy dữ liệu mảng, mô hình hồi quy phân vị với dữ liệu mảng. Luận án cũng sử dụng đồng thời các phương pháp ước lượng tham số và phi tham số như: phương pháp ước lượng tổng quát GEE, phương pháp tiếp cận biên ngẫu nhiên và phương pháp phi tham số Kernel nhằm khắc phục các vấn đề nội sinh và đưa ra các kết quả với sự kiểm định chặt chẽ, đảm bảo độ tin cậy cho kết quả nghiên cứu.
(4) Từ những kết quả nghiên cứu luận án đề xuất được các chính sách về quản lý đất nông nghiệp nhằm cải thiện quyền sử dụng đất, giúp tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của các nông hộ tại Việt Nam.
5.2. Những kết luận, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
(1) Kết quả ước tính hiệu quả kĩ thuật trung bình trong sản xuất nông nghiệp của các nông hộ trồng cây ngắn ngày là 73,81% và có sự khác biệt lớn giữa các hộ sản xuất kém hiệu quả nhất với các hộ có hiệu quả cao. Hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế nông nghiệp của các hộ đang ở mức khá thấp với hiệu quả phân bổ trung bình là 46,84% và hiệu quả kinh tế trung bình là 35,27%. Điều này cho thấy ngoài hiệu quả sản xuất của nông dân còn có sự chênh lệnh lớn thì khả năng phân bổ nguồn lực và chi phí đầu vào của các nông hộ còn nhiều lãng phí; kĩ năng kết hợp nguồn lực trong sản xuất chưa phù hợp đã khiến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả. Như vậy, có thể thấy dư địa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn rất rộng rãi, và các chính sách của nhà nước cần được thiết kế hợp lý để có thể tận dụng các dư địa này, trong đó có các chính sách về quyền sử dụng đất, quyền chuyển
nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất.
(2) Trong tất cả các mô hình đều chỉ rõ vai trò của quyền sử dụng đất nông nghiệp đến hiệu quả sản xuất, bao gồm: hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả phân bổ, hiệu quả năng suất và năng suất nhân tố tổng hợp. Trong đó, các kết quả cũng cho thấy mức độ tác động của quyền sử dụng đất đến các khía cạnh khác nhau của hiệu quả là khác nhau. Đặc biệt, quyền sử dụng đất tác động đến hiệu quả kĩ thuật lớn hơn nhiều so với tác động đến hiệu quả phân bổ, cho thấy tác động của quyền sử dụng đất là rõ rệt đến đầu tư và công nghệ sản xuất của các hộ nông dân. Vì vậy việc đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhập quyền sử dụng đất nông nghiệp là điều cần được quan tâm, nhằm nâng cao tính pháp lý về đất đai để người dân yên tâm sản xuất và đầu tư trên mảnh đất của mình. Nhà nước cần chú ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố và cải cách các quy định hành chính về quyền sử dụng đất giúp người dân tiếp cận với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, giảm bớt các tranh chấp đất đai. Vai trò của quản trị nhà nước cũng đã được chứng minh có tác động tích cực đến hiệu quả trong các mô hình.
(3) Kết quả hồi quy phân vị xem xét tác động của quyền sử dụng đất đến năng suất nhân tố tổng hợp cho thấy, mức độ tác động của quyền sử dụng đất đến các mức năng suất khác nhau là khác nhau. Cụ thể, ở các mức năng suất cao hơn, mức chênh lệch về năng suất giữa các hộ có và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lớn hơn. Điều này cho thấy tâm lý đầu tư và kết hợp đầu vào trong sản xuất nông nghiệp của các hộ bị tác động lớn từ mức độ an toàn về quyền sử dụng đất. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò của quyền sử dụng đất đến hiệu quả và năng suất nông nghiệp.
(4) Việc sử dụng nhiều phương pháp ước lượng để xem xét đến nhiều tiêu chí khác nhau của hiệu quả là một lựa chọn hợp lý và có tác dụng đáng kể trong đánh giá tác động của quyền sử dụng đất đến hiệu quả, cho thấy rõ mức độ tác động của quyền sử dụng đất lên các chỉ tiêu khác nhau của hiệu quả. Ngoài các mô hình cũng chỉ ra tác động của các yếu tố khác như diện tích trồng trọt, giới tính và dân tộc của chủ hộ đến hiệu quả sản xuất ở hầu hết các mô hình.
Do đó nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến trình độ canh tác, các yếu tố nhân khẩu học, tập trung khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa để tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại quy mô. Thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, cung cấp các thủ tục nhanh gọn về cấp quyền sử dụng, trao đổi mua bán quyền sử dụng đất, là một yếu tố quan trọng để tạo nên một nền kinh tế nông nghiệp quy mô. Ngoài ra, các nhà quản lý nông nghiệp cần khuyến khích đa dạng hóa nông nghiệp bằng cách nới lỏng các hạn chế sử dụng đất.