Tuy nhiên, thực tế việc hủy bỏ di chúc còn có thể được người lập di chúc thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ: Hủy bỏ di chúc trong trường hợp thực hiện hành vi xé, đốt, tiêu hủy di chúc mà người đó đã lập ra; hoặc khi người lập di chúc tuyên bố trước mọi người về việc phế truất di chúc đã lập hay viết vào bản di chúc là không thừa nhận di chúc đó nữa… BLDS không quy định về hình thức hủy bỏ di chúc, tuy nhiên, theo tôi, dù thực hiện bằng cách nào chăng nữa, nhưng nếu đó là ý chí tự nguyện của người lập di chúc thì đều được coi là hủy bỏ di chúc.
Giả sử đối với trường hợp người lập di chúc xé, đốt, tiêu hủy di chúc: Đây không phải là trường hợp hiếm trên thực tế. Thông thường những di chúc đã bị xé, đốt, tiêu hủy rồi thì coi như người để lại di sản không lập di chúc và các đương sự không ai có thể xuất trình được di chúc để yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Tuy nhiên, trong trường hợp người lập di chúc tại công chứng nhà nước và yêu cầu công chứng nhà nước giữ bản di chúc của mình, thì khi nhận giữ, công chứng viên phải lập hai bản có nội dung như nhau, một bản giao cho người lập di chúc và một bản lưu tại Phòng Công chứng nhà nước. Vì vậy, việc xé, đốt, tiêu hủy di chúc của người lập di chúc là chỉ với di chúc mà họ đang giữ, còn di chúc đang lưu giữ ở công chứng nhà nước vẫn còn nguyên vẹn. Sau thời điểm mở thừa kế, công chứng viên công bố di chúc và gửi bản sao di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Khi có tranh chấp xẩy ra, người thừa kế theo di chúc yêu cầu chia thừa kế theo di chúc được lưu giữ công chứng nhà nước thì Tòa án vẫn phải xem xét yêu cầu của họ, nếu những người khác không có chứng cứ chứng minh di chúc đã lập bị người lập di chúc tự nguyện hủy bỏ [20, tr.45].
Trên thực tế có trường hợp người lập di chúc định đoạt lại tài sản bằng hành vi khác di chúc như tặng cho, mua bán thì hệ quả đối với di chúc cũ cũng tương tự như trường hợp hủy bỏ di chúc trước bằng di chúc mới vì bản chất đều là định đoạt tài sản đã nêu trong di chúc trước.
Hiện nay, pháp luật Việt nam chưa quy định về hình thức hủy bỏ di chúc mà chỉ đưa ra một trường hợp thep quy định tại khoản 3 Điều 665 BLDS 2005 mà thực chất quy định này là thay thế di chúc. Vì vậy, để pháp luật được thực hiện thống nhất, góp phần hạn chế những tranh chấp phát sinh từ việc không quy định này, chúng tôi đề nghị cần quy định rõ về hình thức thể hiện việc hủy bỏ di chúc.
Ở Pháp, từ thời kỳ Trung cổ, “việc hủy bỏ di chúc có thể ngầm định khi người lập di chúc có một hành vi sau này không tương thích với nội dung trong di chúc như di tặng hay bán cho người khác chính tài sản đã nêu trong di chúc” [42]. Giải pháp này vẫn được ghi nhận trong pháp luật hiện hành của Pháp. Trong cổ luật Việt Nam, “người lập di chúc có thể phát biểu sự thay đổi chung ý một cách công nhiên và khai là bãi bỏ chức thư cũ, hoặc bằng một chúc thư mới hoặc bằng một giấy bãi bỏ riêng biệt”. Ở đây “người lập di chúc’’ có thể bãi bỏ một phần hay toàn thể chúc thư một cách mặc nhiên bằng những hành vi chứng tỏ rằng đã thay đổi chung ý về sử dụng tài sản” [32, tr.120,122].
Pháp luật Nhật Bản không quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như pháp luật Việt Nam, nhưng tại mục V Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định về “rút di chúc”. Về bản chất, việc rút di chúc cũng chính là sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc, chỉ khác nhau về cách gọi.
Điều 1022 BLDS Nhật Bản quy định: “Người lập di chúc bất cứ lúc nào cũng có thể rút lui toàn bộ hoặc một phần di chúc của mình phù hợp với một trong những hình thức quy định cho di chúc”.
Điều 1023 BLDS Nhật Bản quy định: “Nếu di chúc trước không phù hợp với di chúc sau thì di chúc trước coi là đã được rút lui ở phần mà chúng không phù hợp…”
Có thể bạn quan tâm!
- Phân Định Phần Di Sản Cho Từng Người Thừa Kế
- Những Người Hưởng Thừa Kế Có Trách Nhiệm Thực Hiện Nghĩa Vụ Tài Sản Trong Phạm Vi Di Sản Do Người Chết Để Lại, Trừ Trường Hợp Có Thỏa Thuận
- Quyền Sửa Đổi, Bổ Sung, Thay Thế, Hủy Bỏ Di Chúc
- Người Thừa Kế Có Quyền Từ Chối Nhận Di Sản, Trừ Trường Hợp Việc Từ Chối Nhằm Trốn Tránh Việc Thực Hiện Nghĩa Vụ Tài Sản Của Mình Đối Với
- Thực Tiễn Thực Hiện Quyền Của Người Lập Di Chúc
- Phương Hướng Hoàn Thiện Những Quy Định Của Pháp Luật Về Quyền Của Người Lập Di Chúc
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Điều 1024 BLDS Nhật Bản quy định: “Nếu người lập di chúc cố tình hủy bỏ di chúc, thì phần di chúc đã hủy bỏ được coi như đã rút lui. Quy định này được áp dụng kể cả khi người lập di chúc cố ý phá hủy di sản theo di chúc”.
Theo BLDS Pháp thì thay thế, hủy bỏ di chúc được quy định tại mục VIII chương V thiên II. Điều 1035 quy định: “Di chúc chỉ có thể bị hủy toàn bộ hoặc một phần bởi một di chúc sau hoặc một chứng thư tuyên bố thay đổi ý chí do công chứng viên lập ra”. Điều 1036 quy định: “Những di chúc sau nếu không viết rõ ràng là hủy di chúc trước thì chỉ hủy những điều trong di chúc trước không thích hợp hoặc trái với những quy định trong di chúc sau”. Điều 1038: “Nếu người lập di chúc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần tài sản di tặng, dù dưới hình thức bán có khả năng chuộc lại hay trao đổi thì việc di tặng những vật đã chuyển nhượng coi như bị hủy, cho dù việc chuyển nhượng bị vô hiệu và chuyển nhượng đã trở lại với người lập di chúc” [7].
Như vậy, trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới, thì di chúc trước bị hủy bỏ. Người lập di chúc có thể viết vào bản di chúc mới là không thừa nhận di chúc trước đó, do vậy di chúc cũ không còn hiệu lực, nhưng nếu di chúc mới không nói tới việc mất hiệu lực của di chúc cũ thì di chúc cũ cũng đương nhiên mất hiệu lực. Di chúc là ý chí của người lập di chúc nhằm định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác. Ý chí của người lập di chúc có thể bị thay đổi phụ thuộc vào các thời điểm, do nhiều nguyên nhân khác nhau, do sự chăm sóc, quan tâm của các con với người lập di chúc trong các giai đoạn khác nhau có khác nhau, do thương người con có hoàn cản khó khăn nhất…Vì vậy, ở các thời điểm khác nhau thì người lập di chúc có ý chí khác nhau trong việc định đoạt tài sản.
Khoản 5 Điều 667 BLDS 2005 quy định: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực
pháp luật”. Pháp luật không quy định một người có quyền để lại tối đa bao nhiêu di chúc đối với một tài sản. Do vậy, để định đoạt tài sản, một người có thể có nhiều di chúc. Di chúc có hiệu lực pháp luật là bản di chúc thể hiện ý chí sau cùng của người lập di chúc.
Việc xác định một di chúc được sửa đổi, bổ sung hay bị thay thế, hủy bỏ là rất cần thiết vì đó là cơ sở để bảo đảm cho quyền tự do định đoạt theo ý chí của người có di sản lập di chúc, đồng thời nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của người có quyền hưởng di sản. Qua đó, giúp ta giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc thừa kế di sản của người chết để lại theo đúng những quy định của pháp luật.
2.2. Giới hạn quyền của người lập di chúc
Với nguyên tắc “Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” [27, Điều 4], pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản, tuy nhiên “tự do” đó phải phù hợp với nguyên tắc “tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp” tại Điều 8 BLDS 2005: “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Việc giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự được khuyến khích”.
Pháp luật quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình” có nghĩa là nếu người chết để lại di chúc (hợp pháp) thì việc thừa kế sẽ tiến hành theo di chúc, theo sự định đoạt của người có tài sản mà trước lúc chết, họ đã thể hiện ý nguyện của mình thông qua việc sử dụng các quyền
của người lập di chúc đã được phân tích ở các mục trên. Tuy nhiên, quyền tự định đoạt của người lập di chúc bị giới hạn trong một số trường hợp nhất định xuất phát từ nguyên tắc chung trong quan hệ dân sự tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng như nguyên tắc củng cố, giữ vững tình thương yêu và đoàn kết gia đình trong quan hệ thừa kế, góp phần bảo vệ lợi ích của một số người trong diện những người thừa kế theo pháp luật, bảo vệ quyền lợi của những người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không đủ khả năng lao động hay những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc tự định đoạt tài sản của người lập di chúc như chủ nợ của người lập di chúc…
2.2.1. Giới hạn trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Như đã phân tích tại phần 2.1.4 mục 2.1 chương 2 về quyền của người lập di chúc trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Theo đó, người lập di chúc bên cạnh quyền cho những người thừa kế của mình được hưởng di sản thì cũng có quyền giao cho họ thực hiện một số nghĩa vụ nhất định mà trước khi chết người lập di chúc chưa thực hiện được như: Nghĩa vụ trả nợ, bồi thường thiệt hại… Người lập di chúc có toàn quyền quyết định trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế mà không phải hỏi ý kiến của bất kỳ ai, có quyền phân định cho người thừa kế này nhiều di sản hơn người thừa kế kia, nhưng lại giao cho người thừa kế kia nghĩa vụ nhiều hơn…
Điều 636 BLDS 2005 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Như vậy, đi kèm với quyền được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật thì người thừa kế còn phải thực hiện những nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản nếu có. Khoản 4 Điều 648 BLDS 2005 quy định người lập di chúc có quyền “giao nghĩa vụ cho người thừa kế” nên nếu người lập di chúc giao cho một người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản thì người được chỉ định này là người thực hiện nghĩa vụ tài sản (khi chấp nhận di sản).
Tuy nhiên, không phải cứ người lập di chúc thể hiện ý chí của mình chỉ định một người nào đó thực hiện các nghĩa vụ thay mình mà trước khi chết họ vẫn chưa thực hiện được thì những người thừa kế của họ sẽ phải thực hiện theo đúng sự chỉ định đó mà theo Điều 637 BLDS 2005 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì “những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, ngay cả trong trường hợp người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế thì người thừa kế cũng không phải thực hiện nghĩa vụ đó, nếu nghĩa vụ tài sản đó vượt quá phạm vi di sản mà họ được nhận trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ví dụ: Ông A lập di chúc để định đoạt khối tài sản của mình trị giá 120 triệu đồng như sau: Cho B hưởng 30 triệu, C hưởng 30 triệu, D hưởng 60 triệu. Khi ông A chết còn nợ của người khác một khoản tiền là 45 triệu đồng. Ông giao cho B phải thay ông trả khoản nợ đó. Như vậy, mặc dù ông A giao cho B phải thực hiện nghĩa vụ là trả khoản tiền 45 triệu nhưng thực tế B chỉ trả 30 triệu tương ứng với số tiền mình đã nhận thừa kế. Ngoài 30 triệu khoản nợ vẫn còn lại 15 triệu đồng. Khoản nợ này do C và D cùng phải thực hiện nhưng tương ứng với phần di sản mà mỗi người được hưởng. Vì vậy, C = 30 triệu - 5 triệu còn 25 triệu, D = 60 triệu - 10 triệu còn 50 triệu
Do đó, quyền của người lập di chúc trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế sẽ bị giới hạn: Trong trường hợp người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế tương ứng với phần di sản mà những người thừa kế được hưởng thì họ có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc lại định đoạt trong di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế lớn hơn phần di sản họ được nhận thì những người thừa kế không có trách nhiệm phải thực hiện phần nghĩa vụ vượt quá mà họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người lập di chúc để lại. Phần di sản vượt quá có
thể được những người thừa kế thỏa thuận với nhau ai sẽ trả, hoặc chia đều phần nghĩa vụ vượt quá cho mỗi người thừa kế tương ứng với số di sản mà họ được nhận.
2.2.2. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, người lập di sản có quyền định đoạt tài sản của mình bằng di chúc cho người thừa kế hưởng. Theo quy định của BLDS, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế là bất kì ai, người thuộc diện thừa kế hay không thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho người thừa kế nhiều hay ít, tài sản nào là tùy thuộc vào ý chí của người lập di chúc, có quyền truất quyền hưởng di sản của những người thừa kế theo pháp luật…Di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản và do vậy pháp luật quy định cho người lập di chúc có quyền tự định đoạt tài sản của mình. Nhưng để bảo vệ lợi ích của một số người trong diện thừa kế theo pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta: Như cha mẹ phải yêu thương, chăm sóc giáo dục con cái, các con phải hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ…mỗi thành viên trong gia đình không chỉ ràng buộc với nhau bởi quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng mà hơn hết, họ gắn bó với nhau bởi tình yêu thương, có nghĩa vụ trách nhiệm với nhau. Vì vậy, mặc dù pháp luật cho phép người lập di chúc có quyền tự định đoạt trong việc chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản thừa kế… nhưng quyền này cũng bị giới hạn theo Điều 669 BLDS 2005: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là
những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.
Điều 669 BLDS 2005 bảo vệ quyền hưởng di sản của những người có quan hệ huyết thống trực hệ, quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản khi còn sống. Trong đó, những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vô điều kiện gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng người để lại di sản, con chưa thành niên, con đã thành niên của người để lại di sản nhưng không có khả năng lao động (bao gồm con đẻ và con nuôi, con trong giá thú, con ngoài giá thú). Những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật. Người thừa kế đó và phần di sản đó chính là những người thừa kế và phần di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Như vậy, một mặt pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản nhưng mặt khác chính pháp luật lại giới hạn quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc. Hay nói cách khác, điều luật trên quy định một số người thừa kế luôn có quyền hưởng một phần di sản nhất định mà không phụ thuộc vào việc người lập di chúc có cho họ hưởng hay không.
Tuy vậy, những người thừa kế theo quy định tại Điều 669 BLDS có thể không hưởng di sản do từ chối (sự từ chối phù hợp với quy định tại Điều 642 BLDS).
“Điều 642. Từ chối nhận di sản