Khái Quát Pháp Luật Về Lãi Suất Trong Hoạt Động Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại

Đối với các hoạt động liên quan đến vai trò của NHTW, các mức lãi suất phổ biến được công bố và nền kinh tế quan tâm là lãi suất chiết khấu (như ở Mỹ, Nhật…), lãi suất Repo (như ở Anh,…) hoặc lãi suất can thiệp (Pháp – thời kỳ trước năm 2001).

Các mức lãi suất của NHTM áp dụng đối với nền kinh tế mang tính quản lý trực tiếp của NHTW như khung lãi suất, trần lãi suất, lãi suất tiền gửi tối thiểu,… đã từng được thực hiện ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam.

Các mức lãi suất thị trường mang tính tham khảo (lãi suất cơ bản): lãi suất quỹ dự trữ liên bang của Mỹ (FFR), lãi suất liên ngân hàng thị trường London (LIBOR), lãi suất liên ngân hàng thị trường Singapore (SIBOR),…

1.2 Khái quát pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

1.2.1 Nguyên tắc điều chỉnh pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại là một trong các tổ chức tài chính trung gian quan trọng nhất của nền kinh tế, là “cầu nối” giữa người dư thừa về vốn và người có nhu cầu về vốn. Ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng bên cạnh đó Ngân hàng thương mại cũng thực hiện chức năng của mình trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHTW để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng như thực thi các mục tiêu mà NHTW hướng tới để ổn định lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Lãi suất là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của NHTM, chính vì vậy mà NHTM đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách về lãi suất để thu hút khách hàng. Để đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, quyền lợi của cá nhân, tổ chức kinh tế thì vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước về lãi suất là không thể thiếu được. Nhà nước thực hiện vai trò này thông qua công cụ là pháp luật. Pháp luật phải kịp thời phản

ánh, ghi nhận và điều chỉnh lãi suất sao cho phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế, mục tiêu của chính sách tiền tệ cũng như đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong nền kinh tế. Do ảnh hưởng của lãi suất và vai trò của nó đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của các NHTM nói riêng là rất lớn nên việc điều chỉnh bằng pháp luật về lãi suất cũng dựa trên những nguyên tắc nhất định.

1.2.1.1 Nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh


Trong nền kinh tế thị trường, quyền tự chủ và tự do trong kinh doanh của các chủ thể được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tự chủ kinh doanh được hiểu là việc các chủ thể hoạt động ngân hàng tự mình đưa ra các quyết định, nhân danh chính bản thân mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp lý trong khuôn khổ pháp luật và tự chịu trách nhiệm về những hành vi đó7.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 74 trang tài liệu này.

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã quy định khá cụ thể về việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các TCTD: TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không một tổ chức cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào quyền tự chủ kinh doanh của TCTD, TCTD có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không cần thiết, không có hiệu quả, không phù hợp với pháp luật8.

Lãi suất là một trong những yếu tố chủ chốt trong việc hình thành lên giá cả của các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho các khách hàng. Với việc chuyển sang điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường, pháp luật đã cho phép ngân hàng có quyền tự mình quyết định giá cả của các sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp cho thị trường. Điều đó thể hiện ở việc ngân hàng có quyền tự do thỏa thuận với khách hàng về lãi suất; Ngân hàng có quyền tự chủ trong việc quyết định mức lãi suất đối với từng khách hàng, áp dụng các

Quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 3


7 ThS. Trần Vũ Hải (2010) (Chủ biên), Giáo trình Luật ngân hàng Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

8 Xem Điều 7 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010

mức lãi suất khác nhau đối với các khách hàng khác nhau trong các hợp đồng tín dụng. Việc áp dụng các mức lãi suất này dựa trên mức độ cung-cầu về vốn, mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng.

Như vậy, suy cho cùng, đảm bảo quyền tự chủ trong việc quyết định lãi suất áp dụng trong các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng cũng chính là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của ngân hàng. Quyền tự do kinh doanh được pháp luật tôn trọng và bảo vệ vì nếu không có sự đảm bảo này thì bản thân các ngân hàng khó có thể tồn tại và phát triển.

1.2.1.2 Nguyên tắc đảm bảo thực thi chính sách tiền tệ


Chính sách tiền tệ là một công cụ chính sách quan trọng mà Chính phủ các nước cũng như Việt Nam sử dụng để điều tiết kinh tế. Với những đặc thù về cơ chế, thể chế và sự phát triển của thị trường ở các mức độ khác nhau, từng quốc gia có thể sử dụng linh hoạt các công cụ để đạt được mục tiêu đặt ra của chính sách. Luật NHNN năm 2010, đã xác định khuôn khổ chính sách tiền tệ, trong đó có đề cập đến việc quyết định sử dụng các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu mà chính sách tiền tệ đề ra.

Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất và sự biến động về lãi suất đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, đầu tư, kinh doanh… của các chủ thể của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lãi suất còn có mối quan hệ chặt chẽ đối với lạm phát, tỷ giá hối đoái. Lãi suất có vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Tuy vậy, bên cạnh vai trò tích cực, lãi suất cũng có những mặt trái của nó. Để hạn chế những tác động không mong muốn do biến động của lãi suất trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng đối với chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế; vai trò điều tiết quản lý của Nhà nước là quyết định. Do vậy, với vai trò là một trong những công cụ đắc lực của Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất cần phải đảm bảo sự điều hành quản lý của nhà nước để thực hiện các mục tiêu của

chính sách tiền tệ. Đây cũng chính là nguyên tắc đặc thù của khung pháp lý trong hoạt động của thị trường nói chung và thị trường tín dụng nói riêng.

1.2.1.3 Nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch


Lãi suất vừa là giá của đồng tiền cho vay nhưng đồng thời nó cũng là cái giá cho rủi ro của bên cho vay. Lãi suất là một trong những yếu tố quyết định trong quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, do vậy cần phải đảm bảo được mức lãi suất hợp lý để hai bên cùng có lợi. Trong quan hệ tín dụng, khách hàng luôn ở vị thế yếu hơn so với ngân hàng; khi lãi suất huy động cao ngân hàng cho vay với lãi suất cao nhưng khi lãi suất giảm thì mức lãi suất cho vay của ngân hàng áp dụng đối với khách hàng lại giảm rất chậm thậm chí không giảm. Điều này là không công bằng đối với người đi vay. Do vậy quy định lãi suất cần đảm bảo được sự công bằng giữa khách hàng và ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của người đi vay.

Xuất phát từ những ảnh hưởng quan trọng mà lãi suất tác động đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngân hàng nói riêng, do đó mà các quy định về lãi suất cần phải đảm bảo tính công khai minh bạch. Bên cạnh việc NHNN sẽ chủ động thông tin để người dân biết về tình hình lãi suất, các văn bản pháp luật, quyết định của NHNN về các mức lãi suất khác nhau, chủ trương, quyết định điều hành của Thống đốc NHNN về lãi suất; thì người dân cũng có quyền được thông tin, tiếp cận về chính sách lãi suất, quyết định lãi suất của NHTW trong từng thời kỳ, mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng để kinh doanh. Hiện tại các ngân hàng đều định kỳ cập nhật khung lãi suất cho vay trong nội bộ hệ thống, bao gồm các thông tin về lãi suất cho vay áp dụng theo từng sản phẩm ứng với từng loại tài sản đảm bảo và xếp hạng tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, những thông tin như vậy hiếm khi được truyền đạt đến khách hàng, do đó có nhiều trường hợp khi khung lãi suất đã được điều chỉnh nhưng do khách hàng không biết nên các chi nhánh vẫn không điều chỉnh lãi suất cho khách hàng. Do vậy lãi suất cần được công khai minh bạch hóa, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh được những tiêu cực

phát sinh. Đảm bảo công khai minh bạch cũng giúp cho việc kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất.

Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch về lãi suất là một trong những yếu tố then chốt để hoạt động ngân hàng phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong khung pháp lý điều chỉnh về lãi suất.

1.2.2 Nội dung pháp luật điều chỉnh về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

Xuất phát từ tầm quan trọng của lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của NHTM cũng như đối với nền kinh tế, vì vậy cần có những quy định của pháp luật điều chỉnh lãi suất trong hoạt động này. Thông qua các quy định của pháp luật về lãi suất, Nhà nước có thể thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc đưa ra quy định và sử dụng linh hoạt công cụ về lãi suất, kết hợp với các công cụ khác như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở… Nhà nước sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay của NHTM bằng cách tạo ra các điều kiện thuận lợi hoặc hạn chế việc huy động vốn, cho vay của NHTM để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định lạm phát. Đồng thời, thông qua việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với lãi suất, Nhà nước có thể kiểm soát được tình hình hoạt động kinh doanh của NHTM, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay pháp luật có khá nhiều quy định liên quan đến lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM, nhưng các quy định này lại nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Văn bản quy phạm có hiệu lực cao nhất hiện nay quy định vấn đề này chính là Luật các TCTD năm 2010, Luật NHNN năm 2010, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Ngoài ra NHNN còn ban hành một số văn bản pháp quy có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lãi suất

như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức cá nhân tại tổ chức tín dụng; Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định về lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng; Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; Thông tư số 18/2015/TT-NHNN ngày 22/10/2015 quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010 về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam; Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT- NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014; Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014; Quyết định số 496/QĐ-NHNN ngày 17/03/2014 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng.

Như vậy các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành quy định về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM là tương đối đầy đủ, cụ thể hóa được các nội dung cơ bản sau:

- Quy định về lãi suất trong hoạt động huy động vốn và hoạt động cho vay của NHTM. Đây là quy định hết sức quan trọng để NHTM tiến hành các

hoạt động huy động vốn và cho vay. Các NHTM đưa ra mức lãi suất kinh doanh và lãi suất điều hòa vốn nội bộ trong toàn hệ thống của mình trên cơ sở tuân thủ lãi suất chỉ đạo của NHTW.

- Quy định về lãi suất trong hoạt động quản lý điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước. Xuất phát từ tầm quan trọng của lãi suất trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của một quốc gia cần có chính sách lãi suất hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu của chính sách tiền tệ

- Các quy định thanh tra, giám sát, tuân thủ quy định về lãi suất. Lãi suất không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NHTM mà nó còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trong quan hệ tín dụng với NHTM nói riêng và đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung. Do vậy Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra giám sát tuân thủ quy định về lãi suất đồng thời cần có các chế tài, biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, quyền lợi của các chủ thể tham gia quan hệ tín dụng, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Về cơ bản, Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và thông thoáng tạo cơ sở cho các NHTM tiến hành hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời pháp luật cũng hướng tới bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, người đi vay, đáp ứng được nhu cầu gửi tiền và vay vốn của họ. Tạo cơ sở pháp lý cho NHNN thực hiện chức năng điều hành chính sách tiền tệ, quản lý giám sát hoạt động ngân hàng nói chung và lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM nói riêng vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

Kết luận chương 1


Chương 1 của Khóa luận đã tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận về lãi suất và pháp luật về lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM: làm rõ khái niệm lãi suất; phân loại lãi suất theo các tiêu chí khác nhau trong

hoạt động tín dụng ngân hàng; một số yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất và vai trò của lãi suất trong hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Chương 1 cũng đi sâu làm rõ nguyên tắc điều chỉnh pháp luật đối với lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM và nội dung pháp luật điều chỉnh đối với lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM, qua đó làm tiền đề nghiên cứu những nội dung sau của Khóa luận.

Xem tất cả 74 trang.

Ngày đăng: 29/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí