Ưu Điểm Và Hạn Chế Trong Các Quy Định Hiện Hành Về Lãi Suất Đối Với Hoạt Động Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại

quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng. Theo quy định tại Điều 55 và Điều 57 Luật NHNN Việt Nam năm 2010 và trong các quy định của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP thì việc thanh tra, giám sát tuân thủ quy định về lãi suất cũng là một nội dung của thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, quy định về thanh tra, giám sát tuân thủ quy định về lãi suất cũng được quy định trong các thông tư của NHNN, cụ thể:

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Cục I, Cục II) và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin và giám sát việc chấp hành lãi suất huy động của các TCTD thuộc chức năng quản lý trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các TCTD thuộc chức năng quản lý trên địa bàn; xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tổ chức liên quan (nếu có).

Trường hợp phát hiện và áp dụng các hình thức xử lý TCTD có vi phạm liên quan đến việc chấp hành quy định về lãi suất, đề nghị đơn vị gửi báo cáo nhanh (kèm văn bản, quyết định xử lý) về NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Văn phòng NHNN) để công bố trên Website của NHNN.

2.2 Ưu điểm và hạn chế trong các quy định hiện hành về lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

2.3.1 Hoạt động cho vay của các NHTM


Việc ban hành cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận nhằm đảm bảo sự ổn định hoạt động của thị trường tiền tệ, đáp ứng tăng vốn cho các nhu cầu hợp lý, chính đáng của nền kinh tế. Cơ chế này cũng nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và giảm mặt bằng lãi suất.

Trước đây khi áp dụng cơ chế trần lãi suất với trần lãi suất là 12%, nhưng trên thực tế nhiều ngân hàng đã tìm mọi cách để áp dụng các mức phí

để tăng lãi suất cho vay lên cao đến 14-15%. Điều này vô hình chung đã làm méo mó thị trường, gây ra nhiều tiêu cực trong quá trình giải quyết bài toán về vốn.

Các quy định về lãi suất cho vay theo thỏa thuận được áp dụng đã có những hiệu ứng tích cực với hoạt động cho vay của NHTM cũng như nền kinh tế cụ thể:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 74 trang tài liệu này.

Một là, Cơ chế cho vay thỏa thuận hình thành mặt bằng lãi suất cho vay minh bạch, rõ ràng và phản ánh đúng tín hiệu thị trường, chống những tiêu cực như tự do khuyến mãi, tự do cộng phí… chấm dứt tình trạng “phí ngầm” mà NHNN cũng khó kiểm soát.

Hai là, tạo điều kiện cho các NHTM chủ động xác định mức lãi suất cho vay dựa trên các yếu tố: chi phí vốn đầu vào của ngân hàng, mức độ rủi ro của từng khách hàng, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của khách hàng và một số yếu tố liên quan khác. Sự phân hóa khách hàng cũng sẽ diễn ra rõ hơn: khách hàng có uy tín cao sẽ được hưởng lãi suất thấp, còn khách hàng kém uy tín sẽ phải chịu lãi suất cao với mức độ khác nhau rõ rệt.

Quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 6

Ba là, tăng tính cạnh tranh giữa các NHTM, đòi hỏi các ngân hàng phải có những mức lãi suất hợp lý để thu hút khách hàng qua đó làm giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà cơ chế lãi suất thỏa thuận mang lại thì việc áp dụng cơ chế này đã gây ra không ít khó khăn bất cập trong thực tiễn thi hành:

Một là, cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các NHTM khi không còn kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng các ngân hàng nhỏ khó có khả năng cho vay với lãi suất thấp để cạnh tranh với các ngân hàng lớn.

Hai là, tăng trưởng tín dụng tăng lên do các NHTM đẩy mạnh cho vay nhằm tìm kiếm lợi nhuận hoặc tiến hành các hoạt động kinh doanh mạo hiểm do sức ép phải cho vay lại với lãi cao. Điều này cũng có nghĩa là sẽ tạo ra sự

cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm tăng tính rủi ro và nhạy cảm, sự mất ổn định của hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô trong nước.

Ba là, đối với doanh nghiệp khi lãi suất cho vay được thỏa thuận giữa các ngân hàng với khách hàng, mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên. Bởi theo quy định pháp luật hiện hành chỉ áp trần lãi suất cho khoản vay ngắn hạn thuộc một số ngành lĩnh vực ưu tiên, còn các khoản vay khác được thả nổi sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao, nhất là trong bối cảnh tín dụng phục vụ cho tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ khối ngân hàng. Do đó, chỉ có doanh nghiệp nào có khả năng, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, trình độ có trình độ khoa học công nghệ tốt, có khả năng xử lý đầu ra thì lúc đó mới có khả năng chịu được áp lực chi phí vốn vay cao. Còn lại các doanh nghiệp khác, chịu tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gặp khó khăn lớn khi chi phí đầu vào liên tục tăng và việc tiêu thụ đầu ra chưa có nhiều chuyển biến. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán thì kênh huy động vốn chủ yếu vẫn dựa vào việc vay ngân hàng. Xu hướng lãi suất cho vay tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp khó tìm được nguồn vốn phù hợp để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Ngoài ra theo quy định về lãi suất thỏa thuận, các TCTD và khách hàng đươc quyền thỏa thuận với nhau về mức lãi suất cũng như phí tín dụng, do đó mỗi doanh nghiệp đi vay sẽ chịu một mức lãi suất khác nhau. Những doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết và sử dụng các hình thức vận động không minh bạch đối với các TCTD sẽ được vay với lãi suất thấp, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải chịu chi phí đi vay cao gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của CIEM cho biết, có đến 75% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phải đi vay vốn từ nguồn phi chính thức với lãi suất có thể lên tới 5%-6%/tháng để tồn tại và

phát triển21. Do hạn chế vốn, doanh nghiệp càng khó tìm được mặt bằng sản xuất và rơi vào vòng luẩn quẩn vì thiếu vốn không thể thuê, mua tài sản để sản xuất kinh doanh và tức là không có tài sản thế chấp để vay vốn.

2.3.2 Hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại


Hoạt động huy động vốn của NHTM có vai trò rất quan trọng vì nó là tiền đề để thực hiện các hoạt động kinh doanh tiếp theo của NHTM. Nhưng với tình hình hình nền kinh tế hiện nay đang khó khăn. Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng Việt Nam luôn đối mặt với những thử thách từ nhiều phía. Trong hoàn cảnh đó, kinh doanh ngân hàng hết sức phức tạp. Khi thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, trần lãi suất huy động vốn cũng dần được tháo gỡ. Điều này vừa mang tính tích cực vừa mang tính tiêu cực đối với các NHTM khi NHNN đưa ra mức lãi suất huy động từng bước giảm.

Lãi suất huy động luôn có mối quan hệ tỷ lệ thuận với lãi suất cho vay. Việc tăng hay giảm lãi suất huy động cũng làm tăng hay giảm lãi suất cho vay của các NHTM. Khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng giảm theo, điều này góp phần tháo gỡ những khó khăn cùng với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất hợp lý để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động nhưng NHNN lại cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận, sẽ tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng mạng lưới để huy động vốn với mức lãi suất phù hợp đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về vốn của nền kinh tế. Khi các ngân hàng chủ động hơn trong xác định lãi suất và quy mô huy động với thời hạn hợp lý rủi ro thanh khoản sẽ giảm.

Tuy nhiên, lãi suất huy động giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động từ nhân dân, bởi người dân thường có xu hướng đầu tư vào những gì mang lại lợi nhuận cao hơn. Khi lãi suất huy động thấp, người gửi tiền có thể rút tiền từ các NHTM để đầu tư vào các kênh khác mang lại lợi nhuận cao


21 Thảo Dân (2010), “Thả nổi lãi suất, doanh nghiệp chết chìm”, CafeLand, xem thêm tại https://cafeland.vn/tin-tuc/tha-noi-lai-suat-doanh-nghiep-chet-chim-4174.html

hơn như đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán. Điều này đã gây áp lực lớn cho hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Hơn nữa, việc chưa gỡ bỏ trần lãi suất huy động trong khi thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận đã làm xuất hiện những vấn đề phát sinh. Lãi suất đầu ra không có trần trong khi lãi suất đầu vào lại có trần thì lợi ích sẽ nghiêng về các NHTM, chứ không nghiêng về người gửi tiền, cũng không nghiêng về người đi vay.

Không chỉ dừng lại ở đó, với chính sách lãi suất tiền gửi Đô la Mỹ của NHNN khi đưa về mức 0%/năm đã có những mặt trái nhất định. Thứ nhất, do tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã tăng lên, sẽ càng có ít người dân muốn bán USD nắm giữ thành tiền đồng để gửi vào hệ thống ngân hàng hưởng lãi, dù lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi USD (đã xuống còn 0% từ cuối năm 2015), trong khi tỷ giá tiền đồng thì được trấn an là sẽ không có biến động mạnh nữa, nhất là kể từ khi NHNN đưa ra cơ chế tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày. Thứ hai, nếu người dân có gửi USD vào hệ thống ngân hàng thì họ chỉ gửi không kỳ hạn, có nghĩa là họ có thể rút ra bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào có hại cho họ. Từ hai điều trên có thể thấy rằng do tác động bất lợi gây ra bởi chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% của NHNN nên hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không nhận được một lượng USD cần thiết từ nguồn tiền gửi của dân cư (và cả doanh nghiệp) để đáp ứng nhu cầu cho vay hoặc kinh doanh trong nước. Quan trọng không kém, lượng tiền gửi USD của dân cư và doanh nghiệp trong nước nếu có thì đã bị rút ngắn thời hạn, hầu hết thành không kỳ hạn, thay vì có kỳ hạn như trước khi NHNN ra chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%. Do không cố định được kỳ hạn của tiền gửi ngoại tệ, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có nhu cầu cấp tín dụng ngoại tệ vì nhu cầu vốn ngoại tệ của doanh nghiệp luôn tồn tại. Sự không khớp nhau giữa kỳ hạn đầu vào và đầu ra, đã khiến cho nhiều ngân hàng phải tìm cách lách luật vì trả lãi 0%/năm, ngân hàng khó huy động USD trong khi lãi suất vay USD lên tới 3%- 4%/năm.

2.3 Một số hành vi vi phạm quy định về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại và chế tài xử lý

2.3.1 Một số hành vi vi phạm quy định về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

Với cơ chế lãi suất thỏa thuận, các NHTM được tự do ấn định lãi suất cho vay đối với khách hàng trong khi đó trần lãi suất huy động vẫn còn được áp dụng. Điều đó đã dẫn đến các hành vi vượt trần lãi suất huy động của NHTM bởi các ngân hàng đang đứng trước nhiều áp lực huy động vốn để tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu… Các ngân hàng có rất nhiều biện pháp, kỹ thuật “lách” trần lãi suất. Một số ngân hàng chi trả phần chênh lệch bằng cách cho khách hàng tham gia các chương trình khuyến mại như tri ân khách hàng, gửi tiết kiệm giờ vàng, gửi tiền trúng thưởng, mở sổ tiết kiệm tặng tặng thẻ ATM có tài khoản sẵn… Có ngân hàng lại chi trả phần cộng thêm cho khách hàng bằng tiền mặt ngay khi mở sổ tiết kiệm…

Kể từ khi Luật NHNN và Luật các Tổ chức tín dụng được ban hành năm 2010. Hàng loạt các thông tư quy định về lãi suất huy động vốn được ban hành và thay đổi liên tục. Mặc dù Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 đã ghi rõ các TCTD được quyền ấn định lãi suất huy động, thoả thuận với khách hàng về lãi suất, phí cấp tín dụng nhưng đầu tháng 03/2011, NHNN lại ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN luật hóa trần lãi suất huy động ở mức 14%. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn, và để đối phó với mức trần lãi suất huy động do NHNN đưa ra, các ngân hàng này tăng lãi suất huy động không kỳ hạn và các kỳ hạn ngắn 1-2 tuần lên gần mức trần 14%. Nhiều ngân hàng đồng loạt giở các “chiêu” mà phổ biến nhất là nâng lãi suất tới 9% - 11%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn để hút vốn mặc dù đang áp dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 2,4%/năm - 3%/năm. Trong khi việc chạy đua lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn khiến nhiều ngân hàng mất vốn chưa được giải quyết thì một loại sản phẩm khác là “tiền gửi có kỳ hạn” nhưng được “rút gốc linh hoạt” và “được hưởng lãi suất theo thời gian thực

gửi” hay “tiết kiệm lãi suất thả nổi” bung ra như nấm, đang làm thị trường méo mó và phức tạp thêm22.Trong bối cảnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-NHNN về việc áp dụng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất đối với tiền gửi rút trước hạn. Tuy nhiên, thông tư này dường như cũng bị vô hiệu hoá với các cách lách khéo của các TCTD.

Trong bối cạnh lạm phát tăng cao những năm 2010-2012, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản, hàng loạt các NHTM cũng đua nhau huy động vốn vượt trần lãi suất huy động. Mặc dù các mức lãi suất huy động đã được NHNN quy định cụ thể đối với từng loại kỳ hạn, nhưng các NHTM vẫn đi “cửa sau”, lách luật để vượt trần lãi suất bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài việc khách hàng gửi càng nhiều tiền thì càng được mức lãi suất cao thậm chí còn cao hơn mức mà NHNN quy định, các NHTM còn thực hiện các chiến dịch khuyến mại rầm rộ khi khách hàng gửi tiền bằng việc bốc thăm trúng thưởng, tặng chuyến du lịch trọn gói, tặng quà tặng như xe ô tô, phiếu mua hàng, tặng vàng ... Đây là một cách lách luật của các NHTM, vì mức chi khuyến mại với lãi suất thực tế luôn vượtquá mức lãi suất đã quy định. Tùy vào giá trị từng khoản tiền gửi khác nhau mà khách hàng có thể mặc cả với ngân hàng để có được mức lãi suất kỳ vọng. Ngược lại, các ngân hàng, nhất là những ngân hàng quy mô nhỏ cũng không thể từ chối khách hàng và ngồi nhìn khách hàng mang tiền gửi ở nơi khác, nên đã sẵn sàng trả thêm mức chênh lệch ngoài lãi suất thực ghi trên sổ tiết kiệm. Có trường hợp thực tế, khách hàng gửi tiền với số tiền lớn, yêu cầu lãi suất cao mới gửi, NHTM không thể làm trái quy định mà cũng không thế mất khách hàng, đã thực hiện biện pháp là trên giấy tờ, sổ sách ghi lãi suất theo quy định của NHNN đã ban hành nhưng thực tế chi trả lãi suất lại cao hơn gấp nhiều lần.

Một số vụ việc nghiêm trọng về các NHTM ở Việt Nam “xé rào” lãi suất huy động vốn điển hình trong thời gian qua:


22Vneconomy (2011), “Báo động lãi suất tiền gửi không kỳ hạn”, Thời báo Kinh tế Việt Nam xem thêm tại http://vneconomy.vn/tai-chinh/bao-dong-lai-suat-tien-gui-khong-ky-han-201103280944229.htm

1. Vụ việc Oceanbank vượt trần lãi suất nghiêm trọng đã đẩy nhiều người vi phạm pháp luật. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư số 02 ngày 3/3/2011 quy định về trần lãi suất 14% thế nhưng Ngân hàng Oceanbank đã vượt trần lãi suất bằng việc chủ động chi lãi ngoài cho khách hàng bởi việc huy động đúng theo trần lãi suất là một việc làm rất khó khăn khi lạm phát lên cao đến 18-19% và nếu không làm thì sẽ dẫn đến đổ vỡ hệ thống23. Điểm đáng chú ý trong vụ án này là từ chủ trương và sự chỉ đạo trái với quy định pháp luật của Hà Văn Thắm, lúc đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank, về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng đã khiến hàng trăm cán bộ của OceanBank vi phạm theo. Hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

2. Ngân hàng HD Bank đã vượt trần lãi suất bằng việc chủ trương thưởng thêm lãi suất cho người giới thiệu khách hàng gửi tiết kiệm nên nhân viên giao dịch đã cộng thêm 1% ngoài lãi suất niêm yết 14% một năm cho người đi cùng. Tuy nhiên, mọi thỏa thuận chỉ diễn ra bằng miệng mà không có biên nhận hay văn bản chứng nhận,việc vượt trần lãi suất đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bị xử lý theo quy định của pháp luật24.

3. Vụ việc vi phạm lãi suất ở ngân hàng Đông Á Tây Ninh: NHNN chi nhánh Tây Ninh đã miễn nhiệm chức danh Giám đốc DongA Bank chi nhánh Tây Ninh sau khi phát hiện chi nhánh này vi phạm vượt trần lãi suất huy động khi thực hiện giao dịch tiền gửi 1,5 tỷ đồng lãi suất 15,5%/năm, cao hơn mức


23 Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (2017), “Đại án OceanBank: Trần lãi suất đã đẩy nhiều người vi phạm pháp luật”, xem thêm tại http://vcci.com.vn/dai-an-oceanbank-tran-lai-suat-da-day- nhieu-nguoi-vi-pham-phap-luat

24 VnExpress (2011), “Nghi án đồng nghiệp 'tố' HDBank vượt trần lãi suất”, xem thêm tại http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nghi-an-dong-nghiep-to-hdbank-vuot-tran-lai-suat- 2715549.html

Xem tất cả 74 trang.

Ngày đăng: 29/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí