Quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 2

đích nghiên cứu, khóa luận cũng sử dụng nhiều phương pháp cụ thể như: phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp luật học so sánh, phương pháp lịch sử để làm rõ các luận điểm nghiên cứu trong đề tài.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài


Khóa luận đã cập đến các vấn đề lý luận, thực tiễn của pháp luật về lãi suất trong hoạt động của các tổ chức tín dụng mà chủ yếu là của NHTM, mà đặc trưng là lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay. NHTM là một doanh nghiệp kinh doanh đặc thù, không chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHTW. Vì vậy, cần thiết ban hành cơ sở pháp lý an toàn để điều chỉnh lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

Khóa luận được nghiên cứu trong bối cảnh đã có nhiều văn bản luật về ngân hàng được ban hành. Cụ thể là Luật NHNN năm 2010, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và cùng với các chính sách tiền tệ được thay đổi liên tục. Khóa luận đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM, cũng như điều hành lãi suất thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể:


Thứ nhất, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về lãi suất, khái niệm, phân loại lãi suất cũng như cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW); nguyên tắc điều chỉnh, nội dung pháp luật về lãi suất.

Thứ hai là phân tích, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM, quá trình áp dụng các quy định này trong thực tiễn có phù hợp hay không. Những ưu điểm đã đạt được khi áp dụng các quy định của pháp luật, cũng như các quy định này có bất cập gì khi thực hiện trên thực tế không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ ba là sau khi đã nghiên cứu về lý luận cũng như thực trạng pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM kết hợp với thực tế các NHTM đã áp dụng lãi suất trong hoạt động kinh doanh của mình như thế nào, để có thể tìm ra cơ sở định hướng cho việc khắc phục những bất cập của các quy định này đồng thời tiếp tục xây dựng pháp luật về lãi suất cho phù hợp với thời kỳ phát triển của đất nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 74 trang tài liệu này.

6. Bố cục của khóa luận

Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Khóa luận gồm ba chương:

Quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 2

Chương 1: Những vấn đề lý luận về lãi suất và khái quát nội dung điều chỉnh pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Chương 2: Thực trạng pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Chương 3: Định hướng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LÃI SUẤT VÀ KHÁI QUÁT NỘI DUNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH VỀ LÃI SUẤT TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

1.1 Những vấn đề lý luận về lãi suất


1.1.1 Khái niệm về lãi suất


Một trong những đặc trưng của hoạt động tín dụng là sau một thời gian nhất định người đi vay vốn phải hoàn trả cho người cho vay một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Lãi suất phản ánh mối quan hệ giữa chủ thể sử dụng vốn (người vay vốn) với chủ thể sở hữu vốn (người cho vay) theo nguyên tắc hoàn trả có kỳ hạn kèm theo lãi ở thị trường vốn ở một thời điểm nhất định. Nhà kinh tế học Marshall (1890) trong tác phẩm “Principles of Economis” (Những nguyên lý kinh tế học) đã viết: “Lãi suất chỉ giá phải trả cho việc sử dụng vốn trên một thị trường bất kỳ1”.

Khi nhìn nhận ở các khía cạnh khác nhau, nhìn chung khái niệm lãi suất tương đối thống nhất và không có quá nhiều khác biệt.

Dưới góc độ kinh tế, lãi suất tín dụng là tỷ lệ phần trăm giữa tổng số lợi tức thu được và tổng số tiền cho vay trong một khoảng thời gian nhất định (ngày, tuần, tháng, quý, năm…)2; hay là giá cả của quyền được sử dụng vốn vay trong một khoảng thời gian nhất định mà người sử dụng phải trả cho người sở hữu nó.

Theo Từ điển Luật học: Lãi suất là tỷ lệ phần trăm tính trên vốn đầu tư để xác định lãi của người đầu tư3.

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất lãi suất là giá cả của khoản vay được tính trên tỷ lệ phần trăm (%) giữa số tiền phải trả so với khoản


1 GS.TS Lê Văn Tư (2004), Tiền tệ, ngân hàng, thị trường tài chính, NXB Tài chính, Hà Nội, tr.407

2 Học viện tài chính (2014), Giáo trình tài chính - tiền tệ, NXB Tài chính, Hà Nội, tr 121

3 Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, NXB Từ điển Bách Khoa và NXB Tư pháp, Hà Nội, tr.452-453

tiền vay và được xác định trong một khoảng thời gian nhất định (thường được tính theo ngày, tháng, quý, năm).

1.1.2 Phân loại lãi suất


Hiện nay, có nhiều tiêu chí để phân loại lãi suất. Dưới góc độ luật học, lãi suất tín dụng ngân hàng được phân loại dựa trên các căn cứ chủ yếu sau:

- Căn cứ vào loại hình tín dụng


- Căn cứ vào thời hạn tín dụng


- Căn cứ vào mức độ ổn định của lãi suất


- Căn cứ vào thời hạn áp dụng


1.1.2.1 Phân loại theo loại hình tín dụng ngân hàng (phân loại theo chủ thể tham gia quan hệ tín dụng ngân hàng)

Quan hệ tín dụng ngân hàng bao gồm: quan hệ giữa NHTM với công chúng và doanh nghiệp trong việc cho vay và huy động vốn, trong hoạt động tái cấp vốn của NHTW cho các NHTM và trong quan hệ giữa các NHTM với nhau trong thị trường liên ngân hàng. Đối với mỗi quan hệ khác nhau thì có các loại lãi suất khác nhau mang tính đặc thù riêng:

- Lãi suất huy động: là lãi suất mà các ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác đưa ra khi huy động tiền gửi và là loại lãi suất quy định tỉ lệ lãi phải trả cho các hình thức nhận tiền gửi của khách hàng.

- Lãi suất cho vay: là lãi suất người đi vay phải trả cho ngân hàng do việc sử dụng vốn vay của ngân hàng; được áp dụng để tính lãi mà khách hàng phải trả cho ngân hàng.

- Lãi suất chiết khấu: là lãi suất áp dụng khi ngân hàng cho khách hàng vay dưới hình thức chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác chưa đến hạn thanh toán và thỏa mãn các điều kiện chiết khấu theo quy định.

- Lãi suất tái chiết khấu: là lãi suất cho vay ngắn hạn của NHTW đối với NHTM và các TCTD khác dưới hình thức chiết khấu lại các giấy tờ có giá chưa đến thời hạn thanh toán.

- Lãi suất tái cấp vốn: là lãi suất cho vay ngắn hạn của NHTW áp dụng với NHTM và các TCTD khác dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng giữa khách hàng và TCTD.

- Lãi suất bình quân liên ngân hàng: là lãi suất được tính bằng trung bình lãi suất các khoản cho vay trong thời gian ngắn giữa các ngân hàng với nhau. Về bản chất đây là lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau và hầu như chỉ dựa trên tín chấp, nó phản ánh khá rõ thanh khoản trong ngắn hạn của hệ thống ngân hàng.

- Lãi suất cơ bản: Tại mỗi quốc gia sẽ có những quy ước cụ thể khác nhau về lãi suất cơ bản và với những tên gọi khác nhau nhưng đều chung một bản chất đó là định hướng lãi suất thị trường.

Tại Việt Nam, lãi suất cơ bản là lãi suất chỉ áp dụng đối với đồng Việt Nam, do NHNN công bố, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh.

1.1.2.2 Phân loại thời hạn áp dụng lãi suất trong hợp đồng tín dụng


Dù cho vay ở hình thức nào thì ngân hàng đều đưa ra mức lãi suất trong hạn và lãi suất quá hạn để xác định nghĩa vụ trả lãi của khách hàng vay,

- Lãi suất trong hạn: không được quy định cụ thể về khái niệm trong văn bản pháp luật nhưng có thể hiểu là tỷ lệ nhất định mà bên vay phải trả cho bên cho vay tính trên số tiền đã vay tương ứng với thời hạn mà các bên đã thỏa thuận.

- Lãi suất quá hạn: chỉ phát sinh khi tồn tại khoản nợ quá hạn, là tỷ lệ phần trăm tính trên nợ gốc mà bên vay phải trả cho bên cho vay tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất quá hạn thường cao hơn lãi suất

đúng hạn do được áp dụng đối với người vay vi phạm nghĩa vụ về thời hạn. Sau thời hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đủ số tiền vay thì bên cho vay có quyền tính lãi dựa trên lãi suất quá hạn theo đúng như thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

1.1.2.3 Phân loại theo mức độ ổn định của lãi suất


Khi thỏa thuận lãi suất trong hạn, các bên có thể thỏa thuận lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi để áp dụng trong hợp đồng tín dụng

- Lãi suất cố định: là lãi suất cho vay được ấn định một mức cụ thể trong hợp đồng vay vốn tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn tại ngân hàng, bất chấp những biến động lãi suất trên thị trường. Thông thường lãi suất cố định được áp dụng trong trường hợp lãi suất thị trường tương đối ổn định

- Lãi suất thả nổi (lãi suất điều chỉnh) là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo định kỳ, do vậy nó thay đổi theo thời gian. Mức điều chỉnh và kỳ điều chỉnh lãi suất sẽ theo thỏa thuận giữa khách vay và ngân hàng (không được trái với quy định của pháp luật) và được ghi rõ trên hợp đồng vay vốn. Lãi suất thả nổi được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu hoặc theo chỉ số lạm phát nên nó không cố định trong suốt thời hạn vay. Thông thường, kỳ điều chỉnh lãi suất là 3 hoặc 6 tháng/lần, một số ngân hàng điều chỉnh 1 năm/lần. Lãi suất thả nổi thường được áp dụng trong các thời kỳ lãi suất thị trường biến động nhiều, khó dự đoán chính xác chiều hướng cũng như mức độ biến động lãi suất.

1.1.2.4 Phân loại theo thời hạn tín dụng


Căn cứ vào thời hạn tín dụng, lãi suất được chia thành lãi suất ngắn hạn, lãi suất trung hạn và lãi suất dài hạn

- Lãi suất ngắn hạn: là lãi suất áp dụng với khoản tín dụng ngắn hạn có thời gian không quá 1 năm.

- Lãi suất trung hạn: là lãi suất áp dụng với khoản tín dụng trung hạn có thời gian từ 1 năm đến 5 năm.

- Lãi suất dài hạn: là lãi suất áp dụng với khoản tín dụng dài hạn có thời gian từ 5 năm trở lên.

1.1.3 Cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương


1.1.5.1 Khái niệm và nội dung cơ chế điều hành lãi suất


Cơ chế điều hành lãi suất của NHTW là tổng thể những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể của NHTW nhằm kiểm soát và điều tiết lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng trong từng thời kỳ nhất định4. Điều hành lãi suất của NHTW có thể được thực hiện theo ba hướng: điều hành lãi suất trực tiếp, điều hành lãi suất gián tiếp và điều hành lãi suất kết hợp giữa trực tiếp và gián tiếp.5

Cơ chế can thiệp trực tiếp là việc NHTW quản lý thống nhất lãi suất đối với nền kinh tế, thông qua các hình thức quản lý lãi suất của các NHTM đối với nền kinh tế, quy định mức lãi suất cho vay tối đa hoặc tiền gửi tối thiểu của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế. Trong phạm vi lãi suất được phép, các NHTM được quyền ấn định mức lãi suất kinh doanh phù hợp. Khi có các thay đổi về kinh tế vĩ mô, NHTW có thể xem xét để điều chỉnh giới hạn lãi suất tối đa ở mức hợp lý.

Theo cách thức điều hành lãi suất, cơ chế điều hành trực tiếp gồm: cơ chế ấn định lãi suất (NHTW công bố tất cả các loại lãi suất, các NHTM đều phải thực hiện một cách tuyệt đối) và cơ chế khống chế lãi suất (NHTW quy định mức lãi suất tối đa và mức lãi suất tối thiểu tạo nên khung lãi suất giới hạn trần lãi suất và sàn lãi suất để các NHTM ấn định lãi suất kinh doanh).


4 Vũ Văn Long (2003), Hoàn thiện cơ chế lãi suất tín dụng ngân hàng ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện tài chính, tr.6-8, Hà Nội

5 PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng (2015), “Thành công điều hành chính sách tiền tệ nhìn từ góc độ công cụ lãi suất”, Tạp chí Ngân hàng, Số 1-2015, Tr.16-21, Hà Nội.

Cơ chế can thiệp gián tiếp (cơ chế tự do hóa lãi suất): Thông qua cơ chế tái cấp vốn (chiết khấu, tái chiết khấu,…) NHTW vẫn thực hiện quản lý gián tiếp lãi suất kinh doanh của NHTM đối với nền kinh tế.

Cơ chế này được thực hiện theo hai nguyên tắc: NHTW chỉ công bố các mức lãi suất áp dụng đối với các khoản cho vay tái chiết khấu hoặc cho vay cầm cố các chứng từ có giá của mình đối với các tổ chức tín dụng. Các mức lãi suất tiền gửi và cho vay cụ thể theo từng kỳ hạn, từng đối tượng của các NHTM đối với nền kinh tế sẽ do tổ chức tín dụng tự ấn định, dựa trên cơ sở cung - cầu về vốn và sự cạnh tranh trên thị trường, từ đó hình thành nên các mức lãi suất phản ánh đúng yêu cầu của thị trường.

Khi muốn điều chỉnh lãi suất kinh doanh của NHTM đối với nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn, NHTW sẽ thực hiện thông qua việc điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay cầm cố chứng từ có giá của mình đối với các NHTM, từ đó tác động đến lãi suất kinh doanh của NHTM đối với các chủ thể trong nền kinh tế.

1.1.5.2 Kinh nghiệm điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương của một số nước

Nghiên cứu kinh nghiệm điều hành lãi suất của NHTW châu Âu (ECB), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), NHTW Trung Quốc, NHTW Nhật Bản,.. có thể rút ra một số bài học:

Một là, việc điều hành lãi suất được thực hiện theo hai cơ chế: điều hành trực tiếp và điều hành gián tiếp, khi hệ thống tài chính càng phát triển thì cơ chế điều hành lãi suất trực tiếp sẽ được thay thế bằng cơ chế điều hành gián tiếp.

Hai là, NHTW các nước vẫn công bố lãi suất chủ đạo của mình, làm định hướng cho thị trường tiền tệ6 .



6Ths. Nguyễn Cao Hoàng (2014), “Bàn thêm về điều hành lãi suất đối với thị trường tiền tệ”, Tạp chí Ngân hàng, số 4-2014, Hà Nội

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/05/2023