– Kế hoạch phát triển lớp học chữ Chăm cho người lớn cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa vào kế hoạch phát triển giáo dục chung của huyện, trình Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc và Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận để giải quyết biên chế giáo viên dạy chữ Chăm, cấp kinh phí cho lớp học chữ Chăm hoạt động, chỉ đạo việc thực hiện chương trình và các vấn đề chuyên môn khác như là một lớp xoá mù chữ phổ thông theo quy định hiện hành.
1.3.2. Quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giảng dạy
– Chương trình giảng dạy chữ Chăm bằng chữ akhar thrah cho người lớn, hiện nay chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành chung cho cả nước. Song, hiện nay ở tỉnh Ninh Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn chương trình học tiếng Chăm bằng chữ akhar thrah cho người lớn. Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình chính thức, chúng ta chọn chương trình học chữ Chăm bằng chữ akhar thrah cho người lớn do Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Ninh Thuận đã biên soạn.
– Việc chọn chương trình học tiếng Chăm bằng chữ akhar thrah cho người lớn do Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Ninh Thuận đã biên soạn, trước mắt giải quyết được việc thiếu chương trình để giảng dạy. Mặt khác chương trình trên cũng phù hợp với người học, vì người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cùng ngôn ngữ Chăm Đông, cùng phong tục tập quán và thực tế các lớp học tiếng Chăm cho người lớn ở huyện Hàm Thuận Bắc trước đây cũng đã thực hiện theo chương trình này.
– Chương trình giảng dạy và sách giáo khoa được Phòng Giáo dục và Đào tạo phân bổ, cấp phát đến từng trường học có lớp học chữ Chăm như việc cấp phát chương trình và sách giảng dạy các bộ môn khác trong trường học.
– Phòng Giáo dục và Đào tạo giao cho Hiệu trưởng các trường tiểu học quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch dạy chữ Chăm cho người Chăm lớn tuổi như việc quản lý chương trình học xoá mù chữ phổ thông trên địa bàn mình phụ trách.
1.3.3. Quản lý việc soạn bài và chuẩn bị giờ dạy của giáo viên
– Phòng Giáo dục và Đào tạo quy định việc soạn giáo án của một tiết dạy chữ Chăm cho người lớn. Yêu cầu của một bài soạn giáo án dạy chữ Chăm như một tiết dạy xoá mù chữ (tiếng Việt). Ngoài ra, Hiệu trưởng còn phải đề nghị giáo viên chú ý hơn việc minh hoạ sát thực tế trong quá trình giảng dạy, sao cho người học dễ hiểu, dễ nhớ và thích thú trong quá trình học tập; cần chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi người lớn.
– Phòng Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho Hiệu trưởng trường tiểu học phân công trách nhiệm cụ thể cho tổ trưởng tổ tiếng Chăm trong việc hướng dẫn soạn bài, kiểm tra và góp ý việc soạn bài của giáo viên dạy chữ Chăm cho người lớn, tương tự hướng dẫn việc giảng dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học. Đây cũng là việc làm thường xuyên của Hiệu trưởng trong công tác quản lý trường học.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý việc dạy chữ Chăm cho người Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận - 1
- Quản lý việc dạy chữ Chăm cho người Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận - 2
- Người Lớn Tuổi Học Chữ Chăm Ở Huyện Hàm Thuận Bắc Tỉnh Bình Thuận
- Quản Lý Các Phương Tiện Và Điều Kiện Hỗ Trợ Hoạt Động Giảng Dạy
- Thực Trạng Về Việc Biết Chữ Chăm Và Nhu Cầu Học Chữ Chăm Của Người Chăm Lớn Tuổi
- Nhu Cầu Học Chữ Chăm Của Người Chăm Lớn Tuổi
Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.
1.3.4. Quản lý giờ lên lớp của giáo viên
– Giờ lên lớp là khâu chủ yếu nhất, quan trọng nhất của quá trình dạy học. Nó quyết định chất lượng dạy học. Chất lượng giờ lên lớp phụ thuộc vào năng lực giảng dạy của ngưòi giáo viên. Muốn giáo viên có giờ dạy tốt người Hiệu trưởng cần thể hiện đầy đủ các biện pháp quản lý giờ dạy của giáo viên và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện giờ lên lớp có hiệu quả.
– Trên cơ sở đề nghị của tổ tiếng Chăm, Hiệu trưởng cần xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giờ dạy của giáo viên dạy chữ Chăm dựa trên tiêu chuẩn đánh giá giờ dạy của giáo viên tiếng Chăm trong trường tiểu học và tiêu chuẩn đánh giá một tiết học xoá mù chữ, vì việc dạy chữ Chăm cho người lớn trước mắt vừa mang tính chất xoá mù chữ vừa thể hiện là tiết học chữ Chăm.
– Hiệu trưởng quan tâm đến việc dự giờ, thăm lớp học chữ Chăm để nhằm động viên tinh thần học tập của học viên và nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên.
1.3.5. Quản lý việc sinh hoạt tổ (chuyên môn) tiếng Chăm, dự giờ và quá trình giáo dục của giáo viên tiếng Chăm
– Giáo viên dạy chữ Chăm cho người lớn là các giáo viên đang dạy tiếng Chăm trong nhà trường Tiểu học. Trong các trường tiểu học này, có thành lập một tổ (chuyên môn) tiếng Chăm; tổ tiếng Chăm có trách nhiệm quản lý hoạt động giảng dạy tiếng Chăm trong trường tiểu học. Do vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo giao cho tổ tiếng Chăm trong trường tiểu học quản lý hoạt động giảng dạy chữ Chăm cho người lớn. Việc giao cho tổ tiếng Chăm quản lý, chỉ đạo chuyên môn về việc giảng dạy chữ Chăm cho người lớn có nhiều mặt thuận lợi, vì:
+ Các giáo viên dạy tiếng Chăm đều là người Chăm, họ có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong giảng dạy ngôn ngữ Chăm; họ đều là dân địa phương nên hiểu rõ về phong tục tập quán và cuộc sống của người dân Chăm ở địa phương mình giảng dạy. Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho việc giảng dạy chữ Chăm.
+ Các giáo viên dạy chữ Chăm đều có mong muốn duy trì và phát triển ngôn ngữ Chăm, cho nên họ dạy chữ Chăm với bằng tất cả nhiệt tình của mình, chứ không phải chỉ giảng dạy vì đồng tiền thù lao theo quy định. Ngoài việc truyền thụ các con chữ, họ còn dạy cho người Chăm hiểu biết chung về đạo làm người, về cách đối nhân xử thế để cho người dân Chăm chung sống một cách lạc quan trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
– Nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ (chuyên môn) tiếng Chăm, tăng cường việc dự giờ thao giảng để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp là việc làm cần thiết nhằm làm cho việc học tập chữ Chăm của người lớn có hiệu quả. Do vậy, Hiệu trưởng các trường tiểu học có tổ chức việc dạy chữ Chăm cho người lớn cần phải hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ giáo viên tiếng Chăm hoạt động và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tổ trưởng tổ tiếng Chăm về trách nhiệm của mình. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng lấy kết quả hoạt động của tổ tiếng Chăm để làm cơ sở đánh giá công tác quản lý trường học của hiệu trưởng.
– Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra việc quản lý trường học của Hiệu trưởng, trong đó có thanh tra nội dung công tác chỉ đạo của Hiệu trưởng về hoạt động tổ tiếng Chăm và dạy chữ Chăm cho người lớn.
1.3.6. Quản lý hồ sơ chuyên môn của giáo viên
– Phòng Giáo dục và Đào tạo quy định hồ sơ chuyên môn của giáo viên dạy lớp chữ Chăm cho người lớn như hồ sơ của giáo viên dạy xoá mù chữ (tiếng Việt), bao gồm:
+ Giáo án
+ Sổ điểm
+ Sổ dự giờ (chung cho các lớp khác, tính trên mỗi giáo viên)
+ Sổ chủ nhiệm
– Các loại hồ sơ chuyên môn của giáo viên dạy lớp chữ Chăm cho người lớn phải thể hiện bằng chữ phổ thông (tiếng Việt), ngoại trừ giáo án được ghi bằng chữ Chăm cổ ở một số nội dung, để tiện việc kiểm tra theo dõi. Các loại hồ sơ này do tổ trưởng tổ tiếng Chăm kiểm tra theo quy định của Hiệu trưởng để quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên. Giáo viên dạy lớp chữ Chăm cho người lớn có trách nhiệm cập nhật đầy đủ theo quy định hiện hành (như là hồ sơ một lớp xoá mù chữ). Việc lập các loại hồ sơ trên là một căn cứ để đánh giá, xếp loại kết quả hoạt động của giáo viên hằng năm, là cơ sở để đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập của người dạy và người học.
1.3.7. Quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học
– Căn cứ vào chương trình học do Ban biên soạn chữ Chăm và quy chế đánh giá kết quả học tập theo chương trình xoá mù chữ tiếng Việt của Bộ giáo dục và Đào tạo, việc dạy chữ Chăm cho người lớn bước đầu thực chất là xoá mù chữ Chăm. Do vậy, thực hiện chế độ kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở lớp học chữ Chăm cho người lớn như chế độ kiểm tra đánh giá một lớp học xoá mù chữ phổ thông (tiếng Việt) hiện hành, bao gồm:
+ Điểm kiểm tra miệng
+ Điểm kiểm tra 15 phút
+ Điểm tra 1 tiết
+ Điểm kiểm tra 3 giai đoạn theo chương trình học
+ Điểm kiểm tra cuối khóa học
– Phòng Giáo dục và Đào tạo giao cho trường tiểu học nơi tổ chức lớp học chữ Chăm cho người lớn chịu trách nhiệm tổ chức việc đánh giá kết quả học tập của lớp học, báo cáo kết quả học tập cho Phòng Giáo dục và Đào tạo vào cuối mỗi giai đoạn theo tiến độ thực hiện chương trình của lớp học chữ Chăm cho người lớn.
– Hiệu trưởng chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động của giáo viên trong khâu tổ chức đánh giá kết quả học tập của lớp chữ Chăm, cụ thể là về tiến độ kiểm tra cho điểm, cách xếp loại học lực, mức độ phù hợp của đề kiểm tra, số lần kiểm tra, tính nghiêm túc trong kiểm tra.
1.3.8. Quản lý việc phân công giáo viên giảng dạy lớp học chữ Chăm
– Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch mở lớp tiếng Chăm cho các học sinh dân tộc Chăm trong trường tiểu học và kế hoạch mở lớp chữ Chăm cho người lớn, hiệu trưởng nhận xét khả năng đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các giáo viên tiếng Chăm trong nhà trường của mình, từ đó kiến nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo bố trí giáo viên tiếng Chăm cho năm học mới.
– Theo số lượng giáo viên tiếng Chăm của trường, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo việc phân công giáo viên đảm nhận giảng dạy lớp học chữ Chăm cho người lớn, việc phân công này do tổ trưởng tổ tiếng Chăm trong trường đề xuất. Ngoài việc chọn cử giáo viên có năng lực giảng dạy, tổ trưởng tổ tiếng Chăm còn phải chú ý đến những giáo viên người Chăm nhiệt tình, am hiểu sâu rộng về kiến thức xã hội và có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp. Có như vậy mới thuyết phục và hấp dẫn những người học lớn tuổi hay khó tính trong quá trình giảng dạy.
– Hiệu trưởng theo dõi quá trình giảng dạy của giáo viên, ngoài việc nắm chất lượng giảng dạy, Hiệu trưởng còn phải hiểu rõ khả năng giao tiếp ứng xử của giáo viên trong quá trình giảng dạy, thường xuyên động viên các giáo viên cố gắng vượt qua những khó khăn trong giảng dạy. Trong những trường hợp mà mối quan hệ giữa giáo viên với người học không diễn ra tốt đẹp, có chiều hướng xấu, thể hiện như kéo dài tình trạng học viên bỏ học nhiều, làm việc riêng trong giờ học… thì Hiệu trưởng cần tính toán đến việc nhắc nhở, thậm chí phải thay đổi giáo viên khác để chất lượng dạy lớp chữ Chăm cho người lớn đạt kết quả tốt hơn.
1.3.9. Quản lý quá trình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Chăm
– Căn cứ vào kế hoạch mở lớp tiếng Chăm cho các học sinh dân tộc Chăm trong trường tiểu học và kế hoạch mở lớp chữ Chăm cho người lớn ở các trường tiểu học, căn cứ vào số giáo viên tiếng Chăm hiện có, Phòng Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đào tạo dài hạn đội ngũ giáo viên tiếng Chăm chung cho cả huyện. Việc đào tạo giáo viên tiếng Chăm được dựa vào các yếu tố sau:
+ Căn cứ đội ngũ giáo viên người Chăm đang giảng dạy ở các trường tiểu học, phân chia họ ra làm 2 loại: Có khả năng dạy chữ Chăm; chưa có khả năng dạy chữ Chăm. Tất cả số giáo viên có khả năng dạy chữ Chăm thường đã được bồi dưỡng để dạy tiếng Chăm trong trường tiểu học. Số còn lại cần được bồi dưỡng để họ có khả năng tham gia dạy tiếng Chăm.
+ Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng (chữ) Chăm hoặc cho phép Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp học tiếng Chăm cho giáo viên người Chăm.
+ Khi được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép mở lớp, Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện kế hoạch mở lớp dạy tiếng Chăm cho giáo viên. Nếu số lượng giáo viên cần học chữ Chăm trong huyện ít, có thể huy động thêm số cán bộ huyện, xã tham gia cho đủ số học viên trong một lớp học. Đây là việc làm cần thiết, là cách nhanh nhất để tạo nguồn giáo viên dạy chữ Chăm.
+ Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo cử giáo viên tiếng Chăm dự lớp bồi dưỡng tiếng Chăm do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
+ Việc bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Chăm còn phải được thường xuyên tổ chức qua các buổi thảo luận góp ý giờ dạy tiếng Chăm, các buổi sinh hoạt tổ tiếng Chăm, các buổi học tập và sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ do ngành giáo dục tổ chức.