lịch nói chung. Ngoài ra, các nội dung về chính sách đối với lao động như đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ,… về cơ bản luôn mang tính động cho nên luôn có sự thay đổi về các chính sách này qua các giai đoạn phát triển của hoạt động KDDL.
Liên quan đến QLNN đối với một loại hình du lịch, lĩnh vực du lịch cụ thể có các công trình nghiên cứu như đề tài NCKH cấp Bộ “Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Tú (2018) hay bài viết “Bàn về quản lý nhà nước với phát triển du lịch cộng đồng” của các tác giả Bùi Xuân Nhàn, Trần Thu Phương (2019). Trong đề tài NCKH cấp Bộ của mình, tác giả Nguyễn Thị Tú đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận cơ bản về QLNN đối với PTDL tâm linh; chỉ rõ nội dung PTDL tâm linh; yêu cầu, nguyên tắc, phương pháp và nội dung QLNN đối với PTDL tâm linh; những yếu tố ảnh hưởng đến QLNN đối với PTDL tâm linh. Phân tích, đánh giá thực trạng nội dung QLNN đối với PTDL tâm linh ở Việt Nam qua các tiêu chí, tìm ra những ưu điểm và hạn chế, đồng thời xác định các nguyên nhân của thực trạng đó. Đề xuất các giải pháp tăng cường QLNN đối với PTDL tâm linh ở Việt Nam. Hai tác giả Bùi Xuân Nhàn, Trần Thu Phương đề cập đến các vấn đề lý luận và thực tiễn về PTDL cộng đồng, cũng như vai trò của QLNN đối với PTDL cộng đồng.
Vấn đề công cụ QLNN được đề cập đến trong công trình nghiên cứu “Quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của tác giả Lương Xuân Quỳ (2006). Công trình nghiên cứu đã khái quát về công cụ QLNN về kinh tế bao gồm tất cả các phương tiện mà Nhà nước sử dụng để tác động lên đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Chính nhờ các công cụ quản lý với tư cách là vật truyền dẫn các quyết định quản lý mà Nhà nước truyền tải được ý định và ý chí của mình lên mọi tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế. Cụ thể, các công cụ chủ yếu mà Nhà nước sử dụng để quản lý nền kinh tế thị trường bao gồm công cụ pháp luật, công cụ kế hoạch hóa và công cụ chính sách kinh tế. Cũng về công cụ QLNN nhưng luận án tiến sĩ “Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay” của Trịnh Đăng Thanh (2004) tập trung nghiên cứu công cụ pháp luật. Thông qua phân tích các nội dung QLNN bằng pháp luật đối với HĐDL ở Việt Nam, luận án đã chỉ ra các bất cập trong QLNN về du lịch như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, việc triển khai thực hiện còn lúng túng, công tác thanh tra giám sát còn lỏng lẻo,… Từ đó, tác giả đã đề xuất một số nội dung cần bổ sung vào pháp lệnh và nâng cấp pháp lệnh thành luật du lịch. Luận án đã đưa ra một số đặc điểm trong QLNN bằng pháp luật: Thứ nhất, Nhà nước là người
tổ chức và quản lý các HĐDL diễn ra trong nền kinh tế thị trường; thứ hai, pháp luật là cơ sở và là công cụ không thể thay thế để Nhà nước tổ chức và quản lý HĐDL; thứ ba, QLNN bằng pháp luật đối với HĐDL còn xuất phát từ chính nhu cầu khách quan của sự gia tăng vai trò của pháp luật trong nền kinh tế thị trường với vai trò là công cụ quản lý; thứ tư, QLNN bằng pháp luật đối với HĐDL đòi hỏi phải có một bộ máy nhà nước mạnh, có hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh để quản lý. Như vậy, công cụ pháp luật đã được nghiên cứu đề cập đến như là một công cụ chính trong việc QLNN đối với hoạt động KDDL, nghiên cứu không đề cập đến công cụ kế hoạch hóa và công cụ chính sách kinh tế.
Về phương pháp QLNN, Lương Xuân Quỳ (2006) với công trình nghiên cứu “Quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” đã nêu rõ: “Phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế là tổng thể những tác động có chủ đích của Nhà nước lên nền kinh tế quốc dân và các bộ phận hợp thành của nó để thực hiện các mục tiêu nhất định. Phương pháp quản lý có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành bại trong các hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế. Cụ thể, các phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế chủ yếu là: phương pháp kinh tế, phương pháp hành chính và phương pháp giáo dục”.
Ở một góc nhìn khác, tác giả Rich Harrill (2004) lại quan tâm đến vấn đề thái độ người dân đối với PTDL, thể hiện trong nghiên cứu “Residents’ Attitudes toward Tourism Development: a Literature Review with Implications for Tourism Planning”. Theo tác giả, các nhà quy hoạch đang ngày càng coi PTDL như một chiến lược phát triển kinh tế, tất yếu dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu kinh tế và ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề việc làm của người dân địa phương. Trong khi đó, áp lực từ việc lượng khách du lịch gia tăng không ngừng dẫn đến có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người dân địa phương về PTDL. Bằng cách nghiên cứu về thái độ của cư dân đối với PTDL, bài viết này xem xét: (1) Thái độ của cư dân đối với du lịch trong mối quan hệ với các yếu tố KT-XH; (2) Yếu tố không gian; (3) Yếu tố kinh tế; (4) Kiểu cư trú và cộng đồng; (5) Đo lường thái độ của cư dân đối với PTDL; (6) Các quan điểm lý thuyết như sự gắn bó cộng đồng, lý thuyết trao đổi xã hội và lý thuyết máy tăng trưởng. Tổng quan tài liệu này cung cấp cho các nhà lập kế hoạch cơ sở để bắt đầu các quá trình tham gia của người dân liên quan đến các vấn đề du lịch và xác định các nhóm người quan tâm hoặc phản đối việc lập kế hoạch và PTDL trong cộng đồng của họ.
Quan tâm đến bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2020) với luận án tiến sĩ “Vai trò của Nhà nước đối với phát triển du lịch Việt
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình - 1
- Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình - 2
- Các Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch
- Quy Trình Nghiên Cứu Của Luận Án
- Một Số Khái Niệm Cơ Bản Về Phát Triển Du Lịch Và Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch
- Khái Quát Về Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch Của Địa Phương Cấp Tỉnh
Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.
Nam sau khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” đã phân tích vai trò Nhà nước đối với PTDL ở Việt Nam sau khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), luận giải việc hoàn thiện các nhân tố đảm bảo cho việc thực hiện tốt các vai trò của Nhà nước đối với PTDL Việt Nam sau khi hình thành AEC, bao gồm: xây dựng thể chế phù hợp và tiến bộ, nguồn lực tài chính của Nhà nước dành cho du lịch tăng lên, nâng cao nhận thức xã hội về PTDL cũng như nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý và doanh nghiệp; đồng thời chủ động, sáng tạo trong việc tham gia những hiệp định, thỏa thuận khi AEC hình thành.
1.1.3. Các công trình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch của địa phương cấp tỉnh
Bên cạnh những công trình nghiên cứu về QLNN nói chung, nhiều tác giả đã nghiên cứu vấn đề QLNN về du lịch trong phạm vi một tỉnh hoặc liên tỉnh, chẳng hạn như: Các luận án tiến sĩ “Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch tỉnh Sơn La trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” của Nguyễn Minh Đức (2007); “Hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” của Nguyễn Tấn Vinh (2008); “Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập kinh tế quốc tế” của Ngô Nguyễn Hiệp Phước (2018); “Quản lý nhà nước về du lịch tại Đồng bằng Sông Cửu Long” của Trần Thị Xuân Mai (2019); hay bài viết trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Du lịch Lâm Bình Tuyên Quang, Tiềm năng, thực trạng và giải pháp” với tựa đề “Provincial government management in developing community based tourism – case study in Sơn La province” của các tác giả Bùi Xuân Nhàn, Trần Thu Phương (2019).
Trong đó, Nguyễn Tấn Vinh phân loại nội dung QLNN ở cấp tỉnh ra ba loại: Thứ nhất, theo các giai đoạn của QLNN bao gồm: Định hướng phát triển, điều hành, tổ chức hệ thống, kiểm tra và điều chỉnh. Thứ hai, theo phương hướng tác động thì nội dung QLNN gồm: tạo môi trường và điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sự phát triển, bảo đảm sự thống nhất KT-XH, quản lý các định hướng. Thứ ba, theo yếu tố và lĩnh vực thì QLNN về kinh tế bao gồm: QLNN trong lĩnh vực tài chính, QLNN trong lĩnh vực đối ngoại, QLNN về tài nguyên môi trường, QLNN về nhân lực. Luận án tập trung phân tích sâu về nội dung QLNN theo các giai đoạn của quá trình quản lý đối với HĐDL, nội dung các giai đoạn của quá trình QLNN: định hướng phát triển ngành du lịch của địa phương; tạo lập khuôn khổ pháp luật thuận lợi cho sự phát triển của ngành du lịch ở địa phương; tổ chức chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát HĐDL ở địa phương. Ngô Nguyễn Hiệp Phước luận giải cơ sở lý luận của
QLNN về du lịch cấp thành phố trực thuộc trung ương, dưới góc độ quản lý theo ngành kết hợp quản lý theo vùng, địa bàn. Trong đó, tác giả làm rõ khái niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá và nhân tố ảnh hưởng đến QLNN về du lịch cấp thành phố; phân tích tiềm năng, lợi thế về du lịch để phát triển HĐDL của thành phố như Cần Thơ; đánh giá thực trạng QLNN về du lịch của thành phố Cần Thơ, tập trung chủ yếu trong giai đoạn 2010 - 2018, chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; xác định các nhân tố ảnh hưởng, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trần Thị Xuân Mai (2019) quan niệm QLNN về du lịch là một hoạt động mang tính quyền lực của Nhà nước bằng việc sử dụng công cụ pháp luật; luận án cũng đề xuất được các giải pháp nhằm duy trì và PTDL khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nhằm phát huy tiềm năng PTDL của khu vực, đảm bảo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ bản sắc dân tộc và định hướng PTDL bền vững trong thời kỳ mới. Trong các công trình nghiên cứu còn lại, các tác giả đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về PTDL cộng đồng, vai trò của CQĐP trong PTDL cộng đồng và các nội dung QLNN địa phương đối với PTDL cộng đồng; phân tích thực trạng QLNN địa phương trong PTDL cộng đồng tại Sơn La và đề xuất một số kiến nghị nhằm tăng cường vai trò QLNN của CQĐP đối với PTDL cộng đồng.
Bàn về vai trò của CQĐP cấp tỉnh trong PTDL có tác giả như: Nguyễn Minh Đức (2006) với bài viết “Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch” trên Tạp chí Du lịch điện tử; Nguyễn Mạnh Cường (2015) với luận án tiến sĩ “Vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch bền vững tỉnh Ninh Bình” hay Nguyễn Hoàng Tứ (2016) với luận án tiến sĩ “Quản lý nhà nước địa phương đối với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Việt Nam”; bài viết “Quản lý của chính quyền địa phương cấp tỉnh với phát triển du lịch bền vững” của tác giả Bùi Xuân Nhàn (2016) hay bài viết trên Tạp chí Quản lý Nhà nước “Bàn về tính quyền lực, tính tự quản của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay” của Trần Thị Diệu Oanh (2016). Các công trình nghiên cứu này đã hệ thống hoá các vấn đề lý luận về PTDL bền vững; vai trò của CQĐP cấp tỉnh trong PTDL bền vững. Bên cạnh đó, bài viết cũng đã đưa ra phân tích, đánh giá thực trạng vai trò của CQĐP cấp tỉnh trong PTDL bền vững của một số địa phương và đề xuất các nhóm giải pháp tăng cường vai trò của CQĐP trong PTDL bền vững.
Nghiên cứu về QLNN đối với một lĩnh vực kinh doanh du lịch cụ thể có luận án tiến sĩ “Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch tại Hải Phòng” của Nguyễn Thị Tâm (2018). Tác giả đã tập trung nghiên cứu các yếu tố tác động đến PTDL bao gồm: (1) Các yếu tố chủ quan như cơ sở hạ tầng, CSVCKT phục vụ du lịch; trình độ, năng lực của cơ quan QLNN địa phương cấp tỉnh đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch; đội ngũ nhân lực kinh doanh lưu trú du lịch của địa phương; (2) Các yếu tố khách quan gồm TNDL, tình hình phát triển KT-XH của địa phương, nhu cầu của khách du lịch (thị trường khách du lịch), sự cạnh tranh trên thị trường du lịch.
Trong khi đó, Ngô Thị Huyền Trang (2020) với luận án tiến sĩ “Nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn vùng Đông Bắc Việt Nam” đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của người dân trong quản lý PTDL nông thôn. Luận án cũng đã đề xuất được các giải pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý PTDL nông thôn vùng Đông Bắc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
1.1.4. Các công trình nghiên cứu về du lịch của tỉnh Hòa Bình
Theo tiếp cận của nghiên cứu sinh, trong thời gian qua, số lượng các công trình nghiên cứu về du lịch của tỉnh Hòa Bình không nhiều. Phần lớn các công trình nghiên cứu là các đề tài NCKH cấp tỉnh và một số ít là các đề tài luận án tiến sĩ hoặc là đề tài nhánh thuộc đề tài NCKH cấp Nhà nước. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Các đề tài NCKH cấp tỉnh “Xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái nông lâm kết hợp với dưỡng sinh chữa bệnh tại huyện Kim Bôi và huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình” của tác giả Lê Thạc Cán (2010); “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tỉnh Hòa Bình hướng tới các tỉnh vùng Tây Bắc” của Đoàn Thanh Hải (2018), “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình” của Bùi Ngọc Tú (2018); luận án tiến sĩ “Biến đổi văn hóa truyền thống của người Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình” của Nguyễn Thị Hồng Tâm (2017), “Quản lý di sản văn hoá làng của người Mường tỉnh Hòa Bình với phát triển du lịch (trường hợp xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong và xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc)” của Đỗ Thị Thanh Hương (2018) và “Nghiên cứu giải pháp khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình phục vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho phát triển bền vững du lịch vùng lòng hồ Hòa Bình”, đề tài nhánh thuộc đề tài NCKH cấp Nhà nước trọng điểm “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” do TS. Hoàng Thị Thu Hương (2019) làm chủ nhiệm đề tài. Cụ thể:
Tác giả Lê Thạc Cán đã nêu lên tổng quan tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch dưỡng sinh - chữa bệnh trong và ngoài nước; tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển mô hình du lịch sinh thái nông lâm và du lịch dưỡng sinh - chữa bệnh tại huyện Kim Bôi và Mai Châu cũng như toàn tỉnh Hòa Bình.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Tâm đã hệ thống hóa được một số lý luận về biến đổi văn hóa truyền thống, đóng góp cho việc xác định biểu hiện của biến đổi văn hóa truyền thống, đồng thời xác định được phương thức biến đổi văn hóa truyền thống trong PTDL.
Tác giả Đoàn Thanh Hải đã đánh giá thực trạng liên kết giữa các doanh nghiệp KDDL trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và thực tế liên kết với các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc. Đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp KDDL tỉnh Hòa Bình với các tỉnh vùng Tây Bắc. Xây dựng cẩm nang hướng dẫn liên kết giữa các doanh nghiệp KDDL tỉnh Hòa Bình. Việc nghiên cứu thành công đề tài giúp các doanh nghiệp KDDL tỉnh Hòa Bình phân tích và đánh giá hiệu quả liên kết giữa các doanh nghiệp một cách đầy đủ và toàn diện. Việc liên kết các doanh nghiệp theo hướng phát triển chuỗi dịch vụ du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên các không gian du lịch sẵn có và những sản phẩm dịch vụ đặc trưng mang bản sắc văn hóa Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp KDDL cũng có nghĩa là nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và góp phần PTDL của tỉnh Hòa Bình thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, giúp các cơ quan QLNN về du lịch và các nhà quản trị doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp thích hợp nhằm đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp KDDL trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cũng như tính liên vùng với các doanh nghiệp thuộc các tỉnh Vùng Tây Bắc Việt Nam hướng tới PTDL bền vững.
Trong luận án tiến sĩ của mình, tác giả Đỗ Thị Thanh Hương đã hệ thống hóa lý thuyết quản lý di sản văn hóa với PTDL; luận án phân tích thực trạng quản lý di sản văn hóa và PTDL ở xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc và xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, đề xuất các nhóm giải pháp khả thi để nâng cao giá trị di sản văn hóa làng của người Mường tỉnh Hòa Bình trong bối cảnh PTDL hiện nay.
Nhằm đề xuất được các giải pháp thu hút đầu tư PTDL, tác giả Bùi Ngọc Tú đã phân tích và đánh giá thực trạng thu hút đầu tư PTDL tỉnh Hòa Bình trong những năm vừa qua trên các phương diện duy trì và phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả
thu hút đầu tư PTDL tỉnh Hòa Bình, từ đó đóng góp vào phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Là một đề tài nhánh thuộc Đề tài NCKH cấp Nhà nước trọng điểm, tác giả Hoàng Thị Thu Hương (2019) và nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về PTDL gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; đánh giá TNDL tự nhiên và di sản văn hóa phục vụ PTDL khu vực hồ Hòa Bình; phân tích hiện trạng, đánh giá ảnh hưởng và dự báo xu thế PTDL khu vực hồ Hòa Bình; tổ chức không gian, xây dựng các mô hình PTDL gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khu vực hồ Hòa Bình; đề xuất các giải pháp PTDL gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khu vực hồ Hòa Bình; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ trong môi trường GIS phục vụ quảng bá và điều hành du lịch.
1.1.5. Một số kết luận rút ra qua tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án và khoảng trống nghiên cứu của đề tài luận án
Một số kết luận
Qua tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án, nghiên cứu sinh rút ra một số kết luận như sau:
Một là, về chủ đề PTDL và PTDL bền vững ở phạm vi quốc gia hay địa phương, các công trình nghiên cứu đã hệ thống hóa khá đầy đủ, phân tích làm rõ các vấn đề lý luận cơ bản về du lịch, PTDL cũng như vai trò của PTDL đối với nền kinh tế ở các cấp. Việc tổng quan các đề tài này đã giúp nghiên cứu sinh kế thừa và hình thành cơ sở lý luận về PTDL để vận dụng trong nghiên cứu đề tài của luận án.
Hai là, đối với các công trình nghiên cứu có liên quan đến QLNN trong PTDL, các nghiên cứu đã tổng hợp, phân tích các vấn đề về QLNN về du lịch như khái niệm, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng, nội dung, công cụ, phương pháp QLNN ở cấp trung ương và địa phương. Trong đó, nội dung QLNN về du lịch căn cứ chủ yếu vào các quy định của Luật Du lịch 2005 và tiếp đó là Luật Du lịch 2017. Phần lớn các công trình nghiên cứu này đều đồng nhất giữa QLNN về du lịch và QLNN đối với PTDL.
Ba là, Hòa Bình được xem là một tỉnh có nhiều tiềm năng để PTDL. Trong các văn bản chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình, tỉnh cũng đã xác định PTDL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình phát triển KT-XH. Tuy nhiên cho đến nay, những tiềm năng PTDL của tỉnh vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Theo tiếp cận của nghiên cứu sinh, các công trình nghiên cứu về PTDL Hòa Bình cũng như QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình còn hạn chế, chưa được quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện.
Khoảng trống nghiên cứu
Nghiên cứu sinh nhận thấy, vấn đề QLNN đối với PTDL mặc dù có những điểm tương đồng, không tách rời với QLNN về du lịch nhưng vẫn có những điểm khác biệt, nhấn mạnh vào quản lý sự PTDL của các cơ quản quản lý các cấp theo phân quyền với các hoạt động cụ thể của ngành du lịch. Theo đó, trách nhiệm của các cơ quan QLNN (theo phân quyền) là phải định hướng, kiểm soát và điều chỉnh được mức độ phát triển của du lịch (cấp trung ương hay địa phương) một cách phù hợp theo từng giai đoạn phát triển, mức độ thu hút đầu tư, mức độ các hoạt động xúc tiến, quảng bá, quản lý sức chứa điểm đến du lịch,… Ngoài ra, QLNN đối với PTDL còn là các hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành chứ không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành du lịch. Những vấn đề này mới chỉ được đề cập một phần nào đó trong các công trình nghiên cứu đã công bố, chưa được nghiên cứu một cách đồng bộ, đầy đủ, thống nhất trong một nghiên cứu nào. Đây chính là một khoảng trống mà luận án sẽ tiến hành tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm.
Ngoài khoảng trống nghiên cứu liên quan đến nội dung QLNN đối với PTDL, các tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDL là khoảng trống nghiên cứu tiếp theo. Để có thể đánh giá về công tác QLNN đối với PTDL, cần thiết phải xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá tương ứng với các nội dung của QLNN đối với PTDL.
Các công trình nghiên cứu về PTDL tỉnh Hòa Bình đến nay vẫn còn rất hạn chế về cả số lượng và nội dung nghiên cứu, phần lớn chỉ tập trung vào một nội dung cụ thể, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ các mặt của QLNN đối với PTDL của tỉnh. Đây cũng chính là khoảng trống về thực tiễn mà luận án đã xác định được.
Trên cơ sở những khoảng trống về mặt lý luận và thực tiễn nêu trên, nghiên cứu sinh nhận thấy cần thiết phải tiếp tục có thêm các nghiên cứu về QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình với hy vọng sẽ có được cách nhìn nhận đầy đủ về vấn đề này, từ đó đưa ra các giải pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường QLNN đối với PTDL của tỉnh, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tới.
1.2. Phương pháp nghiên cứu
1.2.1. Phương pháp luận
Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong nghiên cứu QLNN đối với PTDL của tỉnh Hòa Bình.