Thứ hai, chính sách và công cụ quản lý thị trường vàng. Kinh nghiệm thực thi chính sách QLNN thị trường vàng của Trung Quốc thì các chính sách QLNN phải hướng tới một điểm hài hòa cân đối các biến vĩ mô trong mô hình phát triển chung. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng cao, cung tiền được mở rộng nhưng lạm phát của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức an toàn. Việc hạn chế kiểm soát và tự do liên thông thị trường vàng nội địa và thế giới làm một lượng lớn dòng vốn thông qua thị trường vàng đi vào Trung Quốc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên chi phí để duy trì mức cân đối các biến vĩ mô là không hề nhỏ, để duy trì biên độ tỷ giá trong “vùng an toàn” khi mà lượng vốn quốc tế có tính biến động cao làm giảm hiệu quả chính sách can thiệp vô hiệu hóa, bù lại chính quyền Trung Quốc phải bổ sung bằng các biện pháp hành chính hóa. Điều này tạo ra nguy cơ Trung Quốc không duy trì được tính tự chủ trong thực thi CSTT, thể hiện qua các biểu hiện: gia tăng lạm phát trong dài hạn, tỷ giá xuống cận dưới vùng an toàn là 6,20CNY/GDP, công cụ lãi suất mất dần tính hiệu quả trong phòng ngừa lạm phát. Đây là một bài học quan trọng cho Việt Nam trong việc lựa chọn phương thức kiểm soát thị trường vàng khi thực thi CSTT.
Thứ ba, can thiệp kiểm soát vốn nhằm đạt được ổn định vĩ mô vẫn được coi là nhân tố quan trọng trong các mô hình kinh tế. Sự biến động thất thường của các nguồn vốn quốc tế vào trong thị trường nội địa Trung Quốc làm tăng tính dễ tổn thương của cấu trúc hệ thống tài chính. Trong giai đoạn 18 năm từ 2000 đến 2018, bằng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của chính phủ và mở rộng tự do luân chuyển vốn quốc tế nên cung tiền M2 của Trung Quốc tăng hơn 12 lần, điều này làm tăng sự lan tỏa những ảnh hưởng tiêu cực của những cú sốc đến nền kinh tế. Theo Victor Shih (2017) nếu bất ngờ 10% khối lượng cung tiền của Trung Quốc dịch chuyển ra ngoài lãnh thổ thì chính phủ sẽ phải dùng toàn bộ dữ trữ ngoại hối để đưa tỷ giá về trong “vùng an toàn”. Do vậy PBoC luôn tạo ra những rào cản vốn quan trọng trên các thị trường tài chính bao gồm thị trường vàng để kịp thời can thiệp kiểm soát vốn luân chuyển bất thường ra khỏi lãnh thổ.
Thứ tư, về xu hướng liên kết sâu rộng hơn với thị trường vàng quốc tế. Gắn kết với thị trường vàng quốc tế là một xu thế tất yếu của những thị trường tài chính phát triển, thông qua việc dần gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến các điều kiện tự do luân chuyển vốn. Thực tế thì đây luôn mang hàm chứa những rủi ro mất kiểm soát và ứng phó với khủng hoảng tài chính tiềm tàng. Do vậy để tự do hoàn toàn thị trường vàng luôn cần những điều kiện lộ trình thích hợp dựa trên ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế chịu được những tác động xấu ảnh hưởng đến giá trị nội tệ. Trung Quốc và Ấn Độ rất thận trọng trong lộ trình từng bước tự do có kiểm soát tài khoản vốn thông qua thị
trường vàng. Trung Quốc và Ấn Độ trong 1 thời gian rất dài khi các điều kiện kinh tế chưa cho phép đã đóng của và hạn chế hoàn toàn toàn liên thông thị trường vàng nội địa và quốc tế, thông qua hội nhập quốc tế và nội lực nền kinh tế mạnh hơn thì mới dần gỡ bỏ những hạn chế trên thị trường vàng cho các nhóm đối tượng và sản phẩm khác nhau trên cơ sở đồng bộ với hiệu lực thực thi CSTT.
Thứ năm, sự cần thiết của nâng cao giám sát và điều hành thị trường vàng. Các cơ quan QLNN đối với thị trường vàng cần được quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi vai trò, quyền hạn của mình. Thị trường vàng là thị trường mang tính thế giới, có trình độ phát triển cao đồng thời hàm chứa rất nhiều rủi ro với nền kinh tế vĩ mô nên cần trang bị các công cụ và phương tiện hiện đại để theo dõi những diễn biến của thị trường và xem xét tác động của thị trường đến các bộ phận khác nhau của nền kinh tế.
1.4. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
1.4.1. Các nghiên cứu nước ngoài về thị trường vàng
Các tài liệu kinh tế và tài chính đã mang lại một số lượng lớn trong nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến các khía cạnh quan trọng của vàng, thị trường vàng, đánh giá ảnh hưởng của chính sách đến giá vàng… trong đó có thể được tạm chia các nhóm chính như sau.
Có thể bạn quan tâm!
- Năm Trụ Cột Của Qlnn Đối Với Thị Trường Vàng
- Tác Động Của Cstg Tới Chính Sách Qlnn Thị Trường Vàng
- Kinh Nghiệm Quốc Tế Qlnn Đối Với Thị Trường Vàng Và Bài Học Kinh Cho Việt Nam
- Mối Quan Hệ Hữu Cơ Giữa Cstt Và Chính Sách Qlnn Thị Trường Vàng
- Giai Đoạn Từ 2010 – Nay: Nhnn Kiểm Soát Thị Trường Vàng Bằng Các Công Cụ Hành Chính, Gắn Qlnn Với Mục Tiêu Ổn Định Kinh Tế Vĩ Mô
- Chênh Lệch Giá Vàng Trong Nước Và Giá Vàng Quốc Tế Quy Đổi Từ 2006-2009
Xem toàn bộ 197 trang tài liệu này.
- Nghiên cứu định tính về cấu trúc thị trường vàng
Gary O’Callaghan (1993) đã giới thiệu và phân tích một cách chi tiết tính đa dạng về cấu trúc của thị trường vàng, cơ chế hoạt động và các sản phẩm tồn tại trong từng hoạt động. Đồng thời tác giả cũng xây dựng một bức tranh khái quát nhất về thị trường vàng quốc tế, mối tương quan và chi phối giữa những thị trường vàng. Y.V. Reddy (1997). Bài nghiên cứu đề cập tới sự thay đổi chính sách quản lý vàng của NHTW Ấn Độ cụ thể là: 1, việc nhập khẩu vàng sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng bao gồm việc dùng cho sản xuất và phi sản xuất. 2 NHTW sẽ phát huy với NHTM trong vai trò tạo ra các công cụ đầu tư vàng hiệu quả. 4, Sẽ áp dụng những kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, với những nước tương đồng về điều kiện như Thổ Nhĩ Kỹ, khối SAARC. 5, NHTW sẽ quản lý cao nhất về thị trường vàng. 6, NHTW sẽ hoạch định các khu vực kinh doanh vàng riêng biệt. Sun Zhaoxue (2011) đã chỉ rõ mối quan hệ giữa thị trường vàng với sức khỏe của nền kinh tế, đồng thời cũng đưa ra một cái nhìn khái quát về công nghiệp vàng ở Trung Quốc. Trong đó nêu bật vai trò, sứ mệnh phát triển thị trường vàng, cách thức tổ chức phù hợp với mục tiêu.
- Nghiên cứu về cơ chế vận hành thị trường vàng
Sau khi hệ thống Bretton Woods tan rã, các thành viên IMF đã ký Hiệp định Jamaica chính thức sử dụng hệ thống tỷ giá thả nổi vào năm 1976. Nhà kinh tế học Alberto (1983) đã cung cấp một mô tả đầy đủ về chức năng vàng trong hệ thống Jamaica. Ông đã chứng minh phương tiện tích trữ giá trị của vàng bằng cách phân tích sự biến động của sức mua và tiền tệ của đồng tiền ở các quốc gia khác nhau. McKinnon (1993) đã nghiên cứu các quy tắc của việc trao đổi vàng theo hệ thống Bản vị trao đổi vàng (Gold Exchange Standard System), nghiên cứu chỉ ra hoạt động ổn định của hệ thống tiêu chuẩn vàng cổ điển trước Thế chiến thứ nhất phụ thuộc vào tất cả các nước theo các nguyên tắc quan trọng: (1) giá vàng chính thức cố định vẫn được duy trì; (2) vàng có thể được nhập và đưa ra tự do; (3) tất cả các loại tiền xu và tiền giấy ngân hàng phải được dự trữ vàng quốc gia hỗ trợ; (4) giá danh nghĩa nên được xác định nội tại theo cung, cầu thị trường vàng thế giới. Marcuzzo và Rosselli (1987) chỉ ra hành vi của thị trường trong việc hình thành xu hướng giá vàng thông qua cơ chế luân chuyển vàng được đưa ra khi vàng được chuyển từ các quốc gia thâm hụt sang các nước trên thế giới để điều chỉnh và khôi phục sự cân bằng của thanh toán quốc tế. Salant và Henderson (1978) đã xem xét sự không phù hợp giữa sự biến động giá vàng và mô hình nguồn lực suy giảm do chính phủ điều chỉnh theo nhu cầu lượng dự trữ vàng trên thị trường. Việc điều chỉnh lượng dự trữ vàng chính thức của chính phủ sẽ làm tăng sự không chắc chắn của thị trường. Soenen và Aggarwal (1988) nghiên cứu hiệu quả của thị trường vàng trong đó coi vàng là một tài sản tài chính và đề xuất rằng thị trường vàng ở Mỹ hiệu quả và thị trường vàng tương lai của Hoa Kỳ đã có thể đưa ra được nhận định giá vàng một cách hợp lý và hiệu quả. Bertus và Stanhouse (2001) cho rằng cung vàng không nên có sự biến động mạnh vì lượng vàng tích trữ lớn hơn sản lượng vàng hàng năm. Ngoài ra, việc kinh doanh vàng liên tục 24 giờ trên khắp thế giới có thể giúp đảm bảo rằng bất kỳ giá vàng có thể được điều chỉnh một cách nhanh chóng. Blose (1996) trình bày một mô hình ước tính độ co giãn lý thuyết của giá vàng để xác định hiệu quả kinh tế đầu tư vào các công ty khai thác mỏ bằng các quỹ tương hỗ và kết luận rằng vàng có thể là một công cụ tốt để phòng ngừa rủi ro hệ thống. Scott-Ram (2001) đã so sánh việc thêm trái phiếu và vàng vào một danh mục đầu tư để đầu tư vàng dài hạn và tìm thấy có hiệu quả hơn trong việc phân tán rủi ro. R. Michaud, Robert Michaud và K. Pulvermacher (2006) đã kết luận trong báo cáo WGC của họ rằng việc thêm 2-4% vàng vào danh mục đầu tư cung cấp những lợi ích chiến lược rõ ràng. Hillier và cộng sự (2006) phân tích dữ liệu từ năm 1976 đến năm 2004 đưa ra nhận định rằng rằng các kim loại quý bao gồm vàng có khả năng phòng ngừa
rủi ro, đặc biệt là trong giai đoạn biến động "bất thường" diễn ra trên thị trường chứng khoán. Dempster (2008) nghiên cứu sự biến động giá vàng trong bối cảnh môi trường suy thoái kinh tế năm 2008 và chỉ ra rằng giá vàng có cơ chế điều chỉnh độc đáo; dó đó có thể giảm được những ảnh hưởng tiêu cực đến danh mục đầu tư trong thời kỳ suy thoái. Baur và McDermott (2010) đã kiểm tra vai trò của vàng trong hệ thống tài chính và coi vàng ổn định hơn về lợi nhuận so với cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tài chính khác.
- Các yếu vĩ mô ảnh hưởng đến giá vàng
Lãi suất: Koutsoyiannis (1983) khi phân tích 316 quan sát hàng ngày về giá vàng trong giai đoạn từ 01/1980 đến 03/1981 đã có những kết luận chính từ nghiên cứu thực nghiệm của thị trường vàng thỏi là: 1. Các thị trường vàng hoạt động theo cách phù hợp với lý thuyết kinh tế và những người tham gia thị trường cư xử một cách hợp lý và có thể dự đoán, phản ứng với một bộ các yếu tố kinh tế và phi kinh tế được xác định rõ ràng. 2. Giá vàng, được tính bằng đô la Mỹ, tương quan chặt chẽ đến tình trạng nền kinh tế Mỹ: sức mạnh của đồng đô la Mỹ, lạm phát của Mỹ và lãi suất hiện tại của Mỹ là những yếu tố quyết định quan trọng của giá vàng. Fortune (1987) sau khi ước lượng mô hình với dữ liệu hàng quý của Hoa Kỳ trong thời kỳ từ quý III/1973 đến quý II/ 1980, đã trình bày rằng dự báo tăng lãi suất sẽ làm cho điều chỉnh ngược chiều với giá vàng. Sự tăng giá trong tương lai sẽ khiến người ta chuyển đổi tài sản "thanh khoản" hiện tại sang vàng. Harmston (1998) đã nghiên cứu dữ liệu về các khoản tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và trái phiếu chính phủ dài hạn từ năm 1896 đến năm 1996 và cho thấy sự tương quan âm giữa xu hướng giá vàng và giá trị các trái phiếu dài hạn khác.
Tỷ giá và chỉ số giá USD: Sherman (1983) bằng cách sử dụng hồi quy OLS trong thời gian 11 năm từ 1972 đến 1983 đã cho thấy tương quan âm giữ log (giá vàng) và tỷ giá USD. Dooley, Isard và Taylor (1995) đã sử dụng mô hình VAR gồm các biến giá vàng, tỷ giá hối đoái cuối tháng giữa đô la Mỹ và ba đồng tiền chính khác (bảng Anh, đồng Yên Nhật và Deutsche mark) trong giai đoạn 1976-1990. Nghiên cứu cho thấy các chuyển động giá vàng thể hiện sự giải thích rất mạnh với các chuyển động tỷ giá. Trên cơ sở khái niệm vàng là "một tài sản không quốc gia", nghiên cứu đã lập luận rằng những thay đổi về quản lý của đất nước sẽ được phản ánh một cách có hệ thống vào giá vàng. Larry và Fabio (1996) đã áp dụng các mô hình lý thuyết và sử dụng dữ liệu từ tháng 10/1991 đến tháng 06/1996 đối với giá vàng giao ngay, tỷ giá USD, bảng Anh, yên Nhật. Qua đó cung cấp các bằng chứng thực nghiệm chứng minh rằng kể từ sụp đổ của Bretton Woods, thị trường vàng thế giới bị chi phối bởi khối đồng tiền tệ châu Âu, sự đánh giá cao hoặc mất giá của đồng tiền châu Âu có ảnh hưởng mạnh đến giá vàng ở các loại tiền tệ khác. Capie, Mills and Wood (2004) và
Tully và Lucey (2007) bằng cách áp dụng mô hình GARCH đã chỉ ra giá vàng và tỷ giá của các loại tiền tệ so với USD và thấy rằng giá vàng tính theo USD đi theo chiều ngược lại USD và vàng là công cụ hiệu quả nhất để ngăn ngừa tổn thất do giảm giá của đồng USD. Sjaastad (2008) đã khảo sát các mối quan hệ lý thuyết và thực nghiệm giữa tỷ giá hối đoái quan trọng như USD, Bảng Anh, Yên Nhật và giá vàng sử dụng dữ liệu sai số dự báo và cho rằng biến động tỷ giá hối đoái giữa các tiền tệ chính là nguyên nhân gây mất ổn định giá vàng. Tỷ trọng các nươc sử dụng đồng USD lớn nên sự tăng giá hoặc giảm giá của đồng đô la Mỹ có ảnh hưởng mạnh đến giá vàng trong các loại tiền tệ khác.
Lạm phát: Sherman (1983) cho rằng giá vàng có tương quan dương với mức độ lạm phát, bất kể sự tồn tại của lạm phát dự tính. Baker và Tassel (1985) kiểm tra giá vàng hàng tháng trong những năm 1973-1984 và kết luận rằng nếu lạm phát được kỳ vọng thì tỷ lệ tăng giá vàng sẽ lớn hơn phần trăm giảm giá trị của đồng USD. Mahdavi và Zhou (1997) đã phân tích đối chiếu hiệu quả của giá vàng với hàng hóa khác nhằm biểu thị về lạm phát. Họ phân tích số liệu hàng quý từ năm 1970 đến 1994, nhưng không thấy bằng chứng về tương quan giữa CPI với giá vàng London. Họ cho rằng giá hàng hóa có thể là chỉ báo cho CPI tốt hơn. Taylor (1998) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát với giá kim loại quý (vàng, bạc và bạch kim) từ năm 1914 đến năm 1937 và năm 1968 đến năm 1996 và phát hiện ra rằng trong giai đoạn trước năm 1939 và xung quanh cú sốc dầu thứ hai của OPEC năm 1979, xét trong ngắn, dài hạn thì vàng vẫn là công cụ phòng ngừa lạm phát. Ranson và Wainwright (2005) cho rằng giá vàng là chỉ số chỉ báo về lạm phát và thị trường trái phiếu, và nó có thể đóng vai trò như một nhân tố dự báo về lạm phát, lãi suất danh nghĩa ngắn hạn và dài hạn. Bởi vì giá vàng biến động theo cùng chiều với lạm phát, do đó đây là một công cụ tốt để xây dựng danh mục đầu tư để tránh thiệt hại do lạm phát. Laurence E. Blose (2010) đã phân tích các thông tin CPI từ tháng 03/1988 đến tháng 02/2008 và cho thấy CPI không ảnh hưởng đến giá vàng giao ngay, do đó nhà đầu tư không thể xác định kỳ vọng lạm phát của thị trường bằng cách kiểm tra giá vàng.
Các sự kiện địa chính trị: Barkoulas (2008) chỉ ra trong một sự kiện địa chính trị bất thường xẩy ra, trong ngắn hạn, giá vàng tăng lên trong khi giá cổ phiếu các công ty khai thác vàng giảm. Melvin & Sultan (1990) đã kiểm tra ảnh hưởng của bất ổn chính trị Nam Phi tác động thế nào tới thị trường vàng. Kết quả ngiên cứu đã chứng minh rằng không có mối quan hệ đặc biệt nào giữa tình trạng bất ổn của Nam Phi và giá vàng tương lai.
Các nhân tố khác: Levin and Wright (2006) đã phân tích số liệu từ tháng 01/1976 đến tháng 08/2005 để kiểm tra các nhân tố ảnh hưởng đến sự chuyển động ngắn hạn và dài hạn của giá vàng và đưa ra một số kết luận quan trọng. Tồn tại tương quan dài hạn, cố định và tích cực giữa giá vàng và mức giá của Mỹ; trong dài hạn vàng có thể được coi là công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát. Trong ngắn hạn, có một số yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng: lạm phát Mỹ; rủi ro tín dụng ảnh hưởng thuận chiều đến giá vàng; tăng chỉ số đô la Mỹ và lãi suất thực tế làm giảm giá vàng; và lạm phát thế giới, thu nhập toàn cầu và rủi ro vàng không có ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, các tác giả tin rằng rủi ro chính trị của các nước sản xuất dầu và khủng hoảng kinh tế là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự biến động của giá vàng. Baker and Tassel (1985) đã tiến hành hồi quy OLS giá vàng hàng tháng trong giai đoạn 1973-1984 với các biến tỷ giá, lãi suất, CPI, thay đổi giá cả hàng hoá và đầu tư. Kết quả hồi quy và kiểm định thể hiện mối liên hệ đáng kể giữa giá vàng với USD, lạm phát và thay đổi trong giá hàng hóa, nhưng không có tương quan đáng kể giữa giá vàng và lãi suất. Dhillon và cộng sự (1997) so sánh sự biến động của các hợp đồng tương lai vàng tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Họ chỉ ra rằng sự biến động của hợp đồng vàng tương lai ở thị trường Mỹ sẽ mạnh hơn Nhật Bản và sự khác biệt này có thể do truyền tải thông tin khác nhau. Graham Smith (2001) cho thấy hệ số tương quan của biến động giá vàng với các chỉ số chứng khoán các nước công nghiệp chủ chốt hoàn toàn đáng kể. Có mối tương quan ngược chiều yếu giữa chúng. Sự biến động và dao động giá cổ phiếu khác nhau có ảnh hưởng nhẹ đến giá vàng nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Adrangi, Chatrath và David (2000) đã sử dụng dữ liệu hợp đồng vàng và bạc tương lai New York Mercantile Exchange từ 27/12/1993 đến ngày 30/12/1995, nghiên cứu chỉ ra liên kết chiến lược giữa giá vàng và hợp đồng bạc tương lai. Ciner (2001) đã phân tích xu hướng giá vàng trong dài hạn và hợp đồng bạc tương lai tại Nhật Bản. Kết quả thể hiện quan hệ ổn định giữa giá vàng với bạc biến mất vào những năm 1990. Malliaris et al. (2009) sử dụng phương pháp phân tích mô hình mạng thần kinh (ANN - a neural network) thu thập dữ liệu về vàng, dầu và đồng euro từ 04/01/2000 đến 31/12/2007. Kết quả phân tích chuỗi thời gian chỉ ra rằng có mối quan hệ ngắn và dài hạn: dầu theo sự thay đổi của giá vàng, đồng euro và dầu tác động rất mạnh đến giá vàng; liên hệ giữa vàng với đồng euro là yếu nhất.
- Nghiên cứu tính chất tiền tệ quốc tế của vàng
Cohen (1971) đã định nghĩa vàng là tiền tệ quốc tế từ quan điểm của các chức năng tiền tệ; các chức năng của đồng tiền quốc tế là mở rộng chức năng tiền tệ trong nước ở nước ngoài. Hartmalm (1998) tiếp tục mở rộng định nghĩa của Cohen và phân
loại các chức năng khác nhau của đồng tiền quốc tế. Nghiên cứu cho rằng vàng như một phương tiện thanh toán, một đồng tiền quốc tế hoạt động như một đồng tiền trung gian trong giao dịch quốc tế trực tiếp và trao đổi hai loại tiền tệ khác cũng như một công cụ can thiệp thị trường ngoại hối được sử dụng bởi khu vực chính thức để cân bằng thanh toán quốc tế. Mathieson (1994) tin rằng vàng là một đồng tiền quốc tế có thể hoạt động như một thước đo chung về giá trị tương tự như đồng tiền kim loại trên thế giới; nó đóng vai trò một đồng tiền thanh toán quốc tế, và có thể được các chính phủ và các NHTW giữ bằng các quỹ bình ổn ngoại hối nhằm can thiệp trên thị trường ngoại hối. Tavlas (1997) cho rằng khi vàng là một loại tiền tệ hoạt động như một thước đo giá trị, phương tiện trao đổi, cất trữ giá trị trong các giao dịch quốc tế mà không có sự tham gia của các nước phát hành tiền tệ, điều đó tạo ra sự quốc tế hóa tiền tệ.
- Nghiên cứu tác động của CSTT đến giá vàng
William D. Lastrapes, George Selgin (1995a) đã sử dụng mô hình VAR gồm các biến: y là tổng sản phẩm đầu ra, p là mức giá, r là một lãi suất dài hạn, cp là chỉ số giá cả hàng hóa, g là giá vàng, tr đại diện cho tổng dự trữ NHTM, và fr là tỷ lệ quỹ liên bang. Dữ liệu thu thập là dữ liệu từ 12/1982 đến 11/1995 tính theo tháng. Kết quả thực nghiệm là một cú sốc giá vàng tích cực khiến giá vàng tăng 2% do tác động gây ra sự gia tăng dần dần tỷ lệ quỹ liên bang gần 10 điểm cơ bản sau khoảng 12 tháng, và giảm dần trữ dự trữ ngoại hối. Những phát hiện này hàm ý rằng Fed trung bình thực sự thay đổi nguồn dự trữ ngoại hối để đáp ứng với sự thay đổi giá vàng, mặc dù chủ yếu là sau khi sự thay đổi này được duy trì trong vài tháng. Ngoài ra, giá vàng có xu hướng quay trở lại mức cũ sau cú sốc trên thị trường vàng cho thấy sự ổn định về giá vàng khi đối mặt với những cú sốc này. William D. Lastrapes, George Selgin (1995b) đã sử dụng mô hình VAR gồm các biến: TR là lượng dự trữ toàn hệ thống ngân hàng, NBR là lượng dự trữ không cho vay, r là tỷ lệ quỹ liên bang và g là giá trị của USD. Dữ liệu thu thập là dữ liệu hàng tuần từ 12/1982 đến 12/1994. Kết quả đã khẳng định sự tin tưởng rằng Fed của Alan Greenspan đã sử dụng giá vàng để định hướng CSTT trong những thời kỳ trung hạn: phản ứng của trữ lượng không tăng vọt và tỷ lệ quỹ liên bang đối với cú sốc giá vàng từ 26 đến 40 tuần.
Các nghiên cứu nước ngoài đã thể hiện một bức tranh bao quát về vàng và thị trường vàng, hầu hết là nghiên cứu định lượng ở quốc gia phát triển nhằm xác định các nhân tố tác động đến giá vàng. Các nhân tố chủ yếu: lạm phát, tỷ giá, lãi suất, giá dầu…. Tương quan giữa giá vàng với biến vĩ mô phụ thuộc vào từng khu vực kinh tế và từng thời điểm khác nhau.
1.4.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Nguyễn Vân Anh (2009) Với nghiên cứu “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vàng theo chức năng của NHTW” tác giả chỉ ra rằng “vàng trong dự trữ ngoại hối là vàng đóng vai trò tiền tệ. Đồng thời NHTW các nước đều có chính sách quản lý vàng thông qua việc quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối quốc gia và quản lý thị trường vàng trong nước”. Tác giả chỉ ra đặc thù mỗi quốc gia khác nhau sẽ hình thành phương thức quản lý khác nhau. Thông qua phân tích thực trạng thị trường vàng Việt Nam 1993 đến 1999 kết hợp với kinh nghiệm QLNN thị trường vàng tại Arab và Trung Quốc, tác giả đã chỉ ra ảnh hưởng của chính sách XNK cộng hưởng với những tác động của NHNN sẽ hạn chế rủi ro tại các TCTD, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý của NHNN. Tác giả cũng chỉ ra những hạn chế trong việc QLNN vàng trong dự trữ ngoại hối của NHNN bao gồm: NHNN chưa chú trọng đa dạng danh mục dự trữ, quy mô của dự trữ ngoại hối còn nhỏ, chưa có quy định cụ thể cho việc khi nào dùng vàng thuộc dự trữ nhà nước để can thiệp vào thị trường như khi nào cần can thiệp, giá vàng nội địa và quốc tế chênh bao nhiêu phần trăm (%) thì tiến hành can thiệp và hình thức can thiệp sẽ ra sao?
Nguyễn Đức Trung (2012) Với nghiên cứu “Giải pháp quản lý thị trường vàng tại Việt Nam” đã lần đầu tiên sử dụng kinh tế lượng áp dụng cho phân tích mục tiêu và công cụ NHNN điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2006 đến 2013. Mô hình nghiên cứu đuọc sử dụng là mô mình VAR gồm 5 biến: giá vàng nội địa, giá vàng quốc tế, lạm phát, tỷ giá, dự trữ ngoại hối. Nghiên cứu cho thấy lạm phát, tỷ giá, dự trữ ngoại hối đều có tác động đến giá vàng trong nước. Tác giả đã chỉ ra là chính sách quản lý vàng của NHNN về cơ bản tác động đến cấu trúc thị trường, ảnh hưởng tích cực đến thị trường ngoại hối, CSTT. Đồng thời thông qua kinh nghiệm của Trung Quốc, Ấn độ, Thái Lan trong chính sách quản lý thị trường vàng, nghiên cứu cũng đưa ra những hàm ý chính sách quan trọng như hạn chế nạn buôn lậu vàng, xây dựng sàn giao dịch vàng tập trung.
Bùi Kim Yến và Nguyễn Khánh Hoàng (2013) với đề tài nghiên cứu “Quản lý giá vàng nhìn từ giác độ kinh tế vĩ mô”. Nghiên cứu sử dụng kinh tế lượng là mô hình VAR cho các biến giá vàng nội địa, giá vàng thế giới, lãi suất huy động, tỷ giá, lạm phát để đưa ra các nhận định về chính sách QLNN thị trường vàng của NHNN. Nghiên cứu chỉ mối quan hệ giũa các biến lãi suất huy động, tỷ giá, lạm phát với giá vàng nội địa ở giai đoạn 10 năm từ 08/2003 đến 07/2013. Qua đó đánh giá những ảnh hưởng tích cực của chính sách QLNN thị trường vàng của NHNN.