Trong các định nghĩa trên, có thể thấy “chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu” có ý nghĩa hơn cả đối với việc xác định chất lượng giáo dục và cả việc đánh giá nó. Mục tiêu ở đây được hiểu một cách rộng rãi, bao gồm sứ mạng, mục đích; còn sự phù hợp với mục tiêu có thể là đáp ứng mong muốn của những người quan tâm, là đạt hay vượt qua các tiêu chuẩn đặt ra. Đây là định nghĩa thích hợp và thông dụng nhất khi xem xét các vấn đề của giáo dục.
Ngoài các quan điểm nêu trên, Tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Quốc tế INQAAHE đã đưa ra 2 định nghĩa về chất lượng giáo dục: “i) Tuân theo các chuẩn quy định; ii) Đạt được các mục tiêu đề ra”.
Theo định nghĩa thứ nhất, cần có bộ tiêu chí chuẩn cho giáo dục về tất cả các lĩnh vực và việc KĐCLGD một trường sẽ dựa vào bộ tiêu chí chuẩn đó. Khi không có bộ tiêu chí chuẩn, việc KĐCLGD sẽ dựa trên mục tiêu của từng lĩnh vực để đánh giá. Những mục tiêu này sẽ được xác lập trên cơ sở trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và những điều kiện đặc thù của nhà trường.
Như vậy, để đánh giá chất lượng giáo dục của một trường cần dùng bộ tiêu chí có sẵn; hoặc dùng các chuẩn đã quy định; hoặc đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu đã định sẵn từ đầu của trường.
Ngày nay, từ định nghĩa “Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu”, có thể xem “Chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục”. Mục tiêu giáo dục thể hiện những đòi hỏi của xã hội đối với con người, cấu thành nguồn nhân lực mà giáo dục có nhiệm vụ phải đào tạo.
Chất lượng giáo dục thường liên quan đến thành tích học tập, sự đáp ứng các chuẩn mực và giá trị, sự phát triển cá nhân của người học, lợi ích của những đầu tư và sự phù hợp với những mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục thường được xác định và được đánh giá bởi những tiêu chí trong các lĩnh vực như cơ hội tiếp cận, sự nhập học, tỷ lệ tham dự học tập, tỷ lệ lưu ban, bỏ học, kết quả các bài kiểm tra, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục trong ngân sách nhà nước …
Có thể nói, là sự đáp ứng mục tiêu của cấp học, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Quản lý chất lượng giáo dục:
Theo Sallis (1993), có 3 cấp độ quản lý chất lượng giáo dục đó là: Kiểm soát chất lượng, Đảm bảo chất lượng và Quản lý chất lượng tổng thể
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học phổ thông ở tỉnh Lào Cai - 1
- Quản lý hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học phổ thông ở tỉnh Lào Cai - 2
- Quản Lý Giáo Dục, Quản Lý Nhà Trường Quản Lý Giáo Dục
- Mục Đích Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Trường Trung Học Phổ Thông
- Quản Lý Hoạt Động Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Trường Trung Học Phổ Thông
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Quản Lý Hoạt Động Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Tại Các Trường Trung Học Phổ Thông
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
Kiểm soát chất lượng giáo dục
Kiểm soát chất lượng (Quality control) bao gồm việc kiểm tra và loại bỏ các thành phẩm hay sản phẩm cuối cùng không thỏa mãn các tiêu chuẩn đề ra trước đó. Đây là công đoạn xảy ra sau cùng khi sản phẩm được làm xong có liên quan đến việc loại bỏ hoặc từ chối các hạng mục hay sản phẩm có lỗi. Việc này thường kéo theo sự lãng phí tương đối lớn vì phải loại bỏ hay làm lại các sản phẩm không đạt yêu cầu. Điều này đã tạo nên sự khác biệt lớn trong kiểm soát chất lượng hàng hóa và kiểm soát chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, trong giáo dục không thể có sản phẩm phế thải mà chúng ta chỉ được phép phân loại và chọn phương thức khác để giáo dục.
Kiểm soát chất lượng giáo dục bao gồm việc kiểm tra sản phẩm giáo dục ở đầu ra (học sinh, học sinh tốt nghiệp) để xác định những vấn đề tồn tại và yếu kém của giáo dục, hoạt động được thực hiện sau khi các hoạt động giáo dục đã kết thúc. Các hoạt động như thanh tra từ bên ngoài, giám sát của xã hội, các kỳ thi, kiểm tra kiến thức, các báo cáo hàng năm đều có thể xem là các hoạt động kiểm soát chất lượng giáo dục. Minh hoạ cho hình thức quản lý chất lượng này là những kỳ thi: tốt nghiệp, tuyển sinh rất khắt khe khi học sinh hoàn thành khoá học, cấp học. Kiểm soát chất lượng là một hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục.
Đảm bảo chất lượng giáo dục
Theo ISO - 9000, đảm bảo chất lượng (Quality assurance) là các hoạt động có kế hoạch và hệ thống được tiến hành trong hệ thống và được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo sự thỏa đáng rằng người tiêu dùng sẽ thỏa mãn các yêu cầu chất lượng. Trong sản xuất, kinh doanh bảo đảm chất lượng bao gồm các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp nhằm mục đích tạo lòng tin của bản thân doanh nghiệp và khách hàng. Bảo đảm chất lượng là cơ sở của nguyên lý quản lý chất lượng. Theo
A.I. Vroeijenstijn (2002), đảm bảo chất lượng được hiểu như là sự chú ý có hệ thống, có cấu trúc liên tục vào chất lượng nhằm duy trì và cải tiến chất lượng. Quan tâm đến chất lượng một cách liên tục là điều kiện thiết yếu cho đảm bảo chất lượng.
Trong giáo dục, khái niệm bảo đảm chất lượng có thể được coi như là "hệ thống các biện pháp, các hoạt động có kế hoạch được tiến hành trong và ngoài nhà trường và được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo ra sự tin tưởng thoả đáng rằng các hoạt động và sản phẩm đào tạo (học sinh, sinh viên tốt nghiệp) sẽ thoả mãn đầy đủ các yêu cầu về chất lượng giáo dục theo mục tiêu đào tạo dự kiến".
Quản lý chất lượng tổng thể trong giáo dục
Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management viết tắt là TQM) là hình thức quản lý chất lượng có xuất xứ từ thương mại công nghiệp. Năm 1994 Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã đưa ra định nghĩa về TQM “TQM là một phương pháp quản lý của một tổ chức, tập trung về chất lượng, dựa trên sự tham gia của tất cả thành viên của mình và nhắm đến thành công lâu dài thông qua sự hài lòng của khách hàng, và lợi ích cho tất cả các thành viên của tổ chức và cho xã hội”. Triết lý của quản lý chất lượng tổng thể là tất cả mọi người ở cương vị nào, vào bất kỳ thời điểm nào cũng đều là người quản lý chất lượng của phần việc mình được giao và hoàn thành nó một cách tốt nhất, với mục đích tối cao là thỏa mãn khách hàng.
Trong giáo dục, quản lý chất lượng tổng thể là mọi người trong nhà trường dù ở cương vị nào, chức vụ gì, làm nhiệm vụ gì cũng là người quản lý. Thực chất của quản lý chất lượng tổng thể là cải tiến liên tục, cải tiến từng bước nhằm tạo ra một nền văn hoá chất lượng, trong đó mỗi người đều cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu học tập của người học và các đòi hỏi của xã hội. Quản lý tổng thể có thể đạt được khi những người thực hiện nhận thức được các khái niệm và công cụ đo lường, đánh giá chất lượng và có ý thức về việc nâng cao chất lượng.
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi định nghĩa: “Quản lý chất lượng giáo dục về thực chất là quá trình định hướng và kiểm soát chất lượng quá trình giáo dục, với những tác động liên tục nhằm duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của toàn hệ thống giáo dục quốc dân và từng nhà trường”.
1.2.4. Kiểm định chất lượng giáo dục
Thuật ngữ Kiểm định chất lượng giáo dục (Accreditation) bắt nguồn từ hơn 100 năm trước ở Mỹ. Ngày nay, người ta vẫn dùng rộng rãi trên khắp thế giới để nói về việc đánh giá, công nhận chất lượng cho một chương trình giáo dục hay cơ sở giáo dục nào
đó. Thuật ngữ KÐCLGD được khái niệm bởi nhiều khía cạnh khác nhau. Hội đồng kiểm định chất lượng đại học của Hoa Kỳ (CHEA) cho rằng: kiểm định chất lượng giáo dục là “một quá trình xem xét chất lượng từ bên ngoài, được giáo dục đại học sử dụng nhằm đảm bảo và cải tiến chất lượng”. Theo bảng thuật ngữ giải thích của Uỷ ban trường cao đẳng thuộc Hội các trường cao đẳng miền Tây Bắc nước Mỹ, có định nghĩa sau đây: "Kiểm định chất lượng giáo dục là quá trình một tổ chức tư nhân, phi chính phủ đánh giá một cơ sở hoặc một chương trình đào tạo và công nhận chính thức rằng cơ sở hoặc chương trình đó đạt được các tiêu chí hoặc tiêu chuẩn đã định trước. Kèm theo quá trình này là việc tự đánh giá lần đầu hoặc định kỳ về sau và việc đánh giá từ bên ngoài. Kiểm định hàm ý động viên việc nâng cao chất lượng để đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu mà tổ chức kiểm định đã xác định".
Theo tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO): kiểm định chất lượng giáo dục được xác định là “một quá trình đánh giá từ bên ngoài nhằm đưa ra quyết định công nhận một trường học hay một chương trình đào tạo của nhà trường đáp ứng các chuẩn mực quy định. Theo Stanley & Patrick (1998), kiểm định được hiểu là "Chứng nhận cơ sở đào tạo đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về nguồn lực và các chỉ số thực hiện để củng cố chất lượng, khuyến khích tự đánh giá, tăng cường tự quản và bảo đảm với công chúng rằng cơ sở đào tạo đạt được những chuẩn mực chất lượng cơ bản". Theo tài liệu về kiểm định các trường kỹ thuật và dạy nghề các nước Tiểu vùng sông Mê Công, có quan niệm sau đây: "Kiểm định là một hệ thống nhằm công nhận các cơ sở và chương trình đào tạo của các cơ sở đó đạt được một mức độ về hiệu quả, chất lượng và sự hoàn chỉnh trong đào tạo để có được sự tin cậy của cộng đồng giáo dục và công chúng mà họ phục vụ". Có thể hiểu kiểm định chất lượng là một hệ thống tổ chức và giải pháp để đánh giá và công nhận chất lượng đào tạo (đầu ra) và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực được quy định. Những chương trình giáo dục và cơ sở giáo dục đạt chuẩn sau khi kiểm định, được thông báo công khai cho người học, phụ huynh và toàn xã hội như một bằng chứng bảo đảm cho chất lượng giáo dục của các cơ sở và các chương trình giáo dục đó. Việc kiểm định chất lượng giáo dục của một cơ sở giáo dục có nội dung quan trọng là đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của cơ sở giáo dục đó và chứng minh được rằng hệ thống quản lý chất lượng là có hiệu quả, đảm bảo các sản
phẩm được quản lý trong hệ thống đúng với những đăng ký chất lượng đã được cơ sở cam kết thực hiện trước khách hàng. Kiểm định chất lượng giáo dục có hai mục đích cơ bản, một là đánh giá, xác nhận hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục của một trường hoặc một chương trình giáo dục theo bộ tiêu chuẩn do cơ quan kiểm định đề ra và được nhà trường thừa nhận và cam kết thực hiện. Hai là trợ giúp nhà trường cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục của mình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội bảo đảm lợi ích chung của xã hội, phụ huynh, người sử dụng lao động và của người học.
Theo Luật Giáo dục 2005, tại Điều 17, kiểm định chất lượng giáo dục được định nghĩa như sau: Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009, kiểm định chất lượng giáo dục được làm rõ hơn bởi Điều 110a, Điều 110b, Điều 110c về nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, Theo đó, kiểm định chất lượng giáo dục có hai mức, một là kiểm định chương trình giáo dục, hai là kiểm định cơ sở giáo dục. Hai loại này có một số khác biệt song giữa chúng cũng có những mối quan hệ mật thiết với nhau, sự khác nhau giữa hai loại là ở trọng tâm chú ý của công việc đánh giá. Khi kiểm định nhà trường, trọng tâm chú ý là các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và hệ thống quản lý chất lượng của nhà trường. Với một logic hiển nhiên là với các điều kiện bảo đảm chất lượng và một hệ thống quản lý chất lượng tốt tất yếu sẽ cho ra những sản phẩm có chất lượng. Như vậy, các chương trình đào tạo chỉ được xem xét như là một bộ phận trong việc kiểm định chất lượng của nhà trường. Khi kiểm định chất lượng của chương trình giáo dục, trọng tâm của sự chú ý lại tập trung ở hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo: mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục của các môn học có được xác định hợp lý, phù hợp với trình độ khoa học và công nghệ và các nhu cầu của xã hội hay không, tổ chức quá trình đào tạo theo chương trình giáo dục có đảm bảo để đạt được mục tiêu đề ra hay không.
Kiểm định chất lượng là một giải pháp quản lý chất lượng nhằm các mục tiêu sau đây:
- Đánh giá hiện trạng của cơ sở giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra như thế nào? Tức là hiện trạng cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả ra sao?
- Đánh giá hiện trạng những điểm nào là điểm mạnh so với các tiêu chuẩn đề ra của cơ sở giáo dục.
- Đánh giá hiện trạng những điểm nào là điểm yếu so với các tiêu chuẩn đề ra của cơ sở giáo dục.
- Trên cơ sở điểm mạnh và điểm yếu phát hiện được so với các tiêu chuẩn đề ra, định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển.
Kiểm định chất lượng mang lại cho cộng đồng, đặc biệt là người học sự đảm bảo chắc chắn một cơ sở giáo dục đã được chứng minh thoả mãn các yêu cầu và tiêu chí đáng tin cậy và có đủ cơ sở để tin rằng cơ sở giáo dục này sẽ tiếp tục đạt các yêu cầu và tiêu chí đã đề ra.
Theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “KĐCLGD trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học là hoạt động đánh giá (bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của cơ qua quản lý nhà nước”.
KĐCLGD là một giải pháp quản lý chất lượng nhằm các mục tiêu: đánh giá hiện trạng của cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả như thế nào, những điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở giáo dục so với các tiêu chuẩn quy định; trên cơ sở đó định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển.
KĐCLGD nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
KĐCL giáo dục trường THPT là một hình thức ĐBCL giáo dục trường THPT nhằm mục đích xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của nhà trường, thông qua sự đánh giá tổng thể về tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến CLGD. Kết quả KĐCL giáo dục là thước đo nhà trường THPT trong chuẩn chất lượng, đạt
được những gì, còn thiếu những gì để điều chỉnh, bổ sung các điều kiện và tổ chức giáo dục, nhằm đạt chuẩn chất lượng. Kết quả KĐCL giáo dục sẽ được công khai với cơ quan chức năng quản lí và xã hội. Ðiều đó sẽ thúc đẩy tích cực các trường THPT phải tìm nhiều giải pháp, giải bài toán đảm bảo và nâng cao CLGD của mình.
Theo UNESCO (2007), KĐCLGD được định nghĩa là một quá trình bao gồm tự đánh giá, đánh giá ngoài và công nhận mức chất lượng của một cơ sở giáo dục dựa trên chuẩn mực do cơ quan quản lý giáo dục ban hành.
Quản lý KĐCL giáo dục trường THPT
Công tác quản lý KĐCL giáo dục trường THPT ở các quốc gia khác nhau, điều này thể hiện rõ trong phần tổng quan nghiên cứu vấn đề.
Ở Mỹ, việc quản lý các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không trực tiếp kiểm định các cơ sở giáo dục mà chỉ làm nhiệm vụ công nhận (recognizing agencies) các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khác. Đó là Bộ Giáo dục liên bang (United State Department of Education viết tắt là USDE) và Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Council for higher Education Accreditation viết tắt là CHEA), trong đó USDE là cơ quan chính phủ và CHEA là cơ quan phi chính phủ. Hai cơ quan này không trực tiếp kiểm định các trường mà cấp phép kiểm định cho các tổ chức kiểm định có đủ điều kiện hành nghề. Như vậy, việc kiểm định các tổ chức kiểm định là một hình thức để quản lý các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Ở Việt Nam, theo Luật Giáo dục 2005, ở điều 99 về nội dung quản lý nhà nước về giáo dục có nêu “Tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục”. Điều này cho thấy công tác quản lý KĐCL đã được quan tâm và thực tế Bộ GD&ĐT đã có thông tư hướng dẫn công tác KĐCL trường THPT, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Công tác kiểm định trường THPT ở Việt Nam tương tự các nước phát triển: Tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài, đánh giá ngoài và công nhận đạt kiểm định; công tác ngày được phân cấp cho Sở GD&ĐT và các trường THPT thực hiện.
Dựa trên nghiên cứu, xem xét các hoạt động KĐCL giáo dục như là một hoạt động giáo dục khác trong trường, cũng như các nghiên cứu về các lý luận quản lý, quản
lý giáo dục, kết hợp với khái niệm về KĐCL giáo dục ở trên, có thể hiểu quản lý KĐCL giáo dục trường THPT là quá trình tác động có mục đích của chủ thể quản lý đến hoạt động KĐCL giáo dục trường THPT thông qua các hoạt động xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự đánh giá, đánh giá ngoài, công nhận và cấp giấy chứng nhận về KĐCL giáo dục trường THPT theo tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan quản lý giáo dục ban hành nhằm mục đích nâng cao CLGD.
1.3. Kiểm định chất lượng giáo dục trường trung học phổ thông
1.3.1. Cơ sở pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục trung học phổ thông
Luật Giáo dục năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: "Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát" [tr10]; Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường là: "Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục" [tr25].
Nghị định số 75/2006/NĐ-CP, ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục quy định: "Kết quả kiểm định chương trình giáo dục, kiểm định cơ sở giáo dục là căn cứ để công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả kiểm định được công bố công khai để xã hội biết và giám sát".
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị nêu nhiệm vụ: "Phát triển hệ thống kiểm định và công bố công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo; tổ chức xếp hạng cơ sở giáo dục, đào tạo". Cũng tại Đại hội này, Đảng ta đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020, trong đó chỉ rõ: "Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học". Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng qui định: "Hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Định kỳ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; công khai kết quả kiểm định".