Một Số Khái Niệm Cơ Bản Của Đề Tài

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề

1.1.1. Trên thế giới

Cùng với lịch sử phát triển của mình, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều có nét truyền thống văn hóa riêng, bởi vậy mỗi nước sẽ có cách thức giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc theo những cách riêng. Nghiên cứu về văn hóa con người nói chung cũng nhất thiết phải nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc, bởi lẽ thông qua đó các thông điệp và các giá trị cốt lõi văn hóa mới được nhận định và phân tích với những góc cạnh đầy đủ nhất.

Gần đây một số công trình nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc đã xuất hiện:

Theo A.T. Mugi, cho rằng: “Bản sắc văn hóa không thể được xem xét như một sự co lại và đóng cụ lại của những giá trị bất biến” [41]; Theo Nich Gi-oa-kin, thì: “Bản sắc văn hóa không phải là quá trình qua đó người ta tồn tại mà quá trình qua đó mà người ta trở thành”; Còn theo cách tiếp cận của tác giả Liu Zhongmin ở hai tầng diện tâm lý và hành vi “Bản sắc văn hóa” mà Trần Ngọc Thêm đã khái quát lại: sự đa dạng về văn hóa là một hiện tượng phổ biến cũng là quy luật phát triển của mỗi quốc gia. Ông Lý Quang Diệu cho rằng: “Trong vấn đề văn hóa và phát triển thì việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vẫn là vấn đề lớn của thế giới đặc biệt là các nước châu Á. Nếu quốc gia nào không duy trì được bản sắc của mình thì nước đó sẽ đánh mất khả năng tồn tại của mình” [13].

Văn hoá là một dòng chảy không ngừng. Bản sắc dân tộc trong văn hoá cũng không đứng yên mãi mãi. Như vậy, vấn đề giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành mối quan tâm của của tất cả các nước trên thế giới. Chính vì

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

thế phải kế thừa có chọn lọc di sản văn hoá, truyền thống dân tộc để bảo vệ và phát huy nó trong điều kiện mới, nghĩa là làm cho bản sắc văn hoá dân tộc trong văn hoá mang tính thời đại.

1.1.2. Ở Việt Nam

Quản lý hoạt động giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh các trường trung học phổ thông huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang - 3

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc anh em đã cùng tồn tại và phát triển, mỗi một dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử Đảng ta luôn chú trọng đến nhiệm vụ duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc.

Trong báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc, đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng” [23]. Chủ trương trên thể hiện rõ ràng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị văn hoá dân tộc. Người cho rằng: “Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin bao nhiêu thì càng phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông bấy nhiêu”[23]. Người đòi hỏi phải biết giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Đây là quan điểm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc có chọn lọc của Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này là một kho tàng lý luận có tính thực tiễn vô giá để lại cho Đảng và nhân dân ta tiếp tục nghiên cứu vận dụng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trong công cuộc hội nhập đất nước hiện nay.

Đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là những năm tiến hành hội nhập khu vực và quốc tế gần đây đã có nhiều công trình, đề tài khoa học, hội thảo khoa học về lĩnh vực văn hóa đã công bố liên quan đến đề tài với

nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Tác giả Phạm Hồng Quang đã biên soạn cuốn sách (Phạm, 2002) [27]; Quản lý hoạt động giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh trường PTDT Nội trú THCS&THPT Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh; Trần Ngọc Thêm, với tác phẩm: "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”[34] ; Tác phẩm "Bản sắc văn hóa Việt Nam" của Phan Ngọc [23]; Đề tài: "Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá" [20]; Tác giả Trần Văn Giàu với "Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam" [36]; Với quan điểm dân tộc học, Phan Hữu Dật có tác phẩm "Góp phần nghiên cứu dân tộc học Việt Nam" [15]; "Các dân tộc Hà Giang" [36]; "Việt Nam văn hóa và giáo dục”[35].

Các công trình nghiên cứu trên đây cũng đã đề cập đến những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, việc duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó. Cũng đã có một số công trình nghiên cứu về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn hội nhập hiện nay nhưng lại nghiên cứu ở góc độ văn hóa. Luận văn thạc sỹ của tác giả Lý Thị Thủy - 2014, cũng đã đề cập đến vấn đề quản lí hoạt động giáo dục BSVH dân tộc song mới đề cập ở hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài

1.2.1. Khái niệm quản lý

Theo Phạm Viết Vượng (2001), “Quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm chỉ huy, điều hành, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi của cá nhân hướng đến mục đích hoạt động chung và phù hợp với quy luật khách quan” [42].

Các tác giả Bùi Minh Hiền, Vũ Ngọc Hải, Đặng Quốc Bảo (2006) cho rằng “Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra” [9].

Theo tác giả Nguyễn Thị Tính: Quản lý là sự tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trong tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt được mục tiêu đã đề ra [38].

Hay nói một cách khác: QL là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng việc thực hiện các chức năng QL như lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.

Sự tác động của quản lý phải bằng cách nào đó để người bị quản lý luôn hồ hởi, phấn khởi đem hết năng lực và trí tuệ để sáng tạo ra lợi ích cho bản thân, cho tổ chức và cho cả xã hội.

Từ sự khái quát trên quản lý bao gồm các yếu tố cơ bản sau:

- Chủ thể quản lý (có thể một hoặc nhiều người).

- Đối tượng bị quản lý (có thể một hoặc nhiều người, sự vật, sự việc...).

- Mục tiêu quản lý nhằm thay đổi hoạt động của tổ chức, trạng thái hoạt động và nâng cao hiệu quả lao động.

- Chủ thể tiến hành các tác động quản lý bằng các công cụ quản lý và các phương pháp quản lý

- Quản lý về cơ bản là tác động lên con người, sự vật để điều hành các hoạt động có lợi cho tổ chức và đạt được những mục tiêu tổ chức đặt ra. Để quản lý tốt trước hết cần hiểu sâu sắc về con người, sự vật với tư cách là đối tượng của quản lý, sau đó phải được đào tạo huấn luyện cách thức tác động đến con người, sự vật; Quản lý là tìm cách, biết cách ràng buộc một cách thông minh, tế nhị việc thỏa mãn nhu cầu cho con người, trên cơ sở đó khích lệ con người đem hết năng lực thực hiện công việc được giao.

- Quản lý là thực hiện những công việc có tác dụng định hướng, điều tiết phối hợp các hoạt động của cấp dưới; Đó chính là thực hiện các chức năng của QL

- Quản lý là thiết lập, khai thông các quan hệ cụ thể để hoạt động chung được hình thành, tiến hành trôi chảy, đạt hiệu quả cao, bền lâu và không ngừng phát triển.

- Quản lý là chủ thể quản lý tác động lên đối tượng quản lý một cách gian tiếp hoặc trực tiếp nhằm thu được những diễn biến, thay đổi tích cực của cá nhân, tổ chức theo mục tiêu đã đặt ra.

Nói một cách tổng quát nhất có thể xem quản lý là một quá trình tác động có tổ chức, có hướng đích gây ảnh hưởng của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường.

Như vậy bản chất của quản lý là sự tác động có mục đích có kế hoạch của lực lượng quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của quản lý.

Chức năng kế hoạch hóa:

Là soạn thảo và thông qua được những quyết định về chủ trương quản lý quan trọng. Trên cơ sở những yêu cầu cơ bản kết hợp với thực tiễn của cơ sở để đưa ra những phương hướng kế hoạch cho sát hợp và có tính khả thi cao.

Chức năng tổ chức: Thực hiện các quyết định, chủ trương bằng cách xây dựng cấu trúc tổ chức của đối tượng quản lý, tạo dựng mạng lưới quan hệ tổ chức tuyển lựa sắp xếp bồi dưỡng cán bộ, làm cho mục tiêu trở nên có ý nghĩa, tăng tính hiệu quả về mặt tổ chức.

Chức năng chỉ đạo: Chỉ dẫn, vận động, điều chỉnh và phối hợp các lực lượng tích cực hăng hái, chủ động theo sự phân công và kế hoạch đã định.

Chức năng kiểm tra đánh giá: Là chức năng liên quan đến mọi cấp quản lý để đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống. Nó thực hiện việc xem xét tình hình thực hiện công việc đối chiếu với yêu cầu để có cơ sở đánh giá đúng đắn.

Tóm lại: Quản lý là quá trình tác động có tổ chức, có mục đích của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý trong một tổ chức, thông qua công cụ và phương pháp quản lý nhằm làm cho tổ chức đó vận hành thuận lợi và đạt được mục tiêu đề ra.

1.2.2. Văn hóa và bản sắc văn hóa

* Văn hóa

Cho đến nay khái niệm về văn hóa vẫn còn nhiều quan niệm trái ngược, khác nhau về nội hàm của khái niệm “Văn hoá”.

Tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá nhóm họp tại Venise năm 1970 do UNESCO tổ chức đã đưa ra định nghĩa: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”[38].

Trong Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô văn hóa được định nghĩa: “Văn hoá là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của con người, biểu hiện ra trong các kiểu và các hình thái tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người tạo ra. Văn hoá có thể được dùng để chỉ trình độ phát triển về vật chất và tinh thần của những xã hội, dân tộc, bộ tộc cụ thể (ví dụ: văn hoá Ai Cập cổ đại, văn hoá Maya, văn hoá Trung Quốc…). Theo nghĩa hẹp, văn hoá chỉ liên quan tới đời sống tinh thần của con người".

Ngay tại nước ta cũng có nhiều định nghĩa về văn hóa khác nhau, trong số đó có một số định nghĩa được nhiều người quan tâm, sử dụng như:

Vào năm 1943, Hồ Chí Minh đã nêu ra một định nghĩa về văn hoá: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, ở và mặc, các phương thức sử dụng. Toàn bộ các sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"[19].

Theo Trần Ngọc Thêm - Năm 1995, trong cuốn giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam đã định nghĩa văn hoá: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội" [34].

Còn theo Tác giả Phan Ngọc (1998) định nghĩa: “Văn hoá là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế

giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hoá theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hoá dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của cá nhân hay tộc người khác” [23].

Tựu chung lại, Văn hóa là sản phẩm của con người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người.

* Bản sắc văn hóa

Theo tác giả Phạm Hồng Quang: "Bản sắc văn hóa" là những đặc điểm riêng biệt có, giá trị cao, gồm những giá trị về vật chất và tinh thần được tích lũy và phát triển trong tiến trình đi lên của một dân tộc, nó quy định vị trí riêng biệt về mặt xã hội của một dân tộc. Những giá trị đó có thể có ở mọi dân tộc, song ở dân tộc có bản sắc văn hóa được biểu hiện đậm nét, sâu sắc và đặc biệt hơn [28].

Theo tác giả Trần Văn Bính thì bản sắc văn hóa dân tộc là tổng thể những phẩm chất, tính cách, khuynh hướng cơ bản thuộc sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đó, giúp cho dân tộc đó giữ vững được tính duy nhất, tính nhất quán so với bản thân mình trong quá trình phát triển và tạo cơ sở cho sự phân biệt, nhận diện khác nhau giữa tộc người này với tộc người kia, dân tộc này với dân tộc khác. Bản sắc văn hóa nhìn một cách tổng thể của bất kì dân tộc nào, đều gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của chính dân tộc đó [4].

Nhà thơ Tố Hữu cũng khẳng định: “Trong đồng bào các dân tộc thiểu số, BSVH biểu hiện đậm đà nhiều mặt. Dân tộc nào cũng có tinh thần dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu, tính chân thật, lòng thương người mến khách. Ở

nhà sàn, ăn cơm nếp, uống rượu ngô. Đội mũ, khăn, áo, quần nhiều màu sắc, đàn hát, nhảy múa đông người,… Những đức tính và nét sinh hoạt đó thường nổi bật trong đời sống của đồng bào ở miền núi” [9].

Bản sắc văn hóa dân tộc là một khái niệm không dễ để xác định, bởi vì BSVH dân tộc có nhiều khái niệm nội hàm khác nhau, song chúng ta có thể khẳng định rằng: “BSVH dân tộc là hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mĩ và lối sống của dân tộc tạo thành những đặc trưng tiêu biểu tiến bộ, riêng biệt, không thể pha trộn nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác. BSVH dân tộc biểu hiện cho sự sáng tạo, sức sống và phát triển của dân tộc đó”. Trong khuôn khổ của luận văn, BSVH dân tộc được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đó là những đặc trưng tiêu biểu, tiến bộ, riêng biệt của các dân tộc thiểu số.

1.2.4. Giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc

Theo nghĩa rộng, giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc là một quá trình xã hội được tổ chức có mục đích, có kế hoạch. Trong đó, dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục, đối tượng giáo dục tích cực, chủ động tiếp nhận, bổ sung và hoàn thiện hệ thống giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, tinh hoa của dân tộc và nhân loại đồng thời gạt bỏ những giá trị thói quen, tập tục lạc hậu, lỗi thời để những giá trị bền vững luôn sống động với thực tiễn.

Bên cạnh việc giáo dục đạo đức, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, giáo dục ý chí độc lập tự cường cho các em HS,… thì giáo dục BSVHDT là một nội dung quan trọng trong GDHS ở nhà trường THPT hiện nay. Trong giáo dục BSVHDT cần giúp HS nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về những giá trị vật chất và giá trị tinh thần trong nền văn hóa Việt Nam, hiểu biết về những nét văn hóa của các dân tộc khác nhau trong cộng đồng, có thái độ tôn trọng và ý thức bảo tồn những nét văn hóa độc đáo đó cũng như hình thành các hành vi ứng xử đúng mực đối với những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em khác nhau cùng chung sống trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/05/2022