Quản lý dạy học nội dung giáo dục địa phương ở các trường trung học cơ sở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương - 14

C. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC:

1. Hoạt động 1: Chuẩn bị

GV điểm danh từng nhóm, giao nhiệm vụ cho các thành viên; nhắc nhở HS về các quy định khi tham quan học tập ở di tích; ý thức học tập, quan sát, tìm hiểu, tích luỹ tri thức; giữ gìn bảo vệ môi trường.

2. Hoạt động 2: Tham quan

Tham quan học tập tại khu di tích lịch sử: Chùa Côn Sơn- đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ thầy giáo Chu Văn An.

- HS được hướng dẫn viên của khu di tích hướng dẫn tham quan, nghe giới thiệu về vị trí địa lí, lịch sử hình thành, quá trình xây dựng trùng tu tôn tạo, nhân vật lịch sử gắn liền, du lịch và lễ hội..

3. Hoạt động 3: Kết thúc

- GV nhận xét buổi học, nhắc nhở cho HS ra về.

4. Hoạt động 4: Hướng dẫn về nhà.

- Yêu cầu các cá nhân và các nhóm hoàn thiện sản phẩm của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

- Thống nhất kế hoạch báo cáo thuyết trình: Lựa chọn một trong số các di tích lịch sử đã được đi tham quan để viết bài thu hoạch (Thuyết minh về một di tích lịch sử hoặc một danh lam ở địa phương mà em biết).

Các nhóm có thể cử đại diện trình bày - GV thu và chấm bài thu hoạch.

Quản lý dạy học nội dung giáo dục địa phương ở các trường trung học cơ sở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương - 14

PHỤ LỤC 5 BÀI THU HOẠCH

Thuyết minh lịch sử Lăng mộ và Đền thờ nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ


Từ xa xưa, Tiến sỹ nước Nam tài cao, đức trọng được lưu danh thiên cổ thời nào cũng có. Họ đều là những bậc nam tử được sàng lọc kỹ càng trong chế độ khoa cử khắt khe thời phong kiến. Vậy mà, cuối thế kỷ XVI, có một người con gái đã dám vượt lên tất cả những quy định khắt khe ấy để trở thành nữ Tiến sỹ đầu tiên của nước Nam ta, khẳng định vị thế, tài năng, đức độ của mình, làm rạng danh giới nữ, tên tuổi của bà được khắc ghi vào lịch sử nước Nam. Đó chính là nữ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ, người con gái tài sắc vẹn toàn, thông minh trác việt của mảnh đất Chí Linh!

Theo văn bia khắc ngày 22 tháng 3 năm 1653, Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi (tức Sao Sa). Bà sinh ngày 14 tháng 3 khoảng năm 1574 tại tổng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Bà thọ ngoài 80 tuổi, mất ngày mùng 8 tháng 11 (chưa rõ năm nào)

Từ nhỏ Nguyễn Thị Duệ đã tỏ ra bản lĩnh, quyết đoán và rất thông minh. Gia đình cho giả trai, lấy tên là Văn Du đi học cùng chúng bạn. Văn Du chí khí và đức độ hơn người, lại thông minh vô cùng khiến bạn bè nể phục. Mới 9 tuổi đã thuộc làu kinh sử, tinh thông thơ phú. Song Văn Du càng lớn, nhan sắc càng tuyệt thế, tiếng nói thỏ thẻ như con gái. Biết không giấu nổi thân phận nữ nhi, gia đình mời thầy họ Cao về dạy học cho Văn Du tại tư gia.

Năm 1592 nhà Mạc thất thủ trước quân Trịnh phải rút chạy về Cao Bằng lập căn cứ. Năm 1593 Mạc Kính Cung xưng Đế hiệu Càn Thống, chấn chỉnh kỷ cương, thu phục lòng dân, mở trường Quốc học Bản Thảnh – Cao Bình, tổ chức thi cử kén chọn nhân tài, chấn hưng triều Mạc. Lúc này Nguyễn Thị Duệ khoảng 20 tuổi, cùng gia đình lên Cao Bằng lập nghiệp. Sống trong loạn lạc, bà

vẫn chăm chỉ học hành thể hiện là người có chí lớn. Năm Quang Hưng thứ 17 (1594), vua Mạc Kính Cung mở khoa thi Hội, Nguyễn Thị Duệ giả trai ứng thí cùng thầy giáo của mình. Bà đỗ Tiến sỹ với số điểm cao nhất, thầy giáo của bà điểm cao thứ nhì. Cảm kích trước tài năng của người học trò ưu tú, thầy giáo nói: “Màu xanh từ màu lam mà ra nhưng đẹp hơn màu lam”. Khi vào dự yến tân khoa, vua Mạc thấy diện mạo giống như con gái, lập tức cho xét hỏi. Biết được sự thật, vua đã không khép tội khi quân, phạm vào quy chế thi cử thời phong kiến mà còn giữ nguyên học vị, phong là Tinh Phi. Trong mắt vua Mạc, bà như một ngôi sao trên trời sa xuống trần thế, tài năng, sắc đẹp khó ai bì. Nguyễn Thị Duệ được nạp cung, vua Mạc rất sủng ái, giao cho việc dạy các phi tần.

Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), quân Lê, Trịnh tiến đánh Cao Bằng, quân Mạc đại bại. Tinh Phi lánh vào chùa Sùng Phúc thuộc châu Hạ Lang nơi biên ải xa xôi lấy tên là Vi Đồ. Không lâu sau bị quân Trịnh phát giác, đưa về tiến chúa Trịnh Nghị Vương. Với tài năng, sắc đẹp và lối ứng xử thông minh của bà khiến chúa Trịnh vô cùng thán phục. Trịnh Nghị Vương phong bà là Lễ Phi, dạy lễ nghi cho các cung nhân trong phủ. Bất cứ điều gì trong triều bà đều lấy văn chương cung phụng, viện dẫn kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch, Chúa thường khen ngợi. Các biểu sớ, văn bài thi đại khoa, Chúa đều để bà khảo duyệt lại.

Bà rất quan tâm đến việc nâng cao dân trí, và khéo khuyến khích người học, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Bà dùng toàn bộ số lộc điền chúa Trịnh ban cho dọc theo bờ sông Kinh Thầy (dân gian gọi là “dải yếm Bà Chúa”) để thưởng cho những tân khoa của Kiệt Đặc luân phiên cấy cày, thu hoa lợi. Mỗi tháng hai kỳ, bà ra đề văn cho sỹ tử ở các làng làm bài, làm xong giao cho Hội tư văn niêm phong lại, rồi chuyển về kinh để bà chấm điểm. Đúng hạn, trả bài, đăng tên và điểm lên bảng ở Văn chỉ các làng xã. Có thể nói bà là người khai mở chương trình giáo dục từ xa của nước Việt. Vì thế mà dưới thời Lê Trung Hưng sự học được mở mang, nhiều người đỗ đại khoa nhờ công lao của bà. Ghi

nhận những đóng góp của bà, vua Lê phong cho bà chức Chiêu Nghi, hiệu là Nghi Ái Quan.

Khi Hoằng tổ Dương Vương Trịnh Tạc lên ngôi, tôn bà là Đức lão Lễ sư, vẫn giao trọng trách dạy các cung nhân.

Ngoài 80 tuổi, bà xin về quê hương Kiệt Đặc, dựng am Đàm Hoa trên đồi Mâm Xôi thuộc dãy núi Phượng Hoàng để sống những tháng ngày thanh đạm. Trái tim nữ Tiến sỹ tài hoa, tuyệt sắc đã ngừng đập ngày 8 tháng 11 khi ngoài 80 tuổi. Nhân dân một lòng kính trọng tôn làm Hậu thần, mến trọng gọi bằng tên nôm Bà Chúa Sao Sa.

Sự nghiệp của nữ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ là sự nghiệp của một nhà giáo dục vĩ đại. Cho dù là Tinh Phi dưới thời Mạc, hay là Lễ Phi, Chiêu Nghi, Đức lão Lễ sư dưới thời Lê - Trịnh thì bà vẫn đem hết tài năng, đức độ và sự thông tuệ của mình để cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Sau khi bà qua đời, di hài nữ Tiến sỹ được mai táng trên đồi Mâm Xôi, trên xây một ngôi tháp 9 tầng bằng gạch hồng, nhìn từ xa, sắc hồng ánh lên rực rỡ trong không gian. Trên tháp có đôi câu đối “Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương.” Đến cuối thời hậu Lê, tháp mộ của bà được các sử gia đương thời xếp vào hàng “bát cổ” của mảnh đất Chí Linh, đó chính là “Tinh Phi cổ tháp”.

Trải qua những thăng trầm nghiệt ngã của thời gian, “Tinh phi cổ tháp” bị hư hại từ đầu thế kỷ XIX. Căn cứ kết quả khảo cổ học năm 1987 có thể thấy: ngôi mộ có kiến trúc kiểu trong quan, ngoài quách. Trong mộ, vẫn còn lại một phần di cốt một số đồ tùy táng, một kẹp trầu bằng đồng thau. Quách mộ bằng đá sa thạch được gia công vuông hòm sắc cạnh như gỗ xẻ; xung quanh mộ tìm thấy nhiều gạch ngói mũi hài cỡ lớn.

Năm 1993, nhân dân địa phương đã khôi phục lại ngôi tháp giản đơn, hình trụ vuông đứng, thót dần về phía trên, xung quanh xây tường bao ngăn

cách, tạo sự ấm cúng tụ linh cho phần mộ. Đền thờ nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được xây dựng ngay dưới chân tháp, công trình có kiến trúc đơn giản gồm ba gian tiền tế và một gian hậu cung.

Năm 2012, UBND thị xã Chí Linh và phường Văn An đã tiến hành quy hoạch tổng thể khu di tích nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trên diện tích 50ha. Ngày 28 tháng 6 năm 2006, UBND tỉnh đã kí quyết định số 2283/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng đền thờ Nguyễn Thị Duệ gồm các hạng mục: Đền chính, Tả hữu vu, Tam quan, 2 am hóa vàng và cải tạo nâng cấp Lăng mộ phía sau đền.

Năm 2007, ba hạng mục chính đã hoàn thành, đó là: Đền chính, hai am hóa vàng và sân thượng. Đền thờ Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được xây dựng trên nền ngôi đền cũ trên đỉnh đồi Mâm Xôi, thế gối sơn, đạp thủy, tọa Đông Bắc hướng Tây Nam nhìn ra một đập nước mênh mông phía trước, chiều chiều cò vạc bay về khiến cho không gian vô cùng thanh bình, yên ả. Đền như một viên ngọc trong dãy núi Phượng Hoàng. Phía tây bắc là núi Huyền Ninh, núi Ông Sư có di tích “Huyền Thiên cổ tự”, phía đông nam là núi Trì Ngư có phần mộ thân phụ bà và am Đàm Hoa khi xưa bà sống những năm tháng thanh đạm cuối đời. Khu lăng mộ và Đền thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2007; năm 2014, được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Hiện nay, Khu di tích đã đang tiếp tục được trùng tu xây dựng, tôn tạo cho xứng tầm với vị thế nữ tiến sỹ đầu tiên trong lịch sử nước Việt. Thị xã Chí Linh, Công ty Thiên Phúc, cùng các nhà hảo tâm đang chuẩn bị khởi công phục dựng lại tháp mộ theo phong cách “Tinh Phi cổ tháp” trong “Chí Linh bát cổ” xưa kia; Cải tạo nâng cấp khuôn viên, hồ đập phía trước tạo ra minh đường sơn thủy hữu tình, mãi mãi là nơi đất lành chung linh tú khí, để thắp sáng mãi mãi ngọn tuệ đăng bất tử từ núi Phượng Hoàng, để truyền thống hiếu học, thi cử đăng khoa ngày một tỏa sáng.

Khu di tích Nguyễn Thị Duệ nằm trong quần thể di tích núi Phượng Hoàng, với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ, với những giá trị văn hóa tâm linh, liên quan tới sự học của đất nước, khu di tích có sức hút đặc biệt đối với giáo viên, học sinh, nữ giới nói riêng và nhân dân cả nước nói chung .

Căn cứ những giá trị văn hóa tâm linh và ý nghĩa lịch sử của di tích, Bộ VHTT&DL đã Ban hành quyết định số 2102, ngày 08 tháng 7 năm 2014 xếp hạng di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Ngày mùng 8 tháng 11 năm Ất Mùi hàng năm , nhân dân địa phương dâng hương tri ân nữ Tiến sỹ góp phần gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa, tôn vinh sự học và truyền thống hiếu học, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Hàng ngày đều có những đoàn khách từ trung ương đến địa phương, học sinh và giáo viên về đây tham quan thắp hương tri ân với nữ tiến sĩ - một nhà giáo dục vĩ đại. Mọi người đều thành tâm xin được tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc. Cầu mong Tinh Phi linh ứng phù hộ cho quốc thái dân an, đạo học mở mang, hanh thông trí tuệ, nguyên khí quốc gia mãi mãi vững bền.

Là thế hệ học sinh, chúng ta phải luôn ghi nhớ công lao đóng góp của bà. Bà là tấm gương soi sáng muôn đời về sự hiếu học và đem hết tài năng, đức độ và sự thông tuệ của mình để cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt, chúng ta càng phải ra sức học tập tu dưỡng rèn đức luyện tài góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Đồng thời chúng ta phải biết gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa, tôn vinh sự học và truyền thống hiếu học, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

BÀI THU HOẠCH

Thuyết minh về mảnh đất, con người, truyền thống của quê hương Chí Linh.

Chí Linh là mảnh đất được hình thành từ rất lâu đời. Thời Trần về trước Chí Linh có tên gọi là Bàng Châu hay Bàng Hà, thời Minh thuộc phủ Lạng Giang, sau thuộc phủ Tân An, thời Lê Sơ thế kỉ XV chính thức có tên gọi là Chí Linh. Tháng 6/1886, thực dân Pháp thành lập nha Chí Linh thuộc phủ Nam Sách, tháng 4/1947 Chí Linh thuộc tỉnh Quảng Hồng, tháng 11/1949 Chí Linh thuộc Quảng Yên; tháng 2/1955 Chí Linh thuộc Hải Dương.

Vốn có lịch sử lâu đời, Chí Linh nằm trên con đường huyết mạch cửa ngõ miền Đông Bắc của Tổ quốc, có rừng, sông hồ, làng mạc, ruộng đồng đan xen nhau, cảnh trí thật tuyệt vời với nhiều di tích lịch sử. Nơi đây là một vùng cổ tích, một khu danh thắng đặc biệt quan trọng trong cảnh quan chung của miền Đông Bắc của Tổ quốc.

Đền Kiếp Bạc là một trong những di tích lớn của quốc gia ghi lại chiến tích thời Trần với 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên- Mông của vị tướng tài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn- anh hùng dân tộc, nhà quân sự đại tài với Hịch tướng sĩ còn vọng mãi non sông.

Hay chùa Côn Sơn nơi ghi dấu tích về sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là địa danh gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Trãi với áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo. Côn Sơn có phong cảnh tuyệt đẹp với rừng thông, hồ, suối, bàn cờ tiên nổi tiếng: “Côn Sơn suối chảy rì rầm; Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”. Tại đây còn có các đền thờ Trần Nguyên Đán, Trần Nguyên Hãn và đền thờ Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

Đền Cao thuộc xã An Lạc. Ở đây có 4 ngôi đền linh thiêng thờ 5 anh em họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An - Thầy giáo của muôn đời, đạo cao, đức trọng nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An. Nơi đây còn có đền thờ Bà Chúa Sao Sa - Nguyễn Thị Duệ- nữ tiến sĩ nho học duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Đây là điểm di tích văn hoá, danh thắng tuyệt vời mà quý khách có thể đến thăm.

Chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) là ngôi chùa cổ, nơi tu hành của Phật tổ đệ nhị Pháp Loa, một trong ba vị tổ của Thiền phái trúc lâm đời Trần.

Đền Gốm – xã Cổ Thành, ngôi đền nằm sát bờ sông Kinh Thầy, nơi đây thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một danh tướng tài giỏi thời Trần…….

Ngoài những di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, Chí Linh còn có 8 danh lam cổ tích gọi là “Chí Linh bát cổ” đó là: “Trạng Nguyên cổ đường”, “Thượng Tể cổ trạch”, “Dược Lĩnh cổ viên”, “Nhạn Loan cổ độ”, “Tinh Phi cổ tháp”,, “Huyền Thiên cổ tự”, “Tiều ẩn cổ bích”, “Phao Sơn cổ thành”.

Càng tự hào hơn mảnh đất Chí Linh với phong cảnh tuyệt vời, từ xa xưa đã nổi tiếng là có nhiều bậc tiên hiền, danh sĩ. Từ thời Lý đến thời Nguyễn, Chí Linh có 56 người xuất thân nông dân đỗ Tiến sĩ, tiêu biểu như: Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Kí, Nguyễn Bỉnh Di, Nguyễn Thị Duệ….

Chí Linh được xem là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hoá tốt đẹp không chỉ có biết bao tiên hiền, danh sĩ mà còn bởi có vị trí địa lí vô cùng đặc biệt. Nằm án ngữ trên đường giao thông thuỷ, bộ từ biên giới phía Bắc về Hà Nội, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương. Phía Đông giáp Quảng Ninh, phía Tây giáp Bắc Ninh, phía Nam giáp Nam Sách, phía Bắc giáp Bắc Giang.Với phía Bắc và Đông Bắc là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông Triều, ba mặt còn lại giáp sông Kinh Thầy, sông Thái Bình, sông Đông Mai. Ngoài ra, Chí Linh chúng ta còn nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, có đường giao thông thuỷ, bộ đều rất thuận lợi.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/05/2022