Quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 2



thành lập, kinh doanh (cho một hoạt động cụ thể), đưa ra các chính sách an toàn mà các NHTM phải tuân thủ, thanh tra, giám sát và xử lý các ngân hàng yếu kém... Trong những nội dung này, quy định và quản lý các tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống NHTM phát triển an toàn và lành mạnh. Hoạt động quản lý vốn chủ sở hữu nói riêng và quản lý NHTM nói chung của NHNN được thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng tới thực hiện các yêu cầu mà Ủy ban Basel 2 đưa ra. Vốn chủ sở hữu của nhiều NHTM không chỉ thuộc sở hữu riêng của NHTM, mà còn thuộc sở hữu của Nhà nước (NHNN). Hiện nay, NHNN đang nắm giữ 113.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của 07 NHTM, chiếm ¼ số vốn chủ sở hữu của cả hệ thống. Đối với các NHTM cổ phần vốn chủ sở hữu do các cá nhân, có thể là của tư nhân hoặc các tổ chức pháp nhân ở trong và ngoài nước đóng góp. Mặc dù đa số NHTM vượt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 9% giữa vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản có rủi ro, thay vì 8% như quy định tại Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN về việc quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Song vấn đề đặt ra là hệ thống NHTM Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ ngay trong vấn đề vốn sở hữu, thể hiện qua vốn tự có thực và mức độ phức tạp trong hoạt động của các NHTM Việt Nam; trong khi thanh tra giám sát hoạt động của các NHTM còn nhiều bất cập. Điều này khiến việc tính toán tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các tỷ lệ an toàn khác không phản ánh chính xác thực trạng vốn trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam đặt ra nhiều thách thức trong quản lý các NHTM trong và sau khi tái cơ cấu, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam theo các cam kết quốc tế. Do đó, hoạt động quản lý của NHNN đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM đứng trước nhiều khó khăn khi quản lý về huy động vốn, thanh tra kiểm soát về tổ chức bộ máy, nhân sự điều hành cũng như các tỷ lệ an toàn...

Qua trình bày trên cho thấy, cần có những luận cứ khoa học chứng minh sự cần thiết phải hoàn thiện công tác quản lý của NHNN đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM tại Việt Nam và những luận cứ khoa học nhằm đưa ra những gợi ý chính sách, kiến nghị, giải pháp cho NHNN Việt Nam trong việc quản lý vốn chủ sở hữu của các NHTM tại Việt Nam.



2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Jun Hua Sun (2009) “Basel 2 implementation in the chinese banking system”: Báo cáo này đánh giá việc thực hiện tiêu chuẩn quốc tế Basel 2 trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Trong báo cáo này, tác giả xem xét hiệp định Basel, bao gồm Basel 1 và Basel 2, cũng như tiến hành so sánh chi tiết và phân tích các thay đổi chính sách và tác động của hiệp ước này vào ngân hàng quốc tế. Sau đó, tác giả tóm tắt sự phát triển vốn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc và các đặc trưng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện có. Nhìn chung, các kết quả của nghiên cứu cho thấy bốn đặc trưng quan trọng của các ngân hàng Trung Quốc, cụ thể là, quy mô và chất lượng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn và lợi nhuận, đã được tăng lên trong việc tuân thủ tiêu chuẩn Basel 2, đặc biệt là cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Từ đó, tác giả đưa ra những khuyến nghị tập trung chủ yếu vào việc thực hiện phương pháp tiếp cận IRB cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc và một khung giám sát cho cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc [5].

Monetary authority of Singapore (MAS, 2006) ban hành “Proposals for the Implementation of Basel 2 in Singapore”. Văn bản giới thiệu khung tiêu chuẩn và hướng dẫn để thực hiện Basel 2, cũng như các yêu cầu chung liên quan đến phạm vi áp dụng, tỷ lệ an toàn vốn, thỏa thuận chuyển tiếp và định nghĩa về vốn. Văn bản cũng đề xuất các tiêu chuẩn cho các phương pháp tiếp cận rủi ro hoạt động đơn giản theo Basel 2. Cấu trúc của văn bản tuân theo ba trụ cột của Basel 2. Trụ cột 1 quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và phương pháp sử dụng để tính toán tỷ lệ này. Trụ cột 2, MAS đặt ra kỳ vọng đối với các đánh giá nội bộ liệu một ngân hàng có đủ vốn để trang trải cho các rủi ro. Trụ cột 3 quy định các yêu cầu công bố tối thiểu của một ngân hàng liên quan đến an toàn vốn nhằm tuân thủ kỷ luật thị trường [7].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Kozo Ishimura (2008) “The impact of the Basel 2 accord on the US. and Japanese financial systems”. Bài viết này xem xét nỗ lực pháp lý của các nước hiện nay để thực hiện Basel 2 và xem xét khoảng cách giữa các mục tiêu theo khuôn khổ quốc tế và thực tế ở Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nó cũng đề cập đến câu hỏi về cách thức


Quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 2


Basel 2 sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của mỗi nước. Tác giả kiểm tra những thay đổi xung quanh quy định tuân thủ Basel cũng như chỉ ra sự khác biệt trong cơ cấu quản lý giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều này nhấn mạnh rằng các điều kiện khác nhau trong hệ thống tài chính dẫn đến những thách thức và xung đột khác nhau trong từng nước. Từ đó, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan giám sát tài chính nhằm điều tiết hệ thống tài chính hiện nay [6].

Basel committee on banking supervision (2006) công bố “Result of the fifth quanlitative impact study (QIS 5)”. Để đánh giá ảnh hưởng của Khuôn khổ Basel 2 về mức vốn, Ủy ban Basel đã tiến hành đề tài nghiên cứu toàn cầu lần thứ 5 (QIS 5) tại 31 quốc gia gồm tất cả các nước G10 (ngoại trừ Mỹ) và 19 nước không thuộc G10. Báo cáo này tóm tắt các kết quả của QIS 5. Ban Thư ký của Ủy ban Basel đã nhận được dữ liệu từ 56 ngân hàng nhóm 1 nằm trong các nước G10, 146 ngân hàng nhóm 2 (bao gồm cả một số Ngân hàng Đức trên cơ sở của QIS 4 trở về trước) và 155 ngân hàng từ các nước khác. Mục tiêu chính của nghiên cứu là để cho phép Uỷ ban đánh giá tiềm năng những thay đổi về mức vốn tối thiểu phải có theo khung Basel 2. QIS 5 phản ánh tất cả những thay đổi gần đây với khung Basel 2, đặc biệt là việc tuân thủ khuôn khổ tính toán trọng số tài sản rủi ro, sự thay đổi trong dự phòng và các yếu tố áp dụng cho các tài sản rủi ro tín dụng [2].

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Đào Ngọc Chuyền (2012), Luận án tiến sĩ “Chiến lược tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế”. Trong luận án này, tác giả đã trình bày những vấn đề cơ bản về chiến lược tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, phân tích thực trạng tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam và đưa ra các giải pháp tiếp tục thực hiện chiến lược tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước trong tiến trình hội nhập [34].

Nguyễn Đức Trung (2012), Luận án tiến sĩ “Đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trên cơ sở áp dụng hiệp ước Basel 2”. Đây là luận cứ khoa học về đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thương mại trên cơ sở áp dụng



hiệp ước tiêu chuẩn vốn quốc tế Basel. Luận án đã tập trung làm rõ các quan niệm về an toàn ngân hàng, làm rõ các nội dung đánh giá an toàn ngân hàng trên giác độ vi mô và vĩ mô; chỉ rõ nội dung và ý nghĩa của tiêu chuẩn vốn quốc tế Basel đối với việc góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Từ đó, luận án phân tích thực trạng đảm bảo an toàn đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam theo tiêu chuẩn của Basel 2, rút ra một số mặt còn tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại trong đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và đưa ra các định hướng, lộ trình nhằm áp dụng Basel 2 và 3 theo định hướng đảm bảo an toàn hệ thống NHTM Việt Nam, xây dựng các giải pháp và kiến nghị nhằm đảm bảo việc áp dụng Basel 2 và 3 tại Việt Nam [43].

Ủy ban giám sát ngân hàng (bản dịch 2008), “Basel 2: Sự thống nhất quốc tế về đo lường và các tiêu chuẩn vốn”. Bản dịch trình bày các chuẩn mực Basel 2 trong đo lường và quản lý rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế của ngân hàng. Bản dịch được dịch từ phiên bản toàn diện bằng tiếng Anh năm 2006 của Ủy ban Basel và là tài liệu được biên soạn tổng hợp từ Cấu trúc khung Basel 2 tháng 6 năm 2004 các yếu tố của Hiệu ước 1988 mà không được sửa đổi trong quá trình của Basel 2, Chỉnh sửa năm 1996 theo Hiệp ước vốn có liên kết với các rủi ro thị trường và bài báo năm 2005 về Áp dụng Basel 2 theo các hoạt động giao dịch và Đối xử về hiệu ứng không trả nợ hai lần. Không có các yếu tố mới nào khác được giới thiệu trong biên soạn này. Theo phiên bản toàn diện này, tất cả các nội dung của Hiệp ước Basel 2 năm 2004 đều được giữ nguyên, trong đó một số mục được thay thế bằng một hoặc các mục mới làm rõ hơn và cụ thể hơn, nhưng không làm mất đi các nội dung của mục đã được đề cập trong Hiệp ước Basel 2 phiên bản 2004. Bản dịch bao hàm các nội dung có ý nghĩa là các mốc dịch mà các định chế tài chính cần hướng tới để thực hiện, là tài liệu đáng được tham khảo để làm rõ hơn các phương pháp đo lường, các tiêu chí và các vấn đề trong quá trình hoạch định con đường đi đến thực hiện Basel 2I [9].

Trương Quốc Cường (2012) với bài viết “Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng Việt Nam – nhìn từ tiêu chuẩn Basel” đã phân tích một số khía cạnh của các



quy định về an toàn hoạt động ngân hàng Việt Nam hiện nay, mà chủ yếu là các quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN “Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng” ban hành ngày 20/5/2010 và các thông tư sửa đổi liên quan. Đồng thời, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trên cơ sở áp dụng Basel 2 và Basel 3 [12].

Lê Thị Lợi (2013), “Vốn chủ sở hữu trong các ngân hàng tại Việt Nam, các vấn đề về quản trị vốn”. Bài viết tập trung phân tích thực trạng tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại Việt Nam đồng thời chỉ ra các vấn đề phát sinh trong quản trị vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại về quy mô và hiệu quả hoạt động, về vấn đề tăng trưởng vốn và an toàn hoạt động, về khả năng đáp ứng, khả năng tài chính của các cổ đông trong việc tăng vốn, về quản trị và giám sát vốn. Từ đó, bài viết đưa ra một số định hướng và gợi ý điều hành quản trị vốn chủ sở hữu tại các ngân hàng thương mại Việt Nam [22].

Phan Diên Vỹ (2013), Luận án Tiến sĩ “Sáp nhập, hợp nhất và mua bán ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam”. Luận án đã tổng hợp các nội dung cần thiết để làm sáng tỏ cơ sở lý luận về hoạt động M&A ngân hàng. Đồng thời dựa vào quá trình phát triển, thực trạng hoạt động M&A ngân hàng TMCP Việt Nam để có những phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân đang tồn tại. Từ đó, Luận án đưa ra định hướng phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam đến năm 2020, những quan điểm của NHNN Việt Nam đối với hoạt động M&A ngân hàng, xây dựng các nhóm giải pháp cho lộ trình M&A ngân hàng TMCP Việt Nam đến năm 2020. Tác giả khẳng định M&A ngân hàng là một chiến lược kinh doanh cốt lõi trong hoạt động ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại [49].

Nguyễn Quỳnh Hoa (2014), Luận án Tiến sĩ “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”. Trong Luận án, tác giả đã tổng hợp cơ sở lý luận về tái cấu trúc hệ thống NHTM bao gồm tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc hệ thống quản trị và tái cấu trúc sở hữu, đồng thời đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc hệ thống NHTM và rút ra bài học kinh nghiệm



trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam. Từ đó, luận án tập trung phân tích, đánh giá thực trạng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam và đưa ra hai nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc của các NHTM Việt Nam đến năm 2020 gồm nhóm giải pháp vĩ mô và giải pháp từ phía các NHTM Việt Nam [19].

Tô Ngọc Hưng (2010) với bài viết “Lộ trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính Việt Nam tới năm 2020”. Ngày nay, xu thế thành lập một cơ quan giám sát tài chính hợp nhất khá phổ biến trên thế giới. Do sự thành công của một số quốc gia khi áp dụng mô hình này nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra đối với hệ thống giám sát tài chính bao gồm: ổn định hệ thống tài chính, đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của các định chế tài chính, bảo vệ người tiêu dùng các sản phẩm tài chính và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, để cơ quan giám sát tài chính thực sự mang lại hiệu quả, cần có một chiến lược cho sự phát triển của hệ thống giám sát tài chính quốc gia. Trong bài viết, tác giả góp phần giải quyết vấn đề này qua các nội dung: Thứ nhất, định hướng phát triển hệ thống giám sát tài chính Việt Nam tới năm 2020 vừa phù hợp với thể chế, pháp luật, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, vừa hiện đại, hợp lý về cơ cấu, có khả năng huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thứ hai, xây dựng lộ trình hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính Việt Nam tới năm 2020 qua hai giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 củng cố hiệu lực hệ thống giám sát chuyên ngành và chuẩn bị điều kiện cho mô hình giám sát hợp nhất dạng chuyển đổi; Giai đoạn 2015-2020 hoàn thiện mô hình giám sát hợp nhất với việc hình thành hệ thống thanh tra – giám sát theo 2 cấp là Ủy ban giám sát tài chính Nhà nước và Cơ quan thanh tra giám sát quốc gia. Thứ ba, đưa ra các kiến nghị thực hiện giải pháp theo lộ trình [20].

2.3. Những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu, giải quyết

Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về vốn, quản lý vốn của NHTM dưới những hình thức khác nhau, nhưng do yêu cầu, phạm vi, mục đích khác nhau và thời điểm công bố, những công trình nghiên cứu trên chưa tập trung nghiên cứu nhiều về quản lý vốn chủ sở hữu của NHTM đứng từ góc độ cơ quan quản lý là NHNN Việt Nam, nhất là trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, khi hoạt động của các NHTM Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, nợ xấu tăng cao, nhiều



NHTM phải sáp nhập hoặc bị NHNN mua lại. Vì thế tính đến thời điểm này chưa có công trình nghiên cứu, phân tích, tổng hợp đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về quản lý của NHNN Việt Nam đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM tại Việt Nam. Từ các công trình nghiên cứu trên có thể thấy rằng, khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu là:

Một là, Nội dung quản lý của NHNN đối với NHTM trong quản lý vốn chủ sở hữu chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Hai là, Tiến trình áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Basel 2 ở Việt Nam mà NHNN quy định cho các NHTM là đến năm 2018, sau khi thí điểm đối với 10 NHTM lớn ở Việt Nam. Các vấn đề cần được làm rõ trong việc đánh giá thực trạng hoạt động quản lý vốn chủ sở hữu của NHTM tại NHNN.

Ba là, Theo quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam, quy mô và cơ cấu các NHTM có nhiều thay đổi để tạo ra một số NHTM lớn đạt quy mô trung bình trong khu vực. Quá trình này đặt ra nhiều vấn đề không chỉ quản lý vốn chủ sở hữu mà còn liên quan đến một số vấn đề như hoạch định chính sách, tổ chức bộ máy, cơ cấu nhân sự, thanh tra giám sát…

Bốn là, Thực hiện quản lý vốn chủ sở hữu của các NHTM, NHNN cũng gặp khó khăn về nguồn lực đầu vào khi mà áp lực hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động kinh doanh tiền tệ ngày càng lớn và sâu rộng, đòi hỏi phải hoàn thiện về chính sách và có các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý vốn chủ sở hữu của NHNN đối với các NHTM hiệu quả hơn.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Đề xuất các luận cứ khoa học và giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý của NHNN đối với vốn chủ sở hữu các NHTM tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên luận án tập trung làm rõ 2 câu hỏi nghiên cứu chính sau:

1. Sự cần thiết phải hoàn thiện công tác quản lý của NHNN đối với vốn chủ sở hữu các NHTM tại Việt Nam?

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện quản lý về vốn chủ sở hữu đối



với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam như thế nào trong điều kiện hiện nay?

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hệ thống hóa và làm rõ hơn những vấn đề lý luận cơ bản về vốn chủ sở hữu và hoạt động quản lý của NHTW đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM.

- Phân tích kinh nghiệm quản lý vốn/vốn chủ sở hữu NHTM của NHTW một số quốc gia khu vực và thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho NHNN Việt Nam.

- Phân tích, đánh giá thực trạng nguồn vốn và các tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM Việt Nam, trên cơ sở đó đánh giá hoạt động quản lý của NHNN Việt Nam đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015.

- Đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện quản lý của NHNN Việt Nam đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động quản lý của NHTW đối với vốn chủ sở hữu của các NHTM.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung nghiên cứu:

+ Về nguồn vốn chủ sở hữu: luận án tập trung nghiên cứu vốn chủ sở hữu (vốn cấp 1 và vốn cấp 2) của các NHTM.

+ Các nội dung về quản lý vốn chủ sở hữu sẽ tập trung chủ yếu vào :

(i) Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, quy định về vốn chủ sở hữu

(ii) Thanh tra, giám sát việc tuân thủ các quy định

- Về thời gian nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu giai đoạn 2010-2015.

- Về không gian nghiên cứu: Từ thực tế quản lý vốn của NHNN Việt Nam đối với các NHTM nhằm đảm bảo cho hệ thống NHTM vận hành an toàn và hiệu quả, luận án lựa chọn khảo sát và sử dụng số liệu của 10 ngân hàng; trong đó có các NHTM nhà nước sở hữu 100% (Agribank), NHTM cổ phần nhà nước chiếm cổ phần chi phối (VCB, BIDV và Vietinbank), 6 NHTM có số vốn chủ sở hữu lớn là ACB, Techcombank, Maritime Bank, VPBank, MB, Eximbank. 8 ngân hàng trong

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/05/2023