Tổng Quan Về Quản Lý Ctcp Theo Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam‌


phiếu phát hành. Đây là điểm khác nhau cơ bản về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh giữa CTCP với các loại hình công ty đối nhân. Đối với công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và đối với công ty đối nhân hay doanh nghiệp một chủ theo quy định của hầu hết các nước thì các thành viên hợp danh và chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cá nhân vô hạn về các nghĩa vụ của công ty hay của doanh nghiệp bằng tài sản của mình bất kể tài sản đó có liên quan đến hoạt động kinh doanh hay không.

Như vậy, khi đầu tư vào CTCP nếu mức độ rủi ro chỉ giới hạn trong số lượng giá trị cổ phiếu mà các cổ đông đã đầu tư, thì ngược lại, khi đầu tư vào công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân mức độ rủi ro là vô hạn. Với tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn như trên, CTCP thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác mà ở đó nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm vô hạn. Chính nhờ lợi thế này nên các CTCP có khả năng huy động lớn các nguồn vốn đầu tư của xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Thứ ba, Việc chuyển nhượng các phần vốn góp được thực hiện một cách tự do: Hầu hết pháp luật về công ty của các nước trên thế giới đều quy định và cho phép chuyển nhượng một cách dễ dàng và tự do các loại cổ phiếu do CTCP phát hành từ cổ đông sang chủ sở hữu mới. Vì khác với các loại hình công ty khác, vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Việc góp vốn vào CTCP được thực hiện bằng cách mua cổ phiếu nên cổ phiếu được xem là hình thức thể hiện phần vốn góp của các cổ đông. Các cổ phiếu do CTCP phát hành là “hàng hóa” nên các cổ đông khi sở hữu cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng; hơn thế nữa trách nhiệm của các cổ đông chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị các cổ phiếu mà họ sở hữu nên khi họ muốn rút lui khỏi công việc kinh doanh hay muốn bán cổ phiếu của mình cho người khác thì họ thực hiện rất dễ dàng. Đó là lý do giải thích vì sao có rất nhiều người muốn đầu tư vào CTCP chứ không muốn đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác. Đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết cho việc hình thành và phát triển thị trường chứng khoán.


Thứ tư, CTCP có cơ cấu vốn và tài chính linh hoạt, có thể huy động được vốn theo yêu cầu kinh doanh: CTCP không thể được thành lập và không thể hoạt động nếu không có vốn. Vốn quyết định và chi phối toàn bộ hoạt động, quan hệ nội bộ cũng như quan hệ với các đối tác bên ngoài. Trong quan hệ nội bộ, vốn của công ty được xem là cội nguồn của quyền lực. Với đặc trưng là loại hình công ty đối vốn, quyền lực trong CTCP sẽ thuộc về những ai nắm giữ phần lớn số vốn trong công ty. Trong quan hệ với bên ngoài, vốn của CTCP là một dấu hiệu chỉ rõ thực lực tài chính của công ty. Tuy nhiên, khác với nhiều yếu tố khác, vốn trong CTCP là yếu tố năng động nhất. Các quy luật kinh tế thị trường chỉ ra rằng cùng với sự lưu thông hàng hóa là sự lưu thông tiền tệ, tức là sự chu chuyển các nguồn vốn. Sự phát triển của CTCP tỷ lệ thuận với sự luân chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế. Sự vận động của vốn trong CTCP vừa chịu sự chi phối khách quan của các qui luật kinh tế, vừa bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của con người. Điều này đặt ra một đòi hỏi là con người phải tạo ra cách góp vốn, cách tổ chức và quản lý vốn để có thể đáp ứng được sự vận động linh hoạt của vốn. Sự linh hoạt trong vận động của vốn vừa phải thích ứng với yêu cầu đòi hỏi đa dạng của nhà đầu tư, vừa không mất đi bản chất vốn có của CTCP. Điều đó có nghĩa là phải tạo cho bản thân CTCP khả năng chuyển nhượng các phần vốn góp một cách dễ dàng song tư cách pháp nhân của công ty không vì sự chuyển nhượng đó mà bị thay đổi.

LDNVN 2005 quy định một CTCP có thể qui định và phát hành nhiều loại cổ phiếu khác nhau như: cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi (trong cổ phiếu ưu đãi có: cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và các loại cổ phiếu ưu đãi khác) và các loại trái phiếu. Đây sẽ là những loại chứng khoán được phát hành rộng rãi ra công chúng nhằm tăng khả năng thu hút vốn đầu tư cho kinh doanh của CTCP. Ngoài ra, với việc xác lập mệnh giá của cổ phiếu thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư dù cho khả năng tài chính không nhiều nhưng vẫn có khả năng tham gia đầu tư vốn vào CTCP.

Thứ năm, Tính ổn định trong hoạt động kinh doanh và không hạn chế về thời gian tồn tại: Đối với các loại hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh, sự tồn tại của các doanh nghiệp này luôn luôn gắn liền với tư cách của chủ sở hữu


doanh nghiệp hay các thành viên hợp danh bởi vì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này có thể sẽ bị kết thúc cùng với cái chết hay sự rút lui của chủ doanh nghiệp tư nhân hay của một trong các thành viên hợp danh công ty. Khác với các loại hình doanh nghiệp trên, hoạt động kinh doanh của CTCP hoàn toàn không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì có thể xảy ra đối với các cổ đông trong CTCP; bởi vì CTCP có tư cách pháp nhân độc lập nên nếu có bất kỳ sự rút lui, sự phá sản hoặc thậm chí cái chết nào có thể xảy ra đối với các cổ đông thì CTCP vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển mà hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì cả. Đây chính là một ưu điểm bảo đảm cho việc kinh doanh của CTCP diễn ra một cách liên tục và ổn định. Mặt khác, pháp luật công ty của một số nước đều không hạn chế về thời gian tồn tại của CTCP trừ những trường hợp như: công ty phá sản hoặc các cổ đông cùng thỏa thuận chấm dứt hoạt động hay vì một lý do nào khác mà điều lệ công ty quy định. Chính sự ổn định trong kinh doanh và thời gian hoạt động lâu dài đã khiến CTCP được ưa chuộng hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Thứ sáu, CTCP có cơ chế quản lý tập trung cao và minh bạch: Với tư cách là một pháp nhân độc lập, ở CTCP có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và việc quản lý công ty. Trong CTCP, việc quản lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty được giao cho ban giám đốc mà không trải đều cho tất cả các cổ đông. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và việc quản lý còn được thể hiện ở chỗ Luật Công ty hiện đại của một số nước còn qui định cho phép giám đốc quản lý công ty có thể không phải là cổ đông của công ty. Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty và là người điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Rõ ràng việc quy định như vậy một mặt thu hút được những người quản lý chuyên nghiệp được CTCP thuê làm công tác quản lý, mặt khác việc tách biệt vai trò chủ sở hữu với chức năng quản lý đã tạo cho CTCP có được sự quản lý tập trung cao thông qua cơ chế quản lý hiện đại, lành nghề nên rất phù hợp với điều kiện quản lý trong các doanh nghiệp có quy mô lớn.


Quản lý Công ty cổ phần theo quy định của pháp luật Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - 3

II. Tổng quan về quản lý CTCP theo quy định của Pháp Luật Việt Nam‌

1. Khái niệm quản lý CTCP

Định nghĩa

Khi nói đến quản lý CTCP là nói đến các trung tâm hay cơ cấu quyền lực ở đó. Theo quan niệm của luật học, quản lý CTCP là phương thức tổ chức các cơ quan quyền lực trong công ty và mối quan hệ quyền lực giữa các cơ quan đó. Chính vì có liên quan đến việc bố trí và tổ chức quyền lực, nên quản lý CTCP còn được gọi là “Cơ cấu quản lý CTCP” (Corporate Governance Structure)1. Nhìn chung, trong các

CTCP thông thường thiết lập ba cơ quan có quyền lực chủ yếu là Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Theo nghĩa hẹp, quản lý CTCP có nghĩa là cách thức tổ chức và phân chia quyền lực giữa ba cơ quan nêu trên và mối quan hệ giữa chúng. Luật Công ty Anh Quốc (năm 1985) xác định quản lý công ty là một thiết chế pháp lý về mối quan hệ giữa cổ đông, thành viên HĐQT và kiểm soát viên. Theo đó, các thành viên HĐQT là người quản lý điều hành và lãnh đạo công ty thực hiện mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận; các cổ đông bảo đảm các thành viên HĐQT làm việc đúng hướng và đúng luật pháp; và các kiểm soát viên thực hiện quyền và nhiệm vụ giám sát hoạt động quản lý kinh doanh của HĐQT để bảo đảm công ty không có sai phạm về tài chính và bảo đảm HĐQT được đề xuất báo cáo tài chính một cách chân thực và công bằng.

Tại Việt Nam, khái niệm quản lý CTCP cũng tương tự như ở các nước khác. Theo Tiến sỹ Phạm Ngọc Côn: “Cơ cấu quản lý doanh nghiệp là sự thiết lập, vận hành của các cơ quan quyền lực trong doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực đó. Một cơ cấu quản lý doanh nghiệp có hiệu quả được thể hiện ở sự hợp tác lâu dài giữa những người có quan hệ lợi ích trên cơ sở cân đối trách

nhiệm, quyền hạn và lợi ích”2. Ở đây, “doanh nghiệp” có thể được hiểu là CTCP.


1 Mai Thận Thực (2001), Luận về sự vận hành của cơ cấu quản lý công ty hiện đại, Nxb Pháp Chế, Trung Quốc, tr.7.

2 Phạm Ngọc Côn (2002), Một số ý kiến nhằm hoàn thiện việc quản lý ở doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 3/2002, tr.49.


Trên cơ sở tham khảo các khái niệm nêu trên và nghiên cứu các quy định của LDNVN 2005 về cơ cấu tổ chức quản lý CTCP, Quản lý CTCP được trình bày trong phạm vi khóa luận được định nghĩa là cách thức tổ chức các cơ quan quyền lực của công ty bao gồm ĐHĐCĐ, HĐQT, GĐ/TGĐ, BKS và mối quan hệ quyền lực giữa các cơ quan đó.

1.2. Đặc trưng của việc quản lý CTCP

Sự khác biệt mang tính bản chất giữa CTCP và các doanh nghiệp cổ điển chính là việc quyền sở hữu tách biệt với quyền quản lý điều hành, hay nói cách khác tức là chủ sở hữu công ty xa rời với việc quản lý điều hành. Chính vì thế, vấn đề làm sao tạo ra sự tự do không quá lớn, sự giám sát không quá yếu để khuyến khích những người quản lý điều hành (thường là thành viên ban giám đốc, HĐQT) hành động một cách năng động, sáng tạo, linh hoạt vì lợi ích của chủ sở hữu công ty đã trở thành một bài toán khó từ hàng trăm năm nay đối với vấn đề quản lý CTCP. Đi theo vấn đề trên chính là sự phân chia quyền lực giữa các cơ quan quản lý trong công ty để tạo ra một cơ chế vừa bảo đảm cổ đông được thực hiện quyền sở hữu công ty vừa bảo đảm cho nhóm người quản lý điều hành có quyền thiết thực để quản lý kinh doanh có hiệu quả. Trong cơ cấu tổ chức quản lý CTCP, toàn thể các cổ đông hợp thành một cơ quan để hình thành ý chí và thể hiện lợi ích của toàn thể các cổ đông, đó là ĐHĐCĐ - cơ quan quyết định cao nhất. Cơ quan này xây dựng và thông qua một quy chế quản lý chung được gọi là Điều lệ. Theo Điều lệ công ty, ĐHĐCĐ bầu ra và ủy quyền một số người để hình thành cơ quan chấp hành là HĐQT để thực hiện ý chí của cơ quan quyết định. Bên cạnh cơ quan chấp hành, ĐHĐCĐ lại bầu ra và ủy quyền cho một nhóm người để hình thành cơ quan giám sát là BKS để thường xuyên kiểm soát hoạt động quản lý điều hành của cơ quan chấp hành. Cơ cấu quản lý như vậy đã thể hiện sự tách biệt giữa quyền sở hữu với quyền quản lý kinh doanh và sự cân bằng giữa các cơ quan quyền lực trong nội bộ công ty.

Như vậy, có thể nói rằng, cơ sở của chế độ quản lý CTCP chính là cơ chế phân quyền và mối quan hệ quyền lực giữa các cơ quan quyền lực trong công ty trên cơ sở tách biệt quyền sở hữu với quyền quản lý kinh doanh của công ty.


1.3. Trọng tâm của quản lý CTCP

Khi công việc quản lý kinh doanh ngày càng phức tạp và chuyên nghiệp thì quyền chi phối công ty của nhóm người quản trị ngày càng lớn, trong khi đó đông đảo các nhà đầu tư (các cổ đông), do đã chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho công ty, đã từ chủ sở hữu tài sản trở thành người chỉ thu nhận khoản tiền lợi tức theo định kỳ. Nhưng về mặt pháp lý, cổ đông vẫn là chủ sở hữu của công ty. Cổ đông có quyền yêu cầu có một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các quyền lợi của mình cũng như để công ty được đứng vững và phát triển mạnh mẽ. Cho nên, vấn đề làm sao để xây dựng một cơ chế hợp lý để các cổ đông có thể kiểm soát và khống chế hoạt động của HĐQT và đội ngũ giám đốc đã trở thành một vấn đề được quan tâm rộng rãi. Đó chính là trọng tâm của việc quản lý CTCP.

2. Nguồn luật điều chỉnh việc quản lý CTCP ở Việt Nam

2.1. Các văn bản luật và dưới luật do nước CHXHCN Việt Nam ban hành

- Luật Doanh Nghiệp Việt Nam năm 2005: là nguồn luật chủ yếu điều chỉnh việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của CTCP. LDNVN 2005 có 172 điều khoản, trong đó có 54 điều khoản quy định riêng về CTCP.

- Các văn bản luật chuyên ngành: Chẳng hạn như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Dầu khí, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, v.v. Ngoài ra, các Luật sửa đổi, bổ sung các luật trên và các luật chuyên ngành khác được Quốc hội thông qua sau khi Nghị định 139/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cũng là nguồn luật điều chỉnh việc quản lý CTCP. Các luật chuyên ngành này được áp dụng khi có sự khác nhau giữa các quy định của LDN 2005 với các luật này về việc quản lý CTCP;

- Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/09/2007 về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;

- Quyết định 12/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 13/03/2007 về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán;

- Quyết định 15/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/03/2007 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.


- Nghị Quyết 71/2006/QH11 của Quốc Hội ngày 29 tháng 11 năm 2006 về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập WTO của nước CHXHCNVN.

- Các văn bản dưới luật khác của các luật chuyên ngành đã kể ở trên;

- Các văn bản dưới luật sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản dưới luật kể trên được Quốc hội thông qua sau khi Nghị định 139/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

2.2. Các Điều ước quốc tế

Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN là thành viên có quy định khác với quy định của LDN 2005 về vấn đề quản lý CTCP thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Trong trường hợp này, nếu các cam kết song phương có nội dung khác với cam kết đa phương thì áp dụng theo nội dung cam kết thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. (Khoản 2 điều 3 Nghị định 139/2007/NĐ-CP).

3. Khái quát chung về quản lý CTCP theo quy định của LDNVN 2005

Điều 95 LDN 2005 quy định: CTCP có ĐHĐCĐ, HĐQT, GĐ/TGĐ; đối với CTCP có trên 11 thành viên (n >11) là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có BKS.


Sơ đồ 1: Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần của Việt Nam


Như vậy, theo LDNVN 2005, trong CTCP có bốn cơ quan quyền lực là: ĐHĐCĐ, HĐQT, GĐ/TGĐ và BKS. BKS chỉ bị buộc phải lập nếu CTCP có trên 11 cổ đông là cá nhân, hoặc có một tổ chức nắm trên 50% tổng số cổ phần của công ty.

3.1. Đại hội đồng cổ đông

Thành phần ĐHĐCĐ:

ĐHĐCĐ gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của CTCP (khoản 1 điều 96). Cổ đông là tổ chức có quyền cử một hoặc một số người đại diện theo ủy quyền tham gia vào ĐHĐCĐ để thực hiện các quyền cổ đông của mình theo quy định của pháp luật (khoản 3 điều 96).

Cổ đông có quyền biểu quyết là cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông (được gọi là cổ đông phổ thông) và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết. Cổ đông không có quyền biểu quyết là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

Quyền và nhiệm vụ của ĐHĐCĐ:

Khoản 2 điều 96 LDN 2005 quy định quyền và nhiệm vụ của ĐHĐCĐ gồm:

Quyết định số phận của công ty: Bao gồm (i) Quyết định thông qua định hướng phát triển của công ty; (ii) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ; (iii) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty.

Quyết định tài chính của công ty: Bao gồm (i) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán, quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác;

(ii) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ không quy định một tỷ lệ khác; (iii) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm; (iv) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại.

Quyết định người lãnh đạo công ty: (i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, thành viên BKS, xem xét và xử lý các vi phạm của HĐQT, BKS gây thiệt hại cho công chúng và cổ đông công ty; (ii) Xem xét và xử lý các vi phạm của HĐQT, BKS gây thiệt hại cho công ty và cổ đông của công ty.

Ngày đăng: 08/09/2022