Chiến Lược Xây Dựng Quân Chủng, Mục Tiêu Đầu Tư Xây Dựng Cơ Bản Và Nhu Cầu Chi Ngân Sách Nhà Nước Cho Đầu Tư Xây Dựng Cơ Bản Ở Quân Chủng Phòng


TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Trong chương 3, trên cơ sở lý luận chung về quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản trong quân đội tác giả đã tiến hành khái quát lịch sử hình thành và phát triển của quân chủng Phòng không - Không quân, thực trạng quản lý chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản ở quân chủng Phòng không - Không quân trên năm nội dung: (i) Phân cấp quản lý chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản; (ii) Lập dự toán chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản; (iii) Tổ chức chấp hành dự toán chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản; (iv) Quyết toán chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản; (v) Kiểm tra, kiểm soát chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Phân tích, đánh giá thực trạng quản lý chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản dựa trên việc khảo sát số liệu chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quân chủng Phòng không - Không quân. Kết quả cho thấy công tác quản lý chi NSNN cho ĐT XDCB ở quân chủng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn đã căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, chủ trương của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng về chiến lược xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chủ trương xây dựng của Quân chủng Phòng không - Không quân.; công tác phân bổ dự toán ngân sách cơ bản đã xác định được thứ tự ưu tiên; tổ chức lựa chọn nhà thầu đúng quy định; kiểm soát, thanh toán chi NSNN cho ĐTXDCB đúng quy định, công tác quyết toán được chú trọng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn; công tác kiểm tra, kiểm soát phát huy được hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên còn một số tồn tại, hạn chế về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; lựa chọn nhà thầu, cấp phát thanh toán...Nguyên nhân do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng; năng lực của chủ đầu tư có nội dung còn hạn chế, việc áp dụng quy định về lựa chọn nhà thầu có nội dung chưa phù hợp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; hệ thống luật pháp, chính sách còn chồng chéo, chưa rõ ràng; áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý còn hạn chế... trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý chi NSNN cho ĐT XDCB trình bày ở chương 4.


Chương 4

HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN Ở QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

4.1. CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG QUÂN CHỦNG, MỤC TIÊU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN VÀ NHU CẦU CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN Ở QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

4.1.1. Chiến lược xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân

Hiện nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tác động to lớn đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực nhất là tình hình Biển Đông đặt ra yêu cầu cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định Xây dựng quân đội nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số Quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Là một trong những lực lượng tiếp tục được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xác định để tiến lên hiện đại phải thực hiện đồng bộ hai yếu tố: con người và vũ khí, trang bị; trong đó, con người đóng vai trò quyết định. Trên cơ sở đó, Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng. Chú trọng xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, thế trận phòng không nhân dân; đổi mới công tác giáo dục chính trị, huấn luyện, đào tạo, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật,... tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước cải tiến, mua sắm vũ khí, khí tài, trang bị mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.


Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội, Đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rõ phương hướng, mục tiêu: “Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân chủng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, biên chế; đổi mới công tác huấn luyện, giáo dục đào tạo, tập trung vào huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay; huấn luyện làm chủ và khai thác có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, khí tài mới, cải tiến”. Trong xây dựng hiện đại hóa, Quân chủng đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhiều loại trang bị, vũ khí mới hiện đại, ưu tiên đầu tư vũ khí, trang bị, phương tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn... Thực hiện tốt việc phát huy nội lực, chủ động ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ để sản xuất, nâng cấp, cải tiến, sửa chữa nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật của một số loại vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế, bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện. Chú trọng tích hợp dây chuyền, năng lực công nghệ của các nhà máy, phát huy sức mạnh của nền công nghiệp Việt Nam trong phục vụ nhiệm vụ quốc phòng nói chung và nhiệm vụ của Quân chủng nói riêng, từng bước loại khỏi biên chế những trang bị kỹ thuật cũ, hỏng. Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo doanh trại, trận địa, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, công trình phòng thủ chiến lược, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao khả năng chiến đấu của Quân chủng.

Quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quân chủng Phòng không - Không quân - 18

4.1.2. Mục tiêu đầu tư xây dựng cơ bản và nhu cầu chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quân chủng Phòng không - Không quân

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quân chủng cần đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, công trình sân bay, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo thế trận phòng thủ và tiến công vững chắc, nâng cao tiềm lực quốc phòng và sức chiến đấu của Quân chủng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bên cạnh đó Quân chủng cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống nhà cửa, hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng hệ thống điện, đường, công trình kỹ thuật che đậy vũ khí trạng bị, khí tài, công trình huấn luyện,


đảm bảo tiêu chuẩn vật chất hậu cần, hiện đại hóa hệ thống bệnh viện, trường học, xây dựng hệ thống nước sạch nâng cao đời sống bộ đội. Tuy nhiên, đặc điểm Quân chủng đóng quân trên địa bàn trải dài từ bắc vào nam, trong đó có nhiều điểm đóng quân là biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Hệ thống doanh trại, trận địa nhiều đơn vị được xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 quân chủng vẫn còn 25,8% nhà cửa doanh trại của các đơn vị là công trình cấp 4, trong đó có nhiều công trình đã đưa vào kế hoạch của giai đoạn 2015-2020 nhưng đến nay chưa được đầu tư xây dựng, hơn nữa nhu cầu về đầu tư vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại đòi hỏi cơ sở vật chất đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cũng phải hiện đại. Do đó, yêu cầu đầu tư xây dựng cơ bản của quân chủng là rất lớn, chính vì vậy cần thiết phải hoàn thiện quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tập trung phân bổ dự toán chi ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, xác định thứ tự ưu tiên rõ ràng, minh bạch, đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ chính trị trung tâm của quân chủng và phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Theo tính toán kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhu cầu chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản mỗi năm trung bình khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ đối với khả năng huy động của ngân sách nhà nước, áp lực quản lý cho Quân chủng Phòng không - Không quân, đặc biệt trong điều kiện bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản ở quân chủng chịu sự quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, trình độ của cán bộ, nhân viên quản lý chi NSNN cho ĐT XDCB còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Vì vậy Quân chủng cần hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy chế đầu tư xây dựng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trách nhiệm trong công việc để quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quân chủng Phòng không - Không quân có hiệu quả góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.

4.2. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN Ở QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN

4.2.1. Quan điểm hoàn thiện quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quân chủng Phòng không - Không quân

Quan điểm một, hoàn thiện quản lý chi NSNN cho đầu tư XDCB ở Quân chủng Phòng không - Không quân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện


của Đảng ủy Quân chủng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, quy chế lãnh đạo công tác đầu tư, xây dựng của Quân ủy trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân xác định công tác quản lý chi NSNN cho ĐTXDCB ở Quân chủng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy, Đảng ủy giao Tư lệnh quân chủng chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về mọi mặt trong công tác quản lý chi NSNN cho ĐT XDCB, Tất cả các nội dung về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phương án phân bổ dự toán chi NSNN cho ĐT XDCB, giải pháp hoàn thiện quản lý chi NSNN phải được cụ thể hóa, trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân và phải được chấp thuận của Đảng ủy mới được triển khai thực hiện.

Quan điểm hai, việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, lập và phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản phải bám sát chủ trương, định hướng xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân đến năm 2030 và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm của Quân chủng trong giải đoạn hiện nay, công tác quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản phải bám sát thực tiễn, nhu cầu, chủ trương của Quân ủy trung ương, Đảng ủy quân chủng về chiến lượng xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của bộ đội Phòng không - Không quân, từ đó phát huy tối đa hiệu quả sử dụng ngân sách đầu tư xây dựng chi cho nhiệm vụ quốc phòng, xóa bỏ tình trạng lập quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ, xóa bỏ tình trạng lập kế hoạch đầu tư công dàn trải chỉ bổ sung kế hoạch đầu tư công với các dự án khẩn cấp, xóa bỏ cơ chế xin cho trong phân bổ dự toán ngân sách. Để thực hiện điều này, quân chủng cần xác định rõ thứ tự ưu tiên trong phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, phân bổ tập trung, trực tiếp cho các nhiệm vụ trọng điểm

Quan điểm ba, thực hiện nghiêm quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản và quy trình quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản. Trong điều kiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý NSNN, đầu tư, xây dựng cơ bản đã hoàn thiện, đảm bảo dễ triển khai, dễ thực hiện, việc thực hiện quản lý chi NSNN phải thực hiện trên quan điểm tuân thủ pháp luật. Mọi tổ chức, cá nhân


không được thực hiện trái pháp luật trong quy trình quản lý, mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế, pháp lý phải đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép mới được triển khai thực hiện.

Quan điểm bốn, hoàn thiện quản lý chi NSNN cho đầu tư XDCB cần phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của quy trình quản lý. Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN, trong điều kiện ngân sách còn hẹn hẹp, nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản trong quân chủng lớn, yêu cầu quản lý ngày càng cao. Việc quản thiện quản lý chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản phải thực hiện đồng bộ từ phân cấp quản lý, lập dự toán, tổ chức chấp hành, quyết toán và kiểm tra, kiểm soát chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản. Ở khâu nào cũng phải có giải pháp cụ thể, rõ nét ở khâu đó, tránh hiện tượng chung chung, hình thức.

Quan điểm năm, hoàn thiện quản lý chi NSNN cho đầu tư XDCB ở Quân chủng phải đảm bảo tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi NSNN cho đầu tư XDCB, nâng cao được chất lượng công trình xây dựng ở Quân chủng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cần thiết phải rút ngắn công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, việc thất thoát, lãng phí nguồn lực NSNN lớn có thể xảy ra ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt đối với các dự án xây dựng chưa thật sự cần thiết, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng và hệ số an toàn ngân sách, tránh việc chịu sức ép của tiến độ giải ngân mà không quan tâm đến chất lượng thi công, xây dựng, cho tạm ứng ngân sách mà không quan tâm đến mức độ an toàn ngân sách.

4.2.2. Định hướng hoàn thiện quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quân chủng Phòng không - Không quân

Định hướng thứ nhất, thực hiện phân cấp quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với bộ máy quản lý của Quân chủng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền kết hợp với hoàn thiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát hoạt động phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, phù hợp với kế hoạch đầu tư công đươc cấp có thẩm quyền phê duyệt, sự cần thiết, cấp bách của dự án, năng lực


triển khai của chủ đầu tư và tiến độ hoàn thành của dự án. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Định hướng thứ hai, bám sát các quy định và hướng dẫn trong việc lập, phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản: Khi xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng phải xác định mục tiêu hàng đầu là khắc phục tình trạng bố trí dự án đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải, phân tán, không đồng bộ và tình trạng đầu tư cả những dự án chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả. Tập trung bố trí ngân sách đảm bảo thời hạn theo quy định của Luật Đầu tư công để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, chỉ lựa chọn những dự án phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn lập kế hoạch của Chính phủ, chủ trương xây dựng, phát triển quân đội của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng, định hướng xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tổ chức biên chế, trang bị, quân số, nhiệm vụ và quy hoạch doanh trại, trận địa được phê duyệt. Trong điều kiện khả năng đảm bảo của ngân sách còn hạn hẹp, cần tập trung bố trí cho các dự án trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với khung tiêu chí, nguyên tắc phân bổ của Bộ Quốc phòng.

Định hướng thứ ba, cấp phát, thanh toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản: Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tuân thủ nguyên tắc, các khoản chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng nội dung của dự án đã được phê duyệt. Dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch đã được giao phải được thanh toán đúng kế hoạch và xây dựng phương án giải ngân hợp lý, không để tồn đọng, kéo dài, đảm bảo tính đồng bộ giữa tiến độ của dự án, tỷ lệ giải ngân và hiệu quả kiểm soát, thanh toán. Thông qua kiểm soát, thanh toán ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản giúp các chủ đầu tư ngày càng nắm chắc quy định để thực hiện đúng chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý


đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào thực hiện nề nếp, theo quy định.

Định hướng thứ tư, thực hiện chính xác đầy đủ, kịp thời việc quyết toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản: Mục tiêu đặt ra là chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản sau khi sử dụng phải được quyết toán kịp thời, đầy đủ và chính xác theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Cụ thể:

- Quyết toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản theo niên độ ngân sách hàng năm phải làm rõ tình hình thực hiện kế hoạch, thanh toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản được giao trong năm; nêu ra các tồn tại, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện dự toán, thanh toán, quyết toán ngân sách và đề xuất các biện pháp tháo gỡ có liên quan đến quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản. Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình điều hành quản lý chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, chủ động trong điều hành nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

- Quyết toán dự án hoàn thành phải đánh giá kết quả đầu tư xây dựng cơ bản, xác định năng lực sản xuất, giá trị tài sản mới tăng thêm do đầu tư xây dựng cơ bản mang lại; xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan thẩm định dự án, cơ quan cấp ngân sách, kiểm soát thanh toán, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong quá trình thực hiện dự án; qua đó rút kinh nghiệm nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách của nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước.

Định hướng thứ năm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản: Quán triệt, chấp hành nghiêm Nghị định 99/2021/NĐ- CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tăng cường đẩy mạnh kiểm tra và giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập, không chịu áp lực từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư. Việc kiểm tra, kiểm soát phải đánh giá trung thực, khách quan những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, kết luận kiểm tra phải truy trách nhiệm đến cùng, làm rõ được trách nhiệm của từng chủ thể tham gia quản lý hoạt động xây dựng cơ bản, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư.

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 23/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí