trong giới điền chủ.
Điền chủ: có vài ba đến mười ha ruộng đất. Tầng lớp này rất đông. Phần lớn có nhà ngói, con cái được học hành. Vào đầu thế kỉ XX, điền chủ Nam Kỳ có cuộc sống dư dả, họ có thể đi khắp các tỉnh để ăn chơi, mua sắm, tiếp cận với thế giới văn minh kỹ thuật phương Tây, có cơ hội đọc sách báo, truyện Tàu…nhờ có hệ thống vận tải đường sông thuận tiện. Thực dân Pháp duy trì chế độ điền chủ ở Nam Kỳ nhằm làm cho bộ phận này trở thành tay sai đắc lực cho chúng trong việc bóc lột nhân dân ta. Một số đại điền chủ, điền chủ là thành viên hội đồng (hội đồng quản hạt, địa hạt), cai tổng, phó cai tổng, hương chức làng. Tuy nhiên bên cạnh một số ít điền chủ có quyền lợi kinh tế - chính trị gắn chặt với thực dân Pháp thì đa số điền chủ còn lại đã chịu sự chèn ép của tư bản nước ngoài nhất là tư bản người Hoa có sự hậu thuẫn của thực dân Pháp. Vì vậy, đây cũng là một trong những lí do giải thích sự tham gia tích cực của địa chủ Nam Kỳ trong PTDT ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỉ XX.
Tá điền: có ít hoặc không có ruộng đất để cày cấy, có người còn phải thuê cả trâu bò, lúa giống, vay nợ. Nếu được mùa, sau khi trả nợ còn dư ít lúa đủ ăn tới mùa tới. Nếu mất mùa thì nợ nần ngày càng chồng chất, phải đi làm thuê, làm mướn quanh năm, con cái phải đi ở đợ…cuộc sống đã nghèo lại thêm nghèo. Họ bán lúa ra với giá rẻ nhất và mua lại hàng tiêu dùng cho gia đình với giá cao nhất. Cho nên, họ không chỉ bị điền chủ bóc lột mà còn bị bọn tư sản con buôn vơ vét nên không ít người lâm vào cảnh cùng quẫn, đói khổ, nhiều người đã bỏ làng, bỏ xứ trốn đi nơi khác, tiếp tục cuộc sống không ngày mai.
Bên cạnh bộ phận đông đảo nông dân tá điền nghèo khổ này là tầng lớp công nhân ở các đồn điền cao su ở miền Đông, ở nhà máy cuộc sống cũng không có gì sáng sủa hơn. Họ chịu sự bóc lột theo lối tư bản rất khắc nghiệt của bọn chủ. Những năm đầu thế kỉ XX, công nhân ở Nam Kỳ chiếm 25.000 người trong tổng số 50.000 người trong cả nước (1906) [38, tr.66]. Nhưng họ vẫn chưa trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
Tầng lớp tư sản: Cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cùng với sự du nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm xuất hiện ở Việt Nam tầng lớp tư sản, bao gồm tư sản nước ngoài và tư sản Việt Nam. Nhìn chung, tầng lớp tư sản
Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng vào đầu thế kỉ XX, thế lực kinh tế còn nhỏ yếu, vốn chỉ bằng 5% so với vốn của tư sản nước ngoài. Họ luôn bị sự chèn ép của thực dân Pháp và tư sản nước ngoài (người Hoa, người Ấn) nên phạm vi kinh doanh nhỏ hẹp, thiếu kinh nghiệm buôn bán, sản xuất. Do vậy, họ nhanh chóng lâm vào cảnh phá sản, thua lỗ và chưa vươn lên phát triển thành giai cấp được.
Tầng lớp tiểu tư sản, trí thức: Trong cuộc khai thác thuộc địa của Pháp với sự tiếp súc với văn minh phương Tây và chương trình giáo dục mới của Pháp đã góp phần hình thành nên một đội ngũ trí thức đông đảo ra đời cùng với tầng lớp tư sản. Và trong tầng lớp tiểu tư sản có một bộ phận trí thức, học sinh, sinh viên. Họ là những người đầu tiên được tiếp xúc với các tư tưởng tiến bộ và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá những tư tưởng đó vào các tầng lớp nhân dân. Mặc dù, tầng lớp tiểu tư sản có điều kiện sống khá hơn các tầng lớp khác nhưng cũng rất bấp bênh vì họ luôn chịu sự kiềm chế, chèn ép, phân biệt đối xử của chính sách kinh tế, chính trị của chính quyền thực dân. Đây cũng là lí do khiến một bộ phận tiểu tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước, gần gũi với quần chúng lao động. Họ đã cùng với nhân dân tham gia tích cực vào cuộc vận động cứu nước hồi đầu thế kỉ XX và có những đóng góp quan trọng.
Như vậy, vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, do đặc điểm của điều kiện tự nhiên và tác động của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm cho tình hình kinh tế xã hội ở Nam Kỳ có những chuyển biến hết sức nhanh chóng, kéo theo đó là sự thay đổi về ý thức xã hội và đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là những điều kiện cần thiết cho sự bùng nổ những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Nam Kỳ.
Có thể bạn quan tâm!
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 2
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905 -1930).
- Tương Quan Ruộng Đất Và Dân Số Ở Nam Kỳ Từ 1900-1914 [38, Tr.53]
- Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ.
- Khuynh Hướng Duy Tân Ở Việt Nam Và Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905-1930).
- Hoạt Động Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ (1905-1930).
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
1.1.2.3. Tình hình văn hóa – giáo dục.
Trong gần 20 năm đô hộ xứ Nam Kỳ (1867-1886), thực dân Pháp ra sức xây dựng nền giáo dục thực dân ở đây, truyền bá chữ Quốc ngữ, chữ Pháp để loại bỏ chữ Hán cũng như ảnh hưởng của các trí thức Nho học trong nhân dân. Vì vậy, ở Nam Kỳ không cần đến những trường dân lập, không cần hô hào xóa bỏ khoa cử Hán học, dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp cùng các môn khoa học, mở trường học, lập hội buôn hay cắt tóc ngắn, mặc Âu phục…như Trung và Bắc Kỳ. Ở Nam Kỳ, để có đội ngũ thừa
hành bản xứ tiếp tay trong công cuộc khai thác thuộc địa thì nền giáo dục thuộc địa sớm được chính quyền thực dân Pháp tổ chức đã tạo nên một tầng lớp được tân hóa thoát thai từ trường dòng. Ngày 17/3/1879, Pháp ban hành Nghị định thành lập Sở Học chính Nam Kỳ và chương trình giáo dục Pháp Việt ở Nam Kỳ. Theo đó mỗi hạt (tỉnh) được phép mở một trường tiểu học, ở quận, tổng, làng đông dân có trường Sơ học (từ lớp đồng ấu đến lớp ba). Riêng ở Mỹ Tho được mở một trường trung học là College Mỹ Tho. Năm 1908, chính quyền thực dân Pháp cho thiết lập tại Nam Kỳ một hệ thống trường gọi là trường Dự bị và cho lập trường Cao đẳng tiểu học ở một số trung tâm dân cư ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre. Tại Sài Gòn có trường Bản Xứ, dạy từ tiểu học đến bậc tú tài. Chương trình này gồm hai cấp: Cấp I (hệ 3 năm): nhận học sinh từ 10 đến 14 tuổi, học sinh phải trải qua kì thi tuyển. Các môn học gồm: ngữ pháp tiếng Pháp, bốn phép tính (cộng, trừ, nhân, chia), tương quan hệ thống đo lường Pháp và Việt, chữ Hán học tứ thư, chữ Quốc ngữ tập đọc và tập tường thuật. Và Cấp II (hệ 3 năm): nhận học sinh từ 12 đến 17 tuổi, học sinh phải trải qua kì thi tuyển về các môn đã học ở cấp I. Chương trình học gồm: Pháp văn, số học, hình học, địa lí. Không dạy chữ Hán.
Về bậc trung học, năm 1874, thực dân Pháp đã cho thành lập trường Chasseloup Laubat để dạy con em người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp, chia làm hai cấp cao đẳng tiểu học và trung học. Về sau có thu nhận thêm học sinh người Việt nhưng chỉ học bậc cao đẳng tiểu học.
Thông qua hệ thống giáo dục này, người Pháp từng bước loại bỏ trí thức Nho học ở Nam Kỳ và đào tạo một lực lượng lớn trí thức Tây học phục vụ cho công cuộc cai trị của chúng. Theo Niên giám thống kê năm 1883, toàn Nam kỳ có 15.397 học sinh theo trương trình Quốc ngữ; 3.224 học sinh theo học chữ Hán, trên khoảng 3 triệu dân số. Có thể nói đây là đội ngũ trí thức đông đảo cho tương lai, một phần trong đó sau này tham gia PTĐD. Đến năm 1906, Toàn quyền P.Beau công bố quyết định cải cách giáo dục lần thứ nhất tại Sài Gòn - Gia Định. Với cải cách giáo dục này, thực dân Pháp để tồn tại song song nền giáo dục Nho phong kiến và Pháp - Việt và cố dung hòa hai nền giáo dục này để đào tạo một tầng lớp quan lại tuy vẫn lấy cựu học làm chính nhưng ít nhiều có tân học, làm cầu nối giữa nhân dân và “nhà nước bảo hộ”. Sau cải cách giáo
dục này, hệ thống trường Pháp-Việt đào tạo từ bậc Tiểu học đến bậc Trung học được xây dựng tại Sài Gòn ngày càng nhiều. Đặc biệt, trường nữ sinh đầu tiên được xây dựng có tên là trường Nữ sinh Áo Tím. Năm 1917, Toàn quyền A.Saraut tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai. Và năm 1927, trường Petrus Trương Vĩnh Kí được thành lập dành cho học sinh Việt Nam, dạy cả hai bậc cao đẳng tiểu học và trung học. Đến trước năm 1930, thực dân Pháp đã xây dựng được bước đầu một hệ thống giáo dục từ Tiểu học đến Cao đẳng và cơ bản đã ổn định về tổ chức, nội dung. Đầu tư vào giáo dục ở Nam Kỳ với mục đích đào tạo một đội ngũ trí thức Tân học làm tay sai đắc lực, phục vụ cho chính sách cai trị và bóc lột lâu dài, thực dân Pháp đã đào tạo được một lớp người trí thức Tân học. Trong số đó có người trở thành tay sai cho Pháp nhưng cũng có người có tinh thần yêu nước, kiên quyết chống lại quân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Bởi vì, thông qua những hoạt động ở trường Pháp -Việt, tư tưởng dân chủ tư sản đã du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ, nơi có các trường Pháp
- Việt được thành lập rất nhiều. Mặc dù có những hạn chế nhất định và chưa hiểu hết được khái niệm quân chủ lập hiến, đại nghị hay tự do bình đẳng…nhưng qua học tập và tiếp xúc với các sách vở phương Tây thì người học đã có những suy nghĩ về các tư tưởng dân chủ tư sản.
Như vậy, cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm cho Nam Kỳ có những ảnh hưởng bởi nền văn hóa Pháp và kinh tế, xã hội có những chuyển biến nhanh chóng, mạnh mẽ. Đó cũng là lí do làm cho PTDT ở Nam Kỳ mang những đặc điểm rất khác so với PTDT ở Bắc và Trung Kỳ.
1.2. Sự ra đời của phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỉ XX.
1.2.1. Những tiền đề cho sự ra đời của phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ.
1.2.1.1. Sự du nhập của làn sóng Tân văn, Tân thư vào Việt Nam.
Vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây từ bên ngoài được truyền vào nước ta thông qua làn sóng Tân văn, Tân thư bằng nhiều con đường khác nhau và ngày càng có ảnh hưởng rộng rãi trong giới văn thân sĩ phu Việt Nam lúc này đang trăn trở tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc. Tân thư, Tân văn là những tác phẩm, những quyển sách có nội dung mới (Tân học), khác với kinh điển Nho giáo, các loại thư tịch truyền thống của người Trung
Quốc. Tân thư bao gồm những sách, tác phẩm viết về tri thức, kiến thức đến từ Tây phương như luật pháp, lịch sử, văn học, địa lí, toán học, vật lí, chính trị, quân sự…của Âu-Mỹ, Nga (La Tư), Anh (Cát Lợi), Đức, Pháp, Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha,…Một số được dịch trực tiếp từ các ngôn ngữ châu Âu sang Hoa ngữ. Một số được dịch từ tiếng Nhật Bản, một số chỉ là những bản dịch toát yếu, dịch tóm lược, nêu ý chính…để giới thiệu những kiến thức mới lạ của phương Tây mà người Trung Hoa chưa từng biết. Các Tân thư, Tân văn của Trung Quốc được đưa vào nước ta từ những năm cuối thế kỉ XIX qua các cửa cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn là những nơi có đông đảo người Hoa cư trú làm ăn và được các nhà Nho yêu nước tiến bộ ở Việt Nam nhiệt tình đón nhận. Họ sung sướng tìm thấy trong các Tân thư, Tân văn những tư tưởng dân chủ cùng những khoa học kĩ thuật phương Tây để vận dụng vào con đường cứu nước mới, con đường tư sản. Trong số các Tân thư, Tân báo được đưa vào Việt Nam đáng kể nhất là các cuốn Ẩm băng thất, Trung Quốc hồn, Mậu Tuất chính biến của Lương Khải Siêu; Thời vụ báo, Thanh nghị báo, Tân Dân tùng báo, Cường học báo, tạp chí Trung Kì ngoại, Vạn quốc báo…Hoặc cuốn Doanh hoàn chí lược; Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên, Thịnh thế nguy ngôn của Trịnh Quang Ứng, Lục quân tử…đã ảnh hưởng thật mạnh mẽ đến các nhà Nho yêu nước Việt Nam hồi đó. Phan Bội Châu đã nhận định: “Tư tưởng mới của học giả đương thời, ảnh hưởng của sách vở của Lương nhiều lắm. Như bản Trung Quốc hồn, Mậu Tuất chính biến, thời lại ảnh hưởng đến học giả nước ta” [46, tr.50]. Ngoài ra, còn có một loạt những cuốn sách của Nhật Bản được dịch ra Hán ngữ, góp phần làm phong phú và mạnh mẽ thêm dòng Tân thư của Trung Hoa như sách của Phúc Trạch Cát Dụ ( Fukuzawa Yukichi) như Khuyến học thiên, Văn minh lược luân; Nhật Bản duy tân tam thập niên sử của La Hiến Cao; Nhật Bản duy tân khảng khái sử…Trong làn sóng Tân thư, Tân văn du nhập vào Việt Nam, không thể không kể tới những tác phẩm mang tư tưởng tiến bộ của phương Tây như Vạn pháp tinh lí của Montesquie (Mạnh Đức Tư Cưu), Contrat social (Khế ước xã hội) của J.J.Rousseau (Lư Thoa)…Và những sách giới thiệu về các anh hùng lịch sử, các cuộc đấu tranh giải phóng…như sách Ý đại Lợi kiến quốc tam kiệt truyện nói về tướng quân Garibaidi (Gia Lý Ba Đích),Mazzini (Mã Chí Nê), Cavonr (Gia Phú Nhĩ); sách Cận thế chi quái kiệt (Quái kiệt thời cận đại) giới thiệu về Napoleon I (Nã Phá Luân),
Washington (Hoa Thịnh Đốn), Pierre Đại đế (Bĩ Đắc đại đế)…Ngoài ra, sách Tân thư của Nguyễn trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch…cũng được giới trí thức Việt Nam lúc này coi trọng.
Tân thư, Tân văn cùng cuộc vận động canh tân cũng như cuộc cách mạng giải phóng Trung Hoa khỏi ách Thanh triều và cuộc Duy Tân của Nhật Bản thành công rực rỡ đã tác động hết sức mạnh mẽ tới tâm trí của những trí thức có cội nguồn Nho học của đất nước như Phan Bội Châu, Phan Châu trinh, Lương Văn Can, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhấn mạnh: “Thời bấy giờ tại Trung Quốc sau cuộc Mậu Tuất chính biến và Canh Tý liên minh, sỹ phu hơi tỉnh ngộ, có phong trào hoan nghênh Âu học chuyển động toàn quốc, sách báo của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu dần dần du nhập vào nước ta”[46, tr.50-51]. Các sĩ phu nhận ra sự yếu kém của đất nước, thấy được sự giàu mạnh của phương Tây chính là nhờ vào sức mạnh của khoa học kĩ thuật và thương mại, đây là những vấn đề mà trước nay sự học Nho giáo vẫn coi khinh. Được soi rọi bởi hệ tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây cùng với những thành quả mà nước đồng chủng, đồng văn - Nhật Bản đạt được đã lóe lên trong tâm trí các nhà Nho yêu nước một con đường cứu nước mới - con đường duy tân đất nước. Và một PTDT đã được các sĩ phu tiến bộ phát động phát triển sôi nổi khắp ba miền Bắc - Trung - Nam ở nước ta những năm đầu thế kỉ XX.
1.2.1.2. Sự chuyển biến tư tưởng của các trí thức yêu nước.
Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng cải cách cuối thế kỷ XIX, cùng với việc ảnh hưởng của Tân thư, Tân văn, tác động của tình hình thế giới và trong nước, những tư tưởng dân chủ tư sản được truyền bá vào Việt Nam, một bộ phận văn thân sĩ phu mới xuất hiện (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can…) hướng sự nghiệp cứu nước của mình theo con đường dân chủ tư sản. Và để tiến tới giành độc lập dân tộc, vấn đề trước nhất được các nhà Nho đặt ra lúc này là vấn đề duy tân đất nước. Nhưng con đường duy tân của mỗi người có xu hướng tư duy và phương pháp không giống nhau: có người nghiêng về xu hướng bạo động (đứng đầu là Phan Bội Châu), có người nghiêng về xu hướng cải cách, lấy duy tân làm cơ sở cho cải cách bạo động (đứng đầu là Phan Châu Trinh). Nhưng hai xu hướng này không cản trở, gây khó khăn cho nhau mà mặt khác nó đã hỗ trợ nhau cùng song song tồn tại và phát triển
trong phong trào dân tộc dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX.
a. Phan Bội Châu với phong trào tư sản theo xu hướng bạo động.
Phan Bội Châu sinh năm 1867 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một vùng đất có truyền thống đấu tranh vũ trang chống Pháp. Phan Bội Châu sớm có tinh thần yêu nước, thương dân. Năm 17 tuổi, khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần hai (1882-1883), ông đã viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc” kêu gọi nhân dân nổi dậy. Năm 19 tuổi, khi kinh thành Huế thất thủ (1885), ông tập hợp các bạn học ở quê, lập “ Đội thiếu sinh quân” hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Những hoạt động cứu nước đó lần lượt thất bại, làm cho ông nhận ra phải có danh vọng mới tập hợp được dân chúng đánh giặc cứu nước. Ông đi thi và năm 1890, đỗ thủ khoa kì thi Hương ở Nghệ An. Cũng năm đó, thân sinh của ông mất, từ đây ông đã dốc hết tâm sức vào con đường hoạt động cứu nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cứu nước của mình, ông luôn nhằm mục đích giành thắng lợi trong phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn, phương châm cũng không ngần ngại. Vì vậy, khi nói tới Phan Bội Châu, chúng ta nghĩ ngay tới đó là một con người kiên định chủ trương đưa việc đánh đuổi Pháp lên hàng đầu và bạo động chống Pháp.
Trước sự tàn bạo của thực dân Pháp đối với dân tộc ta, ông nhận ra chỉ có một con đường là đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc. Bởi vì, theo ông “nợ máu phải trả bằng máu”, phải “đổ máu ra mà mua lại tự do”, tức là phải dùng bạo lực có vũ trang để giành lại chính quyền trong tay thực dân Pháp. Phan Bội Châu cũng biết trong điều kiện lúc bấy giờ “bạo động là phiêu lưu và dễ bị tổn thất nhưng cứ bạo động may ra còn trông được chỗ thành công trong muôn một” [20, tr.159]. Ông cực lực phản đối những người lấy con đường cải cách làm con đường duy nhất để cứu nước vì ông cho rằng, những người chủ chương cải cách “chẳng qua chưa từng trải nhiều mà thôi, phải qua nhiều biến cố mới thêm khôn, mới biết hối hận về những điều sai lầm trước kia. Muốn bắt tay vào việc mở mang dân trí bằng con đường huấn luyện cũng trở thành tuyệt vọng mà thôi” [20, tr.160]. Tư tưởng bạo động của ông ngày càng được bổ sung và phát triển. Sau thất bại trong việc đánh thành Nghệ An (1903), ông nhận ra rằng muốn bạo động thành công thì “vây cánh, đồ đảng phải đông”, phải có “sức mạnh nhiều người hợp thành”. Cùng với sự thấm nhuần tư tưởng dân chủ, ông đã nhận ra
sức mạnh của nhiều người và vai trò của nhân dân nên ông đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm đồng chí và đoàn kết nhân dân cả nước. Năm 1903, ông vào Nam Kỳ nhưng chuyến đi này không mang lại kết quả gì nhiều. Sau một quá trình vận động xây dựng phong trào ở Bắc, Trung, Nam, Phan Bội Châu nhận thấy cần có một tổ chức cách mạng mới và biện pháp đấu tranh mới là “bạo động” và “xuất dương, cầu viện”. Tháng 5-1904, ông thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam. Hội chọn Cường Để làm Hội chủ. Ông chọn một người thuộc dòng dõi hoàng tộc để làm chủ hội Duy Tân không có nghĩa mục đích là khôi phục lại nhà Nguyễn mà chỉ là biện pháp mang tính chất sách lược là phương tiện để đạt được mục đích. Vì Nguyễn Hàm đã nói với ông “muốn mưu toan việc lớn thì phải tiến hành ba việc: Thu phục lòng người; Góp được số tiền lớn; Mua sắm vũ khí cho đủ. Hễ lòng người ta chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được, có tiền thì vấn đề quân giới không khó. Muốn kêu gọi được nhân dân cho dễ, nếu không mượn tiếng phò vua giúp nước thì nhà sang, họ lớn chẳng ai phụ họa cho mình” [20, tr.162]. Qua đó, ta thấy việc Cường Để làm Hội chủ hội Duy Tân chỉ là để cho Hội ấy hoạt động có hiệu quả hơn mà cụ thể là việc thu phục nhân tâm, góp nhiều tiền của, mua sắm vũ khí để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của toàn dân. Và “Cường Để sau này sẽ đóng một vai trò đại diện trong các chế độ, ở đây toàn bộ chính quyền nằm trong tay ba viện, tất cả mọi nghị quyết đều phải lệ thuộc vào phiếu bầu của hạ viện trong tổng tuyển cử của công dân bầu ra”[20, tr.163]. Sự kiện này đã chứng tỏ Phan Bội Châu là người Việt Nam đầu tiên đã thành lập một Đảng chính trị theo một ý nghĩa hiện đại của từ “Duy Tân”. Mục đích của Hội là mở rộng dân trí, chấn dân khí, bồi dưỡng nhân tài. Kế hoạch của Hội là: phát triển thế lực về người và tài chính; xúc tiến công việc chuẩn bị bạo động; trù liệu cử người xuất dương cầu viện. Như vậy, xét về tên gọi, mục đích của Hội đã thể hiện sự duy tân, mang màu sắc mới tư sản và dần mở rộng hoạt động ra các tỉnh và ngoài biên giới quốc gia, thu hút sự quan tâm của nhiều nhân vật ưu tú. Đây là một tổ chức chính trị hoàn toàn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Nó khởi đầu cho con đường mới của phong trào giải phóng dân tộc.
Về vấn đề “xuất dương, cầu viện” trong kế hoạch của Hội, Phan Bội Châu quyết định sang Nhật. Theo ông “Nhật Bản là giống da vàng, lại là nước tiên tiến…Bây giờ ta sang Nhật đem lợi hại thuyết phục họ tất nhiên họ vui lòng viện trợ ta; nếu họ không