thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những hoạt động buôn bán, cạnh tranh của tư bản Pháp cũng đã góp phần mở mang nền thương mại ở Việt Nam.
Nguồn tài chính chủ yếu Pháp dựa vào nguồn thuế: thuế trực thu (thuế đinh, thuế điền), thuế gián thu (thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện) và nhiều thuế khác. Nhưng “thuế điền cũng như thuế đinh không có một quy định rứt khoát. Lâu nay, người ta chỉ cần biết chính quyền cần bao nhiêu tiền thì đánh bấy nhiêu” [53, tr.19]. Pôn Đume chính là người “đã làm cho thuế trực thu sản xuất được nhiều hơn nữa” và thực hiện ba độc quyền lớn về rượu, thuốc phiện và muối. Vì vậy, từ ngày hắn bắt tay vào việc “thu thuế”, thì từ 1900 trở đi Đông Dương không những có thể gánh vác được mọi khoản chi phí hành chính, khai khẩn, “bình định” mà còn có thể tự mình trả được khoản kinh phí quân đội hàng năm mà trước đây do “chính quốc” đài thọ.
Một trọng tâm trong chương trình khai thác thuộc địa của Pháp là mở mang giao thông, xây dựng đường sá, cầu cống, bến cảng, vừa nhằm mục đích kinh tế, vừa nhằm mục đích quân sự. Pháp mở rộng và nâng cấp đường số 1, xây dựng nhiều cầu lớn: Long Biên (Hà Nội), Trường Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn)…và các cảng quan trọng như cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, cảng Hải Phòng. Những cơ sở này chính là tiền đề cho kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Như vậy, những chính sách kinh tế của thực dân Pháp đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Giữa thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862) thì văn minh phương Tây đã được du nhập vào một cách áp đặt, lúc này đa số các sĩ phu, kể cả những sĩ phu có thừa lòng yêu nước cũng hờ hững với những tư tưởng cải cách, thậm chí cự tuyệt vì cho rằng khen cái tinh sảo của văn minh phương Tây khác nào như đuổi hình bắt bóng. Đến đầu thế kỉ XX, dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa, nền kinh tế Việt Nam không còn là nền kinh tế nông nghiệp phong kiến đơn thuần mà xuất hiện một thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa tiến bộ hơn hẳn nền kinh tế phong kiến. Tuy nhiên thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa do Pháp áp đặt từ bên ngoài vào bị Pháp kìm hãm và chỉ phát triển đến một mức độ nhất định, không có sự đột phá mạnh để giải phóng lực lượng sản xuất. Về mặt khách quan, cuộc khai thác thuộc địa góp phần phá vỡ nền kinh tế tự cung, tự cấp của Việt Nam và
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được đưa vào Việt Nam. Mặc dù đó là thứ tư bản chủ nghĩa thuộc địa, phụ thuộc nhưng đây là lần đầu tiên được tiếp cận với nền văn minh phương Tây nên điều đó đã góp phần tạo nên những thay đổi trong nhận thức và tư tưởng của người Việt Nam. Điều này hoàn toàn trái với mong muốn của kẻ thù, đồng thời thúc đẩy quá trình cách mạng hóa phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân. Ngoài ra, sự thay đổi của kinh tế đã dẫn đến sự ra đời của các đô thị kiểu phương Tây. Trước khi Pháp xâm lược, đô thị phong kiến Việt Nam đóng vai trò là các trung tâm chính trị, chức năng đơn giản nhưng sau khi Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, đô thị phong kiến Việt Nam thay đổi theo thiết kế của phương Tây với nhiều chức năng: chính trị, quân sự, y tế, văn hóa, xã hội, hành chính,…được quy hoạch với những trung tâm thương mại: Nam Định, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Chợ Lớn, Biên Hòa…Nhờ đó, tầng lớp thị dân ngày càng đông, tư duy của họ đã thoát khỏi nhiều ràng buộc của những quan niệm cổ hủ, dễ dàng tiếp nhận văn minh phương Tây, do vậy PTDT ở Việt Nam hầu hết đều khởi phát ở thành thị.
c. Tình hình văn hóa - giáo dục.
Trong bước đầu thiết lập chế độ thuộc địa và khai thác kinh tế, thực dân Pháp cũng chú trọng cuộc xâm lăng về văn hóa, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu sau:
- Nhập cơ sở vật chất kĩ thuật ấn loát, tạo điều kiện để văn minh phương Tây chế ngự dần, loại bỏ chữ Hán và Nho học.
- Đào tạo lớp trí thức mới Tây học, tầng lớp “thượng lưu trí thức”. Lớp trí thức này được đào ở các trường trung học, các trường kĩ thuật ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội.
- Cổ súy cho tư tưởng thân Pháp, vong bản, chống đối, ngăn cản những tư tưởng tiến bộ kể cả tư tưởng tư bản Pháp.
Thực dân Pháp chủ trương xây dựng một nền giáo dục thực dân - nửa phong kiến với mục đích nhằm nô dịch và đồng hóa nhân dân Việt Nam, duy trì vĩnh viễn ách thống trị của Pháp. Bởi vì, “thật không thể nào để cho người An Nam được học lịch sử và đọc sách của chúng ta mà lại không gây cho họ lòng yêu nước, yêu tự do. Kinh nghiệm của các dân tộc châu Âu khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức dại dột”[47, tr.254]. Phương châm của chúng là, một mặt duy trì để lợi dụng nền Nho học với chế độ khoa cử lỗi thời; mặt khác, mở tại
các đô thị lớn một số ít những trường tiểu học Pháp - Việt, trường thông ngôn trong phạm vi tối cần thiết. Nếu không đồng hóa được dân tộc Việt Nam thì chúng cũng phải đào tạo được một lớp người giúp việc có “trình độ Tây học” làm trong các tổ chức chính trị, kinh tế của chúng theo đúng tôn chỉ mà chúng quy định ngay từ đầu: “Trước tiên, giáo dục có kết quả tăng cường dồi dào giá trị sản xuất của thuộc địa. Ngoài ra, nó phải chọn lọc và đào tạo những tay hợp tác, những công chức bản xứ, lương trả ít tốn hơn cho ngân sách thuộc địa. Phải huấn luyện quen việc các nhà “cầm quyền bản xứ” mà các hiệp ước bảo hộ và sự sáng suốt của một chính sách chính trị sơ đẳng bắt chúng ta có bổn phận duy trì làm trung gian giữa chúng ta và dân tộc bản xứ”[104, tr.18]. Nhưng không phải tất cả những người thuộc tầng lớp trí thức Tây học này đều phục vụ cho thực dân mà ngay từ đầu thế kỉ đã xuất hiện một tầng lớp trí thức Tây học đầy tinh thần yêu nước và là người dẫn đầu trong cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở Việt Nam. Mặc dù Pháp tìm mọi thủ đoạn để đối phó, hạn chế, bưng bít không cho dân ta biết gì về những tri thức tân học, không được phổ biến, học tập những kiến thức tư tưởng văn minh tiến bộ của phương Tây, những thành quả của cuộc đại cách mạng tư sản dân quyền 1789…Nhưng qua nhiều tác động của các nước láng giềng, của khu vực, của cả thế giới, các nhà trí thức Việt Nam yêu nước đã tìm mọi cách để tiếp cận và tiếp thu những tư tưởng mới của thời đại, trong đó nguồn ảnh hưởng quan trọng là “Tân thư, Tân văn”. Và rồi họ đã làm nên PTDT, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục…gây cho Pháp bao khó khăn và “thức tỉnh” cả xã hội Việt Nam.
d. Sự phân hóa giai cấp trong xã hội.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất trên quy mô lớn của thực dân Pháp không chỉ làm cho cơ cấu kinh tế Việt Nam có những chuyển biến quan trọng mà xã hội Việt Nam ở đầu thế kỉ XX cũng bắt đầu thay đổi khá nhanh. Sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc:
Giai cấp nông dân ngày càng đi sâu vào con đường bần cùng hóa, phá sản nghiêm trọng do bị tước đoạt hết ruộng đất bởi chính sách sưu thuế nặng nề, vô lý. Ngoài ra, họ còn bị bắt đi phu phen, tạp dịch, làm những công việc nặng nhọc với điều kiện làm việc khắc nghiệt nên nhiều người đã phải bỏ mạng. Cuộc sống của họ lâm vào tình trạng cùng cực không lối thoát. Trước sự bóc lột tàn bạo của thực dân và
phong kiến, người nông dân đã sẵn sàng đứng lên chống lại sự áp bức. Vì vậy, họ là lực lượng đông đảo, nhiệt tình và hăng hái của cách mạng xã hội.
Giai cấp địa chủ phong kiến được đế quốc Pháp dung dưỡng ngày càng trở thành chỗ dựa vững chắc của chúng. Trong quá trình phát triển, giai cấp này cũng bị phân hóa, một bộ phận địa chủ cũng có tinh thần yêu nước và ủng hộ đấu tranh cách mạng.
Giai cấp công nhân non trẻ ra đời ngay trong thời kì thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác trước chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), nhưng vẫn đang trong giai đoạn “tự phát”, chưa nhận thức được sứ mạng lịch sử của mình.
Giai cấp tư sản và tiểu tư sản đang trong quá trình tập hợp và phát triển. Bởi vì, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm chạp và đặc biệt chính sách kinh tế xã hội của thực dân Pháp đã khiến cho tầng lớp này khó có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, trong tầng lớp tiểu tư sản có một bộ phận năng động nhất, đó là trí thức, học sinh, sinh viên. Họ là những người đầu tiên được tiếp xúc với các tư tưởng tiến bộ và họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá những tư tưởng ấy vào các tầng lớp nhân dân. Vì tầng lớp tư sản đang trên đường hình thành giai cấp nên nên ảnh hưởng chính trị của họ còn rất hạn chế. Cho nên trong phong trào yêu nước thời kì này, người đại diện và lãnh đạo khuynh hướng dân tộc tư sản, đại diện cho chính quyền lợi của họ là các sĩ phu tư sản hóa.
Như vậy, có thể thấy đầu thế kỉ XX ở Việt Nam đã tồn tại những mâu thuẫn xã hội gay gắt, đó là mâu thuẫn dân tộc giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc Pháp và mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp bị trị với giai cấp thống trị. Điều đó đã tiềm ẩn nguy cơ sẽ bùng nổ những cuộc đấu tranh để giải quyết những mâu thuẫn đó.
1.1.2. Tình hình Nam Kỳ.
Sau hai hòa ước năm 1862 và 1874, sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp, “một phần đất thuộc gia sản đất đai của nước Pháp và được cai trị trực tiếp bởi những người đại diện cho nước Pháp” [52, tr.164] và hoàn toàn theo luật lệ của thực dân Pháp, không có quan hệ phụ thuộc gì với triều đình Huế. Với nghị định Toàn quyền ngày 20-12-1889, từ ngày 01-01-1890, Nam Kỳ có 20 tỉnh và một đặc khu là Cap Saint – Jacque (tức Vũng Tàu ngày nay), đứng mỗi tỉnh là một viên chánh Tham biện chủ tỉnh, trên có viên Thống đốc và Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ với chức năng tư vấn, có 12 thành viên vừa bầu cử vừa chỉ định. Thực hiện công cuộc khai phá vùng đất này
Pháp đã đưa sáu tỉnh Nam Kỳ chuyển biến theo ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp dưới sự cai trị của chế độ mới. Đó cũng là lí do làm cho PTDT ở Nam Kỳ rất khác với PTDT ở Bắc và Trung Kỳ. Ở đây, PTDT có “hình thức tổ chức ở mức độ cao hơn so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ” [71, tr.24].
1.1.2.1. Tình hình kinh tế.
a. Nông nghiệp.
Từ khi đến Việt Nam, thực dân Pháp tìm cách mở rộng diện tích để chiếm đất, lập đồn điền. Và Nam Kỳ là vùng đất được thực dân Pháp chú ý nhất vì: “Đất đai Nam Kỳ với độ phì nhiêu kì lạ, với hàng triệu lao động nông nghiệp bản xứ, đó là thực tế hùng hồn của thuộc địa tuyệt vời này”[140, tr.27]. Và chúng “tin tưởng rằng với sự phì nhiêu của đất phù sa, với những vùng đất rộng chưa được khai phá, những hệ thống dẫn nước sẽ được thiết lập một cách dễ dàng. Nam Kỳ có thể và phải trở thành một thuộc địa nông nghiệp”[52, tr.168]. Số lượng diện tích ruộng đất canh tác của Nam Kỳ tăng lên nhanh chóng trong những năm đầu thế kỉ XX, đã nói lên ý định đó của thực dân Pháp.
Bảng 1.1. Tương quan ruộng đất và dân số ở Nam Kỳ từ 1900-1914 [38, tr.53]
Dân số (người) | Diện tích canh tác (ha) | Năm | Dân số (người) | Diện tích canh tác (ha) | |
1900 1903 1906 1909 | 2.600.000 2.750.000 2.886.000 3.005.000 | 1.174.000 1.317.000 1.554.000 1.527.000 | 1910 1913 1914 | 3.052.000 3.165.000 3.226.000 | 1.528.000 1.644.000 1.800.000 |
Có thể bạn quan tâm!
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 1
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 2
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905 -1930).
- Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx.
- Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ.
- Khuynh Hướng Duy Tân Ở Việt Nam Và Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905-1930).
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Ngay từ những năm đầu, chính quyền thực dân Pháp tại Nam Kỳ đã coi việc khai phá đồng bằng sông Cửu Long để có nhiều lúa gạo xuất khẩu như là một điều kiện để có thể tồn tại tại vùng đất mới được chinh phục này. Chính vì vậy mà chính quyền thực dân đã tìm cách phát triển hệ thống giao thông và thủy lợi đồng thời tăng thêm nhân lực khai phá để khai thác tối đa tiềm năng sản xuất lúa gạo ở vùng đất này, mang lại lợi nhuận cao nhất. Những con kênh, rạch được đào, vét: 1880-1890: 2.110.000
thước khối đất; 1890-1900: 8.106.000 thước khối đất; 1900-1910: 27.491.000 thước khối đất [57, tr.210-211]. Hệ thống đường bộ được xây dựng: năm 1913 có khoảng 3000 km đường bộ có thể sử dụng được. Thực dân Pháp đã tổ chức những đợt đưa người Pháp, người nông dân ở miền Bắc, miền Trung Việt Nam và cả người Trung Hoa vào Nam Kỳ để có nhân lực khai phá nhưng Pháp tỏ ra dè dặt với sự hiện diện của người Hoa tại Nam Kỳ. Lực lượng chính vẫn là người dân tại chỗ. Với công cuộc khai phá của thực dân Pháp, diện tích trồng lúa tại Nam Kỳ tăng lên khá nhanh.
Bảng 1.2. Diện tích trồng lúa tại Nam Kỳ (1872-1908) [52, tr.206].
1872 | 1876 | 1879 | 1881 | 1888 | 1898 | 1908 | |
Diện tích (ha) | 252.677 | 296.396 | 331.693 | 596.182 | 803.989 | 1.106.779 | 1.524.590 |
Thực dân Pháp đã chủ trương đưa vào Nam Kỳ những kĩ thuật canh tác mới và các giống cây trồng mới, năng suất cao; những đồn điền lớn trồng cao su, cà phê, chè…được thành lập. Năm ngày sau khi chiếm Sài Gòn, đô đốc Page đã mở cảng Sài Gòn cho các nước vào buôn bán và tuyên bố việc buôn bán gạo hoàn toàn tự do. Vì vậy, các thương gia đã xuất khẩu gạo ở Nam Kỳ sang các nước Nhật Bản, Singapo, châu Âu, Úc, đảo Reunion…Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ luôn là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng và xuất khẩu gạo vào hàng thứ hai trên thế giới. Có thể nói, thực dân Pháp đã tạo ra những thay đổi đáng kể về tiềm lực nông nghiệp ở Nam Kỳ nói riêng và cả nước nói chung.
b. Công nghiệp.
Mặc dù thực dân Pháp rất hạn chế phát triển công nghiệp nhưng tại Nam Kỳ đã có rất nhiều những cơ sở công nghiệp được xây dựng. Để phục vụ cho việc xuất cảng lúa gạo các nhà máy xay lúa được xây dựng mỗi năm một tăng. Đến năm 1895, Nam Kỳ có 200 xưởng xay xát gạo với nhiều quy mô khác nhau, phục vụ cho việc chế biến gạo để xuất khẩu, phần nhiều các xưởng tập trung ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngoài ra còn xuất hiện những cơ sở nấu rượu ở Bình Tây, xưởng sửa chữa ô tô, nhà máy xà phòng, nhà máy in ở Sài Gòn-Chợ Lớn…Những cơ sở này chính là tiền đề để kinh tế Nam Kỳ
có những bước phát triển mạnh mẽ, hình thành nên những khu vực sản xuất công nghiệp. Và sự xâm nhập của tư bản Pháp cũng đã góp phần tạo nên một đội ngũ công nhân-giai cấp tiên phong của phong trào cách mạng Việt Nam sau này, và kĩ thuật viên quen biết với kĩ thuật phương Tây đông đảo, đặc biệt là ở Sài Gòn.
c. Thương nghiệp.
Dưới công cuộc khai thác của thực dân Pháp, thương nghiệp cả nước nói chung và Nam Kỳ nói riêng rất phát triển. Để thuận tiện cho việc khai thác cũng như mục đích chính trị thực dân Pháp đã cho xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông, đặc biệt là ở các tỉnh miền Đông và Trung Nam Kỳ. Điều đó đã góp phần cho việc đi lại, trao đổi buôn bán giữa các vùng được thuận tiện hơn. Ngoài ra, để phát triển ngoại thương thực dân Pháp đã cho mở cảng Sài Gòn để các nước vào buôn bán và tuyên bố việc buôn bán gạo hoàn toàn tự do. Vì vậy, các thương gia đã xuất khẩu gạo ở Nam Kỳ sang các nước Nhật Bản, Singapo, Úc, châu Âu, đảo Reunion…Và nhiều tàu buôn châu Âu cũng thường xuyên thực hiện các chuyên đi về Sài Gòn với các thương cảng khác trong vùng như Quảng Đông, Ma Cao, Hong Kong, Singapore…Những mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, than đá, cao su. Hàng nhập khẩu chủ yếu là những mặt hàng phục vụ cho người Pháp, Hoa kiều và những người giàu có trong xã hội: máy móc, ô tô, vải, lụa, rượu, đồ sắt…Như vậy, chính sách “bế quan tỏa càng” bấy lâu nay của nhà Nguyễn đã bị phá vỡ và từ đây Nam Kỳ nói riêng và cả nước nói chung đã mở rộng giao thương buôn bán với các nước trên thế giới.
Bảng 1.3. Xuất khẩu gạo qua cảng Sài Gòn 1870-1915 [78, tr.89]
Gạo xuất khẩu (tấn) | Năm | Gạo xuất khẩu (tấn) | |
1870 | 128.894 | 1900 | 747.635 |
1880 | 293.207 | 1910 | 1.108.561 |
1890 | 540.998 | 1915 | 1.091.437 |
Bên cạnh hoạt động buôn bán của người Pháp thì hoạt động buôn bán của người Hoa (Chệt), người Ấn Độ (Chà Và) cũng rất phát triển. Họ nắm trong tay những vị trí then chốt trong một số ngành kinh tế: thu mua, xay xát, xuất khẩu lúa gạo…Bởi vì, thực dân Pháp chủ trương dung túng, nâng đỡ cho bọn họ, để dùng bộ phận này chèn
ép người Việt về phát triển kinh tế. Ở Nam Kỳ, “các chợ và các bến đò trong Lục tỉnh thì Chà Và nó đấu gần hết, nó đấu mắc, nhưng mà nó cũng kiếm thế làm cũng có lợi, đi lại nó cũng bắt An Nam mà ép cho ra dầu mà thôi…Thiểm thay, thức lệ quan ra mỗi ngày đều có treo tại chợ, police mỗi ngày đều có tuần giữ tại chợ, mà để cho Chà Và nó làm tùy ý nó…” [58, tr.248]. Còn “ba chú Chệt đã thâu đạt lợi quyền,…không biết chiêu hiền đãi sĩ,…bạn đồng bang ta bị mấy chú Chệt ăn nói hỗn hào…nhưng mà…không đi đâu cho khỏi ba chú Chệt. Vì nội Sài Gòn tiệm tiên lầu nào cũng là người Thanh mà thôi”[58, tr.83]. Chính vì vậy mà ý thức tranh thương của một bộ phận trí thức yêu nước ở Nam Kỳ bắt đầu trỗi dậy, họ đã hô hào các “bạn đồng bang” cùng nhau hùn vốn kinh doanh, “lập lấy năm bảy tiệm tiên lầu…đặng mà tiếp đãi đồng bào mình với mình buôn bán với nhau, vui biết chừng nào, đẹp biết chừng nào !”[58, tr.196]. Đây cũng chính là một trong những hoạt động quan trọng của PTDT ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỉ XX.
1.1.2.2. Tình hình xã hội.
Cuộc khai thác thuộc địa ở Nam Kỳ của thực dân Pháp làm cho mọi mặt xã hội ở đây phân hóa cùng cực, khắc hẳn với Trung và Bắc Kỳ, hình thành nhiều tầng lớp xã hội mới mà trước đây dưới thời quân chủ nhà Nguyễn không có: đại điền chủ, điền chủ, tá điền.
Đại điền chủ: có điền sản từ 100 đến hàng ngàn ha ruộng đất, tập trung trong tay người Pháp, Hoa kiều và một ít người Việt là quan chức hoặc dân Tây. Thu nhập ngoài lúa ruộng còn có tiền lời cho tá điền vay. Hàng năm một đại điền chủ thu hàng mấy chục ngàn giạ lúa. Vì vậy, mà họ sống ung dung trong các biệt thự sang trọng, to lớn ở tỉnh lị hoặc ở Sài Gòn. Theo thống kê của người Pháp, toàn Đông Dương có 6.690 người có điền sản trên 50 ha thì Nam Kỳ có tới 6.300 người; số người được coi là giàu có toàn Đông Dương có khoảng 9.000 người thì Nam Kỳ có tới 8.000 người [56, tr.173]. Mức thu nhập bình quân của giới đại điền chủ và thương gia Nam Kỳ cao hơn thu nhập của gia đình công chức, quan lại người Âu. Con cái họ thừa điều kiện xuất ngoại học hành nhưng trong thập niên đầu thế kỉ XX rất hiếm đại điền chủ cho con du học nước ngoài. Từ năm 1924 trở đi, phong trào đưa con sang Pháp học mới phổ biến