có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước của họ trong việc kêu gọi nhân dân tham gia công cuộc duy tân đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh để thực hiện mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc mà còn góp phần làm đa dạng thêm loại hình giải trí cho người dân Nam Bộ, đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú.
2.2.3.3. Vận động thực hiện nếp sống mới.
a. Bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội.
Từ rất xa xưa, “từ ngày vua Sĩ vương đến hóa dân thành tục nước Nam Việt” thì nhân dân ta ngày càng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa. Mà “người Trung Quốc bấy lâu dầm thấm say mê theo dị đoan” cho nên những điều tệ hại của nước Tàu cũng được lấy qua cho nước Nam ta mà không ai khuyên giải cho đồng bào ta rõ. Bởi vì tầng lớp nho sĩ, được coi là “hiểu biết” hơn thì lại “tàng ẩn” và hay nói những điều hủ lậu, chẳng có “mảy múng nào tác tân dân”. Trung Quốc và Khổng giáo đã đem lại cho chúng ta một nền văn hóa mà nếu xét kỹ thì rất kém cỏi. Lớp người được đào tạo bằng kinh truyện sách Trung Quốc lâu nay “bị bắt buộc phải bám víu vào tư tưởng Khổng giáo giống như người bị chìm bấu víu vào mảnh ván lềnh bềnh”. Trong khi văn hóa Tây phương rất phát triển và lan khắp thế giới, nếu chúng ta tiếp thu nó thì rất có lợi. Nhưng tư tưởng Khổng giáo làm chúng ta khó thu nhận văn hóa Tây phương, khó tiến bộ, khó tổng hợp hai nền văn hóa Tây-Đông để tạo cho mình một nền văn hóa độc lập cao thượng. Tuy nhiên nền văn minh vật chất phương Tây đã xâm nhập vào đời sống của nhân dân ta dưới thời thuộc Pháp, đặc biệt là ở Nam Kỳ.
Sài Gòn là nơi sự “Âu hóa” diễn ra sớm và nhanh nhất, trong đó giới trẻ là người bị ảnh hưởng mạnh nhất. Nhưng đó chủ yếu là nền văn hóa ngoại lai chứa đầy tiêu cực. Thực dân Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân về giáo dục và đầu độc về văn hóa ở nước ta để dễ dàng hơn trong việc khai thác, bóc lột phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Các trường học ở Nam Kỳ sớm được thành lập nhưng trong chương trình học nội dung chủ yếu là truyền bá “văn minh đại Pháp” nhằm đào tạo một thế hệ người Việt Nam mất gốc, mất dần ý thức về thân phận của người dân mất nước để từ đó trung thành với chính phủ thực dân. Thực dân Pháp còn duy trì và phát triển những
phong tục hủ bại thời phong kiến; khuyến khích cờ bạc, uống rượu, hút thuốc phiện; phát triển mê tín dị đoan trong nhân dân; khuyến khích việc thành lập, tuyên truyền rộng rãi các thứ tôn giáo và “tà giáo” để ru ngủ nhân dân…Trước tình cảnh như vậy, các sĩ phu đã giương cao ngọn cờ duy tân, đổi mới, hướng người dân vào việc thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ, cổ động cho tinh thần dân tộc, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống tư sản. Qua báo chí, họ đã không ngần ngại vạch rõ những thói xấu đang tồn tại trong xã hội, đặc biệt là thói mê tín dị đoan và những hủ tục.
LTTV là tờ báo có những bài viết chống đối rất mạnh những tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, á phiện, rượu chè…với những bài như “Xã cựu tùng tân, cải tà, quy chánh”, Tử táng minh luận, Á phiện, Đề 36 con, Đòi uống rượu mãi…Trước hết các chí sĩ chỉ ra nguyên nhân gây ra những tệ nạn trong xã hội là vì dân mình ngoài làm ruộng thì không có nghề gì khác nên thời gian rảnh rỗi nhiều mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc…Hơn nữa, vì nay có tiền, cuộc sống sung sướng, chẳng cần làm gì nên đàn bà con nít ở không mà ở không thì sinh ra tệ nạn: cờ bạc, đĩ điếm…Cho nên để loại bỏ những tệ nạn đó thì cần phải hết sức “giúp cho nền công nghệ”. Bên cạnh đó, các chí sĩ cũng kêu gọi nhân dân nên giảm bớt các “thói xưa” là những điều tệ và bất tiện mà chúng ta đã học theo Tàu bấy lâu trong cuộc tử táng, trong ngày tết qua bài Tử táng minh luận, Khuyên ăn tết. Bởi vì đó là việc làm tốn bạc tiền vô ích, là sự mê tín dị đoan. Tự cổ cập kim, người dân ta đều đua nhau cúng thần, tạ đất đai, làm chay, thí rế,…mỗi năm tốn biết bao nhiêu là tiền bạc nhưng thần là gì? Sao khi người Pháp qua chiếm đất nước ta chẳng thấy Thần nào đỡ đạn để “cứu trong quốc vương thủy thổ mình” mà lại để cho mất nước. Hay tại khúc sông Trà Lọt có cái miễu sóng thần, ghe buôn nào qua đó cũng đốt giấy, gạo muối thí cô hồn nhưng đến khi chìm ghe tàu thì không thấy Thần đâu mà cô hồn cũng đi đâu mất. Cho nên, đã có một cuộc tranh luận “Trả Phật cho Chà và, trả Quan Công cho Chệt” kéo dài từ khi đăng trên NCMĐ rồi đem qua LTTV cho tới khi G.Chiếu bị bắt mà vẫn chưa rứt khoát. Trong chủ đề này, người ta chỉ muốn đả kích hình thức thờ phụng tốn kém, làm mất thời giờ chứ không đả động tới lý thuyết, giáo lý…Các nhà duy tân kêu gọi nhân dân hãy lấy số tiền dùng cúng thần hàng năm đó để rước thầy giáo về dạy trẻ em, dẹp đình làm trường học, cất “nhà thí cho mụ ở, đặng điều dưỡng những đàn bà trong lúc lâm bồn
Có thể bạn quan tâm!
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 11
- Phong Trào Đấu Tranh Của Nhân Dân Nam Kỳ Trong Lĩnh Vực Kinh Tế.
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 13
- Đặc Điểm, Tác Động Và Bài Học Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905 -1930).
- Minh Tân - Duy Tân: Con Đường Đổi Mới, Con Đường Cách Mạng.
- Bài Học Rút Ra Từ Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ.
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
cùng bố thí cho kẻ tàn tật” [58, tr.274]. Ngoài ra, họ còn kêu gọi xóa bỏ tục xấu cũ xưa như tục kiêng húy, nhuộm răng…, lo sửa lại tục mới. Đặc biệt, các chí sĩ tỏ ra bất bình trước hủ tục “trọng nam khinh nữ”. Người phụ nữ vốn có vai trò quan trọng không chỉ trong gia đình: Mẹ tốt thì sinh được con ngoan, vợ hiền thì giúp được chồng giỏi, mà còn cả đối với xã hội, bởi vì “trong nước nếu không có người phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho người ta mà thôi” [49, tr.519]. Nhưng trong xã hội trước đây, người ta quen nghĩ chuyện xã hội, chuyện làng, chuyện nước là việc của người đàn ông còn chức trách của người phụ nữ là lo việc bếp núc, chăm sóc con cái. An Nam ta “hủy bạc đờn bà thái thậm”, bắt cấy gặt khiêng gánh nhiều việc nặng nề, lại còn đàn ông hay đánh vợ, phụ nữ không được học hành hay tham gia vào các công việc xã hội. Trong gia đình, chồng được quyền chưng diện bảnh bao, ăn uống no say, vợ thì “giữ chuồng heo, chăn vịt ngồi ôm nồi cơm trách mắm như tôi tớ trong nhà” [58, tr.300]. Lại còn tệ mẹ chồng ăn hiếp nàng dâu cho nên có nhiều người con gái không muốn làm dâu. Trong khi người nước ngoài rất coi trọng đàn bà, đàn bà được “thong thả an dưỡng tinh thần”. Trước tình trạng đó, các chí sĩ rất lo lắng bởi vì An Nam mình có chừng hai triệu rưỡi người, nếu nghèo nàn thì ngày kia con gái đàn bà vì dốt mà ham tiền bạc rồi bỏ hết tiết hạnh, nếu cha mẹ cũng dốt, tính hay tham lợi cũng ùa theo thì sao tránh cho khỏi việc mất giống. Vì vậy, họ rất chú ý tới việc dạy chữ, dạy nghề cho phụ nữ, đây là một tư tưởng mới, tiến bộ và táo bạo lúc đó: “Con gái nhà nghèo thì hoặc tằm tơ bông bả, thêu tiểu vá may, hễ khi rảnh việc thì phải đi học. Đến như con gái nhà giàu, đờn bà tuổi trẻ nhiều khi thong thả chơi bời, ắt thêm ra nhiều điều có hại. Cho nên phải dạy cho họ biết học thì hơn, chớ để đờn bà mà chịu dốt ấy là cái lỗi đờn ông đó vậy”[71, tr.106]. Trên báo LTTV, việc bênh vực quyền lợi phụ nữ cũng là một đề tài tranh luận quan trọng. Ngoài ra, các chí sĩ còn lên án, tuyên truyền bỏ những hủ tục, tệ tảo hôn, ép duyên, mẹ chồng ăn hiếp nàng dâu…
Như vậy, đầu thế kỉ XX, văn hóa có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa truyền thống và phương Tây, tầng lớp trí thức Tây học là những người đã đi tiên phong trong việc đả kích những quan niệm, nếp sống lạc hậu vốn là nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu, yếu kém của đất nước và kêu gọi, phát động PTDT, thực hiện nếp sống mới.
b.Thực hành nếp sống mới.
Khi các nhà duy tân hô hào đồng bào đọc Tân thư với tin tức duy tân ở Trung Quốc, ở Nhật thì cả nước bùng lên PTDT, cúp tóc trở thành phong trào của quần chúng. Ở Nam Kỳ, tuy sớm tiếp xúc với văn minh phương Tây nhưng ban đầu người dân vẫn tôn thờ những tập tục cổ truyền, nặng lòng với triều Nguyễn. Nhưng thanh niên Nam Kỳ để tóc dài tự thấy mình hủ lậu nên họ đã nhiệt tình ủng hộ việc cắt tóc. Phong trào lan rộng từ thành thị tới nông thôn và mạnh đến mức khi thầy giáo Nguyễn Thuận Phương hô hào cúp tóc qua bài “Duy tân tam sự” đăng trên báo NCMĐ, Trần Chánh Chiếu phải ghi chú phía dưới: “xin thầy Nguyễn Thuận Phương chầm chậm đợi bọn Duy Tân ta lập nhà hàng bán kéo, nón, dao cạo trước đã, vì nếu mà hùn nhau cúp tóc một lượt thì làm sao có đủ nón đến ba triệu mà đội”[144, tr.11]. Nhờ vậy từ cuối năm 1907, mọi người mặc nhiên công nhận để tóc dài là một chướng ngại lớn cho cuộc sống của phái mày râu.
Bên cạnh vận động từ bỏ những thói quen ăn sâu vào mỗi cá nhân, các chí sĩ còn thường xuyên kêu gọi mọi người theo nếp sống văn minh, giản dị, để răng trắng, cắt móng tay, bỏ thói quen ăn trầu, “bỏ bút lông, cầm bút sắt”…Như trên báo LTTV, số 13 có đăng bài Phỏng ước trừ tệ, nói việc nhuộm răng, thoa miệng, ăn trầu vừa tổn phí vô ích lại dơ dáy cho nên phải trừ dứt điều tệ này đi rồi lấy phần tiền đó, “một năm nội trong một tỉnh mà lập coi có phải là cái hội Minh Tân cũng đặng, đừng nói chi là một hội”[58, tr.310]…
Ngoài ra, các chí sĩ còn đem vào cuộc sống của nhân dân những thói quen mới như đọc báo hàng ngày; giải trí với đờn ca tài tử, sân khấu cải lương…Mặc dù, báo chí đã xuất hiện ở Nam Kỳ ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân đến xâm lược nước ta nhưng cho đến lúc này, việc đọc sách, đọc báo trong nhân dân còn ít. Vì vậy, các nhà duy tân đã kêu gọi, khuyến khích mọi người đọc báo: “Liệt vị hãy xét mà coi: mua một năm nhựt trình này mà có năm đồng bạc, thì cũng không phải là tổn hao chi lắm mà lại hữu ích về việc văn minh. Như vậy có phải là đáng tốn hơn chuyện chơi bời vô ích chăng”[55, tr.66]. Mặt khác, những hoạt động rầm rộ của các chí sĩ trên lĩnh vực báo chí đã có những tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt của quần chúng Nam Kỳ. Qua những bài viết có nội dung gần gũi với nếp sống, nếp sinh hoạt hàng ngày, hướng đến mọi đối tượng, mọi tầng lớp xã hội; cung cấp đầy đủ những thông tin về kinh tế,
văn hóa, xã hội…, cũng như những tâm tư tình cảm của những người con yêu nước đang sống trong cảnh đất nước bị xâm lược được gửi gắm trong bài viết, người dân cũng dần hiểu được lợi ích của việc đọc báo. Từ đó, thói quen đọc báo được hình thành và ngày càng ăn sâu vào tâm thức của người dân, đưa đến những nhận thức và hành động quyết liệt trong việc từ bỏ những quan niệm cổ hủ, lạc hậu, học tập theo những cái mới, cái tiến bộ, phát huy tinh thần tự lực tự cường để xây dựng đất nước.
Trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thì ở Nam Kỳ đã có nghệ thuật hát bội và đờn ca tài tử nhưng chưa phổ biến. Đến đầu thế kỉ XX, Huỳnh Đình Điển đã dùng đờn ca tài tử để cổ vũ phong trào yêu nước. Ban đầu, đờn ca tài tử chỉ đến biểu diễn tại các khách sạn để thu hút khách. Nhưng chính từ ý tưởng này, đờn ca tài tử đã đến gần hơn với công chúng, ngày càng có đông đảo quân chúng nhân dân đến các khách sạn để thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử. Bởi vì, những lời ca, điệu nhạc đã thể hiện được tâm tư tình cảm của người dân qua lối kể chuyện hết sức gần gũi. Về mặt khách quan, đờn ca tài tử đã góp phần thúc đẩy sự hình thành bộ môn cải lương. Và cũng chính Đặng Thúc Liêng là một trong những người đưa ra sáng kiến áp dụng nghệ thuật đờn ca Trung Nam bày ra diễn kịch trên sân khấu mà sau này gọi là cải lương. Sáng kiến này đã được nhiều gánh hát học hỏi, vận dụng theo và đã được quần chúng nhân dân yêu thích.
Có thể nói, những hoạt động của các chí sĩ duy tân đã giúp cho dân chúng dần hình thành thói quen mới như đọc báo, đọc sách, góp phần quan trọng vào việc mở mang dân trí và với đờn ca tài tử, cải lương thì loại hình giải trí của người dân Nam Kỳ đã đa dạng hơn, điều đó làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú.
c. Đề cao chữ quốc ngữ.
Từ khi thực dân Pháp chiếm trọn Nam Kỳ thì cả Lục tỉnh coi như thoát li hẳn chính quyền trung ương (Huế). Nhưng cũng từ đó (1867) ở Nam Kỳ lại nảy sinh nhiều hiện tượng văn học mới trong sinh hoạt văn hóa như báo chí, văn chương, nhất là tiểu thuyết mới, thơ ca. Những tác phẩm văn chương viết bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của ra đời; đặc biệt là báo Quốc ngữ NCMĐ do Trần Chánh Chiếu trông nom điều hành. Có thể nói NCMĐ là nhân tố tích cực giúp cho chữ Quốc ngữ ngày thêm có tác dụng và quyết định cho việc truyền thông tư tưởng, tình cảm của
người Việt…Sự phát triển nhanh chóng của chữ Quốc ngữ đã làm cho những người Việt Nam yêu nước có một nhận định quan trọng là chữ Quốc ngữ có thể truyền bá bất kì tư tưởng gì dù là cao siêu, hay nói một cách khác hay hơn là chữ Quốc ngữ có khả năng “khai dân trí”. Chính vì vậy mà trong những năm đầu thế kỉ XX, các nhà Nho tiến bộ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng khi phát động PTDT đã rất chú ý đến việc duy tân về văn hóa với chủ trương chính là phê phán Hán học, đề cao chức năng của chữ Quốc ngữ…Các ông quan niệm:
“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta”[99, tr70].
Riêng ở Nam Kỳ, các nhà yêu nước đã dùng chữ Quốc ngữ để hoạt động văn hóa và công thương từ cuối thế kỉ XIX, sang đầu thế kỉ XX thì họ hoạt động mạnh hơn với PTDT. PTDT được phát triển rầm rộ qua tờ NCMĐ và LTTV, dưới quyền chủ bút Trần Chánh Chiếu. Song song với sự phát triển của các cơ sở kinh tế thì hai tờ báo trên đã đóng vai trò quyết định cho việc phát huy văn hóa, văn nghệ, công thương nghiệp…Qua những bài viết, các “tay Minh Tân” đã hô hào, khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, mở trường dạy chữ Quốc ngữ. Bởi vì chữ Quốc ngữ rất dễ học, lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm,11 vần, ghép vào đọc ra tiếng ta rất đơn giản mà nhanh chóng, chỉ trong thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con sẽ biết chữ và nó còn là phương tiện hữu hiệu để tiếp thu văn minh phương Tây. Ban đầu Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào Nam Kỳ với mục đích sử dụng chúng như một công cụ đắc lực cho chính sách trực trị và đồng hóa. Nhưng các chí sĩ yêu nước đã biến nó thành công cụ văn hóa chống lại Pháp: các bài trên báo Quốc ngữ của PTDT không chỉ cổ động cho văn hóa, khoa học; cổ động xóa bỏ hủ tục, chống mê tín dị đoan, chống thủ cựu…mà còn công kích, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc trong nhân dân.
2.2.4. Hoạt động trên lĩnh vực giáo dục.
Trên lĩnh vực giáo dục, các nhà duy tân đã hô hào thành lập các trường học duy tân như trường Đồng Văn học quán (Cai Lậy), Nữ Nhi học đường (Khánh Hội),... Những trường học này có chủ trương và hoạt động tương tự như Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, thu hút đông đảo thanh thiếu niên đến học. Nội dung giảng dạy của
trường mang tính chất cải cách, hướng về giáo dục lòng yêu nước, hô hào thực nghiệp, chống lối học từ trương, trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn…cho học sinh. Bên cạnh việc mở trường học thì một hoạt động khác rất quan trọng của các chí sĩ trong lĩnh vực giáo dục là PTĐD và Tây du.
2.2.4.1. Phong trào Đông Du
PTĐD là cuộc vận động cứu nước do Duy Tân hội phát động dưới sự lãnh đạo của Phan Bội Châu và Cường Để vào những năm đầu thế kỉ XX, phát triển rộng khắp trong cả nước. Mục đích của PTĐD là: du học để cứu nước, muốn lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp thì phải mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cụ thể là vận động thanh niên sang Nhật Bản học tập để về nước đấu tranh giành độc lập, tự cường. Cuộc Đông Du bắt đầu từ Bắc và Trung Kỳ rồi lan dần vào phía Nam. Thời gian đầu tuy chưa được bao nhiêu người du học nhưng Trung Kỳ, Bắc Kỳ đã có người còn Nam Kỳ thì chưa có ai. Vì vậy, Phan Bội Châu đã tìm cách vận động. Hơn nữa, Tiểu La Nguyễn Thành, đã nói với Phan Bội Châu rằng: “sắp tính việc lớn tất phải được một món kim tiền thật to, mà kho kim tiền nước ta thật chỉ là Nam Kỳ”[9, tr.67], “Về tiền bạc thì Nam Kỳ là một tiềm năng”. Vì vậy, từ Nhật Bản, Phan Bội Châu đã viết những áng văn thống thiết gửi về Nam Kỳ:
“Thương ôi Lục tỉnh Nam Kỳ
Ngàn năm cơ nghiệp còn gì hay không? Mịt mù một dải non sông
Hỡi ai, ai có đau lòng chăng ai…”.
Tiếng gọi cứu nước đó đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của Nam Kỳ và PTĐD nhanh chóng khai thác được nguồn lực to lớn của Nam Kỳ. Khi PTĐD diễn ra, giới điền chủ đã “thi nhau góp tiền giúp ông Cường Để và các du học sinh”[58, tr.44]. Trong số đó, nổi bật là Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến, Huỳnh Đình Điển.
Trần Chánh Chiếu không chỉ tự thân qua Hồng Kông đưa con của mình đang theo học tại đó sang Nhật giao phó cho phong trào, mà khi trở về ông còn góp một
phần gia sản làm tài chính cho phong trào và sử dụng những tờ báo mà ông làm chủ bút như NCMĐ và LTTV để ngầm cổ vũ cho PTĐD và PTDT. Nguyễn Thần Hiến, một điền chủ ở Hà Tiên lập nghiệp ở Cần Thơ, là người chủ trương lập “Khuyến du học hội” và tự thân cùng con em xuất dương để hoạt động cho đến khi bị thực dân bắt...; Huỳnh Đình Điển quê ở Gò Công, chủ nhiều bất động sản ở Sài Gòn và Mỹ Tho, ngoài việc lập Nam Trung khách sạn, Minh Tân khách sạn làm kinh tế giúp tiền cho phong trào, còn dùng tài nghệ của một nghệ sĩ đờn ca tài tử cổ vũ phong trào yêu nước. Nguyễn An Khương cùng chị lập Chiêu Nam Lầu làm cơ sở kinh doanh đồng thời tài trợ cho con em Nam Kỳ du học…Hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu “khuyến quốc dân tự trợ du học văn” từ Nhật gởi về, nhân dân Nam Kỳ đã góp số tiền lên tới 12.000 đồng hỗ trợ chung cho cả du học sinh Bắc và Trung Kỳ. Có thể nói PTĐD khi vào đến Nam Kỳ đã tìm thấy nguồn lực lớn. Sau này khi viết lại những hoạt động sôi nổi của PTĐD, Phan Bội Châu luôn nhấn mạnh đến tính cách nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài của người dân Nam Kỳ. Ông đã nhận xét rằng: Mỗi lần thống kê tiền bạc ở trong nước gửi ra thấy nhiều nhất là Nam Kỳ. Nhân dân Nam Kỳ còn rất nhiệt tình hưởng ứng phong trào, đông đảo nhân dân đã hăng hái cho con em mình tham gia PTĐD. Số học sinh Nam Kỳ tham gia Đông Du đông nhất, bằng cả số học sinh Bắc Kỳ và Trung Kỳ gộp lại. Vào khoảng năm 1907-1908, con số du học sinh ước lượng chừng 200, Nam Kỳ hơn 100 người, Trung Kỳ chừng 50 người, Bắc Kỳ hơn 40 người [58, tr.44]. Thành phần tham gia phong trào cũng rất đa dạng: có người đã vào tuổi 50 như Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Thị Xuyên; có người tuổi ngoài 40 như Nguyễn An Khương; có người chưa đến 10 tuổi như Trần Văn An, Trần Văn Thư, Trần Vĩ Hùng; có người là phụ nữ như vợ của Hoàng Hưng, Nguyễn Thị Xuyên. PTĐD ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ như vậy, bởi vì nó hoạt động có tổ chức: có một ban đón tiếp và hướng dẫn đồng bào xuất ngoại gồm các ông: điền chủ và thư kí Nguyễn Háo Văn, ông hội tề xã Định, cai tổng Võ Văn Thiện ở Nam Trung khách sạn; thành lập được “Khuyến du học hội” do Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu, Đặng Thúc Liêng…lãnh đạo. Trong lúc PTĐD ở Nam Kỳ đang phát triển thì bị thực dân Pháp đàn áp. Bởi vì, khi theo dõi qua đường dây bưu điện, Pháp đã phát hiện được việc phụ huynh Nam Kỳ gửi thư cho Phan Bội Châu để hỏi