với cuộc đời. Niềm vui của Đậm khi có Quý ở bên giúp đỡ trong khung cảnh sắp giao thừa gợi cho người đọc bao cảm xúc. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư dù trong đói nghèo lam lũ nhưng biết vươn lên, khao khát hạnh phúc và tình yêu. Họ biết tìm cho mình một lối sống, một cách để yêu thương, để tự tin trước cuộc đời.
Truyện ngắn“Lỡ mùa” lại phản ánh một thực trạng đáng báo động ở miền Tây Nam Bộ: do thái độ dửng dưng, vô trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo trước những vấn đề bức xúc của nông dân: vấn đề ruộng đất cho dân cày. Người dân nghèo ở Trảng Cò khổ vì không có đất canh tác do những quy hoạch “treo”. Có ai quan tâm tới họ không? Lãnh đạo có nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trước khi quyết định một vấn đề liên quan đến đời sống của họ không? Rồi đây họ sẽ sống bằng cách nào? Tuyệt nhiên không ai đề cập đến. “Lỡ mùa” day dứt người được cũng vì lẽ đó.
Một trong những vấn đề bức xúc nhất của vùng đồng bằng sông nước đó chính là vấn đề “dòng sông và những cây cầu” . “Qua cầu nhớ người” là câu chuyện nóng bỏng, bức xúc khi xã Đội Đỏ - một xã anh hùng mà không có lấy một cây cầu bắc qua sông Dài. Cái khát vọng chính đáng và hết sức bình dị ấy của người dân chỉ được thực hiện khi Hai Nhỏ cầm cố hết đất vườn để tự nguyện xây một cây cầu. Tại sao chỉ có một cây cầu bắc qua một khúc sông nhỏ chưa đầy năm chục sải tay mà lại trở thành ước mơ xa vời đối với chừng ấy con người ngay giữa thời hiện đại? Tại sao chính quyền địa phương không giải quyết mà phải đợi chờ những người dân dám nghĩ dám làm, không toan tính thiệt hơn như Hai Nhỏ, Năm Hiệp ra tay thì đôi bờ thương nhớ mới được xích lại gần nhau hơn. “Qua cầu nhớ người” chính là nhớ cái ơn, cái tình của những người nông dân nghèo mà hào hiệp, không toan tính, giàu lòng yêu quê hương.
Lớn lên từ đồng ruộng quê hương, là một người con của Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đồng cảm sâu sắc về thân phận người nông dân. Chị luôn bộc lộ tình cảm yêu mến đối với những con người hai sương một nắng gần gũi và thân thương với mình. Hiện thực cuộc sống nông thôn Nam Bộ được phơi bày trong sáng tác của chị khiến người đọc không khỏi giật mình. Đôi khi cảnh nghèo khó vẫn hiện lên qua những chi tiết rất “vô tình” khiến người đọc dễ dàng hình dung một cuộc sống thiếu thốn về vật chất: Đó là những “ngôi nhà lá cũ mèm” mà mỗi mùa gió chướng đều là nỗi lo vì không biết nó sẽ sập lúc nào, “cái lồng bàn bằng tre đậy mâm cơm được lợp thêm một lớp vải, nếu không mọt trên trần nhà rắc xuống như người ta rắc tiêu xay, mấy bộ ván mọt gặm lởm chởm, đi trong nhà luôn phải đề phòng nước rớt, mấy cây cột bị mối gặm lam nham, búng ngón tay nghe kêu bộp bộp...”[59]. Cái nghèo hiện lên qua những vật dụng cũ kĩ, lạc hậu hoàn toàn xa lạ với xã hội hiện đại: cái bình trà sứt vòi, cái lu đựng nước mưa, cái nhà tắm làm bằng lá dừa, “chiếc ti vi đen trắng mỗi lần mở phải đập thùm thùm; vài xâu cốm gạo treo trên vách, mấy hũ kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi để bên nầy, trái cây như khóm, bí rợ, khoai lang thì chất thành hàng bên kia; qua lối sinh hoạt kiểu ăn đong hàng ngày: mỗi chiều về mua một ngàn mỡ nước, năm trăm bột ngọt, năm trăm tỏi, năm trăm tiêu; qua những “gia tài” chỉ là gánh chè rong, chiếc xe kẹo kéo, đàn vịt, chiếc ghe nhỏ...”[58]. Sự chân thực hiện lên qua những chi tiết miêu tả cảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng Nam Bộ. Đó là cảnh những người đàn bà ngồi giặt giũ dưới bến sông, hình ảnh họ mang xoong chảo ra bực sông chùi lọ nghẹ, săn đón ghe hàng bông, mua rau, và bán lại những quày chuối chín trong vườn. Rồi những cảnh đi xem biểu diễn cải lương trên những sân khấu tự dựng, hình ảnh chàng trai nằm trên ghe ca vọng cổ...Hay cảnh nằm đu đưa, thò tay có thể hái xoài ăn, nghe chim hót trong
vườn, nghe cá quẫy dưới mương, ngắm vườn kiểng rồi ngủ thiếp lúc nào không hay. Tỉnh dậy thì ăn cá lóc nướng trui với nước mắm me, rượu đế nếp than, chơi đàn kìm...Đó là những chi tiết bình dị, gần gũi với lối sinh hoạt của người dân miền Tây sông nước, góp phần hình thành nên tính cách con người Nam Bộ nói chung.
Với một tấm lòng nhân hậu, yêu thương và đồng cảm sâu sắc, với sự quan sát tinh tế, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện bức tranh đời sống của những người lao động nghèo khó trên quê hương miền Tây của chị. Họ không chỉ nghèo khổ mà còn gặp nhiều éo le ngang trái, khiến cho cuộc sống vốn đã vất vả lại càng thêm túng quẫn. Trong những tình cảnh éo le, ngang trái, Nguyễn Ngọc Tư muốn để họ tự bộc lộ những tâm tư, suy nghĩ, họ tự có những cách ứng xử...từ đó làm nổi bật tinh thần lạc quan và nghị lực vượt lên trên số phận. Vì vậy những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư đậm màu sắc hiện thực, nóng hổi chất đời thường như những trang kí sự chân thực, của một tấm lòng đôn hậu, một tài năng sắc bén và một bản lĩnh cứng cỏi của người cầm bút.
“Nếu ở hình tượng người nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Tư đi sâu vào tìm hiểu số phận của cuộc đời nghệ sĩ của họ thì ở hình tượng người nông dân Nam Bộ, tác giả lại nghiêng về khắc họa tính cách nhiều hơn. Đó là những con người hiền lành, chất phác, thật thà, nhưng tình yêu và tình người thì dạt dào như biển nước Cà Mau”[10.1]. Hình tượng người nông dân chiếm một số lượng khá lớn trong các tác phẩm của chị: 21/32 tác phẩm, tức là khoảng 66% số lượng tác phẩm. Trong những năm 80, “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi đã dựng lên hình tượng người nông dân Nam Bộ khỏe mạnh, chất phác mà rất trọng tình nghĩa. Bây giờ, Nguyễn Ngọc Tư lại mang đến cho ta hình tượng người nông dân Nam Bộ cũng lam lũ, mộc mạc, tình nghĩa nhưng nín nhịn, giỏi chịu đựng.
Có thể bạn quan tâm!
- Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 4
- Nguyễn Ngọc Tư Với Cảm Quan Đời Thường Trong Xây Dựng Nhân Vật Văn Học
- Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 6
- Cái Nhìn Nhân Ái Của Nguyễn Ngọc Tư Trong Truyện Ngắn
- Cái Nhìn Nhân Ái Về Con Người Của Nguyễn Ngọc Tư
- Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Tư Với Cốt Truyện - Dòng Tâm Trạng
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Cũng giống như người nông dân ở khắp mọi nơi, người nông dân Nam Bộ trong truyện Nguyễn Ngọc Tư là những người chăm chỉ, chất phác, hai sương một nắng làm lụng kiếm sống. Họ làm đủ nghề: Nghề chèo đò (Lương
-“Bến đò xóm Miễu”); nghề chăn vịt (Ông Tư Mốt - “Cái nhìn khắc khoải”); nghề gánh nước thuê (Tiên - “Nửa mùa”); nghề làm ruộng (Ông Ba Già - “Lỡ Mùa”); nghề bán dưa (Đậm -“Giao Thừa”); nghề hát rong (Chú Đời - “Đời như ý”); nghề ghe thuyền (Ông Chín - “Nhớ sông”)...
Xoay đủ cách, kiếm đủ nghề để sống, nghề nào cũng thấy vất vả, cực nhọc: “Suốt ngày quần quật trên sông mà bộ mình khẳng khiu chỉ độc cái quần tà lỏn dính đầy nhựa trong của thời làm sai vặt ở các trại xuồng”[56.99]
“Cô thấy mình giống cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn. Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi”[56.69]
Mặc dù vất vả như vậy, nhưng hầu hết họ đều nghèo. Nghèo như một căn bệnh truyền nhiễm, khắp nơi nơi, ở đâu cũng thấy trong cuộc sống của người nông dân. Hình như, cứ nhắc đến họ là người ta nhắc đến chữ: Nghèo.
“Anh đã chèo hết thảy chín xác đò. Bến đò Đậu Đỏ qua xóm Miễu sang đi nhượng lại qua tay bốn người chủ. Mà Lương vẫn còn nghèo. Lương khoe, nghèo, cực nhưng vui lắm”[57.84]
“Gia đình ông Chín sống hẳn trên ghe. Cảnh của ông cũng buồn lắm.
Nhà nghèo, ra riêng, gia đình ông chỉ có hai công đất”[58.114]
Thông qua hình ảnh người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài những nét riêng biệt, người đọc cũng nhận thấy những đặc điểm của người lao động nói chung ở bất kỳ vùng miền nào. Đó là sự lam lũ, vất vả, “hai sương một nắng” chăm chỉ, cần cù, chất phác; xoay đủ nghề để kiếm sống và vẫn không thoát khỏi chữ “nghèo”. Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho bức
tranh đời sống hiện thực của Đồng bằng sông Cửu Long thêm phần sinh động.
Bằng các tác phẩm của mình, chị cũng làm cho bức tranh về nông thôn Việt Nam hiện đại đầy đủ hơn, hình ảnh người nông dân thời nay rõ nét hơn.
2.2.3. Chất thơ của vẻ đẹp tâm hồn
2.2.3.1. Nhân vật đầy tính thiện
* Con người bộc trực, chan hòa
Con người trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư sống tình nghĩa với bà con họ hàng, với đất đai quê hương, với tất cả những con vật gắn bó với họ trong công việc. Họ thật giản đơn, cởi mở, mến khách, nghĩ sao nói vậy. Nhìn chung ấn tượng về nhân vật Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đó là những con người chan hòa, cởi mở, thân thiện và dễ gần.
Trong “Thương quá rau răm” tình cảm của ông Tư Mốt với Văn đâu chỉ đơn giản là cầu cạnh Văn ở lại Mút Cà Tha. Cách đối xử của ông đối với Văn cũng là cách ứng xử xã giao quen thuộc của con người miền Tây Nam Bộ: “Gặp Văn lần đầu tiên, ông nghĩ ngay, phải giữ thằng nhỏ này ở lại cù lao, thấy cái mặt buồn buồn, ngó bộ đàng hoàng. Ông nghĩ là mình có cách, không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người”[58.17]. Lấy tình người ra đối đãi với nhau, dù người đó họ chưa hề quen biết, đó là phẩm chất của đa số người lao động nói chung..
* Con người xả thân vì nghĩa
Chất Nam Bộ rắn rỏi, mạnh mẽ, sẵn sàng xả thân vì nghĩa của vùng Đồng bằng sông nước cũng được thể hiện đặc sắc trong thế giới nhân vật của chị. Dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, họ sẵn sàng cưu mạng những người thất cơ lỡ vận. Người đàn ông trong “Cái nhìn khắc khoải” dù chỉ có độc một chiếc ghe cũng không ngần ngại cho cô Út quá giang một đoạn đời của mình. Cũng vào hoàn cảnh như thế, ông Chín trong “Đau gì như thể...” không những cưu mang Cô Cúc lúc bụng mang dạ chửa mà khi Cúc bỏ đi,
ông lại tiếp tục cưu mang con gái của cô - Nga - không một lời kêu ca, phàn nàn. Cả người cha trong “Cánh đồng bất tận” cũng chỉ vì sẵn lòng cưu mang, cho một cô gái quá giang đi nhờ mà cuộc đời của ông hoàn toàn chuyển sang hướng khác. Dường như đối với người Nam Bộ, cưu mang, giúp đỡ người khác là trách nhiệm, là phép ứng xử thường nhật của con người.
Ta đã thấy trong nhiều tác phẩm văn học các nhà văn Nam Bộ những nhân vật nam giới, những người đàn ông Nam Bộ sống rất trượng nghĩa mà chàng Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là hình tượng lớn lao, đặc sắc nhất. Ở Nguyễn Ngọc Tư hình tượng người phụ nữ vùng Nam Bộ được thể hiện sắc nét, như một sự bổ sung vào thế giới nhân vật con người Nam Bộ. Trong các truyện của Nguyễn Ngọc Tư, truyện vừa “Cánh đồng bất tận” thể hiện người phụ nữ tập trung nhất, tính cách, số phận phức tạp nhất. Câu chuyện: “Dòng nhớ” thật thú vị và đặc biệt. Hiếm có người phụ nữ nào như “Má tôi”. Bà đi khắp các bến sông tìm lại người vợ cũ cho chồng mình. Nén chặt lòng mình để người khác được vui, ngậm ngùi nhưng lại vun đắp hạnh phúc cho người khác. Đó cũng là một trong những phẩm chất làm người ta không thể quên con người Nam Bộ.
Nổi bật hơn cả cho tính cách Nam Bộ, đó là: sống đẹp, yêu thì yêu hết mình, còn tin thì tin mãnh liệt. Họ sống với nhau bằng cái tình, bằng sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Họ yêu ai là yêu trọn đời, họ tin ai là tin đến quên đường về, và mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, họ sẵn lòng cưu mang những người thất cơ lỡ vận. Tiêu biểu cho tính cách này, có truyện ngắn: “Cái nhìn khắc khoải”. Nhân vật cô Út trong truyện đã yêu và đặt niềm tin mãnh liệt vào một anh thợ gặt mà cô không hề biết gốc gác ở đâu. Nợ nhiều quá, người ta xiết nợ, anh đành phải bỏ chị mà trốn đi. Vậy mà chị không hề hận thù anh, chỉ trách bằng cách rất nhẹ nhàng bằng hai từ “tệ
thiệt”, và giận quá, chị gọi anh bằng “thằng”, “thằng đó” thì lập tức có tiếng “xin lỗi” đi kèm. Rồi lủi thủi ra bờ sông ngồi khóc, bơ vơ nơi xứ người, không biết phải đi về đâu. Bản tính người phụ nữ Nam Bộ là vậy, hiền lành, vị tha và yêu hết mình. Rõ ràng, Nguyễn Ngọc Tư đã lột tả được một nét tính cách rất khác, rất đặc trưng của người Nam Bộ, sống rất trượng nghĩa, sẵn sàng xả thân vì nghĩa nhưng cũng rất đơn giản, mộc mạc đôi khi đến mức nhẹ dạ, dại khờ.
* Con người với bản tính nín nhịn, chịu đựng
Không giống với những nhân vật cương trực, giàu khí phách, chống lại áp bức của các tác phẩm văn học giai đoạn trước, Nguyễn Ngọc Tư còn phát hiện một bản tính khác của con người Nam Bộ, đó là bản tính cam chịu đến nhẫn nhục. Nhân vật trong truyện của chị phần lớn là những con người ít phản kháng trước những ngang trái, bất công, nhưng có khả năng chịu đựng. Phẩm chất của người lao động phải chăng một phần là sản phẩm của thiên nhiên, hơi thở cuộc sống của từng vùng miền mang lại. Mỗi mảnh đất, điều kiện khác nhau đã tạo dựng, đào tạo ra những con người có phẩm chất khác nhau. Nếu như hình tượng người nông dân Nghệ Tĩnh của Nguyễn Minh Châu kiên nhẫn nhưng không an phận, luôn mang khát vọng vươn lên, thì hình tượng người nông dân của Nguyễn Ngọc Tư lại mang hởi thở, phong cách rất đặc trưng của con người Nam Bộ: Nhân hậu, nín nhịn, giỏi chịu đựng. Người nông dân Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư sống ở vùng đất “thiên đường nhỏ”: Nằm võng đu đưa, thò tay ra có thể hái xoài ăn, nghe chim hót trong vườn, nghe cá quẫy dưới mương, ngắm vườn kiểng, rồi ngủ thiếp lúc nào không hay. Tỉnh dậy thì ăn cá lóc nường trui với nước mắm me, rượu đế nếp than, nghe cải lương, chơi đàn kìm. Tất cả đã tạo nên tính cách con
người: Nhân hậu, nín nhịn, giỏi chịu đựng, tính tình đơn giản, cởi mở, mến khách, không triết lí hoa xòe lộn xộn.
Trong gia đình Tư Nhớ trong “Đau gì như thể”, hai cha con bị đổ cho tiếng là hại đời con riêng của vợ. Dẫu bị oan, mà hai cha con cũng chẳng biết làm gì. Ông già chỉ biết “nổi quạu đùng đùng, thiên hạ phải để tôi sống đàng hoàng như một con người chớ. Tiếng kêu nghe thấu đến trời, sao đồng loại con người không học cách hiểu nhau”[57.121]
Hay những người nông dân nghèo làng Trảng Cò, trong truyện “Lỡ mùa”: người nông dân khổ vì không có đất canh tác do những quy hoạch treo. Họ mất đất, nên luôn ao ước được cày bừa trên mảnh đất của chính mình mỗi khi thấy mưa về, nhưng giờ đây cũng không được: “Trời vẫn trĩu đầy nước, tối âm u, ông Ba thấy núi mây đen thẫm dựng lên một mảng trời phía Trảng Cò, ông chắc lưỡi như xót xa lắm, điệu này dưới mình mưa lớn dữ, đất chắc chìm hết rồi, đồng chỉ chắc còn loi ngoi cỏ, muốn cày, bừa cũng khó lắm đây. Ông Ba già nghe ruột mình nôn lên, từng khúc, từng khúc, nghẹn ứ đến mức ông không lên tiếng được”[57.38]. Công cuộc đi kiện tụng, gặp nhà chức trách cũng chỉ là con kiến kiện củ khoai mà thôi.
Những anh chàng Hai Lúa yêu mà hổng dám ngỏ lời, những ông già cuối đời vẫn sống cô đơn và hơn nữa là biết chấp nhận. Và khát vọng về một tình yêu toàn vẹn, về tình yêu thương giữa con người với con người...luôn là thông điệp, khát vọng của cuộc sống con người.
2.2.3.2. Nhân vật với tình yêu cuộc sống
Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư nhân vật của chị hay khóc: “Mãi dì Thấm không mở lời nói được, chỉ khóc là khóc, nức nở ồ ồ, nhìn cảnh mọi người xúc động, hỉ mũi rột rẹt nhưng không ai bước ra dỗ cho dì nín. Cho đến khi ông Mười xuất hiện, ông bảo, “Mấy chú làm ơn dừng lại một chút” rồi