Phong cách thơ Lưu Quang Vũ - 2

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành tham khảo thêm những tác phẩm chưa được công bố đầy đủ của Lưu Quang Vũ.

+ Cuốn sách xếp lầm trang (chưa in)

+ Cỏ tóc tiên (chưa in)


4. Mục đích nghiên cứu

Qua việc thống kê, khảo sát, phân tích, luận văn hướng đến mục đích:

- Khẳng định Lưu Quang Vũ là một cây bút thơ có phong cách, bản sắc riêng biệt.

- Sự đóng góp của thơ Lưu Quang Vũ trên tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX.


5. Phương pháp nghiên cứu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp trên cơ sở những số liệu thống kê. Qua việc khảo sát các tập thơ của Lưu Quang Vũ, người viết sẽ đưa đến những kết luận về những đặc điểm phong cách thơ Lưu Quang Vũ.

Phương pháp so sánh cũng được sử dụng như một tấm gương đối chiếu, để thấy rõ nét sự tương đồng và cá biệt của Lưu Quang Vũ so với các nhà thơ cùng thời. Nó cũng sẽ chỉ ra cho thấy sự vận động và phát triển của chính bản thân hồn thơ Lưu Quang Vũ.

Phong cách thơ Lưu Quang Vũ - 2

B. PHẦN NỘI DUNG‌


Chương 1. VẤN ĐỀ PHONG CÁCH VÀ PHONG CÁCH THƠ


1.1. Khái niệm Phong cách

Từ xa xưa, phương Tây cũng như phương Đông, đã có quan niệm: Phong cách là bản thân con người, hay nói ngắn gọn hơn, Văn tức là người. (Văn như kỳ nhân) Tính chất cá thể ở đó là vô cùng rõ nét. Tất nhiên, những nhận định đó có phần thiên lệch, nhưng nó đã cho thấy điều cơ bản nhất của phong cách: đó là nét riêng biệt, không trộn lẫn, như từng cá nhân trong lịch sử, mỗi người có một đặc tính, một hình dáng, một tính cách, một cách ứng xử, một quan niệm.

Theo các nhà ngôn ngữ học, khái niệm về phong cách xuất hiện từ thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại cùng với sự xuất hiện của khoa học về hùng biện. Phong cách ngôn ngữ là sự kết hợp của hai nhân tố : “nói gì” và “nói như thế nào”, có nghĩa đây là sự tổng hòa các phương tiện ngôn ngữ. “Nói gì” là phạm trù về nội dung và “nói như thế nào” là phạm trù về hình thức. Như vậy, phong cách là sự lựa chọn một cách có chủ đích của tác giả, để nội dung và hình thức là một tổng thể nhuần nhuyễn và hoà hợp với nhau.

Thuật ngữ văn học của Lại Nguyên Ân cho rằng “Phong cách là những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học, một nền văn học nào đó… Phong cách có sự thể hiện cụ thể trực tiếp: những đặc điểm phong cách dường như hiện diện ở bề mặt tác phẩm, như là một sự thống nhất hiển thị và cảm giác được của tất cả các yếu tố chủ yếu thuộc hình thức nghệ thuật. Trong nghĩa rộng, phong cách là nguyên tắc xuyên suốt kiến trúc tác phẩm, khiến tác phẩm có tính chỉnh thể, có giọng điệu và màu sắc thống nhất rõ rệt.

Như vậy, phong cách không phải là những đặc điểm lẻ tẻ, biểu hiện một cách rời rạc, nó cần có tính thống nhất và bền vững của tất cả những đặc tính sáng tạo của một nhà văn hoặc một thời đại. Sự hiển thị và là dấu hiệu nhận

biết của nó nằm chính trong những thủ pháp nghệ thuật, trong cách thức sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình tượng, trong cả nhân sinh quan về cuộc sống,… và tất cả cùng kết hợp nhuần nhuẫn trong một chỉnh thể thống nhất, nó sẽ tiêu biểu cho từng chủ thể sáng tạo riêng biệt. Nhưng nhìn một cách bao quát, nó cũng sẽ góp phần tạo nên những nét riêng biệt của từng thời kì lịch sử.

Theo GS Phan Ngọc “Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử và chứa đựng một giá trị lịch sử, có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại, hay một tác giả” [25,22]

Đây cũng là một quan niệm rất thú vị và đầy đủ, bao quát về phong cách. Sự quan trọng nằm trong hai mật mã “kiểu lựa chọn tiêu biểu” “nhận diện”. Phong cách của nhà văn nằm ở sự lựa chọn của nhà văn đó trước một vốn ngôn ngữ, một vốn chất liệu đời sống như nhau. Nhưng cái khác biệt là bản thân “cái tạng” của nhà văn ấy đã “lựa chọn” cách đi, cách viết, cách sáng tạo như thế nào, để tạo nên sự độc đáo và khác biệt của mình. Đồng thời, nỗ lực lao động nghệ thuật của nhà văn cũng góp phần tạo nên sự lựa chọn ấy, bởi lẽ, một nhà nghệ thuật nghiêm túc sẽ phải luôn ý thức tìm tòi sự mới mẻ, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Đôi khi, hiện thực đời sống chỉ có vậy, nhưng tái tạo nó trên trang viết, lại phụ thuộc ở cách nhìn, cách thể hiện của người cầm bút.

Trong một mối quan hệ biện chứng, chính những “sự lựa chọn tiêu biểu” ấy, đã hình thành nên những nét riêng biệt, những đặc điểm phong cách mà người ta có thể soi rọi vào đó để phân biệt tác giả này với tác giả khác, thời đại này với thời đại khác. “Sự lựa chọn tiêu biểu” là thuộc về tác giả, còn sự “nhận diện” lại thuộc về bạn đọc và những thước đo của thời gian.

Đỗ Lai Thuý cũng có quan niệm “Phong cách là cá tính của chủ thể sáng tạo, và sự tự do lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ để thể hiện nó trong tác phẩm. Cá tính, cái chút riêng biệt nhỏ nhoi ấy, là tất cả”… “Phong cách cũng là chỗ đặc dị, nơi chứa đựng mật số của tác phẩm văn chương”…

Như vậy, có thể thấy rằng, dù bề mặt từ ngữ có thể chưa trùng khít, và dù cách tiếp cận có khác nhau, nhưng vấn đề nội hàm khái niệm “phong

cách” trong lí luận văn học dường như đã có một sự thống nhất nhất định. Phong cách là nét riêng, là sự khu biệt, bản sắc của một cá nhân, một tác phẩm, hay một thời đại.

Phong cách học, bộ môn của ngôn ngữ học ra đời với vai trò nghiên cứu phong cách vẫn đang trên tiến trình hoàn thiện những khái niệm cơ sở của phong cách như phong cách thể loại, phong cách thời đại, phong cách tác giả. Tìm hiểu về phong cách, chúng ta cũng cần làm rõ thêm từng khái niệm và mối quan hệ biện chứng giữa chúng.


1.1.1. Phong cách tác giả

Phải khẳng định ngay rằng không phải tác giả nào cũng có phong cách. Tất cả những người cầm bút, thông thường ai cũng phải có một đặc điểm nào đó, nhưng phong cách thì chỉ dành cho một số rất ít. Để có được phong cách riêng, đó là thiên tài và nỗ lực lao động của người cầm bút. “Một tác giả chỉ có được phong cách riêng khi đọc vài câu người ta có thể đoán biết tác giả là ai”, “bản thân phong cách đó phải có một ý nghĩa thiết thực với việc làm đa dạng và phong phú đời sống văn học”[25,24] Để người ta có thể “đoán biết” thì trước hết, tác giả đó phải có một ngôn ngữ, một giọng điệu rõ nét, nổi bật, và phải khác biệt. Điểm khác biệt đó là yếu tố căn bản nhất để người đọc có thể nhận diện và gọi tên tác giả cũng như phong cách tác giả.

Trong đời sống văn học Việt Nam cũng như Phương Tây, không thiếu những trường hợp mà phong cách không chỉ được nhận biết, mà còn có thể gọi thành tên. Trong thời kì thơ Mới, Hoài Thanh đã “gọi tên” phong cách của các nhà thơ vô cùng chuẩn mực “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên, và thiết tha rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu”

Điều đó cũng thể hiện rằng, trong dàn hợp xướng chung của thơ Mới, mỗi nhà thơ đều có một âm chủ riêng, một sự độc đáo và mới lạ. Khi một cây

bút có phong cách riêng, bản thân cây bút đó đã có một sự đóng góp đáng quí vào tiến trình phát triển của văn học, bởi lẽ, chính phong cách đó, sự độc đáo đó đã làm diện mạo nền văn học thay đổi, đa dạng, phong phú hơn, đồng thời, nó cũng kích thích sự đổi mới và vận động của cả một thời kì văn học đó.

Và đúng như Đỗ Lai Thúy tổng kết “Nếu cái nhìn nghệ thuật chung của cả dòng thơ như là một chuẩn, một phong cách chung cho cả “một thời đại trong thi ca”, thì mỗi cái nhìn nghệ thuật riêng của mỗi thi nhân là một lệch chuẩn. Và chính sự lệch chuẩn này tạo nên phong cách riêng của mỗi nhà thơ.

Chính ở nhận định này, đã cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa phong cách tác giả và phong cách thời đại.


1.1.2. Phong cách thời đại

Cũng giống như phong cách tác giả, có thể thấy rằng, không phải thời đại nào cũng có phong cách. Tuy rằng, ở từng thời điểm, từng dấu mốc lịch sử, những giai đoạn văn học có những đặc điểm khác nhau. Nhưng nó chỉ trở thành phong cách thời đại, khi thời đại đó tựu trung lại được những điểm độc đáo và nổi bật mà người ta không tìm thấy ở thời đại khác. “Mỗi thời đại chỉ có được phong cách của mình sau khi đã có được một cách khám phá riêng cho nó mà đời trước chưa có”[25,23].

Phong cách thời đại là một khái niệm rộng lớn, nó bao hàm diện mạo của cả một thời kì văn học kéo dài. Cũng như vậy, nó phải là sự tập trung nhất, chắt lọc cô đọng nhất những đặc điểm thống nhất và bền vững của nhiều những phong cách cá nhân khác nhau.

Khi nghiên cứu về một phong cách tác giả, bao giờ chúng ta cũng đặt trong một trục biện chứng mối quan hệ tương tác với phong cách thời đại. Như Phan Ngọc đã nói, “phong cách của một nhà văn, dù vĩ đại đến đâu, cũng phải phản ánh phong cách thời đại”. Đó là điều tất yếu.

Bất cứ một nhà văn nào, cũng đều tồn tại, lao động và cống hiến trong một khoảng thời gian của tiến trình lịch sử phát triển của nhân loại và chịu sự tác động của các biến cố lịch sử, các quan niệm thời thế. Trào lưu Văn học nhân đạo chủ nghĩa nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX là một thời đại

văn học rực rỡ trong lịch sử văn học Việt Nam, khi mà ở đó, những yếu tố lịch sử đã có một sức chi phối mạnh mẽ, tác động đến nhân sinh quan, thế giới quan của những người cầm bút. Vận mệnh đất nước nguy nan, chế độ phong kiến đang đến hồi mục ruỗng, xáo trộn, nhân dân lầm than trong bể khổ, số phận con người bị coi như cỏ cây, đó là lí do vì sao mà một loạt những tác phẩm thời đó, đều lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến, đau xót cho con người và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ. Một loạt những cây bút ghi dấu ấn sáng tạo như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều bằng những tác phẩm của mình, đều lên tiếng đấu tranh cho quyền được sống, quyền được yêu thương của con người, đã tạo thành phong cách của thời đại này.

Thời đại và lịch sử đã khơi gợi nguồn cảm hứng của các cây bút, trao cho họ những đề tài, những chất liệu cuộc sống đặc biệt, đã tạo cho những tác phẩm của cả một thời kì có một nền tảng bền vững tương đối giống nhau về tư tưởng, màu sắc, xu hướng và sự vận động. Nhưng cũng thấy một điều ngược lại, từ vai trò của người sáng tác, với ý thức về sự sáng tạo, chính họ đã làm nên diện mạo của thời đại, với từng cá nhân là từng mảng màu, từng sự độc đáo. Từ rất nhiều sự riêng biệt, họ vẫn tạo thành một nét chung thống nhất của thời đại.

Cho đến nay, những công trình nghiên cứu về phong cách một tác giả, phong cách một trào lưu, phong cách một thời đại đã có những thành công rất đáng ghi nhận. Cuốn “Thi pháp thơ Tố Hữu” của Trần Đình Sử đã cho ta những hướng tiếp cận về phong cách thơ Tố Hữu rất thú vị. Và không thể không kể đến cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Giáo sư Phan Ngọc. Trong công trình này, Phan Ngọc đã đưa ra cách tiếp cận một phong cách một tác giả rất khoa học.

Thứ nhất: Xét tần số lặp đi lặp lại của một hiện tượng. Một hiện tượng phải lặp đi lặp lại đến một tần số nhất định mới được chú ý. Đó là vì phong cách là sự lặp đi lặp lại của những chùm những nét khu biệt.

Thứ hai: Sau khi rút ra mộ nét khu biệt, nét này sẽ được nghiên cứu phân tích trên hai trục, là trục lịch sử và trục thời đại. Bởi lẽ, như một quá

trình biện chứng, phong cách các cá nhân sẽ tạo nên màu sắc, phong cách chung của thời đại. Từ đó, phong cách thời đại lại để lại dấu ấn trực tiếp trên phong cách cá nhân.

Từ đó, có thể thấy một mối quan hệ biện chứng, chính những phong cách cá nhân đã làm nên phong cách thời đại, nhưng ngược lại, phong cách thời đại cũng lại trao cho họ một nền tảng chung, một mẫu số chung để họ tự tìm nên những biến số của mình. Sự tác động qua lại không ngừng giữa cá nhân - thời đại đó chính là động lực của sự phát triển trong văn học.


1.1.3. Phong cách thể loại

Thể loại, bản thân nó cũng phải trải qua một quá trình ra đời, phát triển, đổi mới, hoàn chỉnh, đạt đến “một cách nhìn riêng” lúc đó, mới có phong cách. Nhìn trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ song thất lục bát xuất hiện từ thế kỉ XV, nhưng phải đến giữa thế kỉ XVIII, nó mới trở thành phong cách với những tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều. Thơ Lục bát thì đã có từ lâu trong dân gian, nhưng nó chỉ trở thành đỉnh cao, chuẩn mực khi vào tay Nguyễn Du. Thơ ngũ ngôn xuất hiện trong dân gian dưới dạng vè đã lâu, nhưng phải đến thập niên ba mươi của thế kỉ XX thì mới có phong cách ngũ ngôn thưc sự, khi nó trở thành một bài hát, một khúc ca nội tâm với sự kết hợp của nhạc lí, điệp từ, vần điệu. Cũng như vậy, thể loại văn chính luận tuy xuất hiện thưa thớt trước đó đã lâu, nhưng nó chỉ trở thành chính nó với một phong cách riêng biệt trong tay của Hồ Chí Minh, Trường Chinh…

Như vậy, có thể thấy phải qua một cuộc hành trình, mỗi thể loại mới tìm được cách thể hiện phù hợp nhất với cái nhìn của thể loại.

Thể loại, là một yếu tố của hình thức. Nhưng đặt ra hình thức thì dễ mà xây dựng phong cách cho nó thì lại rất khó khăn, cần một sự lao động nghệ thật nghiêm túc và mẫn cảm.

Người sáng tác, khi cầm bút, thông thường cũng không có sự băn khoăn về thể loại, bởi lẽ, tự bản thân tạng của họ đã biết mình phù hợp với thể loại nào nhất. Nhưng nhiều khi, chính nội dung truyền tải đã lựa chọn thể loại, hình

thức cho nó, bởi, phong cách thể loại đó phù hợp được với điều mà tác giả định nói.

Phong cách thể loại trong mối quan hệ với phong cách tác giả và phong cách thời đại cũng là một mối quan hệ biện chứng. Phong cách thể loại cũng là một phần tạo nên phong cách tác giả cũng như nhớ đến Nguyễn Công Hoan người ta nhớ đến truyện ngắn, nhớ đến Nguyễn Tuân là nhớ tuỳ bút, còn phóng sự thì nhớ đến Vũ Trọng Phụng…. Đồng thời, chính phong cách thể loại cũng góp phần làm nên những mảng màu đa dạng của phong cách thời đại.

Đối với văn học Việt Nam, thơ là một thể loại văn học truyền thống, đã đạt được nhiều thành tựu. Là một thể loại văn học nằm trong phương thức trữ tình nhưng bản chất thơ lại rất đa dạng, với nhiều biến đổi và màu sắc phong phú. Thơ tác động đến người đọc vừa bằng sự nhận thức cuộc sống vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp tạo nên cảm xúc, vừa gián tiếp gợi nên những liên tưởng [8, 165]. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ gợi cảm, giàu nhạc điệu, biến hoá qua nhiều sắc thái bất ngờ…


Ở thể loại này, ở thời đại nào, cũng có những phong cách tác giả ghi dấu, những lứa thế hệ kế tiếp nhau không ngừng. Chỉ riêng thế kỉ XX, khởi điểm bằng phong trào Thơ Mới với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Thế Lữ. Đến thời kì thơ ca kháng chiến chống Pháp với Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hồng Nguyên…, và sau này, lại một lứa các nhà thơ chống Mỹ ra đời, hào sảng, tươi mới: Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, và Lưu Quang Vũ…


1.2. Lưu Quang Vũ - Một phong cách thơ

Với những khái niệm giới thuyết ở trên, người viết chỉ muốn khẳng định một điều: Trong thời kì thơ ca kháng chiến chống Mỹ đã có nhiều phong cách thơ xuất hiện, trong đó Lưu Quang Vũ là một gương mặt tiêu biểu. Ngay cả những năm sau này, dù những nhìn nhận về thơ Lưu Quang Vũ có nhiều thái cực ngược chiều, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn là một tiếng thơ có bản sắc rất đậm nét, một phong cách thơ cần được ghi nhận.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/02/2023