Phong cách thơ Lưu Quang Vũ - 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


NGUYỄN THỊ THU THỦY


PHONG CÁCH THƠ LƯU QUANG VŨ


LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC


HÀ NỘI, 2008

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.


MỤC LỤC

Phong cách thơ Lưu Quang Vũ - 1

A.PHẦN MỞ ĐẦU 2

B. PHẦN NỘI DUNG 8

Chương 1. VẤN ĐỀ PHONG CÁCH VÀ PHONG CÁCH THƠ 8

1.1. Khái niệm Phong cách 8

1.1.1. Phong cách tác giả 11

1.1.1. Phong cách thời đại 12

1.1.2. Phong cách thể loại 14

1.2. Lưu Quang Vũ - Một phong cách thơ 15

Chương 2. PHONG CÁCH THƠ LƯU QUANG VŨ THỂ HIỆN QUA CÁI TÔI TRỮ TÌNH VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH HIỆN THỰC 19

2.1. Phong cách Lưu Quang Vũ thể hiện qua Cái tôi trữ tình 21

2.1.1. Cái tôi tha thiết yêu thương, đắm đuối 22

2.1.2. Cái tôi đa đoan và đầy biến động trong tình yêu 28

2.1.3. Cái tôi mâu thuẫn 45

2.2. Phong cách Lưu Quang Vũ thể hiện qua nội dung phản ánh hiện thực 49

2.2.1 Lưu Quang Vũ trước đất nước và lịch sử 49

2.2.2. Lưu Quang Vũ trước những vấn đề bức thiết của cuộc sống 58

2.2.3. Lưu Quang Vũ trong những cảm nhận về chiến tranh 62

Chương 3. PHONG CÁCH THƠ LƯU QUANG VŨ QUA NHỮNG

PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN 67

3.1. Giọng điệu 68

3.2. Cách cảm thụ đời sống 75

3.3. Thể thơ 79

3.4. Những mô tip hình ảnh lặp đi lặp lại 85

3.4.1. Đất nước 86

3.4.2. Mưa 88

3.4.3. Gió 91

3.4.4. Lửa 95

3.4.5. Các loài hoa 97

PHẦN KẾT LUẬN 102

D. TÀI LIỆU THAM KHẢO 104

E. PHỤ LỤC 107

A. PHẦN MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài.

1.1 Năm 2008 là dấu mốc kỉ niệm hai mươi năm ngày vợ chồng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ra đi. Những cống hiến trong văn học nghệ thuật của họ đã được nhà nước ghi nhận bằng những giải thưởng quí giá. Nhưng sự ghi nhận sâu sắc nhất về họ không phải là những giải thưởng mà là dấu ấn ở trong lòng khán giả, độc giả, những người đã từng xem kịch Lưu Quang Vũ, đã từng đọc văn, và yêu thơ của đôi vợ chồng tài hoa này.

1.2 Lưu Quang Vũ mất đi, khi anh đang đứng trên đỉnh cao của lĩnh vực sân khấu với tư cách nhà biên kịch. Nhưng khi có một độ lùi thời gian nhất định, người ta lại nhớ và nhắc nhiều đến một Lưu Quang Vũ nhà thơ. Trong dòng chung của thơ ca kháng chiến chống Mỹ, Lưu Quang Vũ có một giọng điệu riêng, đã định hình một phong cách rõ nét. Giữa dàn đồng ca của những tiếng thơ cùng thế hệ, thời kì đầu Lưu Quang Vũ đã góp một tiếng thơ sôi nổi, tươi mới, mát lành, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển và đổi mới của thơ ca thời kì này.

1.3 Tuy nhiên, đã có một thời gian, những tập thơ của Lưu Quang Vũ được coi là không hợp với thời cuộc, bị coi là lạc điệu, bị đặt sang một bên lề cuộc sống, không được công bố, công nhận. Đến sau này, nó mới được tập hợp và biết tới. Có thể nói, những phần chưa công bố, phần riêng lạc điệu ấy mới chính là con người thật nhất, chân thành và tài hoa, tinh tế nhất của Lưu Quang Vũ, mà bạn đọc ít nhiều còn chưa biết tới.

Do đó, luận văn này ra đời xuất phát từ yêu cầu nhìn nhận và đánh giá một cách tổng quát và hệ thống về những sáng tác của Lưu Quang Vũ, cũng thêm một lần nữa khẳng định Lưu Quang Vũ như một cá tính thơ mạnh mẽ, một phong cách thơ sắc nét trong thơ ca Việt Nam thời kì hiện đại.

2. Lịch sử vấn đề.

Chặng đường thơ của Lưu Quang Vũ trải dài từ những năm kháng chiến chống Mỹ đến những năm tháng thời kì đất nước đổi mới và dừng lại khi Lưu Quang Vũ qua đời năm 1988. Không kể đến những vần thơ sáng tác từ thuở thiếu thời, Lưu Quang Vũ được giới văn nghệ cũng như cả nước biết tới với tập thơ đầu tay in chung với Bằng Việt “Hương cây - Bếp lửa” năm 1968. Khi đó, Hoài Thanh nhận ra “năng khiếu của anh đã rõ” [35,22], Vương Trí Nhàn khẳng định Lưu Quang Vũ là “một nhà thơ thuộc loại bẩm sinh” [35,63], còn nhà phê bình Lê Đình Kỵ thì cho rằng “Thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng và không thiếu tâm tình” [35,29].

Tiếp sau “Hương cây - Bếp lửa”, Lưu Quang Vũ có “Mây trắng của đời tôi” (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993) và một số tập thơ đã tương đối hoàn chỉnh “Cuốn sách xếp lầm trang”, “Cỏ tóc tiên”. Mới đây, năm 2008, cuốn “Di cảo Nhật kí – Thơ” cũng vừa ấn hành.

Theo thời gian, mỗi tác phẩm của Lưu Quang Vũ ra đời kéo theo một sự chú ý, không chỉ của bạn đọc mà của giới phê bình nói chung. Nhìn chung, Lưu Quang Vũ nhận được nhiều thiện cảm và kì vọng, sự động viên khích lệ cũng rất nhiều.

Vũ Quần Phương sau khi “Đọc thơ Lưu Quang Vũ” thì đặc biệt chú ý đến giọng thơ Lưu Quang Vũ, khẳng định đó là “một giọng thơ rất đắm đuối”, “đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ”[35,36]. Phạm Xuân Nguyên gọi Lưu Quang Vũ như một “tâm hồn trở gió”, phát hiện ra thơ của Lưu Quang Vũ “bao trùm là gió và tình yêu” [35,77], từng chặng đường thơ Lưu Quang Vũ là từng cơn gió, từng đợt gió, và khám phá thơ Lưu Quang Vũ với một biểu tượng gió đầy gợi cảm, khẳng định đó là một môtip góp phần làm nên phong cách thơ anh. Nguyễn Thị Minh Thái lại tìm được cảm giác “Đi suốt chiều dài một đời thơ của Lưu Quang Vũ, ta có cảm giác như vào một kho báu. Ở những câu thơ ta nhặt vô tình nhất, cũng óng ánh một vẻ đẹp riêng…” [35,95] và chỉ rõ thơ Lưu Quang Vũ còn rất nhiều điều cần khám phá. Với Huỳnh Như Phương “Lưu Quang Vũ thực sự là một nhà thơ của tuổi trẻ, một tuổi trẻ luôn băn khoăn, dằn vặt, tra vấn về cuộc đời và tự tra vấn chính lòng

mình” [35,108]. Với Anh Ngọc, chỉ chiếm phân nửa trong tập “Hương cây - Bếp lửa” cũng đủ để Lưu Quang Vũ “có một vị trí vững vàng, bởi một hồn thơ dào dạt, một tài thơ sắc sảo với vẻ hồn nhiên đến như là ngẫu hứng, với mạch nguồn hình ảnh và từ ngữ đầy trực cảm và đột biến tuôn ra dường như bất tận”…[35,109]

“Lưu Quang Vũ thơ và đời” do Lưu Khánh Thơ biên soạn được coi là cuốn sách tổng hợp đầy đủ nhất về thơ Lưu Quang Vũ. Những bài thơ tiêu biểu nhất của Lưu Quang Vũ đã được lưu lại trong đó, cùng với nó là những bài viết của những người thân, những bạn thơ cùng thế hệ, những đồng nghiệp cũng như gia đình Lưu Quang Vũ. Phần đời của Lưu Quang Vũ cũng được chú ý và giới thiệu với bạn đọc hầu hết những chặng đường gian nan của Lưu Quang Vũ.

“Lưu Quang Vũ tài năng và lao động nghệ thuật” cũng của Lưu Khánh Thơ chủ biên, xuất bản năm 2000, ra đời nhân dịp Lưu Quang Vũ được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cũng là một công trình rất đáng chú ý. Cuốn sách chia làm 3 phần rõ rệt, phần 1 là những bài viết giới thiệu bản sắc và sáng tạo nghệ thuật của Lưu Quang Vũ ở lĩnh vực thơ, kịch, văn xuôi. Riêng về thơ, có những bài viết của Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ, Vũ Quần Phương, Phạm Xuân Nguyên, Anh Ngọc, Hoàng Sơn… cho thấy đánh giá của giới phê bình về Lưu Quang Vũ từ rất nhiều góc độ, nhưng tựu trung, đều đã cho thấy một cái nhìn thiện cảm, kì vọng ở một cây bút thơ đang hồi sung sức, có một giọng điệu riêng, một phong cách cần ghi nhận.

Cuốn “Đối thoại Tình yêu Xuân Quỳnh Lưu Quang Vũ”, ấn hành năm 2007 lại nhìn ở một góc độ khác. Từ việc tuyển lựa những bài thơ đặc sắc nhất của cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, những bài viết của giới phê bình về thơ của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, và cả những bức thư thấm đẫm ân tình của hai người, đã tạo nên một thế đối thoại rất thú vị, như là Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã đối thoại với nhau qua những trang thơ, những vần thơ tình yêu nồng nàn nóng bỏng. Nhưng hơn thế nữa, là cuộc đối thoại xuyên suốt của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ với những bạn đọc trung thành, qua 20 năm vẫn rất mực yêu mến tác phẩm của hai vợ chồng tài hoa này. Tuy trong mục phê

bình, đánh giá, vẫn là tuyển lựa những bài viết cũ, nhưng tổng quan cuốn sách đã cho thấy một Lưu Quang Vũ, đời hơn, gần gũi hơn, và rõ ràng hơn với bạn đọc.

Năm 2008, kỉ niệm 20 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, cuốn “Di cảo Nhật kí – thơ” của Lưu Quang Vũ đã được Lưu Khánh Thơ biên soạn, công bố một phần lớn những tác phẩm, cũng như bút tích của anh trong toàn bộ khối lượng Di cảo đồ sộ. Tại cuốn sách này, có một phần lớn thời lượng dành để đăng tải những trang nhật kí của Lưu Quang Vũ của một thời “hoa phượng” và những ngày tháng chuẩn bị “lên đường”. Những trang nhật kí khi được đăng tải trên báo Tuổi trẻ TPHCM đúng dịp những ngày cả nước kỉ niệm 20 ngày mất của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã gây nên một hiệu ứng đặc biệt trong cả nước, nó vừa gợi lại cả hồi ức một thời kì đất nước “đau xót và hi vọng”, lại vừa tạo nên những xúc cảm lắng đọng khi tiếc nhớ về hai con người tài hoa của nền nghệ thuật nước nhà đã ra đi.

Đáng chú ý là 34 bài thơ “Những bông hoa không chết”, là phần thơ viết trong khoảng 5 năm (1971 – 1975), một thời kì “gian khó, cô đơn đến cùng cực” của Lưu Quang Vũ mà ít người biết tới. Những bài thơ này khi ra đời, bản thân nó đã tự tách thành một dòng riêng, không thực sự hợp với những đòi hỏi của sách báo ngày đó nên không được in ấn, xuất bản. Chính những bài thơ này, gợi mở một diện mạo thơ khác của Lưu Quang Vũ, đắm đuối, buồn đau, khốc liệt, một Lưu Quang Vũ “tha thiết muốn vượt lên trên nỗi mệt mỏi, hoài nghi để yêu thương, để sống và viết”.

Cuốn sách cũng đã công bố những bài viết mới nhất về Lưu Quang Vũ trong chủ đề “Người trong cõi nhớ”, với những trang viết cảm động của Bùi Vũ Minh, Anh Chi, Ngô Thảo. Đáng chú ý rất trong đó là bài viết của Anh Chi “Lưu Quang Vũ, mộng ước, khổ đau và cái đẹp”, bài viết gợi nhiều những kỉ niệm về cuộc đời Lưu Quang Vũ, về những trang thơ hay, và có những nhận định về thơ Lưu Quang Vũ rất đáng chú ý. “Cá nhân tôi coi anh là một tài năng khá đặc biệt của văn chương Việt Nam nửa sau thế kỉ XX. Do cách anh đi trên đường đời, đường thơ thật khác biệt so với bạn thơ cùng trang lứa, cùng thời, nên anh là một số phận thơ khác biệt hẳn ra, có thể coi là cá

biệt”… “một giọng thơ dễ xâm chiếm lòng người”, một tiếng thơ có đủ “mộng ước, khổ đau và cái đẹp”, một “tứ thơ say đắm, nhiều nước mắt và cũng thật nồng nàn”…

Trong bài viết của Ngô Thảo, “Nhớ về Lưu Quang Vũ - những khoảnh khắc chợt hiện”, chủ yếu là những kỉ niệm của những người đồng nghiệp với nhau, nhưng có một nhận định về tác phẩm Lưu Quang Vũ, bao gồm cả kịch, thơ, văn xuôi rất thú vị, và có tính bao quát lớn “Hai mươi năm chưa phải là dài, nhưng đất nước và thế giới đã có nhiều biến động về chính trị, xã hội, khiến cho nhiều thước đo giá trị đã thay đổi, nhưng nhiều tác phẩm của Lưu Quang Vũ không sợ những thước đo mới mẻ: Thấm đượm nhân văn, hướng thiện, đầy tình yêu với cuộc sống, con người, đất nước, luôn là những giá trị được nghệ thuật tôn trọng”.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, việc nghiên cứu thơ và phong cách thơ Lưu Quang Vũ mới chỉ dừng lại ở những bài viết riêng lẻ, mang tính chất cảm nhận, cảm tính nhiều hơn là những công trình nghiên cứu, mang tính thống kê, phân tích, tổng hợp thực sự để chứng minh Lưu Quang Vũ với một bản sắc thơ riêng biệt.

Do đó, luận văn này chỉ mong muốn tìm được một cách nhìn tổng quát về đời thơ của Lưu Quang Vũ, chỉ cho ra nét đặc trưng tiêu biểu của Lưu Quang Vũ trong các tiếng thơ cùng thế hệ, và khẳng định Lưu Quang Vũ như một gương mặt thơ tiêu biểu của thời kì thơ ca kháng chiến chống Mỹ cũng như thơ ca của thế kỉ XX.


3. Phạm vi nghiên cứu.


Phạm vi nghiên cứu của đề tài là ất cả những tập thơ đã xuất bản của Lưu Quang Vũ.

+ Hương cây – bếp lửa (In chung với Bằng Việt, 1968)

+ Mây trắng của đời tôi (1989)

+ Bầy ong trong đêm sâu (1993)

+ Lưu Quang Vũ – Di cảo (2008)

Xem tất cả 130 trang.

Ngày đăng: 02/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí