Phân Tích Swot Của Các Công Ty Tài Chính Trực Thuộc Ngân Hàng Thương Mại Trong Phát Triển Tín Dụng Tiêu Dùng Giai Đoạn 2020-2025


CHƯƠNG 4:

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TIÊU DÙNG

CỦA CÁC CÔNG TY TÀI CHÍNH TRỰC THUỘC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM


4.1. Định hướng phát triển tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng thương mại ở Việt Nam

4.1.1. Phân tích SWOT của các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng thương mại trong phát triển tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2020-2025

4.1.1.1. Điểm mạnh

Thứ nhất, sản phẩm TDTD cơ bản đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu tiêu dùng của khách hàng

Trong giai đoạn 2014-2019, các CTTC trực thuộc đã triển khai hầu hết các sản phẩm TDTD tới khách hàng trong đó rất nhiều các sản phẩm con được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng. Kết quả này giúp CTTC trực thuộc có năng lực chuyển đổi nhanh các sản phẩm trọng tâm đã có sự bão hòa sang các sản phẩm TDTD đang có xu hướng phát triển trên tập khách hàng hiện hữu và khách hàng mới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 196 trang tài liệu này.

Thứ hai, mạng lưới kênh phân phối truyền thống đa dạng, rộng khắp

Mạng lưới kênh phân phối thường được tạo dựng qua nhiều năm và là thế mạnh khó có thể bắt chước đối với các CTTC không có hỗ trợ từ NHTM. Nhờ mạng lưới kênh phân phối sẵn có, các CTTC trực thuộc có thể duy trì được vị thế trên thị trường TDTD và đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối số để khai thác thêm các khách hàng trẻ tuổi có xu hướng sử dụng các sản phẩm số trong thời gian tới.

Thứ ba, thị trường về mặt địa lý đã được bao phủ

Nhờ lợi thế về mặt mạng lưới của NHTM, CTTC trực thuộc thường mở rộng tối đa thị trường mà NHTM mẹ đã có chi nhánh, phòng giao dịch. Do vậy, hầu hết các CTTC trực thuộc đã hiện diện trên tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam, cho phép khách hàng vay vốn ở bất cứ đâu trên lãnh thổ đều có khả năng tiếp cận khoản vay.

Thứ tư, lợi thế chuyển dịch sang kinh doanh số

Các CTTC trực thuộc có lợi thế chuyển dịch dần sang kinh doanh số nhờ các chiến lược số đã được NHTM mẹ triển khai. Với kinh nghiệm chuyển đổi số của NHTM mẹ, các CTTC trực thuộc kế thừa nền tảng hạ tầng CNTT chung giữa NHTM



mẹ và CTTC hoặc trong trường hợp triển khai riêng hạ tầng CNTT, CTTC xây dựng được lộ trình chuyển đổi phù hợp trong thời gian ngắn.

Thứ năm, hệ thống quản trị rủi ro được xây dựng bài bản và theo thông lệ quốc tế

Điểm mạnh có được nhờ sự hậu thuẫn của NHTM mẹ về kinh nghiệm triển khai Basel II và nền tảng công nghệ được ứng dụng trong quản trị rủi ro giúp CTTC trực thuộc đủ năng lực triển khai hệ thống quản trị rủi ro một cách bài bản và theo thông tệ quốc tế.

Thứ sáu, năng lực huy động vốn tốt hơn so với CTTC độc lập

Nhờ uy tín và thương hiệu của NHTM và hậu thuẫn về vốn kinh doanh cho CTTC trực thuộc, các CTTC trực thuộc có lợi thế hơn so với CTTC độc lập trong hoạt động huy động vốn. Huy động vốn của CTTC trực thuộc đến chủ yếu từ các khoản vay từ NHTM mẹ, các khoản gửi tiền từ NHTM, các khoản tiền gửi của tổ chức và từ các đợt phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường. Nhờ vào thương hiệu của NHTM mẹ và triển khai xếp hạng tín nhiệm cùng NHTM mẹ, một số CTTC trực thuộc trên thị trường đã huy động được thành công các khoản vốn lớn từ trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua.

4.1.1.2. Điểm yếu

Thứ nhất, mức độ linh hoạt trong kinh doanh kém hơn so với các CTTC độc lập

Đây là một trong các điểm yếu của CTTC trực thuộc hiện nay. Mô hình NHTM mẹ sở hữu vừa là lợi thế vừa là bất lợi do CTTC trực thuộc phải triển khai chiến lược phát triển để đảm bảo mục tiêu an toàn hiệu quả trung dài hạn. Do vậy, các điều chỉnh kịp thời về chiến lược và mô hình kinh doanh không thể linh hoạt như các CTTC độc lập. Các CTTC trực thuộc không thể ra được các quyết định nhanh về ngân sách đầu tư, con người, sản phẩm… kịp thời để có cơ hội phát triển nhanh trong giai đoạn ngắn.

Thứ hai, nguồn nhân lực không đồng đều và ổn định

Việc mở rộng nguồn nhân sự thông qua đội ngũ cộng tác viên đang được các CTTC triển khai mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô tín dụng và mở rộng địa bàn hoạt động của mình. Bên cạnh lợi ích thiết thực từ nguồn cộng tác viên có chi phí thấp, số lượng đông đảo thì CTTC cũng gặp phải nhiều trở ngại từ chất lượng nhân sự và sự ổn định từ nguồn nhân sự này. Việc thay đổi nhân sự liên tục dẫn tới CTTC phải tốn nhiều chi phí tuyển dụng và đào tạo, khách hàng cảm thấy không hài lòng do chất lượng nhân viên và phải tiếp xúc với nhân viên mới thường xuyên. Đây là điểm



yếu của CTTC so với NHTM.

Thứ ba, khẩu vị rủi ro chặt chẽ hơn so với các CTTC độc lập

Xuất phát từ khẩu vị rủi ro từ NHTM mẹ dẫn tới các CTTC trực thuộc cũng xây dựng khẩu vị rủi ro có phần chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo vị thế, thương hiệu của cả NHTM mẹ và CTTC trực thuộc. Cùng với khẩu vị rủi ro chặt chẽ và phán quyết tín dụng được phân cấp rõ theo giá trị vay vốn, sự linh hoạt về điều kiện cho vay chắc chắn sẽ hạn chế hơn so với các CTTC độc lập.

4.1.1.3. Cơ hội

Thứ nhất, môi trường chính trị và pháp lý ổn định

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam luôn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng kể cả trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong khu vực và nền kinh tế các quốc gia mạnh như Thái Lan và Indonesia chao đảo. Các chuyên gia cho rằng một trong các lý do mang lại sự tăng trưởng kinh tế như vậy xuất phát từ việc Việt Nam đã kiên trì chính sách kinh tế theo hướng hội nhập dần với nền kinh tế thế giới. Trên thực tế, sự ổn định chính trị là một yếu tố rất quan trọng, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì theo đuổi chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có nỗ lực giảm nợ công, giảm lạm phát, đảm bảo cân đối ngân sách và kiểm soát được tiền mặt trong lưu thông. Nền chính trị ổn định tạo điều kiện cho Việt Nam có được hòa bình thịnh vượng, đảm bảo cho sự gắn kết để thực hiện chính sách kinh tế một cách nhất quán. Ổn định chính trị chính là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư gián tiếp và trực tiếp từ nước ngoài.

Thứ hai, môi trường vĩ mô nhiều thử thách nhưng có cơ hội phát triển

Tăng trưởng kinh tế, sự hỗ trợ của Chính phủ đối phát triển lĩnh vực tài chính ngân hàng và gia tăng trưởng tiêu dùng trong nước đều là các yếu tố hỗ trợ của môi trường vĩ mô đối với phát triển TDTD trong nước. Trong nhiều năm qua, GDP của Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao, đạt bình quân khoảng 7% trong giai đoạn 2010- 2019 (Nguồn: Tổng cục thống kê). Theo Nguyễn Minh Phong (2020) trong nghiên cứu “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 và giai đoạn tới”, tăng trưởng GDP của Việt phục hồi nhanh sau giai đoạn 2011-2016 và đạt được mức tăng trưởng cao trên 7% trong giai đoạn 2018-2019. Với mức tăng trưởng bình quân đạt 6,84% trong giai đoạn 2016- 2019, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng GDP theo đúng kế hoạch 2016-2020 đã đề ra trong khoảng 6,5%-7%. Việt Nam tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (từ vị trí 23 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hàng). Việt Nam có sự ổn định tích cực về môi trường vĩ mô với các thành tựu: cải thiện dự trữ ngoại hối, nợ



xấu, hệ số tín nhiệm quốc gia, kiểm soát lạm phát. Trong năm 2019, Việt Nam đạt được nhiều thành công trong xuất siêu, đạt 9,9 tỷ USD, thu nhập của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt khoảng 17,5%. Việt Nam đứng vị trí thứ sáu trong 30 quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Trong giai đoạn tới, các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trong nước, một số vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như xu hướng bảo hộ mậu dịch, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và ảnh hưởng của Covid đều là các nhân tố mới ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô trong nước. Theo nhóm tác giả Phạm Nguyên Minh, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2020), xu hướng bảo hộ mậu dịch từ các quốc gia lớn trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật bản nhằm bảo vệ nền kinh tế và người tiêu dùng trong nước ngày càng gia tăng, nhiều công cụ rào cản kỹ thuật trong thương mại được đưa ra như quy định tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các nguyên tắc về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bao bì nhãn mác, trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn lao động. Các biện pháp bảo hộ này đã tác động tới chuỗi giá trị, tăng giá thành giao dich quốc tế, ảnh hưởng tới mậu dịch đa phương, làm tổn hại tổng thể tới bản thân các nước bảo hộ và các nước trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đang ngày càng càng căng thẳng, chưa có giải pháp ngắn hạn, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới. Theo báo cáo của IMF dự báo, trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa của nhau sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 0,8%, tương đương mức giảm 700 tỷ USD. Với các nhân tố mới này, có thể thấy được nền kinh tế thế giới sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trong các năm tới.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thể được hưởng lợi từ các vấn đề toàn cầu này, cụ thể: Hàng rào thuế quan Mỹ Trung làm tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong khi các doanh nghiệp Trung quốc đang gặp rào cản xuất khẩu. Các bất định về chiến tranh thương mại và tác động của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến các quốc gia lớn như Mỹ, EU, Nhật bản định hướng chuyển dời các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc sang nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam tận dụng được các cơ hội này đồng thời tăng cường các giải pháp ứng phó linh hoạt chủ động thì vẫn sẽ từng bước đạt được mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn.

Thứ ba, thu nhập của người dân ngày càng tăng và cơ cấu dân số trẻ



Với thu nhập ngày càng tăng, tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao cùng với đặc điểm về dân số trẻ ngày càng đón nhận xu hướng cho vay để tiêu dùng, Việt Nam đang là một trong các thị trường tiêu dùng tiềm năng nhất trong khu vực. Thực tế cho thấy, mức thu nhập của người dân tăng lên sẽ làm tăng khả năng chi tiêu cũng như khả năng sẵn sàng chấp nhận tín dụng của người dân.

Theo kết quả cuộc khảo sát mức sống dân cư năm 2019 của Tổng cục thống kê Việt Nam cho thấy, đến năm 2019, thu nhập trung bình của người dân thành thị đạt 7,7 triệu đồng/tháng/người (2010: 2,1 triệu đồng/tháng/người) trong khi người dân sống ở nông thôn ở mức 5,9 triệu đồng/tháng/người (2010: 1 triệu đồng/tháng/người). Như vậy, mức sống năm 2019 đã tăng hơn 300% so với năm 2010.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường Intage Vietnam (2019), người Việt đã thay đổi thói quen tiêu dùng, sẵn sàng chi tiền thay vì tiết kiệm như trước đây. Xu hướng này cũng được minh chứng thông qua các dự báo của Business Monitor International Ltd (BMI) về thị trường tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt là dự báo tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ của BMI đối với các mặt hàng ô tô, máy tính, điện thoại, máy tính bảng.


Hình 4 1 Phân tích thu nhập của dân số Việt Nam Về thu nhập của người dân 1

Hình 4.1. Phân tích thu nhập của dân số Việt Nam

Về thu nhập của người dân Việt Nam, theo nghiên cứu dân số và thu nhập của Việt Nam, hiện nay có khoảng 30% dân số với mức thu nhập từ 150$ đến 250$/tháng chưa được khai thác bởi các TCTD và khoảng 25% dân số có thu nhập từ 250$ đến 500$ tháng chưa khai thác hết. Đây là những con số rất tiềm năng cho CTTC tiêu dùng trong tương lai.


Hình 4 2 Tháp dân số Việt Nam năm 2019 Nguồn thông tin CIA factbook 2019 Việt Nam là 2


Hình 4.2. Tháp dân số Việt Nam năm 2019

Nguồn thông tin: CIA factbook 2019

Việt Nam là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ. Theo số liệu điều tra dân số vừa công bố, Việt Nam hiện có khoảng 96 triệu người tăng 12,1% so với 10 năm trước. Dựa trên tháp dân số năm 2019, có thể thấy 70% dân số thuộc độ tuổi lao động trong đó phần lớn thuộc độ tuổi từ 15 đến 45. Các mặt hàng tiêu dùng như: điện thoại di động, xe máy, laptop… là các sản phẩm mà các KHCN trong độ tuổi 15-45 có nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cao. Đây cũng chính là các đối tượng KHCN tiềm năng mà hầu hết các CTTC tiêu dùng nhắm tới.

4.1.2.4. Thách thức

Thứ nhất, hạn chế tăng trưởng tín dụng của ngân hàng nhà nước

Các CTTC nói chung và các CTTC trực thuộc đều đang đối mặt với thách thức khi NHNN liên tục có định hướng và chính sách thắt chặt tín dụng trong nền kinh tế. Các CTTC trực thuộc vốn đang chiếm thị phần lớn và có mức độ tăng trưởng TDTD trên 2 con số trong các năm qua coi chính sách hạn chế tăng trưởng là một trong các thách thức lớn nhất trong hoạt động phát triển TDTD. Đối với các CTTC trực thuộc mới gia nhập thị trường, hạn chế tăng trưởng TDTD đi đôi với giảm hiệu quả hoạt động và thiếu động lực đầu tư phát triển các kênh phân phối, hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống CNTT.


Thứ hai, hệ thống thông tin dữ liệu khách hàng

Thách thức đến từ hệ thống thông tin khách hàng còn sơ sài do phần lớn khách hàng không có lịch sử tín dụng. Ngoài CIC, chưa có hệ thống thông tin khác để CTTC tra cứu về khách hàng. Tuy nhiên, thông tin từ CIC lại rất hạn chế và phải trả phí trong khi thời gian thẩm tra lại diễn ra khá mất thời gian Như vậy, nguồn thông tin chính để các CTTC thẩm định khách hàng vẫn chủ yếu bao gồm thông tin từ CIC, các văn bản do khách hàng cung cấp, phỏng vấn trực tiếp khách hàng. Thách thức này dẫn tới các CTTC trực thuộc vẫn phải duy trì các kênh cho vay truyền thống trong khi vẫn đang nỗ lực để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh số vốn đòi hỏi nguồn dữ liệu lớn phục vụ công tác phân tích và phê duyệt tự động khoản vay.

Thứ ba, thách thức của nền tài chính điện tử

Qua các giai đoạn phát triển của ngành ngân hàng nói chung và CTTC trực thuộc, CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số trong hoạt động của các NHTM và CTTC. Đối với các CTTC, các kết quả do CNTT đem lại vừa tạo ra cơ hội kinh doanh số trong cách mạng 4.0 và vừa tạo ra nhiều thách thức và rủi ro tiềm tàng, cụ thể như sau:

- Xu hướng kết hợp giữa NHTM nước ngoài và Fintech làm giảm thị phần và lợi nhuận của CTTC nói chung và CTTC trực thuộc nói riêng. Trong khi các CTTC trực thuộc chịu các rào cản về quy trình, vận hành và dữ liệu khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế số hóa, các công ty Fintech đã sở hữu cho mình một hệ sinh thái đa nhiệm, đặc biệt là các công ty về tiêu dùng số. Khu vực Fintech đã thể hiện các ưu thế trong việc nắm bắt các hành vi tiêu dùng cũng như năng lực tạo ra kho dữ liệu người dùng khổng lồ ở các mảng tiêu dùng chủ yếu như vận chuyển, ăn uống, giải trí, du lịch…Với hạn chế ví điện tử không thể cho vay, các NHTM nước ngoài đang có xu hướng bắt tay với các công ty Fintech để cung ứng các sản phẩm TDTD tới khách hàng trong đó các dữ liệu khách hàng của Fintech là cơ sở để xây dựng bảng điểm cho khách hàng của NHTM nước ngoài. Trong tháng 2/2020, trang thương mại điện tử Sen Đỏ đã ký kết chiến lược với Ngân hàng CIMB của Malaysia để triển khai dịch vụ cho vay 100% trực tuyến, trong đó khách hàng chỉ mất 4h làm việc để nhận kết quả khoản vay. Đây là thách thức không nhỏ đối với các CTTC trực thuộc đang có xu thế chuyển hướng sang kênh cho vay số.

- Ứng dụng CNTT trong kinh doanh số của CTTC nói chung và CTTC trực thuộc ngày càng sâu dẫn tới sự lệ thuộc của CTTC vào công nghệ, hoạt động kinh



doanh số càng tăng trưởng thì rủi ro hoạt động ngày càng cao. Các nguy cơ đến từ sự cố CNTT có tầm ảnh hưởng rộng lớn và khó khắc phục, đặc biệt với CTTC đa phần các món vay có giá trị nhỏ nhưng rất nhiều, việc xử lý khắc phục với từng khách hàng tốn nhiều thời gian và công sức. Mặt khác, CTTC phải đối mặt với tội phạm công nghệ cao không ngừng gia tăng, dẫn tới các rủi ro trong quá trình cho vay như rủi ro thất thoát dữ liệu khách hàng. Theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng và phức tạp với các thủ đoạn mới tinh vi, với nhiều phương thức và có tính đa quốc gia, xảy ra trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực tiền tệ. Trong năm 2019, nhiều CTTC đối mặt với các vụ việc gây ra bởi tội phạm công nghệ cao dẫn tới lộ thông tin khách hàng, hoặc giả mạo khách hàng vay tiền dẫn tới kiện cáo trong quá trình thu nợ. Dù các vụ việc đều tìm được đối tượng gây ra nhưng CTTC mất rất nhiều thời gian và công sức để điều tra các khoản vay quá nhỏ bị khách hàng khiếu kiện, ảnh hưởng tới uy tín của CTTC.

Trong trường hợp CTTC hợp tác với Fintech để phát triển khách hàng theo hệ sinh thái cũng làm tăng tính phức tạp của hệ thống, gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát rủi ro hoạt động trong bối cảnh Fintech còn thiếu kinh nghiệm về quản trị rủi ro cũng như hành lang pháp lý.

- Thách thức đến từ các công ty cung ứng nền tảng cho vay ngang hàng trong nước và nước ngoài. Cho tới cuối năm 2019, có hơn 40 công ty cho vay ngang hàng như Tima, We Cash, Interloan, Lendbiz… Các công ty này điều hành nền tảng công nghệ trực tuyến kết nối giữa người cho vay và người vay, trong đó, nhà đầu tư cá nhân có vốn và mong muốn cho vay với lãi suất cao hơn so với lãi suất tiết kiệm của NHTM có thể cho vay người có nhu cầu vay vốn. Lãi suất cho vay theo mức lãi suất tham khảo do nền tảng quy định hoặc do người cho vay tự thiết lập giá trong giới hạn và chào người vay. Quá trình vay vốn không có sự tham gia của các tổ chức tín dụng truyền thống. Công ty cung ứng nền tảng giữ vai trò vận hành thị trường, thu phí dịch vụ sử dụng nền tảng từ cả người bán và người mua. Trong đầu năm 2020, số lượng các công ty cho vay ngang hàng tăng đột biến do thị trường cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đổ vỡ, nhiều công ty cho vay ngang hàng tại Trung Quốc chuyển hướng sang thị trường Việt Nam kinh doanh tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, nhằm lôi kéo khách hàng tham gia vào nền tảng cho vay. Các CTTC trực thuộc cần nhận thức được các thách thức đến từ phương thức cho vay này và có các giải pháp phù hợp để duy trì thị phần và khách hàng.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/04/2024