Lý Thuyết Liên Quan Đến Phát Triển Thị Trường Xếp Hạng Tín Nhiệm Doanh Nghiệp


6,95 điểm cơ bản cho hầu hết các giao dịch và mức phí tối thiểu là $100.000 (S&P, 2019b).

2.2.4.3. Mô hình đăng ký (Subscription model)


Mô hình đăng ký (Subscription model) trong thời gian gần đây được các CRA thực hiện song song với mô hình nhà phát hành trả phí để phần nào khắc phục các chỉ trích liên quan đến vấn đề đạo đức và các tranh cãi liên quan đến xung đột lợi ích (Portes (2008), Katz, Munoz & Stephanou (2009) và Moosa (2016)). Trong mô hình này, CRA thực hiện việc cho các nhà đầu tư và những người tham gia thị trường khác đăng ký tài khoản tại CRA, sau đó CRA sẽ thu một khoản phí để cho phép truy cập vào báo cáo xếp hạng của CRA.

Việc cung cấp thông tin xếp hạng dựa trên quản lý điện tử, bảo mật và chỉ đích danh các người dùng đã đăng ký phần nào giảm thiểu đi các nhược điểm của mô hình nhà đầu tư trả phí trước đây. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, giống như mô hình trả tiền của nhà phát hành, mô hình này có tiềm năng tạo ra lợi ích đáng kể để duy trì và phát triển hoạt động của CRA, trong trường hợp này chủ yếu chính là từ các nhà đầu tư đang cố gắng tiếp cận các đánh giá rủi ro tín dụng của khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên với việc nhà đầu tư phải trả tiền quá cao thì sẽ dẫn đến có xu hướng là các nhà đầu tư tổ chức lớn sẽ thực hiện thanh toán mà loại bỏ đi nhà đầu tư nhỏ hơn, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân. Do đó, CRA có thể thực hiện song song việc miễn phí kết quả XHTNDN với việc thu phí đối với các báo cáo chi tiết. Ngoài ra, nếu các CRA chỉ sử dụng mô hình đăng ký có thể hạn chế tiếp cận thông tin hơn so với mô hình các nhà phát hành trả phí nên mô hình nhà phát hành trả phí vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường XHTNDN. Mặc dù vậy, việc trở lại với mô hình thu phí từ nhà đầu tư với dạng thức hiện đại hơn phần nào cũng đã phản ánh được sự thay đổi của các CRA để phù hợp với các yêu cầu đặt ra của thị trường.

2.3. LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XẾP HẠNG TÍN NHIỆM DOANH NGHIỆP

2.3.1. Lý thuyết bất cân xứng thông tin và phát tín hiệu


Logic cho sự tồn tại của CRA nói riêng và thị trường XHTNDN nói chung bắt nguồn từ một trong những khuyết điểm chính của thị trường tài chính là thông tin bất cân xứng. Khi thị trường tài chính càng phát triển thì thông tin – với tính chất như một hàng hóa trên thị trường – càng làm trầm trọng thêm vấn đề bất cân xứng thông tin và tính hiệu quả của thị trường sẽ suy giảm. Ý tưởng về thông tin bất cân xứng được chuẩn hóa bởi 3 nhà kinh tế George Akerlof, Michael Spence, và Joseph Stigliz. Bất cân xứng thông tin là hiện tượng thông tin trên thị trường không đồng đều giữa các chủ thể (Philips, 1988). Thông thường, tình trạng bất cân xứng thông tin dẫn đến tốn kém nhiều chi phí giao dịch, kinh doanh trở nên rủi ro hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đôi khi có thể dẫn đến sự thất bại của cả thị trường (Akerlof, 1970). Hậu quả cụ thể của tình trạng này có thể dẫn đến Lựa chọn ngược hay lựa chọn bất lợi (adverse selection–AS), rủi ro đạo đức hay tâm lý ỷ lại (moral hazard – MH), vấn đề người ủy quyền-người thừa hành (principal-agent – PA)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

Thị trường các công cụ nợ không hoàn hảo như các thị trường đặc biệt như thị trường ngoại hối, với sự đa dạng sản phẩm trên thị trường, sự phức tạp của các bên liên quan và đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận thông tin nên bất cân xứng thông tin luôn xảy ra như một khuyết điểm mặc nhiên của thị trường. Để giảm tác động tiêu cực của bất cân xứng thì thông tin giữa nhà phát hành và nhà đầu tư cần được cân bằng với nhau. Tuy nhiên các thông tin kinh doanh hữu ích thực sự tiếp cận khó khăn vì chi phí cao, mức độ tin cậy không rõ ràng hoặc đôi khi là có quá nhiều thông tin để có thể xử lý trong thời gian ngắn. Trong điều kiện như vậy, tình trạng “thị trường quả chanh” đe dọa sự tin tưởng trong giao dịch (Akerlof, 1970) và thị trường vốn không hoàn toàn hiệu quả vì thông tin không tự do lưu thông giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điều này tự nó có thể dẫn đến sự đầu tư không hiệu quả (Myers & Majluf, 1984). Nói cách khác, thông tin bất đối xứng dẫn đến hạn chế về tài chính, ví dụ như là hiện tượng đầu tư ít hơn so với mức tối ưu cho một công ty sẽ xảy ra. Vì vậy, việc ra đời và phát triển của thị trường XHTN nhằm khắc phục tình trạng này. CRA ra đời đã đóng vai trò trung gian giữa nhà đầu tư/chủ nợ và doanh nghiệp phát hành/con nợ, cung cấp cho mỗi bên thông tin hữu ích cho việc ra quyết định của họ. Các doanh nghiệp cần XHTN để dễ dàng truy cập vào thị trường vốn trong nước và


Phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam - 6

sau đó toàn cầu, cũng như tăng uy tín của họ với các chủ nợ. Nhu cầu này cũng là được hỗ trợ bởi thực tế là các nhà đầu tư ưa thích bỏ vốn vào chứng khoán được xếp hạng và thậm chí chỉ duy trì các trái phiếu được xếp hạng cấp đầu tư trong danh mục đầu tư của họ. CRA cung cấp cho người tham gia thị trường với hệ thống đánh giá tín dụng tương đối thông qua kết quả XHTN. Tuy nhiên, lựa chọn có nên đầu tư vào các công ty được XHTN hay không, vẫn còn tùy thuộc vào các nhà đầu tư (Kräussl, 2003).

Trong nghiên cứu đầu tiên về lý thuyết phát tín hiệu, Spence (1973) đã sử dụng thị trường lao động để mô hình hóa chức năng báo hiệu của giáo dục. Nhà tuyển dụng tiềm năng thiếu thông tin về chất lượng của ứng viên. Các ứng cử viên, do đó, có được giáo dục để báo hiệu chất lượng của họ và giảm thiểu đi tình trạng bất cân xứng thông tin. Điều đó đặt cơ sở cho tầm quan trọng của việc phát ra tín hiệu nhằm cân bằng trạng thái bất cân xứng thông tin. Kirmani và Rao (2000) cung cấp một ví dụ chung giúp minh họa một mô hình tín hiệu cơ bản. Giống như hầu hết các ví dụ về tín hiệu, các tác giả phân biệt giữa hai thực thể: công ty chất lượng cao và công ty chất lượng thấp. Mặc dù các công ty trong ví dụ này biết chất lượng thực sự của chính họ, nhưng những người ngoài (ví dụ: nhà đầu tư, khách hàng) thì không, vì vậy tồn tại tình trạng thông tin bất cân xứng. Do đó, mỗi hãng có cơ hội báo hiệu hoặc không báo hiệu chất lượng thực sự của mình cho người ngoài. Cơ chế đó được thể hiện rõ ràng trên thị trường XHTNDN, trong đó xem việc CRA thực hiện hành động XHTN là việc phát ra tín hiệu cho thị trường. Nếu các tín hiệu này là hiệu quả thì từ tín hiệu đó sẽ kéo theo các phản ứng và tín hiệu khác đối với chủ thể trên thị trường đối với nhà phát hành và với chính CRA. Ngược lại, nếu như các thông tin đưa ra từ tổ chức CRA không dẫn đến những tác động, thay đổi thì rõ ràng hoạt động của CRA là chưa đạt được như kỳ vọng của thị trường. Niềm tin đóng một vai trò lớn trong thị trường vì sự hiện diện của các thông tin không trung thực trong thị trường hay các nhà phát hành nhiều rủi ro có xu hướng đe dọa sự tồn tại của thị trường, các sản phẩm kém tràn lan trên thị trường và đẩy các sản phẩm khác ra khỏi thị trường đó (Akerlof, 1970). Trong bối cảnh này, việc tạo ra một trung gian thông tin, phát tín hiệu chính xác trên thị trường được cả người bán và người mua quan tâm. Việc tồn tại, phát triển


của các hoạt động XHTN cũng như CRA là điều tất yếu trên thị trường (David & Steinmueller, 1996).


2.3.2. Lý thuyết đại diện, chi phí giao dịch và trung gian thông tin


Một mối liên hệ khá chặt với lý thuyết bất cân xứng thông tin chính là lý thuyết đại diện (Agency theory) được phát triển vào năm 1976 bởi bởi Jensen và Meckling (Karake-Shalhoub, 2002). Lý thuyết này dựa trên giả định con người có lý trí, sợ rủi ro và thúc đẩy hành động bởi chính các ý chí, sở thích của bản thân. Xung đột giữa các bên sẽ có thể khi có thông tin không đầy đủ, bất cân xứng giữa chủ sở hữu và đại diện trong công ty hay những bên có lợi ích khác nhau. Chi phí đại diện làm tăng các tổn thất do thông tin không hoàn hảo giữa đại diện và người ủy quyền. Nếu không có khả năng giám sát các đại diện, người ủy quyền có thể cho rằng các đại diện đang che giấu thông tin và phát sinh các lo ngại về rủi ro đạo đức. Hơn nữa, chi phí đại diện có thể làm giảm giá trị của một tổ chức. Vấn đề này được giảm thiểu thông qua thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản trị và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi gây bất lợi từ người quản lý công ty… Do đó, lý thuyết này đưa ra những cách thức làm thế nào để phối hợp tốt nhất các mối quan hệ và từ đó giảm các chi phí (Karake-Shalhoub, 2002). Shah (2015) cho rằng với sự phức tạp của thị trường tài chính – ngân hàng sẽ tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho những xung đột lợi ích giữa các bên. Trong bối cảnh đó, các CRA nổi lên như trung gian thông tin để làm giảm chi phí đại lý giữa các nhà đầu tư và tổ chức phát hành. Do đó, CRA được cho là đóng vai trò rất quan trọng trong tăng cường hiệu quả của thị trường bằng cách cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin với chi phí thấp hơn (Hartwall và Petterson, 2005).

Sự tin tưởng lẫn nhau có vai trò quan trọng trong các nghiên cứu về chi phí giao dịch, Karake-Shalhoub (2002) cho rằng sự tin tưởng chính là xúc tác để người mua thúc đẩy giao dịch với người bán, bằng cách tin tưởng vào người bán thì người mua giảm bớt đi các lo ngại về rủi ro trong giao dịch và ngược lại. Để có thể xây dựng được lòng tin trong mối quan hệ kinh tế thì người bán cần thể hiện năng lực của mình một cách chuyên nghiệp, có khả năng thực hiện đúng cam kết, hiểu rõ về tình


hình thực tế của giao dịch và có kỹ năng truyền đạt thông tin tốt đến cho đối tác. Đồng thời với đó, để thiết lập sự tin tưởng thì cần có danh tiếng và quy mô phù hợp. Danh tiếng liên quan đến lịch sử trước đây, mức độ tin tưởng của người mua đối với sự trung thực và quan tâm của người bán đối với hàng hóa, dịch vụ của mình. Còn đối với quy mô của người bán đóng vai trò như tín hiệu đối với người mua, nhà đầu tư rằng họ sẽ hành động một cách cẩn trọng và bảo vệ lợi ích tốt nhất cho khách hàng của người bán và với quy mô lớn thì người bán sẽ thiệt hại rất nhiều nếu như họ không trung thực, không đáng tin cậy.

Một tổ chức trung gian sẽ có chức năng tìm kiếm các thông tin, kết nối người mua và người bán, xác định phù hợp giá giao dịch, hỗ trợ để đưa ra các điểu khoản trong hợp đồng giao dịch và thúc đẩy thanh khoản của hàng hóa đó trên thị trường (Spulber, 1996). Tổ chức trung gian cung cấp tiện ích bằng cách tăng cơ hội giao dịch thành công giữa người mua và người bán, vì vậy cần có các trung gian trên thị trường để giải quyết các mẫu thuẫn, nhược điểm của thị trường chưa hiệu quả (Cosimano, 1996). Một trung gian thông tin là một người hoặc tổ chức được thiết kế để hỗ trợ người sử dụng trong xử lý thông tin (Lee và Choo, 2005). Trung gian thông tin tác động đến khả năng sử dụng, số lượng và chất lượng thông tin của người sử dụng. Trung gian thông tin ra đời nhằm các bước để khắc phục sự bất đối xứng thông tin, thông tin không chính thức hay các hiện tượng như mất lòng tin, các chi phí giao dịch cao (Rose, 1999). Như vậy với sự xuất hiện của các tổ chức trung gian chuyên nghiệp sẽ làm giảm cả chi phí đại diện và chi phí giao dịch và các trung gian có thể được hiểu như là một tổ chức thực hiện kinh doanh nhưng để giảm chi phí giao dịch trên thị trường (Cosimano, 1996), đồng thời nó cũng có thể trở thành cơ chế kiểm soát sự không chắc chắn và chia sẻ rủi ro để giảm chi phí của cơ quan.


2.3.3. Lý thuyết về danh tiếng của tổ chức


Một tài liệu cơ bản về lý thuyết danh tiếng được chính thức khởi đầu từ Klein và Leffler năm 1983 khi họ cho rằng hình thành danh tiếng có thể giúp hỗ trợ cung cấp cơ sở xác định sản phẩm chất lượng tại các thị trường có thông tin nhiễu loạn. Trong một trạng thái cân bằng, người cung cấp có động lực để cung cấp sản phẩm có


chất lượng cao (với chi phí cao hơn) khi giá trị nhận được dự kiến trong tương lai vượt quá lợi nhuận hiện tại từ việc cung cấp hàng hóa chất lượng thấp hơn. Cơ chế này hoạt động tương tự với ngành kinh doanh dựa trên danh tiếng, uy tín của người cung cấp như XHTN, kiểm toán… (Craswell, Francis, & Taylor (1995)).

Sự hình thành danh tiếng trong tình trạng có chia sẻ thông tin trên thị trường có đặc điểm tương tự như lý thuyết phát tín hiệu. Mỗi công ty tham gia vào các hành vi báo hiệu đều truyền đạt thông tin về khả năng của mình, khi các công ty có khả năng lớn hơn và do đó có chất lượng cao hơn, gửi các tín hiệu chất lượng tương ứng cao hơn có khả năng được chú ý bởi các chủ thể khác trên thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để đánh giá được chất lượng tín hiệu lại là một câu hỏi khó. Nhiều yếu tố được sử dụng như hiệu suất tài chính vượt trội hoặc chất lượng sản phẩm… và trong các thảo luận hiện nay đang tập trung nhiều hơn về đánh giá danh tiếng của tổ chức (Lange, Lee & Dai (2011)). Khi một công ty tham gia vào hành vi báo hiệu, người nhận tín hiệu sẽ rút ra các khía cạnh về danh tiếng của công ty để đánh giá chất lượng tín hiệu được gửi. Jensen và Roy (2008) và Dimov, Shepherd, và Sutcliffe (2007) cho rằng danh tiếng đóng vai trò như một tín hiệu từ quá khứ, phát ra để người liên quan xem xét thực hiện các hành động trong tương lai.

Từ góc độ quản lý, Herbig và Milewicz (1995) định nghĩa danh tiếng là một ước tính về tính nhất quán theo thời gian thuộc tính của một thực thể, và nhấn mạnh thực tế là một công ty có thể có nhiều danh tiếng - một cho từng thuộc tính như giá cả, chất lượng sản phẩm, tính sáng tạo, chất lượng quản lý - hoặc uy tín toàn cầu. Fombrun (1996) xem xét về danh tiếng của công ty như là đại diện nhận thức của một tổ chức trong tâm trí của các bên liên quan chính của nó. Ferris & ctg (2003) cho rằng danh tiếng là một nhận thức cá nhân được hình thành từ nhận thức chung của những người khác, phản ánh sự kết hợp phức tạp của các đặc điểm, thành tựu nổi bật, hành vi và hình ảnh được thể hiện trong một khoảng thời gian thông qua quan sát trực tiếp và/hoặc thông tin từ các nguồn thứ cấp, làm giảm sự mơ hồ về hành vi dự kiến trong tương lai.

Shapiro (1983), Mailath và Samuelson (2001), Bar-Isaac (2005) cũng đã lần lượt chứng minh với nhiều ngành nghề khác nhau thì trong tiêu chuẩn thông thường,


người dùng luôn quan tâm đến chất lượng đầu ra. Một công ty có danh tiếng tốt nếu khách hàng tin rằng sản phẩm của họ có chất lượng cao. Tuy nhiên, họ chỉ có thể đánh giá chất lượng sản phẩm của người bán sau khi sử dụng, vì vậy họ phải đưa ra quyết định mua hàng khi không có thông tin này và có thể dẫn đến các lựa chọn không chính xác. Trong các nghiên cứu này, danh tiếng thường có liên quan trong các mối quan hệ trong nhiều thời kỳ với thông tin bất cân xứng khi khách hàng không thể dễ dàng quan sát chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Việc đó có nghĩa là chứng minh sản phẩm chất lượng cao khi thông tin không hoàn hảo sẽ không đạt không trạng thái cân bằng trong mô hình mua sắm một lần của khách hàng. Nhưng nếu các tương tác được lặp lại, việc tin tưởng vào sản phẩm chất lượng cao sẽ được duy trì bền vững ở trạng thái cân bằng. Một cách đơn giản nhất là dùng thử và sau đó thực hiện các giao dịch mua thêm phụ thuộc vào thông tin có được sau lần đầu tiên giao dịch. Tuy nhiên, với cách này thì khách hàng sẽ phải chịu chi phí cao, tốn nhiều thời gian để tìm hiểu về sự thật chất lượng của sản phẩm dịch vụ. Hơn nữa, các quan sát được thực hiện từ kinh nghiệm không được kiểm chứng dễ dàng, dễ bị sai lệch và phiến diện theo quan điểm từng cá nhân khách hàng. Do đó, khách hàng sẽ có động lực để tìm hiểu về danh tiếng của người cung cấp trước khi họ thực hiện hành vi mua sắm để giảm thiểu chi phí và thời gian cũng như giảm thiểu khả năng xảy ra sai sót trong chọn lựa.

Một số nghiên cứu thử nghiệm đã kiểm tra hiệu ứng danh tiếng thông qua các thí nghiệm sử dụng các biến thể của một trò chơi lặp đi lặp lại với thông tin đầy đủ và không đầy đủ đã cho thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa việc phát tín hiệu và hỗ trợ hình thành danh tiếng của tổ chức (Brandts và Charness, 2003). Chính vì vậy, sự phát triển của nghiên cứu danh tiếng thường dựa trên tầm nhìn về một thế giới thông tin không hoàn hảo, trong đó sẽ dựa vào các tín hiệu để đưa ra các giả định hợp lý về ý định và hành vi trong tương lai của các chủ thể khác (Fombrun và Shanley, 1990). Do đó, các mô hình danh tiếng giả định một liên kết chặt chẽ giữa các tín hiệu về hành động trong quá khứ, hiện tại và kỳ vọng trong tương lai đối với các đặc điểm và đánh giá hoạt động đối với các tổ chức (Weigelt và Camerer, 1988).


2.3.4. Lý thuyết hành vi dự định


Lý thuyết về hành vi dự định - Theory of Planned Behavior – TPB (Ajzen 1985, 1991; Ajzen và Madden 1986) được phát triển từ lý thuyết hành động hợp lý (Theory of Reasoned Action - TRA). Lý thuyết này được Ajzen và Fishbein xây dựng từ năm 1967 và được hiệu chỉnh mở rộng theo thời gian được xem là lý thuyết cơ bản của hành vi dự định. Trong mô hình này, có hai yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng hành vi từ đó quyết định đến hành vi thực sự của người tiêu dùng đó là: thái độ và chuẩn chủ quan. Thái độ được đo lường bằng kiến thức và sự hiểu biết về các thuộc tính sản phẩm của khách hàng. Yếu tố chuẩn chủ quan được thể hiện thông qua những người có liên quan đến người tiêu dùng (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) và được đo lường bằng việc những người này thích hay không thích.

TBP kế thừa TRA để giải thích hành vi dựa trên tập trung xem xét các thái độ và niềm tin của các cá nhân trong đó bổ sung thêm nhận thức kiểm soát hành vi, mang lại nhiều tối ưu hơn so với TRA trong việc dự đoán và giải thích hành vi của người sử dụng trong cùng một nội dung và hoàn cảnh. Theo Cooke & Sheeran (2004), lý thuyết này được xem là là một trong những lý thuyết được áp dụng và trích dẫn rộng rãi nhất trong lý thuyết hành vi và dễ dàng sử dụng cho các dịch vụ mới trên thị trường tài chính như XHTNDN tại các quốc gia đang phát triển.

Mô hình giả định rằng một hành vi có thể được dự báo hoặc giải thích bởi các ý định để thực hiện hành vi đó. Ajzen (1988) cho rằng ý định lại là một hàm của ba nhân tố ảnh hưởng: Thứ nhất, các thái độ đối với hành vi (Attitude toward the Behavior) được khái niệm như là đánh giá tích cực hay tiêu cực của một cá nhân về hành vi thực hiện. Thứ hai là quy chuẩn chủ quan (Subjective Norms) đề cập đến cách mà người xung quanh nghĩ rằng cá nhân ấy nên hay không nên thực hiện hành

vi. Thứ ba, nhận thức kiểm soát hành vi (Perceived Behavioral Control) được định nghĩa như là đánh giá của chính cá nhân đó về mức độ khó khăn hay dễ dàng ra sao để thực hiện hành vi đó. Ajzen (1991) đề nghị rằng nhân tố nhận thức kiểm soát hành vi tác động trực tiếp đến ý định thực hiện hành vi và trong trường hợp cá nhân đó chính xác trong cảm nhận về mức độ kiểm soát của mình, thì nhận thức kiểm soát hành vi còn dự báo cả hành vi. Việc đưa thêm yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi đã làm tăng khả năng giải thích của mô hình TPB (Mathieson (1991), Taylor & Todd

Xem tất cả 335 trang.

Ngày đăng: 11/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí