Hình 2.7: Đánh giá của người dân về ô nhiễm môi trường tại làng nghề
(Nguồn: Khảo sát của tác giả)
Theo các hộ sản xuất, hoạt động sản xuất của tại các làng nghề là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm, trong đó gây ô nhiễm không khí (bụi, mùi) chiếm 86%, tiếng ồn (36%), ô nhiễm nước (24,7%), ô nhiễm đất (20%) và ô nhiễm khác (6,67%).
Không chỉ đánh giá ô nhiễm ở mức thấp hơn thực tế mà người dân làng nghề còn đánh giá thấp hơn cả chính các cơ sở sản xuất. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách phải nâng cao nhận thức của người dân làng nghề về ô nhiễm môi trường, bao gồm cả ô nhiễm về nước thải, chất thải và khí thải. Trên thực tế, các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu chưa đầu tư bất kỳ giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, bụi, chất thải rắn.
Hầu hết người sử dụng lao động và người lao động không được phổ biến đầy đủ các kiến thức về pháp luật, đặc biệt Luật lao dộng, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, thực trạng môi trường đang là mối quan tâm bức xúc của các ban, ngành, nhất là ngành y tế và người dân địa phương.
Tất cả các làng nghề trên địa bàn Hà nội đều đang gặp khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn. Do đặc thù của nghề thủ công, rác thải tại các làng nghề không đơn thuần là rác sinh hoạt như các làng nông thôn khác mà còn có cả rác công nghiệp, tuy nhiên đa số vẫn theo truyền thống cũ là mỗi làng tự hình thành
đống rác ngay cạnh làng. Chưa có làng nào có công tác vận chuyển rác thải đến bãi đổ thải chung của Thành phố. Do tùy tiện sử dụng không có quy hoạch và quy trình xử lý đúng phương pháp nên vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm xấu cảnh quan môi trường của làng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hiệu quả kinh doanh du lịch của làng nghề.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 - 12
- Thực Trạng Phát Triển Làng Nghề Sản Xuất Hàng Xuất Khẩu Trên Địa Bàn Hà Nội Xét Trên Khía Cạnh Xã Hội
- Trình Độ Tay Nghề Của Các Lao Động Làm Nghề Tại Các Làng Nghề
- Quan Điểm, Định Hướng Và Mục Tiêu Phát Triển Làng Nghề Sản Xuất Hàng Xuất Khẩu Trên Địa Bàn Hà Nội
- Quan Điểm, Định Hướng Phát Triển Làng Nghề Sản Xuất Hàng Xuất Khẩu Trên Địa Bàn Hà Nội
- Một Số Giải Pháp Cơ Bản Phát Triển Làng Nghề Sản Xuất Hàng Xuất Khẩu Trên Địa Bàn Hà Nội Đến Năm 2020
Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.
Số người lao động tiếp xúc với bụi, nóng, hóa chất, nguy cơ tai nạn từ 60- 90%, việc cung cấp trang thiết bị phòng hộ lao động cho cá nhân còn kém và gần như 100% không được tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động. Đa số người lao động không được khám tuyển và khám sức khỏe định kỳ, bệnh tật của người lao động phổ biến là các bệnh tiêu hóa và mắt chiếm 37%, bệnh hô hấp 20%, bệnh ngoài da 31% và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi họng, thần kinh, đau lưng, đau cột sống...
Theo ý kiến của hầu hết các hộ sản xuất, để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, cần tập trung sử dụng các công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề (65,3%), đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng (60%), giải pháp “sản xuất sạch hơn” (37,3%), nâng cao năng lực quản lý môi trường của chính quyền địa phương cũng như bản thân hộ gia đình (34,7%), kết hợp với các giải pháp khác (8%).
Nhìn chung, qua các ý kiến cho thấy cộng đồng có nhận thức được thực trạng ô nhiễm, song chưa thấy hết được mức độ nguy hại của tình trạng này. Đa phần vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên hết, và biện hộ cho sự xả thải bừa bãi bằng khó khăn về kinh tế, về nguồn vốn, về thực trạng chung của toàn xã và sự giải quyết của các cấp trên. Tư tưởng của họ như là chấp nhận “sản xuất và sống chung với ô nhiễm” cho tới khi nào nhà nước có cách giải quyết tốt hơn. Nhưng xét về nhiều góc độ cũng cần lưu ý rằng, người sản xuất đa số còn hạn chế về trình độ, họ chủ yếu là các lao động phổ thông và sản xuất theo kinh nghiệm thực tế là chính, vì thế họ thiếu một cái nhìn tổng thể đối với các vấn đề kinh tế xã hội và môi trường. Trong khi nhu cầu cuộc sống lại tăng lên không ngừng, vì vậy rất khó có thể thuyết phục họ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn này mà chưa có những giải pháp cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
2.3. Thành công và hạn chế trong phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội
Từ việc đánh giá thực trạng tình hình phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội, có thể đánh giá chung những thành công và hạn chế như sau:
2.3.1. Những thành công trong phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội
Quá trình phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã đạt đươc những thành công nhất định về mặt kinh tế và xã hội, cụ thể:
2.3.1.1. Về mặt kinh tế
- Thành phố Hà Nội đã trở thành “đất trăm nghề” và vẫn đang trong xu thế phát triển mạnh làng nghề với những chủ trương, chính sách đổi mới, mở cửa theo cơ chế thị trường. Theo đó, các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu được bảo tồn và phát triển với số lượng tăng qua các năm, nhiều làng nghề và vùng nghề mới xuất hiện trong thời gian qua, UBND thành phố đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có gần 100 làng nghề đạt doanh số 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
- Tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu đã và đang xuất hiện những doanh nghiệp có quy mô lớn tuy chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng các doanh nghiệp đã giữ vai trò đầu tầu trong sản xuất kinh doanh. Mô hình sản xuất hộ gia đình có chiều hướng giảm thay vào đó số HTX có xu hướng tăng lên. Sự chuyển hướng tích cực đó đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá. Tỷ trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng lên, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống. Phát triển làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu với chuỗi đô thị nhỏ văn minh, lành mạnh.
- Tổ chức sản xuất và phân công lao động tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu tương đối hợp lý, các hình thức sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Tổ chức sản xuất ở các làng nghề đang có xu hướng chuyển sang mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu phân công chuyên môn hóa và hiệp tác hóa sản xuất. Đã hình thành hệ thống doanh nghiệp thương mại sản xuất làm nòng cốt, có tác dụng mở rộng thị trường cho các sản phẩm làng nghề, góp phần tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu, hoạt động dịch vụ du lịch của Thành phố. Hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội được người nước ngoài ưa thích, ở cả Châu Âu và một số nước Châu Á. Nhiều khách hàng nước ngoài đã biết đến và yêu thích hàng mỹ nghệ và đó là một trong những nguyên nhân dẫn họ đến du lịch tại Hà Nội, góp phần làm phong phú thị trường xuất khẩu của Hà Nội.
- Các cơ sở sản xuất tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu đã thực sự quan tâm tới việc đầu tư, đổi mới quy trình công nghệ, thay thế nhiều công đoạn sản xuất thủ công bằng sản xuất bằng máy. Theo đó, năng suất lao động, chất lượng một số sản phẩm của làng nghề đã tăng lên đáng kể, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, mẫu mã sản phẩm của các làng nghề ngày càng đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, có đặc tính riêng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhiều làng nghề đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng, chiếm ưu thế trên thị trường trong và ngoài nước như: sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh; khảm trai Chuôn Ngọ;...
2.3.1.2. Về mặt xã hội
- Sự phát triển, mở rộng các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đã thu hút và giải quyết đáng kể việc làm cho khu vực nông thôn ngoại thành. Các cơ sở sản xuất tại các làng nghề này không chỉ thu hút và giải quyết lực lượng lao động tại chỗ mà còn thu hút cả lực lượng lao động làm thuê, dưới nhiều hình thức: theo ngày, theo tháng, theo vụ, theo nhu cầu của các cơ sở sản xuất từ các địa phương khác. Theo đó, góp phần giải quyết việc làm cho các lao động dôi dư trong quá trình giải phóng mặt bằng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đô thị, công nghiệp...
- Sự phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu ở Hà Nội thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn một cách toàn diện cả về kinh tế và văn hóa tinh thần. Trên cơ sở đó, góp phần giữ vững và ổ định tình hình an ninh, chính trị tại các làng nghề, hạn chế tệ nạn xã hội, một vấn đề bức xúc của Thành phố và cả nước hiện nay.
- Tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội có một đội ngũ lực lượng lao động lành nghề, khéo léo và có kỹ năng tốt trong ngành thủ công, có đội ngũ thợ giỏi, nghệ nhân nhiều nhất nước. Việc truyền nghề theo hình thức “cha truyền, con nối”, những người thợ thủ công đã cố gắng kế thừa và phát huy truyền thống nghề nghiệp và đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì, bảo tồn di sản văn hoá lâu đời của cha ông. Nhờ đó, đã tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, được chế tác khéo léo, mang phong cách văn hóa riêng, các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề Hà Nội đã góp phần củng cố tăng cường và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu được nét đẹp văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới.
2.3.1.3. Về mặt môi trường
Quá trình mở cửa, hội nhập đã tạo điều kiện cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu phát triển mạnh mẽ có một sức sống mới. Nhiều làng nghề đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật – công nghệ sản xuất sản phẩm như gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái và hình thành các khu sản xuất, tách biệt với khu dân cư tại một số làng nghề như sơn mài Hạ Thái đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.
2.3.2. Những hạn chế trong phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội
Bên cạnh những thành công kể trên, quá trình phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng bộc lộ một số mặt hạn chế nhất định, cụ thể:
2.3.2.1. Về mặt kinh tế:
- Thứ nhất là khó khăn về vốn, mặc dù Chính phủ và Thành phố trong thời gian qua đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng thực tế có tới 80% các làng nghề, các chủ làng nghề không tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi đó.
- Thứ hai là khó khăn về vấn đề thị trường bấp bênh, trải qua nhiều khâu trung gian. Sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu kém, thường bị ép giá trên thị trường. Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề chưa mạnh, quy mô nhỏ theo hướng “mạnh ai nấy làm”; Chưa có chiến lược quảng bá chung cho các sản phẩm làng nghề.
- Thứ ba là công nghệ lạc hậu, không cải tiến, các sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề Hà Nội có chất lượng chưa tốt, chưa đồng đều, trình độ thẩm mỹ chưa cao, mẫu mã chưa đổi mới. Sản phẩm chủ yếu được sản xuất theo các mẫu thiết kế của khách hàng nước ngoài.
- Thứ tư là khó khăn về vùng nguyên liệu. Tuy nước ta có nhiều nguồn nguyên liệu quý, có thể cung cấp nguyên liệu cho sản xuất tại các làng nghề nhưng lại thiếu các quy hoạch cụ thể và phù hợp. Thực tế, nguyên liệu khai thác trên địa bàn Thành phố mới đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất của các làng nghề.
- Thứ năm là khó khăn cơ sở hạ tầng và mặt bằng sản xuất. Cơ sở hạ tầng nhiều làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu bị xuống cấp (đường xá hư hỏng, thiếu điện, nước v.v…). Mặt bằng của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu chật hẹp, không có nơi để chứa nguyên liệu và sản phẩm.
2.3.2.2. Về mặt xã hội:
- Thứ nhất là khó khăn về lao động làng nghề. Điều này thể hiện ở chỗ, bản thân các gia đình làm nghề không phát triển được kinh tế bằng nghề truyền thống. Có những nghề truyền thống với các sản phẩm rất nổi tiếng như thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… đang bị nhiều gia đình quay lưng.
- Thứ hai là công tác đào tạo lao động tại các cơ sở sản xuất rất thụ động. Việc dạy nghề thông qua các lớp dạy nghề trong làng, hay các trường dạy nghề còn rất hạn chế, người lao động hầu như chưa được trang bị những kiến thức kinh doanh hiện đại. Một vấn đề bất cập nữa là mặc dù trên thực tế các địa phương đều lấy nghề thủ công làm trọng điểm phát triển kinh tế nhưng việc đầu tư đào tạo nghề lại chưa được chính quyền địa phương thực sự quan tâm.
- Thứ ba là công tác bảo tồn giá trị văn hoá làng nghề chưa được chú trọng. Sự đam mê, yêu nghề của những người lao động tại các làng nghề chiếm tỷ lệ thấp, điều này đặt ra sự cảnh báo về việc không duy trì được nghề truyền thống khi “cha truyền” nhưng “con không nối” hoặc “không thích nối”.
2.3.2.3. Về mặt môi trường:
- Thứ nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, tình trạng sản xuất lẫn với sinh hoạt làm cho số người lao động tiếp xúc với bụi, nóng, hóa chất, nguy cơ tai nạn có chiều hướng gia tăng. Công tác bảo đảm an toàn lao động cho người lao động tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu còn hạn chế, chưa được các cơ sở sản xuất quan tâm. Cộng thêm vào đó là ý thức người dân nói chung và người dân làng nói riêng trong việc thực hiện bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe con người còn hạn chế...
- Thứ hai, ô nhiễm môi trường làng nghề là tác nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, tập trung vào một số bệnh, như: Các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa và các bệnh về mắt... Đặc biệt, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tương đối cao ở một số làng nghề. Ô nhiễm môi trường làng nghề còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của chính làng nghề đó, gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ và dẫn đến những xung đột trong cộng đồng.
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Việc phát triển các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội theo hướng bền vững trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế nhất định ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, nguyên nhân chính của những hạn chế trên được thể hiện:
2.3.3.1. Nguyên nhân từ phía cơ chế, chính sách của Nhà nước và thành phố Hà Nội Thực hiện đường lối đổi mới cơ chế kinh tế, Nhà nước đã ban hành nhiều
chính sách, thể chế hoá các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội… bằng nhiều Luật và văn bản dưới Luật, thừa nhận mọi doanh nghiệp thuộc loại các thành phần kinh tế đều bình đẳng và tự chủ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đó là một thuận lợi căn bản cho các làng nghề nói chung và làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng phát triển mà trước đó chưa từng có. Song trong vài năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu còn nhiều tồn tại, cụ thể:
- Nhà nước và Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, song cơ chế chính sách phát triển nghề, làng nghề chậm và chưa có chính sách riêng. Các cơ chế chính sách đã ban hành chưa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, thiếu ổn định và không cụ thể gây khó khăn cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề nói chung và các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng. Các chính sách của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cho vay vốn phát triển nghề, làng nghề, đầu tư đổi mới công nghệ hạn chế. Chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế làng nghề và hộ sản xuất tiếp cận thị trường chưa cụ thể. Chưa có chính sách tạo cho doanh nghiệp làng nghề, hộ sản xuất trực tiếp xuất khẩu, hầu hết xuất khẩu qua uỷ thác. Một số chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ sản xuất như: mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các làng nghề, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu chậm...
- Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển nghề và làng nghề còn bất cập chưa hoàn chỉnh, nên chưa tác động mạnh mẽ đến các cơ sở sản xuất làng nghề. Có nhiều cơ chế chính sách chưa hợp lý như: chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân, thợ giỏi chưa có; chưa quy định cho vay vốn trung và dài hạn với các cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ độc đáo để đầu tư trang bị, cải tiến công nghệ; còn thiếu các quy định về hàng giả cổ có thể xuất khẩu mà nhu cầu của khách nước ngoài ngày càng nhiều v.v…Còn thiếu một số chính sách: Dự báo năng lực và nhu cầu thị trường, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, tổ chức phối hợp liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất với các đơn vị phân phối...
- Việc thực hiện cơ chế chính sách tuy có cải tiến song đến nay vẫn còn phức tạp như thủ tục về vay vốn, khó khăn trong giải ngân, thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục ưu đãi về thuế theo Luật v.v…Đặc biệt môi trường pháp lý chưa bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Việc hoạch định chính sách chủ yếu vẫn theo loại hình sở hữu, chưa chú trọng theo các loại ngành nghề.
Từ đó có thể khẳng định: Cơ chế chính sách của Nhà nước có ý nghĩa to lớn và quyết định trực tiếp đến sự phát triển của các làng nghề ở nước ta nói chung và các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu Hà Nội nói riêng. Những tồn tại và các vấn đề khó khăn trên về cơ chế chính sách cần sớm được sự quan tâm của Nhà nước và Thành phố trong thời gian tới.