Giải Pháp Về Bảo Tồn, Tôn Tạo Di Tích Lịch Sử, Văn Hóa Bản Địa

3.2.1.4. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Hầu hết lực lượng lao động đang hoạt động kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ tại khu vực Phong Nha hiện nay chưa được đào chuyên môn nghiệp vụ nên tay nghề và khả năng phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng thấp. Để khắc phục tồn tại này, hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch nên có kế hoạch kiểm tra, khảo sát và đánh giá thực trạng vấn đề, có chương trình liên kết với các trường đại học, cao đẵng, trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bếp, buồng, bàn cho lực lượng lao động này.

- Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch nên phối hợp với Sở Giáo dục có chương trình giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch VHST của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để hướng nghiệp cho học các trường PTTH trong tỉnh thi vào các trường chuyên ngành du lịch, chuyên ngành xã hội và ngoại ngữ, nhằm tạo ra một lực lượng lao động là con em địa phương được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình nói chung và du lịch tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng trong những năm sắp tới.

- Trường Đại học Quảng Bình cần có kế hoạch thành lập Khoa du lịch để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch tỉnh nhà và du lịch VHST tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng..

- Có chế độ đãi ngộ thích hợp về tiền lương và các ưu đãi khác để thu hút đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm quản lý, có trình độ ngoại ngữ tốt là con em Quảng Bình đang công tác trong ngành du lịch ở các tỉnh khác về công tác tại Quảng Bình. Lực lượng này rất lớn, đây là số con em Quảng Bình sau khi học xong các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch đã ở lại các tỉnh, thành phố khác công tác do ngành du lịch tỉnh nhà chưa có những chính sách thu hút phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để họ đến làm việc và cống hiến cho sự phát triển du lịch VHST tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng .

- Trung tâm Du lịch VHST và Hạt kiểm lâm thuộc VQG cần có kế hoạch phối hợp tuyển chọn và gửi một số kiểm lâm viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về du lịch để sử dụng họ thành những hướng dẫn viên du lịch sinh thái. Đây là lực lượng đã được đào tạo cơ bản về lâm nghiệp, kiến thức về đa dạng sinh học cao, có

sức khỏe tốt, sử dụng nguồn lao động này làm hướng dẫn viên du lịch sinh thái là rất phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu về nguồn lực lao động để phát triển du lịch sinh thái trong những năm sắp tới, vừa tạo thêm thu nhập cho lực lượng kiểm lâm, động viên họ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và từng bước phát huy giá trị của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Mô hình này đã được một số Quốc gia như Uganda, Đức, Nepan và một số VQG ở trong nước áp dụng rất có hiệu quả (VQG Bạch Mã, VQG Cát Tiên).

3.2.1.5. Giải pháp về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa bản địa

Bên cạnh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư khai thác các giá trị về văn hóa lịch sử để phát triển loại hình du lịch văn hóa, Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cần phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình có chính sách đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo và chống xuống cấp các giá trị đặc biệt quan trọng này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.

- Phát huy tối đa các nguồn vốn của địa phương để trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử đường HCM, đặc biệt là các di tích lịch sử trên tuyến đường 20 Quyết thắng. Hiện nay nhiều di tích lịch sử chưa được đầu tư tôn tạo, một số di tích đã tôn tạo nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm có kế hoạch đầu tư để bảo tồn hệ thống các di tích lịch sử.

Phát triển du lịch văn hóa sinh thái tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - 12

- Có chính sách cụ thể để hỗ trợ tộc người Arem ở bản 39 xã Tân Trạch (Bố Trạch) và tộc người Rục ở bản Yên Hợp xã Thượng Hóa (Minh Hóa), đây là hai tộc người có trình độ văn hóa, trình độ canh tác tấp nhất toàn quốc, có thời kỳ họ được đưa vào danh sách các tộc người có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy mấy năm qua Nhà nước đã giành kinh phí để định canh, định cư ổn định cuộc sống cho các tộc người này nhưng hiện nay đời sống của họ vẫn rất khó khăn, hiện tượng di dân tự do vẫn xảy ra. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm chấm dứt tình trạng di dân tự do, làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc.

- Cần sớm triển khai các dự án sưu tầm và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người trong khu vực VQG như: Bảo tồn hình thái quần cư làng bản; kiến trúc nhà tường đất của người Rục, người Mày; nhà sàn của người Khùa, người Macoong; bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực như Cơm Pồi (Bồi), Rượu

Đoác (rượu chế biến từ một loại cây rừng); các trang phục truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể như phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng, làn điệu dân ca, kinh nghiệm truyền thống về canh tác nương rẫy, chăn nuôi, chữa bệnh và các nghề truyền thống khác như dệt may, đan lát vv.. Biến các bản sắc này thành các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách.

- Có có kế hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: Lễ hội đập trống của dân tộc Ma Coong (15 tháng 1 âm lịch), Lễ đâm Trâu, Lễ cầu mùa; Nghệ thuật hát tuồng (Hát Bội) của xã Hưng Trạch và một số lễ hội khác.

Trước mắt, cần ưu tiên bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sau:

+ Đối với “Lễ đập trống” của tộc người Ma Coong xã Thượng Trạch.

Lễ hội này diễn ra năm một lần và chỉ trong một ngày đêm. Xã Thượng Trạch là xã biên giới (gần biên giới Việt Lào, cách Trung tâm Phong Nha 50km), giao thông đi lại rất khó khăn, du khách rất vất vả đến đây mà chỉ được trải nghiệm như thế là quá ít. Sau khi tham khảo ý kiến một số chuyên gia, tác giả đề xuất: Cùng với việc duy trì khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn lễ hội này, Sở Văn hóa - Thể thao

- Du lịch nên có kế hoạch tổ chức hội diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống của các tộc người Khùa,Vân Kiều ngay sau lễ hội nhằm kéo dài phần Hội khoảng 3 đến 5 ngày phục vụ khách tham quan.

+ Tổ chức vào thời điểm khác các lễ hội văn hóa du lịch như: “Liên hoan Nghệ thuật truyền thống dân tộc Chứt”, bao gồm các tộc người Sách, Mày Rục, Arem; “Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân tộc Bru vân Kiều” bao gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì, Sộ; hoặc tổ chức “Liên hoan Nghệ thuật truyền thống các dân tộc trong Di sản” cho cả hai dân tộc Chứt và Bru Vân Kiều.

Cần có dự án thành lập các đội văn nghệ (tương lai nâng lên Đoàn nghệ thuật truyền thống) do chính các Nghệ nhân của tộc người này là diễn viên; sân khấu hóa lễ hội này thành một sản phẩm du lịch văn hóa, phục vụ du khách đến tham quan và lưu trú tại Trung tâm Phong Nha vào đêm, đặc biệt là các du khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa bản địa nhưng không có điều kiện đến tham dự lễ đúng dịp hàng năm.

+ Đối với sản phẩm Nghệ thuật Hát bội Khương Hà (Tuồng):

Đây cũng là loại hình sân khấu đặc trưng của địa phương, nội dung các vở tuồng đang tồn tại theo phương thức truyền khẩu, các nghệ nhân đã lớn tuổi (một số đã qua đời), nếu không có biện pháp để bảo tồn thì loại hình nghệ thuật này có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, ngành văn hóa cần có kế hoạch để ghi chép, lưu trữ nội dung các vỡ tuồng. Có kế hoạch thành lập đoàn nghệ thuật, tổ chức biểu diễn cho du khách tham quan lưu trú qua đêm tại Trung tâm du lịch Phong Nha. Có thể nghiên cứu mô hình Ca Huế trên sông Hương để tạo ra sản phẩm xem “Tuồng trên sông Son”.

+ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cần phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh tổ chức lễ hội văn hóa du lịch tại Đền tưởng niệm TNXP theo định kỳ hàng năm để thu hút khách du lịch. Các lễ hội có thể nghiên cứu tổ chức như: Lễ “Cầu siêu linh hồn các liệt sĩ Trường Sơn”, lễ hội “Về lại với Trường Sơn”, lễ hội “Trường Sơn xưa và nay”.

Cơ sở đề xuất: Từ khi Đền tưởng niệm TNXP tại hang 8 Cô được xây dựng và đưa vào thiết lễ, hàng năm có rất nhiều du khách đến đây thăm viếng. Theo những người đã từng đến đây một vài lần hiện nay quay trở lại cho biết, sự thành kính và cầu nguyện của họ những lần trước tại Đền tưởng niệm rất ứng nghiệm và linh thiêng. Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, đường HCM huyền thoại, ngày 14 và 15 tháng 5 năm 2009, tại Đền tưởng niệm TNXP chống Mỹ cứu nước, Trung ương Hội Phật Giáo Việt Nam, Chùa Vĩnh Nghiêm Thành phố HCM đã tổ chức Lễ Cầu siêu linh hồn các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Về dự lễ có sự tham gia của đông đảo cựu chiến binh Trường Sơn, tăng ni phật tử và đồng bào nhiều nơi trong cả nước, họ đến đây để tôn vinh và thành kính với các anh hùng liệt sỹ, đồng thời du khách cũng cho biết rằng họ đến đây vì sự linh thiêng của địa danh lịch sử này.

Nên chọn ngày hy sinh của 8 TNXP (ngày 14/11/1972, ngày giỗ) để tổ chức lễ hội, nhằm tiếp tục vinh danh và thể hiện sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việc triển khai các giải pháp trên vừa tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ khách du lịch, vừa góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử quan trọng, giữ gìn một số bản sắc văn hóa đang có nguy cơ bị mai một.

3.2.1.6. Giải pháp về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nghiên cứu khoa học

- Ưu tiên nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trạm kiểm lâm, đường tuần tra, chòi canh lữa, thiết bị phòng chống cháy rừng, trang cấp phương tiện thiết bị hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

- Trích một phần thu từ hoạt động du lịch để đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, trạm quan trắc và các trang thiết bị chuyên dụng cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Cứu hộ (đơn vị trực thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng) tiến hành kiểm kê, lập ô định vị, đánh giá tính đa dạng sinh học, thành phần loài, phân bố trữ lượng, quan hệ và môi trường phát triển của động thực vật. Tranh thủ thêm nguồn vốn của các dư án trong và ngoài nước để nghiên cứu phát hiện thêm các loài mới, giám sát diễn biến các quần thể hệ sinh thái, nghiên cứu nguồn gen động thực vật quý hiếm; tiếp tục nghiên cứu, thám hiểm hệ thống hang động, nghiên cứu địa mạo địa chất, từ đó đưa ra các giải pháp và kế hoạch quản lý, bảo tồn hiệu quả hơn.

- Tiến hành triển khai các đề tài nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật gieo trồng một số loài cây bản địa quý hiếm, vừa thực hiện mục tiêu bảo tồn vừa có giá trị về kinh tế cho cộng đồng dân cư vùng đệm.

- Tiếp tục tăng cường và phối hợp chặt chẽ với nước bạn Lào trong liên kết nghiên cứu và quản lý bảo vệ giá trị của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu bảo tồn Hin NamNo. Đây là khu vực được đánh giá có các giá trị tự nhiên quan trọng mang tính toàn cầu có thể liên kết với Phong Nha- Kẻ Bàng trở thành khu Di sản liên biên giới Việt-Lào. Với diện tích gần 200.000 ha, Phong Nha- Kẻ Bàng và Hin Namno là một trong những vùng núi đá vôi liên tục rộng lớn nhất thế giới, đủ để bảo tồn các giá trị đa dạng mang tính toàn cầu.

3.2.1.7. Giải pháp về quảng bá tiếp thị

- Cần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu nâng cao hình ảnh về du lịch Quảng Bình nói chung, các giá trị và tiềm năng phát triển du lịch VHST của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng một cách rộng rãi hơn.

- Tăng cường quan hệ với các hãng thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình trong nước và nước ngoài để hỗ trợ và xúc tiến quảng bá hình ảnh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng ở trong nước cũng như ra nước ngoài, vừa thu hút vốn đầu tư vừa thu hút khách du lịch Quốc tế.

- Tích cực tham gia “Con đường Di sản Miền Trung”, kết nối với các Di sản Văn hóa Thế giới Cố đô Huế, Di sản Văn hóa Thế giới Phố cổ Hội An và Di sản Văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn. Hiện nay, ba Di sản này đã có thương hiệu mạnh đối với khách nước ngoài; thời gian qua, số lượng khách nước ngoài đến đây rất đông, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số du khách. Quá trình tham gia phối hợp này sẽ tạo thành một liên kết hữu cơ các Di sản trên dải đất Miền Trung, hỗ trợ cho nhau trong quảng bá tiếp thị. Với mục tiêu là làm thế nào để khách đến với Miền Trung đều phải đến với cả bốn Di sản này, dần dần nâng cao vị thế và hình ảnh các Di sản thế giới trong phát triển thị trường khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Quốc tế.

- Chủ động tổ chức, đồng thời tham gia tích cực vào các hội chợ, liên hoan, triển lãm, hội thảo Quốc tế và khu vực về du lịch; xuất bản nhiều hơn các ấn phẩm tờ gấp, sách hướng dẫn, phim ảnh, băng đĩa hình giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch VHST của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng .

- Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng Cục du lịch, hợp tác với Hiệp hội Du lịch các Quốc gia trong khu vực để mở rộng, liên kết tua tuyến đưa khách đến với Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước mắt ưu tiên mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực ASEAN và Châu Á. Thông qua việc liên kết với các nước Thái Lan, Lào để xúc tiến quảng bá thu hút khách ASEAN qua đường 8, đường 9, đường 12. Cần có kế hoạch liên kết với Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc để xúc tiến quảng bá thu hút khách khu vực Châu Á., đồng thời có kế hoạch để xúc tiến, tiếp thị thu hút khách du lịch Châu Âu và Châu Mỹ trong thời gian dài hơn.

- Cần đầu tư để làm phong phú thêm nội dung của Website Quảng Bình, Website VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; hỗ trợ kinh phí để duy trì và thường xuyên làm mới các trang thông tin điện tử này. Phải xác định đây là kênh thông tin chủ đạo trong những năm tới. Càng ngày phương tiện thông tin này càng được sử dụng nhiều, đặc biệt khách du lịch là người nước ngoài chủ yếu tìm kiếm thông tin trên internet. Cần phải đa dạng hóa ngôn ngữ cho Website Phong Nha - Kẻ Bàng (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, vv…) để phù hợp với đa dạng khách Quốc tế từ các châu lục khác nhau..

- Cần tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ ngành trung ương để có kế hoạch tổ chức các lễ hội văn hóa du lịch tầm Quốc gia tại Quảng Bình để quảng bá hình ảnh Quảng Bình, hình ảnh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thu hút khách du lịch.

- Du lịch Phong Nha nên chọn một số khẩu hiệu ấn tượng (slogan) của riêng mình để tăng hiệu quả quảng bá, (tham khảo slogan “ Phi đáo Trường thành bất hảo hán” của Khu du lịch Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc, hoặc “Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam” slogan của Thừa Thiên Huế). Một vài slogan có thể nghiên cứu để sử dụng như: “Phong Nha - Kẻ Bàng, Vương quốc hang động của Thế giới”; “Phong Nha - Kẻ Bàng, Vương quốc Linh trưởng Đông Nam Á”, hoặc “Đến với Sơn Đòong là đến với hang động lớn nhất Thế giới”...

- Theo kết quả điều tra ở chương 2, hiệu quả quảng bá trên phương tiện Tivi radio là rất lớn. Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, cần đầu tư kinh phí đưa các slogan lên các chương trình truyền hình vui chơi giải trí VTV3 như “Ai là triệu phú”, “Đấu trường 100”, “Chiếc nón kỳ diệu” để tăng sức mạnh quảng bá.

3.2.1.8. Giải pháp phát triển du lịch gắn với công cộng đồng

- Tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình lập quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển các loại hình du lịch, thông qua chính quyền địa phương, thôn bản để lắng nghe các đề xuất của cộng đồng dân cư về nguyện vọng tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, tạo điều kiện và ưu tiên con em địa phương vào tham gia làm việc tại các tổ chức, công ty kinh doanh khai thác du lịch VHST tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng như đưa khách về nghỉ tại nhà dân, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống của nhân dân địa phương.

- Định hướng cho các doanh nghiệp nhân rộng mô hình “Làng du lịch cộng đồng” tại thôn Chày xã Phúc Trạch, quy hoạch và triển khai một số dự án xây dựng “Làng du lịch sinh thái” với kiến trúc nhà cổ mang đậm nét kiến trúc nhà ở truyền thống địa phương, kết hợp vườn cây đặc sản ở các xã vùng đệm để thu hút khách du lịch về với cộng đồng. Các địa phương có điều kiện triển khai mô hình này như Phúc Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch (Bố Trạch) và Thượng Hóa, Hóa Sơn (Minh Hóa).

- Tạo điều kiện để nhân dân các xã vùng đệm được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ăn uống và lưu trú của khách du lịch.

- Triển khai các dự án bảo tồn và khôi phục các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như nghề nón lá Thổ ngọa, Thọ Đơn; nghề đúc đồng Quảng Hòa, nghề mây tre đan Quảng Lộc (Quảng Trạch), nón lá Quy Hậu (Lệ Thủy); tổ chức dạy nghề, chuyển giao công nghệ các nghề thủ công truyền thống này cho nhân dân các xã vùng đệm, hình thành các làng nghề truyền thống tại các xã vùng đệm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tổ chức các tour du lịch đưa khách đến tham quan và mua hàng lưu niệm trực tiếp tại xưởng sản xuất.

3.2.1.9. Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm và vùng lõi

Cần xác định mối quan hệ giữa xóa đói giảm nghèo của nhân dân vùng đệm và vùng lõi với phát triển du lịch VHST của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là mối quan hệ nhân quả, phải xem nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng ở đây là một trong những mục tiêu của các dự án phát triển du lịch, là điều kiện để bảo vệ môi trường.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; Ưu tiên hơn nữa nguồn vốn từ các dự án, các chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư xây cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi cho các xã vùng đệm, vũng lõi; thúc đẩy nông lâm nghiệp phát triển, tạo ra nhiều nông sản thực phẩm, đặc biệt là các đặc sản địa phương phục vụ khách du lịch; từng bước cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, góp phần tích cực bảo vệ vùng lõi.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/05/2024