Những Khái Niệm Làm Cơ Sở Lý Luận Cho Đề Tài Nghiên Cứu

Dự thảo báo cáo về Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đến năm 2020” của WorldBank tại hội thảo tham vấn, tổ chức tại Hà Nội cho biết “sự ổn định của gia đình và trình độ học vấn của cha mẹ có liên quan đến việc hoàn thành các cấp học ở con họ, đặc biệt là cấp tiểu học và THCS”. Bên cạnh đó, dù không phải là yếu tố quyết định nhưng “các hoạt động phối hợp với cộng đồng, gặp gỡ cha mẹ học sinh tỷ lệ thuận với kết quả học tập của trẻ” [40]. Như vậy, báo cáo trên cho thấy cần có sự quan tâm đồng bộ từ gia đình, nhà trường, cộng đồng để giúp cho vấn đề giáo dục ngày càng phát tiển hơn, trong đó trước tiên là giảm thiểu vấn đề học sinh bỏ học.

Các nghiên cứu về trẻ em sống xa cha mẹ


Báo cáo “Đánh giá phối hợp ngành 2013-2014, lĩnh vực giáo dục tiểu học” của Bộ GD-ĐT phối hợp với UNESCO cho biết: vai trò của phụ huynh và những người nuôi dưỡng trẻ em là nhân tố quyết định chính đến kết quả học tập của trẻ hơn các yếu tố khác như trường, lớp, chất lượng của giáo dục và động cơ học tập. Song trên thực tế, tại các địa bàn nghiên cứu có đến 40% phụ huynh làm việc xa nhà và trẻ được ông bà nuôi dưỡng, cô chú bác và thậm chí là anh chị. Trình độ văn hóa, khả năng hỗ trợ trẻ hoàn thành bài tập về nhà của cha mẹ hoặc người chăm sóc cũng là nhân tố quyết định chính đến kết quả học tập của trẻ [5]. Nghiên cứu trên đã chỉ ra vấn đề then chốt để giúp trẻ học tốt là vai trò của phụ huynh và khả năng hỗ trợ con cái học tập. Tuy nhiên, đây cũng là những thử thách vì có liên quan mật thiết đến việc làm và học vấn của PHHS, mà để giải quyết tốt các vấn đề này thì đòi hỏi cần nhiều chính sách ở tầm vĩ mô, trong khi đó vấn đề nghèo đói, bỏ học thì đang hiện hữu.

Nghiên cứu về “Tác động của cha mẹ đi làm ăn xa đến Trẻ em bị bỏ lại ở nông thôn châu Á”, tác giả cho biết, cha mẹ đi làm ăn xa nhà sẽ có tác động đến: (1) việc học tập của trẻ như: tỷ lệ trẻ em của gia đình có cha mẹ di cư làm ăn xa được đi học thấp hơn so với nhóm trẻ có bố mẹ không di cư… (2) đời sống tâm lý của trẻ: Cha mẹ đi làm ăn xa cũng khiến việc thực hiện chức năng

hàng ngày của trẻ như ăn uống, vệ sinh, an toàn bị đe dọa… người mẹ đi làm ăn xa thì trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề hơn so với bố đi làm ăn xa” [21]. Những phát hiện của tác giả đã góp phần để chúng tôi xác định, tiến hành các hoạt động can thiệp CTXH với các em HS sống xa cha mẹ, trong đó cần tập trung đến hai khía cạnh chính là học tập và đời sống của các em.

Luận văn “thích ứng tâm lý của trẻ em có cha mẹ đi làm xa nhà” của tác giả Lê Văn Thịnh đã điểm lượt một số nghiên cứu về “trẻ em bị bỏ lại” ở một số nơi trên thế giới. Trong đó, tác giả dẫn luận nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa di cư lao động của cha mẹ và kết quả học tập của con cái họ, thường là thấp hơn so với trẻ sống cùng cha mẹ, đồng thời cho thấy mức độ khiêm tốn về số lượng của các nghiên cứu về “trẻ em bị bỏ lại” trong bối cảnh Việt Nam, đa phần các nghiên cứu nhắm đến bản thân của người xuất cư và những khó khăn trong đời sống của họ [29]. Có thể thấy, tác giả ngụ ý rằng các nghiên cứu về trẻ em bị bỏ lại ở nước ta cần được quan tâm hơn, nhất là vấn đề học tập và đời sống bởi hoạt động chủ đạo của các em ở giai đoạn này là học tập.

Nghiên cứu về “Tác động của ngành may mặc và giày dép đến Trẻ em Việt Nam” của UNICEF (2015) cho biết: 80% lực lượng lao động may mặc là người nhập cư, trong đó 15%-20% gửi con sống cùng người thân, thường là ông bà, vì thế sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái cũng bị ảnh hưởng. Các em thường dễ bị bệnh, dễ bị tác động bởi những tiêu cực về tâm lý và tình cảm, dễ giảm sút năng lực học tập và dễ bị phân biệt đối xử, xao nhãng, xâm hại và bóc lộc. Trong khi đó, những người sống cùng với trẻ cũng thường không được trang bị tốt kỹ năng nuôi dạy trẻ [38]. Như vậy, hai ngành trên cũng đã góp phần làm gia tăng “trẻ em bị bỏ lại” mà theo như một số nghiên cứu thì những em này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các em ở cùng cha mẹ. Do vậy, việc nghiên cứu, tổ chức sinh hoạt bằng kỹ năng CTXH nhóm đối với các em này là phù hợp và rất cần thiết.

Ở một nghiên cứu khác về “Các ứng phó của trẻ vị thành niên với hoàn cảnh khó khăn”, tác giả đã cho biết: “các em ưu tiên số một cho bạn bè, kế đến là

cha mẹ, sau đó mới đến những nhóm khác” và đồng thời “do có nhiều bạn bè nên các em dành nhiều thời gian giao tiếp nên việc học tập ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và thậm chí sao nhãng”. Một số trường hợp khác, các em có thể lơ là, mất hứng thú, dần dần chán học và thậm chí là bỏ học [13]. Như vậy, về cơ bản nhóm trẻ vị thành niên thường có nhiều khó khăn nhất là trong việc học. Đối với các em HS sống xa cha mẹ trong nghiên cứu này, các em đang bước vào tuổi vị thành niên nên rất dễ rơi vào những khó khăn như trên, từ đó rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.

Tựu trung lại, di cư lao động đang trở thành một xu thế không riêng ở nước ta mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề di cư lao động, học sinh bỏ học đã được nhiều tác giả nghiên cứu, nhưng chủ yếu dừng lại ở mức độ đóng góp về mặt lý luận và thiếu các hoạt động can thiệp mang tính CTXH, đồng thời các nghiên cứu về “trẻ em bị bỏ lại” còn rất ít. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ mang tính CTXH với HS sống xa cha mẹ tại trường THCS Bình Tấn chưa theo tiến trình cụ thể và hiệu quả cũng còn một số hạn chế nhất định. Do vậy, với đề tài này, chúng tôi hướng đến nghiên cứu lý luận và thực tiễn về CTXH nhóm với HS sống xa cha mẹ, trên cơ sở đó ứng dụng tiến trình CTXH nhóm nhằm giúp nhóm đối tượng này có thêm kiến thức, kỹ năng để giải quyết những khó khăn trong học tập và đời sống, đồng thời đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động CTXH nhóm với HS sống xa cha mẹ.


Công tác xã hội nhóm với học sinh sống xa cha mẹ tại trường Trung học cơ sở Bình Tấn, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp - 4

1.2. Lý thuyết ứng dụng trong can thiệp


Theo Hiệp hội Nhân viên CTXH Mỹ, CTXH là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm, cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó [15]. Như vậy có thể thấy, lĩnh vực hoạt động và đối tượng trợ giúp của CTXH rất đa dạng, vì thế việc sử dụng, lồng ghép kiến thức đa ngành vào giải quyết vấn đề của thân chủ (theo nghĩa rộng) là điều cần thiết. Trong giới hạn đề tài này, tác giả vận dụng lý thuyết hệ thống, lý thuyết can thiệp khủng hoảng để tiếp cận, giải quyết vấn đề nghiên cứu một cách xuyên suốt.

1.2.1. Lý thuyết hệ thống

Lý thuyết này được khởi xướng bởi Ludving Von Bertanffy từ những năm 1930-1940 và được nghiên cứu, phát triển sau đó. Theo đó Talcott Hanson cho rằng các hệ thống xã hội là các hệ thống mở với các quá trình trao đổi phức tạp với các hệ thống môi trường xung quanh và được phân hóa cấu trúc thành nhiều tiểu hệ thống mà mỗi tiểu hệ thống đó là một hệ thống mở thực hiện chức năng nhất định trong quá trình liên tục trao đổi với các tiểu hệ thống xung quanh của một hệ thống lớn hơn. Do các yêu cầu chức năng nhất định mà hệ thống bị phân hóa cấu trúc thành các tiểu hệ thống hay các thành phần của hệ thống mà mỗi thành phần thực hiện một chức năng nhất định và mỗi thành phần đó có mối quan hệ nhất định với các thành phần khác [12].

Từ quan điểm trên, trong nghiên cứu này, lý thuyết hệ thống được vận dụng để hiểu: hoạt động CTXH nhóm với HS sống xa cha mẹ như là một hệ thống mà muốn thực hiện tốt vai trò thì cần có sự tương tác với các hệ thống khác như gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, các em đều tồn tại trong một vài hệ thống chính thức như: trường học, bệnh viện, các tổ chức hội, đoàn…và không chính thức như nhóm bạn bè, hàng xóm... Mỗi hệ thống đều có những chức năng nhất định, khi tác động theo hướng tích cực thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các em phát triển và ngược lại thì sẽ gây ra những hạn chế, trong trường hợp này các em có thể gặp nhiều khó khăn, lâu ngày có thể dẫn đến chán học, bỏ học, tham gia tệ nạn xã hội. Do vậy, các em HS sống xa cha mẹ trong nghiên cứu này được xem xét như hệ thống thân chủ đặt trong mối quan tâm như: các em đang tham gia hoặc chưa được tiếp cận hệ thống nào? Tương quan hệ giữa các hệ thống ra sao, có chồng lấn hay xung đột không? Hệ thống nào cần thiết nhưng trẻ đang bị thiếu hụt và nguyên nhân nào gây ra sự thiếu hụt đó? Đặc biệt hơn, mối tương quan giữa hệ thống thân chủ và các hoạt động CTXH với nhóm HS sống xa cha mẹ tại trường THCS Bình Tấn sẽ được làm rõ trong suốt quá trình nghiên cứu, đồng thời cũng nhắm đến việc tìm kiếm những giải pháp mang tính CTXH nhằm gia tăng mối quan hệ giữa hai hệ thống trên để giải quyết những khó khăn trong học tập và đời sống của các em.

1.2.2. Lý thuyết Can thiệp khủng hoảng

Tiêu biểu cho lý thuyết này là Naomi Golan với tác phẩm nổi tiếng “Treatment Crisis in Situations” xuất bản 1978. Theo đó tác giả cho rằng bất kì một cá nhân, nhóm hay tổ chức nào cũng có những khủng hoảng nhất định nảy sinh từ những giai đoạn, sự kiện mang tính bước ngoặt trong quá trình tồn tại. Các sự kiện này tác động tới sự cân bằng của mỗi cá nhân, nhóm, tổ chức và gây ra trạng thái thương tổn, được thể hiện bằng sự căng thẳng và áp lực của họ phải gánh chịu. Đồng thời, nhiệm vụ của NVXH là giúp thân chủ tìm ra giải pháp để giải quyết hiệu quả khủng hoảng trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần [24]. Lý thuyết trên vô cùng hữu ích trong việc ứng dụng để can thiệp đối với nhóm HS sống xa cha mẹ nếu như các em gặp các khủng hoảng như: khủng hoảng tuổi dậy thì, khủng hoảng trong học tập hoặc khủng hoảng trong thời gian đầu do phải việc sống xa cha mẹ....

Theo sách Công tác xã hội đại cương do Lê Hải Thanh chủ biên: “Khủng hoảng là một tình trạng nguy khốn xảy ra, thường vượt quá khả năng đối phó của nạn nhân. Nếu không được giúp đỡ, khủng hoảng có thể gây ra những hậu quả trầm trọng vệ tâm lý, tư tưởng, khả năng ứng xử và cuộc sống của con người”. Đồng thời khủng hoảng xảy ra không quá sáu đến tám tuần, sau thời gian này các hậu quả tiêu cực của nó giảm dần. Tùy theo cường độ lúc xảy ra, khủng hoảng có thể để lại những di chứng lâu dài (có khi suốt đời) cho nạn nhân. Để can thiệp hiệu quả, nhân viên xã hội cần thu thập thông tin từ thân chủ và những người khác để hiểu rõ khủng hoảng thân chủ đang gặp phải và để giúp thân chủ vận động tài nguyên nhanh chóng [27].

Trên cơ sở lý thuyết này, với vai trò là người nghiên cứu cũng như thực hiện CTXH nhóm với HS sống xa cha mẹ, tác giả sẽ giúp các em có cái nhìn thấu đáo về những khó khăn mà các em đang gặp, đồng thời vận dụng những kiến thức, kỹ năng CTXH nhằm giúp các em tăng cường năng lực để vượt qua một số khó khăn hiện tại và có thể đối phó những khủng hoảng trong tương lai.

1.3. Những khái niệm làm cơ sở lý luận cho đề tài nghiên cứu

Trong bối cảnh Công tác xã hội còn là một ngành khá trẻ ở Việt Nam, các nghiên cứu của những tác giả đi trước đã đóng góp đáng kể vào hệ thống lý luận của ngành CTXH. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, nhiều vấn đề mới luôn được nảy sinh và một số khái niệm nhiều lúc vẫn còn đan xen trong từng cách tiếp cận. Do vậy, trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày một số khái niệm có liên quan để làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu, đồng thời góp phần bổ sung vào hệ thống lý luận của ngành CTXH trong bối cảnh hiện nay.

1.3.1. Các khái niệm liên quan đến Trẻ em

- Trẻ em: mặc dù khái niệm trẻ em đã trở nên rất quen thuộc, tuy nhiên chúng tôi cũng xin được trình bày lại khái niệm này dựa trên một số văn bản Luật của Việt Nam và Công ước Quốc Tế về quyền trẻ em như sau:

+ Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em nêu rõ: trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó qui định tuổi thành niên sớm hơn.

+ Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “trẻ em là người dưới 16 tuổi” (điều 1), trẻ có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện (điều 16) và quyền được sống chung với cha, mẹ (điều 22).

+ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nêu rõ: cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ; khi gặp khó khăn không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ (điều 24). Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ theo học cao hơn (điều 28).

- Học sinh: theo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2014, giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn cơ bản gồm cấp tiểu học, THCS và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp THPT. Cấp THCS được thực hiện trong bốn năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín, tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi và được tính theo năm (điều 27). Điều 78 của luật này quy định “người học” là người đang học tập tại cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: a) Trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non; b) Học sinh của cơ sở giáo dục phổ

thông, lớp đào tạo nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường dự bị đại học. Do vậy, khái niệm học sinh được dùng để chỉ những người học ở các cấp học phổ thông hoặc các trường trung cấp, trong khi khái niệm trẻ em có nội hàm rộng hơn, bao gồm trẻ dưới 18 tuổi (luật quốc tế) và dưới 16 tuổi (luật Việt Nam), điều này bao gồm trẻ dưới 6 tuổi và trẻ em ngoài nhà trường.

- Trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa: theo tác giả Lê Văn Thịnh (2016), khái niệm này được một số tác giả dùng để chỉ những em có độ tuổi dưới 18, có bố hoặc mẹ (hoặc cả hai) đi làm ăn xa ở thành phố hoặc sang hẳn 1 nước/vùng lãnh thổ khác với thời gian từ 6 tháng trở lên [29]. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Văn Lượt (2016), sử dụng khái niệm Trẻ em bị bỏ lại (left-behind children) là thuật ngữ do các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX) cũng để nói về nhóm trẻ này [21].

- Bố mẹ đi làm ăn xa: đồng tình với một số tác giả đi trước, Lê Văn Thịnh (2016) cũng dùng khái niệm này để chỉ những ông bố, bà mẹ phải rời quê hương, nơi đang cư trú thường xuyên để đi làm việc ở 1 tỉnh, thành phố khác hoặc sang hẳn một nước, có thời gian đi làm ăn xa từ 6 tháng trở lên.

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng khái niệm cha mẹ đi làm ăn xa để chỉ những cha mẹ của các em học sinh trường THCS Bình Tấn, đang sống ở nơi khác (ít nhất là khác huyện) từ 6 tháng trở lên. Đồng thời, để thuận tiện cho việc trình bày, đôi khi khái niệm cha mẹ đi làm ăn xa nhà cũng được thay thế bằng “cha mẹ di cư” với ý nghĩa tương tự.

Bên cạnh đó, mặc dù có một vài điểm khác biệt về nội hàm giữa hai khái niệm “trẻ em” và “học sinh” nhưng chúng tôi sử dụng hai khái niệm này với ý nghĩa như nhau bởi lẽ độ tuổi của học sinh trong nghiên cứu này là từ 11 đến dưới 16 tuổi, nghĩa là các em này cũng đang còn trong độ tuổi trẻ em và vấn đề đang được đề cập của các trẻ em này đang nằm trong mối tương quan với hoạt động học tập. Tương tự như vậy, khái niệm “trẻ sống xa cha mẹ” hoặc “trẻ em bị bỏ lại” cũng có thể được thay thế bằng “học sinh sống xa cha mẹ” hoặc “học sinh bị bỏ lại” để nhằm đề cập đến các em học sinh đang học tại trường THCS Bình Tấn có cha mẹ đi làm ăn xa nhà từ 6 tháng trở lên.

1.3.2. Khái niệm Công tác xã hội

Công tác xã hội mặc dù mới phát triển ở nước ta trong giai đoạn gần đây, tuy nhiên đã phát triển rất sớm ở một số nước trên thế giới, theo nhóm tác giả của quyển sách Công tác xã hội đại cương thì:“Ra đời từ các xã hội công nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ vào nửa cuối thế kỷ 19 và phát triển với tốc độ rất nhanh trong thế kỷ 20, CTXH ngày nay tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Công tác xã hội vừa là một khoa học, vừa là một nghề nghiệp chuyên môn của thế giới hiện đại” [27]. Cũng theo nhóm tác giả, tại Hội nghị Liên đoàn quốc tế nhân viên CTXH, các chuyên gia đưa ra định nghĩa: Công tác xã hộị chuyên nghiệp là thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong các mới quan hệ con người và sự tăng quyền lực và giải phóng người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp ở các điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng là các nguyên tắc căn bản của nghề nghiệp công tác xã hội”.

Theo định nghĩa quốc tế về CTXH được chấp thuận bởi 82 quốc gia thành viên của Hiệp hội CTXH quốc tế “Công tác xã hội có vai trò thúc đẩy trong xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người và trao quyền, giải phóng của con người để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Bằng việc sử dụng các lý thuyết về hành vi con người và môi trường xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những điểm mà con người tương tác với môi trường của họ. Nguyên tắc nhân quyền và công bằng xã hội là nền tảng của công tác xã hội” Đến năm 2006, Bộ LĐ TB- XH cùng đại diện các trường đại học liên quan và UNICEF Việt Nam đã đưa ra định nghĩa mới phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, có thể được hiểu “Công tác xã hội là một lĩnh vực thực hành phát triển cao dựa trên những nguyên tắc và phương pháp đặc biệt với mục đích hỗ trợ cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc xử lý các vấn đề xã hội – từ đó, công tác xã hội có nhiệm vụ hoạt động vì hạnh phúc của con người và nâng cao phúc lợi xã hội” [9].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/03/2023