Sự phát triển của khoa học công nghệ, sức sản xuất và tiến bộ xã hội. Khi khoa học công nghệ phát triển với sự ứng dụng nó càng phổ biến và hiệu quả, tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra các dịch vụ hàng hóa có giá trị sử dụng chất lượng cao, phong phú, đa dạng; nâng cao năng suất, giảm giá thành, lợi thế trong cạnh tranh.
Cung du lịch phụ thuộc cầu du lịch (cầu có khả năng thanh toán), các kỳ vọng, số lượng doanh nghiệp, mức độ tập trung hàng hóa tham gia thị trường được kết nối theo chiều tỷ lệ thuận. Tập trung hóa theo chiều ngang khi các doanh nghiệp cùng một lĩnh vực kết hợp với nhau (giữa các hãng lữ hành, các khách sạn, hoặc các cơ sở vận chuyển du lịch). Tập trung hóa theo chiều dọc khi các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau kết hợp trên để phục vụ du khách trọn gói. Tập trung hóa càng cao thì các doanh nghiệp càng bổ sung thế mạnh, càng mở rộng lượng cung trên thị trường.
Chính sách khuyến khích phát triển du lịch của mỗi quốc gia, vùng, miền như: chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, chính sách ưu đãi vốn tín dụng, chính sách thuế, chính sách giá cả, nghiên cứu khoa học công nghệ, chính sách khai thác bảo vệ môi trường, tôn tạo tài nguyên du lịch, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chính sách cải cách hành chính, cải tiến thủ tục đầu tư; các yếu bất thường như xung đột chính trị, an ninh trật tự, thời tiết, thiên tai đều tác động đến cung cầu du lịch.
1.1.2. Vai trò của du lịch
Du lịch là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao nhất, vì trong hoạt động, nó được coi là một ngành “công nghiệp không khói, ngành “xuất khẩu tại chỗ”. Những hàng hóa tiêu dùng: hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, nông lâm thủy sản v.v… thường có giá bán lẻ cao ở điểm du lịch, không như giá bán buôn và chịu hàng rào thuế quan qua con đường xuất khẩu.
Các hàng hóa du lịch như cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống… không mất đi, mà giá trị của nó còn tăng lên qua mỗi lần đến với khách, khi chất lượng phục vụ được thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của du khách.
Những hàng hóa và dịch vụ thông qua du lịch với hai hình thức “xuất khẩu” cho thấy, nó đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nhờ tiết kiệm được các chi phí bao bì, đóng gói, bảo quản, thuế xuất nhập khẩu, thu hồi vốn nhanh.
Du lịch nội địa phát triển (đồ lưu niệm, thực phẩm chế biến, các cơ sở vật chất được xây dựng v.v… làm tăng thêm tổng sản phẩm quốc nội, thu nhập quốc dân và phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng thêm hợp lý. Du lịch nội địa còn tăng cường bồi bổ sức khỏe cho người lao động, qua đó tăng năng suất lao động, giúp cho việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch quốc tế được hiệu quả hơn, vì trước và sau thời vụ du lịch, khách quốc tế vắng, có thể sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật ấy vào phục vụ khách du lịch nội địa với giá cả thích hợp với thu nhập của người lao động. Phương thức đó, vừa thúc đẩy du lịch nội địa phát triển, vừa phát huy được cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, vốn quay được nhiều vòng.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre - 1
- Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre - 2
- Năng Lực Cạnh Tranh Về Du Lịch Trên 130 Nước Năm 2008
- Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre - 5
- Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Trong Những Năm Qua
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
Du lịch địa phương phát triển, góp phần tăng thu ngân sách qua các khoản trích nộp ngân sách, các khoản thuế từ các cơ sở du lịch hoạt động trên địa bàn thuộc quyền quản lý trực tiếp của địa phương. Du lịch tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật, huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư, tái sản xuất sức lao động, nâng cao những giá trị văn hóa truyền thống, văn minh nhân loại, đất nước và con người mỗi vùng, miền.
Phát triển du lịch, công ăn việc làm, thu nhập người dân từng bước được giải quyết và nâng lên. Tổng số lao động trong các hoạt động liên quan đến du lịch chiếm 10,7% tổng số lao động toàn cầu. Cứ 2,5 giây du lịch tạo ra được một việc làm mới. Một buồng khách sạn từ 1 đến 3 sao trên thế giới hiện nay thu hút khoảng 1,3 lao động trong các dịch vụ chính và khoảng 5 lao
động trong các dịch vụ bổ sung. Số lao động cần thiết trong dịch vụ bổ sung có thể tăng lên nhiều lần, nếu các dịch vụ này được nâng cao về chất lượng và phong phú về chủng loại.
Du lịch góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và ngược lại. Cơ sở của vai trò này là tính tổng thể về sản phẩm phục vụ du khách có sự hỗ trợ liên ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Thông qua các cơ sở du lịch, một số lượng lớn sản phẩm của các ngành (nông nghiệp, công nghiệp, thủ công, mỹ nghệ, các nghề truyền thống, giao thông vận tải, tài chính, tín dụng, bưu điện, hải quan…) phát triển. Sự phát triển du lịch tạo ra các cơ hội, điều kiện để khách du lịch tìm hiểu thị trường một cách tinh tế, các hợp đồng về sản xuất kinh doanh được ký kết, phát huy nguồn lực từ các ngành. Đây là hệ quả tất yếu của phát triển kinh doanh du lịch; du lịch trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển với lượng sản phẩm phục vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú và tinh tế.
Du lịch làm giảm quá trình đô thị hóa ở các nước kinh tế phát triển qua việc phát triển đồng bộ hệ sinh thái; mặt khác, cũng làm tăng quá trình đô thị hóa ở một số nước, vùng kém phát triển qua đầu tư phát triển nhiều mặt về kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, dịch vụ văn hóa, y tế, xã hội v.v… làm thay đổi khá toàn diện và đồng bộ bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước, mỗi vùng, miền, giảm sự tập trung dân cư quá mức ở các đô thị.
Du lịch làm tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị, mối quan hệ hiểu biết chung về văn hóa, xã hội (phong cách sống, thẩm mỹ, ngoại ngữ v.v…) giữa nhân dân các vùng và các quốc gia, góp phần giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hóa lịch sử mỗi vùng.
Nhận thức tổng hợp về vai trò đa dạng của du lịch, các nhà nghiên cứu kinh tế khẳng định: “Du lịch đóng vai trò thúc đẩy. Đó là một công nghiệp mẹ, một công nghiệp then chốt. Sự phát triển du lịch không phải là một nhân
tố riêng lẻ về sự thịnh vượng của đất nước, nó tác động đến tất cả các ngành hoạt động của quốc gia mà nó gia tăng hiệu suất” [31, tr.6 ].
Nhiều Chính phủ đã coi phát triển du lịch là một quốc sách. Singapo đã lấy du lịch làm bàn đạp để thực hiện công nghiệp hóa, phát triển nền kinh tế.
Nhà nước Việt Nam đã xác định “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” [29, tr.1].
Để đạt được vai trò to lớn đó trong xu thế hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển lâu dài, cần chú trọng phát triển du lịch bền vững.
“Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai” [30, tr.3].
Phát triển du lịch bền vững được coi là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai, cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.
Phát triển du lịch bền vững dựa vào ba trụ cột cơ bản:
- Thứ nhất, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững: Đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển ổn định lâu dài về kinh tế của các doanh nghiệp và của ngành du lịch, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của quốc gia và cộng đồng;
- Thứ hai, đảm bảo sự bền vững về tài nguyên và môi trường. Thể hiện ở việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và điều kiện môi trường. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh doanh du lịch cần được quản lý sao cho không chỉ nhu cầu phát triển trong hiện tại mà còn
đảm bảo cho nhu cầu phát triển qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, các tác động của hoạt động kinh doanh du lịch đến môi trường sẽ được hạn chế với những đóng góp cho các nỗ lực tôn tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường.
- Thứ ba, đảm bảo sự bền vững về văn hóa - xã hội. Theo đó sự phát triển hoạt động kinh doanh du lịch phải có những đóng góp cụ thể cho phát triển xã hội, đảm bảo sự công bằng trong phát triển.
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Một số xu hướng phát triển du lịch thế giới
* Nhóm xu hướng phát triển của cầu du lịch
- Xu hướng 1:
Du lịch ngày càng được khẳng định là một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến, vì thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu và khả năng du lịch tăng lên cùng với các phương tiện giao thông hiện đại, tình hình chính trị - xã hội ổn định, các quốc gia mở rộng quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Sự tiến bộ này, du khách có nhiều thời gian dành cho tham quan, nghỉ dưỡng, bồi dưỡng sinh lực.
- Xu hướng 2:
Sự thay đổi về hướng và về phân bố của luồng khách du lịch quốc tế. Từ năm 1975 trở lại đây, ngoài những nơi đã quen biết (châu Âu, biển
Địa Trung Hải…), nguồn khách du lịch nay lại phân tỏa đến những nước mới
phát triển du lịch ở Châu Á - Thái Bình Dương, v.v… trong đó, các nước Đông Nam Á có vị trí quan trọng (chiếm khoảng 34% lượng khách và 38% thu nhập du lịch của toàn khu vực), xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu và phát hiện những vấn đề mới mẻ ở vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên này.
- Xu hướng 3:
Sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu, hình thức tổ chức chuyến đi của du khách và sự gia tăng các điểm đến du lịch trong một chuyến đi du lịch.
Trước đây, tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch dành cho các dịch vụ cơ bản (ăn, ở, vận chuyển) chiếm phần lớn nhưng đến nay tỷ trọng chi tiêu của khách cho các dịch vụ bổ sung (mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, giải trí) tăng lên.
Khách du lịch không mua chương trình du lịch trọn gói như trước mà nay chỉ sử dụng một phần dịch vụ của các tổ chức kinh doanh du lịch, nhất là khách châu Âu. Vì phương thức này, khách được tự do thoải mái trong chuyến đi, không phụ thuộc vào người khác như vấn đề: ăn, ngũ, thời gian lưu lại điểm du lịch dài hay ngắn tùy thích, lại còn tiết kiệm trong chuyến đi do không phải trả các phí dịch vụ khác cho các tổ chức lữ hành. Khách du lịch có xu hướng thích đi nhiều nước, thăm nhiều điểm du lịch trong chuyến đi du lịch của mình.
Các quốc gia phát triển du lịch, các nhà kinh doanh du lịch cần nghiên cứu nhu cầu của du khách, các điều kiện về tài nguyên, các điều kiện sẵn sàng phục vụ khách hiện có và tiềm ẩn để kết hợp xây dựng các tuyến du lịch phù hợp, hấp dẫn để thu hút khách.
* Nhóm xu hướng phát triển của cung du lịch
- Xu hướng 1:
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch gắn liền với tăng cường hoạt động truyền thông.
Xuất phát từ yêu cầu cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch nên các quốc gia phát triển du lịch (các doanh nghiệp du lịch) đưa ra chính sách đa dạng hóa sản phẩm với việc các tổ chức lữ hành lớn trên thế giới phát triển các loại hình bán chương trình du lịch đến tận nhà qua mạng internet và xu hướng các doanh nghiệp du lịch kết hợp tổ chức đón khách từ nước thứ ba ngày càng tăng. Nhìn chung, khách du lịch trên thế giới vẫn có thói quen đến nhiều những nơi được nghe và xem hoạt động truyền
thông. Vai trò của hoạt động tuyên truyền, quảng cáo trong du lịch quốc tế càng được nâng cao cả ở tầm vĩ mô và vi mô.
- Xu hướng 2:
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa du lịch. Nhiều nước coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có chiến lược đưa du lịch thành ngành công nghiệp hàng đầu hoặc thứ hai, thứ ba trong nền kinh tế quốc dân. Ở những nước du lịch phát triển đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như điện tử, tin học, vô tuyến viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học v.v… để phát triển công nghiệp lữ hành, công nghiệp khách sạn, công nghiệp vận chuyển khách du lịch. Đội ngũ lao động của các tổ chức kinh doanh được đào tạo cơ bản, có kiến thức, hiểu biết rộng, chuyên môn vững vàng và ngoại ngữ thông thạo. Trang thiết bị, phương tiện ở các khâu tác nghiệp rất hiện đại. Công nghệ phục vụ từng lĩnh vực ngày càng được cải tiến và nâng cao, đi sâu vào chuyên môn hóa ngành nghề. Mặt khác, các tuyến du lịch của các nước được gắn kết với nhau đáp ứng nhu cầu đi du lịch nhiều nước trong một chuyến hành trình. Sản phẩm và dịch vụ du lịch đã được quốc tế hóa cao nhưng các nước vẫn chú ý giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.
Nhiều nước đã tận dụng tiềm năng và lợi thế của mình để phát triển du lịch, tăng nguồn thu ngoại tệ, tạo nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dòng du khách đang hướng tới những khu vực có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển như khu vực Đông Á, Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đến 2010, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ vượt châu Mỹ, trở thành khu vực thứ 2 sau châu Âu và đón khách du lịch quốc tế với 22,08% thị phần và đến năm 2020 là 27,34%.
Bốn nước có ngành du lịch phát triển nhất là Thái Lan, Singapore, Malaixia và Inđônexia. Việt Nam và Philipin là 2 nước thu hút lượng khách du lịch quốc tế cao nhất trong 6 nước Đông Nam Á còn lại.
Theo dự báo của WTO, lượng khách quốc tế đến khu vực Đông Nam Á vào năm 2010 là 125 triệu.
1.2.2. Du lịch Việt Nam và kinh nghiệm du lịch ở một số tỉnh, thành của Việt Nam
1.2.2.1. Du lịch Việt Nam
Việt Nam có những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, kinh tế - xã hội. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa vừa thông rộng với đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.
Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động, và là điểm du lịch còn mới trên bản đồ du lịch thế giới với tiềm năng tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú về cảnh quan, các hệ sinh thái biển - đảo, sông hồ, rừng, hang động và hơn 4000 di tích, trong đó có quần thể di tích triều Nguyễn ở cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhiều nghề thủ công truyền thống, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông, tạo cho du lịch Việt Nam có nhiều điều kiện khai thác thế mạnh về du lịch văn hóa - lịch sử.
Tài nguyên du lịch Việt Nam phân bố tương đối đều trong toàn quốc, vừa tập trung thành từng cụm gần các đô thị lớn, các trục giao thông quan trọng thuận tiện cho việc tổ chức khai thác, hình thành các tuyến du lịch bổ sung giữa các vùng.