Hàm Ý Quản Trị Đối Với Doanh Nghiệp Kinh Doanh Du Lịch


Thứ năm, ưu tiên đầu tư nguồn lực nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng phát triển bền vững, chú trọng mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống giao thông và chất lượng đường sá.

Thứ sáu, để tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách, mỗi người dân là một cầu nối giúp gắn kết các giá trị văn hoá và nét đẹp địa phương đến với giá trị cảm nhận của du khách; giúp họ cảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách và sự chào đón mỗi khi đến với Đà Nẵng.

5.2.2 Hàm ý quản trị đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch

Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, hình ảnh điểm đến ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của khách du lịch. Đây là một yếu tố mà các doanh nghiệp cần có mối quan tâm hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện này, khi mà các điểm đến du lịch chưa có nét đặc trưng riêng và thường mang tính đồng nhất giữa các điểm đến. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chú trọng tạo điểm nhấn nổi bật về hình ảnh điểm đến mang thương hiệu địa phương nhằm thu hút và tạo sự hài lòng cho du khách. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần xác định được khách hàng mục tiêu của mình, điều tra thị trường và xu hướng tiêu dùng của du khách là việc vô cùng cần thiết để xây dựng chiến lược sản phẩm nhằm tạo sự khác biệt và định vị hình ảnh điểm đến trong tâm trí du khách.

Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, định hướng hoạt động theo hướng bền vững, lâu dài; gắn liền lợi ích doanh nghiệp với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Tránh tình trạng vì lợi nhuận mà bất chấp quy định chèo kéo, chặt chém, ép giá, phân biệt du khách, tạo những ấn tượng không tốt cho du khách; điều này không những ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp mà còn vô hình chung khiến cho khách du lịch có những nhìn nhận không tích cực về địa phương.

Thứ ba, để thu hút và tạo ấn tượng đối với khách du lịch, các doanh nghiệp cần quan tâm và có những giải pháp để cải thiện và nâng cao các tiện nghi du lịch như đa


dạng hoá các sản phẩm lưu niệm, đây là một trong những cách để thu hút và quảng bá hình ảnh địa phương không những đến những du khách đang tham quan, du lịch mà cả những du khách chưa từng đến với địa phương; thêm vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh các hoạt động vui chơi, giải trí phải thường xuyên cập nhật xu hướng thị trường và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng nhằm nâng cao khả năng phục vụ và sức hấp dẫn đối với du khách.

Thứ tư, Đà Nẵng là thành phố được thiên nhiên ưu đãi với địa hình tự nhiên đa dạng, phong phú, đây là một trong những thế mạnh của địa phương để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cần phải tập trung phát triển những sản phẩm mang tính độc đáo, tạo ấn tượng riêng biệt mang tính địa phương như đa dạng hoá sản phẩm du lịch tận dụng ưu thế thiên nhiên, văn hoá – lịch sử. Cụ thể, với điểm đến du lịch Đà Nẵng, cần chú trọng phát triển các sản phầm du lịch như: du lịch kết hợp biển, đảo, đồi núi (bãi tắm Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà, cù lao Chàm, Bà Bà Hill,…; du lịch văn hoá kết hợp du lịch tâm linh (như đỉnh Bàn Cờ, chùa Linh Ứng, làng chài Bích Hoạ, làng cổ Phong Nam,…), hay du lịch trải nghiệm chinh phục đèo Hải Vân, chinh phục đỉnh Bạch Mã.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Thêm vào đó, ngoài việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên du lịch, các doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh của địa phương. Để hoạt động này trở nên thiết thực và mang tính cộng đồng, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành có thể thiết kế các tour di lịch kết hợp với hoạt động bảo vệ môi trường như: ngắm san hô kết hợp với làm sạch các rặng san hô, hoạt động trồng cây xanh và đặt tên cho mỗi cây xanh bằng chính tên du khách đã trồng nó,…

Thứ năm, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, đây là những đối tượng trực tiếp phục vụ du khách những nhu cầu thiết yếu, cơ bản (chổ ở, ăn uống, nghỉ ngơi). Để gia tăng sự hài lòng của khách du lịch thì không chỉ chú trọng đến chất lượng các điểm vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch mà phải quan tâm đến những

Ảnh hưởng của yếu tố hình ảnh điểm đến tới sự hài lòng của khách du lịch nội địa tại thành phố Đà Nẵng - 12


nhu cầu thiết yếu của du khách. Những doanh nghiệp dịch vụ trong lĩnh vực này nên chú trọng đến việc tạo cảm giác thoả mái, thân thiện cho du khách bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng xử văn minh, thân thiện và chuyên nghiệp. Đặc biệt, khi khách du lịch đến tham quan một địa điểm nào đều muốn thưởng thức các đặc sản địa phương; do đó, các nhà hàng khách sạn cần chú trọng bổ sung các món ăn mang tính địa phương vào thực đơn của mình. Điều này không những tác động tích cực đến cảm nhận của khách hàng mà còn là một phương thức quảng bá ẩm thực địa phương đến du khách vô cùng hiệu quả.

Thứ sáu, ngày nay Internet ngày càng phát triển, các trang mạng xã hội, các diễn đàn ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia không chỉ giới trẻ. Chính vì vậy, đây là một kênh truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp cực kỳ hữu hiệu. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng Website thân thiện, chuyên nghiệp và thu hút sự quan tâm của du khách; thường xuyên và kịp thời cập nhật các thông tin liên quan đến các hoạt động du lịch, văn hoá, giải trí và nên thường xuyên có các hoạt động tương tác với khách hàng và người dùng Internet để quảng bá, truyền thông hình ảnh doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần quan tâm đến việc phát triển thương mại điện tử, liên kết với các đối tác, bên thứ ba chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến cho khách du lịch có nhu tìm kiếm thông tin du lịch và thậm chí mua sắm và thanh toán các gói du lịch từ vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đến các dịch vụ đặt tour du lịch, thuê hướng dẫn viên,….

5.2.3 Hàm ý quản trị đối với chính quyền địa phương

Thứ nhất, đầu tư bảo tồn các di sản, di tích lịch sử; khôi phục và phát triển các lễ hội, các làng nghề truyền thống; đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên.

Thêm vào đó, đi đôi với việc khai thác các lợi thế về tài nguyên du lịch thì chính quyền địa phương cũng cần chú trọng việc bảo vệ và quản lý hiệu quả các danh lam


thắng cảnh, các công trình kiến trúc; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm góp phần xây dựng Đà Nẵng với hình ảnh thành phố trong lành, mô trường thân thiện. Và hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành: Thành phố đa sắc màu về cảnh quan, kiến trúc, thành phố của văn hoá, nghệ thuật, thành phố sự kiện và là một điểm đến năng động, hiện đại - vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá vừa hội nhập và phát triển.

Thứ hai, thực hiện kiểm soát việc phát triển theo quy hoạch dài hạn, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên: khách du lịch, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lịch sử và bảo vệ môi trường. Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng bền vững, chú trọng hệ thống thông tin liên lạc, phát triển hệ thống giao thông kết nối với các điểm đến du lịch tại các vùng lân cận của Con đường di sản miền Trung như Hội An, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình,….

Thứ ba, giám sát chất lượng, giá cả các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp tại điểm đến thông qua các hoạt động kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất nhưng vẫn đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động của khách du lịch. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp đề nghị các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phải niêm yết giá và công khai giá cho du khách để tránh tình trạng chặt chém du khách. Cần thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận những phàn nàn của du khách, việc này không chỉ giúp ích cho việc giám sát, kiểm tra hoạt động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn kịp thời giải quyết các vướng mắt của du khách, khiến họ cảm thấy yên tâm vì có sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương.

Thứ tư, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của du lịch đối với đời sống địa phương và đối với xã hội, về lợi ích và ý nghĩa của việc bảo tồn và gìn giữ các bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống bằng các chiến


dịch, phong trào cụ thể định kỳ và thường xuyên. Nhận thức của cộng đồng dân cư nơi du lịch càng được nâng cao thì sẽ càng có hành động thân thiện với khách du lịch, sẽ góp phần tạo được hình ảnh đẹp trong tâm trí du khách.

Thứ năm, chính quyền cần xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh có tình trạng chèo kéo, đeo bám, tình trạng trộm cắp, cướp giật tại các khu du lịch, nhằm bảo vệ quyền lợi của du khách, giúp họ yên tâm, thoả mái tham quan, vui chơi. Và nên có phần thưởng khuyến khích cho những ai kịp thời tố giác, trình báo các tình trạng gây phiền hà, quấy rối khách du lịch.

Thứ sáu, TP. Đà Nẵng đã triển khai dự án cung cấp dịch vụ Wifi miễn phí trên toàn thành phố cho người dân và khách du lịch từ năm 2012. Đây là một trong những tiện tích nổi trội mà không phải địa điểm du lịch nào cũng có. Tuy nhiên, theo như kết quả phỏng vấn nhiều du khách thì chất lượng đường truyền còn kém và việc truy cập internet không được nhanh chóng. Do đó, chính quyền thành phố cần xem xét để tìm ra nguyên nhân hay có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

Thứ bảy, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch nhằm điều chỉnh hành vi và chuẩn mực ứng xử là một điều hết sức cần thiết. Nội dung chính của bộ quy tắc ứng xử này quy định các việc nên làm và không nên làm trong hoạt động du lịch của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân địa phương và cả khách du lịch. Theo đó, ở mỗi vị trí, sẽ có những trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn đi kèm và phải có sự cam kết thực hiện của từ cả bốn bên.

Để xây dựng bộ quy tắc ứng xử này, chính quyền địa phương cần lấy ý kiến và khảo sát rộng rãi trong cộng đồng, nhằm tạo sự nhất trí, đồng lòng và cho người dân cũng như du khách thấy được tầm quan trọng của họ trong việc tạo lập một môi trường du lịch văn minh, lịch sự và chuyên nghiệp.


5.3 Những hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo


5.3.1 Những hạn chế của đề tài


Mặc dù nghiên cứu này đã đạt được mục tiêu đề ra là xác định các thành phần cấu thành nên hình ảnh điểm đến và đánh giá mức độ tác động của các thành phần đó đến sự hài lòng của du khách. Tuy nhiên, nghiên cứu còn một số hạn chế nhất định, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu này chỉ thực hiện đối với các khách du lịch tại điểm đến TP. Đà Nẵng, chưa có những so sánh sự khác biệt với những địa phương khác. Do đó, kết quả nghiên cứu này sẽ không thể khái quát hoá được tất cả các điểm đến du lịch trong cả nước.

Thứ hai, đối tượng tham gia điều tra khảo sát trong nghiên cứu này là khách du lịch nội địa; do đó, luận văn không tiến hành nghiên cứu khảo sát đối với khách du lịch quốc tế, cho nên phần nào đó hạn chế tính đại diện của tổng thể nghiên cứu.

Thứ ba, trong quá trình điều tra, phỏng vấn, tác giả nhận thấy một số du khách rất có trách nhiệm với việc trả lời bảng câu hỏi. Tuy nhiên, cũng có không nhỏ bộ phận du khách chưa thực sự quan tâm, vì họ đang tham quan tại các địa điểm du lịch hay tại các nhà hàng, khách sạn nên hầu như họ muốn thư giãn, nghỉ ngơi và không muốn mất nhiều thời gian với bảng câu hỏi khảo sát của tác giả. Do đó, dữ liệu thu thập được cũng không hoàn toàn phản ánh một cách chính xác.

5.3.2 Hướng nghiên cứu tiếp theo


Nghiên cứu này chỉ giới hạn cho điểm đến Đà Nẵng; do đó, hướng nghiên cứu tiếp theo là phương pháp tiếp cận này có thể sử dụng để xây dựng khái niệm về hình ảnh điểm đến cũng như tạo lập thang đo cho điểm đến khác ở Việt Nam và việc xác định các yếu tố cấu thành hình ảnh điểm đến và đo lường mức độ tác động của chúng đến sự hài lòng của du khách nên thực hiện thường xuyên vì hình ảnh điểm đến có thể thay đổi theo thời gian.


Với thực trạng lượng du khách quốc tế đến với Đà Nẵng ngày càng tăng và chiếm hơn 20% lượng du khách mỗi năm thì việc xác định hình ảnh điểm đến Đà Nẵng cũng nên được thực hiện đo lường đối với đối tượng du khách quốc tế, nhằm cải thiện tính đại diện của tổng thể nghiên cứu và tăng mức độ chính xác của nghiên cứu.

TÓM TẮT CHƯƠNG 5

Trong chương này tác giả tóm tắt kết quả nghiên cứu và đưa ra kết luận của đề tài nghiên cứu, cụ thể: Kết quả nghiên cứu cũng tương đồng với kết quả của các nghiên cứu có trước; hay nói cách khác kết quả nghiên cứu này một lần nữa khẳng định mối quan hệ giữa yếu tố hình ảnh điểm đến và sự hài lòng của khách du lịch. Tuy nhiên xét trong bối cảnh tại TP. Đà Nẵng thì thành phần cấu tạo nên yếu tố hình ảnh điểm đến sẽ có những khác biệt và mức độ tác động của các thành phần đến sự hài lòng cũng không giống nhau. Thông qua việc thảo luận, đánh giá kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị, từ đó kiến nghị một số định hướng chung và các giải pháp cụ thể cho chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh điểm đến, thu hút và gia tăng sự hài lòng của khách du lịch.

Cuối cùng, luận văn nêu ra những hạn chế của nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu Tiếng Việt


1. Đào Trung Kiên & ctg 2014, “Tác động của các thuộc tính địa phương tới sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư: Bằng chứng từ Hải Dương”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 210 (tháng 12 năm 2014), trang 43-52.

2. Đinh Công Thành, & ctg 2011, “Đánh giá mức độ hài lòng của khách du lịch nội địa với du lịch tỉnh Sóc Trăng”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, số 20a, trang 199-209.

3. Dương Quế Nhu & ctg 2013, “Tác động của hình ảnh điểm đến Việt Nam đến dự định quay trở lại của du khách quốc tế”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, số 27, trang 01-10.

4. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức, TP.HCM.

5. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang 2009, Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh, NXB Thống Kê, TP.HCM.

6. Nguyễn Xuân Thanh 2015, Tác động tới lòng trung thành của khách hàng: Trường hợp điểm đến du lịch Nghệ An, Luận án tiến sĩ, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

7. Phan Minh Đức 2016 1, Hình ảnh điểm đến, giá trị tâm lý xã hội tác động đến sự hài lòng và lòng trung thành của du khách đến Đà Lạt, Luận án tiến sĩ, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

8. Phùng Văn Thanh 2014, Nghiên cứu hình ảnh điểm đến khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Đà Nẵng.

9. Sở du lịch TP. Đà Nẵng 2017, Báo cáo kết quả hoạt động du lịch năm 2016, truy cập tại <http://www.tourism.danang.gov.vn/chi-tiet?idcat=58363&articleId=2324965>, [truy cập ngày 01/5/2017].

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 04/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí