Trong hầu hết các lễ hội Raglai đều có sử dụng mã la, nhất là trong hai lễ hội tiêu biểu: lễ hội “ăn đầu lúa” và lễ hội “bỏ mả”.
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ. Vì vậy, bộ mã la là biểu hiện của một gia đình mẫu hệ. Mỗi bộ mã la có ít nhất là 2 chiếc (mã la đôi), còn gọi là mã la mẹ - con. Đối với người Raglai ở huyện Bác Ái, mã la là nhạc cụ được xếp thành bộ từ 5,7,9 và 12 chiếc. Những bộ mã la nhiều chiếc thì có nhiều mã la mẹ: mẹ cả, mẹ hai, mẹ ba và nhiều con. Trong đó, mã la “mẹ cả” được hiểu là bà tộc trưởng đã có chồng và có con và là người có quyền thế cao nhất trong tộc họ. Các mẹ khác là em ruột của mẹ cả nhưng các con cũng phải gọi bằng mẹ. Tương ứng với một gia đình mẫu hệ truyền thống của người Raglai: bà trưởng tộc, mẹ và con gái út là những người quan trọng nhất. Vì vậy, trong bộ mã la, 3 chiếc mã la quan trọng nhất có chung tên gọi (mẫu hệ) với thứ bậc khác nhau: mã la Ina mul (mẹ lớn - bà trưởng tộc); mã la Ina Ru wơ (mẹ Ru wơ) và mã la Ana Tuluih (con gái út). Ngoài các mã la “mẹ” ra, trong bộ mã la còn có rất nhiều “con”. Đây cũng là một sự thể hiện của gia đình mẫu hệ đông con là phổ biến của người Raglai xưa kia. Ở bộ mã la Raglai, chiếc mã la “mẹ” có vai trò giữ nhịp chính để các mã la con hòa theo. Nếu là bộ mã la nhiều mẹ thì mã la “mẹ cả” sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Đối với người Raglai, mã la là một loại nhạc cụ thiêng do tổ tiên ông bà để lại vì vậy mã la luôn được để ở nơi trang trọng nhất trong nhà sàn. Mỗi lần lấy xuống để sử dụng đều phải làm lễ cúng. Hầu như làng Raglai nào ở huyện Bác Ái cũng có nhiều nghệ nhân biết đánh mã la. Do nhu cầu nghi lễ, đặc biệt trong lễ bỏ mả phải có nhiều người biết đánh mã la, vì có những lễ kéo dài đến 3 ngày đêm nên luôn phải có nghệ nhân thay thế. Luyện tập mã la cũng rất công phu. Nghệ nhân phải thuộc bài bản, phải biết kết hợp giữa tay đánh (mã la đánh bằng gan bàn tay phải khi nắm lại) và bàn tay trái phải điều tiết độ vang, các âm sắc, trường độ. Mỗi bài bản mã la đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các mã la, đòi hỏi sự truyền dạy và khổ luyện lâu dài giữa các thế hệ nghệ nhân.
Cách biểu diễn mã la của người Raglai cũng rất độc đáo. Số lượng người biểu diễn phụ thuộc vào số lượng của bộ mã la. Đa số các nghệ nhân sử dụng mã la là đàn ông, nhưng cũng có làng có những đội mã la do phụ nữ sử dụng. Hiện nay, phát triển
từ phong trào văn nghệ quần chúng, hòa cùng mã la còn có người thổi khèn bầu và đánh trống đeo và dàn múa nữ. Sau khi mã la mẹ cả lên tiếng, khởi nhịp là đến mã la mẹ ru wơ, tiếp đến theo thứ tự cho đến mã la con gái út rồi cả dàn mã la hòa quyện vào nhau theo từng làn điệu (bài). Khi tiếng mã la cất lên, các nghệ nhân bắt đầu khom lưng, hướng đầu về phía trước, ôm mã la trước bụng vừa đi ngược chiều kim đồng hồ, vừa múa, dùng phần mềm của gan bàn tay nắm lại gõ vào mặt ngoài của mã la. Đặc trưng riêng có của người diễn tấu mã la là cúi khom người, chân bước chậm rãi nhưng lắc mông nhanh hay chậm theo từng tiết nhịp. Tất cả âm sắc, trường độ, cao độ, âm bồi, âm tắc, độ vang đều do bàn tay để ở phần bụng (phần bên trong) của mã la điều khiển.
Nét độc đáo của các bài bản mã la là nội dung các câu chuyện Raglai được kể bằng nhạc không lời. Ví dụ bài mã la Chip Lugo kể về một đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau, lén lút vụng trộm đến với nhau rồi cùng chết đi, biến thành đôi chim chuông; bài mã la Kalak Toah ia (con ó đi tìm nước) là một câu chuyện cổ tích giữa con gà và con ó của dân tộc Raglai. Có những bài mã la là những tiếng kêu gọi nhau về đêm giữa hai đầu núi, giữa các palơi, có những bài mã la mang tính chất đối đáp, tâm sự giữa hai người. Giá trị âm nhạc của bộ mã la từ bao đời nay của người Raglai nằm ở chỗ luôn là tiếng lòng, thước đo tình cảm của người sử dụng. Những điều gì không nói được bằng lời, người Raglai phải dùng đến âm thanh của một loại nhạc cụ gõ bằng đồng, lúc bổng lúc trầm, lúc thủ thỉ tâm sự, lúc giận dữ, ức chế hoặc trào lên hừng hực niềm khát vọng. Có những bài mã la mang tính chất tín hiệu thông tin như báo tin trong nhà, trong làng có người chết, có giông lốc, lũ quét... Trong các nghi lễ truyền thống, nhất là trong lễ bỏ mả của người Raglai không thể thiếu mã la. Trong quá trình thực hành lễ, mã la đóng vai trò chủ đạo về thông tin hai chiều với thế giới thần linh. Sau khi các phần lễ kết thúc, mã la đảm nhận phần hội bằng các làn điệu sôi nổi, vui tươi cùng với sự chếnh choáng say của rượu cần và nhảy múa. Khi đã kết thúc cả phần lễ lẫn phần hội, bà con trong làng đã ra về, chỉ còn lại những người trong dòng tộc, mã la lại thay cho tiếng nói trao đổi giữa các thành viên, giữa các anh chị em, giữa nhà vợ và nhà chồng về việc tổ chức
lễ như vậy được chưa, hài lòng hay chưa hài lòng, những điềm lành, điềm dữ… và những điều không nói được bằng lời khác.
Khèn bầu (Sarakel): Người Raglai gọi là khèn bầu vì phải dùng quả bầu đắng để làm khèn. Đây là loại bầu núi, vỏ dày, ruột đắng không thể ăn được, ưu điểm của nó là nhỏ quả, vỏ cứng, không bị mối mọt. Hộp cộng hưởng của khèn chính là quả bầu đắng đã khoét bỏ ruột, phơi khô. Lỗ thổi ở cuống quả bầu bằng một đường cắt ngang ngay đầu cuốn. Phần thứ hai là 6 ống nứa nhỏ, đường kính khoảng 2 cm, dài ngắn khác nhau. Trên mỗi ống, ở phần nằm trong ruột quả bầu được nghệ nhân khoét dạt một một lỗ để đặt vào một lưỡi gà bằng đồng rất mỏng. 6 ống được đặt xuyên qua quả bầu thành hai hàng: hàng bốn ống và hàng hai ống. Để gắn chặt các ống vào quả bầu ở phần trên và đồng thời bịt kín hơi cho hộp cộng hưởng, nghệ nhân làm kèn dùng sáp ong trét kín xung quanh. Cách sử dụng hơi của kèn bầu vừa thổi ra vừa hút vào. Cuống trái bầu là nơi hút vào hoặc đẩy hơi ra, đều phát ra các âm, tương ứng với các ngón tay bấm vào các lỗ của từng ống. Kèn bầu là một loại nhạc cụ có bài bản, có tiết tấu, được dùng trong các lễ nghi cúng tế và phục vụ cho múa lễ có tính chất nông nghiệp và vui chơi giải trí.
Trống Sakon (còn gọi là saggơr): Trống của người Raglai nhỏ hơn trống chầu của người Kinh. Đây là một loại trống làm bằng thân cây rừng lớn cưa ra đục rỗng ruột, bên ngoài tang trống được bào nhẵn, mặt trống được làm bằng da trâu. Đai trống làm bằng dây rừng bện chặt hoặc bằng dây mây rừng quanh thành trống. Đai trống được đánh thành 4 vòng theo từng cặp, chia tang trống ra làm 3 phần bằng nhau. Trống được đánh bằng dùi gỗ bịt vải. Trống sakon thường làm nhiệm vụ giữ nhịp khi hòa tấu với mã la.
Đàn Chapi: Đàn Chapi là bộ mã la của người Raglai nghèo. Đây là một loại đàn được làm từ một lóng cây lồ ô, dài chừng 30 – 35 cm, đường kính 7 – 8 cm. Nghệ nhân Raglai thường dùng dao sắc rạch trên ống lồ ô, lẩy lên phần cật thành 12 dây theo từng cặp. Ở phần đầu đều có hai “con ngựa” để lên dây. Ở giữa ống người ta làm sáu cái phím bằng tre, chiều dài khoảng 2 cm, chiều ngang bằng chiều rộng của 2 ngón tay út (khoảng 1,2 cm). Mỗi phím đính vào hai dây. Phần ống lồ ô dưới mỗi phím người ta dùi một lỗ nhỏ thông vào hộp cộng hưởng (ống cây lồ ô). Để giữ
hai đầu dây khỏi bị tước ra, nghệ nhân làm đàn thường quấn vào hai đầu ống hai, ba đường dây mây vạt mỏng. Ở gần giữa ống, nghệ nhân dùi một hoặc hai lỗ, cắm vào đó một hoặc hai đọa tre chéo vót tròn bằng ngón tay, phần dôi ra ngoài chừng 15 cm làm tay cầm khi gảy đàn. Khi đàn, nghệ nhân để hai que chéo xuống dưới đất. Một đầu ống được bịt lại bằng thành da bụng để tiếng vang ấm và trong. Các ngón tay ôm tròn ống tre trên các phím mà gảy. Đàn chapi được chơi trong các lễ hội dân gian, nhất là trong các ngày lễ tết của đồng bào dân tộc như: lễ bỏ mả, lễ lúa mới, lễ xuống đồng, Tết Nguyên Đán,…và đàn Chapi được sử dụng phổ biến nhất là khi đêm khuya trên nhà sàn ở nương rẫy, chồng đánh đàn Chapi, vợ hát ru con ngủ và cũng là để xua thú rừng ăn hoa màu tại nương rẫy về đêm... Theo lời kể của các cụ già Raglai, đàn chapi là bộ mã la của người nghèo, vì một chiếc mã la cổ loại tốt phải đổi bằng một con trâu hoặc hai con bò, một bộ mã la hoàn chỉnh phải từ 9 đến 12 chiếc, còn chapi thì ngược lại, chỉ một ngày đi rừng tìm tre to về làm là hôm sau có thể chơi được rồi mà chẳng khác nào một bộ mã la thu nhỏ. Đàn chapi của đồng bào Raglai độc đáo ở chỗ khi nghệ nhân đàn lên ta nghe như có suối chảy róc rách, như có tiếng đàn Tơ Rưng, nghe kỹ như là đàn đá, nhắm mắt lại ta mường tượng như 8, 9 thanh niên đang chơi mã la. Cứ tết đến, mùa xuân về, bên bếp lửa hồng, người già uống rượu cần, con trai đánh đàn chapi, con gái múa sanh tiền, cùng với mã la phụ họa tạo nên một không khí hội hè vui tươi đến thâu canh suốt sáng. Cứ mỗi dịp như thế, con trai bắt được vợ, con gái bắt được chồng, bởi tiếng đàn chapi của người con trai làm bối rối người con gái, điệu múa của người con gái làm xiêu lòng người con trai.
Đàn đá: Cuộc sống trước đây của người Raglai chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp phát nương, làm rẫy. Họ trồng lúa, bắp bị chim rừng về tàn phá. Trong khi phát nương làm rẫy, họ đã có sáng tạo độc đáo là tìm những phiến đá, những thanh đá kêu nằm rải rác trên sườn núi, dưới lòng suối, rồi kết hợp với vật liệu tre nứa, dây mây làm giàn treo các thanh đá nơi các suối nước có dòng nước đổ từ cao xuống trực tiếp vào thanh đàn đá hoặc gián tiếp qua một dụng cụ gõ để tạo ra âm thanh vừa để bớt vắng vẻ, vừa để vui tai, đồng thời có tác dụng xua đuổi được các loài thú dữ, bảo vệ mùa màng. Thân các thanh đá kêu đa số có hình dẹp và một ít có
hình khối tròn. Mỗi bộ đàn đá có từ 7 - 12 thanh. Kích thước từng bộ đàn đá lớn nhỏ khác nhau, thanh mẹ lớn nhất và nhỏ dần. Các thanh đá được sắp xếp từ thanh có âm trầm đến âm bổng. Điều đó cho thấy người Raglai khi dựng dàn đá kêu đã có tính toán chọn các thanh đá có âm thanh cao thấp nhằm mục đích làm cho tiếng vang của đàn đá kêu không đơn điệu mà luôn thay đổi khi cao khi thấp, vừa khiến cho muông thú sợ hãi vừa làm cho con người thấy vui tai, thích thú.
* Dân ca
Người Raglai có kho tàng dân ca khá phong phú. Dân ca Raglai thường được sử dụng để hát trong sinh hoạt lễ hội và sinh hoạt đời thường. Một số làn điệu dân ca Raglai có ở huyện Bác Ái:
Làn điệu hát kể chuyện trường ca Raglai (akhat jucar): Thể hiện nội dung là các câu chuyện cổ xưa được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các câu chuyện được thể hiện qua làn điệu si-ri – là làn điệu thiên về tự bạch, kể lễ, than thân, trách phận. Si-ri thường có giai điệu buồn, trầm sâu lắng đọng, nghe man mác như hương rừng gió núi, nhưng cũng có những giai điệu vui tươi dìu dặt, rộn rã, thể hiện lòng tự tin, trong sáng.
Làn điệu hát tâm tình (làn điệu alơu): Đây là một điệu hát đối đáp, không chỉ của lứa đôi nam nữ trao đổi tình cảm ngọt ngào mà đôi khi còn được hai bên sử dụng để “cãi lý” với nhau.
Làn điệu hát yangsi, lakau (khấn ca, táng ca): dùng để hát trong các lễ cúng và cũng có thể hát tự trình.
Làn điệu hát atok, pato (hát răn dạy, khuyên bảo): Đây là một loại hình nghệ thuật hát nói. Nội dung của lời hát là khuyên bảo con cháu hãy giữ gìn phẩm cách khi tới đám đông, khi uống rượu, đừng để rượu uống mình, sinh ra mất trí khôn, nhắc nhở mọi người giữ cái gốc của người Raglai, đừng quên tổ tiên, quên lễ tục, quên rừng núi ông bà.
Làn điệu Manhi lakay kumay (hát đối đáp, giao duyên): Đây là điệu hát dành cho các đôi nam nữ hát đối đáp giao duyên với nhau trong các dịp hội hè. Họ hát chào hỏi nhau làm quen, mời nhau về nhà dự đám, cùng nhau uống chung một ché
rượu cần. Đây cũng là dịp may để tìm hiểu nhau và nếu thuận thì đàng gái sẽ cậy người đến đàng trai ngỏ ý xin bắt chồng.
Làn điệu Manhi djuk tapai: hát mời rượu cần.
* Di tích lịch sử - cách mạng
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân tộc Raglai đã từng sản sinh ra những người con anh hùng như Pinăng Tắc, Pinăng Thạnh, Chamaleq Châu và hàng chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm thương binh liệt sĩ đã hi sinh cho công cuộc kháng chiến. Trong hai cuộc chiến tranh, người Raglai đã sáng tạo ra bẫy đá, làm bàn chông, ná/nỏ để tiêu diệt địch. Qua hai cuộc kháng chiến, các di tích lịch sử cách mạng là niềm tự hào và niềm kiêu hãnh của của đồng bào Raglai về truyền thống yêu nước của dân tộc mình. Các di tích lịch sử cách mạng ở Bác Ái có thể kể đến như bẫy đá Pinăng Tắc, Hang 403, Đồn Tà Lú,…
Khi nhắc đến truyền thống đấu tranh cách mạng của người Raglai ở Bác Ái, không thể không nhắc đến những chiến công hiển hách của anh hùng Pi Năng Tắc, chiến công của ông là niềm tự hào của đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái, đó là chiến công phá trại tập trung Bà Râu giải thoát 3.000 dân và khu tập trung Đồng Mé được
1.500 dân và người dân Bác Ái về núi lập chiến khu chống giặc. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, Mỹ Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam để đàn áp phong trào Cách mạng, bọn ngụy quyền ở Phan Rang đã huy động gần một tiểu đoàn càn vào chiến khu Bác Ái để hòng tập trung đồng bào trở lại ấp chiến lược và tiêu diệt lực lượng cách mạng tại chiến khu Bác Ái. Nắm rõ âm mưu của địch, anh hùng Pi Năng Tắc đã dẫn đường cho đồng bào vượt rừng Chà Panh, Tà Lọt, Sa Vin (Phước Hòa) lên Hành N’Rạc, Ya É (Phước Bình) để bảo toàn lực lượng và lập căn cứ tiếp tế cho phong trào cách mạng của huyện Bác Ái.
Tại đèo Ya Túc (nay thuộc xã Phước Bình) Pi Năng Tắc đã chỉ huy một trung đội du kích xây dựng trận địa phục kích địch bằng bẫy đá, cung tên. Do đèo dốc hiểm trở, chỉ có một con đường mòn độc đạo, bên dưới là một vực sâu con sông Trương bao quanh, với lợi thế đó, ông đã cùng trung đội du kích tiêu diệt hơn 160 tên địch, làm cho tiểu đoàn địch tan rã, làm cho chúng khiếp sợ không dám càn quét vào chiến khu Bác Ái nữa. Trận đánh của anh hùng Pi Năng Tắc đã đi vào lịch sử
chiến tranh của dân tộc Việt Nam bởi tính độc đáo của nó, tức là dùng vũ khí thô sơ của của núi rừng để tiêu diệt giặc. Bẫy đá được ông dựng tại lưng đèo Ya Túc (Phước Bình) với cách bố trí lợi dụng triền dốc đứng, ông cho dựng 12 bẫy đá đón lõng địch kéo dài hơn 100m trên đèo. Cách dựng bẫy cũng thật độc đáo, ông dùng cây rừng làm trụ, trên đầu trụ ông cột dây rừng, mỗi bẫy có khoảng 3 – 4 trụ đó là các cây gỗ hoặc tre dài 2 - 4m. Trên đó ông chất đầy đá hộc, mỗi bẫy đá như thế ông phân công 3 – 4 du kích cầm sẵn dao, rựa, khi giặc lọt vào ổ phục kích, được lệnh của ông tất cả các dây néo giữ bẫy đồng loạt chặt đứt, đá hộc to nhỏ từ độ cao 30m đồng loạt đỏ xuống làm chết hơn 100 tên địch, số còn lại tháo chạy tán loạn sập hầm chông, bị du kích dùng ná tiêu diệt, cả tiểu đoàn địch tan rã. Cùng với trận đánh lịch sử đó và chiến công xây dựng lực lượng du kích, ông được Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay tại địa điểm dựng bẫy đá Anh hùng Pi Năng Tắc trên đèo Ya Túc (Phước Bình) đã được ghi bia chiến thắng và được quy hoạch, di tích bảo vệ nằm trong rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Phước Bình. Di tích bẫy đá Pi Năng Tắc đã được công nhận là di tích lịch sử Cách mạng quốc gia. Bẫy đá trở thành niềm tự hào và niềm kiêu hãnh của đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái.
2.2.3. Đánh giá của du khách về giá trị văn hóa Raglai tại huyện Bác Ái
* Thông tin về đối tượng khảo sát
Quá trình khảo sát được tiến hành trong tháng 6 năm 2018. Đối tượng là khách nội địa và khách quốc tế đến du lịch tại hai điểm du lịch là Nhà Truyền thống Bác Ái và Điểm du lịch văn hóa kết hợp sinh thái tại Vườn quốc gia Phước Bình; với tổng số là 150 mẫu trong đó có 120 mẫu khách nội địa và 30 mẫu khách quốc tế.
* Kết quả khảo sát
Bảng 2.6. Đánh giá về khả năng thu hút khách từ các giá trị văn hóa Raglai
(Đơn vị: người, %)
Văn hóa tiêu biểu | Loại khách | Khả năng thu hút khách | ||||||||||
Rất cao | Khá cao | Cao | Trung bình | Thấp | ||||||||
SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | |||
1 | Văn hóa đời sống phục vụ tham quan | Nội địa | 28 | 23,3 | 41 | 34,2 | 47 | 39,2 | 3 | 2,5 | 1 | 0,8 |
Quốc tế | 5 | 16,7 | 7 | 23,3 | 12 | 40,0 | 6 | 20 | 0 | 0 | ||
2 | Lễ hội | Nội địa | 21 | 17,5 | 41 | 34,2 | 47 | 39,2 | 8 | 6,6 | 3 | 2,5 |
Quốc tế | 11 | 36,7 | 8 | 26,7 | 6 | 20,0 | 3 | 10,0 | 2 | 6,6 | ||
3 | Văn hóa dân gian | Nội địa | 13 | 10,8 | 18 | 15,0 | 38 | 31,2 | 36 | 30,0 | 15 | 12,5 |
Quốc tế | 5 | 16,7 | 7 | 23,3 | 8 | 26,7 | 10 | 33,3 | 0 | 0 | ||
4 | Âm nhạc dân gian | Nội địa | 29 | 24,2 | 32 | 26,7 | 57 | 47,5 | 2 | 1,6 | 0 | 0 |
Quốc tế | 7 | 23,3 | 10 | 33,3 | 12 | 40,4 | 1 | 3 | 0 | 0 | ||
5 | Di tích lịch sử - cách mạng | Nội địa | 10 | 8,3 | 16 | 13,3 | 43 | 35,8 | 29 | 24,2 | 22 | 18,3 |
Quốc tế | 5 | 16,7 | 3 | 10,0 | 9 | 30,0 | 9 | 30,0 | 4 | 13,3 |
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Nét Văn Hóa Tiêu Biểu Của Cộng Đồng Dân Tộc Raglai
- Phát tiển du lịch văn hóa từ tiềm năng dân tộc ít người tỉnh Ninh Thuận trường hợp dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái - 9
- Các Loại Nhạc Cụ Truyền Thống Người Raglai Ở Huyện Bác Ái
- Đánh Giá Chung Về Văn Hóa Dân Tộc Raglai Ở Huyện Bác Ái Có Thể Khai Thác Phát Triển Du Lịch
- Mức Độ Cảm Nhận Của Du Khách Về Loại Hình Du Lịch Tại Các Địa Điểm Du Lịch Văn Hóa Raglai Ở Huyện Bác Ái
- Kế Hoạch Phát Triển Du Lịch Huyện Bác Ái Đến Năm 2020 Và Tầm Nhìn Đến Năm 2030
Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.
(Nguồn: Kết quả khảo sát tại Bác Ái 6/2018)