Đánh Giá Chung Về Văn Hóa Dân Tộc Raglai Ở Huyện Bác Ái Có Thể Khai Thác Phát Triển Du Lịch‌


Từ kết quả khảo sát cho thấy:

Về văn hóa đời sống phục vụ tham quan của cộng đồng người Raglai đa số du khách đều chọn ở mức cao trở lên (khách nội địa: 96,7%, khách quốc tế: 80%). Qua đó cho thấy văn hóa đời sống phục vụ khách tham quan có khả năng rất lớn để thu hút du khách do văn hóa đời sống người Raglai có nhiều độc đáo về nhà ở, ẩm thực và phong tục tập quán sản xuất,…

Về lễ hội: với những nét độc đáo, hấp dẫn trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng người Raglai, đa số khách du lịch đều cho rằng lễ hội người Raglai có khả năng thu hút du khách ở mức độ cao trở lên (khách nội địa: 90,8%, khách quốc tế 83,6%). Đặc biệt đối với khách quốc tế họ đánh giá mức khá cao và rất cao trên 50% về khả năng thu hút khách du lịch của các lễ hội người Raglai.

Về văn hóa dân gian: Nhìn chung du khách đánh giá rằng văn hóa dân gian Raglai có nhiều nhiều hấp dẫn để thu hút du khách, tuy nhiên mức độ hấp dẫn nhìn chung còn chưa cao (tỉ lệ hấp dẫn từ cao trở lên ở khách nội địa là 55%, khách quốc tế là 67,3). Qua đó có thể thấy dân tộc Raglai có kho tàng văn hóa dân gian rất độc đáo nhưng hiện nay đang bị mai một dần và chỉ còn lưu lại ở lớp người lớn tuổi trong cộng đồng nên việc khai thác để phát triển du lịch văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhiều du khách không có dịp tiếp cận, thưởng thức văn hóa dân gian Raglai khi đến Bác Ái.

Về âm nhạc dân gian: Với hệ thống âm nhạc phong phú đa dạng, độc đáo với những nhạc cụ truyền thống của người Raglai như mã la, đàn Chapi,… Qua kết quả khảo sát cho thấy âm nhạc dân gian Raglai có khả năng thu hút khách rất cao (tỉ lệ từ thu hút du khách từ cao trở lên ở khách nội địa là 98,4% và khác quốc tế là 97%).

Về di tích lịch sử cách mạng: Qua kết quả khảo sát nhìn chung mức độ thu hút du khách của các di tích lịch sử cách mạng ở huyện Bác Ái còn chưa cao (tỉ lệ từ cao trở lên ở khách nội địa là 57,5%, khách quốc tế là 56,7%). Qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các di tích lịch sử cách mạng là niềm tự hào của đồng bào Raglai về truyền thống yêu nước của mình. Tuy nhiên do là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng tại các di tích lịch sử cách mạng còn hạn chế nên khả năng thu hút du khách nhìn chung còn thấp.


Như vậy, qua kết quả khảo sát cho thấy nhìn chung văn hóa Raglai có nhiều khả năng để thu hút du khách. Đây là nhân tố quan trọng nhất tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch văn hóa tại huyện Bác Ái.

2.2.4. Đánh giá chung về văn hóa dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái có thể khai thác phát triển du lịch‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

* Những thuận lợi

Sự đặc sắc của tài nguyên văn hóa: Có thể thấy rằng kho tàng văn hóa dân gian của người Raglai rất đa dạng và độc đáo, tạo nên lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa:

Phát tiển du lịch văn hóa từ tiềm năng dân tộc ít người tỉnh Ninh Thuận trường hợp dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái - 12

Hệ thống các lễ hội tương đối phong phú đa dạng phản ánh đời sống tâm linh của người Raglai, mang trên mình đầy đủ những tín ngưỡng đa thần của cư dân Nam Đảo ở Việt Nam và cư dân nông nghiệp Đông Nam Á. Trong đó độc đáo nhất là các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp (tiêu biểu là lễ ăn đầu lúa mới) và các nghi lễ thờ cúng các thần và tổ tiên, lễ bỏ mả, lễ cưới truyền thống, lễ báo hiếu,…

Có vốn văn hóa dân gian khá phong phú. Nhạc cụ (tiêu biểu là mã la, đàn Chapi) và các điệu múa được sử dụng hầu hết trong các diễn xướng tâm linh và sinh hoạt đời thường đã phản ánh sinh động thế giới quan, nhân sinh quan của người Raglai; văn học độc đáo với loại hình văn học dân gian chủ yếu là các thể loại trường ca và các làn điệu dân ca, các câu chuyện cổ được truyền khẩu qua các thế hệ.

Ẩm thực là thành tố phản ánh rõ nét đời sống văn hóa của tộc người. Thông qua tập quán ăn uống của người Raglai ở huyện Bác Ái, có thể tìm thấy những yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, đạo đức, luân lý, thuần phong mỹ tục, thị hiếu ẩm thực, với các món ăn, đồ uống dân dã qua các cách chế biến đa dạng, đặc sắc, không chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống cho cộng đồng dân cư mà nó tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong việc trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hóa của tộc người về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, quan niệm tâm linh….

Qua hai cuộc kháng chiến, các di tích lịch sử cách mạng là niềm tự hào và niềm kiêu hãnh của của đồng bào Raglai về truyền thống yêu nước của dân tộc mình. Các di tích lịch sử cách mạng ở Bác Ái có thể kể đến như bẫy đá Pinăng Tắc, Hang 403, Đồn Tà Lú,…Trong đó bẫy đá Pinăng Tắc là một quần thể di tích chiến tranh đã


được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1993. Các di tích lịch sử cách mạng đã làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng của văn hóa Raglai trên địa bàn huyện Bác Ái.

Về vị trí địa lí: Huyện Bác Ái có thể được coi là điểm kết nối kinh tế - xã hội giữa vùng miền núi với đồng bằng ở phía bắc của tỉnh Ninh Thuận; thuận lợi để để liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong huyện với những điểm du lịch của các huyện trong tỉnh cũng như liên kết với các điểm du lịch của huyện Khánh Sơn Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa và huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng.

Về điều kiện tự nhiên: Là huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, Bác Ái có có cảnh quan thiên nhiên núi rừng hoang sơ nhiều hấp dẫn, đặc biệt có vườn quốc gia Phước Bình với sự độc đáo về kiểu hệ sinh thái chuyển tiếp từ vùng khí hậu khô nóng và vùng khí hậu cân nhiệt theo đai cao. Vùng lõi của vườn quốc gia Phước Bình còn là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Raglai. Có thể thấy Bác Ái có nhiều thuận lợi trong việc kết hợp giữa du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Điều kiện khí hậu của huyện tương đối phù hợp với các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm sản xuất và thực hành văn hóa.

Về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật: Nhìn chung hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc phát triển du lịch văn hóa tại huyện Bác Ái.

Hệ thống giao thông vận tải đã được mở rộng, kết nối được các điểm du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng trên địa bàn huyện Bác Ái. Hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc tại các điểm du lịch đang từng bước được hoàn thiện để phục vụ cho việc phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.

Một số địa điểm đã xây dựng được các cơ sở lưu trú cho du khách đến tham quan (tại Vườn quốc gia Phước Bình đã xây dựng khách sạn theo tiêu chuẩn 3 sao). Các dịch vụ ăn theo để phục vụ du khách tại các điểm tham quan ngày càng phát triển.

Về cơ chế chính sách: Nhận thức rõ vai trò to lớn của du lịch với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận và UBND huyện Bác Ái đã tích cực các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến về du lịch, tham mưu


cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện Bác Ái từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với du lịch văn hóa. Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận vào năm 2012, thông qua các hoạt động, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh, Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái của huyện Bác Ái đến đông đảo du khách. Để thể hiện chủ trương khai thác các tiềm năng văn hóa phục vụ du lịch, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai – Ninh Thuận 2013 tại xã Phước Đại, huyện Bác Ái. Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời là dịp để đồng bào Raglai ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm hay, việc làm tốt... trong sản xuất và đời sống. Mặt khác đây còn là dịp để quảng bá các giá trị văn hóa, những danh lam thắng cảnh của vùng đồng bào Raglai huyện Bác Ái đến với du khách trong và ngoài nước.

* Những khó khăn, hạn chế

Bác Ái là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Các nguồn vốn từ phía nhà nước đầu tư cho phát triển du lịch chưa nhiều, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa phát triển du lịch còn khó thực hiện; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhìn chung chưa tìm thấy được lợi ích, tiềm năng để tham gia đầu tư phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn huyện Bác Ái.

Là huyện có diện tích lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, việc đi lại giữa các xã còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống giao thông vận tải trong huyện Bác Ái tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn còn một số tuyến đường, một số đoạn đường chưa đạt yêu cầu. Đây là một hạn chế cần khắc phục để phát triển du lịch ở huyện Bác Ái.

Trong giai đoạn hiện nay, ở huyện Bác Ái quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh với việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, định canh, định cư, quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa với nhiều loại hình hoạt động thông tin, văn hóa văn nghệ hấp dẫn đang đến rất nhanh đến đồng bào Raglai. Điều đó đã đẩy nhanh tiến độ biến đổi toàn diện về cả hình thức và nội dung văn hóa truyền thống của người Raglai ở huyện Bác Ái. Lớp trẻ Raglai tiếp thu rất nhanh những luồng văn hóa mới


từ trang phục, lối sống, thẩm mỹ, nghệ thuật hiện đại,… đã và đang làm cho lớp trẻ ngày càng xa dần với văn hóa truyền thống. Hiện nay có thể thấy văn hóa dân gian truyền thống của người Raglai đang mất dần đi qua từng ngày, sự coi trọng về văn hóa truyền thống, dân gian chỉ còn chủ yếu ở lớp người lớn tuổi. Những giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian như truyện cổ, sử thi, nghệ nhân biết làm và sử dụng các nhạc cụ truyền thống ngày càng ít, chủ yếu tập trung ở một số nghệ nhân lớn tuổi. Nhiều lễ hội của đồng bào đang bị dần mai một do đồng bào không có kinh phí để tổ chức. Thế hệ trẻ người Raglai không biết dựng nhà sàn truyền thống, không biết làm các nhạc cụ truyền thống, thậm chí là không biết ý nghĩa của các điệu mã la trong từng lễ hội…Từ thực tế trên đã ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai để phát triển du lịch văn hóa tại huyện Bác Ái.

So với mặt bằng chung về giáo dục giữa các huyện, giữa các dân tộc trong tỉnh Ninh Thuận, tình hình văn hóa giáo dục của người Raglai ở huyện Bác Ái chưa phát triển mạnh. Nhìn chung, trình độ dân trí của người Raglai ở huyện Bác Ái đang có xu hướng tăng lên nhưng so với mặt bằng chung về trình độ dân trí giữa các dân tộc trong toàn tỉnh Ninh Thuận thì còn thấp. Để phát triển du lịch văn hóa ở huyện Bác Ái bên cạnh sự nổ lực của các cấp, các ngành trong huyện và trong tỉnh còn cần phải có sự hợp tác của cộng đồng người Raglai ở huyện Bác Ái. Để sự hợp tác được thuận lợi và bền vững phụ thuộc nhiều vào nhận thức của người dân, với mặt bằng chung về trình độ dân trí của người Raglai ở huyện Bác Ái, có thể thấy đây là một trở ngại để phát triển du lịch văn hóa ở huyện Bác Ái.

Đội ngũ lao động phục vụ cho du lịch văn hóa tại huyện Bác Ái nhìn chung còn ít, đặc biệt là lao động phục vụ du lịch văn hóa là người Raglai.

Công tác quảng bá về văn hóa Raglai tuy đã được thực hiện như vẫn chưa được phổ biến đến du khách trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp du lịch lữ hành vẫn chưa thật sự quan tâm đến văn hóa Raglai để thu hút khách du lịch và tận dụng để kết hợp tổ chức tour du lịch văn hóa – lịch sử các dân tộc, du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái,…


2.3. Thực trạng phát triển du lịch từ văn hóa của dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận‌

2.3.1. Phát triển các điểm du lịch văn hóa‌

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bác Ái có hai điểm đang khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Raglai để phục vụ tham quan, tìm hiểu về văn hóa Raglai và phát triển du lịch văn hóa là Nhà truyền thống Bác Ái và điểm du lịch kết hợp sinh thái - văn hóa tại Vườn quốc gia Phước Bình.

* Nhà truyền thống Bác Ái

Nhà truyền thống Bác Ái nằm ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái. Nhà truyền thống được xây dựng theo kiểu mô phỏng kiến trúc của nhà sàn truyền thống của người Raglai. Đây là nơi trưng bày những nét văn hóa tiêu biểu nhất của đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái. Nhà truyền thống trưng bày những nét chính về thiết chế xã hội cổ truyền của người Raglai với hai yếu tố cơ bản là Palei: tổ chức xã hội – chỉ đơn vị cư trú một nhóm người và boh sang: cấu trúc gia đình – gia đình lớn mẫu hệ. Các vật phẩm trưng bày tại Nhà truyền thống Bác Ái cho thấy người Raglai ở Việt Nam nói chung và cộng đồng người Raglai ở huyện Bác Ái nói riêng đã sáng tạo ra một phức hợp văn hóa khá độc đáo, thích nghi với môi trường thiên nhiên nơi họ sống bao gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần bao gồm nhà sàn truyền thống, những nhạc cụ cổ truyền, trang phục truyền thống, đồ trang sức, những dụng cụ dùng trong sinh hoạt và sản xuất của người Raglai ở huyện Bác Ái. Nhà truyền thống Bác Ái còn trưng bày, giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển và những truyền thống, chiến tích của căn cứ địa Bác Ái trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - Đó chính là lịch sử hào hùng, truyền thống yêu nước – truyền thống anh hùng cách mạng của người Raglai ở huyện Bác Ái.

Hiện nay, tại Nhà truyền thống Bác Ái có các hoạt động phục vụ du khách với các nội dung gắn với văn hóa Raglai, đó là phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa Raglai tại Nhà truyền thống (thuyết minh các vật phẩm trưng bày tại Nhà truyền thống); liện kết tổ chức các buổi diễn về âm nhạc dân gian, văn hóa dân gian (khi du khách có yêu cầu).

* Điểm du lịch kết hợp sinh thái - văn hóa tại vườn quốc gia Phước Bình


Vườn quốc gia Phước Bình được thành lập năm 2006, thuộc địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Vườn quốc gia Phước Bình nằm cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 65 km về phía tây theo quốc lộ 27. Với hệ sinh thái và địa hình đa dạng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên sinh động. Đây cũng là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai, đồng bào Raglai nơi đây còn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai như ẩm thực, nhà sàn, nhạc cụ, các điệu múa và làn điệu dân ca Raglai. Đặc biệt trong vùng lõi của vườn quốc gia còn có di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng và cũng là niềm tự hào của đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái là Bẫy đá Pi năng Tắc. Được sự quan tâm của chính quyền huyện Bác Ái, ở xã Phước Bình đã phát động xây dựng làng văn hóa truyền thống Raglai tại thôn Bạc Rây 2 với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Raglai.

Hiện nay, tại Vườn quốc gia Phước Bình có các hoạt động phục vụ du khách có nội dung gắn với văn hóa Raglai, đó là tham quan thực tế tìm hiểu về nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt tại nơi sinh sống của người Raglai tại xã Phước Bình; Tổ chức các đêm lửa trại có biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Raglai như mã la, đàn Chapi, khèn bầu,… kết hợp phục vụ ẩm thực dân gian Raglai như các món ăn và rượu cần; Trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của người Raglai như gùi, sàn, thúng,… tại trụ sở Vườn quốc gia Phước Bình.

2.3.2. Phát triển các loại hình du lịch theo đặc điểm văn hóa của dân tộc Raglai‌

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bác Ái đang phát triển các loại hình du lịch gắn với việc khai thác và bảo tồn văn hóa của dân tộc Raglai, cụ thể là:

Du lịch tham quan thực tế tìm hiểu về nhà ở truyền thống, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt, lễ hội, âm nhạc và văn hóa dân gian Raglai.

Du lịch kết hợp tham quan học tập nghiên cứu về văn hóa Raglai với khách tham quan chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên của các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đến tham qua học tập, tìm hiểu văn hóa Raglai tại Nhà truyền thống Bác Ái.


Du lịch kết hợp giữa sinh thái – văn hóa qua việc tham quan, khám phá thiên nhiên ở Vườn quốc gia Phước Bình kết hợp tìm hiểu, tham quan di tích lịch sử cách mạng tại Bẫy đá Pinăng Tắc và tham quan thực tế nhà sàn truyền thống, thưởng thức các món ăn, rượu cần, các điệu múa và nhạc cụ độc đáo của dân tộc Raglai tại xã Phước Bình. Các hoạt động du lịch do Trung tâm Giáo dục môi trường thuộc ban quản lí Vườn quốc gia Phước Bình tổ chức. Nguồn lợi thu được được đưa vào doanh thu của Vườn quốc gia Phước Bình. Qua các hoạt động du lịch, cộng đồng được hưởng các lợi ích như tiêu thụ được các sản phẩm du lịch của cộng đồng người Raglai làm ra như các món ăn, rượu cần, hạt chuối mồ côi,… và qua việc trực tiếp là người phục vụ du lịch (qua việc đánh mã la, thổi khèn bầu, đánh đàn đá,…) đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động là người Raglai ở huyện Bác Ái.

Du lịch tham quan thực tế kết hợp nghiên cứu khoa học về văn hóa Raglai trên địa bàn các xã ở huyện Bác Ái.

* Phản hồi của du khách về các hoạt động du lịch gắn với đặc điểm văn hóa của dân tộc Raglai tại các điểm du lịch ở huyện Bác Ái

Kết hợp với khảo sát các thông tin về sự hấp dẫn của văn hóa Raglai tại huyện Bác Ái là khảo sát mức độ cảm nhận chung của du khách về du lịch tham quan về văn hóa dân tộc Raglai qua chuyến đi, với 150 khách được khảo sát (120 khách nội địa, 30 khách quốc tế).

Xem tất cả 151 trang.

Ngày đăng: 23/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí