+ Các tài liệu khác liên quan đến chứng từ hoàn thuế;
+ Bảng kê các hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở.
Tiếp tục thực hiện về cải cách thủ tục hành chính (theo Đề án 30 của Chính phủ), Tổng cục Thuế nên sớm ban hành văn bản cho phép bỏ qua khâu thẩm định pháp lý đối với hồ sơ hoàn thuế, qua đó giảm được hai chữ ký và rút ngắn thêm hai ngày trong quy trình hoàn thuế nhằm đơn giản hóa thủ tục về hoàn thuế GTGT.
Về thủ tục "hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp xuất khẩu thanh toán bằng tiền (trường hợp kiểm tra trước hoàn sau)": Loại bỏ "Bảng kê các hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở" trong thành phần hồ sơ đối với trường hợp "kiểm tra trước, hoàn thuế sau". Bổ sung "Chứng từ nộp thuế" trong Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14 tháng 6 năm 2007.
* Trong khi chưa có văn bản hướng dẫn phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT nói trên, thì Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cần nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp và nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT nhằm mục đích chủ động phân loại doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp nào nghiêm chỉnh chấp hành chính sách thuế, chưa từng có hành vi vi phạm thì áp dụng cơ chế "hoàn thuế trước, kiểm tra sau". Đối với các doanh nghiệp đã từng có lần vi phạm pháp luật thuế hoặc không chấp hành tốt luật thuế GTGT, không thực hiện thanh toán qua ngân hàng, đã bị xử phạt thì áp dụng cơ chế "kiểm tra trước, hoàn thuế sau". Tương ứng với từng đối tượng sẽ qui định thời gian xem xét, kiểm tra, xét, duyệt hồ sơ hoàn thuế GTGT.
Do vậy, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan quản lý các địa phương để quản lý đối tượng nộp thuế và đối tượng mua hàng, cần có một hệ thống thông tin nối mạng hoàn chỉnh hơn đáp ứng nhu cầu quản lý ngày càng cao hiện nay.
Giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT
Đối với các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thuế của nhà nước nói chung và pháp luật về hoàn thuế GTGT nói riêng thì ngành thuế sẽ đảm bảo thời gian hoàn thuế cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nhưng đối với các trường hợp ngành thuế nghi ngờ về doanh nghiệp gian lận thuế GTGT, cần có thời gian để xác minh thì thời hạn 15 ngày là không đủ, bởi vì việc xác minh các hóa đơn mất rất nhiều thời gian, thậm chí số hồ sơ gửi đi xác minh còn không được cơ quan thuế các địa phương phản hồi.
Do công tác xác minh, đối chiếu hóa đơn phục vụ hoàn thuế GTGT giữa các địa phương hiện nay vẫn làm theo phương pháp thủ công (xác minh bằng văn thư), nên không phát hiện kịp thời việc sử dụng các hóa đơn đã thông báo mất, thông báo hết hiệu lực sử dụng, hóa đơn mua bán bất hợp pháp...
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 9
- Quan Điểm Hoàn Thiện Pháp Luật Về Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng Ở Việt Nam
- Về Quy Trình Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng
- Pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 13
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Vì vậy, cần phải thực hiện việc kiểm tra tính hợp pháp của các hóa đơn, chứng từ khi ban hành chứ không phải chờ đến khi doanh nghiệp xin hoàn thuế GTGT mới kiểm tra hồ sơ xin hoàn thuế.
Để làm được điều này, cần phải có sự kết hợp, quản lý đồng bộ giữa các ngành, cơ quan quản lý, cụ thể: Cục thuế các tỉnh, thành phố cần phải có kế hoạch chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc rà soát tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp qua thông tin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, kê khai đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế của các doanh nghiệp để phòng tránh các trường hợp doanh nghiệp tuy có quyết định thành lập nhưng địa điểm và hoạt động ở đâu, từ bao giờ, cơ quan thuế cũng như cơ quan ban hành quyết định thành lập doanh nghiệp cũng không tìm ra. Trong khi ngành thuế thì vẫn phải xuất bán hóa đơn mới cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp "ma" thì đã ngừng hoạt động từ lâu, còn hóa đơn thật thì bị thất thoát, trôi nổi trên thị trường.
Như vậy, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản hóa phù hợp với công tác quản lý hiện nay, thì cần phải sửa đổi ngay một số luật thuế hiện hành.
Cụ thể, Luật Quản lý thuế cần phải sửa theo hướng "phân loại đối tượng nộp/hoàn thuế theo quy mô để có biện pháp quản lý phù hợp và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, vừa tránh thất thu cho ngân sách, vừa đơn giản hóa thủ tục". Ngoài ra, Bộ Tài chính cần có các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 60/2007/TT-BTC, trong đó có quy định cụ thể trường hợp "hoàn trước kiểm tra sau" và "kiểm tra trước, hoàn thuế sau" trình tự thực hiện theo hướng công khai các tiêu chí phân loại rủi ro để các doanh nghiệp xác định được mình là đối tượng được "hoàn thuế trước, kiểm tra sau" hay "kiểm tra trước, hoàn thuế sau" khi làm thủ tục hoàn thuế.
3.2.5. Phương thức giải quyết tranh chấp về hoàn thuế giá trị gia tăng
Như đã phân tích ở mục 2.5, tranh chấp liên quan đến hoàn thuế GTGT hiện nay ở nước ta, chủ yếu được giải quyết bằng đơn khiếu nại tới cơ quan thuế có thẩm quyền hoặc bằng đơn khởi kiện của chủ thể có quyền hoàn thuế gửi đến tòa hành chính kiện cơ quan thuế liên quan đến hoàn thuế GTGT.
* Cơ quan thuế do đặc thù vừa có bộ phận giải quyết hoàn thuế GTGT cho các chủ thể có quyền hoàn thuế lại vừa có bộ phận giải quyết đơn, thư khiếu nại liên quan đến tranh chấp về hoàn thuế GTGT khi cần thiết. Mặc dù luật đã quy định rõ ràng nhưng để tránh việc cơ quan thuế chỉ xem xét lại hoặc sửa các lỗi của mình mà không có bất kỳ một biện pháp cụ thể nào khác như xử lý cán bộ thuế có sai phạm trong hoàn thuế GTGT.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp liên quan đến hoàn thuế GTGT qua giải quyết bằng đơn khiếu nại thì cán bộ thuế trực tiếp làm công tác hoàn thuế GTGT phải nắm vững chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, nắm vững pháp luật về hoàn thuế GTGT nói riêng. Nâng cao trình độ nghiệp vụ khi giải quyết hoàn thuế GTGT theo hướng thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho chủ thể có quyền hoàn thuế GTGT.
Cơ quan thuế cần giảm thiểu tối đa những sai phạm trong quá trình hoàn thuế GTGT, nếu cán bộ thuế nào có sai phạm trong hoàn thuế GTGT thì phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với quyết định của mình và phải chịu trách nhiệm đền, bù vật chất đối với nhà nước và với các chủ thể có quyền hoàn thuế GTGT.
* Trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án liên quan đến hoàn thuế GTGT theo trình tự giải quyết một vụ án hành chính. Các vi phạm trong lĩnh vực hoàn thuế GTGT thực tế đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho cả ngân sách nhà nước và các chủ thể có quyền hoàn thuế. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, các vi phạm về hoàn thuế GTGT ngày càng "tinh vi" và có mức độ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các vi phạm về hoàn thuế GTGT cần phải được xử lý kịp thời, trong đó có xử lý về hành chính. Tuy nhiên, số tiền phạt đối với các vi phạm này thường chưa cao hoặc chưa đủ răn đe (thông thường chỉ cao gấp từ 01 đến 05 lần số tiền thuế vi phạm). Trong thực tế, nhiều chủ thể mặc dù biết rõ tính chất sai phạm của mình những vẫn cố tình thực hiện vi phạm hoàn thuế GTGT để rút ruột ngân sách nhà nước hoặc gây thiệt hại đến chủ thể được hoàn thuế GTGT.
Vì vậy, bên cạnh việc quy định các chế tài quy định cho các tổ chức, cá nhân khi vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT, cần phải có các quy định kèm theo chế tài phạt tiền hoặc áp dụng biện pháp hành chính khác như: tịch thu tài sản; cấm hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh đó trong một thời gian nhất định...
Với những đánh giá về những bất cập nêu trên trong quá trình áp dụng pháp luật về hoàn thuế GTGT hiện nay và một số kiến nghị nhằm giải quyết những bất cập đó, tôi hy vọng pháp luật về hoàn thuế GTGT ở Việt Nam sẽ sát với thực tế hơn, được hoàn thiện hơn trong thời gian tới bảo đảm pháp luật thuế GTGT nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và công bằng cho các chủ thể, các tổ chức cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
KẾT LUẬN
Pháp luật về hoàn thuế GTGT giữ vị trí quan trọng trong hệ thống các văn bản pháp luật về thuế ở nước ta hiện nay. Qua phân tích cho thấy, pháp luật về hoàn thuế GTGT là những quy định pháp luật về thuế mới và tiến bộ. Cơ chế hoàn thuế GTGT có tác động rất lớn và tích cực đến các đối tượng thuộc diện hoàn thuế. Cụ thể, thông qua việc hoàn thuế GTGT, nhà nước đã ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp, tận dụng các nguồn lực tái đầu tư mở rộng, tăng khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Hơn bao giờ hết, việc hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trên thương trường, nâng cao được năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp nội địa sẽ được người tiêu dùng yêu thích, ưa chuộng.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế đất nước vẫn còn chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu đồng tiền hoàn thuế GTGT được nhà nước chi trả kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp với từng trường hợp hoàn thuế thì sẽ có tác dụng hỗ trợ tích cực và có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách thuế GTGT nói chung, pháp luật về hoàn thuế GTGT nói riêng của Việt Nam cần phải có những chỉnh lý, sửa đổi kịp thời, hướng tới các mục tiêu minh bạch, hiệu quả, công bằng, đáp ứng và đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc thực hiện các giải pháp về pháp luật hoàn thuế GTGT ở Việt Nam giúp Nhà nước khắc phục được những lỗ hổng, tồn tại trong chính sách hoàn thuế, gây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính vào chính sách hoàn thuế GTGT của nhà nước, góp phần ngăn ngừa có hiệu quả đối với những doanh nghiệp có hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, làm thâm hụt ngân sách nhà nước như thời gian qua. Mặt khác, các cơ quan thuế nhà nước có thẩm quyền giải quyết về hoàn thuế GTGT cũng cần phải đẩy mạnh và tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các chủ thể thuộc diện hoàn thuế trong việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT, tránh tình trạng thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp đều có ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về hoàn thuế GTGT ở Việt Nam thì sẽ tạo dựng được môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Ngược lại, nhà nước cũng có thể hỗ trợ tích cực, hiệu quả trở lại đối với các doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, cơ chế hoàn thuế mới thực sự phát huy được các ưu điểm nổi trội của hoàn thuế GTGT, góp phần kích thích, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để phát triển kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
1. Bộ Tài chính (2007), Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế 2006 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày ngày 22/5/2007 của Chính phủ, Hà Nội.
2. Bộ Tài chính (2008), Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày ngày 08/12/2008 của Chính phủ, Hà Nội.
3. Bộ Tài chính (2009), Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4 hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Hà Nội.
4. Bộ Tài chính (2009), Thông tư 205/2009/TT-BTC ngày 26/10 hướng dẫn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, Hà Nội.
5. Bộ Tài chính (2010), Thông tư số 94/2010/TT-BTC ngày 30/6 hướng dẫn thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, Hà Nội.
6. Bộ Tài chính (2010), "Hệ thống văn bản", http://www.mof.gov.vn.
7. "Cả giám đốc và phó giám đốc vào tù" (2010), http://www.hanoimoi.com.vn/ newsdetail/phap_luat/320496, ngày 10/4.
8. Chính phủ (2007), Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 22/5 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế, Hà Nội.
9. Chính phủ (2007), Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30), Hà Nội.
10. Chính phủ (2007), Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6 quy định xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Hà Nội.
11. Chính phủ (2008), Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Hà Nội.
12. Chính phủ (2008), Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Hà Nội.
13. Chính phủ (2010), Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Hà Nội.
14. "Doanh nghiệp ma móc túi Nhà nước" (2006), http://www. hanoimoi.com.vn/ newsdetail/kinh_te/80871, ngày 26/3.
15. "Gia tăng tình trạng doanh nghiệp lừa đảo hoàn thuế" (2008), http://www. tapchiketoan.com/tin -tuc/tin-tuc-thue-phi, ngày 29/7.
16. Phan Mỹ Hạnh (2009), "Gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng thông qua chứng từ, hoá đơn khống và nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước", http://www.luatviet.org/Home/ nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-thuong- mai/2009/8552, ngày 30/8.
17. Trần Đình Hảo (2003), Pháp luật thuế giá trị gia tăng những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Tài chính, Hà Nội.
18. Nguyễn Thị Thương Huyền (2002), Những vấn đề pháp lý về việc áp dụng thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học.
19. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2002), Giáo trình Luật tài chính Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
20. Hoài Lương (2010), "Thuế VAT sau 13 năm vẫn nhiều bất cập",
http://dantri. com.vn/c76/s76-377216, ngày 03/02.
21. Ngân hàng Nhà nước (2002), Quyết định số 1092/2002/QĐ-NHNN ngày 8/10 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành thủ tục thanh toán qua các tổ chức cung ứng dich vụ thanh toán, Hà Nội.
22. "Nghề đại lý thuế vướng vì … thiếu hướng dẫn" (2010), http://www.vtca.vn/ TabId/70/ArticleId/1868/ PreTabId/95/Default.aspx, ngày 13/12.