pháp luật hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện thông qua việc sử dụng hóa đơn GTGT [5].
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự
Thực trạng pháp luật về hóa đơn GTGT cho thấy việc in ấn, mua bán hóa đơn giả (hóa đơn bất hợp pháp) diễn ra nhiều và hành vi sử dụng hóa đơn GTGT trong lập hồ sơ khống để được khấu trừ, hoàn thuế lặp đi lặp lại nhưng pháp luật chưa có chế tài nghiêm khắc. Hóa đơn GTGT có giá trị pháp lý ngang tiền và mệnh giá “vô hạn” nhưng không nhiều người biết được điều này. Do chưa được được đặt đúng địa vị pháp lý nên hành vi in, mua bán và sử dụng hóa đơn GTGT giả hoặc hóa đơn bất hợp pháp đã, đang tiếp diễn. Vì vậy, việc hình sự hóa các hành vi này trong Bộ luật Hình sự là việc làm cần thiết để có một chế tài nghiêm khắc có tính phòng ngừa và răn đe cao. Hậu quả mà các chủ thể phải gánh chịu sẽ tương ứng với số tiền trong hóa đơn do hành vi vi phạm về hóa đơn GTGT gây ra. Có thể nói những thiệt hại do việc sử dụng hóa đơn GTGT nhằm mục đích trụ lợi tương đương với hành vi in, sử dụng tiền giả bởi tính “ngang tiền” của loại hóa đơn này.
Bổ sung tội phạm về hành vi lập hồ sơ kê khai gian lận để làm tăng thuế GTGT được khấu trừ hoặc tăng thuế GTGT được hoàn. Đồng thời, bổ sung các hành vi cụ thể của bên bán và bên mua để làm rõ trách nhiệm của từng bên đối với hành vi này.
Để áp dụng một cách có hiệu quả các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật còn không ngừng hoàn thiện giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật hóa đơn GTGT.
3.3. Giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam
Cùng với hoàn chỉnh các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT cần hoàn thiện về công tác quản lý hóa đơn GTGT của cơ quan thuế. Bởi lẽ, chỉ có hoàn thiện công tác quản lý của cơ quan thuế thì các quy định pháp luật về
hóa đơn GTGT thực sự trở thành công cụ đắc lực và công tác quản lý mới đáp ứng đòi hỏi tất yếu của xu thế. Một số đề xuất trong công tác quản lý hóa đơn GTGT đưa ra như sau:
3.3.1. Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan thuế
Con người là yếu tố quyết định tới việc hoàn thiện công tác quản lý hóa đơn GTGT. Hoàn thiện công tác quản lý hóa đơn GTGT trước hết cần hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan thuế cho hai nhóm đối tượng: lãnh đạo và cán bộ thuế.
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Hình Thực Hiện Công Tác Xác Minh Hóa Đơn Tại Cục Thuế Thành Phố Hà Nội Giai Đoạn 2011 - 2013
- Pháp luật về hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam - 8
- Yêu Cầu Và Hướng Hoàn Thiện Pháp Luật Về Hóa Đơn Giá Trị Gia Tăng
- Pháp luật về hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam - 11
- Pháp luật về hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam - 12
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
Tăng cường năng lực, trách nhiệm và phẩm chất của lãnh đạo bằng việc không ngừng nâng cao bản lĩnh về nghiệp vụ, giỏi về năng lực quản lý là nhiệm vụ rất quan trọng. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thuế chuyên nghiệp, chuyên sâu, trung thực và trong sạch thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức.
Sự hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan thuế là xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế.
3.3.2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hóa đơn giá trị gia tăng
Để hoàn thiện công tác quản lý hóa đơn GTGT, hoạt động thanh tra, kiểm tra cần thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, coi trọng công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và triển khai phân tích các dấu hiệu rủi ro của doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan thuế theo mức độ khác nhau.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra để việc kết xuất dữ liệu về hồ sơ khai thuế của đối tượng nộp thuế nhanh chóng, chính xác khi cần sử dụng.
Thứ ba, không ngừng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra thuế. Đồng thời, kết hợp hoạt động thanh tra với điều tra nhằm phát hiện những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như: cơ quan điều tra… cũng như với các bộ phận khác: bộ phận ấn chỉ để đạt hiệu quả cao.
Thực tế đã chứng minh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan có liên quan đã phát hiện ra nhiều vi phạm về thuế có tính chất nghiêm trọng và truy thu khoản tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
3.3.3. Tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan
Tăng cường chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan như Hải quan, Cơ quan Điều tra… tổ chức bộ máy của cơ quan thuế dù đông đảo, tinh thông về nghiệp vụ bao nhiêu cũng khó có thể bao quát hết hoạt động có liên quan tới hóa đơn GTGT của các đối tượng. Vậy nên, công tác quản lý hóa đơn GTGT rất cần sự phối hợp của các cơ quan có liên quan để nắm bắt danh sách doanh nghiệp từ khi bắt đầu thành lập đến khi ngừng hoạt động hoặc tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra hay phối hợp điều tra khi có dấu hiệu bất thường của người nộp thuế. Chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý hóa đơn GTGT phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các cơ quan nói trên.
3.3.4. Nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu về quản lý hóa đơn giá trị gia tăng Nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đối tượng và cơ sở dữ liệu về
hóa đơn GTGT là những yêu cầu quan trọng nhằm hiệu quả, hiệu lực và hiện đại công tác quản lý.
Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đối tượng tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT với những thông tin cơ bản như: Chủ doanh nghiệp, mã số thuế, số điện thoại, địa điểm kinh doanh, hình thức hóa đơn đơn vị sử dụng (in, đặt in hay mua), in bao nhiêu số, đã dùng bao nhiêu, tồn bao nhiêu. Cần thống kê về tình hình thực hiện của các doanh nghiệp, những doanh nghiệp báo cáo không đúng thời hạn, nguyên nhân, số lần kiểm tra và thanh tra của doanh nghiệp, số lần vi phạm… Với những dữ liệu có được về
doanh nghiệp sẽ là cơ sở giúp cơ quan thuế có những đánh giá sơ bộ về mức độ rủi ro của đối tượng theo ngành, lĩnh vực để có kế hoạch cụ thể về thanh tra, kiểm tra và rà soát kịp thời phát hiện vi phạm.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hóa đơn GTGT với những nội dung: hóa đơn có mẫu, ký hiệu ra sao? mẫu hóa đơn nào còn giá trị sử dụng? của doanh nghiệp nào? thông báo cháy, mất, hỏng về hóa đơn? Kịp thời chuyển vào phần mềm ứng dụng quản lý truyền lên trang web điện tử để có thể dễ dàng tra cứu khi cơ quan thuế, đối tượng nộp hoặc người tiêu dùng cần.
3.3.5. Tăng cường quản lý hóa đơn giá trị gia tăng theo hướng quản lý rủi ro
Với thực trạng hiện nay, số lượng doanh nghiệp lớn, hoạt động ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau và ý thức chấp hành pháp luật về hóa đơn GTGT cũng khác nhau. Vì vậy, để có thể quản lý toàn diện, hiệu quả đối tượng sử dụng hóa đơn, ngành Thuế nên áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong công tác quản lý hóa đơn GTGT. Đặc biệt, cần thiết lập sự liên hệ thường xuyên với người nộp thuế qua các hình thức khác nhau để cập nhật tình hình hoạt động của người nộp thuế nhằm đánh giá và kịp thời kiểm tra xác minh khi có dấu hiệu ngừng, nghỉ kinh doanh hay bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Bộ phận ấn chỉ cần kết hợp với bộ phận thanh tra, kiểm tra tiến hành phân loại đối tượng nộp thuế theo mức độ chấp hành các quy định về kê khai, nộp thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn… để phân loại theo mức rủi ro của doanh nghiệp là cần thiết. Từ đó, cơ quan thuế có biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng theo mức độ rủi ro.
3.3.6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông vào công tác quản lý hóa đơn giá trị gia tăng
Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hóa đơn GTGT của cơ quan thuế là phù hợp với xu thế của sự phát triển nhằm đáp ứng sự gia tăng của cả doanh nghiệp và lượng hóa đơn GTGT.
Thứ nhất, hiện đại công cụ giúp người nộp thuế tra cứu thông tin về hóa đơn GTGT
Thực trạng sử dụng hóa đơn GTGT cho thấy, ứng dụng QLAC sẽ truyền thông tin lên trang điện tử chính thức của ngành Thuế và trang thông tin nội bộ của Tổng Cục thuế. Tuy nhiên, hiện nay trên websites ngành thuế chưa có thông tin nào được truyền lên khiến cho doanh nghiệp sử dụng hóa đơn không thể tra cứu những thông tin cần thiết về hóa đơn: thật hay giả? Còn giá trị sử dụng hay đã hết?
Vì vậy, ngành Thuế cần nhanh chóng hoàn thiện, cập nhật thông tin đầy đủ vào chương trình QLAC, nâng cấp đường truyền, tạo mẫu trên trang web để có thể truyền thông tin từ chương trình lên web và phục vụ cùng lúc số lượng lớn doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu mà không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Thứ hai, nhanh chóng triển khai và đưa vào sử dụng phần mềm, đối chiếu hóa đơn trên toàn quốc
Nhiều phần mềm đã được ngành Thuế đưa vào áp dụng thí điểm phục vụ cho việc sử dụng hóa đơn điện tử như: lập hóa đơn, xử lý hóa đơn, xác thực hóa đơn. Thực trạng đối chiếu, xác minh hóa đơn GTGT bằng phương pháp truyền thống tốn khá nhiều thời gian, công sức và nhân lực. Hiện nay, việc đối chiếu hóa đơn bằng phần mềm chỉ đang tiến hành thí điểm trên một địa bàn nhất định mà chưa được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Thời gian tới, ngành Thuế cần triển khai trên phạm vi toàn quốc. Việc làm này tăng độ chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực cũng như phát hiện vi phạm về hóa đơn hiệu quả hơn.
Thứ ba, khuyến khích người nộp thuế kê khai thuế qua mạng và sử dụng hóa đơn điện tử
Việc kê khai thuế qua mạng không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, giảm chi phí, giảm tời gian và nhân lực còn giúp cơ quan thuế giảm thời gian tiếp nhận tờ khai, xử lý tờ khai nhanh và
chính xác hơn… Sử dụng hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu đã và đang được sử dụng ở rất nhiều quốc gia phát triển song còn khá mới ở Việt Nam. Việc sử dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán ở Việt Nam còn nhiều khó khăn do đòi hỏi về cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng không thể phủ nhận lợi ích có được từ việc sử dụng hóa đơn điện tử. Đối với doanh nghiệp, sử dụng hóa đơn điện tử giúp rút ngắn thời gian thanh toán do việc lập, gửi (nhận) hóa đơn GTGT được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, việc triển khai giảm hóa đơn điện tử sẽ giúp ngành thuế kiểm soát chặt chẽ quá trình tạo, lập hóa và phát hành hóa đơn của người nộp thuế; hỗ trợ hiệu quả cho công tác xác minh hóa đơn để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp. Khi hóa đơn điện tử được sử dụng rộng rãi, nguy cơ làm giả hóa đơn GTGT sẽ giảm thiểu vì mọi thông tin về hóa đơn GTGT đã phát hành, hóa đơn GTGT được sử dụng có thể dễ dàng tra cứu thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn GTGT tập trung của cơ quan thuế. Hóa đơn điện tử vẫn là mục tiêu lâu dài của bất kỳ quốc gia nào. Hiện nay, ngành Thuế đang áp dụng thí điểm việc sử dụng hóa đơn xác thực (là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã xác thực và số xác thực) tại 200 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng với sự hỗ trợ của các phần mềm. Trong tương lai gần, việc triển khai trên diện rộng hình thức hóa đơn này là cần thiết trong công tác quản lý hóa đơn GTGT.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nói chung và công tác quản lý hóa đơn nói riêng là cần thiết và tất yếu để đạt mục tiêu xây dựng ngành thuế hiệu quả, hiệu lực và hiện đại trong xu thế toàn cầu hóa.
Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng chữ ký số, chuyển công văn, vản bản qua thư điện tử
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý ở bất
cứ ngành nghề, lĩnh lực nào luôn là tín hiệu tốt. Chữ ký số đem đến hiệu quả bất ngờ khi sử dụng. Áp dụng chữ ký số ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Ngành Thuế cần vận dụng triệt để những lợi thế của hình thức này từ ngay bây giờ. Việc chuyển công văn, văn bản qua đường điện tử cũng khiến cho công tác quản lý hóa đơn GTGT nói riêng tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả cao.
3.3.7. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về pháp luật hóa đơn giá trị gia tăng
Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về chính sách thuế nói chung và các quy định về hóa đơn GTGT nói riêng. Tuyên truyền cũng là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tuyên truyền, hỗ trợ phối hợp được với các cơ quan truyền thông dựa trên quan điểm công bằng, bình đẳng và đảm bảo quyền lợi của các bên theo đúng quy định của chính sách, pháp luật về thuế. Qua hoạt động tuyên truyền, ngành thuế cần làm rõ vị thế đặc biệt của hóa đơn GTGT trong nền tài chính, kế toán để người tiêu dùng thay đổi thói quen và lấy hóa đơn GTGT sau khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Để hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đạt kết quả cao cần được thực hiện với nhiều cách thức, phương tiện khác nhau. Sự phối, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông được xem là cách làm hiệu quả trong việc tiếp cận với các chính sách, quy định pháp luật về hóa đơn GTGT cũng như hỗ trợ đối tượng tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT khi có yêu cầu.
3.3.8. Đẩy nhanh hoạt động thanh toán qua ngân hàng, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt
Thanh toán qua ngân hàng là hình thức được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng khá lâu. Hình thức thanh toán này giúp nhà nước kiểm soát
được các hoạt động kinh tế phát sinh cũng như tính trung thực và chính xác. Với hình thức này, việc đối chiếu hóa đơn, chứng từ chính xác hơn. Thanh toán qua ngân hàng là xu thế tất yếu của các giao dịch trong tương lai. Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được Luật thuế GTGT khống chế mức sử dụng và gần đây tiếp tục là Luật Doanh nghiệp. Thủ tục thanh toán còn nhiều lúng túng. Để tiến tới áp dụng phổ biến cách thức thanh toán không dùng tiền mặt thì cần giảm khống chế mức sử dụng hơn nữa của các hành vi giao dịch.
3.3.9. Cải cách thủ tục hành chính thuế trong quản lý hóa đơn giá trị gia tăng
Với nội dung cải cách của Quyết định 732/QĐ-TTg, cải cách thủ tục hành chính thuế là tiền đề để hoàn thiện pháp luật hóa đơn GTGT. Việc tiến hành rà soát các quy trình, thủ tục về thuế để sửa đổi cho phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi để đối tượng nộp thuế thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý thuế. Ví dụ: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế khiến việc đối chiếu, xác minh hóa đơn GTGT hoặc hoạt động thanh tra, kiểm tra… tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Những phương hướng hoàn thiện, các giải pháp hoàn thiện pháp luật hóa đơn GTGT cũng như giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật hóa đơn GTGT được đưa ra dựa trên những lý luận chung nhất về hóa đơn cũng như xuất phát từ chính thực trạng sử dụng và quản lý hóa đơn nói chung và hóa đơn GTGT nói riêng ở Việt Nam. Với những đề xuất về các giải pháp nêu trên người viết hi vọng ít nhiều sẽ mang tới những gợi ý nhất định cho các nhà làm luật trong tương lai nhằm giải quyết tốt hơn những tồn tại cũng như những tình huống pháp lý mới phát sinh về hóa đơn GTGT.