Thực tế cho thấy, nhiều công trình triển khai các nội dung trong tiến trình hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay thương mại điện tử ở các khía cạnh như bình luận các quy định pháp luật, đánh giá tình phù hợp của các quy phạm pháp luật, đưa ra những góp ý, đề xuất, kiến nghị tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay thương mại điện tử. Một số công trình, bài viết khác thì lại tiếp cận theo hướng nghiên cứu thực trạng thực thi pháp luật trên thực tế, những khúc mắc, khó khăn, hạn chế để từ đó đề xuất các phương pháp, giải pháp giải quyết cho phù hợp, kịp thời đối với những vấn đề riêng lẻ có liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Nhìn chung, các vấn đề pháp luật liên quan tới vấn đề cụ thể là bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử vẫn còn ở ngưỡng chung chung, chưa cụ thể, chi tiết, rải rác ở nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về bảo vệ người tiêu dùng hoặc nghiên cứu về thương mại điện tử. Do đó, đây cũng là những gợi ý để nghiên cứu sinh tiếp thu và cố gắng hoàn thiện luận án của mình liên quan đến việc tiếp cận toàn diện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam.
1.4.4. Đánh giá kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu tổ chức thực thi và phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Vấn đề liên quan đến việc tổ chức thực thi và phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay thương mại điện tử cũng được nhiều công trình, bài viết đề cập, tiêu biểu là một số công trình đã liệt kê nói trên. Trong số đó, có một số công trình đã đưa ra những giải pháp, kiến nghị quan trọng nhằm giải quyết tốt mối quan hệ và cân bằng được lợi ích giữa hai chủ thể cơ bản liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử gồm: thương nhân và người tiêu dùng. Chúng ta đều biết rằng người tiêu dùng là bên yếu thế hơn trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử có quá nhiều rủi ro
giành cho người tiêu dùng, vậy nên cần hoàn thiện pháp luật với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trên thực tế.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu mới chỉ khai thác một vài khía cạnh trong hướng hoàn thiện pháp luật, một là bảo vệ người tiêu dùng và hai là thương mại điện tử chứ chưa kết hợp hai mặt này với nhau để có cái nhìn tổng quát, đa chiều về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Qua nghiên cứu, tổng hợp tài liệu, nghiên cứu sinh nhận thấy rằng nhiều công trình nghiên cứu về các cách thức hoàn thiện pháp luật hoặc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về các vấn đề liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử nhưng các công trình, bài viết này vẫn chưa thực sự phân tích logic các vấn đề từ hạn chế tới cách khắc phục mà thường đưa ra các quan điểm về các vấn đề rải rác như bảo mật thông tin, cơ chế giải quyết tranh chấp hay phòng tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng điện tử . Đây cũng là một nội dung đáng cân nhắc để nghiên cứu sinh rút ra kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài luận án này.
2. Định hướng nghiên cứu của luận án
Nắm bắt được tinh thần, quan điểm nghiên cứu từ góc độ lý luận đến thực tiễn của các công trình khoa học đã hệ thống hoá ở trên, nghiên cứu sinh cho rằng vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một trong những vấn đề mang tính thời sự của lĩnh vực pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Đây cũng là vấn đề được nhiều học giả, đặc biệt các học giả về kinh tế và pháp luật kinh tế quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Do vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề từ góc độ lý luận đến góc độ thực tiễn liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam luôn là vấn đề “nóng hổi”, phức tạp nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội, chính trị - kinh tế ở nước ta, đặc biệt là đối với hoạt động lập pháp của Việt Nam.
Đề tài luận án: “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam” trong bối cảnh tình hình xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng thương mại điện tử đang diễn ra với số lượng ngày càng tăng và phương thức thì cực kỳ đa dạng. Nhìn chung, trước đó, có nhiều công trình khoa học, bài viết viết xoay quanh chủ đề này những chưa được tiếp cận toàn diện hoặc đã tiếp cận những chưa ở mức độ sâu sắc, khúc chiết nên luận án của nghiên cứu sinh sẽ tiếp tục nghiên cứu và giải quyết những tồn đọng về quan điểm của còn hiện hữu, đồng thời, luận án cũng đi sâu phân tích, bình luận tổng thể các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử dước các góc độ lý luận và thực tiễn. Do đó luận án sẽ triển khai và nghiên cứu các nội dung trọng tâm như sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam - 2
- Các Công Trình Nghiên Cứu Thực Trạng Pháp Luật Việt Nam Về Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng Trong Thương Mại Điện Tử
- Các Công Trình Nghiên Cứu Hoàn Thiện Pháp Luật Về Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng Trong Thương Mại Điện Tử
- Đặc Điểm Của Thương Mại Điện Tử
- Khái Quát Về Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng Trong Thương Mại Điện Tử
- Lợi Ích Người Tiêu Dùng Đạt Được Khi Tham Gia Thương Mại Điện Tử
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
Thứ nhất, đưa ra khái niệm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, chỉ ra điểm đặc thù bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử với các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng nói chung cũng như sự cần thiết phải bảo vệ người tiêu dùng trong các hoạt động thương mại điện tử đặc biệt là mua bán hàng hoá qua mạng internet.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng khái niệm và xác định cấu trúc pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử từ đó xác định các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Bằng việc nghiên cứu, vận dụng kiến thức từ các nguồn tài liệu về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở các nước trên thế giới, luận án nhận xét những quy định nào phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đánh giá khả năng áp dụng những quy định này ở nước ta.
Thứ ba, nghiên cứu lý luận và thực tiễn một số nội dung pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong thương mại điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng điện tử; chế tài xử lý hành vi vi phạm và phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù giữa thương nhân và người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Thứ tư, từ những vấn đề nghiên cứu và giải quyết, luận án đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam, và tăng cường hiệu quả thực thi. Giải pháp vừa có tính tổng thể vừa có tính chất chi tiết để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.
3. Cơ sở lý thuyết của luận án
3.1. Các lý thuyết nghiên cứu
Luận án này được nghiên cứu dựa trên những lý thuyết sau:
- Lý thuyết về các quyền cơ bản của người tiêu dùng. “Người tiêu dùng, theo định nghĩa, bao gồm tất cả chúng ta” đây là lời mở đầu trong một thông điệp đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy gửi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1962. Trong thông điệp này Tổng thống Kennedy cũng đã đưa ra bốn quyền cơ bản của người tiêu dùng và sau đó được Quốc tế Người tiêu dùng bổ sung thêm và hiện nay gồm tám quyền cơ bản đó là: Quyền được thoả mãn các nhu cầu cơ bản; Quyền được an toàn; Quyền được thông tin; Quyền được lựa chọn; Quyền được lắng nghe; Quyền đòi bồi thường; Quyền được giáo dục và Quyền được hưởng môi trường lành mạnh. Để đảm bảo các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt trong sự phát triển của thương mại điện tử, đặt ra những yêu cầu thực tế và cấp thiết nhằm nghiên cứu giải pháp hoàn thiện pháp luật.
- Lý thuyết về bảo vệ người yếu thế. Trong quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng, người yếu thể được hiểu là người không có (hoặc khó có) khả năng tự thực hiện hành vi để hưởng quyền, không có (hoặc khó có) khả năng để tự bảo vệ hoặc là bên không có (hoặc khó có) sự bình đẳng so với chủ thể khác. Người tiêu dùng được coi là bên yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do vậy, Nhà nước đã thông qua các quy định của pháp luật góp phần giảm thiểu và làm cho địa vị của họ được cân bằng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế trong xã hội, trong đó có người tiêu dùng.
- Lý thuyết về bất cân xứng thông tin. Thông tin bất cân xứng (tiếng Anh: asymmetric information), trong kinh tế học, là trạng thái bất cân bằng trong cơ cấu thông tin - giữa các chủ thể giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau. Một người sẽ có thông tin nhiều hơn so với người khác về đối tượng được giao dịch. Trong giao dịch tiêu dùng, người tiêu dùng bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, khả năng kiểm định tính chính xác của thông tin nên có thể phải gánh chịu những bất lợi do sự phi đối xứng thông tin này đem lại. Do đó, quy định pháp luật cũng như thực tế thi hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải chú ý tới vấn đề này nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục các yếu thế về thông tin của người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử.
3.2. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
Với vấn đề “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam”, người viết nêu ra một số câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu sau:
Câu hỏi 1: Khái niệm người tiêu dùng trong thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử? Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử có những nét đặc thù riêng biệt nào so với bảo vệ người tiêu dùng truyền thống?
Giả thuyết 1: Người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử đạt được nhiều lợi ích nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro so với giao dịch theo phương thức truyền thống do hoạt động thương mại điện tử có nhiều đặc điểm khác biệt so với thương mại truyền thống. Từ đó, yêu cầu pháp luật bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch điện tử có những đặc trưng riêng, đáp ứng tốc độ phát triển của thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Câu hỏi 2: Nội dung các chế định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và thực trạng pháp luật Việt Nam về vấn đề này?
Giả thuyết 2: Các chế định pháp luật quan trọng khi điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử gồm: quyền của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; phương thức giải quyết tranh chấp; hệ thống thiết chế bảo vệ người tiêu dùng; các chế tài xử lý vi phạm.
Câu hỏi 3: Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử cần dựa trên các định hướng gì và giải pháp cụ thể như thế nào?
Giả thuyết 3: Trả lời cho câu hỏi có cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử với tình hình công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề vô cùng cấp bách. Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật nước ngoài và nghiên cứu các vấn đề xoay quanh bản chất và nội dung của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ làm rõ phương hướng hoàn thiện pháp luật tại Việt Nam hiện nay cho phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội, đảm bảo cho quyền lợi của người tiêu dùng trên thực tế. Đồng thời, tăng cường khả năng thực thi các quy định pháp luật, phối hợp hành động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và bản thân người tiêu dùng.
KẾT LUẬN PHẦN TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Lý luận và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một vấn đề được quan tâm nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Các nghiên cứu đi trước có ý nghĩa nhất định cho việc đặt nền móng cho các nghiên cứu tiếp theo, trong đó có Luận án này. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào nghiên cứu một cách có hệ thống, đánh giá một cách tổng thể các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi họ tham gia vào hoạt động thương mại điện tử.
Qua việc đánh giá tình hình nghiên cứu đề tài trong và ngoài nước, nghiên cứu sinh cho rằng việc thực hiện nghiên cứu pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Nội dung nghiên cứu của luận án là hệ thống hóa và hoàn thiện những vấn đề lý luận; phân tích và đánh giá các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định và cơ chế thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả nghiên cứu của Luận án hy vọng sẽ có ý nghĩa đáng kể cho việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử đồng thời góp phần phát triển nền thương mại điện tử ở Việt Nam.
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
1.1. Khái quát về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử
1.1.1. Khái quát về thương mại điện tử
1.1.1.1. Khái niệm thương mại điện tử
Sự phát triển và bùng nổ của hệ thống mạng Internet và công nghệ thông tin đã tạo nền tảng cơ sở cho sự ra đời của thương mại điện tử, đánh dấu những thay đổi đáng kinh ngạc trong hoạt động thương mại trên toàn cầu. Từ những năm 1960, ứng dụng thương mại đầu tiên của máy tính đã được thực hiện với hình thức là máy ghi và thanh toán điện tử. Như vậy có thể thấy máy tính đã được áp dụng vào thương mại trước khi internet ra đời. Vào khoảng những năm 1970 – 1980, các doanh nghiệp liên tục mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh như: gửi nhận các đơn đặt hàng, hóa đơn và thông báo vận chuyển bằng phương thức điện tử qua dịch vụ trao đổi thông điệp dữ liệu điện tử (EDI). Thương mại điện tử bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990 sau khi internet ra đời. Như vậy, dù không còn xa lạ gì với thế giới, nhưng phải đến những năm gần đây TMĐT mới được du nhập vào Việt Nam và ngày càng trở nên phổ biến.
Mặc dù đã xuất hiện khá lâu nhưng đến thời điểm này vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về TMĐT. Thuật ngữ “Thương mại điện tử” là cụm từ được dịch ra trong tiếng anh là “electronic commerce” (viết tắt là e-commerce), thể hiện bản chất của thương mại điện tử được công nhận rộng rãi đó là sự kết hợp của hai yếu tố “thương mại” (“commerce”) và điện tử (“electronic”). Nói cụ thể hơn, thương mại điện tử được hiểu là một lĩnh vực mà các hoạt động thương mại được hỗ trợ bởi các phương tiện, công cụ điện tử.