Mặc dù không trực tiếp đề cập tới việc bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT nhưng Chỉ thị 2000/31/EC vẫn được đánh giá là một bước hoàn thiện về pháp luật của EU trong lĩnh vực này. Chỉ thị 2000/31/EC tập trung vào hai mục đích chính: thúc đẩy sự phát triển của TMĐT và củng cố lòng tin của người tiêu dùng khi tham gia các hoạt động của TMĐT.
Các nghĩa vụ được Chỉ thị 2000/31/EC chú trọng là nghĩa vụ về thông tin, vấn đề quản lý thư rác và các vấn đề liên quan đến hợp đồng điện tử.
* Các Chỉ thị về bảo mật thông tin
Bảo mật thông tin luôn là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là với TMĐT. Do vậy, EC cũng không thể bỏ qua vấn đề này khi quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Các Chỉ thị liên quan đến vấn đề này bao gồm: Chỉ thị 95/46/EC về Bảo vệ dữ liệu đã được thay thế bởi Quy định bảo vệ dữ liệu chung 2016 (General Data Protection Regulation – GDPR). GDPR được xây dựng dựa trên nền tảng của Chỉ thị Bảo vệ dữ liệu 1995, nhưng có cập nhật và hiện đại hóa hơn với mục đích đối phó với những thách thức đặt ra bởi nền kinh tế kỹ thuật số. Khác với GDPR, Chỉ thị về Bảo mật và truyền thông điện tử 2002 (được sửa đổi năm 2009) quy định các quy tắc về quyền riêng tư và thông tin liên lạc được mã hóa, với mục đích bảo vệ các quyền cơ bản và quyền tự do (đặc biệt là quyền riêng tư) đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực viễn thông trong mạng điện tử công cộng và đảm bảo sự di chuyển tự do của dữ liệu đó. Tuy nhiên, trên thực tế Chỉ thị này được thực thi kém hiệu quả do việc thực hiện phân tán của các quốc gia thành viên và không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Do đó, Ủy bản Châu Âu đã công bố một đề xuất lập pháp khác nhằm điều chỉnh các quy tắc hiện hành phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đồng thời đề xuất dự định sẽ bãi bỏ Chỉ thị về Bảo mật và truyền thông điện tử 2002, thay vào đó sẽ cụ thể hóa và bổ sung cho GDPR.
* Chỉ thị về phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và thương
nhân
Chỉ thị 2013/11/EU về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ADR đối với người tiêu dùng. Giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cung cấp một giải pháp bên ngoài tòa án đơn giản, nhanh chóng và chi phí thấp để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân. Quy định số 524/2013 về phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến ODR bổ sung thêm cho Chỉ thị này các nền tảng và công cụ trực tuyến để giải quyết tranh chấp hữu hiệu hơn trong môi trường thương mại điện tử. Chỉ thị góp phần bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của NTD trong thương mại truyền thống cũng như thương mại điện tử bằng cách quy định NTD có quyền gửi khiếu nại của mình tới các chủ thể ADR và đảm bảo các chủ thể này phải đáp ứng các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, minh bạch, hiệu quả, nhanh chóng và công bằng trong giải quyết tranh chấp. Có thể nói, hệ thống các quy định của Liên minh Châu Âu về bảo vệ
NTD trong TMĐT được thiết lập bởi một loạt các Chỉ thị và Quy định điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến NTD và TMĐT nói riêng. Tuy nhiên mục đích của các quy định này đều nhằm mục tiêu tăng cường sự đảm bảo cho NTD khi giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử. Hệ thống pháp luật của EU được đánh giá là đa dạng, bao quát hầu hết các vấn đề phát sinh trong sự tăng trưởng nhanh chóng của TMĐT trong thời gian gần đây.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Có thể bạn quan tâm!
- Những Vấn Đề Lý Luận Cơ Bản Của Pháp Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng Trong Thương Mại Điện Tử
- Hệ Thống Các Văn Bản Pháp Luật Về Thương Mại Điện Tử
- Pháp Luật Quốc Tế Và Pháp Luật Một Số Nước Trên Thế Giới Về Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng Trong Thương Mại Điện Tử
- Quyền Sửa Đổi Và Hủy Bỏ Hợp Đồng Do Lỗi Kỹ Thuật
- Thực Trạng Pháp Luật Việt Nam Về Trách Nhiệm Của Tổ Chức, Cá Nhân Kinh Doanh Đối Với Người Tiêu Dùng Trong Thương Mại Điện Tử
- Trách Nhiệm Cung Cấp Bằng Chứng Giao Dịch Cho Người Tiêu Dùng
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
Thương mại điện tử tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã có những bước nhảy vọt trong thời gian vừa qua và ngày càng có chiều hướng gia tăng cả về hình thức thực hiện cũng như số lượng giao dịch. Đồng thời với những lợi ích mà TMĐT đem lại cho NTD thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà NTD gặp phải khi tham gia vào loại hình thương mại này.
Người tiêu dùng trong thương mại điện tử là cá nhân mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác cho các mục đích không phải thương mại, nghề nghiệp. Bản chất, người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một nhóm cụ thể xác định trong tổng thể khái niệm người tiêu dùng, chủ thể này có một đặc trưng riêng có đó chính là họ mua sắm hàng hoá, dịch vụ trong môi trường thương mại điện tử. Thương mại điện tử mang tới cho người tiêu dùng những lợi ích to lớn nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, đòi hỏi phải có sự can thiệp của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.
Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một lĩnh vực pháp luật bao gồm hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, quy định các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Pháp luật BVQLNTD trong TMĐT là một bộ phận trong Pháp luật BVQLNTD nói chung nên nó vẫn mang những đặc điểm của lĩnh vực pháp luật này, tuy nhiên nó vẫn có những đặc điểm riêng biệt gắn liền với bản chất của TMĐT, đó là: trao thêm quyền cho người tiêu dùng, đồng thời bổ sung các trách nhiệm đặc thù cho tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro mà thương mại điện tử mang lại; gắn liền với quy định về công nghệ và sự mở rộng, phát triển của TMĐT; mở rộng phạm vi đối tượng
áp dụng thêm cả các bên trung gian, hỗ trợ giao dịch điện tử giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh và hỗ trợ sự tăng trưởng hơn nữa của thị trường thương mại điện tử, vì lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Pháp luật bảo vệ NTD trong giao dịch điện tử tập trung quy định các vấn đề sau: (i) Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong giao dịch điện tử; (ii) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong thương mại điện tử; (iii) Hệ thống cơ quan, tổ chức về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam; (iv) Phương thức giải quyết tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trong thương mại điện tử;
(v) Xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Đồng thời, luận án cũng có nghiên cứu về pháp luật BVQLNTD trong
TMĐT tại một số nước trên thế giới cũng như các Khuyến nghị của Liên hợp
quốc và OECD về vấn đề này.
Nghiên cứu các vấn đề lý luận về pháp luật bảo vệ NTD trong TMĐT là bước tiên quyết để tiếp tục nghiên cứu về thực trạng quy định pháp luật và đưa ra những giải pháp, kiến nghị, góp phần đảm bảo quyền lợi của NTD trong môi trường điện tử.
Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Đây là một nội dung quan trọng của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD nói chung và bảo vệ NTD trong giao dịch điện tử nói riêng. Để NTD thực sự được bảo vệ cần có sự kết hợp giữa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, sự điều chỉnh của pháp luật và việc tự bảo vệ mình của NTD. NTD cần biết mình có quyền và nghĩa vụ như thế nào để khi đứng trước tổ chức, cá nhân kinh doanh, họ sẽ không cảm thấy “yếu thế” nữa. Do không có một văn bản pháp luật riêng biệt điều chỉnh cụ thể về bảo vệ NTD khi thực hiện những giao dịch thông qua các phương tiện điện tử như fax, điện thoại, mạng máy tính… nên những quy định về quyền và nghĩa vụ của NTD trong giao dịch điện tử chủ yếu được tìm thấy trong Luật BVQLNTD năm 2010.
Ghi nhận những quyền của NTD đã được Quốc tế NTD CI và Bản hướng dẫn của Liên hiệp quốc về bảo vệ NTD thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc số A/RES/39/248 ngày 16/4/1985, Luật BVQLNTD của Việt Nam đã cụ thể hóa những quyền mà NTD được hưởng tại Điều 8, đó là:
- Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng.
- Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không
tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Trên đây là những quyền mà NTD được hưởng khi thực hiện giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh dù là giao dịch bằng phương thức truyền thống hay phương thức điện tử. Khi giao kết hợp đồng điện tử với tổ chức, cá nhân kinh doanh thì NTD sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không nhận biết được chính xác mình đang giao kết với ai, thông tin về sản phẩm có đúng như công bố không và việc thanh toán, giao nhận hàng có an toàn hay không v.v…Chính vì những rủi ro mà NTD gặp phải trong giao dịch điện tử thường liên quan đến việc thiếu thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh, về sản phẩm nên quyền được cung cấp thông tin được coi là quyền quan trọng nhất của NTD khi thực hiện giao dịch qua các phương tiện điện tử.
Ngoài những quyền cơ bản của NTD được quy định tại Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2010 thì NTD trong giao dịch điện tử còn có thêm những quyền mang tính chất đặc thù như sau:
2.1.1. Quyền được cung cấp thông tin
Liên quan đến quyền được cung cấp thông tin, đây là một trong số các quyền cơ bản của NTD được Luật BVQLNTD quy định, phát sinh từ yếu thế cơ bản nhất của NTD trước thương nhân, đó chính là yếu thế về thông tin. Đặc biệt trong TMĐT, NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh ở cách xa nhau và NTD biết rất ít về danh tính của thương nhân, các thông tin cụ thể về sản phẩm, điều kiện giao dịch…
Theo quan niệm chung được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi, quyền được thông tin của NTD là quyền được cung cấp các dữ liệu thực tế cần thiết để đưa ra các quyết định tiêu dùng một cách có hiểu biết32.
Trong thời đại công nghệ bùng nổ, TMĐT đang ngày càng được NTD ưa chuộng thì thông tin chính là mấu chốt quyết định cho việc mua sắm hàng hoá, dịch vụ. Do sự phát triển tự do của thị trường này dẫn đến việc lượng thông tin mà NTD được cung cấp bị thiếu cân đối, những thông tin tốt về hàng hoá, dịch vụ, về thương nhân thì được cung cấp rất nhiều đồng thời bị thổi phồng còn những thông tin “xấu”, những thông tin cảnh báo về sản phẩm thì được thương nhân che giấu đi. Từ thực tế này, NTD nhận được thông tin dạng nào và đầy đủ ra sao sẽ tác động tới quyết định của NTD, nếu thông tin đầy đủ và chính xác, NTD sẽ trở thành NTD thông thái còn nếu thông tin bị sai lệch sẽ khiến NTD sai lầm trong việc mua hàng. Nhận thức được tầm quan trọng của “quyền được cung cấp thông tin của NTD” chính là bảo đảm cho việc bảo vệ NTD trong môi trường kỹ thuật số ngày nay.
32 Consumers International, Consumer Rights, nguồn: http://www.consumersinternational.org/who-we-are/consumer-rights ngày truy cập 10/12/2021.
Thực tế hiện nay, người tiêu dùng khi mua sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thông tin một chiều do người bán cung cấp. Ví dụ như khi gõ tìm kiếm mua “tai nghe iPhone chính hãng” thì đủ các loại sản phẩm với giá thậm chí dưới
100.000 đồng. Trong khi đó, với một tai nghe chính hãng, giá bán hiện được niêm yết là 800.000 đồng. Cửa hàng TimeZone (TP.HCM) đăng ký bán trên Lazada tai nghe iPhone với mức giá chỉ 15.000 đồng. Trong phần hỏi đáp, nhiều người đặt câu hỏi đây có phải hàng chính hãng không. Chủ shop trả lời qua loa và nói rằng đây là hàng đang giảm giá33.
Tại Việt Nam, khoản 2 Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2010 quy định NTD “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng”.
Theo quy định này, NTD được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về 3 yếu tố cơ bản là: (1) tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; (2) đối tượng của giao dịch hàng hóa, dịch vụ (trong đó có thông tin như nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các thông tin khác về đối tượng này) và (3) nội dung (các quyền và nghĩa vụ của mình và của các bên có liên quan) giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Quy định này mang tính chất chung chung, không cụ thể về những thông tin mà NTD có quyền được biết là những thông tin thuộc loại nào. Nếu áp dụng theo quy định trên, tất cả những thông tin được coi là có liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua hoặc sử dụng sẽ đều được coi là thông tin phải cung cấp cho NTD. Như vậy sẽ khó có tổ chức, cá nhân kinh doanh nào có thể đảm bảo được quyền của NTD được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, khi xét đến quyền được cung cấp thông tin của NTD, ta cũng phải xét
33Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Sai phạm của sàn thương mại điện tử: phạt quá nhẹ, nguồn: https://plo.vn/kinh-te/sai-pham-cua-san-thuong-mai-dien-tu-phat-qua-nhe- 787560.html ngày truy cập 10/12/2021.