Đối Với Người Sử Dụng Lao Động

lao động là “luật lao động” của đơn vị sử dụng lao động và nội quy lao động phải được ban hành theo nội dung, trình tự, thủ tục không trái với các quy định của pháp luật lao động.

Khi nội quy lao động đã được ban hành theo đúng quy định của pháp luật thì tất cả người lao động trong đơn vị sử dụng lao động phải tuân theo. Nếu người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung quy định trong nội quy lao động, người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm trước người sử dụng lao động. Điều này cũng xuất phát từ vị thế của người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động là chủ sở hữu tư liệu sản xuất, còn người lao động là người làm thuê, đem sức lao động của mình để tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ đơn vị sử dụng lao động. Văn bản do người sử dụng lao động ban hành sẽ thể hiện ý chí của người sử dụng lao động. Do đó, có thể nói nội quy lao động chính là “luật lao động” của đơn vị sử dụng lao động. Hơn nữa, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, yêu cầu phải có một trật tự nhằm duy trì sự vận hành thống nhất giữa những người lao động. Nội quy lao động là cơ sở để duy trì sự thống nhất đó. Mỗi người lao động là một mắt xích trong quá trình lao động sản xuất của đơn vị sử dụng lao động, do đó sự ăn khớp, hài hòa trong lao động của mọi người mới dẫn đến sự ổn định, thông suốt của quá trình sản xuất kinh doanh. Như vậy, việc phải tuân thủ những quy tắc xử sự của nội quy lao động vừa là yêu cầu bắt buộc vừa là yêu cầu khách quan xuất phát từ quá trình lao động.

Tuy nhiên, để hạn chế sự lạm dụng quyền năng đặc biệt trên của người sử dụng lao động và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, pháp luật lao động cũng đã có những quy định về nội dung, trình tự, thủ tục ban hành nội quy lao động buộc người sử dụng lao động phải tuân thủ. Nội dung của nội quy lao động phải đảm bảo những yêu cầu của pháp luật lao

động và không được trái với những quy định của pháp luật. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải tuân theo những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục ban hành nội quy lao động. Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện cho tập thể người lao động. Sau khi ban hành, nội quy lao động phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này đảm bảo sự quản lý của nhà nước trong việc thực hiện quyền quản lý của người sử dụng lao động. Nội quy lao động phải được công khai cho người lao động sau khi có hiệu lực. Nếu người sử dụng lao động vi phạm những quy định của pháp luật về nội quy lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính về các vi phạm đó.

Thứ ba, nội quy lao động là cơ sở để xử lý kỷ luật lao động.

Đặc điểm này xuất phát từ tính qui phạm của nội quy lao động. Nội quy lao động có tính bắt buộc đối với người lao động, vì vậy họ phải tuân theo trật tự, kỷ luật mà nội quy lao động quy định. Thêm vào đó, việc ban hành nội quy lao động là quyền của người sử dụng lao động, nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Từ đó có thể thấy nội quy lao động vừa là “luật lao động của doanh nghiệp”, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động của nhà nước.

Nội quy lao động quy định quy tắc, nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện. Đó là các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, trật tự tại nơi làm việc, việc bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, công nghệ,… của người sử dụng lao động. Những quy định này có tính bắt buộc đối với toàn thể người lao động trong đơn vị. Nếu người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc, nghĩa vụ đó sẽ bị xử lý theo các hình thức kỷ luật tương ứng quy định trong nội quy lao động.

Nội quy lao động quy định về các hành vi vi phạm kỷ luật lao động và các biện pháp xử lý kỷ luật lao động. Hành vi vi phạm kỷ luật bao gồm những hành vi vi phạm các quy tắc, nghĩa vụ được quy định trong nội quy lao động. Đơn vị sử dụng lao động chỉ được quyền xử lý kỷ luật người lao động nếu họ có hành vi vi phạm được quy định cụ thể trong nội quy lao động. Khi có hành vi vi phạm kỷ luật lao động xảy ra, người sử dụng lao động sẽ căn cứ vào những quy định có trong nội quy để đưa ra quyết định xử phạt. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa của quyền quản lý lao động thông qua nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Vì vậy, nội quy lao động được coi là một trong những cơ sở pháp lý để xử lý kỷ luật lao động.

Thứ tư, nội quy lao động thể hiện định hướng quản lý của người sử dụng lao động thông qua việc quy định các nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Nội quy lao động quy định những nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện, trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trật tự nơi làm việc; an toàn, vệ sinh lao động ở nơi làm việc; các hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật;... Những nội dung này sẽ căn cứ trên đặc điểm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, môi trường lao động của từng đơn vị sử dụng lao động mà có những quy định khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất sẽ có những quy định khác với một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Trong nội quy lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ không thể có những quy định về an toàn lao động khi làm việc tại nhà máy, cũng như trong nội quy lao động của doanh nghiệp sản xuất sẽ không có những quy định gắt gao về bảo mật thông tin khách hàng. Thời giờ làm việc của doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ được chia theo ca kíp để đảm bảo tiến độ sản xuất, trong khi đó thông

thường thời giờ làm việc của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chỉ có ca hành chính... Như vậy, thông qua nội quy lao động, chúng ta có thể nhận thấy những đặc điểm riêng của từng đơn vị sử dụng lao động.

Nội quy lao động theo pháp luật Việt Nam - 3

Qua những đặc điểm của nội quy lao động, chúng ta đã có thể dễ dàng phân biệt nội quy lao động với các văn bản nội bộ khác của đơn vị sử dụng lao động, ví dụ như so với thỏa ước lao động tập thể. Về mặt chủ thể, nếu như thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động, thì nội quy lao động lại là văn bản chỉ do người sử dụng ban hành (tuy có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động). Về mặt ý chí, thỏa ước tập thể được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và theo hướng có lợi hơn cho người lao động, còn nội quy lao động lại thể hiện ý chí của người sử dụng lao động và được xây dựng theo hướng có lợi nhất cho người sử dụng lao động. Về mặt nội dung, thỏa ước lao động tập thể thể hiện các điều kiện lao động và sử dụng lao động, về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động để từ đó lấy cơ sở tiến hành đàm phán các nội dung trong hợp đồng lao động, trong khi đó nội quy lao động quy định các nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện và là cơ sở để xử lý kỷ luật lao động. Về tính chất bắt buộc, thỏa ước lao động tập thể được Nhà nước khuyến khích chứ không phải là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp, nhưng nội quy lao động lại là văn bản bắt buộc phải có đối với những đơn vị sử dụng nhiều lao động.

Tóm lại, trên đây là bốn đặc điểm cơ bản của nội quy lao động, thể hiện rõ bản chất của nội quy lao động. Xuất phát từ vị thế “chủ sở hữu” với “đặc quyền” ban hành nội quy lao động, bất kỳ chủ sử dụng lao động nào cũng muốn xây dựng và ban hành nội quy lao động với những nội dung có lợi nhất cho mình, thậm chí lạm dụng quyền quản lý xâm phạm đến quyền và lợi ích

hợp pháp của người lao động. Vì vậy, pháp luật có những quy định chặt chẽ để nhằm hạn chế sự lạm quyền của chủ sử dụng lao động là phù hợp.

1.2. Vai trò của nội quy lao động

Nội quy lao động là cơ sở để tổ chức các hoạt động lao động tập thể cũng như đưa các hoạt động đó vào một trật tự nhất định, đảm bảo tính hợp lý và khoa học. Lênin đã từng nói: “Chúng ta phải củng cố cái mà bản thân chúng ta đã dành được, cái mà chúng ta đã ban bố trong các Sắc lệnh, đã hợp pháp, đã quy định, đã chủ trương, chúng ta phải củng cố tất cả những cái đó dưới những hình thức bền vững của lao động hàng ngày. Đó là nhiệm vụ gay go nhất nhưng đem lại nhiều kết quả nhất, vì chỉ có hoàn thành nhiệm vụ chúng ta mới thiết lập được chế độ xã hội chủ nghĩa” [24]. Và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh đã chứng minh vai trò quan trọng của nội quy lao động, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Nội quy lao động có vai trò quan trọng đối với cả Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động.

1.2.1. Đối với Nhà nước

Nội quy lao động có ý nghĩa rất lớn đối với Nhà nước, thể hiện trên cả hai bình diện kinh tế và xã hội. Vai trò này xuất phát từ bản chất nội quy lao động là cơ sở để duy trì nền nếp, trật tự trong đơn vị sử dụng lao động, sự ổn định và hài hòa trong quan hệ lao động. Sự ổn định của mỗi cá nhân dẫn tới sự ổn định chung cho một tập thể, vì vậy, sự ổn định phát triển kinh tế của mỗi doanh nghiệp là cơ sở ổn định của toàn xã hội.

Xét về mặt kinh tế, khi doanh thu của doanh nghiệp tăng thì sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước sẽ không nhỏ. Đó là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm giàu cho đất nước. Đồng thời, sự phát triển của các đơn vị sử dụng lao động sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, nâng cao nguồn thu

của ngân sách nhà nước hơn nữa, góp phần vào việc thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước, tạo ra sức mạnh nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Xét về mặt xã hội, nội quy lao động là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế của các đơn vị sử dụng lao động. Do đó, định hướng quản lý lao động của nhà nước được thể hiện trong nội quy lao động. Nói cách khác, thông qua nội quy lao động, Nhà nước đã gián tiếp tham gia quản lý lao động tại đơn vị sử dụng lao động ban hành nội quy lao động đó.

Hơn nữa, nội quy lao động là biện pháp hữu hiệu để xây dựng và đào tạo đội ngũ lao động cho đơn vị nói riêng và lực lượng xã hội nói chung: hùng mạnh, có tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và có tác phong công nghiệp hiện đại. Ở Việt Nam hiện nay, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động đang được xem là một vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp không muốn nhận lao động Việt Nam vì cho rằng lao động Việt Nam không có ý thức tổ chức kỷ luật tốt trong việc chấp hành nội quy lao động cũng như không có tinh thần trách nhiệm, tác phong công nghiệp. Vì vậy, việc chấp hành tốt nội quy lao động là cơ sở để đào tạo một lực lượng lao động xã hội cường mạnh, có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay.

Như vậy, nội quy lao động giữ vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất lao động của xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời nội quy lao động là “công cụ” Nhà nước gián tiếp sử dụng để quản lý lao động tại doanh nghiệp và nâng cao ý thức, tác phong lao động của người lao động.

1.2.2. Đối với người sử dụng lao động

Nội quy lao động là cơ sở pháp lý để người sử dụng lao động thực hiện quyền quản lý của mình một cách có hiệu quả trên thực tế. Nội quy lao động

của các đơn vị sử dụng lao động có thể được ví như “đạo luật” riêng của người sử dụng lao động để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của mình.

Nội quy lao động giúp người sử dụng lao động tổ chức hoạt động sản xuất, phân công lao động một cách khoa học và hợp lý. Dựa trên những quy tắc, mệnh lệnh được quy định trong nội quy lao động, người sử dụng lao động có quyền ra quyết định sắp xếp, tổ chức, điều hành sản xuất theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Như chúng ta đã biết, quá trình lao động sản xuất, kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp là một quy trình có sự liên kết của nhiều người, nhiều bộ phận, đòi hỏi phải có sự tổ chức, phân công chặt chẽ, hợp lý, sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người trong cùng một tập thể lao động. Điều đó đòi hỏi trong từng công đoạn, từng dây chuyền sản xuất và từng người lao động phải tuân theo chặt chẽ các quy trình, quy phạm kỹ thuật đến từng thao tác cụ thể. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có một văn bản có tính bắt buộc cao để đảm bảo trật tự, kỷ luật – đó chính là nội quy lao động. Nếu không có nội quy lao động thì người sử dụng lao động sẽ không có cơ sở và điều kiện để điều hành, tổ chức, phân công công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn tới kết quả sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, nội quy lao động là căn cứ pháp lý để thiết lập và duy trì trật tự, nền nếp trong đơn vị sử dụng lao động. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp là sự tăng lên đáng kể của số lượng người lao động. Với số lượng người lao động nhiều, mỗi cá nhân có một trình độ nhận thức, tâm sinh lý khác nhau thì việc quản lý lao động là một vấn đề không hề đơn giản đối với người sử dụng lao động. Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn trong doanh nghiệp nếu không có biện pháp hiệu quả để giải quyết triệt để. Người lao động có thể vô tình hay cố tình gây mất trật tự, ổn định hoặc làm thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nếu kỷ luật lỏng lẻo, nội quy lao động không được tuân thủ nghiêm túc. Chẳng hạn như:

người công nhân vận hành máy phát điện để xảy ra sự cố trên lưới điện của một khu công nghiệp dẫn tới cả khu công nghiệp đó phải ngừng vận hành máy móc, hoạt động sản xuất; một thủ kho hút thuốc lá trong kho nguyên liệu của một nhà máy sản xuất có thể dẫn tới hỏa hoạn, cháy nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp không có nguyên liệu để kinh doanh, sản xuất; một công nhân có hành vi trộm cắp tài sản của doanh nghiệp làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp; một tổ trưởng hay đi muộn về sớm có thể làm ảnh hưởng đến hàng trăm công nhân phải chờ đợi để nhận chỉ thị công việc, gây lãng phí nguồn lực lao động, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của đơn vị sử dụng lao động;… Để giải quyết vấn đề này, nội quy lao động là phương tiện hữu hiệu nhất giúp người sử dụng lao động duy trì ổn định, trật tự trong doanh nghiệp.

Nội quy lao động quan trọng đối với người sử dụng lao động còn bởi vì đó là cơ sở để quy kết trách nhiệm vật chất, xử lý kỷ luật người lao động vi phạm các quy định của nội quy lao động. Nội quy lao động quy định các hành vi được xem là vi phạm kỷ luật lao động và đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng. Vì vậy, nội quy lao động phải được ban hành và đăng ký theo đúng quy định pháp luật và công khai cho người lao động thì mới được coi là căn cứ hợp lệ để xem xét và xử lý kỷ luật lao động.

Ngoài ra, nội quy lao động có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là sự phát triển của quan hệ lao động. Khi nội quy lao động được mọi người lao động thực hiện nghiêm chỉnh, tức là mệnh lệnh của người sử dụng lao động đã được tuân thủ thì quan hệ lao động có khả năng được củng cố và duy trì. Sự bình ổn trong mối quan hệ lao động là cơ sở cho việc nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước. Từ việc đạt hiệu quả kinh doanh cao, người sử dụng lao động có điều kiện trở lại tiếp tục đầu tư, mở

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 04/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí