Những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang - 2


Hình 2.1: Mô hình đo lường nhận thức khách hàng về chất lượng dịch vụ của Gronroos (1984) 12

Hình 2.2: Mô hình khoảng cách chất lượng dịch vụ của Parasuraman và cộng sự (1985)

........................................................................................................................................13

Hình 2.3: Các thành phần chất lượng dịch vụ - Mô hình SERVQUAL 16

Hình 2.4: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng 19

Hình 2.5: Mô hình nghiên cứu của Lien Ti Bei và Yu Ching Chiao (2006) 20

Hình 2.6: Mô hình nghiên cứu của Tribe và Snaith (1998) 21

Hình 2.7: Mô hình thứ nhất của Bindu Narayan và cộng sự (2008) 22

Hình 2.8: Mô hình thứ hai của Bindu Narayan và cộng sự (2008) 23

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 142 trang tài liệu này.

Hình 2.9: Mô hình nghiên cứu của Poon và Low (2005) 24

Hình 2.10: Mô hình nghiên cứu đề nghị 32

Những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang - 2


TÓM TẮT ĐỀ TÀI


Mục tiêu của bài nghiên cứu này là tìm hiểu, phân tích những nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang. Bộ tiêu chí đánh giá các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch được đo lường bằng thang đo Likert 7 mức độ. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ kết quả khảo sát 412 du khách và được xử lý thông qua phần mềm SPSS 16.0, kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, kiểm định mô hình bằng phân tích hồi quy tuyến tính bội. Kết quả có 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch là Tài nguyên du lịch, Nhân viên phục vụ du lịch, An toàn và Vệ sinh, Giá cả cảm nhận và Cơ sở hạ tầng.


CHƯƠNG 1 - TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

1.1. Đặt vấn đề


Du lịch, hay còn có tên gọi chính thức là ngành công nghiệp không khói, là một ngành kinh tế siêu lợi nhuận, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Ngành du lịch đã được nhiều nước trên thế giới xem là ngành mũi nhọn kinh tế và đối với sự phát triển của các nước đang phát triển, ngành du lịch còn có vai trò đặc biệt quan trọng. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, không những là nguồn thu nhập chính, ngành xuất khẩu hàng đầu, du lịch còn tạo ra nhiều công ăn việc làm và cơ hội cho sự phát triển của các quốc gia này.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, du lịch hiện đóng một vai trò quan trọng, tạo ra nhiều việc làm và giá trị xuất khẩu, nâng cao thu nhập của cá nhân, nhất là ở các làng nghề, các điểm du lịch, là chiến lược trong phát triển nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập, du lịch còn là cơ hội giao lưu, hội tụ các nền văn minh vật thể và phi vật thể toàn cầu và tạo niềm tin, sự hiểu biết, tình đoàn kết giữa các dân tộc. Là điểm đến mới, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa khá phong phú, và giá cả thấp, ngành du lịch Việt Nam hiện đang phát triển khá nhanh và có tiềm năng, triển vọng tiến xa hơn.

Cùng sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 20 năm qua và sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2001-2010, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng. Theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg (2011) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đưa ra quan điểm: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”.


Tiền Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch. Thế mạnh của du lịch Tiền Giang chủ yếu nhờ vào các di tích văn hóa lịch sử và sinh thái, sông nước miệt vườn,… Các điểm du lịch mới được tôn tạo như khu du lịch cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, trại rắn Đồng Tâm, chợ nổi Cái Bè, biển Gò Công... là những điểm du lịch đang thu hút du khách đến tham quan ngày càng đông. Hoạt động du lịch sông nước Tiền Giang thể hiện nét văn hóa và nếp sống văn minh của người dân nơi đây, có thể nói đây là phương cách quảng bá hữu hiệu hình ảnh của miền Tây Nam Bộ hiền hoà.

Nhận thấy thế mạnh và tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với tỉnh Tiền Giang, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (2013) đã đưa ra quyết định thông qua Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung là “Đến năm 2020, ngành du lịch Tiền Giang cơ bản trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, có tính chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và có chất lượng cao” và “Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tiền Giang phát triển mạnh với sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, mang nét đặc trưng tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Để du lịch sông nước Tiền Giang được đầu tư phát triển đúng hướng, thu hút ngày càng đông khách du lịch thì chúng ta rất cần nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch để từ đó có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và mức độ hài lòng của du khách đối với du lịch tỉnh Tiền Giang.

Vì những lí do trên cùng với điều kiện thực tế là một cư dân sinh sống tại tỉnh Tiền Giang, tôi quyết định thực hiện luận văn với đề tài “ Những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang” với mong muốn luận văn này có thể tìm hiểu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang, từ đó có cơ sở đề


xuất các giải pháp để nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch, góp phần cho sự phát triển ngành du lịch của Tỉnh và cả nước.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu


Ngoài việc xây dựng mô hình đo lường sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang, nghiên cứu cũng quan tâm nhiều đến việc đề xuất một số giải pháp đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang với những mục tiêu cụ thể sau:

- Nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang.

- Đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang.

- Kiểm định sự khác biệt về đánh giá sự hài lòng giữa các nhóm du khách có đặc tính nhân khẩu học khác nhau.

- Đưa ra những giải pháp cho nhà quản trị nhằm nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch.

1.3. Phương pháp, đối tượng và phạm vi nghiên cứu


1.3.1. Phương pháp nghiên cứu


Nghiên cứu này được thực hiện qua hai bước chính là nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức.

- Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bằng phương pháp định tính, sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm tập trung để khám phá, hiệu chỉnh, bổ sung các biến quan sát nhằm xây dựng những tiêu chí đo lường sự hài lòng của khách du lịch.

- Nghiên cứu chính thức nhằm kiểm định thang đo và mô hình nghiên cứu của tác giả. Dùng kỹ thuật điều tra bằng bảng câu hỏi để thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu thông qua phần mềm SPSS 16.0.


1.3.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu là sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang.

Đối tượng khảo sát là những khách du lịch trong nước đã từng đi du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang trong vòng 3 năm kể từ ngày được khảo sát.

Phạm vi nghiên cứu: các điểm du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.


1.4. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài


Việc nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch sông nước tỉnh Tiền Giang trước hết giúp các nhà quản lý du lịch của Tỉnh nắm bắt được tình hình hiện tại các yếu tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch như thế nào để từ đó đề ra hướng đi, giải pháp đúng đắn giúp ngành du lịch phát triển đúng hướng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Tiền Giang, từ đó tạo nguồn thu cho Tỉnh, góp phần tăng GDP cho nền kinh tế quốc dân; tạo công ăn việc làm và đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả; đồng thời phát triển du lịch giúp nâng cao các giá trị văn hoá và truyền thống của địa phương.

Việc nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch định hướng được chiến lược phát triển, cũng như cải tiến các phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình và đạt được sự hài lòng cao hơn từ khách du lịch, từ đó phát triển thêm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là việc có tầm quan trọng sống còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thể hiện ở chỗ:


Thứ nhất, chất lượng dịch vụ luôn là nhân tố quan trọng nhất quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Thứ hai, từ chất lượng dịch vụ sẽ tạo nên uy tín, danh tiếng cho doanh nghiệp, đó chính là cơ sở cho sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ chính là biện pháp hữu hiệu kết hợp các lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Nâng cao sự hài lòng của khách du lịch sẽ giúp du lịch sông nước Tiền Giang ngày càng phát triển, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, từ đó:

- Thu hút một lượng lớn lao động địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch đã góp phần giải quyết việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, trên cơ sở phát triển các dịch vụ du lịch gắn với cộng đồng dân cư, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình, bộ mặt nông thôn khu vực phát triển du lịch đã được quan tâm, chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh môi trường, thể hiện nếp sống văn minh, nhiệt tình, hiếu khách của người dân vùng sông nước Nam bộ.

- Hoạt động du lịch cũng đã tạo điều kiện khôi phục, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử và các làng nghề truyền thống như làm cốm, kẹo, bánh tráng, bánh phồng, mật ong,… Nhờ hoạt động du lịch, cộng đồng có điều kiện để tham gia giới thiệu và bán các sản phẩm nghề truyền thống cho khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng chính là hình thức xuất khẩu tại chổ, là động lực đảm bảo sự tồn tại và phát triển các làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm và hạn chế những tệ nạn xã hội, tăng thu nhập gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ.

- Bên cạnh các dịch vụ chính nêu trên, việc phát triển du lịch đã tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển như: dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, trái cây đặc sản


địa phương,… đã tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch và tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.

Nói chung, nếu hiểu được sự hài lòng của khách du lịch chịu sự ảnh hưởng bởi các yếu tố nào, mong muốn của khách du lịch như thế nào sẽ giúp các nhà kinh doanh đưa ra chương trình phát triển du lịch, các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp mong muốn của du khách đồng thời đưa ra giải pháp giải quyết những khó khăn, bất cập trong ngành, cải thiện những cái chưa tốt để phục vụ khách du lịch tốt hơn, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng khách du lịch, nâng cao khả năng quay lại của khách du lịch nhằm mục đích tăng nguồn thu cho doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch của Tỉnh nói chung.

1.5. Kết cấu của báo cáo nghiên cứu


Kết cấu báo cáo nghiên cứu được chia làm 5 chương như sau: Chương I: Tổng quan về đề tài nghiên cứu

Chương II: Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu Chương III: Phương pháp nghiên cứu

Chương IV: Phân tích kết quả nghiên cứu

Chương V: Kết luận nghiên cứu và hàm ý cho nhà quản trị

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/12/2023