vậy, không giải quyết được hết các yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của người dân. Bởi các lẽ trên, LCC ra đời là một tất yếu khách quan để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn cũng như lý luận. Theo đó, hoạt động chứng thực được tách khỏi các quy định về công chứng, LCC chỉ điều chỉnh các vấn đề về công chứng như phạm vi công chứng, CCV, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng còn chứng thực được quy định riêng trong văn bản khác. "Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng" [55, Điều 2]. Định nghĩa này đã làm rõ bản chất của hoạt động công chứng, giúp phân biệt rõ hoạt động "công chứng" với hoạt động "chứng thực". Theo đó, công chứng có các đặc điểm: là hoạt động nghiệp vụ của CCV; đối tượng công chứng là hợp đồng, giao dịch; nghiệp vụ công chứng là xác nhận tính "xác thực, tính hợp pháp" của hợp đồng giao dịch; hình thức hợp đồng, giao dịch là văn bản; công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch mà pháp luật có quy định hoặc do tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng.
Thỏa thuận của vợ chồng là hành vi thể hiện ý chí tự nguyện của vợ chồng để thống nhất về một vấn đề nào đó. Thỏa thuận này có thể được công chứng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của vợ chồng. Do vậy, việc công chứng thỏa thuận của vợ chồng được hiểu là việc vợ, chồng yêu cầu CCV xác định tính xác thực, tính hợp pháp của các thỏa thuận được thể hiện bằng hình thức văn bản, sau khi vợ chồng đã bàn bạc và thống nhất.
Từ phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng như sau: Công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng là việc CCV xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng bằng văn bản theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
1.2.3. Yêu cầu đối với văn bản công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng
LCC không có quy định riêng đối với việc công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Vì vậy, việc công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng được thực hiện theo quy định chung về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của LCC và quy định của pháp luật có liên quan đến tài sản của vợ chồng.
1.2.3.1. Yêu cầu về hình thức đối với văn bản công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng
Về mặt hình thức, thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải được thể hiện bằng văn bản, đây là hình thức bắt buộc để CCV xem xét và công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, văn bản là hình thức thông dụng nhất chứa đựng nội dung thỏa thuận của các bên có liên quan. Văn bản là bằng chứng rõ ràng thể hiện ý chí của các bên liên quan đến thỏa thuận về tài sản. Căn cứ văn bản thỏa thuận của các bên, CCV xem xét nội dung thỏa thuận, hồ sơ yêu cầu công chứng và đối chiếu với các quy định của pháp luật để từ đó quyết định công chứng hoặc từ chối công chứng các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng.
Có thể bạn quan tâm!
- Những khía cạnh pháp lý của việc công chứng các thỏa thuận tài sản của vợ chồng - 2
- Quyền Sở Hữu Của Vợ, Chồng Đối Với Tài Sản Riêng
- Mối Quan Hệ Giữa Các Quy Định Về Quyền Sở Hữu Tài Sản Của Vợ Chồng Và Việc Công Chứng Các Thỏa Thuận Về Tài Sản Của Vợ Chồng
- Các Trường Hợp Phát Sinh Yêu Cầu Công Chứng Thỏa Thuận Về Tài Sản Của Vợ Chồng
- Yêu Cầu Công Chứng Theo Ý Chí Tự Nguyện Của Vợ Chồng
- Công Chứng Thỏa Thuận Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
Văn bản công chứng không chỉ ghi nhận ý chí của vợ chồng trong việc thỏa thuận về tài sản mà còn là phương tiện xác nhận ý chí của vợ chồng. Để đảm bảo quyền lợi của vợ chồng cũng như hạn chế các tranh chấp sau này có thể phát sinh, văn bản công chứng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự, vợ, chồng phải ký vào từng trang của văn bản công chứng. Trên cơ sở văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng và đã có chữ ký xác nhận của các bên, CCV chứng nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng.
1.2.3.2. Yêu cầu về nội dung của văn bản công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 của LCC thì văn bản công chứng gồm hai nội dung: "hợp đồng, giao dịch" và "lời chứng của công chứng viên".
- Đối với nội dung "hợp đồng, giao dịch":
Hợp đồng, giao dịch có thể do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo hoặc yêu cầu cơ quan công chứng soạn thảo.
Hợp đồng, giao dịch suy cho cùng là sự thể hiện ý chí của các thủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Việc bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch chỉ là quy định bắt buộc về hình thức, còn nội dung của thỏa thuận phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể. Tuy nhiên, hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng soạn thảo hay cơ quan công chứng soạn thảo cũng phải phù hợp với những đặc thù riêng của từng loại hợp đồng, giao dịch và đặc thù của tài sản thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Đối với việc tặng cho quyền sử dụng đất, thì văn bản tặng cho phải được thể hiện dưới hình thức hợp đồng, nội dung văn bản phải phù hợp với các nội dung của Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Bộ luật Dân sự (BLSD) năm 2005. Tuy nhiên, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ yêu cầu lập dưới hình thức văn bản có đủ chữ ký của cả hai vợ chồng, nội dung phải ghi rõ: lý do chia tài sản, phần tài sản chia, mô tả tài sản, giá trị tài sản chia, thời điểm có hiệu lực và các nội dung khác.
Để thuận lợi hơn cho người yêu cầu công chứng và các cơ quan công chứng trong việc soạn thảoỏa hợp đồng, giao dịch, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất và ban hành một số mẫu hợp đồng để người yêu cầu công chứng và cơ quan công chứng tham khảo, thực hiện.
Formatted: Vietnamese (Vietnam)
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng cũng như các CCV trong việc xây dựng hợp đồng, giao dịch, tại một số địa phương, cơ quan có thẩm quyền cũng đã xây dựng một số biểu mẫu để áp dụng thống nhất trên địa bàn và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ngày 15/7/2005, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 123/2005/QĐ-UBND về ban hành 76 biểu mẫu trong lĩnh vực công chứng, chứng thực.
Các biểu mẫu về công chứng, chứng thực ban hành kèm theo quyết định này gồm những yêu cầu, nội dung cơ bản phải có theo quy định của pháp luật. Người sử dụng mẫu có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung trong mẫu cho phù hợp với từng giao dịch cụ thể nhưng phải đảm bảo nội dung cơ bản của mẫu, không trái pháp luật và đạo đức xã hội [66, Điều 3].
Căn cứ vào các biểu mẫu do cơ quan có thẩm quyền ban hành, người yêu cầu công chứng có thể tự soạn thảo văn bản công chứng mà không phải tốn kém tiền thuê người soạn thảo cũng như sử dụng dịch vụ soạn thảo của cơ quan công chứng.
- Đối với nội dung "lời chứng":
LCC quy định cụ thể nội dung phần lời chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm công chứng, họ, tên CCV, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật, chữ ký trong hợp đồng, giao dịch là đúng chữ ký của người tham gia hợp đồng, giao dịch; có chữ ký của CCV và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. So với phần quy định về lời chứng tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì LCC đã có quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Phần lời chứng cũng thể hiện yêu cầu cơ bản mà CCV phải xác định và chứng nhận khi thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch.
1.2.3.3. Trình tự, thủ tục chung công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng
Trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được thực hiện như sau:
+ Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu; dự thảo hợp đồng, giao dịch (nếu người yêu cầu công chứng tự soạn thảo); bản sao giấy tờ tùy thân; bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó. Tùy từng trường hợp, người yêu cầu công chứng phải có thêm các giấy tờ như: "bản sao hộ khẩu"; "đơn xin tách thửa, hợp thửa trong trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất"; "bản sao di chúc"; "giấy chứng tử"… [12].
"Khi nộp bản sao thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để đối chiếu" [55, Điều 35]. Bản chính sẽ được trả lại ngay cho người yêu cầu công chứng.
+ CCV tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng:
Trường hợp có căn cứ cho rằng hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì CCV đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, CCV tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
CCV kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với thực tế thì CCV phải chỉ rõ
cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì CCV có quyền từ chối công chứng.
Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.
Nếu người yêu cầu công chứng yêu cầu CCV soạn thảo hợp đồng, giao dịch thì CCV thực hiện soạn thảo hợp đồng, giao dịch và hẹn ngày, giờ để người yêu cầu công chứng đến ký văn bản công chứng.
+ Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc CCV đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. CCV ghi lời chứng và ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
+ Người yêu cầu công chứng nộp phí công chứng theo quy định của Nhà nước, trả thù lao soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến công chứng theo thỏa thuận với cơ quan công chứng (nếu yêu cầu CCV soạn thảo, đánh máy hợp đồng, giao dịch hoặc sao chụp hợp đồng, giao dịch đã công chứng).
+ CCV bàn giao văn bản công chứng cho người yêu cầu công chứng.
Mặc dù, LCC ra đời đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng. Tuy nhiên, ngoài các quy định chung về công chứng hợp đồng, giao dịch thì LCC cũng chỉ mới có quy định cụ thể về thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản và nhận lưu giữ di chúc. LCC chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về nội dung của một số văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Các quy định của pháp luật có liên quan như LHN&GĐ năm 2000, Luật Đất đai năm 2003, Luật Nhà ở năm 2005… cũng chỉ quy định được một vài trường hợp công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng, rất nhiều các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng được yêu
cầu công chứng thường xuyên thì vẫn chưa có hướng dẫn như: văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng vào khối tài sản chung của vợ chồng...
Theo chúng tôi, mặc dù căn cứ vào từng trường hợp yêu cầu công chứng cụ thể mà người yêu cầu công chứng, CCV soạn thảo văn bản công chứng cho phù hợp với nội dung yêu cầu công chứng và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các vấn đề này, làm cơ sở cho người yêu cầu công chứng, CCV tham khảo thực hiện, giảm bớt thời gian soạn thảo hợp đồng, giao dịch, thời gian sửa chữa, làm lại nhiều lần, đồng thời cũng hạn chế sự sách nhiễu mà cơ quan công chứng có thể đòi hỏi đối với người yêu cầu công chứng.
1.3. Ý NGHĨA PHÁP LÝ CỦA VIỆC CÔNG CHỨNG THỎA THUẬN VỀ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG
Công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng không chỉ là một biện pháp để nhà nước kiểm soát các hợp đồng, giao dịch liên quan đến những tài sản, đặc biệt là những tài sản như quyền sử dụng đất, nhà ở. Việc công chứng còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của vợ, chồng và người có quyền lợi liên quan đến tài sản của vợ chồng, hạn chế các tranh có thể phát sinh.
- Đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng.
Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng thể hiện ý chí tự nguyện của vợ chồng liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế mà các văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng có thể không phản ánh đúng ý chí thực của các bên.
Trong trường hợp vợ chồng yêu cầu công chứng thỏa thuận về tài sản thì ngay từ khi tiếp nhận yêu cầu công chứng, CCV có thể hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu công chứng biết các quy định của pháp luật có liên quan, quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên đối với tài sản, phát hiện và từ chối việc công chứng hợp đồng nhằm mục đích vụ lợi của một bên... Từ đó,
sẽ hỗ trợ cho người yêu cầu công chứng hướng đến ý chí thực của mình, đó chính là việc chứng nhận tính xác thực của thỏa thuận. "Tính xác thực" còn thể hiện ở việc CCV xác định văn bản, tài liệu, sự kiện pháp lý và các thông tin liên quan đến yêu cầu công chứng là có thật như: bảo đảm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật, đảm bảo xác định được đúng người giao kết hợp đồng, giao dịch, bảo đảm đúng thời gian, địa điểm thực hiện công chứng...
Hệ thống pháp luật nước ta nói chung và pháp luật điều chỉnh về tài sản nói riêng không những đa dạng về chủng loại mà còn có số lượng vô cùng lớn. Một ngành luật liên quan đến tài sản của vợ chồng có thể có tới hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành của hàng chục cơ quan khác nhau, cả độc lập lẫn liên ngành. Vì vậy, hệ thống pháp luật không tránh khỏi các quy định chồng chéo, chưa rõ ràng. Để thực hiện thỏa thuận về tài sản giữa vợ và chồng, đảm bảo được giá trị pháp lý của thỏa thuận, vợ chồng cần phải có những kiến thức pháp luật cần thiết, tuy nhiên, với những hạn chế của pháp luật như phân tích ở trên, vợ chồng khó có thể bảo đảm được các điều kiện của văn bản thỏa thuận về tài sản theo quy định của pháp luật. Việc công chứng thỏa thuận về tài sản của vợ chồng sẽ đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật, từ đó đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng.
- Công chứng các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng có vai trò tích cực trong việc phòng ngừa các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng hoặc giữa vợ, chồng với người thứ ba.
Việc công chứng đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng, đảm bảo thỏa thuận được thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của người yêu cầu công chứng, việc thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó đảm bảo được quyền và lợi ích của vợ chồng, hạn chế được các tranh chấp phát sinh giữa vợ chồng với nhau.