nhà nước, đồng thời đã cơ bản khái quát về mặt lý luận vai trò của nhà nước đối việc thực hiện công bằng xã hội ở nước ta - là môi trường quan trọng để phát huy tối đa các nguồn lực cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Từ các công trình, đề tài trong nước và trên thế giới có thể thấy số lượng các đề tài nghiên cứu về “vai trò của nhà nước” rất phong phú, đồ sộ. Mỗi công trình một góc độ nghiên cứu đã cho thấy vai trò của nhà nước tác động toàn diện lên các vấn đề kinh tế - xã hội và phát triển của mỗi quốc gia: từ kinh tế, chính trị, công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội đến bảo vệ môi trường sinh thái… Các công trình đó là tài liệu quý giá, là cơ sở khoa học để nghiên cứu sinh này tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong phạm vi nghiên cứu của luận án này.
Tuy nhiên, các công trình nêu trên, ở những góc độ nghiên cứu khác nhau mới dừng lại ở việc nghiên cứu, đánh giá vai trò của nhà nước đối với từng mặt, từng lĩnh vực của đời sống, qua đó làm rõ vai trò của nhà nước đối với các nguồn lực cho sự phát triển đất nước một cách riêng lẻ ở những lát cắt khác nhau như: vai trò của nhà nước trong việc phát huy nguồn nhân lực, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực khoa học công nghệ, các sức mạnh kinh tế… Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống vai trò của nhà nước đối với việc phát huy nội lực, ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở nước ta dưới góc độ Triết học. Điều đó, tạo ra khoảng trống về lý luận để tác giả luận án đi sâu nghiên cứu, phân tích.
1.3. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ NGHIÊN CỨU VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG MÀ LUẬN ÁN TIẾP TỤC PHẢI THỰC HIỆN
Từ tổng quan tình hình nghiên cứu nêu trên, có thể thấy, các công trình, đề tài, các tác giả trong và ngoài nước đã có những đóng góp khoa học, có giá trị về cả lý luận và thực tiễn khi nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực, ngoại lực, tổng thể các nguồn lực cho sự phát triển và vấn đề nâng cao vai trò của nhà nước đối với việc phát huy nội lực và ngoại lực để xây dựng và phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế hiện nay. Những đóng góp đó thể hiện trên một số phương diện cơ bản sau:
Một là, các công trình kể trên, từ nhiều góc độ nghiên cứu đã làm sáng tỏ những lý luận căn bản về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những tác động nhiều chiều của quá trình này đến vai trò của nhà nước nói riêng và sự phát triển nói chung của của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam, đồng thời cho thấy đây là một quá trình phức tạp cần tiếp tục được xem xét, nghiên cứu để có chiến lược hội nhập quốc tế ngày càng tích cực, hiệu quả.
Hai là, các công trình, đề tài nghiên cứu trong lịch sử đã từng bước làm sáng tỏ khái niệm nguồn lực, nội lực, ngoại lực và vai trò của chúng trong việc xây dựng và phát triển đất nước của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Ba là, các công trình đã làm rõ tính tất yếu của việc phát huy nội lực và ngoại lực cho sự phát triển trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam, đồng thời đánh giá thực trạng, khai thác, sử dụng các nguồn lực đó và đề xuất những phương hướng, giải pháp để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhà nước với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay - 1
- Nhà nước với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay - 2
- Nhà nước với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay - 3
- Mối Quan Hệ Biện Chứng Giữa Nội Lực Và Ngoại Lực
- Sự Cần Thiết Phải Phát Huy Nội Lực Và Ngoại Lực Trong Hội Nhập Quốc Tế Ở Việt Nam Hiện Nay
- Phát Huy Nội Lực Và Ngoại Lực Giúp Việt Nam Tận Dụng Thời Cơ, Vượt Qua Thách Thức Trong Thời Kỳ Hội Nhập Để Phát Triển
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Bốn là, các công trình đã làm rõ vai trò, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó chỉ ra vai trò tác động của nhà nước đối với từng nguồn lực, từng mặt, từng lĩnh vực của đời sống. Hầu hết các công trình đều chỉ ra những hạn chế của nhà nước như: chất lượng văn bản pháp lý, bộ máy chưa hiệu quả, đội ngũ công chức còn thiếu và yếu... từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục trên nhiều phương diện, ở nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau.
Với những đóng góp đó, các công trình nghiên cứu nêu trên đã trang bị những cơ sở lý luận căn bản và những bằng chứng khoa học từ thực tiễn về vấn đề phát huy nội lực, ngoại lực, nâng cao vai trò của nhà nước đối với việc phát huy các nguồn lực cho sự phát triển. Đó là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho những nhà hoạch định chính sách, những người nghiên cứu về vấn đề này.
Tuy nhiên, từ tổng quan tình hình nghiên cứu, có thể nhận thấy, cho đến nay, chưa có một công trình, đề tài nào nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ Triết học vấn đề vai trò của nhà nước với việc phát huy nội lực và
ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay. Điều đó thôi thúc tác
giả luận án đi sâu, tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và bổ sung các kết quả nghiên cứu nêu trên, luận án sẽ làm sáng tỏ thêm một số nội dung sau:
- Làm sáng tỏ quan niệm về nội lực, ngoại lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước thời kỳ hội nhập và các luận cứ khoa học về vai trò của nhà nước trong việc phát huy nội lực, ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.
- Phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với nhà nước trong việc
phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế hiện nay.
- Đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của nhà nước đối với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Tiểu kết chương 1
Những vấn đề liên quan tới vai trò của nhà nước, vấn đề phát huy nội lực, ngoại lực trong hội nhập quốc tế đã được các nhà nghiên cứu tiếp cận và giải quyết ở các phương diện khác nhau. Các công trình cũng đã làm rõ vai trò của nhà nước đối với sự phát triển của tổng thể nền kinh tế - xã hội nói chung và từng lĩnh vực của đời sống nói riêng; chỉ ra sự cần thiết phải phát huy nội lực và ngoại lực cho sự phát triển; đồng thời chỉ rõ những thời cơ, thách thức đặt ra đối với việc phát huy vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều hành, phát huy nội lực, ngoại lực cho sự phát triển trong điều kiện quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay.
Các công trình nghiên cứu nói trên liên quan chặt chẽ đến nội dung đề tài của luận án, là nguồn tư liệu quý giá để luận án tiếp thu, bổ sung và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề vai trò của nhà nước đối với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay được nghiên cứu dưới góc độ Triết học là một vấn đề phức tạp và còn nhiều mới mẻ, chưa có tác giả nào đi sâu nghiên cứu một cách độc lập, toàn diện về vấn đề này. Vì vậy, phân tích, làm sáng tỏ vấn đề này ở nước ta hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng cần thiết.
Nghiên cứu đề tài “Nhà nước với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hôi nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay”, luận án mong muốn góp phần bổ sung lý luận cho nhóm những công trình nghiên cứu những vấn đề nêu trên, cụ thể là: hệ thống hóa lý luận về vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ vai trò của nhà nước đối với việc phát huy nội lực và ngoại lực ở nước ta trong hội nhập quốc tế hiện nay; đánh giá thực trạng và đề xuất một số quan điểm, giải pháp nâng cao vai trò của nhà nước đối với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.
Chương 2
TÍNH TẤT YẾU VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT HUY NỘI LỰC, NGOẠI LỰC
TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. NỘI LỰC, NGOẠI LỰC VÀ MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA NỘI
LỰC, NGOẠI LỰC TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1.1. Quan niệm về nội lực và ngoại lực
Khái niệm “nội lực” và “ngoại lực” cho sự phát triển đất nước thực chất không phải đến nay mới được nêu lên ở Việt Nam. Các nhà khoa học tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, tùy thuộc vào từng góc độ nghiên cứu đã nhiều lần nêu lên các quan niệm khác nhau xung quanh khái niệm này.
2.1.1.1. Nội lực
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát huy nội lực dân tộc, Người gọi đó là “sức mạnh dân tộc”. Tuy không nêu thành định nghĩa “sức mạnh dân tộc”, song trong toàn bộ trước tác của mình, Người đã đưa ra các quan niệm khác nhau về khái niệm này. Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh dân tộc được xác định là sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần đã đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách hiểm nghèo, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Với Hồ Chí Minh, sức mạnh tinh thần của dân tộc chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa dân tộc mà nổi bật là truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết - cố kết dân tộc, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần yêu lao động, tự lực, tự cường, anh hùng, bất khuất... Trong đó, chủ nghĩa yêu nước được Người đánh giá rất cao và coi đó là yếu tố cốt lõi nhất của sức mạnh tinh thần của dân tộc. Bên cạnh đó, sức mạnh dân tộc về tinh thần, theo Hồ Chí Minh còn được biểu hiện ở truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam - một nền văn hóa lấy nhân nghĩa làm gốc, coi trọng đạo lý làm người, đề cao trách nhiệm, bổn phận của cá nhân đối với gia đình, làng nước, Tổ quốc, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn... Chính bản sắc văn hoá truyền thống đó đã tạo nên
một Việt Nam với nhiều nét độc đáo, khác biệt với các dân tộc khác. Cũng chính bản sắc đó đã góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc to lớn chống lại sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc hay sự nô dịch của đế quốc phương Tây, giữ vững một dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Hồ Chí Minh cũng đồng thời làm rõ sức mạnh vật chất của dân tộc trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Việt Nam. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thắng lợi của quần chúng, thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu, hy sinh và trí thông minh của hàng triệu nhân dân” [72, tr.372]. Nhận thức được vai trò, sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí minh kêu gọi phải biết liên kết những sức mạnh đó thành khối đại đoàn kết toàn dân, đó là khối sức mạnh vững chắc của toàn dân tộc có thể hiện thực hóa mọi lý tưởng, mục tiêu của cách mạng Việt Nam: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”, “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta” [68, tr.392]. Tuy nhiên, Người cũng chỉ ra rằng, sức mạnh của quần chúng chỉ được phát huy đầy đủ, đúng đắn khi có sự lãnh đạo của một “đảng cách mệnh” chân chính: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi” [65, tr.268].
Như vậy, Hồ Chí Minh tuy không trực tiếp nêu lên định nghĩa nào về “sức mạnh dân tộc” - về nguồn nội lực của đất nước, nhưng hơn bất cứ nhà tư tưởng nào trước đó, Người đã nhận thức, làm rõ những nội dung và giá trị của sức mạnh dân tộc. Và cũng chính Người đã tận dụng, đem sức mạnh ấy vào cải tạo thực tiễn, làm nên những thành công vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về sức mạnh dân tộc đã làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm nội lực đất nước trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, bao gồm cả nội lực về vật chất và nội lực về tinh thần mà quan trọng nhất,
như Người đã chỉ ra, đó là yếu tố về và con người Việt Nam. Đây là quan niệm đúng đắn, đặt nền móng cho tư duy lý luận về nội lực đất nước hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xác định nội lực của Việt Nam trong điều kiện mới, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên cho rằng: “Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, chính nghĩa dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin” [78]. Quan niệm này đã tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh dân tộc trong thời đại mới, xác định những nội dung cốt lõi của sức mạnh dân tộc hay chính là nội lực quốc gia giúp chúng ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời chỉ ra những tiềm năng, vị thế đất nước để chúng ta tự tin, vững bước tham
gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Khi nghiên cứu vấn đề “nguồn lực”, từ góc độ phạm vi tác động của các nguồn lực, Tiến sỹ Đoàn Văn Khái cũng đã đưa ra khái niệm về nội lực. Ông chỉ ra rằng, theo quan hệ phạm vi bên trong - bên ngoài và mỗi quốc gia với tư cách là một sự vật thì có các nguồn lực bên trong hay chính là nội lực, bao gồm: con người, vốn, cơ sở vật chất, tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đó [54, tr.59]. Đây đều là những nhân tố có vai trò to lớn đối với sự phát triển, là nội lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Quan niệm này đã chỉ ra được những nội dung quan trọng trong khái niệm nội lực xuất phát từ cơ sở triết học về mối liên hệ bên trong và bên ngoài của sự vật hiện tượng. Nó chỉ ra cơ sở khoa học cho chúng ta khi nghiên cứu nội lực đất nước, đặc biệt là nội lực trong mối quan hệ với ngoại lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài, các học giả kinh tế ở các nước tư bản… cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề “nội lực” của Việt Nam. Ở góc độ nghiên cứu kinh tế, Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) cho rằng, nội lực nhìn ở tầm vĩ mô bao gồm 3 yếu tố: vốn, công nghệ, nguồn lực kinh doanh (năng lực quản lý và khả năng kinh doanh) [99]. Tuy nhiên, quan niệm này
chỉ phân tích nội lực của Việt Nam ở góc độ kinh tế mà chưa thấy hết được giá trị của những nguồn lực khác làm nên sức mạnh của đất nước trong quá khứ, hôm nay và trong tương lai như: con người Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta...
Trước những yêu cầu của thực tiễn quá trình hội nhập quốc tế, trước những quan niệm khác nhau về nội lực của Việt Nam, ở góc độ của chủ thể lãnh đạo việc phát huy nội lực, Đảng ta nhấn mạnh những nội hàm quan trọng, cốt lõi nội lực quốc gia hiện nay:
Phát huy nội lực trước hết là phát huy nguồn lực con người, nguồn lực của toàn dân tộc, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và sử dụng tốt nhất các nguồn lực của Nhà nước. Điều có ý nghĩa quyết định là phải có chính sách phù hợp để phát huy tối đa khả năng về vật chất, trí tuệ, và tinh thần của mọi người dân, của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân - một nguồn lực giàu tiềm năng của dân tộc ta [30, tr.179-180].
Như vậy, Đảng ta chỉ rõ, nội lực đất nước trong hội nhập quốc tế hiện nay bao gồm cả những yếu tố vật chất và tinh thần, trong đó quan trọng và cốt lõi nhất là yếu tố con người Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên, các thành phần kinh tế, đặc biệt, Đảng ta đánh giá nhà nước cũng là một nguồn lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng đây là những quan điểm mang ý nghĩa lãnh đạo, hoạch định về mặt chủ trương, do đó, các quan điểm này cần được cụ thể hóa và tiếp tục làm rõ.
Qua nghiên cứu các quan niệm về “nội lực”, có thể nhận thấy, mỗi nhà tư tưởng ở những góc độ nghiên cứu khác nhau, ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau đều nêu ra những quan điểm riêng. Các quan điểm đó tương đối thống nhất với nhau về mặt nội hàm khái niệm khi xác định nội lực là những yếu tố vật chất và tinh thần của quốc gia nhằm xây và phát triển đất nước; còn về mặt ngoại diên khái niệm có sự khác biệt khá rõ ràng giữa các quan điểm.
Do đó, để nhận thức đúng đắn về nội lực cần thống nhất một số quan điểm sau: