động Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chỉ bằng khoảng 60% của Ấn Độ, 34% của Trung Quốc, 9% của Malaysia và chỉ bằng 2% của Nhật Bản. Đối với những ngành đòi hỏi trình độ, tay nghề kỹ thuật cao như lĩnh vực công nghệ thông tin, chất lượng lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác do thiếu các khả năng như: ngoại ngữ, làm việc nhóm, trình bày, cập nhập công nghệ, kỷ luật lao động [7, tr.52, 55]. Rõ ràng nguồn nhân lực Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa được khai thác hiệu quả và chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ba là, nguồn nhân lực nước ta vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu
quả, thậm chí, trong nhiều trường hợp bị lãng phí nghiêm trọng.
Lao động nước ta chủ yếu là nông dân, xuất thân từ nông thôn, trình độ thấp, cơ bản chưa được qua đào tạo nghề, thiếu kỹ năng làm việc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lực lượng lao động giá rẻ, chất lượng thấp này rất khó có thể chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, dịch vụ khác, làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm cho tình trạng thất nghiệp vẫn diễn ra, thách thức sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao cũng gây sức ép lớn lên sự phát triển, gây ra tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm, gây lãng phí nguồn lực. Năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta vào khoảng 4,65%, trong đó có khoảng 20% lao động nông thôn chưa được sử dụng. Số thời gian lao động bị thất thoát, theo tính toán, tương đương với gần 9 triệu lao động thất nghiệp hoàn toàn và tương đương với việc thất thoát, lãng phí lên tới 12 tỷ USD , chiếm khoảng 14% GDP năm 2008 [7, tr.51].
Điều đáng quan tâm là, với một nước có nguồn lao động dồi dào như nước ta, vẫn diễn ra tình trạng thiếu lao động. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhà nước đã chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu để chuyển dịch cơ cấu lao động thích ứng với tình hình thực tiễn. Vì vậy, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi gia nhập WTO, nước ta diễn ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa lao động, thiếu lao động trình độ cao và thừa lao động phổ thông, giá rẻ.
Bên cạnh đó, quá trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cũng đặt Việt Nam trước những thách thức về chảy máu chất xám, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2000 - 2010, thực hiện Đề án 322 của Chính phủ, Việt Nam đã chi hơn 2500 tỉ đồng cho hơn 3000 cán bộ, giảng viên đi học ở nước ngoài nhưng chỉ có 1074 tiến sĩ trở về nước. Chi phí cho mỗi cán bộ đi học theo Đề án này lên tới hơn 4 tỉ đồng. Do vậy, chảy máu chất xám không chỉ là sự mất mát về nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là sự thất thoát, hiệt hại lớn về kinh tế.
3.1.3.2. Thực trạng vai trò của nhà nước trong việc khai thác, sử dụng
và phát huy nguồn vốn trong và ngoài nước
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Vai Trò Của Nhà Nước Trong Việc Tạo Môi Trường, Điều Kiện Để Phát Huy Nội Lực Và Ngoại Lực
- Thực Trạng Vai Trò Của Nhà Nước Trong Việc Xây Dựng Và Mở Rộng Quan Hệ Quốc Tế Để Chủ Động Thu Hút Ngoại Lực
- Thực Trạng Vai Trò Của Nhà Nước Trong Việc Khai Thác, Sử Dụng
- Một Số Vấn Đề Đặt Ra Đối Với Nhà Nước Trong Việc Phát
- Mâu Thuẫn Giữa Các Chế Định Quốc Gia Và Các Chế Định Quốc Tế Trong Quá Trình Nhà Nước Phát Huy Nội Lực, Ngoại Lực, Tích Cực Hội Nhập Với Thế
- Mâu Thuẫn Giữa Yêu Cầu Nâng Cao Vai Trò Của Nhà Nước Đối Với Việc Phát Huy Nội Lực Và Ngoại Lực Trong Hội Nhập Quốc Tế Với Những Hạn Chế Của
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Vốn là nguồn lực có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của Việt Nam từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay. Các chuyên gia kinh tế đã tính toán rằng sự đóng góp vốn cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam luôn trong khoảng 40% - 50%, cao hơn hẳn so với yếu tố lao động và tổng năng suất lao động. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP rất cao, chiếm 35% - 45% GDP trong vòng 10 năm trở lại đây, xếp hàng đầu so với các nước trong khu vực Châu Á
- Thái Bình Dương [7, tr.42].
Từ khi tiến hành đổi mới đến nay, nhà nước có sự đổi mới mạnh mẽ về chính sách huy động, sử dụng vốn, từ cơ chế đầu tư trực tiếp bằng ngân sách phân phối theo kế hoạch cho từng dự án chuyển sang tín dụng đầu tư, mở rộng liên doanh, liên kết, huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước. Nhà nước có nhiều chính sách để huy động vốn như: phát hành trái phiếu, cổ phiếu của các thành phần kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Thứ nhất, nhà nước thực hiện vai trò trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn trong nước. Nguồn vốn huy động trong nước của nhà nước rất phong phú, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh…
Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư huy động trong nước luôn duy trì tăng qua các các năm, là nguồn lực chủ yếu cho phát triển, chiếm khoảng 60 - 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến
động, tốc độ huy động vốn đầu tư trong nước tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá, đạt 16% giai đoạn 1995 - 2000, 13,5% giai đoạn 2001 - 2005 và 16%
giai đoạn 2006 - 2009 [7, tr.43].
Cơ cấu vốn đầu tư trong nước dịch chuyển theo chiều hướng tiến bộ với sự đóng góp ngày càng lớn của khu vực ngoài nhà nước. Năm 2009, vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 222,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng số vốn đầu tư, tăng 30,2% so với năm 2008; khu vực ngoài nhà nước đạt 222 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,8%, tăng 17% so với năm trước đó [53, tr.96]. Năm 2012, vốn khu vực Nhà nước đạt 374,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng số vốn và tăng 9,6% so năm 2011; khu vực ngoài nhà nước đạt 385 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% và tăng 8,1% so năm 2011 [108, tr.12]. Cơ cấu vốn này góp phần khẳng định sự dịch chuyển tiến bộ của cơ cấu toàn nền kinh tế, sự vươn lên lớn mạnh của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng như sự năng động, tích cực của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nguồn dự trữ của Việt Nam ngày càng tăng do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, từ 20 triệu USD (1990) lên 15,1 tỷ USD (2009), gấp 630 lần trong 20 năm [7, tr.50]. Đây là nguồn dự trữ quan trọng để giải quyết các tình huống xấu khi gặp phải khủng hoảng kinh tế, thiên tai và các tình huống cấp bách khác.
Thứ hai, nhà nước sử dụng nhiều chính sách và biện pháp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn, song thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt đẹp với cả ba loại vốn: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), trong đó nguồn vốn chủ yếu là FDI và ODA.
Năm 1990, tổng số vốn FDI và ODA là 735 triệu USD, đến năm 2005 đã tăng lên 6839,9 triệu USD [54]. Năm 2012, FDI đạt 13 tỷ USD, trong đó FDI thực hiện đạt 10,5 tỷ USD với tổng số trên 1100 dự án, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 69,9% tổng số FDI đăng ký [108, tr.12-13]. Giai đoạn 2001 - 2005, các chương trình, dự án ODA ký kết
được đạt trên 11,2 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 7,9 tỷ USD [53, tr.106]. Năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, chúng ta vẫn thu hút được 7,4 tỷ USD vốn ODA [74].
Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng thể hiện được vai trò nhất định trong sự phát triển của nền kinh tế. FPI những năm trước kia không đáng kể, từ nửa cuối năm 2006 đã chảy vào Việt Nam khá mạnh (lên đến 3 tỉ USD) góp phần làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam “nóng” lên với chỉ số giá chứng khoán "phi mã". Đầu năm 2007, lượng vốn thuộc nguồn này còn tăng mạnh hơn, đạt khoảng 4 tỉ USD, chiếm gần 1/3 tổng giá trị vốn hóa thị trường (khoảng 14 tỉ USD, bằng 23% GDP) [10]. Nguồn vốn FPI giúp làm tăng tổng lượng vốn cho đầu tư phát triển, trực tiếp thúc đẩy thị trường chứng khoán và tạo ra sự hấp dẫn cổ phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhà nước còn có nhiều chính sách tích cực để thu hút kiều hối của kiều bào ta đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài như: quan tâm, bảo vệ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, động viên kiều bào trở về đầu tư xây dựng quê hương, gây quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ phát triển kinh tế - xã hội đất nước… Năm 2008, lượng kiều hối đạt 7,2 tỷ USD, gấp 7,5 lần năm 1998, chiếm gần 7% GDP [7, tr.47]. Lượng kiều hối này đã bổ sung một nguồn vốn bằng ngoại tệ rất quan trọng đối với nền kinh tế và giảm bớt một phần căng thẳng về cán cân thanh toán.
Mặc dù khá thành công trong việc thu hút, huy động nguồn vốn cả trong và ngoài nước, song vai trò của nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn để phát triển còn nhiều hạn chế, dẫn đến lãng phí, thất thoát. Cụ thể là:
Nguồn vốn huy động có xu hướng duy trì tăng qua các năm, song nguồn vốn huy động trong dân còn thấp so với tiềm năng, chỉ chiếm khoảng 30% và hầu hết nguồn vốn này ít được đầu tư cho phát triển sản xuất mà tập trung vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản [7, tr.47]… Việc đầu tư của người dân tập trung cho lĩnh vực này đang khiến nền kinh tế phải đối mặt với gánh nặng lớn với sự “đóng băng” của thị trường bất động sản, “bong bóng chứng khoán” và “nợ xấu” của ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn đầu tư cho phát triển chưa thật hợp lý, hiệu quả thấp. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiệu suất sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam chỉ bằng 1/2 - 2/3 so với các nước công nghiệp mới ở châu Á [7, tr.48]. Cơ cấu đầu tư của nước ta còn nhiều hạn chế, bất hợp lý, tính dàn trải trong đầu tư chưa được khắc phục. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhưng đóng góp vào tăng trưởng thấp; đầu tư của nhà nước còn phân tán, dàn trải, thất thoát, chưa công khai, minh bạch, nhiều hạng mục đầu tư chưa có cơ sở, căn cứ vững chắc, chậm tiến độ, hiệu quả đem lại không cao. Các nguồn vốn ngoài nhà nước tuy tăng mạnh về số lượng song vẫn là khu vực đầu tư có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực quản trị thấp, ít đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp…
Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, lãng phí, chậm tiến độ, chậm giải ngân… đã làm cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị thất thoát, lãng phí rất lớn. Cơ chế, chính sách khai thác vốn đầu tư nước ngoài chậm được đổi mới; các chính sách về thu hút FDI chưa nhất quán và thường xuyên thay đổi; các chính sách về thủ tục giải ngân vốn ODA còn chậm và chưa tuân theo thông lệ quốc tế; chưa có định hướng và chính sách pháp luật quy định về việc kết hợp ODA và FDI để sử dụng có hiệu quả hai nguồn vốn này.
3.1.3.3. Thực trạng vai trò của nhà nước trong việc khai thác, sử dụng
và phát huy nguồn lực khoa học công nghệ
Với quan điểm coi khoa học, công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhà nước chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cho các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, bước đầu hình thành các khu công nghệ cao; thực hiện các hợp tác chuyển giao công nghệ; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, khuyến khích tạo thị trường khoa học và công nghệ…
Hiện nay, kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ vào khoảng 9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% ngân sách đầu tư cho phát triển, tương đương
0,5% GDP. Đây là một tỷ lệ đầu tư khá lớn so với các nước châu Á - Thái Bình Dương [7]. Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ ngày một tăng lên và được chuyên nghiệp hóa với khoảng 50 nghìn nhà khoa học, gấp khoảng 5 lần so với Thái Lan và Malaysia. Lực lượng cán bộ khoa học này đã góp phần phục vụ hoạch định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ từ nước ngoài.
Nhà nước cũng thực hiện xúc tiến quan hệ hợp tác về khoa học với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế, trở thành thành viên của Hiệp ước hợp tác về sáng chế, mở ra quan hệ về hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ với 138 quốc gia thành viên của tổ chức này.
Nhờ các chính sách, biện pháp đó, khoa học, công nghệ Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ, đóng góp không chỉ về mặt ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất mà cả trên phương diện nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để vận hành, sử dụng có hiệu quả các dây chuyền công nghệ nước ngoài, nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng lao động, sản xuất, kinh doanh. Khoa học công nghệ phát triển giúp chúng ta phát hiện, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng ngày càng hiện đại. Nhiều ngành nghề có hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao đã được hình thành và phát triển, trong đó, nhiều ngành, nhiều lĩnh đã phát triển vượt bậc và có phần vượt trội so với nhiều nước trong khu vực như: lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông…
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc khai thác, sử dụng nguồn lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tối đa sức mạnh của nguồn lực này để phát triển.
Hiện nay, ở nước ta, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ chậm đổi mới; cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ nghiên cứu còn thấp; chính sách khuyến khích, tạo dựng thị trường khoa học và công nghệ chưa được thực hiện hiệu quả; hệ thống tiêu chuẩn khoa học công nghệ còn lạc hậu so với trình độ của thế giới, tiến độ cập nhật còn chậm…
Trình độ khoa học và công nghệ ở nước ta còn chậm tiến bộ, công nghệ trong các doanh nghiệp lạc hậu so với thế giới; việc chuyển giao công nghệ từ đầu tư nước ngoài, từ các công ty đa quốc gia, nhất là tiếp cận công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Nhiều trường hợp khoa học, công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta nhưng kết cấu hạ tầng kém phát triển, thiếu đồng bộ nên cũng không thể sử dụng hiệu quả được.
Nhìn chung, việc khai thác, phát huy nguồn lực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa thực sự phát huy tốt các nguồn lực khác. Hiện tại nền sản xuất trong nước vẫn phát triển theo chiều rộng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; lao động chưa gắn kết với nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh dẫn đến đến năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường không cao.
Từ thực trạng việc sử dụng nội lực và ngoại lực ở nước ta thời gian qua, có thể thấy, nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp tích cực để khai thác, sử dụng nội lực và ngoại lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đạt kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém nhất định về trình độ, năng lực quản lý, tổ chức bộ máy của nhà nước đã làm cho việc khai thác, sử dụng nội lực và ngoại lực chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội; còn thất thoát, lãng phí nhiều nguồn lực, chưa đáp ứng được yêu cầu phát huy nội lực và ngoại lực để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững.
3.1.4. Thực trạng vai trò của nhà nước trong định hướng việc phát huy
bền vững nội lực, ngoại lực đảm bảo mục tiêu phát triển của đất nước
Bên cạnh việc phát huy nội lực, chủ động thu hút ngoại lực, khai thác, sử dụng nội lực và ngoại lực để phát triển, một nhiệm vụ quan trọng khác đặt ra, đó là vấn đề quản lý, định hướng để các nguồn nội lực và ngoại lực trong đã được phát huy sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai, đồng thời định hướng để phát huy thêm các giá trị mới của nội lực, ngoại lực, đảm bả mục tiêu phát triển của đất nước. Để quản lý, định hướng và kích thích việc phát
huy các nguồn lực cho sự phát triển ở những giai đoạn tiếp theo, nhà nước sử dụng các công cụ quản lý cơ bản là: kế hoạch, chiến lược và các chính sách vĩ mô, đón bẩy kinh tế.
Thứ nhất, nhà nước trong định hướng việc phát huy nội lực, ngoại lực
bằng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch
Kế hoạch hóa có vai trò chủ đạo trong hệ thống các công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước. Trình độ kế hoạch hóa thể hiện trình độ nhận thức, vận dụng các quy luật kinh tế, xã hội khách quan và năng lực quản lý, điều hành của nhà nước. Nhận thức rõ hạn chế của chế độ kế hoạch hóa bằng mệnh lệnh tập trung, nhà nước đã dần từng bước đẩy mạnh kế hoạch hóa mang nội dung mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành Luật Kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu chiến lược, công tác quy hoạch, kế hoạch, đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình xây dựng thông qua phê duyệt triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu đặt ra của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, phát huy tối đa mọi lợi thế so sánh và nội lực quốc gia, đồng thời tận dụng, khai thác có hiệu quả ngoại lực.
Hiện nay, đổi mới công tác lập kế hoạch đã được các cấp các ngành triển khai rộng khắp theo hướng: “Gắn kết chiến lược, quy hoạch với kế hoạch; nâng cao tính khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm cho chiến lược quy hoạch, kế hoạch thực sự là công cụ điều hành có hiệu quả của nhà nước, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhân dân” [30, tr.251]. Nguyên tắc để đổi mới công tác lập kế hoạch chính là “xây dựng kế hoạch dựa vào bằng chứng”, đảm bảo tính thực tiễn, khoa học và tầm nhìn chiến lược.
Nhờ những đổi mới tích cực đó, kế hoạch hóa đã phát huy vai trò trung tâm điều tiết, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch hóa cũng giúp khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực theo cơ cấu ngành, vùng, thành phần kinh tế hoặc theo tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn, đồng thời định hướng, kích thích việc phát huy nội lực và ngoại lực trong từng thời kỳ và