Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tự nhiên và nữ giới trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại nhìn từ nữ quyền luận sinh thái - 17


Thị Xuân Hà, 2016, tr.58). Xen cài trong bi kịch của nữ giới, chúng ta còn nhận ra những trăn trở về sinh thái của nhà văn như môi trường bị nhiễm độc, rừng bị tàn phá. Bởi chính tự nhiên cũng là một thực thể gánh chịu nhiều đau đớn, tổn thương từ hậu quả của chiến tranh. Trong Tiếng rừng, Hiền Phương đã bộc lộ nỗi bất an khi chúng bị tàn phá trong thời hậu chiến: “Một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt tôi. Xác cây nằm la liệt trên mặt đất. Rừng như một bãi chiến địa ngổn ngang xác người tử trận. Những thân gỗ chồng chéo lên nhau lá cành như những cánh tay co quắp ẻo lả xoài ra trên mặt đất. Người đi đến đâu, rừng lùi sâu đến đó” (Hiền Phương, 1994). Rừng là không gian sống, nơi cất giữ kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu của những người lính, rừng còn là nơi yên nghỉ của những anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy đừng để rừng biến thành những ngọn đồi trọc lốc, vì đó chẳng những là thảm họa đối với người đang sống mà còn là sự xúc phạm vong linh những người đã khuất. Đó là thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc qua câu chuyện tình yêu cảm động này.

Bối cảnh chiến tranh đã tạo nên một diễn ngôn chủ đạo cho đàn ông, khiến chiến tranh “không có khuôn mặt phụ nữ” vì thế, chỉ khi thoát ra ngoài không thời gian bị chiếm dụng, nữ giới mới bộc lộ ẩn ức từ bản năng giới vốn bị đè nén trong sự đồng hóa của diễn ngôn nam quyền. Từ lối viết nữ, và góc nhìn đậm chất nữ tính, chiến tranh có sắc màu riêng của nó. Có mất mát và tái sinh, hận thù lẫn vị tha, có chiếm đoạt và có niềm kiêu hãnh, có thô nhám nhưng vẫn tỏa sáng vẻ đẹp thiên tính. Trong những thời khắc đau đớn do chiến tranh mang lại, nữ giới tìm được sự cứu rỗi từ thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ được nhìn từ sức mạnh của sự cảm hóa. Đó là sự tỏa sáng của tinh thần nhân văn của nữ quyền sinh thái trong đề tài chiến tranh của văn xuôi nữ Việt Nam đương đại.

Nữ giới và những hệ lụy từ quá trình đô thị hóa

“Tại sao đất vẫn nguyên, sông vẫn nước, gió vẫn lộng, cây vẫn xanh mà làng quê lại không thanh thản, văn minh êm đềm nữa?... Những cánh đồng bị băm ra thành dự án, những dòng người bỏ ruộng lên thành, những dòng sông, dòng kênh nhiều lục bình và những cây tạp mọc bừa lên thay thế. Có một tình yêu thôn quê đã ra đi.” (Dạ Ngân, 2010c, tr.156). Đó không chỉ là sự lo lắng, ngờ vực của Dạ Ngân trước tình trạng phố hóa nông thôn, mà còn là sự bất an nói chung của nhân loại. Công cuộc đô thị hóa đã tạo ra những cơ hội thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong thời đại mới. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, đô thị hóa cũng đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là sự cân bằng sinh thái. Trong khi tất cả con người đều chịu


ảnh hưởng bởi sự suy thoái môi trường thì phụ nữ, người già và trẻ em phải gánh chịu những hiểm họa về môi trường cao hơn, hơn thế họ cũng chịu những dư chấn tinh thần nặng nề.

Nữ giới và những hệ lụy từ hạn hán, lũ lụt, mất mùa

Đô thị hóa đã làm tài nguyên đất bị khai thác triệt để nhằm xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, kéo theo đó là những hệ lụy nặng nề về môi trường. Nữ giới thường là những người giữ vai trò chăm sóc và đảm bảo lương thực cho đời sống gia đình. Khi chốn quê vốn yên bình đang cựa mình bởi những dự án đô thị thì nữ giới là người trực tiếp gánh chịu hậu quả từ sự xâm lấn này. Sở dĩ vì vậy mà Karen J. Warren cho rằng những vấn đề về môi trường như: “Cây, rừng, và sự phá rừng, nước, hạn hán và sa mạc hóa. Sản xuất thực phẩm và chất thải độc hại. Cuộc khủng hoảng về đa dạng sinh học, sinh vật hoang dã, và sự ngược đãi động vật” (Hoàng Tố Mai, 2017, tr.143) đều có sự liên quan mật thiết đến phụ nữ, và trẻ em, và người da màu. Điều này được đề cập trong một số tác phẩm như Bóng của cây sồi, Đá cuội đỏ, Ngải đắng trên núi, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy; Lạc chốn thị thành, Ga kí ức của Phong Điệp; Paris 11 tháng 8 của Thuận; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư... Trong tiểu thuyết Bóng của cây sồi, Đỗ Bích Thúy trực diện miêu tả sự thay đổi của Lao Chải trong quá trình đô thị hóa. Câu chuyện bắt đầu từ khi Lao Chải sắp được tỉnh nâng cấp lên thành thị trấn. Sự việc đó như một nhát gậy chọc khoáy vào vùng đất yên bình này, làm nó vỡ tung và thay đổi mọi thứ nhanh chóng. Người dân quên hết chuyện trâu bò, ruộng nương mà chỉ lo tụm lại bàn tán về việc lên thị trấn rồi thì sẽ làm gì? Đột nhiên, đất đai ở làng có giá, rồi thì “cái xe máy mua từ tiền bán đất đầu tiên đã hồng hộc lao khắp làng”, lần đầu tiên ở Lao Chải xuất hiện một ngôi nhà:“lớp ngói đỏ, tường quét vôi xanh, nền nhà láng xi măng nhẵn lì”. Đập thủy điện được xây, người ta tính toán những thứ phải mua khi điện về như máy xay sát, cái đài nghe băng cho đến phong trào xây dựng làng bản văn hóa, thị trấn mới, hàng quán, tệ nạn… tất cả đã hiện hình, tác động lên nếp sống, nếp nghĩ trầm tĩnh bao đời của con người ở cái thung lũng rộng chưa đầy một sải cánh chim bay này. Không phủ nhận sự phát triển tiến tới cuộc sống ngày một văn minh hơn của Lao Chải, nhưng cuộc đổi thay, lột xác nào cũng phải trả giá. Trong đó, tác động của quá trình đô thị hóa đối với nữ giới là điều mà Đỗ Bích Thúy đặc biệt quan tâm. Việc xây đập thủy điện cắt ngang dòng suối phục vụ cho đô thị làm cho vụ lúa mất mùa vì bị thiếu nước, cuộc sống của họ vốn khốn khó này lại càng khắc nghiệt hơn: “Vụ lúa vừa rồi người Lao Chải chỉ thu về được một nửa số thóc so với mọi năm, nhà nào nhiều lắm cũng chỉ được hai phần


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 268 trang tài liệu này.

ba là cùng” (Đỗ Bích Thúy, 2006, tr.176). Chưa kể việc ngăn đập làm cho phần nước suối chính của làng bị ngăn lại nên “không còn chỗ cho đàn bà giặt giũ, cho trâu bò uống”. Trong Đá cuội đỏ, việc khan hiếm nước cũng làm cho cuộc sống của phụ nữ và trẻ em trở nên khó khăn hơn. Họ phải đi xa hơn để lấy nước: “Bao nhiêu năm trời nước dòng Phạ Lấu cạn khô. Muốn có nước ăn người lớn trẻ con phải đi cả ngày, ra tận sông mới gùi về được” (Đỗ Bích Thúy, 2002b). Họ cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, thực phẩm hàng ngày của họ là “sắn nạo ăn với muối”. Vào mùa đông, rét mướt kéo dài, làm tình trạng khan hiếm thực phẩm càng trở nên tồi tệ, không có bất cứ thứ rau gì cho mùa đông khiến “miệng ai cũng phồng rộp”, họ phải leo núi để bẻ những ngọn ngải đắng để cầm cự: “Trời làm đất đai cạn kiệt. Tôi theo mẹ đem ống bương đi qua hai quả núi cách Tả Choóng nửa ngày trời mới lấy được thứ nước đầy rêu trong một cái vũng nhỏ” (Đỗ Bích Thúy, 2014). Cái đói kém đang dội trực tiếp xuống vai những người phụ nữ yếu mềm: “Chị dâu mang dao, mang gùi đi từ sáng sớm đến trưa mới về... Mẹ cũng kiệt sức, ngồi bó gối bên giường Mí mấy đêm liền” (Đỗ Bích Thúy, 2009). Điều kiện sinh thái khắc nghiệt đã làm những kiếp nữ giới vốn nhọc nhằn lại càng trở nên túng quẫn và đáng thương hơn: “trời thay đổi tính nết thì con người khổ, khổ vì gieo hạt ngô, lúa xuống đất mãi vẫn chưa thấy lá chồi lên” (Đỗ Bích Thúy, 2005). Tình cảnh thiếu nước sạch trong Cánh đồng bất tận cũng làm cuộc sống của nữ giới trở nên thật đáng thương: “Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài… tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, nước rửa rau xong dành rửa cá” (Nguyễn Ngọc Tư, 2005a, 162). Là nhà văn của miền sông nước Nam Bộ, tác giả phát hiện ra rằng nước là nguồn sống, là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự cân bằng hệ sinh thái, sẽ là thảm họa nếu con người không có nước để dùng, càng xót xa, đắng đót hơn cho nữ giới nếu họ phải rơi vào nghịch cảnh này. Rò ràng, nữ giới phải đương đầu với rất nhiều khó khăn thách thức khi tự nhiên bị thay đổi, bị tàn phá bởi quá trình đô thị hóa. Karen J. Warren khi tìm hiểu sự liên quan của vấn đề sinh thái với vấn đề nữ quyền bằng những nghiên cứu thực nghiệm nghiêm túc cũng khẳng định rằng một vấn đề liên quan đến nước ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, người da màu và trẻ em là hạn hán và lũ lụt trong đó: “Sự khan hiếm nước là mối quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em”. Những vấn đề về môi trường đó đặc biệt liên quan đến nữ giới là bởi: “vai trò của nữ giới (với tư cách là người quản lý kinh tế trong gia đình) tương ứng với một vấn đề môi trường theo cách thức mà nam giới không có” (Hoàng Tố Mai, 2017, tr.143).


Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tự nhiên và nữ giới trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại nhìn từ nữ quyền luận sinh thái - 17

Trong Paris 11 tháng 8, lấy sự kiện có thật là trận nắng nóng kỷ lục kéo dài ở thủ đô nước Pháp vào tháng 8 năm 2003, Thuận đã bày tỏ mối quan tâm đến thân phận của những phụ nữ nhập cư, mưu sinh ở môi trường đô thị hiện đại đồng thời cảnh báo về những hậu quả do khủng hoảng môi trường đến con người đặc biệt là nữ giới. Karen J. Warren cho rằng: “Trong những người chịu thiệt hại do những phá hủy về môi trường, như người da trắng, người da màu, người nghèo, trẻ em, người già, dân tộc thuộc địa, dân Thế giới Thứ ba và các nhóm người khác, thì phụ nữ thường gặp rủi ro và hiểm nguy với mức độ cao một cách không cân xứng so với đàn ông” (Hoàng Tố Mai, 2017, tr.142). Lồng ghép những bản tin, ghi chép, báo cáo về tình hình nắng nóng, tỷ lệ tử vong và các vấn đề xã hội khác vào những câu chuyện của những người phụ nữ gốc Việt, Thuận dường như muốn nhắc về những hệ lụy dai dẳng của đợt nắng nóng với những người dân nhập cư. Đợt nắng nóng đã làm cho Liên bị thất nghiệp vì nghề tắm cho người già bị rơi vào khủng hoảng thừa, mặt thì mọc thêm mụn: “Paris 11 tháng 8 năm 2003, 39 độ trong bóng râm, 42 độ tầng áp mái. 39 độ làm hai nghìn chín trăm cụ già đột tử. 42 độ khiến Liên có thêm sáu cái mụn, bốn cái đối xứng trên cằm, hai cái hai cánh mũi” (Thuận, 2005b, tr.4). Cũng từ đây cuộc đời Liên gặp nhiều biến cố khủng khiếp. Hết hạn trợ cấp thất nghiệp, Liên làm công việc dọn dẹp nhà cửa giúp Mai Lan. Cuộc sống mưu sinh với một phụ nữ xinh đẹp, đảm đang như Mai Lan cũng vốn không dễ dàng. Mai Lan đã không đủ tiền để trả lương cho Liên. Liên được Mai Lan nhường cho công việc trợ lý hội nghị nhưng cũng chỉ hai tuần là bị đuổi việc. Trở về căn gác mái chật hẹp Liên phải ngồi bậc thềm vì “sư tử và mèo ốm đang say sưa vật nhau”, và rồi lại vét hết sạch túi để “Sư tử khuân về một túi gạo năm cân và một bọc phổi lợn” (Thuận, 2005b, tr.306). Đỉnh cao của sự bi thảm, cô đã tìm đến địa chỉ độc nhất vô nhị: quận 13, nhà 13, tầng 13, phòng 13 với Tanh. Cùng Tanh đi trên quốc lộ 13 và kết thúc những ngày tháng buồn thảm, âm u và tuyệt vọng của đời mình. Đợt nắng nóng cực điểm đã làm cuộc đời Liên có những biến động khủng khiếp, trong hành trình vật lộn với cuộc sinh tồn, Liên cũng đã gặp những thân phận tha hương, mong tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Paris nhưng hầu hết họ đều có một kết cục không mấy tươi đẹp hơn Liên. Đó là Mai Lan – một người mẫu, kiêm diễn viên điện ảnh, xinh đẹp giỏi giang sang Pháp theo người tình, cuối cùng cũng phải bươn chải kiếm sống, con gái nằm viện còn phải đi hỏi vay tiền của những nguời khốn cùng như Liên. Là My – con gái Mai Lan, xinh đẹp giống mẹ, rút cuộc thất tình nhảy từ cửa sổ phòng học tự vẫn. Là mèo ốm sang Pháp để học nghề tạo mẫu tóc, cuối cùng phải trút hết tiền cho việc nạo phá thai và sống một cuộc sống vật vờ cùng sư


tử, là Pát với cuộc sống buông thả thác loạn và mất tích biệt tăm. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ điều là nạn nhân của đợt hạn hán này.

Không chỉ hạn hán, những hình ảnh kinh hoàng về những trận bão lụt, tình trạng thiếu lương thực do lũ cũng được khắc họa ám ảnh trong Ga kí ức của Phong Điệp: “Nước lũ lồng lộn cuốn phăng mọi vật, cây cầu chỉ còn trơ lòi sắt, rơi rụng xuống lòng sông. Làng xóm bị nước nhấn chìm. Cây cối, vườn tược, nhà của thoi thóp trong nước. Khắp nơi dậy lên tiếng khóc” (Phong Điệp, 2015, tr.8). Số phận của những người phụ nữ trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên cũng thật lay lắt và thảm cảnh. Để sống sót qua trận lũ, thức ăn của họ là bí ngô nấu với muối cầm hơi: “Lạnh quá, đói quá, mẹ đừng thả dây buộc chân của con ra mẹ nhé... Mẹ con hai cặp mắt sâu hoắm vẫn cặp chặt lấy nhau. Mắt không còn được nhìn thấy rò một thứ gì nữa” (Phong Điệp, 2015, tr.8). Trong việc đối mặt với sự hung hãn của tự nhiên, phụ nữ phải chịu sự thiệt thòi mất mát và tổn thương rất lớn. Bao nhiêu năm, những ám ảnh về giấc mơ bị nước cuốn trôi luôn khiến người cô vụn vỡ: “Con sống qua mùa bão lũ cả năm trời mà giấc ngủ hằng đêm vẫn thon thót mơ cá rỉa đứt cả chân” (Phong Điệp, 2015, tr.9). Từ góc nhìn nữ quyền sinh thái, chúng ta thấy, mối tương quan cùng cấp bậc của phụ nữ với tự nhiên được thể hiện ở nguy cơ họ dễ dàng trở thành nạn nhân, gánh nhiều hệ lụy từ việc tàn phá, hủy hoại môi sinh. Trong đó được biểu hiện cụ thể là sự tác động của sự xâm lấn đô thị lên những nhóm người bên lề.

Nữ giới và bi kịch chấn thương tâm hồn, rạn nứt nhân cách

Chấn thương (thuộc về) tâm lý là một loại tổn thương tinh thần xảy ra như kết quả của một sự kiện đau buồn. Khái niệm này đã được S. Freud sử dụng để miêu tả “Một trạng thái tinh thần khổ sở tồn tại dai dẳng một cách khó hiểu trong cuộc đời của những cá nhân nhất định” (Caruth, C., 2012) . Chấn thương trong văn học không phải là một tình trạng bệnh tật hay một sự đau đớn thể xác, mà là những vết thương tinh thần tái diễn, “chúng xuất hiện như thể một chuỗi những sự kiện đau khổ mà người ta bị phụ thuộc vào và điều này hoàn toàn nằm bên ngoài mong muốn hay khả năng kiểm soát của người ta” (Caruth, C., 2012).

Không chỉ chịu thương chấn trong tâm hồn từ những mất mát, tan vỡ, hủy diệt của chiến tranh kéo dài. Đời sống hòa bình với nhiều biến động, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, sự xô bồ của thành phố, sự đổi thay về đời sống kinh tế, luân lý, đạo đức đã tạo ra những day dứt, ám ảnh khôn nguôi về thân phận con người ở các cây bút nữ. Khi mang khát vọng đổi đời nhập cư vào các các đô thị lớn thì trong tâm thức nữ giới luôn có một còi riêng để họ trở về đó chính là vùng đất yên ả ở quê nhà. Tuy nhiên, quá trình phố hóa


nông thôn diễn ra âm thầm mà nhanh chóng, khiến làng quê vốn yên bình cũng dần chuyển mình hối hả và ồn ào. Sự thiếu vắng một không gian gắn bó của tuổi thơ khiến người ta có cảm giác đổ vỡ, cảm giác xa lạ. Điều này được phản ánh chân thực trong Ga kí ức của Phong Điệp. Cô bác sĩ tâm lý trở về thăm quê hương đã chứng kiến sự thay đổi cơ học đầy đau đớn mất mát này: “Làng lên phố. Máy ủi, máy xúc công nghiệp rầm rập kéo về. Điện công trường rừng rực sáng suốt đêm. Nhà của đất vườn bị đốn phẳng. Toàn bộ khu nghĩa địa giữa cánh đồng cũng được san bằng.... Tất cả đã nát nhừ dưới đất sâu. Bầm máu.” (Phong Điệp, 2015, tr.8). Với cô, không chỉ là ngôi nhà thân yêu của mình mà mỗi mô đất, mỗi cái cây... đều là những sinh thể sống có linh hồn riêng. Cô đau đớn tột cùng khi làng quê nhỏ bé của cô dưới sức mạnh nghiền nát của máy móc như đang phủ lên một màu đỏ ám ảnh của máu bầm: “Vì sao đất ở nơi này đỏ đến thế. Đỏ như máu ứa. Đỏ như ráng chiều tàn, rực cháy lên trên cánh đồng sau vụ gặp rồi tắt lụi. Đỏ như sầu thảm” (Phong Điệp, 2015, tr.8). Những khu vườn xanh mát, những đêm trăng thanh bình thả ánh vàng lấp loáng cùng những đom đóm lập lòe đã được thay thế bằng những khối bê tông xám xịt, nặng nề: “những tòa cao ốc đua nhau mọc lên, cao đến chóng mặt” (Phong Điệp, 2015, tr.158). Nuối tiếc, ám ảnh, đau đớn bởi sự mất mát, cô chới với trong hành trình tìm dấu vết của chuyến tàu kí ức: “Ông Sì nuôi cá giống - giờ ở đâu? Cô Thu làm nhang - giờ ở đâu?. Bác Cương xuất khẩu lao động - giờ ở đâu?... Thằng Tùng đen như cơm cháy giờ ở đâu? Ở đâu?.” (Phong Điệp, 2015, tr.9) và rơi vào tình trạng chông chênh, hoài nghi chính mình:“Cô là ai? Là ai đây?”, “Thành phố của cô đâu? Cô đã sai ư?” (Phong Điệp, 2015, tr.158). Việc phá vỡ không gian làng quê cũng như sự cân bằng môi trường sinh thái từ quá trình đô thị hóa đã chặt đứt mối liên hệ, sự kết nối với nguồn cuội, làm mất đi sự hiện diện quen thuộc của màu xanh cây cỏ trong đời sống hiện thực từ đó gây những xáo trộn, dư chấn, hoang mang về một điểm tựa đã mất trong sâu thẳm tâm hồn nữ giới. Ám ảnh, day dứt với ký ức về quê hương như một cách chối bỏ đô thị cũng là tâm trạng chung của các nhân vật nữ trong Xó rừng, Về bên kia núi, Làng của cha tôi của Niê Thanh Mai; Bơ sáp của Nguyên Hương; Bóng của cây sồi của Đỗ Bích Thúy; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư; Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ... Quá trình đô thị hóa đã khiến người đàn ông trở nên thô bạo và xa rời với tự nhiên, vô cảm với chính gia đình của mình: Trong Bơ sáp người anh trai ỷ lại vào “quyền huynh thế phụ” đã lên kế hoạch bán ngôi nhà và khu vườn cha ông để lại vì: “Đại gia từ thành phố về mua đất đai làm trang trại, hàng xóm chung quanh ký giấy bán hết rồi, căn nhà và vườn bơ sáp của gia đình cô lọt thỏm giữa mấy miếng vườn mà đại gia đã gom. Lọt thỏm nhỏ bé,


nhưng được trả giá khá cao vì nó nằm giữa, chia cắt trang trại thành hai nơi, mà đại gia thì muốn liền mạch” (Nguyên Hương, 2017). Sức mạnh của hơi tiền khiến người anh trai muốn bán sạch vườn nhà cũng đồng nghĩa là chặt đứt đi không gian ký ức ngọt ngào của cô. Để cuối cùng sau một đêm cô và má trở nên bơ vơ ngơ ngác như người thiếu quê hương.

Quá trình phố hóa nông thôn làm hiện diện rò bản chất độc đoán và quyền lực của đàn ông, từ đây, nữ giới phải chịu những dư chấn về tâm lý từ hậu quả của việc cuộc sống bị xáo trộn do những đặc tính gia trưởng này của nam giới. Bi kịch “mất lời” của bà Tần trong Bóng của cây sồi của Đỗ Bích Thúy là một dạng chấn thương về tinh thần. Từ khi biết câu chuyện tính toán kinh thiên động địa của ông Tần với con rể là dời mồ mả tổ tiên vào hết bên trong rừng vầu để có đất bán, bà đã bị mất đi tiếng nói của mình. Bà là người phải gánh hậu quả từ việc dám báng bổ thần linh tổ tiên của chồng và con rể: “Bà Tần không cãi được vì đã mất tiếng nói, càng cố nói càng giàn giụa nước mắt, người nhà đi gọi ông Then về cúng ma, mất cả lợn lẫn gà, vẫn không chữa được [...] miệng bà bị hồn người chết khóa lại rồi. Bà là dâu trong nhà này, bà đang chịu tội thay cho chồng cho con đây này” (Đỗ Bích Thúy, 2006, tr.168). Chính vợ con của Cường sau này cũng phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc do Cường gây ra. Đứa con nhỏ của Cường bị lợn rừng quật chết, Nhi gần như phát điên sau cái chết của con trai, chiều nào cô cũng “ngồi thẩn thờ ngoài bậu cửa... tóc rụng từng mảng, da xanh xao dính chặt vào hai gò má”. Thi thể bị mất một bàn tay của con trai Cường như là sự báo thù của thiên nhiên, nó là sự trả giá cho việc Cường báng bổ thần linh chuyển mồ mả tổ tiên để có đất bán. Những câu chuyện trên đã đặt ra tính hai mặt của xã hội hiện đại, ẩn sau ánh hào quang là những góc tối của những cuộc đời bị kịch, đằng sau công cuộc chinh phục, chiếm đoạt của nam giới là sự sụp đổ, rạn vỡ trong đời sống tinh thần của nữ giới. Sự rạn vỡ này cũng được đề cập một cách thống thiết trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Mối quan hệ có tính áp chế giữa nhân loại và sinh giới ngoài con người, giữa đô thị và nông thôn, giữa con người và tự nhiên, giữa đàn ông và đàn bà, giữa cha và con gái đã được lột tả sắc nét. Truyện không chỉ là thông điệp về nỗi đau của giới nữ mà còn gióng lên một hồi chuông về hậu quả của tư tưởng phụ quyền vẫn còn sót lại ở những nơi đàn bà chỉ biết đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng, hơn thế còn là lời cảnh báo về sự xâm phạm của con người đối với thiên nhiên: “những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang. Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần” (Nguyễn Ngọc Tư, 2005a, tr.214). Đất là


cội nguồn của sự sống, đất có sống thì con người mới sống được nên cái giá của sự xâm lấn trong cơn bão đô thị hóa là những cánh đồng hoang hóa, mặn chát, là sự hủy diệt dần sự sống. Cái giá của tư tưởng nam quyền thống trị trong cách hành xử của đàn ông là một thế giới hận thù và thiếu vắng tình yêu. Truyện cũng là lời cảnh báo về sự khủng hoảng của những con người hiện đại mang lối sống thực dụng, bạo lực và hận thù.

Sự ngổn ngang, bề bộn, đầy biến động và hỗn tạp của đời sống đô thị còn đẩy nữ giới vào tình trạng tha hoá, rạn nứt nhân cách. Sống một đời sống bất ổn, không điểm tựa dần làm thay đổi nếp sống, suy nghĩ của nữ giới, đẩy người phụ nữ vào những hoàn cảnh éo le, bi kịch mà chính họ cũng không hay biết. Phương và Oanh trong Lạc chốn thị thành của Phong Điệp là những nhân vật điển hình cho sự tha hóa do hám vật chất, tiền bạc. Đều là những cô gái đến từ tỉnh lẻ, ngây thơ trong sáng, môi trường sống của đô thị với biết bao cám dỗ vật đã làm họ thay đổi, biến chất, tha hóa. Nếu Phương dùng chính tấm thân mình là một món hàng để trao đổi thì Oanh lại “sử dụng tình ái, xác thịt để làm ăn, để lên xe xuống ngựa, để qua mặt kẻ khác, để không bị chèn ép”(Phong Điệp, 2005, tr.270). Lối sống của họ là hồi chuông cảnh báo cho sự rạn vỡ nhân cách của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Tình trạng tha hóa này không chỉ là trường hợp của các cô gái tỉnh lẻ nhập cư lên thành phố lớn mà nó đang len lỏi vào cả những vùng nông thôn hẻo lánh. Lối sống thực dụng làm rạn nứt nếp nghĩ truyền thống, cái xấu xa, phi pháp khuấy đảo sự thanh bình của vùng quê yên bình. Trong những sáng tác của Đoàn Lê, vấn đề trinh tiết của nữ giới lại được đề cập trong mối liên quan và hệ lụy từ sự mở cửa, phát triển của kinh tế thị trường. Trong Trinh tiết xóm Chùa, Hoa trở thành nạn nhân của quá trình đô thị hóa nông thôn, cuộc đời vốn bình yên của cô gái nông thôn xinh đẹp hiền lành bỗng chốc bị xáo trộn khi cô rơi vào lưới tình của anh phó nháy có cửa hiệu ảnh trên phố. Rồi cô bị chiếm đoạt trinh tiết và hậu quả là phải bỏ đi giọt máu của mình: “Không ai biết giây phút nằm tênh hênh trên bàn bệnh viện, cô Hoa ngây thơ phập phồng tình yêu của xóm Chùa đã chết rồi.” (Đoàn Lê, 2014). Nữ giới là nạn nhân của vấn đề trinh tiết, sâu xa hơn, quá trình xâm chiếm của đô thị và tan rã của nông thôn đã nhấn chìm số phận người phụ nữ và có nguy cơ đẩy họ vào con đường tha hóa. Trinh tiết – giá trị thiêng liêng của người phụ nữ có thể biến thành thứ đổi chác, thứ để kinh doanh và thu lợi nhuận. Trước sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, cuộc sống ở xóm Chùa nhỏ bé ấy đang yên bình bỗng trở nên nhốn nháo, con người của xã hội thời mở cửa không chỉ bị cuốn vào cơn sốt đất mà còn chạy đua với cơn sốt lấy chồng ngoại. Cơn sốt đó ở xóm Chùa được đánh dấu bằng sự kiện cô Khờ trở về làng sau những năm lang bạt nơi xứ người với

Xem tất cả 268 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí