Kinh Nghiệm Khai Thác Tiềm Năng Du Lịch Văn Hóa Nói Chung Và Văn Hóa Khmer Nói Riêng Tại Việt Nam Và Trong Khu Vực


1.4. Kinh nghiệm khai thác tiềm năng du lịch văn hóa nói chung và văn hóa Khmer nói riêng tại Việt Nam và trong khu vực

1.4.1. Kinh nghiệm khai thác tiềm năng du lịch văn hóa trong khu vực

Kinh nghiệm của ngành du lịch Trung Quốc: Tại Cố Cung: khu du lịch có khuôn viên rộng lớn, quãng đường từ cổng vào đến cổng ra là 7 km, nhưng không sử dụng bất cứ một phương tiện giao thông nào nhằm bảo vệ di sản. Tại các cung tham quan cũng chỉ cho khách đứng ngoài nhìn vào nhằm tránh hư hại di tích. Về số lượng khách tham quan Tử Cấm Thành được kiểm soát để giảm thiểu tác động tiêu cực đến di sản. Về tổ chức quản lý, Ban quản lý Nhà cổ chịu trách nhiệm đặc biệt cho việc bảo vệ và quản lý thực hiện khai thác du lịch trên nguyên tắc sử dụng các tài nguyên luôn kết hợp với bảo vệ, thống nhất lợi ích xã hội, lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế, đảm bảo tính bền vững trong khai thác du lịch (Nguyễn Thị Thống Nhất, 2016).

Điểm tham quan di tích Di Hòa Viên: Những chương trình bảo tồn được thực hiện đều sử dụng vật liệu kỹ thuật phù hợp với thiết kế gốc ban đầu để đảm bảo tính xác thực. Nguồn vốn để đầu tư cho bảo tồn chủ yếu là từ tiền bán vé đối với các công trình cần tôn tạo ở mức độ nhỏ, ở mức độ lớn được thực hiện thông qua các dự án với sự phê duyệt của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và được thực hiện bởi ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, quanh công trình hạn chế xây dựng làm mất vẻ đẹp mỹ quan. Nhân viên tại khu du lịch chủ yếu là cư dân địa phương, 30% lực lượng hướng dẫn viên, đội ngũ này luôn được bổ sung, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Người dân được bán hàng trong khu du lịch và khuyến khích bán đảm bảo chất lượng hàng hóa. Nếu điểm bán hàng nào không thực hiện theo đúng quy định sẽ bị phạt hoặc bị cấm kinh doanh, bị treo biển vàng trước cửa hàng, ngoài ra người bán hàng không được chèo kéo khách hàng, ép khách mua hàng (Nguyễn Thị Thống Nhất, 2016).

Kinh nghiệm của ngành du lịch Thái Lan: Di sản văn hóa thế giới - Thành phố lịch sử Ayutthaya (là thành phố cổ được khôi phục lại từ phế tích nhưng vẫn giữ được tính nguyên trạng của di sản): Việc trùng tu tôn tạo di sản được quan tâm đúng mức và sử dụng nguồn ngân sách từ chính phủ Thái Lan. Môi trường được quan tâm bảo vệ, du khách chỉ được phép sử dụng phương tiện thô sơ đi lại trong


khu di sản. Hoạt động truyền thông được chú trọng, tăng cường nhận thức của cộng đồng, góp phần giữ gìn di sản. Từng loại tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn được xếp hạng theo 5 mức dựa vào tiềm năng phát triển du lịch, mức tài nguyên có tiềm năng phát triển du lịch nhất và mức tài nguyên có ít tiềm năng phát triển du lịch nhất. Việc xác định tiềm năng dựa trên các chỉ số: số lượng khách (trong nước và quốc tế), tài nguyên hiện có, trang thiết bị phục vụ cho du khách như lưu trú, nhà hàng,... Chính phủ đưa ra chính sách phát triển và xúc tiến du lịch, chú trọng đến bảo tồn và phục hồi nghệ thuật, văn hóa, tài nguyên du lịch song song với việc bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển du lịch bền vững (Nguyễn Thị Thống Nhất, 2016).

Kinh nghiệm của ngành du lịch Hàn Quốc: Cung Changdeokgung (một trong năm cung vĩ đại được vua của Triều Tiên xây dựng): chú trọng khai thác các tài nguyên văn hóa vật thể. Trong quá trình khai thác luôn chú trọng đến hoạt động truyền thông về di sản, giáo dục để tăng cường nhận thức của cộng đồng về tài nguyên nhân văn. Đưa ra các quy định về thời gian hoạt động của di sản (mở cửa các ngày trong tuần, trừ thứ hai) và hạn chế số người tham quan trong một lượt. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên (Nguyễn Thị Thống Nhất, 2016).

Kinh nghiệm của ngành du lịch Campuchia: Theo Điền Gia Dũng (2011), tại các khu đền Angkor - quần thể văn hóa nổi tiếng nhất của Campuchia, hầu như không có nạn chèo kéo, ăn xin, chặt chém du khách. Người bán hàng rong được bố trí vào một khu vực nhất định và chỉ được bán hàng ở đó. Những người ăn xin được hướng dẫn và giúp đỡ để trở thành các nhạc công chơi đàn và các nhạc phẩm của các quốc gia tại một khu của Khu du lịch. Mặt khác, hàng hóa ở Campuchia được niêm yết bằng USD, tiền Ria hoặc tiền Đồng. Đặc biệt, khách hàng có thể trả giá thoải mái với tiêu chí “thuận mua vừa bán”, người bán hàng vui vẻ và chào tạm biệt. Campuchia chỉ có mỗi cao nguyên Thansur Bokor là phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp nhưng giá rẻ hay Bokor sang trọng, vẫn cho dân và khách lẻ vào tham quan mà không hề thu phí. Đến Siem Reap, vé ăn buffet và xem ca múa cung đình Khmer có giá rẻ như một bữa ăn thường ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.

Ba thành phố Phnom Penh, Siem Riep và Sihanoukville được Campuchia quy hoạch để phát triển du lịch văn hoá và tự nhiên. Chính vì thế, các khách sạn


Nghiên cứu tiềm năng du lịch văn hóa Khmer Nam bộ tại Trà Vinh - 5

quanh khu Angkor ở Siem Riep không được phép cao quá 3 tầng, bất kể đó là khách sạn 4 sao hay 5 sao. Ngoài ra, tất cả các phố mặt tiền đều được quy hoạch tổng thể và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn về kiến trúc, chỉ giới xây dựng. Các tuyến phố cổ, phố cũ nằm trong khu vực bảo tồn và nhà phải sơn cùng một màu. Song song đó, 10 hòn đảo trong vịnh Sihanoukville cũng đã được Campuchia cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Hong Kong, Anh thuê để phát triển du lịch. Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia ra điều kiện, nhà đầu tư chỉ được làm hồi sinh Sihanoukville - điểm nghỉ dưỡng cao cấp của các quan chức thuộc địa Pháp hồi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX chứ không được biến Sihanoukville thành thành phố mới.

Từ năm 2003, khách vào đền Angkor Wat chỉ được tối đa 300 khách mỗi lượt và thời gian tham quan chỉ kéo dài tối đa 2 giờ đồng hồ. Đến nay, các biện pháp hạn chế khách vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất để đối phó với nhu cầu tham quan không ngừng tăng lên hằng năm. Việc phát triển các khu du lịch biển tại các hòn đảo và thị trấn Kép thuộc Sihanoukville ngoài mục đích khai thác tài nguyên du lịch biển còn nằm trong chủ trương giản khách khỏi Angkor, hướng khách sử dụng những sản phẩm du lịch khác để giảm sức ép cho di sản

Về mức vé tham quan Angkor cũng là một điểm đặc biệt. Giá vé tham quan không thay đổi và Giá các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn viên… chỉ có giảm nhưng chất lượng không giảm. Vé chỉ bán cho khách quốc tế còn khách nội địa được miễn phí. Họ quan niệm rằng, di sản là của cha ông để lại và con cháu được quyền thụ hưởng bình đẳng và quyền được biểu biết về những gì cha ông đã làm nên. Với khách quốc tế, giá vé được phân định theo thời gian tham quan: 1 ngày là 20 USD, 2 ngày là 40 USD, 3 ngày là 60 USD và 60 USD cũng là mức giá tối đa áp dụng cho cả tuần hay cả tháng. Mức giá này thể hiện quan niệm: nếu bạn yêu Angkor đến mức thăm nó tới 3 ngày liền chưa chán thì bạn được miễn phí cho tất cả những ngày tham quan còn lại tại đây. Cách làm này không chỉ tạo tâm lý được tiếp đón của du khách mà còn kích thích du khách ham muốn khám phá, tìm hiểu sâu hơn về quần thể di tích vĩ đại này. Khách càng tìm hiểu sâu, nền văn hoá - lịch sử Campuchia càng được quảng bá rộng và đó là cách quảng bá, xúc tiến tại chỗ tốt và hiệu quả nhất.


Chính phủ Campuchia cũng thực hiện một loạt các chính sách về du lịch như tổ chức hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến hướng tới các tỉnh thành trọng điểm có lượng khách tới Campuchia đông tại các quốc gia châu Á, Âu, Mỹ; cải thiện hệ thống đường sá, phát triển nhiều điểm du lịch sinh thái tại các tỉnh miền sâu, miền xa phía Bắc; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh như cấp visa ngay tại các cửa khẩu, sân bay, miễn visa cho một số quốc gia; bố trí cảnh sát du lịch tại tất cả các điểm du lịch… Tất cả những chính sách này đã tạo ra hình ảnh mới về một Campuchia thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chào đón và cực kỳ chuyên nghiệp. Đặc biệt, những hướng dẫn viên được hành nghề ở đây đều phải trải qua những khoá đào tạo bài bản từ chính UNESCO hoặc những địa chỉ dạy nghề có uy tín đã được Nhà nước thừa nhận, nên giá thuê hướng dẫn viên không hề rẻ, tối thiểu là 30USD/ngày.

Tóm lại, bí quyết của Campuchia trong kinh doanh du lịch là: Khâu quản lý được thống nhất từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên quan trọng hơn cả phải là ý thức của người dân. Chính quyền xây dựng một bộ máy điều hành các hoạt động du lịch khá chuyên nghiệp và khép kín, từ việc bảo vệ rừng, tôn tạo di tích, tổ chức biểu diễn văn hóa, đến bộ phận cảnh sát du lịch bảo vệ an ninh cho du khách, đào tạo trình độ nhân viên dựa trên nền tảng ngoại ngữ. Vấn đề bảo tồn di sản để phát triển du lịch bền vững chỉ là một trong những quan điểm du lịch, chính sách du lịch hiệu quả của Campuchia. Việc quảng bá du khách biết đến Campuchia chủ yếu qua hình thức quảng cáo truyền miệng.

Từ cách làm du lịch của các quốc gia Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Campuchia, Việt Nam chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm cho hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch văn hóa:

Thứ nhất, Nhà nước cần ban hành hệ thống pháp luật cho ngành du lịch để chuẩn hóa các hoạt động du lịch bằng hệ thống nguyên tắc, tiêu chuẩn, khung pháp lý và quy hoạch các vùng và địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc khai thác, bảo vệ và tôn tạo các tài nguyên du lịch.

Thứ hai, thực hiện phân loại, đánh giá, xếp hạng các tài nguyên; khai thác những yếu tố độc đáo trong văn hóa để phục vụ cho việc phát triển du lịch và phân công trách nhiệm cho cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc khai thác và tôn tạo.


Thứ ba, địa phương cần tăng cường nhận thức của cộng đồng, của khách du lịch về giá trị tài nguyên và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ tư, các nhà làm du lịch cần xây dựng chiến lược maketing hiệu quả; chú trọng thực hiện hoạt động liên kết giữa ngành du lịch và các ngành khác, hợp tác quốc tế về du lịch với các nước trong khu vực và thế giới.

Thứ năm, cân nhắc và lập kế hoạch trong việc sử dụng doanh thu từ việc bán vé tham quan cho việc giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ các di sản, tài nguyên nhân văn. Có chính sách bán vé phù hợp với từng đối tượng khách tham quan.

Thứ sáu, ban hành nội quy về việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông đi lại trong khu di sản hoặc các biện pháp hạn chế số người trong 1 lượt tham quan.

Thứ bảy, Nhà nước thành lập và ban hành quy chế làm việc cho đội ngũ “cảnh sát du lịch” nhằm giúp đỡ và hỗ trợ khách du lịch khi cần thiết, bên cạnh đó, đội ngũ này còn tạo tâm lý an toàn cho du khách.

Kinh nghiệm cuối cùng và xem là quan trọng nhất chính là việc đồng bộ suy nghĩ và hành động của cộng đồng vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

1.4.2. Kinh nghiệm khai thác tiềm năng du lịch văn hóa ở Việt Nam

Kinh nghiệm khai thác tiềm năng du lịch phố cổ Hội An: Tạo hoạt động du lịch phụ trợ đi kèm với các sản phẩm du lịch chính: “Đêm phố cổ”, bán vé cho khách tham quan phố cổ vào ban đêm, tổ chức khu phố đêm, đêm rằm phố cổ, du lịch thưởng ngoạn nghề đánh bắt cá trên sông; Đặc biệt, khai thác tour du lịch mùa nước lũ, tăng thêm số ngày không có tiếng động cơ cũng như tổ chức tốt các sự kiện văn hóa - du lịch trên địa bàn. Chú trọng thực hiện xã hội hóa, giáo dục cộng đồng thông qua các chương trình có quy mô lớn như hoạt động giao lưu, lễ hội, triển lãm, xuất bản ấn phẩm, làm phim tài liệu, tham gia hội chợ,...

Thành lập Trung tâm bảo tồn di sản Văn hóa Hội An, làm tham mưu trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn, hợp tác quốc tế và phát huy giá trị của di sản. Thành lập Văn phòng tư vấn trùng tu di tích và thực hiện quản lý di sản văn hóa Hội An bằng chương trình phần mềm tin học. Đưa ra quy định về việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng trong khu phố cổ phải có giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu di tích, thậm chí không được xây dựng khách sạn trong khu phố cổ, không được sơn vôi tường hay lát gạch men trên nền nhà, chiều cao mỗi nhà phải tuân thủ theo quy


định. Tất cả vì một mục đích “bảo tồn yếu tố gốc” cho tài nguyên (Nguyễn Thị Thống Nhất, 2016).

Kinh nghiệm khai thác tiềm năng du lịch cố đô Huế: Từ Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, tác giả thu thập được những kinh nghiệm quản lý và khai thác du lịch tại Cố đô Huế: Nhiều đơn vị, ban, ngành liên quan đến công việc quản lý và bảo vệ di sản, nhưng lại thiếu sự phối hợp và điều phối chung, cũng như chưa xác định được những ưu tiên về bảo tồn và phát triển mang tính chiến lược. Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa cơ quan, ban ngành quản lý liên quan; thiếu các công cụ và trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công việc quản lý khu di sản. Các đơn vị, cá nhân có thuyền du lịch tham gia phục vụ hoạt động du lịch biểu diễn ca Huế trên sông Hương, kích thích sự tham quan tìm hiểu của du khách. Tuy nhiên, hoạt động này được du khách đánh giá là giá cả chưa phải chăng, thái độ phục vụ chưa tốt và chưa nhiệt tình. Ẩm thực Huế cũng là một sản phẩm văn hóa tạo ấn tượng tốt đối với du khách khi đến Huế với nét đặc trưng trong ẩm thực cung đình, ẩm thực đường phố hay sự kết hợp giữa ẩm thực với ca múa nhạc. Thực tế đáng buồn về vấn đề chèo kéo du khách của một bộ phận số ít người bán hàng rong, nhà vệ sinh không sạch sẽ hoặc thiếu nhà vệ sinh cũng là một điểm trừ cho ngành du lịch của cố đô.

Kinh nghiệm khai thác tiềm năng du lịch văn hóa Khmer tại tỉnh Sóc Trăng: Các tuyến quốc lộ liên tỉnh đi qua địa bàn có hạ tầng khá tốt. Tỉnh Sóc Trăng chỉ cách sân bay Cần Thơ hơn 60 km. Hệ thống đường thủy tuyến Trần Đề - Côn Đảo vận hành khá tốt. Tuy nhiên, hiện ở Sóc Trăng chưa có khách sạn cao cấp, cơ sở vật chất nhiều nơi chưa tương xứng với du khách (Hoài Thu, 2017).

Lễ hội Ok-om-boc, Đua ghe ngo đã được nâng cấp thành lễ hội quốc gia, tổ chức 2 năm một lần. Sóc Trăng còn nghiên cứu tổ chức Lễ hội bánh Pía, lễ hội Bún nước lèo… để có những bước đột phá mới thu hút du khách. Các lễ hội trong tỉnh cũng sẽ được tổ chức lồng ghép với một số hoạt động thường xuyên để giới thiệu đến du khách những nét nghệ thuật kiến trúc, những hoạt động văn hóa, thể thao, ca múa nhạc truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer, dân tộc Hoa. Đó là kiến trúc đình, chùa, nghệ thuật sân khấu rôbăm, Dù kê, Múa trống sa dăm; lễ hội thả đèn nước, lễ cúng trăng, các làng nghề bánh pía, vẽ tranh trên kiếng, đan lát, dệt chiếu, cốm dẹp… Các ngành, địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao nhận


thức của người dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng, chủ yếu là mô hình homestay. Một số xã cù lao, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer, dân tộc Hoa trong tỉnh là những điểm đến được đầu tư xây dựng mô hình du lịch này. Thế mạnh chính của ngành du lịch Sóc Trăng nói chung và du lịch văn hóa Khmer nói riêng đó là tài nguyên văn hóa đặc thù, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và vị trí ở giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trúc Giang, 2015).

1.5. Kết luận

Văn hóa của người Khmer Nam bộ là một hình thái văn hóa đặc trưng của người dân Trà Vinh, Sóc Trăng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Du lịch văn hóa là một loại hình du lịch không dễ kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, nếu tỉnh Trà Vinh có thể học hỏi và đút kết kinh nghiệm làm du lịch văn hóa của các quốc gia trong khu vực, các địa phương trong nước; thì với nguồn tài nguyên văn hóa Khmer giàu tiềm năng du lịch, hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều nguồn lợi cho người dân địa phương. Bên cạnh đó đây cũng sẽ là một điểm sáng cho du lịch Việt Nam trong tương lai.


Chương 2: THỰC TRẠNG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA KHMER NAM BỘ TẠI TRÀ VINH

2.1. Tổng quan về Trà Vinh và du lịch tỉnh Trà Vinh

2.1.1. Tổng quan về Trà Vinh

Trà Vinh là một tỉnh nằm ven biển, có đường ranh giới tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Sóc Trăng; một tỉnh đồng bằng nằm cuối dòng sông Tiền hiền hòa. Tỉnh Trà Vinh được hình thành từ năm 1900, trải qua chiều dài lịch sử với nhiều biến động, việc chia tách địa giới và thay đổi tên gọi. Đến năm 1992, tỉnh Cửu Long tách thành hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long. Từ tháng 10/2016, đơn vị hành chính của tỉnh Trà Vinh gồm thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và 07 huyện: huyện Châu Thành, huyện Càng Long, huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Kè, huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải. Trà Vinh là một tỉnh nhỏ thuộc khu vực miền Tây Nam bộ với nhiều ưu đãi về thiên nhiên, sự nồng ấm hiếu khách của người dân 3 dân tộc, trong đó tổng dân số người Khmer chiếm 2/3 tổng dân số toàn tỉnh (Kinh, Hoa).

Từ thời thuộc Pháp, thị xã Trà Vinh (nay là Thành phố Trà Vinh) đã được mệnh danh là “đô thị cây xanh” với những tán cây dầu, cây sao cổ thụ đã làm nên nét riêng cho thương hiệu thành phố Trà Vinh ngày nay. Bên cạnh đó, thành phố Trà Vinh là đơn vị duy nhất của tỉnh có các điểm tham quan du lịch tập trung khá nhiều so với các đơn vị hành chính khác, được sự hỗ trợ từ các đơn vị hành chính Nhà nước và các đơn vị doanh nghiệp. Đây cũng là một tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của thành phố trẻ này, đặc biệt là trên lĩnh vực du lịch. Với các dịch vụ ngày càng được cải thiện, nguồn nhân lực đã và đang được chuẩn hóa, đường giao thông nối các điểm du lịch đang được đầu tư và dần hoàn thiện,…. Tất cả như đang hứa hẹn cho sự xuất hiện của một điểm du lịch mới trên bản đồ du lịch của Việt Nam, của du khách trong và ngoài nước.

Từ đó cho thấy, Trà Vinh có điều kiện thuận lợi cho việc liên kết các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Cần Thơ tạo tuyến điểm du lịch khép kín bao gồm: du lịch sông nước miệt vườn – tìm hiểu đời sống con người và nét văn hóa đặc biệt của người dân Nam bộ, đặc biệt là văn hóa của người Khmer Nam bộ. Tỉnh có thể quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, cửa biển Định An

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/08/2022