Văn Hóa Khmer Nam Bộ Và Hoạt Động Phát Triển Du Lịch Văn Hóa Khmer Nam Bộ


yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tiềm năng văn hóa trong phát triển du lịch với tám yếu tố chính:

Việc đánh giá đúng và khách quan tiềm năng du lịch của tài nguyên văn hóa: các địa phương, cá nhân và đơn vị vì muốn làm du lịch mà bỏ qua công tác đánh giá tiềm năng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy: tài nguyên bị mất dần giá trị văn hóa, xung đột lợi ích cũng như xung đột về văn hóa giữa các bên liên quan. Hay tài nguyên không có ý nghĩa hoặc hạn chế về khả năng cung ứng dịch vụ của địa phương, thế nhưng các nhà đầu tư vẫn đầu tư khai thác sẽ dẫn đến việc thua lỗ hoặc hoạt động cầm chừng nếu không có chiến lược phát triển tốt.

Yếu tố giá trị du lịch của tài nguyên văn hóa: không cao hoặc bị trùng lắp với các địa phương khác trong khu vực. Hay tài nguyên không mang tính biểu trưng văn hóa cho một cộng đồng, giá trị nhân văn không rõ ràng, yếu tố văn hóa rời rạc và mang tính chấp nối.

Khả năng đáp ứng các hoạt động du lịch của tài nguyên: không cao do các cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch của địa phương còn thấp, như: tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông, số lượng cơ sở lưu trú và ăn uống, các dịch vụ hỗ trợ còn thiếu.

Sự quan tâm và đầu tư khai thác của các cấp chính quyền: Chính phủ ban hành các nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch là thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Khi áp dụng thực tế các chính sách của Nhà nước cho phát triển du lịch cần các cấp chính quyền của địa phương đi đầu trong công tác lập kế hoạch phát triển, kêu gọi đầu tư, hướng dẫn thực hiện chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao,… nhằm tạo sự thông thoáng và hình thành môi trường kinh doanh du lịch hội nhập.

Tính “nguyên bản” của tài nguyên du lịch sau thời gian đưa vào khai thác du lịch. Tại nước ta có thuật ngữ “làm du lịch đại trà”, có nghĩa một địa phương đã làm du lịch tốt, địa phương khác có tài nguyên tương tự hoặc giống sẽ tham khảo và thực hiện theo, vô hình chung tạo thành sự bắt chước lẫn nhau trong cách làm du lịch. Điều này dẫn đến việc trùng lắp sản phẩm du lịch, khách du lịch đến một nơi xem như đã hiểu hết văn hóa của cả vùng; đơn vị sau thiếu sáng tạo và kinh doanh không dựa vào tính đặc thù của địa phương nên khả năng thành công và duy trì hoạt động rất thấp. Bên cạnh đó, tài nguyên văn hóa có nguy cơ bị điều chỉnh cho phù


hợp với tình hình kinh doanh thực tế (hiện đại hóa) và gia tăng áp lực văn hóa giao tiếp ứng xử do bất đồng văn hóa giữa du khách với người dân địa phương.

“Thương mại hóa” tài nguyên nhân văn là vấn đề mà bất cứ địa phương nào có điểm tài nguyên du lịch cũng lo ngại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.

Công tác truyền thông và quảng bá: tài nguyên nhân văn có tiềm năng du lịch nhưng thông tin về tài nguyên du lịch còn nhiều hạn chế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn của du khách.

Sự đồng thuận của cộng đồng và chính quyền địa phương: tại Việt Nam không ít các trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” do sự không thống nhất trong cách làm và sự chồng chéo trong cách quản lý, kinh doanh các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa.

Nghiên cứu tiềm năng du lịch văn hóa Khmer Nam bộ tại Trà Vinh - 4

1.3. Văn hóa Khmer Nam bộ và hoạt động phát triển du lịch văn hóa Khmer Nam bộ

1.3.1. Văn hóa Khmer Nam bộ

Người Khmer Krôm (Khmer dưới) Việt Nam, vốn có nguồn gốc chung với người Khmer Lơ (Khmer trên) đang sinh sống tại Campuchia. Tên gọi khác: Cur, Cul, Cu Thổ, Việt gốc Miên, Khơ Me K’rôm. Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Dân số: 328.000 người là dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh (Ban Dân tộc Trà Vinh, 2017).

Diện mạo bên ngoài: nước da ngâm đen, đen sậm gần như nước da của người Ấn Độ. Gương mặt thường có đôi lưỡng quyền và quai hàm nhô ra, tóc đen và quăn tự nhiên. Chân mày rậm và ngắn, lòng mắt đen thường mở to, dưới mí mắt có quầng đen, mũi nhọn, môi dày, râu rậm (rất nhiều người có râu quai nón). Vóc mình trung bình như người Kinh. Họ thích sống đơn giản, có tính cần cù, mộc mạc, giỏi chịu đựng gian khổ.

Kinh tế: Người Khmer là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Trong bộ công cụ nông nghiệp khá hoàn thiện và hiệu quả của họ, có những dụng cụ độc đáo thích ứng với điều kiện địa lí sinh thái Nam bộ như cái phảng thay cho cày chuyên dùng ở vùng đất phèn, mặn để phát cỏ, cù nèo (Pok) dùng để vơ cỏ. Cây nọc cấy (Sơ chal) để cắm cây lúa ở những chân ruộng nước nhưng đất cứng, và cái vòn gặt (Kần điêu) dùng để cắt lúa. Người Khmer có nghề đánh cá, dệt, chiếu, đan lát, ….


Hôn nhân: Thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái. Cưới xin trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới, được tổ chức ở bên nhà gái. Gia đình nhỏ một vợ một chồng, ở riêng và là đơn vị kinh tế độc lập, có nơi 3 – 4 thế hệ sống chung trong một nhà. Vẫn còn tồn tại chế độ gia đình mẫu hệ.

Tang ma: Tục hỏa táng đã có từ lâu. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp “Pì chét đẩy”, xây cạnh ngôi chính điện trong chùa.

1.3.2. Đời sống vật chất

Ẩm thực: Người Khmer trồng hơn 150 giống lúa tẻ và nếp khác nhau, họ thường ăn cơm tẻ và cơm nếp. Thức ăn hằng ngày có tôm, cá nhỏ, ếch, nhái, rau, củ. Họ chế biến rất nhiều loại mắm: mắm ơn Pứ làm bằng tôm tép, mắm Pơ - inh làm bằng cá sặc, nổi tiếng nhất là mắm pro-hoc làm bằng cá lóc, các sặc, cá trê, tôm tép trộn với muối, cơm nguội và thính. Gia vị ưa thích nhất là vị chua (quả me) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả,...). Ẩm thực của người Khmer rất đặc trưng nhờ vào hương vị của mắm prohoc. Họ ăn gạo và nếp kết hợp với nguồn thực phẩm là những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên, trong vườn nhà cùng các loại thủy sản. Tại Trà Vinh, ẩm thực Khmer Nam bộ nổi bật hơn với các món ngon như:

Bún nước lèo: món ăn được làm từ mắm prohoc nấu cùng cá, củ ngãi bún, nấm, huyết heo hoặc huyết vịt. Một tô bún hoàn chỉnh phải đi kèm với rau giá, bông chuối bào, bông súng; các thức ăn kèm cũng phong phú và đa dạng tùy theo sở thích của người dùng: bánh giá, chả giò, thịt heo quay. Bún nước lèo – một món ăn dân dã nhưng đã làm nổi bật sự chân chất, tính hào phóng và sáng tạo của con người Nam bộ nói chung, người Khmer nói riêng.

Bánh tét Trà Cuôn: Bánh tét là món ăn truyền thống của người dân Nam bộ trong các dịp lễ tết và đám tiệc của từng gia đình. Tuy nhiên đối với người Khmer, họ lại nâng tầm chiếc bánh lên với một vị thế cao hơn, khi trong cùng một đòn bánh, vỏ bánh, nhân đậu mỡ truyền thống lại có sự kết hợp độc đáo của lá bồ ngót (tạo màu xanh tự nhiên cho vỏ bánh), mỡ nay là thịt ba rọi (thịt và mỡ), lòng đỏ trứng muối hoặc lạp xưởng. Một đòn bánh có thể nặng từ 0.5 kg đến 1.5 kg.

Cốm dẹp Ba So: món bánh được làm từ nếp non mới thu hoạch, được rang và giã vào buổi sáng sớm. Cách chế biến cũng vô cùng đơn giản với nước dừa, dừa nạo, đường và ít sữa (nếu thích) rồi trộn đều cùng nhau. Món ăn dân dã, mát ngọt


tình quê; hiện nay để tăng thêm sức sống cho món cốm dẹp này, người dân Trà Vinh đã sáng chế thêm món bánh tét cốm dẹp với nguyên liệu chính là cốm dẹp và đậu xanh.

Các loại bánh truyền thống của người Khmer còn có: bánh ống, bánh quặng (bánh lá mơ), bánh dứa, …. đây là những loại bánh dân gian đơn giản, dễ làm. Ngày nay, du khách dễ dàng thưởng thức các món bánh này tại khu danh thắng Ao Bà Om với giá cả rất phải chăng.

Trang phục: Nam nữ trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. Thanh niên ngày nay thích mặc quần âu với áo sơmi. Những người đứng tuổi, người già thường mặc quần áo bà ba đen, nam giới khá giả đôi khi mặc quần áo bà ba trắng với chiếc khăn rằn luôn quấn trên đầu, hoặc vắt qua vai. Chỉ đặc biệt trong cưới xin, nam nữ mới mặc quần áo cổ truyền. Chú rể mặc xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng (Kăl xinh) và con dao cưới (Kầm pách) ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Còn cô dâu mặc Xăm pốt (váy) màu tím hay màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống. Áo dài Khmer (Wện) gần gũi với chiếc áo dài của phụ nữ Chăm: áo bịt tà, thân áo rộng và dài dưới gối, cổ áo thấp và xẻ trước ngực vừa đủ để chui đầu vào, tay áo chật, hai bên sườn thường ghép thêm bốn miếng vải (thường hoặc màu) kéo dài từ nách đến gấu áo.

Nhà ở: Đồng bào Khmer cư trú quần tụ thành những phum, sóc ở chung quanh ngôi chùa. Nhìn từ phương diện giao lưu tộc người, ở người Khmer có hai hình thái cư trú: Một là sống tập trung ở các phum, sóc cổ truyền, sống quây quần quanh các ngôi chùa đồ sộ mái cong ẩn hiện dưới bóng cây dầu, cây sao cao vút. Hai là sống rải rác, xen kẻ với các tộc người cùng cộng cư trên địa bàn: người Kinh và người Hoa. Riêng về nhà ở, trước đây người Khmer ở nhà sàn, nay sống trong các ngôi nhà đất cũng giống như người Kinh, nhưng trong nhà người Khmer không có bàn thờ tổ tiên, nơi trang trọng nhất là bàn thờ Phật.

Di chuyển: Thường sử dụng xe bò, xe lôi bánh gỗ hoặc bánh hơi, đi lại trên đường hay những chân ruộng khô, vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch. Sống trong môi trường chằng chịt kênh, rạch, ghe, thuyền của người Khmer có rất nhiều loại: xuồng ba lá, ghe tam bản, thuyền “tắc rán” hoặc thuyền “đuôi tôm” chạy máy.


Ðặc biệt nhất là chiếc ghe Ngo (Tuộc mua) dài 30m, làm bằng gỗ sao, có từ 30 - 40 tay chèo, mũi và hai bên thành thuyền có vẽ hình ó biển, voi, sư tử, sóng nước. Ghe Ngo chỉ sử dụng trong dịp lễ chào mặt trăng Ok Om Bok (tháng 10 âm lịch), còn ngày thường họ gửi trong chùa, được cư dân trong các "Phum", "Sóc" coi như vật thiêng.

1.3.3. Đời sống tinh thần:

Văn hóa dân tộc Khmer là cả một nền tảng văn hóa được xây dựng lâu dài qua nhiều thế kỷ với sự kết hợp của tín ngưỡng, tôn giáo và cả lịch sử dân tộc. Thể hiện qua các mặt văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống,… hài hòa và đan xen vào nhau.

Văn học dân gian: Ngôn ngữ và Chữ viết: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Họ có chữ viết riêng, không dấu dùng để ghi chép các truyện dân gian. Người Khmer có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.

Lễ hội: Trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ, lễ hội đóng vai trò rất quan trọng, nó chi phối toàn bộ đời sống tinh thần cũng như tâm linh của họ. Một năm có rất nhiều lễ hội được diễn ra. Tác giả đề cập đến vài lễ hội tiêu biểu ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày của người Khmer Nam Bộ và có khả năng khai thác vào hoạt động du lịch văn hóa tại Trà Vinh.

Lễ Phật Đản (Bon visakha Bo Chia): được tổ chức ngày 15 tháng 05 âm lịch theo Phật lịch của phái Tiểu thừa. Lễ diễn ra một ngày một đêm. Người dân đến chùa dâng cơm cho sư sãi và làm lễ tụng kinh mừng Đức Phật ra đời. Trong đêm đó, người dân nghe sư đọc kinh cầu nguyện. Sáng hôm sau, người dân dâng cơm cho sư một lần nữa, buổi lễ kết thúc. Đây là một lễ lớn, được tổ chức nghiêm trang và trọng thể với những nghi thức ngày nay vẫn còn được duy trì trong các chùa.

Lễ Ok Om Bok: là lễ cúng trăng vào đêm 15 tháng 10 âm lịch. Lễ này gắn liền với sự tích con thỏ trên mặt trăng. Nhưng thực chất là để ca ngợi cư dân Khmer giàu lòng bố thí, nuôi sống Phật giáo. Trong dịp lễ Ok Om Bok cốm dẹp là một lễ vật tất yếu không thể thiếu. Người Khmer chuyên về nông nghiệp tin rằng nhờ mặt trăng nên có nước lớn nước ròng, có mưa thuận gió hoà. Nếp là món ăn ngon nhất của người dân Khmer. Trong ngày này còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn


nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian của người Khmer tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp trong mùa lễ Ok Om Bok.

Lễ dâng phước (Bon đa): Lễ này có nguồn gốc từ chuyện cổ tích trong kinh điển Phật Giáo. Chuyện kể rằng, ngày xưa có nàng Milika là vợ vua Pakasêti Kôsol xứ Savathây. Nàng thường làm phước từ nhỏ nhưng nàng phạm phải sai lầm là nói dối chồng và không chung thủy. Do đó, khi chết nàng bị đày xuống địa ngục. Lúc này, Đức Phật còn tại thế, nhà vua đến hỏi Đức Phật tại sao vợ ông hay làm phước mà lại bị đày xuống địa ngục. Đức Phật không trả lời ngay mà đợi vợ ông ở dưới địa ngục được bảy ngày, mới trả lời: “Hôm nay nhà ngươi hãy về làm phước để dâng phước lành cho vợ nhà ngươi được siêu thoát lên cõi Niết bàn”. Dựa vào sự tích này, sau khi người chết được bảy ngày người ta tiến hành lễ Bon đa. Buổi tối họ làm lễ bái tam bảo, thọ ngũ giới, mời sư về tụng kinh. Sáng hôm sau, sư sãi tiếp tục tụng kinh để cầu siêu, cầu phước, sau đó đem lễ vật vào chùa.

Lễ vào năm mới Pithi Chôl Chnăm Thmây: được tổ chức vào trung tuần tháng tư dương lịch – đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã gặt hái xong. Tết của người Khmer cũng có ý nghĩa giống như tết cổ truyền của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, nhưng cách tổ chức và tập tục khác nhau, vì đa số người Khmer đều là tín đồ của Phật giáo. Theo phong tục của người Khmer Nam bộ thì Tết Chôl Chnăm Thmây được tiến hành trong ba ngày theo những nghi lễ truyền thống.

Lễ cúng ông bà Sene Dolta: Theo phong tục của người Khmer trước đây, lễ Sene Dolta cổ truyền kéo dài chừng nửa tháng, khi công việc gieo cấy ngoài đồng đã xong. Trong những ngày lễ Sene dolta, buổi sáng từng nhà chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon mang đến chùa, tổ chức thành lễ hội chung của phum sóc, nhờ sư sãi tụng kinh cầu nguyện mọi điều tốt lành cho vong hồn những người thân đã mất, để tỏ lòng báo hiếu và tri ân ông bà tổ tiên. Ngày nay, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức lễ Sene dolta (Cúng ông bà) chỉ trong ba ngày: Ngày Cúng tiếp đón, Ngày Cúng chính, Ngày Cúng tiễn theo phong tục cổ truyền.

Ngoài một số lễ hội trên, người Khmer Nam Bộ còn rất nhiều lễ hội khác diễn ra trong năm như Lễ giỗ (Bon Khuôp), Lễ tang ma (Bon Sop)…. Trong các lễ hội, các chùa trong phum sóc đều có tổ chức những trò chơi dân gian (leo cột mỡ, đua ghe ngo,…) và các trò múa hát góp vui cho người dân tham gia lễ hội.


Tín ngưỡng – Tôn giáo: Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiều thừa. Người Khmer rất trọng sư và xem việc xây chùa, làm phước cúng dường là việc lớn trong cuộc sống tại kiếp sống này của họ.

Ở người Khmer Nam bộ đến nay vẫn còn tồn tại một loại tín ngưỡng khá phổ biến là Neck tà - thần bảo hộ cho công xã của người Khmer mà điển hình là Neck tà chủ xóm, chủ xứ hay những người có công dũng cảm chiến đấu, bảo vệ công xã cho đến khi Bà La Môn giáo và tiếp theo là Phật giáo du nhập vào vùng này thì Neck tà lại đồng hoá và dân gian hóa một số vị thần trong Bà La Môn giáo thành thần bảo hộ công xã. Và, khi Phật giáo Tiểu thừa với các định chế tu trì ràng buộc đã trở thành tôn giáo chính thống chi phối đời sống tâm linh của người dân Khmer, tín ngưỡng Neck tà mặc dù đã yếu thế nhưng vẫn được duy trì sự hiện diện của mình trong khuôn viên chùa với hình ảnh Neck tà Wat (neck tà chùa). Khi đến các sóc của người Khmer vùng ĐBSCL, chúng ta bắt gặp rất nhiều thala (ngôi nhà nhỏ dựng ở ngã ba đường để mọi người nghỉ ngơi và tránh mưa, nắng), ở đây thường có miếu cúng Neck tà.

Văn nghệ truyền thống: Trên cơ sở kế thừa những yếu tố văn hóa cổ rực rỡ, văn hóa Khmer có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa của người Kinh và người Hoa cùng định cư trên vùng đất này. Nền văn học nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ rất phong phú, đa dạng, nó thể hiện một cách duyên dáng nhưng tình cảm tế nhị, những khía cạnh thâm thúy của cuộc sống, tính vô tư, dí dỏm và yêu đời. Với thể loại dân gian, khi người dân ước muốn một điều gì quá khả năng của mình thì họ thường cầu xin Phật trời độ trì, giúp đỡ. Nên, tín ngưỡng Phật giáo đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng văn học dân gian của người Khmer Nam Bộ.

Nghệ thuật sân khấu bao gồm: Sân khấu cổ điển Rôbăm và kịch hát Dù kê. Ở sân khấu Rôbăm với nghệ thuật tổng hợp: Múa, hát, nói, kịch câm, mặt nạ… Trong nội dung vở diễn của Rôbăm đều có sự tham gia của các thần linh và đa số đều được cấu trúc theo hai tuyến nhân vật biểu hiện cho hai loại người trong xã hội thiện và ác, chánh và tà. Sân khấu Dù kê là một loại hình ca nhạc kịch truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Dù kê xuất hiện trong xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tư bản phương Tây. Câu chuyện trên sân khấu Dù kê là những câu chuyện dân gian, thần thoại của dân tộc Khmer và các dân tộc khác,


thậm chí là của nước ngoài. Nhưng bao giờ các tuồng tích ấy cũng xoay quanh chủ đề “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.

Nghệ thuật thủ công và làng nghề truyền thống: Làng nghề truyền thống: người dân Khmer có hoạt động kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp, thời gian nông nhàn họ còn thực hiện các công việc phụ thêm: dệt chiếu, làm bánh, làm khô,… Cùng với sự biến chuyển của nền kinh tế - xã hội, những nghề phụ nay đã thành nghề chính, nay dần trở thành những làng nghề truyền thống mang lại lợi ích kinh tế cho người dân cũng như sản phẩm du lịch văn hóa của vùng đồng bào Khmer đông nhất nhì vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

1.3.4. Hoạt động phát triển du lịch văn hóa Khmer Nam bộ

Sóc Trăng và Trà Vinh là hai địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc phát triển du lịch từ tài nguyên du lịch văn hóa Khmer thì tỉnh Trà Vinh chưa làm được điều này. Cả nước ta và phần lớn du khách nước ngoài tìm đến văn hóa Khmer Nam bộ chỉ tại tỉnh Sóc Trăng với các điểm du lịch như: chùa Kh’leang, chùa Chén Kiểu, đặc biệt là Chùa Dơi. Hoạt động du lịch của du khách chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan kiến trúc các chùa Khmer tại Sóc Trăng. Trong khi, như tác giả đã đề cập ở trên thì tài nguyên văn hóa Khmer còn rất nhiều và hầu hết các yếu tố ấy đều có tiềm năng về du lịch rất lớn.

Trong quá trình khảo sát và làm việc tại các điểm tài nguyên văn hóa Khmer tại Trà Vinh và Sóc Trăng, tác giả hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phát triển du lịch của các yếu tố văn hóa Khmer trong thời gian sắp tới. Thứ nhất, tiềm năng sẵn có nhưng chưa được khai thác đúng mức. Thứ hai, nguồn nhân lực am hiểu về văn hóa Khmer sẵn có từ cả hai địa phương. Thứ ba, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có và tính đặc thù của địa phương đang là mục tiêu chung của ngành du lịch Việt Nam. Thứ tư, chính quyền địa phương đã và đang có những bước chuyển mình đầu tư kích cầu cho du lịch tỉnh nhà. Thứ năm, cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ hỗ trợ đang được các đơn vị liên kết đầu tư phát triển. Việc còn lại của địa phương là xây dựng chiến lược kinh doanh và phát triển du lịch tỉnh nhà theo định hướng du lịch văn hóa Khmer Nam bộ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/08/2022